Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình.
Kinh Pháp cú
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
12. PHẨM PHẠM CHÍ
(Phần Ðầu)
145. KINH CÙ-MẶC MỤC-KIỀN-LIÊN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, sau khi Đức Phật Bát-niết-bàn chưa bao lâu, Tôn giả A-nan du hóa tại thành Vương xá.
Lúc bấy giờ đại thần Vũ Thế[02], nước Ma-kiệt-đà, đang chỉnh trị thành Vương xá để phòng ngừa dân Bạt-kỳ[03]. Rồi đại thần Vũ Thế sai Cù mặïc Mục-kiền-liên, một người làm ruộng[04], đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà.
Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc sáng sớm khoác y ôm bát vào thành Vương xá để khất thực, rồi Tôn giả A-nan nghĩ rằng: "Hãy gác việc khất thực trong thành Vương xá lại đã. Ta hãy đến chỗ Cù-mặïc Mục-kiền-liên, người làm ruộng."
Phạm chí Cù-măïc Mục-kiền-liên[05] từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đi đến, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Tôn giả A-nan, bạch rằng:
"Kính chào A-nan, lâu nay không thấy đến. Xin mời ngồi trên chỗ này."
Tôn giả A-nan liền ngồi trên chỗ ngồi đó.
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi chào hỏi Tôn giả A-nan, rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng:
"Bạch A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?"
Tôn giả A-nan trả lời rằng:
"Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi đi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ ."
Bèn hỏi rằng:
"Bạch A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?"
Trong khi Tôn giả A-nan và Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên đang thảo luận vấn đề này thì đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đang đi ủy lạo những người làm ruộng[06], đến chỗ của Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng. Đại thần Vũ Thế từ xa trông thấy Tôn giả A-nan ở trong chỗ Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng, bèn đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, hỏi rằng:
"Bạch A-nan, vừa rồi cùng với Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên thảo luận vấn đề gì vậy? Vì việc gì mà cùng hội họp ở đây?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Vũ Thế, Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên hỏi tôi rằng 'A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?"
Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
"A-nan, ngài trả lời ông ấy như thế nào?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được."
Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
"Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được. Nhưng có Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập nên và nói rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa của các Tỳ-kheo', và vị ấy nay là nơi nương tựa của các người?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến[07], được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên và nói rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo' và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi."
Đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
"Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo và ngày nay đang là chỗ nương tựa cho các Tỳ-kheo' và vị ấy nay là nơi nương tựa cho các người. Nhưng có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp và bái lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo', và vị ấy nay đang là nơi nương tựa của các người?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Vũ Thế, cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo' và vị ấy nay đang là chỗ nương tựa cho chúng tôi."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
"Vâng, A-nan, không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm, cũng không một Tỳ-kheo nào được Sa-môn Cù-đàm trong lúc tại thế lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo' để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Cũng không Tỳ-kheo nào được Tăng chúng hòa hiệp bái lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo' để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho các người. Này A-nan, nếu vậy các người hiện tại không có ai để nương tựa, nhưng cùng sống hòa hiệp, không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, khoái lạc du hành như trong lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế chăng?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Vũ Thế, ông đừng nói rằng chúng tôi không có ai để nương tựa. Vì sao vậy? Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đáp rằng:
"Bạch A-nan, những điều được nói trước và sau sao lại không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy 'Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác trong lúc tại thế lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo' để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo' để vị ấy nay là nơi nương tựa cho chúng tôi'. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì, nay lại nói rằng 'Thật sự chúng tôi có nơi nương tựa'?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Vũ Thế, chúng tôi không nương tựa nơi người, nhưng nương tựa nơi pháp. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi nương tựa nơi thôn ấp mà sống, vào ngày mười lăm là ngày thuyết Tùng giải thoát, cùng tập họp ngồi tại một chỗ. Nếu có Tỳ-kheo nào hiểu biết pháp, chúng tôi thỉnh vị ấy thuyết pháp cho chúng tôi. Nếu chúng Tăng ấy được thanh tịnh, chúng tôi hoan hỷ phụng hành pháp mà Tỳ-kheo ấy đã nói. Nếu chúng Tăng ấy không thanh tịnh, tùy theo pháp được nói, chúng tôi khuyên dạy làm cho đúng[08]."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:
"Bạch A-nan, không phải các ngài khuyên dạy làm cho đúng, nhưng chính là pháp khuyên dạy làm cho đúng. Như vậy, A-nan, một ít pháp hay có nhiều pháp thảy đều có thể được tồn tại lâu dài, và như vậy A-nan, các ngài sống hòa hiệp không tranh chấp, an ổn, đồng nhất một giáo pháp, cùng hiệp nhất như nước với sữa, khoái lạc du hành như lúc Sa-môn Cù-đàm tại thế."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
"Này A-nan, có vị nào đáng tôn kính chăng?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Vũ Thế, có vị xứng đáng được tôn kính."
Vũ Thế bạch rằng:
"Bạch A-nan, những điều được nói sao lại trước sau không phù hợp nhau? A-nan vừa nói như vầy 'Không một Tỳ-kheo nào sánh ngang Thế Tôn, cũng không một Tỳ-kheo nào được Thế Tôn trong lúc tại thế lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Ta Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo" để vị ấy nay đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Cũng không có một Tỳ-kheo nào được chúng Tăng hòa hiệp bái lập lên rằng 'Tỳ-kheo này sau khi Thế Tôn Niết-bàn sẽ là nơi nương tựa cho các Tỳ-kheo' để nay vị ấy đang là nơi nương tựa cho chúng tôi. Nhưng này A-nan, do nhân gì, duyên gì nay lại nói rằng 'Có vị xứng đáng được tôn kính'?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Vũ Thế, Thế Tôn, bậc Tri kiến, là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã có dạy về mười pháp đáng tôn kính[09]. Nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào có mười pháp này, chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự Tỳ-kheo ấy."
"Những gì là mười?
