Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác.
Kinh Pháp cú
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác.
Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
9. PHẨM NHÂN
99. KINH KHỔ ẤM (I)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa, chưa có chút công việc nên tập trung ngồi tại giảng đường. Lúc ấy, một số đông những người Dị học, sau bữa cơm trưa loanh quanh tìm đến chỗ các Tỳ-kheo, cùng nhau chào hỏi rồi ngồi một bên, nói với các Tỳ-kheo rằng:
"Này chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm chủ trương biến tri dục[02], chủ trương biến tri sắc, chủ trương biến tri thọ[03]. Này chư Hiền, chúng tôi cũng chủ trương biến tri dục, chủ trương biến tri trừ sắc, chủ trương biến tri thọ. Giữa Sa-môn Cù-đàm và chúng tôi, giữa hai[04] chủ trương biến tri[05] ấy, có sự thù thắng nào, có những sai biệt nào?"
"Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo khi nghe những điều mà số đông những người Dị học ấy nói, không biết thế nào là phải, thế nào là trái, im lặng đứng dậy mà đi, đồng thời suy nghĩ rằng: 'Những điều như vậy, chúng ta phải do nơi Đức Thế Tôn mới biết'.
Rồi họ đi đến Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi một bên, đem những điều đã bàn luận với số đông những người Dị học ấy thuật lại với Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
"Lúc đó các ông nên hỏi số đông những người Dị học như vầy, 'Này chư Hiền, thế nào là vị ngọt của dục, thế nào là tai họa của dục, thế nào là sự xuất yếu của dục[06]? Thế nào là vị ngọt của sắc, thế nào là tai họa của sắc, thế nào là sự xuất yếu của sắc? Thế nào là vị ngọt của thọ, thế nào là tai họa của thọ, thế nào là sự xuất yếu của thọ?
"Này các Tỳ-kheo, nếu các ông hỏi như vậy, sau khi nghe, họ sẽ cật vấn lẫn nhau, nói quanh nói quẩn, nổi sân và cãi cọ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, im lặng và rút lui. Vì sao vậy? Vì Ta không thấy có những chư thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí hay bất cứ ai khác ở trên đời này có thể biết được nghĩa ấy để tuyên bố lên. Chỉ có Như Lai và đệ tử của Như Lai, hoặc đệ tử nào đượïc nghe từ hai vị này".
Đức Phật lại hỏi:
"Thế nào là vị ngọt của dục? Đó là, nhân bởi năm công đức của dục[07] mà phát sanh lạc và hỷ. Vị ngọt của dục chỉ tột cùng đến đó chứ không thể hơn nữa, nhưng tai họa của nó thì rất nhiều.
"Thế nào là tai họa của dục? Một thiện gia nam tử, tùy kỹ thuật[08] riêng mà tự mưu sinh; hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc học sách, hoặc giỏi toán thuật, biết công số, khéo in khắc, làm văn chương, tạo thủ bút, hoặc hiểu kinh thơ, hoặc làm võ tướng, hoặc phụng sự vua[09]. Người ấy khi gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát nhọc mệt, bị muỗi mòng châm chích; nó phải làm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của. Thiện nam tử bằng những phương tiện như thế, làm các công việc như vậy để mong cầu như vậy, nếu không kiếm được tiền của thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si dại, nói rằng 'Luống công làm lụng khổ nhọc vô ích mà những điều mong cầu không có kết quả'. Trái lại, thiện nam tử ấy bằng những phương tiện như vậy để mong cầu như vậy, nếu kiếm được tiền của nó sanh yêu quý, giữ gìn, chôn giấu. Vì sao vậy? Nó nghĩ: 'Tài vật này của ta, đừng để cho vua đoạt, giặc cướp, lửa thiêu, hư hại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi, hoặc làm việc mà không thành tựu'. Kẻ đó giữ gìn, chôn giấu như vậy nhưng nếu rủi bị vua đoạt, hoặc giặc cướp, lửa thiêu hư hại mất thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si ám, nói rằng: 'Vật ta yêu quý, nhớ nghĩ suốt đêm ngày, nay đã không còn'. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này[10], nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mẹ tranh cãi với con, con tranh cãi với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ tranh cãi lẫn nhau. Vì tranh cãi lẫn nhau như vậy nên mẹ nói xấu con, con nói xấu mẹ. Cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ nói xấu lẫn nhau. Thân thích còn vậy, huống nữa là người dưng. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên vua tranh giành với vua, Phạm chí tranh giành với Phạm chí, Cư sĩ tranh giành với Cư sĩ, dân tranh giành với dân, nước này tranh giành với nước nọ. Bởi tranh giành nên thù nghịch nhau, rồi dùng đủ loại binh khí để giết hại lẫn nhau, hoặc nắm tay thoi, ném đá, hoặc dùng gậy đánh, dao chặt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang khôi giáp, khoác trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi vào quân trận. Hoặc đánh nhau bằng voi, hoặc ngựa, hoặc xe, hoặc dùng bộ binh đánh nhau, hoặc cho trai gái đánh nhau. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trong khổ. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi tranh đoạt nước người, công thành phá lũy, chống cự lẫn nhau, thúc trống thổi kèn, lớn tiếng reo hò, hoặc dùng chày đập, hoặc dùng mâu kích, hoặc dùng bánh xe bén, hoặc dùng tên bắn, hoặc lăn đá kè, hoặc dùng nỏ lớn, hoặc rót nước đồng sôi vào mắt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn vào xóm, vào ấp, vào quốc gia, vào thành thị, đục vách phá kho, cướp đoạt tài vật, chận đường giao thông, hoặc đến ngõ khác phá xóm phá làng, phá thành diệt nước. Trong đó, hoặc người của vua bắt được, đem khảo đủ cách; chặt tay, chặt chân, hoặc chặt hết cả tay chân; cắt tai, cắt mũi, hoặc cắt cả tai mũi; hoặc lóc từng miếng thịt; bứt râu bứt tóc, hoặc bứt cả râu tóc; hoặc nhốt vào trong cũi, quấn vải hỏa thiêu, hoặc lấp trong cát, lấy cỏ quấn lại rồi đốt; hoặc bỏ vô bụng lừa sắt, hoặc bỏ vô miệng heo sắt, hoặc đặt vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ vô vạc đồng, hoặc bỏ vô vạc sắt rồi nấu; hoặc chặt ra từng khúc, hoặc dùng xoa bén đâm, hoặc lấy móc sắt móc, hoặc bắt nằm trên giường sắt rồi lấy dầu sôi rót, hoặc bắt ngồi trong cối sắt rồi lấy chày sắt giã, hoặc cho rắn rít mổ cắn, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy thọt, hoặc dùng dùi đánh, hoặc buộc sống treo trên nêu cao, hoặc chém đầu rồi bêu. Trong các trường hợp đó, kẻ ấy hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác. Kẻ đó về sau bệnh tật liệt giường, hoặc ngồi hoặc nằm trên đất, vì khổ bức thân, toàn thân cảm giác khổ sở vô cùng, không còn đáng yêu thích. Kẻ đó vì lúc trước thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác nên khi sắp chết chúng che ngay trước mắt giống như mặt trời lặn bóng sườn núi lớn, che lấp mặt đất[11]. Cũng vậy, kẻ ấy bị những ác hành của thân, ác hành của khẩu và của ý che lấp trước mắt, kẻ đó nghĩ rằng: 'Ác hành ta làm trước kia, bây giờ chúng che trước mắt ta. Trước ta không tạo phước nghiệp mà tạo nhiều ác nghiệp. Giả tỷ có ai chỉ làm ác, hung bạo, chỉ làm tội chứ không làm phước, không hành thiện, khi sống không biết lo sợ, gần chết không chỗ nương cậy, không chỗ quay về. Người ấy thân sanh về cõi nào, ta cũng thác sinh về chỗ đó'. Do đó, sanh hối hận, rồi do hối hận mà chết không an, chết không được phước. Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu và ý làm ác. Kẻ đó vì thân làm ác, khẩu và ý làm ác nên nhân nơi đó, duyên nơi đó mà khi thân hoại mạng chung phải đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Đó là những nỗi khổ ở đời sau nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. Như vậy là tai họa của dục.
