Giảng rộng
Già yếu là chuyện tất nhiên phải đến, không ai tránh khỏi, nhưng quả là thực trạng đáng thương nhất. Người già rồi thì tóc bạc, răng rụng, thân thể gầy yếu da bọc lấy xương. Gân mạch thì nổi rõ chằng chịt trên da, lưng khòm cong như cánh cung, mọi việc đã qua đều không thể nhớ lại hết được. Đã vậy lại thêm mắt mờ tai điếc, mỗi lúc đứng lên ngồi xuống đều phải nhờ cậy người khác dìu đỡ. Bởi thế, nhìn thấy người già nên sinh lòng kính trọng, không nên sinh lòng chán ghét. Nếu thấy người già yếu mà sinh lòng chán ghét không tôn kính, nên biết rằng chỉ trong chớp mắt thôi, bản thân ta rồi cũng sẽ già yếu. Lại nếu như thấy người già mà sinh lòng chán ghét không tôn kính, chỉ e tự mình không sống được đến tuổi già!
Thương thay cho những người nghèo khó! Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, mà riêng họ phải thường chịu cảnh đói thiếu, rét lạnh. Người ta ai cũng muốn được vừa lòng thích ý, mà riêng họ phải thường chịu cảnh khốn khổ. Tuy rằng nguyên nhân của sự nghèo đói phần lớn cũng do nghiệp báo đời trước của người ấy tự tạo, nhưng nếu như ta có khả năng cứu giúp mà lại không ra tay cứu giúp, chẳng phải là dạy cho con cháu sau này không biết thương yêu nhau đó sao? Chu cấp cho người đói thiếu khốn cùng, đó là xót thương cảnh ngộ trước mắt của người. Khuyên người tùy khả năng thực hành bố thí, đó là từ bi thương xót đến đời sau của người.
Trưng dẫn sự tích
Trâu hại chết ba người
Vào thời đức Phật còn tại thế, có một thương gia tên là Phất-già-sa, một hôm đi vào thành La Duyệt, vừa vào bên trong cửa thành thì bị một con trâu cái húc chết. Người chủ có trâu sợ quá, gấp rút bán con trâu. Người mua trâu trong lúc dắt trâu đi uống nước thì bị nó từ phía sau húc tới, mất mạng. Gia quyến người ấy giận quá, giết chết con trâu, làm thịt đem bán. Có một nông dân mua cái đầu trâu mang về, trên đường tình cờ đi ngang một cây lớn thì dừng lại nghỉ ngơi, treo cái đầu trâu lên cành cây. Vừa ngồi nghỉ mệt trong chốc lát thì bất ngờ sợi dây buộc bị đứt, đầu trâu rơi xuống, người ấy liền bị sừng trâu đâm chết.
Bấy giờ, vua Bình Sa nghe biết mọi chuyện lấy làm lạ, liền đến thưa hỏi đức Phật. Phật dạy: “Thuở xưa có 3 người thương nhân, cùng thuê phòng trọ ở nhà một bà lão. Ba người này thấy bà già yếu cô độc, cho rằng không có sức làm gì được mình, bèn nhân lúc bà vắng nhà liền bỏ đi mà không trả tiền thuê phòng trọ. Bà lão biết chuyện lập tức đuổi theo kịp, ba người lại to tiếng mắng rằng: ‘Bọn ta đã trả tiền trước rồi, sao giờ còn theo đòi?’ Bà lão chẳng làm gì được, chỉ biết ôm mối hận thấu xương quay về, thề độc rằng đời sau gặp lại sẽ giết chết cả ba người mới hả giận. Bà lão thuở đó, nay chính là con trâu cái. Ba người thương nhân thuở đó, nay chính là Phất-già-sa với hai người kia, trong một ngày cùng bị giết chết bởi con trâu ấy.”
Lời bàn
Đó thật là đã già lại còn nghèo khó. Bọn ông Phất-già-sa... ba người ấy chính là đã khinh thường người già yếu, lại cũng không biết thương người nghèo khó. Đến lúc đủ nhân duyên gặp nhau, nếu như món nợ cũ không trả thì còn đợi đến bao giờ?
Người chết cứu lửa
Vào đời Thanh, ở Hàng châu có người tên Viên Ngọ Quỳ, tên húy là Tư, bình sinh ưa thích làm việc bố thí. Gặp khi có loạn Tam phiên, vùng Triết Giang rất nhiều phụ nữ bị bắt giam giữ, Viên Ngọ Quỳ từng dốc hết tiền bạc để chuộc nhiều người ra. Ông cũng thường cho khắc in và lưu truyền những bài thuốc hay để trị bệnh, cùng với những câu cách ngôn nói về nhân quả để khuyên người đời bỏ ác làm lành.
Vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 5, có người hầu gái của Viên Ngọ Quỳ lo việc pha trà, chứa than trong một cái thùng gỗ. Có cục than chưa tắt hẳn, lửa lan dần ra cả thùng. Thùng than lại đặt bên một giường gỗ trên gác cao, rất ít người lui tới chỗ ấy. Viên Ngọ Quỳ tuy có người con gái đang bị bệnh nằm trong phòng chỉ cách đó một bức tường, nhưng không hề hay biết. Khi ấy, người con gái này bỗng nhiên nhìn thấy một cụ bà đã chết hiện ra ngay giữa ban ngày, dùng móng tay khều vào mặt cô. Cô gái kinh sợ quá, kêu thét vang trời. Nhờ đó, người trong nhà mới vội vã kéo nhau chạy lên thì nhìn thấy cái thùng gỗ đã cháy thành tro, giường gỗ bên cạnh đã cháy hết một nửa, thế lửa đang bốc lên ngày càng lan rộng ra. Mọi người phải cùng nhau tận lực mới kịp thời dập tắt được ngọn lửa.
Cụ bà đã chết hiện hình hôm ấy vốn trước đây khi tìm đến nhà Viên Ngọ Quỳ thì đã 60 tuổi. Viên Ngọ Quỳ thấy bà không con cái nên dùng lời an ủi, cho trú ngụ trong nhà mình. Cụ bà ở lại được mấy năm thì người chồng của bà tìm đến, Viên Ngọ Quỳ cũng thu nhận cho ở trong nhà nuôi dưỡng. Hai vợ chồng này vì thế hết sức biết ơn Viên Ngọ Quỳ. Cả hai người đều sống cho đến khoảng 80 tuổi mới qua đời.
Những người biết chuyện này đều cho rằng cụ bà đã hiện hình giúp họ Viên thoát nạn cháy nhà, đó là để báo đáp ân đức của Viên Ngọ Quỳ.
Lời bàn
Những trường hợp này là già yếu lại thêm nghèo khó. Đã thương người già, lại xót người nghèo, giúp cho cả hai vợ chồng người kia đều được chu cấp đầy đủ, âm đức như thế chẳng phải là to lớn lắm sao?