"Này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu tập cấm giới, thủ hộ Tùng giải thoát, lại khéo thu nhiếp oai nghi lễ tiết, thấy tội lỗi nhỏ nhặt cũng thường sanh lòng lo sợ, thọ trì học giới. Này Vũ Thế, nếu chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực hành trì tăng thượng giới thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự bác văn, đối với những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, đối với các pháp như vậy, học rộng nghe nhiều, tụng thuộc cho đến hằng nghìn, chuyên ý tư duy quán sát, thấy rõ, hiểu sâu[10]. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực đa văn thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ấy xứng đáng là thiện tri thức, xứng đáng là thiện bằng hữu, xứng đáng là người bạn đồng hành tốt. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào thật sự xứng đáng là thiện tri thức, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích đời sống viễn ly, thành tựu cả hai sự viễn ly là thân và tâm. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào thật sự rất ưa thích đời sống viễn ly thì chúng tôi ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo ưa thích sự tĩnh tọa, nội hành tĩnh chỉ vắng lặng[11], cũng không rời tư sát, thành tựu quán hạnh, tăng trưởng không hành[12]. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất ưa thích sự tĩnh tọa, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt che thân, ăn chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc. Cũng như con nhạn mang theo đôi cánh bay liệng trong hư không; cũng vậy, Tỳ-kheo tri túc, áo cốt che thân, ăn chỉ để sống, đi đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất tri túc thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành chuyên niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã tập hành từ lâu, những gì đã từng nghe từ lâu, hằng ghi nhớ không quên. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất chánh niệm thì chúng tôi thường ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo thường hành tinh tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu tập các thiện pháp, hằng tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố, đối với các gốc rễ thiện pháp không từ bỏ phương tiện. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào rất tinh cần thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy, được như thật trí, thánh tuệ minh đạt, phân biệt thông suốt để chân chánh diệt tận sự khổ. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào tích cực tu hành trí tuệ thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Tỳ-kheo các lậu đã diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào các lậu đã diệt tận, thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy.
"Lại nữa, này Vũ Thế, Thế Tôn, Bậc Tri Kiến, là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, giảng thuyết mười pháp xứng đáng được tôn kính này. Này Vũ Thế, khi chúng tôi thấy Tỳ-kheo nào hành mười pháp này thì chúng tôi cùng ái kính, tôn trọng, cúng dường, tôn phụng, lễ sự Tỳ-kheo ấy."
Lúc bấy giờ, đám đông ở đây cất cao tiếng lớn nói[13]:
"Có thể tu tập con đường chánh trực chứ không phải không thể tu. Nếu ai tu tập con đường chánh trực, chứ không phải không thể tu thì vị ấy là A-la-hán ở trong đời, xứng đáng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự. Nếu các ngài đối với con đường chánh trực nên tu tập mà có thể tu tập, thế thì trong đời các ngài là A-la-hán, xứng đáng ái kính, tôn trọng, cúng dường, lễ sự[14]."
Rồi đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà cùng với đám tùy tùng nói:
"A-nan, nay đang trú tại đâu?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Tôi đang du hành tại Vương xá này, ở trong Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà."
"A-nan, vườn trúc Ca-lan-đà thật là khả ái, đáng ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích. Ban ngày không ồn ào, ban đêm vắng lặng, không có muỗi mòng, ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. A-nan, ngài thích sống trong Trúc lâm Ca-lan-đà chăng?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Thật vậy, Vũ Thế, vườn trong Trúc lâm Ca-lan-đà rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Này Vũ Thế, tôi thích trú trong vườn Trúc lâm Ca-lan-đà ấy. Vì sao? Vì được Tôn giả ủng hộ[15]."
Lúc ấy, đại tướng Bà-nan[16] cũng ở giữõa đám đông ấy. Đại tướng Bà-nan thưa:
"Thật vậy, Vũ Thế, vườn trong Trúc lâm Ca-lan-đà rất khả ái, dễ ưa, rất chỉnh đốn, dễ thích, ban ngày không ồn ào, ban đêm thì vắng lặng, không có muỗi mòng, không có ruồi nhặng, không lạnh, không nóng. Tôn giả ấy thích trú tại Trúc lâm Ca-lan-đà. Vì sao vậy? –Vì Tôn giả này hành thiền tứ, ưa thích thiền tứ[17]."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà nghe xong bèn nói:
"Này đại tướng Bà-nan, trước đây, khi Sa-môn Cù-đàm du hành lạc viên Kim-bệ-la[18], này đại tướng Bà-nan, lúc bấy giờ tôi nhiều lần đến thăm Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm hành thiền tứ, ưa thích thiền tứ, tán thán tất cả thiền tứ."
Tôn giả A-nan nghe xong, nói rằng:
"Vũ Thế, đừng nói rằng: Sa-môn Cù-đàm tán thán tất cả thiền tứ. Vì sao vậy? Thế Tôn có khi tán thán thiền tứ, nhưng có khi không tán thán."
Đại thần Vũ Thế nước Ma Kiệt lại hỏi:
"A-nan, Sa-môn Cù-đàm không tán thán thiền tứ; nhưng không tán thán loại thiền tứ nào?"
Tôn giả A-nan đáp rằng:
"Vũ Thế, hoặc có người bị trói buộc bởi tham dục mà phát khởi tham dục, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi tham dục cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ mà trầm trọng thiền tứ[19]. Đó là loại thiền tứ thứ nhất mà Thế Tôn không tán thán.
"Lại nữa, Vũ Thế, hoặc có người bị triền phược bởi sân nhuế mà móng khởi sân nhuế, không biết như thật sự xuất yếu, người ấy vì bị chướng ngại bởi sân nhuế cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ hai Thế Tôn không tán thán.
"Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi thùy miên mà móng khởi thùy miên, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi thùy miên cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ ba mà Thế Tôn không tán thán.
"Lại nữa, này Vũ Thế, bị triền phược bởi nghi hoặc mà móng khởi nghi hoặc, không biết như thật sự xuất yếu. Người ấy vì bị chướng ngại bởi nghi hoặc cho nên thiền tứ, tăng gia thiền tứ, mà trầm trọng thiền tứ. Vũ Thế, đó là loại thiền tứ thứ tư Thế Tôn không tán thán.
"Này Vũ Thế, Thế Tôn không tán thán bốn loại thiền tứ này."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:
"Bạch A-nan, bốn loại tư sát này thật đáng ghét, là những trường hợp đáng ghét, Sa-môn Cù-đàm không tán thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà lại hỏi:
"A-nan, những loại thiền tứ nào được Sa-môn Cù-đàm tán thán?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Vũ Thế, tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Vũ Thế, Thế Tôn tán thán bốn loại thiền tứ này."
Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà bạch rằng:
"Bạch A-nan, bốn loại thiền tứ này thật đáng tán thán, là những trường hợp đáng tán thán, được Sa-môn Cù-đàm tán thán. Vì sao vậy? Vì là Bậc Chánh Đẳng Giác vậy. A-nan, tôi nhiều việc ứ đọng, xin phép cáo từ."
Tôn giả A-nan nói:
"Xin cứ tùy ý."
Rồi đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà sau khi nghe Tôn giả A-nan nói, cẩn thận ghi nhớ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Tôn giả ba vòng rồi trở lui.
