Có một lần, đức Phật đang thuyết pháp tại thành Câu Thiểm Di, trong
chúng đệ tử chợt nổi lên một vụ tranh chấp kịch liệt, không ai chịu
nhường nhịn ai. Đức Phật bèn tập họp đại chúng lại, thuyết giáo như sau:
– Các ông đừng tranh chấp, không thể dùng sự tranh chấp để giải quyết
tranh chấp. Chỉ có nhẫn nhục mới làm ngừng lại được mọi sự tranh chấp mà
thôi. Ta mong các ông hãy tôn trọng công đức của nhẫn nhục.
Ngày xưa tại nước Kiều Tát Di có vị vua tên là Trường Thọ, và nước Ba La
Nại có vua tên là Phạm Dự, là hai nước láng giềng của nhau. Một hôm vua
Phạm Dự dẫn đại binh xâm lấn nước Kiều Tát Di, vua Trường Thọ cũng chỉ
huy một đội binh ra kháng cự.
Cuối cùng vua Trường Thọ bắt sống được vua Phạm Dự, nhưng không những
không giết mà còn đem phóng thích, và nói:
– Vận mệnh của ngài đang nằm trong tay tôi, tôi tha cho ngài, từ nay về
sau xin ngài đừng dấy binh gây chiến nữa.
Ngay lúc ấy vua Phạm Dự hoan hỉ lạy tạ. Nhưng về nước ít lâu sau, ông
lại khởi một đại binh trở lại báo thù rửa hận. Khi ấy, vua Trường Thọ
suy nghĩ:
– Ta tuy có thể đánh thắng y, nhưng y sẽ không chịu thua ta. Ta lại đánh
thắng y một lần nữa không có chi là khó, nhưng trong thâm tâm y sẽ không
bao giờ chịu hàng phục, hơn nữa chiến tranh là rất tàn ác. Ta muốn thắng
y, y cũng muốn thắng ta. Ta muốn hại y, y cũng sẽ muốn hại ta. Y muốn
xâm lấn lãnh thổ của ta khiến cho dân chúng của hai nước phải chịu nhiều
khổ đau, thật là không đáng chút nào. Nếu y muốn đất nước của ta thì ta
sẽ nhường đất nước cho y, không cùng y giao chiến. Như vậy trăm họ trong
hai nước sẽ khỏi điều khổ đau chết chóc.
Vua Trường Thọ suy nghĩ như thế xong, gọi đại thần đem việc nước giao
cho vua Phạm Dự cai quản, còn mình thì đưa hoàng hậu và thái tử lên xe
lánh đến một vương quốc khác ẩn thân. Vương quốc ấy không đâu khác hơn
mà chính là đất nước của vua Phạm Dự.
Vua Trường Thọ thay họ đổi tên, mặc thường phục, nghiên cứu học hỏi nghề
nghiệp, đi khắp các đô thị lớn, hòa nhã hiền dịu, dùng lời ca điệu múa
mang niềm vui cho dân chúng khắp nơi, và gởi gắm thái tử cho người khác
nuôi nấng.
Vua Phạm Dự được mật báo cho biết là vua Trường Thọ đã thay họ đổi tên
và trốn ngay trong lãnh thổ của mình, bèn lập tức hạ lệnh bắt về. Dân
chúng thấy vua Trường Thọ bị bắt, ai nấy đều thương tâm khóc không thành
tiếng.
Thái tử con vua Trường Thọ tên là Trường Sinh Đồng Tử, được gởi nuôi ở
một nơi khác, lớn lên thông minh lanh lợi, biết làm đủ mọi nghề, nghe
tin vua cha bị bắt, bèn cải dạng làm một người tiều phu, tìm cách lén
lút gặp vua cha. Vua Trường Thọ thấy con trai của mình, làm như không hề
có chuyện chi xảy ra, bảo con rằng:
– Nhẫn! Nhẫn! Đó mới là đạo hiếu! Đừng kết nhân quả oán thù, hành đại
nguyện từ bi mới là điều quan trọng. Giữ trong tâm mầm mống của sự hung
ác độc hại, kết thù gây oán là gieo trồng gốc rễ của ngàn năm tai họa,
đó không phải là cách xử sự của người con hiếu thảo. Con phải biết, tâm
từ bi của chư Phật bao dung cả trời đất, các Ngài coi kẻ oán người thân
bình đẳng như nhau. Ta tìm đạo chân thật, xả thân để cứu người mà còn sợ
không làm tròn đạo hiếu, nay nếu con vì ta mà báo thù kết oán là đi
ngược lại con đường của ta rồi! Dầu gì đi nữa, ta cũng không thể cho
phép con giữ ý định ấy. Con phải nhớ lời ta dặn mới là đứa con hiếu thảo
của ta.