"Thế nào là sự xuất yếu của dục? Nếu đoạn trừ dục, xả ly dục, diệt tận dục, vượt qua khỏi dục mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất yếu của dục.
"Nếu Sa-môn, Phạm chí nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của dục, tai họa của dục, sự xuất yếu của dục, thì không bao giờ có thể tự mình đoạn dục, huống nữa là đoạn dục cho kẻ khác.
"Nếu Sa-môn, Phạm chí nào biết đúng như thật vị ngọt của dục, tai họa của dục, sự xuất yếu của dục, thì không những có thể tự mình đoạn dục mà có thể đoạn dục cho kẻ khác.
"Thế nào là vị ngọt của sắc? Giả sử có các thiếu nữ Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư đến tuổi mười bốn, mười lăm, là lúc có sắc đẹp mỹ miều. Nhân nơi sắc đẹp đó, duyên nơi sắc đẹp đó mà sanh lạc, sanh hỷ; vị ngọt của sắc chỉ tột cùng đến đó chứ không hơn nữa. Nhưng tai hại của sắc thì rất nhiều.
"Thế nào là tai hại của sắc? Nếu thấy nàng ấy về sau trở nên hết sức già yếu, đầu bạc, răng rụng, lưng còng, gối rũ, chống gậy mà đi, tuổi trẻ đã tàn, mạng sống sắp hết, thân thể run rẩy, các căn hư mòn. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và sanh ra tai họa chăng?
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy".
"Lại nữa, nếu thấy nàng ấy bệnh tật liệt giường, ngồi nằm trên đất, vì khổ bức thân, chịu khổ cùng cực, ý các ngươi nghĩ sao, có phải sắc đẹp trước kia biến mất, sanh ra tai họa chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy".
"Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy đã chết từ một, hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã được hỏa thiêu hay chôn lấp, đang bị mục nát hư hoại. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy?"
"Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, mục nát quá nữa, xương vải trên đất. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy".
"Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi, ý các thầy nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy".
"Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim câu, đỏ như màu máu, hư hoại, mục nát. Ý các ngươi nghĩ sao? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai họa sanh ra chăng?"
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Như vậy gọi là tai họa của sắc".
"Thế nào là sự xuất yếu của sắc? Nếu đoạn trừ sắc, xả ly sắc, diệt tận sắc, vượt qua khỏi sắc mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất yếu của sắc.
"Nếu Sa-môn, Phạm chí nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của sắc, tai họa của sắc, sự xuất yếu của sắc, thì không bao giờ có thể tự mình đoạn sắc, huống nữa là đoạn sắc cho kẻ khác.
"Nếu Sa-môn, Phạm chí nào biết đúng như thật vị ngọt của sắc, tai họa của sắc, sự xuất yếu của sắc thì không những tự mình đoạn sắc, mà còn có thể đoạn sắc cho kẻ khác.
"Thế nào là vị ngọt của thọ? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, thành tựu và an trụ nơi đệ Tứ thiền. Bấy giờ, vị đó không nghĩ đến việc tự hại, cũng không nghĩ đến sự hại người. Nếu không nghĩ đến hại, đó là vị ngọt của cảm giác lạc. Vì sao vậy? Vì không nghĩ đến sự làm hại thì thành tựu được cảm giác lạc ấy. Như vậy gọi là vị ngọt của thọ.
"Thế nào là tai họa của thọ? Thọ là pháp vô thường, pháp diệt. Như vậy gọi là tai họa của thọ.
"Thế nào là sự xuất yếu của thọ? Nếu đoạn trừ thọ, xả ly thọ, diệt tận thọ, vượt qua thọ mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất ly của thọ.
"Nếu Sa-môn, Phạm chí nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của thọ, tai họa của thọ, xuất yếu của thọ thì không bao giờ có thể tự mình đoạn thọ, huống nữa là đoạn thọ cho kẻ khác.
"Nếu Sa-môn, Phạm chí nào biết đúng như thật vị ngọt của thọ, tai họa của thọ, xuất yếu của thọ thì không những tự mình có thể đoạn thọ, mà còn có thể đoạn thọ cho kẻ khác".
Phật thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 25. Tương đương Pāli: M.13, Mahā-dukkhakkhandha. Hán, biệt dịch No.53, No.125 (21.9).
[02] Nguyên Hán: biến tri dục 遍 知 欲, biết thấu đáo về dục. Pāli: kāmānaṃ pariññaṃ.
[03] Giác.
[04] Bản Cao-li chép nhị 二; các bản khác chép tam 三.
[05] Các bản chép: nhị (tam) tri nhị (tam) đoạn, dư chữ nhị (tam) thứ hai.