Lúc bấy giờ Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đi không bao lâu, bạch rằng:
"Bạch A-nan, phải chăng những điều tôi hỏi đã không được trả lời?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Mục-kiền-liên, quả thật tôi đã không trả lời."
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:
"A-nan, tôi lại có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ."
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên bèn hỏi rằng:
"A-nan, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, ba giải thoát này có sự sai biệt nào và có sự thắng liệt nào chăng?"
Tôn giả A-nan đáp:
"Này Mục-kiền-liên, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, ba giải thoát này không có sai biệt, cũng không có sự thắng liệt."
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên bạch rằng:
"Bạch A-nan, mong ngài ở lại đây dùng cơm."
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời.
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên biết Tôn giả A-nan im lặng nhận lời bèn rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, tự tay lấy nước, rửa dọn các thức ăn rất tịnh diệu với các loại nhai và nuốt rất thịnh soạn, tự tay châm chước cho đến no đủ. Ăn xong, dọn dẹp chén bát, dùng nước rửa xong, lấy một cái giường nhỏ ngồi riêng một bên nghe pháp. Tôn giả A-nan thuyết pháp cho ông nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, Tôn giả A-nan đứng dậy ra về[20].
Tôn giả A-nan thuyết như vậy. Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà và Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi nghe Tôn giả A-nan thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 36. Tương đương Pāli M. 108 Gopaka-Moggallāna-suttam.
[02] Ma-kiệt-đà đại thần Vũ Thế. Pāli: Vassakāro brāmaṇo Magadhamahāmatto. Xem cht.5, kinh 142.
[03] Xem kinh 142. Theo bản Pāli, chuẩn bị đánh nhau với Pajjo, chứ không phải với Vajji (Bạt-kỳ).
[04] Cù-mặc Mục-kiền-liên điền tác nhân 瞿 默 目 犍 連 田 作 人. Pāli: gopakamogallānassa brāhmaiassa kammanto, chỗ làm việc của Bà-la-môn Gopaka-Moggallāna. Trong bản Hán, kammanta, chỗ đang làm việc, được hiểu là kassaka: nông phu?
[05] Đoạn trên nói ông là người làm ruộng. Xem cht. trên.
[06] Hán: ủy lạo điền tác nhân 慰 勞 田 作 人. Pāli: kammante anusaññāyamāno, đang đi thị sát chỗ đang làm việc (công trường).
[07] Hán: vị Thế Tôn sở tri kiến 為 世 尊 所 知 見; có lẽ dư chữ sở, vì những nơi khác trong bản Hán đều cho thấy như vậy. Pāli: tena bhagavatā janatā passatā arahatā…, bởi Thế Tôn, Bậc Tri Giả, Bậc Kiến Giả, là A-la-hán…
[08] Pāli: tasmiṃ ce bhaññamāne hoti bhikkussa āpatti hoti vītakamo, taṃ mayaṃ yathādhammaṃ yathāsathaaṃ karmati, "nếu trong những điều được thuyết ấy, có Tỳ-kheo nào vi phạm, chúng tôi khiến vị ấy làm đúng theo Pháp, đúng theo Luật".
[09] Thập pháp nhi khả tôn kính 十 法 而 可 尊 敬. Pāli: dasa pasādaniyā dhammā, mười pháp khả hỷ, khiến cho tin tưởng.
[10] Hán: ý sở duy quán, minh kiến thâm đạt 意 所 惟 觀 明 見 深 達. Pāli: manasānupekkhitā diṭṭhiyā suppaṭividdhā, chiêm nghiệm một cách chuyên ý, thâm nhập bằng sự thấy rõ.
[11] Nội hành chánh chỉ 內 行 正 止.
[12] Tăng trưởng không hành 增 長 空 行.
[13] Vì các chi tiết không được mạch lạc, không rõ đám đông này là những ai.
[14] Đoạn này bản Hán hơi tối nghĩa. Trong bản Pāli, đây là lời của Vassakāra nói với tướng quân Upananda; đại ý: đối với những vị chân chánh tu hành, mà nếu các Tỳ-kheo không tôn trọng, thì còn tôn trọng ai?
[15] Trong bản Hán: dĩ thế tôn ủng hộ cố 以 世 尊 擁 護 故; có lẽ dư chữ thế. Tham chiếu Pāli: yathā taṃ tumhādisehi rakkhakehi gopakehi, nhờ những người ủng hộ, bảo vệ như ngài.
[16] Bà-nan 婆 難, Pāli: Upananda senāpati.
[17] Hành tứ lạc tứ 行 伺 樂 伺; hành tứ ở đây được hiểu là hành thiền. Pāli: jhāyino ca jhānasīlino ca, là những người hành thiền, có xu hướng (tập quán) hành thiền.
[18] Kim-bệ-la lạc (hay nhạc?) viên 金 鞞 羅 樂 園; không rõ địa danh này, Có thể Pāli là Kimbilā, một thị trấn bên bờ sông Hằng, trong một khu rừng tre. Nhưng trong bản tương đương: Vesāliyaṃ Mahāvane Kūṭāgārasālāyaṃ, ở giảng đường Trùng các (ngôi nhà lầu) trong rừng Đại lâm thành Vesāli.
[19] Tứ, tăng tứ, nhi trọng tứ 伺 增 伺 而 重 伺, có thể hiểu là "dò xét, tăng gia dò xét, trầm trọng dò xét". Xem các thí dụ trong kinh số 131 trên. Pāli: jhāyati pajjhāyati nijjhāyati apajjhāyati: thiền tứ (trầm ngâm suy nghĩ), mãi miết thiền tứ (= bị dày vò), chìm đắm thiền tứ (= bị thiêu đốt), chuyên chú thiền tứ. Trong Pāli, động từ jhāyati (Skt. dhyāyati, danh từ phái sinh: jhāna, Skt. dhyāna, âm: thiền), có nghĩa là tư duy hay trầm tư; nhưng cũng có nghĩa là thiêu đốt hay hỏa táng (Hán âm: xà-duy hay trà-tì, hỏa táng; Skt. kṣāyati).
[20] Đoạn trong ngoặc, bản chữ Hán có thể sót; ở đây, theo những nơi khác, thêm vào cho đủ nghĩa. 146. KINH TƯỢNG TÍCH DỤ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ dị học Ti-lô[02] vào lúc sáng sớm ra khỏi nước Xá-vệ, đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi ngồi xuống một bên. Phật thuyết pháp cho ông nghe, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong rồi Phật ngồi im lặng.
