Giảng rộng
Chữ “trung” đó là do nơi trong lòng người, không thể xem dáng vẻ cung kính bên ngoài mà biết được. Cho nên giúp người hạn chế tai ương, ngăn ngừa hoạn nạn, đó là trung. Giúp người phô bày điều thiện, ngăn cấm sự tà vạy sai trái, đó cũng là trung. Vì người bôn ba xuôi ngược, đó là trung. Đem hết sức mình phụng sự người lãnh đạo đất nước, đó cũng là trung.
Bằng như kẻ giúp việc điều hành đất nước mà chỉ biết trên nói sao dưới nghe theo vậy, bất kể đúng sai đều phụ họa, dua nịnh; nhân dân có điều khổ sở oán thán thì ém nhẹm không trình báo lên; chính sách có điều tốt đẹp, lợi lạc cho nhân dân cũng tránh né không mang ra thi hành; chỉ biết quan tâm riêng việc thôi thúc giao nộp thuế má, gọi đó là chấp hành pháp luật; lấy sự khắt khe soi mói người dân để gọi là công minh sáng suốt; đó chính là trường hợp mà Mạnh tử từng hết lời phản bác đối với những kẻ luôn ngụy biện rằng “vua của ta không thể làm được như thế”. Như vậy sao có thể gọi là trung?
Đối tượng của “lòng trung” không hẳn chỉ là riêng với người lãnh đạo đất nước. Như quan hệ cấp dưới đối với cấp trên, người giúp việc đối với chủ thuê, cho đến mọi quan hệ ứng xử giữa người với người, đều phải giữ lòng trung. Dưới đây lược cử hai trường hợp để nêu lên ý nghĩa của lòng trung.
Trưng dẫn sự tích
Tận tụy báo ơn chủ
Vào đời nhà Minh, huyện Thuần An thuộc tỉnh Triết Giang có nhà họ Từ, anh em trong nhà cùng phân chia tài sản. Người anh cả được một con ngựa, anh kế được một con trâu. Người em út đã mất để lại vợ góa, chỉ được hai anh chia cho một người nô bộc tên A Ký.
A Ký khi ấy đã hơn 50 tuổi. Người vợ góa liền khóc mà nói rằng: “Ngựa có thể dùng để cưỡi, trâu có thể dùng để cày ruộng, phần tôi nhận lão bộc này chỉ tốn cơm nuôi thôi.”
A Ký liền hỏi lại: “Bà chủ nói như thế là cho rằng tôi đây không được bằng như trâu, như ngựa chăng?” Từ đó liền thay bà chủ nghĩ cách làm ăn sinh sống. Người vợ góa mang hết những đồ trang sức của mình bán đi, được cả thảy 12 lượng bạc. A Ký mang số bạc ấy đi lên vùng núi mua nhựa cây sơn về bán lại, chỉ trong một năm số vốn ấy đã tăng gấp 3 lần. Lại buôn bán trong 20 năm nữa, tích lũy gia sản cho người vợ góa lên đến hàng vạn lượng bạc. A Ký thay bà chủ gả chồng cho ba người con gái, lại mời thầy giỏi về dạy học cho hai người con trai, về sau đều kết thông gia với các gia đình có danh vọng, sính lễ lên đến hàng ngàn lượng bạc, lại dựa theo thông lệ xin được cho vào Thái học.
A Ký mỗi khi gặp người trong họ Từ, dù nhỏ tuổi cũng kính trọng chắp tay thi lễ. Suốt đời luôn giữ cung cách nghiêm trang, không bao giờ liếc nhìn bà chủ. Đối với những cô con gái của chủ, cho dù nhỏ tuổi nhưng ông vẫn giữ lễ không bao giờ đứng chung ngang hàng. Đến khi lâm bệnh nặng biết mình không qua khỏi, ông mang hết sổ sách quản lý giao lại cho bà chủ, nói rằng: “Hai vị tiểu chủ giờ đã có thể thay thế cai quản gia nghiệp, lão già này đem hết sức trâu ngựa báo đền ơn chủ, đến nay xem như đã xong.”
A Ký qua đời, xem lại nơi ông sống tuyệt nhiên không một chút tiền bạc của cải gì của nhà chủ. Vợ ông với một người con trai cũng chỉ vừa đủ y phục che thân mà thôi.
Lời bàn
Giữ được tấm lòng như A Ký, làm tròn bổn phận như A Ký, vì chủ nhân mà mưu tính việc làm ăn sinh sống như A Ký, cho dẫu là bậc đại hiền cũng không thể làm hơn thế. Người như vậy mà rốt lại chỉ là một kẻ dân thường nơi xóm thôn vắng vẻ, quả thật đáng kinh ngạc lắm thay!
Chủ nhân vẽ tượng lễ bái
Đời nhà Thanh, vào niên hiệu Thuận Trị năm thứ nhất, vùng An Huy, huyện Thanh Dương, nhà Ngô Lục Phòng có người giúp việc tên là Ngô Mao, thường giữ Năm giới, làm nhiều việc thiện, niệm Phật không gián đoạn. Gặp lúc Tả Lương Ngọc đưa quân vượt Trường giang, cả nhà Ngô Lục Phòng đều phải đi lánh nạn, chỉ để lại một mình Ngô Mao thay chủ giữ nhà, rốt lại bị quân giặc bắt gặp đâm vào người 7 nhát mà chết. Vừa khi ấy có người em của Ngô Mao đến, Ngô Mao chợt tỉnh lại nói với em: “Anh đời trước tạo nhiều tội nghiệp, lẽ ra phải thọ sinh làm thân lợn trong 7 kiếp. Nay nhờ công đức trì giới niệm Phật nên chịu 7 nhát dao đâm mà giải trừ hết sạch oan nghiệp đời trước. Từ nay anh được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.”
Về sau, người chủ là Ngô Lục Phòng có lần hốt nhiên nhìn thấy Ngô Mao trên đường thẳng đến, phía trước phía sau đều có cờ xí trang nghiêm che rợp. Ngô Mao đến trước Ngô Lục Phòng thi lễ rồi nói rằng: “Tôi là Ngô Mao, nhân có việc phải đến cõi trời, tình cờ ngang qua đây.” Nói xong thì biến mất.
Ngô Lục Phòng liền cho người vẽ lại hình tượng Ngô Mao, mỗi ngày đều cung kính lễ bái.
Lời bàn
Chịu 7 nhát dao đâm thay đổi được 7 kiếp làm thân lợn, đó gọi là nghiệp báo nặng mà thọ báo nhẹ, dứt được tội đời trước. Nhờ công đức niệm Phật mà được vãng sinh, đó gọi là chuyển đổi thân phàm phu nhập vào dòng thánh, do nền tảng tu tập chân chánh mà được hưởng quả siêu việt.