[06] Dục vị, dục hoạn, dục xuất yếu 欲 味 欲 患 欲 出 要. Pāli: kāmānaṃ assādo, kāmānaṃ ādīnavo, kāmānṃ nissaraṇaṃ, vị ngọt, sự tai hại và thoát ly đối với các dục.
[07] Ngũ dục công đức 五 欲 功 德. Pāli: pañca kāmaguṇā.
[08] Hán: kỹ thuật 伎 (技) 述. Pāli: sippaṭṭhanena, bằng công xảo xứ.
[09] Các "kỹ thuật" theo bản. Hán: tác điền nghiệp, hành trị sanh, minh toán thuật, tri công số, xảo khắc ấn, tác văn chương, tạo thủ bút, hiểu kinh thư, tác dũng tướng, phụng vương sự. Danh sách theo bản Pāli: yadi muddāya yadi gaṇanāya yadi saṅkhānena yadi kasiyā yadi vaṇijjāya yadi gorakkhena yadi issatthena yadi rājaporisena, hoặc bằng ấn toán (hay thuật khắc ấn), bằng ám toán (tính trầm), mục toán (số học), canh nông, thương mãi, mục súc (chăn bò), làm tên (chế tạo vũ khí), và quan chức (phục vụ vua).
[10] Hiện pháp khổ ấm 現 法 苦 陰. Pāli: sandiṭṭhiko dukkhakhando, khổ uẩn được chứng kiến.
[11] No.53: "Lúc mặt trời sắp lặn, bóng mát đổ ngược xuống giữa hai ngọn núi lớn". 100. KINH KHỔ ẤM (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật đến Thích-ki-sấu, trú tại Ca-duy-la-vệ, vườn Ni-câu-loại.[02]
Bấy giờ Thích Ma-ha-nam[03], sau bữa ăn trưa tìm đếm chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi qua một bên mà bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con biết Thế Tôn dạy pháp như vậy khiến tâm con được diệt ba uế, nhiễm tâm uế, nhuế tâm uế và si tâm uế[04]. Bạch Thế Tôn, con biết pháp ấy như vậy nhưng trong tâm con lại sinh nhiễm pháp, nhuế pháp và si pháp. Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như vầy, 'Ta có pháp gì không bị diệt trừ, khiến tâm ta lại sinh pháp nhiễm, pháp nhuế, pháp si?"
Thế Tôn bảo:
"Này Ma-ha-nam, ông có một pháp không bị diệt trừ, cho nên ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo này. Ma-ha-nam, nếu ông diệt được pháp đó, ông sẽ không sống tại gia mà chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo. Bởi vì có một pháp không bị diệt trừ mà ông sống tại gia, không chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo".
Khi ấy Thích Ma-ha-nam liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, chắp tay hướng về Phật mà bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nói pháp cho con nghe để tâm con được thanh tịnh, trừ nghi, đắc đạo".
Thế Tôn nói:
"Ma-ha-nam, có năm công đức của dục, đáng yêu, đáng mơ tưởng, đáng vui thích, có liên hệ đến dục, khiến cho người khoái lạc. Những gì là năm? Đó là, sắc được biết bởi mắt, âm thanh được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Do đây mà nhà vua và quyến thuộc của nhà vua được an lạc hoan hỷ. Ma-ha-nam, vị ngọt của dục chỉ cùng cực đến đó chứ không hơn nữa, nhưng tai họa của nó thì lại rất nhiều.
"Ma-ha-nam, thế nào là tai họa của dục? "Ma-ha-nam, một thiện gia nam tử, tùy kỹ thuật[05] riêng mà tự mưu sinh; hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc học sách, hoặc giỏi toán thuật, biết công số, khéo in khắc, làm văn chương, tạo thủ bút, hoặc hiểu kinh thơ, hoặc làm võ tướng, hoặc phụng sự vua. Người ấy khi gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát nhọc mệt, bị muỗi mòng châm chích; nó phải làm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của. Thiện nam tử bằng những phương tiện như thế, làm các công việc như vậy để mong cầu như vậy, nếu không kiếm được tiền của thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si dại, nói rằng 'Luống công làm lụng khổ nhọc vô ích mà những điều mong cầu không có kết quả'. Trái lại, thiện nam tử ấy bằng những phương tiện như vậy để mong cầu như vậy, nếu kiếm được tiền của nó sanh yêu quý, giữ gìn, chôn giấu. Vì sao vậy? Nó nghĩ: 'Tài vật này của ta, đừng để cho vua đoạt, giặc cướp, lửa thiêu, hư hại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi, hoặc làm việc mà không thành tựu'. Kẻ đó giữ gìn, chôn giấu như vậy nhưng nếu rủi bị vua đoạt, hoặc giặc cướp, lửa thiêu hư hại mất thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si ám, nói rằng: 'Vật ta yêu quý, nhớ nghĩ suốt đêm ngày, nay đã không còn'. Ma-ha-nam, đó là những nỗi thống khổ ở đời này[06], nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mẹ tranh cãi với con, con tranh cãi với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ tranh cãi lẫn nhau. Vì tranh cãi lẫn nhau như vậy nên mẹ nói xấu con, con nói xấu mẹ. Cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ nói xấu lẫn nhau. Thân thích còn vậy, huống nữa là người dưng. Ma-ha-nam, đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên vua tranh giành với vua, Phạm chí tranh giành với Phạm chí, Cư sĩ tranh giành với Cư sĩ, dân tranh giành với dân, nước này tranh giành với nước nọ. Bởi tranh giành nên thù nghịch nhau, rồi dùng đủ loại binh khí để giết hại lẫn nhau, hoặc nắm tay thoi, ném đá, hoặc dùng gậy đánh, dao chặt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang khôi giáp, khoác trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi vào quân trận. Hoặc đánh nhau bằng voi, hoặc ngựa, hoặc xe, hoặc dùng bộ binh đánh nhau, hoặc cho trai gái đánh nhau. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi tranh đoạt nước người, công thành phá lũy, chống cự lẫn nhau, thúc trống thổi kèn, lớn tiếng reo hò, hoặc dùng chày đập, hoặc dùng mâu kích, hoặc dùng bánh xe bén, hoặc dùng tên bắn, hoặc lăn đá kè, hoặc dùng nỏ lớn, hoặc rót nước đồng sôi vào mắt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn vào xóm, vào ấp, vào quốc gia, vào thành thị, đục vách phá kho, cướp đoạt tài vật, chận đường giao thông, hoặc đến ngõ khác phá xóm phá làng, phá thành diệt nước. Trong đó, hoặc người của vua bắt được, đem khảo đủ cách; chặt tay, chặt chân, hoặc chặt hết cả tay chân; cắt tai, cắt mũi, hoặc cắt cả tai mũi; hoặc lóc từng miếng thịt; bứt râu bứt tóc, hoặc bứt cả râu tóc; hoặc nhốt vào trong cũi, quấn vải hỏa thiêu, hoặc lấp trong cát, lấy cỏ quấn lại rồi đốt; hoặc bỏ vô bụng lừa sắt, hoặc bỏ vô miệng heo sắt, hoặc đặt vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ vô vạc đồng, hoặc bỏ vô vạc sắt rồi nấu; hoặc chặt ra từng khúc, hoặc dùng xoa bén đâm, hoặc lấy móc sắt móc, hoặc bắt nằm trên giường sắt rồi lấy dầu sôi rót, hoặc bắt ngồi trong cối sắt rồi lấy chày sắt giã, hoặc cho rắn rít mổ cắn, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy thọt, hoặc dùng dùi đánh, hoặc buộc sống treo trên nêu cao, hoặc chém đầu rồi bêu. Trong các trường hợp đó, kẻ ấy hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. Ma-ha-nam, đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác. Kẻ đó về sau bệnh tật liệt giường, hoặc ngồi hoặc nằm trên đất, vì khổ bức thân, toàn thân cảm giác khổ sở vô cùng, không còn đáng yêu thích. Kẻ đó vì lúc trước thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác nên khi sắp chết chúng che ngay trước mắt giống như mặt trời lặn bóng sườn núi lớn, che lấp mặt đất[07]. Cũng vậy, kẻ ấy bị những ác hành của thân, ác hành của khẩu và của ý che lấp trước mắt, kẻ đó nghĩ rằng: 'Ác hành ta làm trước kia, bây giờ chúng che trước mắt ta. Trước ta không tạo phước nghiệp mà tạo nhiều ác nghiệp. Giả tỷ có ai chỉ làm ác, hung bạo, chỉ làm tội chứ không làm phước, không hành thiện, khi sống không biết lo sợ, gần chết không chỗ nương cậy, không chỗ quay về. Người ấy thân sanh về cõi nào, ta cũng thác sinh về chỗ đó'. Do đó, sanh hối hận, rồi do hối hận mà chết không an, chết không được phước. Ma-ha-nam, đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Lại nữa, Ma-ha-nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu và ý làm ác. Kẻ đó vì thân làm ác, khẩu và ý làm ác nên nhân nơi đó, duyên nơi đó mà khi thân hoại mạng chung phải đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Ma-ha-nam, đó là những nỗi khổ ở đời sau nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc.
"Ma-ha-nam, Vì vậy nên biết, dục tuyệt đối không có lạc, chỉ có vô lượng khổ hoạn. Đa văn Thánh đệ tử nếu không biết đúng như thật, vị ấy bị dục phủ kín, không đạt được an lạc do xả[08] và vô thượng tịch tĩnh. Ma-ha-nam, Đa văn Thánh đệ tử như vậy sẽ nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.
"Ma-ha-nam, Ta biết là dục không có lạc mà chỉ là vô lượng khổ hoạn. Biết như thật rồi, Ma-ha-nam, Ta không bị dục phủ kín, cũng không bị pháp ác quấn chặt. Vì vậy đạt được an lạc do xả và vô thượng tịch tĩnh. Ma-ha-nam, vì vậy Ta không nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.
"Ma-ha-nam, một thời, Ta sống tại thành Vương xá, trú trong động Tiên nhân Thất diệp, ở trên núi Bệ-đa-la[09].
"Ma-ha-nam, lúc bấy giờ vào lúc xế trưa, Ta từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Quảng sơn[10], Ta thấy ở đó có nhiều người Ni-kiền đang tu hạnh không ngồi, thường đứng mà không ngồi, chịu khổ cùng cực. Ta bước đến hỏi: 'Này các Ni-kiền! Vì sao các ông tu hạnh không ngồi này, thường đứng không ngồi, chịu khổ như vậy?' Họ trả lời như vầy, 'Này Cù-đàm, tôi có tôn sư Ni-kiền tên là Thân tử. Ngài dạy tôi rằng: 'Này các Ni-kiền, đời trước ngươi nếu có nghiệp bất thiện, thì nhờ khổ hạnh này ngươi sẽ được hết. Nếu nay giữ gìn diệu hạnh của thân, giữ gìn diệu hạnh của khẩu, của ý, thì sẽ do nhân đó, duyên đó mà không trở lại làm ác, tạo nghiệp bất thiện'.' "Ma-ha-nam, Ta hỏi lại rằng: 'Này các Ni-kiền, các ông tin tưởng tôn sư, không hề nghi ngờ gì cả chăng?' Họ trả lời Ta, "Đúng vậy, Cù-đàm, chúng tôi tin tưởng các đức tôn sư, không hề nghi ngờ gì cả'. Ma-ha-nam, Ta lại hỏi: 'Này Ni-kiền, nếu quả như vậy thì tôn sư Ni-kiền của các ông trước kia đã tạo các nghiệp ác bất thiện rất nặng, vị ấy vốn trước kia là Ni-kiền rồi chết đi, nay sanh vào nhân gian, xuất gia làm Ni-kiền, tu hạnh không ngồi, thường đứng không ngồi, chịu khổ sở như vậy, cũng như bọn các ông và đệ tử các ông vậy'. Họ lại nói với Ta: 'Này Cù-đàm, lạc không nhân nơi lạc, nhưng nhân nơi khổ mới có. Như sự lạc của vua Tần-bệ-sa-la[11] thì Sa-môn Cù-đàm không bằng được'. Ta lại nói: 'Các ông si cuống, nói điều vô nghĩa. Tại sao? Các ông không khéo léo, không hiểu biết gì cả. Mà khi không biết, nên các ông nói, 'Như sự lạc của vua Tần-bệ-sa-la thì Sa-môn Cù-đàm