Dị học Ti-lô sau khi được Phật thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ xong, rời chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, đi quanh ba vòng rồi lui về.
Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn[03] ngồi trên cỗ xe trắng rất đẹp, cùng với năm trăm đệ tử, vào lúc sáng sớm, khi ra khỏi Xá-vệ, đi đến một khu rừng để dạy đệ tử tụng đọc kinh thơ. Phạm chí Sanh Văn từ xa trông thấy dị học Ti-lô đi đến, bèn hỏi:
"Này Bà-ta[04], mới sáng sớm đã từ đâu về vậy?"
Dị học Ti-lô đáp:
"Này Phạm chí, tôi đi thăm Đức Thế Tôn, lễ sự, cúng dường rồi về đây."
Phạm chí Sanh Văn hỏi:
"Có biết Sa-môn Cù-đàm ở nơi trống vắng yên tĩnh học trí tuệ chăng[05]?"
Dị học Ti-lô đáp:
"Phạm chí, hạng người nào mà có thể biết Thế Tôn ở nơi trống vắng yên tĩnh học trí tuệ? Này Phạm chí, nếu biết Thế Tôn ở nơi trống vắng yên tĩnh, học trí tuệ thì cũng phải bằng Thế Tôn. Nhưng, này Phạm chí, kinh thơ mà tôi đọc có bốn cú nghĩa[06] và do bốn cú nghĩa này mà tôi nhất định tin tưởng Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng.
"Này Phạm chí, cũng như thợ săn voi rành nghề, đi rảo trong một khu rừng, ở giữa rừng cây nhìn thấy dấu chân voi to lớn, thấy rồi thì nhất định tin tưởng con voi này phải là rất lớn mới có dấu chân như vậy. Này Phạm chí, tôi cũng như vậy. Trong kinh thơ mà tôi đọc có bốn cú nghĩa, do bốn cú nghĩa này mà tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.
"Bốn cú nghĩa ấy là thế nào?
"Này Phạm chí, các luận sĩ Sát-lợi có trí tuệ, học rộng, quyết định[07], có thể khuất phục người đời, không thứ gì là không biết, rồi đem những điều được thấy mà tạo tác văn chương, lưu hành trong thế gian. Họ nghĩ như vầy, 'Ta đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi sự việc như vầy, nếu trả lời được, Ta lại hỏi nữa. Nếu không trả lời được, Ta khuất phục rồi bỏ đi'. Họ nghe Thế Tôn đang trú tại một thôn ấp nào đó, bèn tìm đến. Sau khi gặp Thế Tôn, hỏi còn không dám, há lại nói đến sự khuất phục. Này Phạm chí, kinh thư mà tôi đã đọc dùng được cho cú nghĩa thứ nhất này. Nhân ý nghĩa này, tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.
"Cũng vậy, những Phạm chí có trí tuệ, những Cư sĩ có trí tuệ, những luận sĩ Sa-môn có trí tuệ, đa văn, quyết định, có khả năng khuất phục người đời, không điều gì là không biết, rồi đem những điều được thấy tạo tác văn chương lưu hành thế gian. Họ nghĩ như vầy, 'Ta đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi sự việc như vầy, nếu trả lời được, Ta lại hỏi nữa. Nếu không trả lời được, Ta khuất phục rồi bỏ đi'. Họ nghe Thế Tôn đang trú tại một thôn ấp nào đó, bèn tìm đến. Sau khi gặp Thế Tôn, hỏi còn không dám, há lại nói đến sự khuất phục. Này Phạm chí, kinh thư mà tôi đã đọc dùng được cho cú nghĩa thứ tư này. Nhân ý nghĩa này, tôi nhất định tin rằng Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được nói bởi Thế Tôn là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử của Như Lai khéo thú hướng.
"Này Phạm chí, kinh thơ mà tôi được đọc có bốn cú nghĩa này. Tôi do bốn cú nghĩa này mà nhất định tin tưởng rằng Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng."
Phạm chí Sanh Văn nói rằng:
"Này Bà-ta, ông thật hết sức cúng dường Sa-môn Cù-đàm. Do sở nhân, sở duyên này mà hoan hỷ phụng hành.
Dị học Ti-lô đáp:
"Này Phạm chí, thật vậy, thật vậy, tôi hết sức cúng dường Đức Thế Tôn ấy và cũng hết sức tán thán. Tất cả thế gian cũng nên cúng dường."
Lúc bấy giờ Phạm chí Sanh Văn trên xe bước xuống, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về rừng Thắng, vườn Cấp cô độc ba lần làm lễ:
"Nam mô Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác."
Ba lần như vậy xong, trở lên cỗ xe trắng rất đẹp, đi đến rừng Thắng, vườn Cấp cô độc. Đến chỗ xe có thể đi được, rồi xuống xe đi bộ, tiến về chỗ Phật, chào hỏi xong ngồi xuống một bên, đem câu chuyện mà Phạm chí Sanh Văn vừa thảo luận với dị học Ti-lô, kể lại hết cho Phật nghe.
Thế Tôn nghe xong, nói rằng:
"Này Phạm chí, dị học Ti-lô nói thí dụ về dấu chân voi chưa được hoàn hảo, chưa được trọn vẹn. Thí dụ về dấu chân voi mà được nói một cách hoàn hảo, trọn vẹn để Ta nói cho ông nghe. Hãy khéo nghe kỹ.
"Này Phạm chí, cũng như thợ săn voi rành nghề, đi vào trong một khu rừng, ở giữa đám cây rừng, nhìn thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, có thể tin rằng con voi kia phải hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.
"[08]Này Phạm chí, thợ săn voi rành nghề ấy, hoặc giả không tin, vì rằng trong khu rừng ấy có một loại voi cái được gọi là Gia-lê-nậu[09], thân thể rất cao lớn, nó có dấu chân này. Rồi thợ săn tìm theo dấu chân. Lại thấy dấu chân voi rất lớn. Thấy rồi có thể tin rằng con voi này hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.
"Này Phạm chí, thợ săn rành nghề ấy, hoặc giả vẫn không tin, vì rằng trong khu rừng ấy lại còn có loại voi cái được gọi là Gia-la-lê[10], thân thể rất cao lớn, nó có dấu chân này. Rồi thợ săn tìm theo dấu chân này, lại thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi, có thể tin rằng con voi này phải hết sức to lớn mới có dấu chân như vậy.