Trường Sinh Đồng Tử biết tâm ý của vua cha, nhưng không đành lòng ngồi
nhìn cha bị giết oan nên trốn vào một khu rừng sâu lánh nạn. Tất cả
những thân sĩ hào tộc trong nước Ba La Nại đều thương tình vua Trường
Thọ và đều hy vọng ông vua vô tội này sẽ được thả ra.
Nhưng vua Phạm Dự thấy cảm tình của mọi người đối với vua Trường Thọ thì
rất lấy làm lo sợ, ông nghĩ trừ họa thì phải trừ tận gốc, nên hạ lệnh
chém đầu vua Trường Thọ.
Khi Trường Sinh Đồng Tử biết vua cha đã bị giết, nửa đêm liền lén vào
thành cướp tử thi, dùng gỗ thơm tẩm liệm và chí thành khẩn thiết cầu
siêu cho cha.
Vua Phạm Dự biết vua Trường Thọ có một người con trai tên là Trường Sinh
Đồng Tử, ông hết sức lo sợ sẽ có ngày vị thái tử này đến báo thù cho cha
nên ăn ngủ không yên, bèn ra lệnh truy nã Trường Sinh Đồng Tử một cách
gắt gao.
Trường Sinh Đồng Tử thay họ đổi tên, về thành Ca Thi sống, trở nên một
nhạc sĩ lừng danh, rất được ái mộ trong giới danh gia quý tộc.
Một hôm vua Phạm Dự được nghe nhạc của chàng rất lấy làm thích thú, bèn
truyền lệnh cho chàng về cung làm người hầu cận gần gũi nhất, vua tín
dụng chàng đến nỗi giao cả bảo đao hộ thân cho chàng cầm giữ.
Một hôm, vua Phạm Dự lên núi săn bắn, lạc mất đường về và mất luôn cả
liên lạc với đoàn tùy tùng, bên thân ông chỉ còn mỗi một Trường Sinh
Đồng Tử. Vua tìm đường về, thật lâu mà vẫn không tìm ra, ông mệt mỏi gối
đầu lên đùi của Trường Sinh Đồng Tử nhắm mắt nghỉ ngơi.
Ngay lúc ấy, Trường Sinh Đồng Tử nghĩ thầm:
– Tên vua ác độc này là một tên hôn quân vô đạo, hắn đã giết người cha
vô tội của ta, chiếm đoạt lãnh thổ của cha ta. Hiện giờ sinh mệnh của
hắn đang nằm trong tay ta, đúng là một cơ hội trời cho, đây thật là cái
dịp ngàn năm một thuở cho ta báo thù rửa hận.
Nghĩ đến đây, Trường Sinh Đồng Tử rút đao ra định giết vua Phạm Dự,
nhưng cũng đúng lúc ấy, chàng nhớ lại lời dặn dò sau cùng của phụ vương,
bèn cho đao vào vỏ trở lại. Vừa lúc ấy vua Phạm Dự hoảng hốt giật mình
tỉnh giấc, nói với Trường Sinh Đồng Tử rằng:
– Ôi chao! Thật là dễ sợ! Thật là dễ sợ! Ta vừa mộng thấy Trường Sinh
Đồng Tử đến đây báo thù, cầm đao cắt đầu ta.
Trường Sinh Đồng Tử nghe vua nói thế, chậm rãi trả lời rằng:
– Xin đại vương đừng lo sợ gì cả. Trường Sinh Đồng Tử chính là thần đây.
Thú thật với đại vương, trong lúc đại vương đang ngủ, thần quả có ý định
báo thù, nhưng chợt nhớ lại di huấn của cha nên thần lại cho đao vào vỏ
trở lại.
– Di huấn của cha ngươi như thế nào?
Vua Phạm Dự hấp tấp hỏi. Trường Sinh Đồng Tử lập lại di huấn của cha:
“Nhẫn! Nhẫn! Đó mới là đạo hiếu! Đừng gieo nhân quả oán thù, tâm độc hại
chính là gốc rễ của ngàn năm tai họa.”