không bằng được'. Này Ni-kiền, đáng lẽ các ông phải hỏi như thế này: 'Tần-bệ-sa-la và Sa-môn Cù-đàm, ai sung sướng hơn?' Này Ni-kiền, nếu như Ta nói rằng: 'Sự lạc của Ta hơn, vua Tần-bệ-sa-la không bằng,' thì này Ni-kiền, các ông có thể nói như vầy, ' Sự lạc của vua Tần-bệ-sa-la, Sa-môn Cù-đàm không bằng'. Các Ni-kiền đó liền nói như vầy, 'Thưa Cù-đàm, nay chúng tôi muốn hỏi Cù-đàm, giữa vua Tần-bệ-sa-la và Sa-môn Cù-đàm, ai sung sướng hơn?' Ta lại nói, 'Này Ni-kiền, Ta nay hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Ni-kiền, ý ông nghĩ sao, vua Tần-bệ-sa-la có đạt được sự tịch mặc vô ngôn như ý, nhân đó mà được hoan hỷ, khoái lạc trong bảy ngày bảy đêm không?' Ni-kiền đáp, 'Không, thưa Cù-đàm'. Ta hỏi, 'Thế có được hoan hỷ, khoái lạc trong vòng sáu, năm, bốn, ba, hai hay một ngày một đêm không?' Ni-kiền đáp: 'Không, thưa Cù-đàm'. Ta lại hỏi, 'Này Ni-kiền, Ta có đạt được sự tịch mặc vô ngôn ý, nhân đó mà được hoan hỷ, khoái lạc trong một ngày một đêm không?' Ni-kiền đáp, 'Được, thưa Cù-đàm'. Ta hỏi, 'Thế Ta có được hoan hỷ trong vòng hai, ba, bốn, năm, sáu, cho đến bảy ngày bảy đêm không?'. 'Được, thưa Cù-đàm'. Ta lại hỏi tiếp, 'Này Ni-kiền, ý các ông nghĩ sao, ai sung sướng hơn, vua Tần-bệ-sa-la hay là Ta?' Ni-kiền đáp, 'Thưa Cù-đàm, như chúng tôi hiểu theo sự trình bày của Sa-môn Cù-đàm thì Sa-môn Cù-đàm sung sướng hơn, vua Tần-bệ-sa-la không bằng'.
"Ma-ha-nam, vì vậy nên biết là nơi dục không có lạc, chỉ toàn là khổ hoạn. Nếu Đa văn Thánh đệ tử không thấy như thật, như vậy sẽ bị bao phủ bởi dục, bị quấn chặt bởi pháp ác bất thiện, nên không đạt được an lạc của xả và vô thượng tịch tĩnh. Ma-ha-nam, như vậy Đa văn Thánh đệ tử kia nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.
"Ma-ha-nam, Ta biết là nơi dục không có lạc, chỉ toàn là vô lượng khổ hoạn. Ta biết đúng như thật nên không bị dục ngăn che, cũng không bị quấn chặt bởi pháp ác bất thiện. Vì vậy đạt được an lạc của xả và vô thượng tịch tĩnh.
"Ma-ha-nam, vì vậy Ta không nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.
Phật thuyết như vậy. Thích Ma-ha-nam và các Tỳ-kheo nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli M.14 Cūḷa-dukkhakkhandha-suttaṃ. Hán, biệt dịch, No.55.
[02] Xem các kinh 12, 180, 191. Pāli: sakkesu viharati kapilavatthusmiṃ nigrodhārāme.
[03] Thích Ma-ha-nam 釋 摩 訶 男. Pāli: Sakka Mahānāma, con trai của Amitodana, anh em chú bác với Phật, chứ không phải là một trong năm vị đệ tử đầu tiên của Phật.
[04] Nhiễm, nhuế, si tâm uế 染, 恚, 癡 心 穢. Pāli: lobho, doso, moho citassa upakkileso, tham, sân, si là ô nhiễm của tâm.
[05] Đoạn này như (I)" " href="TrungAHam099.htm">kinh 99 trên, xem các cht. ở đó.
[06](I)" " href="TrungAHam099.htm#_ftn10"> Xem cht.10, Kinh 99.
[07] (I)" " href="TrungAHam099.htm#_ftnref11">Xem cht.11, Kinh 99.
[08] Đắc xả lạc 得 捨 樂.
[09] Bệ-đa-la sơn Tiên nhân Thất diệp ốc 鞞 哆 羅 山 仙 人 七 葉 屋. Có lẽ là hang Sattapaṇṇiguhā, dưới chân núi Vebhāra, địa điểm này khác với bản Pāli là núi Gijjhakūṭa. cả hai đều ở trong số năm ngọn núi quanh Rājagahā. No.54: Thiết-đề-ban-lãm-cù-hà, có thể coi như dịch âm tương đương với Sattapaṇṇiguhā. Bản Pāli: ... viharāmi gijjhakūṭe pabbate... saṃbahulā nigaṇṭhā isigilipasse kāḷasilāyaṃ, Ta trú trên núi Gijjhakūṭa (Linh thứu); có nhiều người Nigaṇṭha sống trong hang Hắc thạch, sườn núi Tiên nhân. Bệ-đa-la sơn, Tiên nhân Thất diệp khốt.
[10]Quảng sơn 廣 山, có lẽ là Vepulla, cao nhất trong năm ngọn núi quanh Rājagahā, địa điểm này cũng khác trong bản Pāli: họ ở trong hang Kaḷasilā trên sườn Isigili, No.54: Đọa-phu-lu, có thể coi như dịch âm tương đương Vepulla.
[11]Tần-bệ-sa-la 頻 鞞 娑 羅. Pāli: Bimbisāra, vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà). 101. KINH TĂNG THƯỢNG TÂM[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
"Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm[02], cần phải thường xuyên suy niệm năm tướng. Thường xuyên niệm năm tướng thì niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm được tĩnh chỉ, chuyên nhất, được định tĩnh[03].
"Năm tướng[04] đó là những gì? Tỳ-kheo suy niệm về một tướng tương ưng thiện[05], nếu sanh niệm bất thiện[06], vị Tỳ-kheo đó nhân nơi tướng này lại suy niệm về một tướng khác tương ưng với thiện, khiến niệm ác bất thiện không sanh nữa. Khi vị Tỳ-kheo đó nhân nơi tướng này, lại suy niệm về một tướng khác tương ưng với thiện thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, được định tĩnh.
"Cũng như người thợ mộc hay học trò thợ mộc kéo thẳng dây mực, búng lên thân cây rồi dùng rìu bén mà đẽo cho thẳng; Tỳ-kheo cũng vậy, nhân nơi tướng này mà suy niệm một tướng khác tương ưng với thiện, khiến niệm ác bất thiện không sanh nữa. Khi Tỳ-kheo đó nhân nơi tướng này, lại suy niệm một tướng khác tương ưng với thiện, niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, bên trong tĩnh chỉ chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải luôn luôn suy niệm tướng thứ nhất này. Do suy niệm tướng này, niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, được định tĩnh.
"Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng, tương ưng với thiện, nếu sanh niệm bất thiện, Tỳ-kheo đó quán rằng: "Suy niệm ác này có tai họa[07], suy niệm này là bất thiện, suy niệm này là ám, suy niệm này bị người trí ghét, suy niệm này nếu đầy đủ thì không thể chứng đắc trí thông[08], không chứng đắc giác đạo, không chứng đắc Niết-bàn, vì nó khiến sanh niệm ác bất thiện'. Vị Tỳ-kheo đó quán sự ác như vậy, niệm bất thiện sanh khởi liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi liền tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Như có người thiếu niên đẹp trai, khả ái, tắm gội sạch sẽ, mặc y phục đẹp đẽ, lấy hương xoa khắp thân, cạo sửa râu tóc khiến rất tinh khiết. Nếu lấy xác rắn, xác chó, hoặc xác người đã thâm xanh, sình chướng, thối rữa, chảy nước dơ, đeo tròng vào cổ người ấy, người ấy liền ghét sự dơ bẩn nên không hỷ, không lạc. Tỳ-kheo cũng vậy, Tỳ-kheo quán rằng 'Niệm ác này có tai họa, niệm này không thiện, niệm này là ác, niệm này người trí ghét. Nếu đầy đủ niệm này thì không thể chứng đắc trí thông, không chứng đắc giác đạo, không chứng đắc Niết-bàn vì nó khiến sanh niệm ác bất thiện'. Tỳ-kheo đã quán sự ác như vậy, niệm bất thiện đã sanh liền trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải luôn luôn niệm tướng thứ hai này. Khi niệm về tướng này thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng tương ưng với thiện mà sanh niệm bất thiện, và khi quán niệm ác có tai họa mà lại sanh niệm bất thiện nữa, Tỳ-kheo đó không nên suy niệm về niệm này, vì nó khiến sanh niệm ác bất thiện. Tỳ-kheo đó không suy niệm về niệm này nữa thì niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trụ, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Như người có mắt, cảnh sắc nằm trong ánh sáng nhưng không muốn nhìn. Người đó hoặc nhắm mắt, hoặc lánh thân đi, ý các ngươi nghĩ sao, cảnh sắc nằm trong ánh sáng, người đó có thể cảm nhận được tướng dạng của sắc không?"
Đáp rằng:
"Thưa không."
"Tỳ-kheo cũng vậy, không nên suy niệm về niệm này, vì nó khiến sanh niệm ác bất thiện. Khi vị Tỳ-kheo đó không suy niệm về niệm này nữa, niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải luôn luôn suy niệm tướng thứ ba này. Suy niệm về tướng này thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng tương ưng với thiện mà sanh niệm bất thiện, khi quán niệm ác có tai họa cũng sanh niệm bất thiện, và trong khi không suy niệm về niệm đó nữa cũng lại sanh niệm bất thiện; vị Tỳ-kheo đó vì niệm này, phải dùng hành tướng của tư duy để giảm dần niệm ấy[09], khiến không sanh niệm ác bất thiện. Khi đối với niệm này, Tỳ-kheo đó phải dùng hành tướng tư duy để giảm dần niệm ấy thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm thường an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Như có người đi đường, bước nhanh trên đường, người đó nghĩ rằng: 'Tại sao ta đi nhanh? Giờ ta hãy đi chậm được chăng?' Người đó liền đi chậm lại, nhưng rồi lại nghĩ: 'Tại sao ta đi chậm mà chẳng đứng lại?' Người đó liền đứng lại, nhưng rồi lại nghĩ: 'Tại sao ta lại đứng? Ta ngồi xuống được chăng?' Người đó liền ngồi xuống, nhưng rồi lại nghĩ: 'Tại sao ta lại ngồi? Ta nằm xuống được chăng?' Người đó liền nằm xuống. Như vậy là người đó đang thực hành pháp đình chỉ dần dần hành tướng thô của thân. Nên biết, Tỳ-kheo cũng giống như thế. Đối với niệm này, Tỳ-kheo đó phải dùng hành tướng của tư duy mà giảm dần niệm ấy để không sanh niệm ác bất thiện. Khi đối với niệm này, Tỳ-kheo đó phải dùng hành tướng của tư duy, giảm dần niệm ấy, thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt, niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, bên trong tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm, cần phải suy niệm luôn luôn tướng thứ tư này. Suy niệm tướng này thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Lại nữa, Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng, tương ưng với thiện mà sanh niệm bất thiện, khi quán niệm ác có tai họa mà cũng sanh niệm bất thiện, khi không suy niệm về niệm ác cũng sanh tiếp niệm bất thiện, và khi phải dùng hành tướng của tư duy để giảm dần niệm ấy, cũng lại sanh tiếp về niệm bất thiện nữa; Tỳ-kheo đó nên quán như vầy. Tỳ-kheo, vì nhân niệm này mà sanh niệm bất thiện, Tỳ-kheo đó liền ngậm khít răng lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm để tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm[10], khiến không niệm ác bất thiện.
"Khi vị Tỳ-kheo đó dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm thì niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Như hai lực sĩ bắt một người yếu, nắm vững và hàng phục nó, Tỳ-kheo cũng vậy, răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm để không sanh niệm ác bất thiện. Khi vị Tỳ-kheo đó dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, bên trong tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định. Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng tượng tâm, cần phải luôn luôn suy niệm tướng thứ năm này. Suy niệm tướng này thì niệm bất thiện đã sanh liền được trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Nếu Tỳ-kheo muốn được tăng thượng tâm thì cần phải luôn luôn suy niệm năm tướng này. Luôn luôn suy niệm năm tướng thì niệm bất thiện đã sanh liền bị trừ diệt. Niệm ác diệt rồi, tâm liền được an trú, nội tâm tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định.
"Nếu Tỳ-kheo khi suy niệm về một tướng tương ưng với thiện mà không sanh niệm ác, khi quán niệm ác có tai họa cũng không sanh niệm ác, khi không suy niệm về niệm đó cũng không sanh niệm ác, khi dùng hành tướng của tư duy để giảm dần niệm ấy cũng không sanh niệm ác, và khi dùng tâm tu tâm, giữ chặt tâm và hàng phục tâm cũng lại không sanh niệm ác nữa, thì liền được tự tại, muốn suy niệm thì suy niệm, không suy niệm thì không suy niệm.