"Này Phạm chí, thợ săn rành nghề ấy, hoặc giả vẫn không tin, vì rằng trong rừng này còn có loại voi cái được gọi là Bà-hòa-nậu[11], thân thể rất cao lớn, nó có dấu chân này. Bèn đi tìm dấu chân này. Lại thấy dấu chân voi to lớn. Thấy rồi có thể tin rằng con voi này phải hết sức to lớn mới có dấu chân này. Thợ săn sau khi tìm theo dấu chân, thấy dấu chân voi rất lớn. Dấu chân voi rất lớn, vuông vức, rất dài, rất rộng, toàn thể chu vi bàn chân lún sâu xuống đất, và thấy con voi ấy hoặc đi lui, hoặc đi tới, hoặc dừng lại, hoặc chạy, hoặc đứng, hoặc nằm. Thấy con voi ấy rồi bèn nghĩ 'Nếu có dấu chân lớn ấy tất phải con voi lơn này'.
"Này Phạm chí, cũng vậy, nếu trong đời xuất hiện Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Chúng Hựu; vị ấy đối với thế gian này, gồm chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến người, mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật rằng 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Vị ấy thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, trọn đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh, pháp được vị áy thuyết giảng, hoặc Cư sĩ, hoặc con nhà Cư sĩ, nghe xong được tín tâm. Sau khi ở trong chánh pháp luật của Như Lai mà được tín tâm rồi, bèn nghĩ rằng 'Tại gia chật hẹp, đầy những nhọc nhằn bụi bặm. Đời xuất gia học đạo rộng rãi bao la. Ta nay sống tại gia bị những phiền lớn khóa chặt, không được trọn đời tịnh tu phạm hạnh. Vậy ta hãy từ bỏ những tài vật ít hay tài vật nhiều, từ giã thân thuộc lớn hay thân thuộc nhỏ, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo'.
"Người ấy về sau hãy từ bỏ những tài vật ít hay tài vật nhiều, từ giã thân thuộc lớn hay thân thuộc nhỏ, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo. Vị ấy sau khi xuất gia, từ giã thân thuộc, thọ yếu pháp Tỳ-kheo, tu tập cấm giới, thủ hộ Tùng giải thoát; lại khéo thu nhiếp các oai nghi, lễ tiết, thấy những lỗi nhỏ nhặt cũng thường đem lòng lo sợ, thọ trì học giới.
"Người ấy lìa bỏ sát sanh, đoạn trừ sát sanh, dẹp bỏ dao gậy, có tàm, có quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng. Người ấy đối với sự sát sanh, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, chỉ lấy của được cho, vui trong sự lấy của được cho, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không trông chờ báo đáp. Người ấy đối với sự lấy của không cho, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa phi phạm hạnh, đoạn trừ phi phạm hạnh, siêng tu phạm hạnh, tinh cần diệu hạnh thanh tịnh vô uế, ly dục, đoạn dâm. Người ấy đối với sự phi phạm hạnh tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa nói láo, đoạn trừ nói láo, nói lời chắc thật, an trụ trên sự thật không di động, nói tất cả những lời đều đáng tin, không lừa gạt thế gian. Người ấy đối với sự nói láo, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa nói hai lưỡi, đoạn trừ nói hai lưỡi, sống không hai lưỡi, không phá hoại người khác. Không nghe người này nói lại người kia để phá hoại người này. Không nghe từ người kia nói lại người này để phá hoại người kia. Chia rẽ thì làm cho hòa hợp, đã hòa hợp thì làm cho hoan hỷ. Không kết bè đảng, không vui theo bè đảng, không ca ngợi việc kết bè đảng. Người ấy đối với hai lưỡi, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa lời nói cộc cằn, đoạn trừ nói cộc cằn. Nếu có lời nói nào mà lời lẽ thô lỗ, tiếng dữ chói tai, mọi người không vui, mọi người không thích, khiến người khác khổ não, khiến không được định, đoạn trừ những lời như vậy. Nếu có những lời nào mà ôn hòa, mềm mỏng, nghe lọt tai, thấm vào lòng, đáng ưa, đáng thích, khiến người khác an ổn, lời tiếng rõ ràng đầy đủ, không khiến người sợ, khiến người được định. Nói những lời như vậy. Người ấy đối với sự nói cộc cằn, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa nói thêu dệt, đoạn trừ nói thêu dệt; nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói tịch tịnh, nói sự ưa thích tịch tịnh, hợp sự việc, hợp thời cơ, khéo khuyến giáo, khéo khiển trách. Người ấy đối với sự nói thêu dệt, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa việc buôn bán, dẹp bỏ cân đong và đấu hộc; cũng không nhận hàng hóa, không buộc trói người, không mong đong lừa, cân thiếu, không vì lợi nhỏ mà xâm hại, gạt gẫm người. Người ấy đối với sự buôn bán, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ, đoạn trừ sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ. Đối với sự thâu nhận đàn bà góa, đồng nữ, người ấy tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự thâu nhận nô tỳ, đoạn trừ sự thâu nhận nô tỳ. Người ấy đối với sự thâu nhận nô tỳ, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê, đoạn trừ sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê. Người ấy đối với sự thâu nhận voi, ngựa, bò, dê, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự thâu nhận gà, heo, đoạn trừ sự thâu gà, heo. Người ấy đối với sự thâu nhận gà, heo, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá, đoạn trừ sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá. Người ấy đối với sự thâu nhận ruộng vườn, quán xá, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống, đoạn trừ sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống. Người ấy đối với sự thâu nhận lúa, thóc, đậu sống, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa rượu, đoạn trừ rượu. Người ấy đối với sự uống rượu, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa giường cao rộng lớn, đoạn trừ giường cao rộng lớn. Người ấy đối với giường cao rộng lớn, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp; đoạn trừ tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp. Người ấy đối với tràng hoa, anh lạc, hương bột, phấn sáp, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe; đoạn trừ ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe. Người ấy đối với ca, vũ, xướng, kỹ và đi đến xem nghe, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự thâu nhận tiền bạc, đoạn trừ sự thâu nhận tiền bạc. Người ấy đối với sự thâu nhận tiền bạc, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy xa lìa sự ăn quá ngọ, đoạn trừ sự ăn quá ngọ. Người ấy đối với sự ăn quá ngọ, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này rồi, lại sống hết sức tri túc, áo chỉ cốt che thân, ăn chỉ cốt nuôi thân, du hành đến đâu đều mang theo y bát, đi không luyến tiếc, cũng như con nhạn mang theo đôi cánh bay liệng trong không.
"Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc rồi, lại thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng mướn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[12] mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[13], nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn.
"Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc, thủ hộ các căn rồi, lại biết rõ chân chánh sự ra vào, khéo quán sát phân biệt sự co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp Tăng-già-lê và mang các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng thảy đều biết rõ chân chánh.