Vua Phạm Dự tỏ vẻ không hiểu ý câu nói ấy, hỏi lại Trường Sinh Đồng Tử:
– Ta hiểu nghĩa chữ “nhẫn! nhẫn!” nhưng “tâm độc hại chính là gốc rễ của
vạn năm tai họa” có nghĩa là gì?
– Thần giết đại vương, Trường Sinh Đồng Tử đáp, thì bầy tôi của đại
vương tất nhiên sẽ muốn giết thần. Rồi bầy tôi của thần cũng nhất định
muốn giết bầy tôi của đại vương. Tình trạng giết qua giết lại này sẽ
luân chuyển vĩnh viễn không bao giờ ngừng. Còn nếu thần tha cho đại
vương, đại vương tha cho thần, chỉ có nhẫn mới trừ được căn nguyên của
tai họa.
Vua Phạm Dự nghe thế hết sức cảm động, hối hận lẩm bẩm tự nói một mình:
– Ta đã giết hại một thánh nhân, tội của ta thật đáng chết!
Ngay giờ phút đó, ông thành tâm muốn nhường cả đất nước cho Trường Sinh
Đồng Tử, nhưng Trường Sinh Đồng Tử nói một cách khiêm tốn và trang
trọng:
– Đất nước của đại vương là sở hữu của đại vương, chỉ xin đại vương trả
lại cho thần lãnh thổ của vua cha là đủ!
Vua Phạm Dự và Trường Sinh Đồng Tử cùng tìm đường trở về thành. Trên
đường về, họ gặp rất nhiều vị đại thần của vua Phạm Dự. Vua Phạm Dự muốn
thử lòng họ, bèn hỏi:
– Này các khanh, ta muốn hỏi các khanh một điều: giả sử các khanh gặp
Trường Sinh Đồng Tử thì các khanh sẽ đối phó với y ra sao?
Các vị đại thần muôn người như một trả lời:
– Chặt tay hắn!
– Chém đầu hắn!
– Giết hắn chết!
Vua Phạm Dự chỉ Trường Sinh Đồng Tử nói:
– Đây chính là Trường Sinh Đồng Tử.
Các vị đại thần kinh hãi, họ nhất loạt rút kiếm giương cung, sửa soạn
giết Trường Sinh Đồng Tử, nhưng vua Phạm Dự lập tức ngăn lại:
– Không được động thủ!
Rồi vua kể lại câu chuyện Trường Sinh Đồng Tử lấy đức báo oán cho các vị
đại thần nghe khiến các vị này vô cùng cảm động. Vua Phạm Dự còn dặn dò
là sau này, bất kỳ người nào cũng không được có ác ý với Trường Sinh
Đồng Tử. Các vị đại thần nghe thế rất khâm phục ngài.
Trở về cung rồi, vua Phạm Dự mời Trường Sinh Đồng Tử tắm bằng nước thơm,
lấy y phục vương giả khoác lên người chàng, nhường cung điện cho chàng,
mời chàng lên ngồi lên giường vàng của mình và còn đem công chúa gả cho
chàng nữa. Sau đó, vua phái rất nhiều quân lính, ngựa, voi hộ tống chàng
về nước.
Sau khi kể đến đây, đức Phật bảo đại chúng:
– Chư tỳ-kheo! Các ông nghe chuyện này rồi có cảm nghĩ thế nào? Vua
Trường Thọ của nước Kiều Tát Di thực hành nhẫn nhục, với tâm đại từ đại
bi đầy đủ thí ân huệ cho người thù của mình, là một tấm gương sáng, các
ông nên cố gắng noi theo. Các ông là những người có lòng tin chân thành,
rời bỏ quê nhà, cắt đứt ân ái gia đình, chưa nghiên cứu sâu chân lý của
vũ trụ và cầu chứng thực tướng của nhân sinh, thì phải thực hành nhẫn
nhục, tán thán nhẫn nhục, thực hành đại bi, tán thán đại bi, đem ân huệ
bố thí cho tất cả chúng sinh, thực tướng trong vũ trụ đồng một thể,
không nên có những tranh chấp giữa “ta” và “người”.
Đại chúng nghe lời Phật dạy đều cúi đầu nhận lãnh, không ai còn khởi tâm
tranh chấp với nhau nữa.