Nếu Tỳ-kheo muốn niệm thì niệm, không muốn niệm thì không niệm, thì đó là Tỳ-kheo đã được tùy ý trong cái suy niệm, tự tại trong các đạo tích suy niệm[11].
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli, M. 20. Vitakkasanthānasuttaṃ.
[02] Tăng thượng tâm 增 上 心. Pāli: adhicittam.
[03] Pāli: ajjhattam eva cittam santiṭṭhati sannisīdati ekodhi hoti samādhiyati.
[04] Ngũ tướng 五 相. Pāli: pañca nimittāni.
[05] Pāli: yaṃ nimittaṃ manasākaroto, khi tác ý nơi một tướng (nào đó).
[06] Pāli: upapajjanti pāpakā akusalā vitakkā chandūpasamhitāpi..., sanh khởi những ác bất thiện tầm liên hệ đến dục...
[07] Pāli: tesaṃ vitakkānaṃ ādīnavo uparikkhitabbo: itipime vitakkā akusalā... sāvajjā... Dukkhavipākā ti, cần quán sát sự tai hại của các tầm nay: tầm này là bất thiện, là bị chỉ trích, là có kết quả khổ.
[08] Thông 通, chỉ thắng trí, tức lục thông.
[09] Dĩ tư hành tiệm giảm kỳ niệm. Pāli: tesam vitakkānaṃ vitakkasaṅkhāra-saṇṭhānaṃ manāsikaroto, tác ý đến tư thái và tác động của tầm đối với các tầm ấy.
[10] Pāli: cetasā cittaṃ abhiniggaṇhaitabbaṃ abhinippìletabbaṃ abhisantāpe-tabbaṃ, bằng tâm mà khống chế tâm, trấn áp tâm, khuất phục tâm.
[11] Tự tại chư niệm tích 自 在 諸 念 跡. Pāli: bhikkhu vasī vitakkapariyāyapathesu, Tỳ-kheo ấy là người tự chủ trên những con đường dẫn đến pháp chiêm nghiệm (tầm pháp môn đạo). 102. KINH NIỆM[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
"Thuở xưa, khi chưa chứng quả giác ngộ Vô thượng chánh tận, Ta nghĩ rằng: 'Ta hãy chia các suy niệm[02] làm hai phần, niệm dục, niệm nhuế, niệm hại[03] làm một phần. Niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, làm một phần khác[04].'
"Sau đó, Ta liền chia các niệm làm hai phần, niệm dục, niệm nhuế, niệm hại, làm một phần. Niệm vô dục, niệm vô nhuế, niệm vô hại, làm một phần khác.
"Ta thực hành như vầây. Sống viễn ly, cô độc, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nếu sanh niệm dục, Ta liền biết là đang sanh niệm dục, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn, nó liền tiêu diệt nhanh chóng.
"Nếu lại sanh niệm nhuế, niệm hại, Ta liền biết là đang sanh niệm nhuế, niệm hại, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết-bàn, nó liền được tiêu diệt nhanh chóng.
"Khi sanh niệm dục, Ta không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ; sanh niệm nhuế, niệm hại cũng không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao vậy? Vì Ta thấy rằng, nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện. Ví như vào tháng cuối xuân, vì đã trồng lúa nên đất thả bò không được rộng. Người chăn bò thả bò nơi đầm ruộng, bò vào đất người, nó liền cầm roi đến ngăn lại. Vì sao vậy? Vì người chăn bò biết rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói. Do đó, chăn bò cầm roi đến ngăn lại. Ta cũng như vậy, sanh niệm dục, không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Sanh niệm nhuế, niệm hại cũng không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao vậy? Vì Ta thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện.
"Tỳ-kheo tùy theo sự tư duy, tùy theo sự suy niệm của mình mà tâm sanh ham thích trong đó.[05]
"Nếu Tỳ-kheo tư niệm quá nhiều về dục, tất sẽ bỏ niệm vô dục; vì tư niệm nhiều về dục cho nên tâm sanh ham thích trong đó. Nếu Tỳ-kheo tư niệm quá nhiều về niệm nhuế, niệm hại, tất sẽ xả bỏ niệm vô nhuế và niệm vô hại. Vì tư niệm quá nhiều về niệm nhuế và niệm hại nên tâm sanh ham thích trong đó. Tỳ-kheo như vậy, nếu không lìa được dục, không lìa được niệm nhuế và niệm hại, sẽ không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khóc lóc, cũng không thể xa lìa khỏi tất cả mọi sự khổ.
"Ta thực hành như vậy. Sống viễn ly, cô độc, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nếu sanh niệm vô dục, Ta biết liền là đang sanh niệm vô dục, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ, không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn, liền được tu tập nhanh chóng và rộng rãi. Nếu lại sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, Ta liền biết là đang sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, sẽ không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn. Biết rằng, không hại mình, không hại người, không hại cả hai, tu trí tuệ không phiền nhọc mà chứng đắc Niết-bàn, liền được tu tập nhanh chóng và rộng rãi.
"Ta sanh niệm vô dục, và tư niệm nhiều. Sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, và tư niệm nhiều. Ta lại suy nghĩ như vầy: 'Nếu tư niệm quá nhiều thì thân mệt[06], mất hỷ, tâm liền bị tổn hại. Ta hãy đối trị nội tâm, khiến thường an trú bên trong, tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định để tâm không bị tổn hại'. Sau đó, Ta liền đối trị nội tâm, khiến thường an trú bên trong, tĩnh chỉ, chuyên nhất, đắc định mà tâm không bị tổn hại.
"Ta đã sanh khởi niệm vô dục, rồi lại sanh khởi suy niệm về hướng pháp, thứ pháp[07], sanh khởi niệm vô nhuế, niệm vô hại, rồi lại cũng sanh khởi suy niệm về hướng pháp, thứ pháp. Vì sao vậy? Vì Ta không thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện. Ví như vào tháng cuối thu, đã gặt hết lúa, khi đó đứa chăn bò thả bò nơi đồng ruộng mà nghĩ rằng: 'Bò ta ở trong bầy'. Vì sao vậy? Vì đứa chăn bò không thấy rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói. Do đó đứa chăn bò nghĩ 'Bò ta ở trong bầy' và không thấy rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói, có mất mát. Ta cũng như vậy, sanh niệm vô dục rồi lại sanh niệm hướng pháp, thứ pháp, sanh niệm vô nhuế, niệm vô hại, rồi lại cũng sanh niệm hướng pháp, thứ pháp. Vì sao vậy? Vì Ta không thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện.