"Người ấy sau khi thành tựu Thánh giới tụ này và hết sức tri túc, thủ hộ các căn, biết rõ chân chánh sự ra vào rồi lại sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Người ấy sau khi ở trong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, những chỗ không nhàn yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm[14], đoạn trừ tâm tham lam, không có não hại, thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi tâm tham lam muốn khiến về mình. Người ấy đối với tham lam, tâm được tịnh trừ.
"Cũng vậy, đối với sân nhuế, thùy miên, trạo hối, đoạn trừ nghi hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Vị ấy đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.
"Người ấy đoạn trừ năm triền cái này, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, ly dục, ly ác bất thiện pháp, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, chứng đắc Sơ thiền, thành tựu an trụ.
"Này Phạm chí, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng 'Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng'.
"Rồi người ấy giác quán đã dứt, nội tĩnh, nhất tâm, không giác, không quán, hỷ lạc do định sanh, chứng đắc Nhị thiền, thành tựu an trụ.
"Này Phạm chí, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng 'Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng'.
"Rồi người ấy ly hỷ dục, xả, vô cầu, an trụ nơi chánh niệm, chánh trí, thân cảm lạc thọ, điều mà Thánh nói là Thánh sở xả niệm lạc trụ thất, đạt đến Tam thiền, thành tựu an trụ.
"Này Phạm chí, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng 'Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng'.
"Rồi người ấy lạc diệt, khổ diệt, ưu hỷ vốn cũng đã diệt, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh, đạt đến Tứ thiền, thành tựu an trụ.
"Này Phạm chí, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, nhưng người ấy không cho đây là cứu cánh để nói rằng 'Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng'.
"Người ấy sau khi đạt đến tịnh tâm như vậy, thanh tịnh, không uế, không phiền, nhu nhuyến, an trụ vững vàng, đạt được bất động tâm, thú hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Người ấy biết như thật đây là Khổ, biết như thật đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt, đây là Khổ diệt đạo, biết như thật đây là lậu, biết như thật đây là lậu tận, đây là lậu diệt, đây là lậu diệt đạo.
"Người ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi thì biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'.
"Này Phạm chí, đó gọi là điều được Như Lai khuất, được Như Lai hành, được Như Lai phục, Người ấy lấy đây làm cứu cánh để nói rằng 'Thế Tôn là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, pháp được Thế Tôn nói là toàn thiện, Thánh chúng đệ tử Như Lai khéo thú hướng'.
"Này Phạm chí, ý ông nghĩ sao? Thí dụ về dấu chân voi như vậy là khéo trình bày được trọn vẹn chăng?"
Phạm chí Sanh Văn bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay tự quy y cho đến mạng tận[15]."
Phật thuyết như vậy. Phạm chí Sanh Văn và Dị học Ti-lô sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.27 Cūḷa-hatthīpadoma-sutta, ví dụ về dấu chân voi.
[02] Ti-lô dị học 卑 盧 異 學; Pāli: Pilotika-paribbājaka, một du sĩ trẻ, thuộc bộ tộc Vacchāyma.
[03] Sanh Văn 生 聞, Jāṇussonī, các kinh tiếp theo sau. Ông được kể trong số những Bà-la-môn lỗi lạc đương thời Phật. Ông thường ở tại Xá-vệ và thường đến gặp Phật để thảo luận. A. ghi chép nhiều nhất các cuộc đối thoại này.
[04] Bà-ta 婆 磋. Pāli: Vacchāyana, xem chú thích (2) ở trên.
[05] Trong bản Pāli: taṃ kiṃ maññati (…) samaṇanassa Gotamasasa paññāveyyattiyaṃ, paṇḍito…, ông có nghĩ rằng Sa-môn Cù- đàm có trí tuệ đặc sắc, …, là người thông bác chăng?
[06] Tứ cú nghĩa 四 句 義. Pāli: Samaṇne Gotame cattāri padāni, bốn dấu chân nơi Sa-môn Gatama. Trong Pāli, pada, có nghĩa dấu chân, cũng có nghĩa là câu văn.
[07] Hán: quyết định 決 定; bản Paøli: nipuṇe: tinh tế.
[08] Không tin là voi lớn nhất. Sẽ còn có con lớn hơn nữa.
[09] Gia-lê-nậu 加 梨 [少/兔] Pāli: Kaṇerukā, tên một loại voi cái.
[10] Gia-la-lê 加 羅 梨; Pāli: Kaḷārikā, cũng tên một loại voi cái.
[11] Bà-hòa-nậu 婆 惒 [少/兔] ; Pāli: Vāmanikā, loại voi cái rất lớn và lùn.
[12] Xem cht.5, kinh 144.
[13] Xem cht.6, kinh 144.
[14] Chánh thân chánh nguyện phản niệm bất hướng 正 身 正 願 反 念 不 向. Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā, giữ thân ngay thẳng; dựng chánh niệm để trước mặt. Trong bản Pāli, paṇidhāya, "đặt để" trong bản Hán hiểu là paṇidhāna, "ước nguyện".
[15] Đối chiếu kinh số 149 ở sau. 147. KINH VĂN ĐỨC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn[02], sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:
"Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài nghe cho mới dám trình bày."
Thế Tôn nói:
"Này Phạm chí, muốn hỏi gì xin cứ hỏi."
Phạm chí Sanh Văn bèn hỏi:
"Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, hoặc có người tại gia, hoặc có người xuất gia học đạo, nhưng vì mục đích gì mà bác văn, tụng tập?"
Thế Tôn đáp:
"Đệ tử của Ta, hoặc tại gia hay xuất gia học đạo mà bác văn, tụng tập là muốn tự điều phục, muốn tự tịch tịnh, tự tìm cầu cứu cánh tịch diệt. Này Phạm chí, đệ tử của Ta tại gia hay xuất gia học đạo vì mục đích này mà bác văn tụng tập."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Này Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt chăng? Bác văn tụng tập có công đức chăng?"
Thế Tôn nói:
"Này Phạm chí, bác văn tụng tập có sự sai biệt, bác văn tụng tập cũng có công đức."
Phạm chí Sanh Văn hỏi:
"Cù-đàm, bác văn tụng tập có sự sai biệt gì? Có công đức gì?"
Thế Tôn nói:
"Này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp cốt để mưu cầu lợi ích, nhưng công nghiệp của họ thất bại, không thành. Khi những công nghiệp của họ thất bại không thành, họ không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình, áo não; cũng không phát cuồng. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ban ngày làm các công nghiệp mà những công nghiệp ấy thất bại không thành; dù những công nghiệp ấy đã thất bại không thành, họ vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não; cũng không phát si phát cuồng, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử có những yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng. Này Phạm chí, nếu da văn Thánh đệ tử có những yêu thương mà bị đổi thay, tán thất, không còn sum họp, cách biệt, chia lìa, nhưng vẫn không ưu sầu, phiền muộn, khóc than; không vật mình áo não, cũng không phát si phát cuồng, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử biết rằng những tài vật sở hữu này thảy đều vô thường, nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử biết rằng những tài vật sở hữu thảy đều vô thường nên nghĩ đến sự xuất gia học đạo, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng tài vật sở hữu thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử sau khi biết rằng những sở hữu tài vật thảy đều vô thường, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình sống không gia đình học đạo, này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử có thể nhẫn nại đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các thứ bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử có thể kham nhẫn đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, chí rận, gió nắng bức bách, tiếng dữ, gậy hèo cũng có thể nhẫn; thân thể gặp các bệnh tật rất đau đớn đến gần như tuyệt mạng và những điều không khả lạc thảy đều có thể nhẫn nại, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc. Khi những điều không hoan lạc đã sanh, trong lòng không hề bị vướng bận. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại những điều không hoan lạc; những điều không hoan lạc đã sanh, trong tâm không hề bị vướng bận, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi. Khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề bị vướng bận. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử nhẫn nại sự sợ hãi, khi sự sợ hãi phát sanh, trong tâm không hề vướng bận, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử khi sanh khởi ba niệm ác bất thiện là: niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này, trong tâm không hề bị dính trước. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử phát sanh ba niệm ác bất thiện, niệm dục, niệm nhuế và niệm hại, với ba niệm ác bất thiện này mà trong tâm không hề bị dính trước, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh. Sau khi bảy lần qua lại nhân gian thiên thượng rồi đạt đến khổ biên. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, chứng đắc Tu-đà-hoàn, không đọa pháp ác, quyết định đi đến chánh giác, tối đa bảy lần tái sanh; sau khi bảy lần qua lại nhân gian và thiên thượng rồi đạt đến khổ biên, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, nộ và si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử ba kết sử đã đoạn tận, dâm, và nộ si đã mỏng, chứng đắc Nhất lai, chỉ một lần qua lại thiên thượng và nhân gian rồi đạt đến khổ biên, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử năm hạ phần kết đã đoạn tận, sanh vào nơi kia mà Bát-niết-bàn, chứng đắc pháp bất thối, không trở lại thế gian này, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà[03] thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu. Này Phạm chí, nếu Đa văn Thánh đệ tử có tịch tịnh giải thoát, ly sắc, chứng vô sắc, với định như thế mà thân tác chứng, thành tựu an trụ, do tuệ quán mà vĩnh viễn đoạn trừ các lậu, thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này.
"Lại nữa, Đa văn Thánh đệ tử với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Này Phạm chí, Đa văn Thánh đệ tử này với các như ý túc là thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, các lậu đã đoạn tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa', thì này Phạm chí, đó là bác văn tụng tập mà có sự sai biệt, có công đức này."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Bạch Thế Tôn, bác văn tụng tập có sự sai biệt này, có công đức này. Còn có sự sai biệt nào, còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa chăng?"
Thế Tôn nói:
"Này Phạm chí, bác văn tụng tập này có sự sai biệt này và với công đức này không còn có sự sai biệt, không còn có công đức nào tối thượng, tối diệu, tối thắng nữa."
Phạm chí Sanh Văn bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời quy y cho đến tận mạng."
Phật thuyết như vậy. Phạm chí Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Không thấy các bản tương đương.
[02] Xem kinh số 146 trên.
[03] Như kỳ tượng định; với một thiền định thích hợp nào đó. 148. KINH HÀ KHỔ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn[02], sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:
"Này Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày."
Thế Tôn nói:
"Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi."
Phạm chí Sanh Văn bèn hỏi:
"Cù-đàm, người tại gia có những sự khổ nào? Và người xuất gia có những khổ nào?"
Đức Thế Tôn trả lời rằng:
"Người tại gia vì không được tự do mà khổ. Người xuất gia vì tự do mà khổ."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, tại sao người tại gia vì không được tự do mà khổ? Và tại sao người xuất gia vì tự do mà khổ?"
Thế Tôn đáp:
"Nếu người tại gia mà tiền tài không tăng trưởng, kim ngân, chơn châu, lưu ly, thủy tinh thảy đều không tăng trưởng; súc mục, lúùa, gạo cùng nô tỳ, sai dịch cũng không tăng trưởng; lúc bấy giờ người tại gia ưu sầu, khổ não. Do sự kiện này mà người tại gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng mang nhiều sầu bi.
"Này Phạm chí, nếu người xuất gia học đạo mà sống theo dục vọng, theo sân nhuế, ngu si, lúc bấy giờ xuất gia học đạo có nhiều ưu sầu khổ não. Do sự kiện này mà có người xuất gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng chất nhiều sầu bi.
"Này Phạm chí, như vậy người tại gia vì không được tự do mà khổ, và người xuất gia học đạo vì tự do mà khổ."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, tại gia có những gì là hoan lạc? Và xuất gia học đạo có những gì là hoan lạc?"
Thế Tôn đáp:
"Tại gia vì tự do mà được hoan lạc, xuất gia học đạo vì không tự do mà được hoan lạc".
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, tại sao tại gia vì tự do mà được hoan lạc? Và tại sao xuất gia học đạo vì không tự do mà được hoan lạc?"
Thế Tôn đáp:
"Này Phạm chí, nếu người tại gia mà được tiền tài tăng trưởng, kim ngân, chơn châu, lưu ly, thủy tinh đều được tăng trưởng; súc mục, lúa gạo và nô tỳ, sai dịch cũng đều được tăng trưởng. Lúc bấy giờ tại gia là khoái lạc, hoan hỷ. Do sự kiện này mà người tại gia có nhiều khoái lạc hoan hỷ.
"Này Phạm chí, người xuất gia học đạo sống không tùy theo dục vọng, không tùy theo sân nhuế, lúc bấy giờ xuất gia học đạo là khoái lạc hoan hỷ. Do sự kiện này mà người xuất gia học đạo có nhiều khoái lạc hoan hỷ.
"Này Phạm chí, như vậy người tại gia vì tự do mà được hoan lạc, người xuất gia vì không tự do mà được hoan lạc."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, do sự kiện nào mà chư Thiên và Nhân loại nhất định không có lợi nghĩa? Do sự kiện nào mà chư Thiên và Nhân loại tất có lợi nghĩa?"