"Tỳ-kheo tùy sự tư duy, tùy sự suy niệm mà tâm ham thích trong đó. Nếu Tỳ-kheo tư niệm nhiều về niệm vô dục thì sẽ xả bỏ niệm dục; vì tư niệm nhiều về niệm vô dục nên tâm ham thích trong đó. Nếu Tỳ-kheo tư niệm nhiều về niệm vô nhuế, niệm vô hại thì sẽ xả bỏ niệm nhuế, niệm hại vì tư niệm nhiều về niệm vô nhuế, niệm vô hại nên ham thích trong đó. Tỳ-kheo giác quán[08] đã dứt, nội tĩnh nhất tâm, không giác không quán, định sanh hỷ lạc, chứng đệ Nhị thiền, thành tựu và an trụ. Tỳ-kheo đó ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là Thánh xả, niệm, an trú lạc, chứng đắc đệ Tam thiền, thành tựu an trụ. Tỳ-kheo diệt lạc, diệt khổ, diệt ưu hỷ vốn đã có, rồi thì không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng đệ Tứ thiền, thành tựu an trụ.
"Như vậy, Tỳ-kheo định tâm, thanh tịnh, không ô uế, không phiền não, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, hướng đến quả vị lậu tận, tự thân chứng ngộ trí thông, liền biết như thật rằng 'Đây là Khổ', 'Đây là Khổ tập', 'Đây là Khổ diệt', 'Đây là Khổ diệt đạo'. Cũng biết như thật đây là lậu diệt và đây là lậu diệt đạo. Tỳ-kheo đã biết như vậy, thấy như vậy rồi thì tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'.
"Khi Tỳ-kheo này đã lìa niệm dục, lìa niệm nhuế, lìa niệm hại thì được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn lo, khóc lóc, lìa tất cả khổ. Ví như ở một khu rừng có suối nước lớn, có bầy nai nọ đến đó rong chơi. Có một người đến, không muốn vì sự lợi ích phước lành cho bầy nai đó, vì không muốn sự an ổn khoái lạc cho chúng, liền bít con đường chánh, mở con đường hiểm, đào hầm hố lớn rồi cho người coi giữ. Như vậy là tất cả bầy nai đều bị chết hết. Lại có một người khác đến, muốn cho bầy nai kia được lợi ích phước lành, được an ổn khoái lạc, liền mở con đường chánh, bít lấp con đường hiểm, đuổi người coi giữ. Như vậy, bầy nai được cứu thoát an ổn.
"Này các Tỳ-kheo, nên biết Ta nói ví dụ này là muốn để các ngươi biết rõ ý nghĩa, người trí tuệ nghe ví dụ này sẽ hiểu rõ ý thú. Ví dụ đó có nghĩa như vầy. Suối nước lớn là năm dục, ái niệm, hoan lạc. Những gì là năm? Sắc được biết bởi mắt, tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, lưỡi vị được biết bởi lưỡi và xúc được biết bởi thân. Suối nước lớn nên biết đó là năm thứ dục lạc. Bầy nai, nên biết đó là Sa-môn, Phạm chí. Người đi đến không muốn cho bầy nai kia được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, nên biết đó là ma Ba-tuần. Bít con đường chánh, mở một đường hiểm, đó là ba niệm ác bất thiện, niệm dục, niệm nhuế và niệm hại. Đường hiểm, nên biết đó là niệm ác bất thiện. Lại có con đường hiểm, đó là tám tà đạo, tà kiến và tà định. Đào hầm lớùn, nên biết đó là vô minh. Người coi giữ, nên biết đó là quyến thuộc của ma Ba-tuần. Còn người đi đến, muốn cho bầy nai được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, nên biết đó chính là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Bít lấp con đường hiểm, mở con đường chánh, đó là ba niệm thiện, niệm vô dục, niệm vô nhuế và niệm vô hại. Đường chánh, nên biết đó là ba niệm thiện. Lại còn có con đường chánh, đó là bát chánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định.
"Này các Tỳ-kheo, Ta đã mở con đường chánh, bít lấp con đường hiểm, san bằng hầm hố, đuổi người coi giữ cho các ngươi rồi. Ví như đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc. Điều đó Ta đã thực hiện rồi, các ngươi cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến chỗ vô sự, núi rừng, gốc cây, hoặc chỗ nào yên tĩnh mà thiền tọa tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta. Đó là lời khuyên bảo của Ta".
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli: M.19. Dvedhāvitakka-suttaṃ.
[02] Niệm 念, hoặc gọi là tầm, tức là chú tâm tìm bắt đối tượng của tư duy. Cũng là một thiền chi, thuộc Sơ thiền, mà bản Hán này thường dịch là: giác 覺. Pāli: vitakka.
[03] Dục niệm, nhuế niệm, hại niệm 欲 恚 害 念, ba bất thiện tầm. Pāli: tayo akusala-vitakkā, kāma-vitakko, vyāpāda-vitakko, vihiṃsa-vitakko.
[04] Ba thiện tầm. Pāli: tayo kusala-vitakkā.
[05] Hán: 心 便 樂 中; tâm tiện lạc trung. Yaññadeva... Bahulam anuvitakketi anuvicāreti tathā tathā nati hoti cetaso, tầm và tứ hướng nhiều về nơi nào thì tâm cũng thiên hướng về nơi đó.
[06] Để bản chép: thân định hỷ vong 身 定 喜 亡; Tống-Nguyên-Minh: thân chi hỷ vong 身 之 喜 亡. Có thể nhầm cả; nên sửa lại: thân phạp, hỷ vong 身 乏 喜 亡. Đối chiếu Pāli: aticiraṃ anuvitakkayato... kāyo kilameyya; kāye kilante cittaṃ ūhañuñeyya: suy tầm quá lâu, thân có thể sinh mệt. Khi thân mỏi mệt, tâm loạn động.
[07] Hướng pháp thứ pháp 向 法 次 法, tức thực hành pháp tùy pháp; xem cht. kinh. Bản Pāli không đề cập.
[08] Giác quán, tức là tư và niệm đã nói trên.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.14.12 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.