Thế Tôn đáp:
"Này Phạm chí, nếu chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau, tất không có lợi nghĩa. Nếu chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, tại sao nếu chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau, tất không có lợi nghĩa? Và tại sao chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa?"
Thế Tôn đáp:
"Này Phạm chí, lúc nào chư Thiên, nhân loại đấu tranh thù nghịch, lúc bấy giờ chư Thiên, nhân loại có ưu tư, khổ nhọc, sầu bi. Do sự kiện này mà chư Thiên và Nhân loại có nhiều ưu tư khổ nhọc, sầu bi. Nếu lúc nào chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh thù nghịch, bấy giờ chư Thiên và Nhân loại được khoái lạc hoan hỷ. Do sự kiện này, chư Thiên và Nhân loại có nhiều khoái lạc hoan hỷ.
"Này Phạm chí, như vậy chư Thiên và Nhân loại đấu tranh lẫn nhau tất không có lợi nghĩa. Nếu chư Thiên và Nhân loại không đấu tranh lẫn nhau tất có lợi nghĩa."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Do sự kiện nào khiến cho chư Thiên, nhân loại nhất định không được nhiêu ích, phải gặp khổ nhọc? Do sự kiện nào khiến cho chư Thiên và Nhân loại tất được nhiêu ích, tất được hoan lạc?"
Thế Tôn đáp:
"Này Phạm chí, nếu chư Thiên và Nhân loại sống bằng phi pháp, làm điều dữ, tất không được nhiêu ích, tất phải khổ nhọc. Nếu chư Thiên và Nhân loại hay sống đúng như pháp, không làm dữ, tất được nhiêu ích, tất được hoan lạc."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, thế nào là chư Thiên và Nhân loại sống bằng phi pháp và làm điều dữ để nhất định không được nhiêu ích, nhất định phải khổ nhọc? Thế nào là chư Thiên và Nhân loại sống đúng như pháp và không làm điều dữ để nhất định được nhiêu ích, được hoan lạc?"
Thế Tôn nói:
"Này Phạm chí, chư Thiên và Nhân loại thân làm điều phi pháp và làm điều dữ, miệng và ý làm điều phi pháp và làm điều dữ, lúc bấy giờ chư Thiên và Nhân loại tất sẽ tổn giảm, A-tu-la tất sẽ hưng thạnh. Này Phạm chí, nếu chư Thiên và Nhân loại mà thân làm đúng như pháp, thủ hộ thân và ý làm đúng như pháp, thủ hộ miệng và ý, thì bấy giờ chư Thiên và Nhân loại tất sẽ hưng thạnh, A-tu-la tất sẽ tổn giảm.
Này Phạm chí, như vậy chư Thiên và Nhân loại nếu sống bằng phi pháp và làm điều dữ, tất không được ích lợi, tất phải khổ nhọc. Nếu chư Thiên và Nhân loại sống đúng như pháp, không làm điều dữ, tất được ích lợi, tất được hoan lạc."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, nên quán sát ác tri thức như thế nào?"
Thế Tôn đáp:
"Hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Thế nào là quán sát ác tri thức như mặt trăng?"
Thế Tôn đáp:
"Như mặt trăng dần đến biến mất, càng ngày càng giảm, vành trăng cũng giảm, ánh sáng cũng giảm, hình sắc cũng giảm, càng lúc càng khuyết dần.
Này Phạm chí, rồi đến một lúc mặt trăng biến mất hẳn, không còn thấy nữa. Này Phạm chí, người ác tri thức đối với chánh pháp luật của Như Lai cũng có được tín tâm, nhưng người ấy được tín tâm rồi, về sau lại không hiếu thuận, cũng không cung kính, hành vi trái ngược, không vững chánh trí, không hướng đến pháp tùy pháp; người ấy bèn mất tín tâm, mất trì giới, bác văn, thí, xả, và trí tuệ cũng mất luôn.
Này Phạm chí, cho đến lúc thiện pháp nơi ác tri thức ấy hoàn toàn tiêu diệt, cũng như mặt trăng mất hút. Này Phạm chí, như vậy hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, nên quán sát thiện tri thức như thế nào?"
Thế Tôn đáp:
"Này Phạm chí, hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng."
Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:
"Cù-đàm, thế nào là quán sát thiện tri thức như mặt trăng?"
Thế Tôn đáp:
"Này Phạm chí, cũng như mặt trăng trong thời mới mọc, còn non, trong vắt, càng ngày càng tăng trưởng. Này Phạm chí, cho đến một lúc, vào ngày mười lăm trong tháng, vành trăng tròn đầy. Này Phạm chí, cũng vậy, thiện tri thức đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm, người ấy được tín tâm rồi, sau đó lại có hiếu thuận, cung kính, hành vi tùy thuận, vững vàng trên chánh trí, hướng đến pháp tùy pháp. Người ấy lúc bấy giờ tăng trưởng tín, trì giới, bác văn, thí xả, trí tuệ cũng tăng trưởng. Này Phạm chí, cho đến một lúc, thiện pháp nơi thiện tri thức ấy được trọn đủ như mặt trăng ngày rằm vậy. Này Phạm chí, như vậy hãy quán sát thiện tri thức như mặt trăng."
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài tụng này:
Như thể trăng tròn không bợn,
Du hành trong khoảng hư không;
Sáng lấp muôn ngàn tinh đẩu,
Rạng ngời một cõi mênh mông.
Cũng vậy, tín tâm, bác văn,
Thi ân, độ lượng, bao dung;
Sáng lấp trần gian bỏn sẻn,
Rạng ngời thí xả mênh mông.
Như thể đại long thần lực,
Kéo mây, nổi sóng, điện giăng,
Mưa đổ nước trào lai láng,
Tràn đầy mặt đất mênh mông.
Cũng vậy, tín tâm, bác văn,
Thi ân, độ lượng, bao dung,
Ẩm thực cho người no đủ,
Hằng khuyên thí xả gia tăng.
Như thể sấm truyền vang dội,
Như trời hắt trận mưa rào;
Phước thí như mưa quảng đại,
Cơn mưa thí chủ dâng cao.
Đời này tiền tài, danh dự,
Đời sau cõi thiện sanh lên,
Phước báo người này lãnh thọ
Chết rồi tất sẽ sanh thiên.
Phật thuyết như vậy. Phạm chí Sanh Văn sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: A. 5. 31 Sumanā. Tham chiếu Hán, No.125(17.8).
[02] Xem các Kinh 146, 147 trên.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.42.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.