Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 40 »»

Trung A Hàm Kinh [中阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 40

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.54 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.68 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Trung A Hàm

Kinh này có 60 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 | 51 |
Việt dịch: Thích Tuệ Sỹ

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

12. PHẨM PHẠM CHÍ
(Phần Sau)
157. KINH HOÀNG LÔ VIÊN[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Bệ-lan-nhã[02], trú trong vườn Hoàng lô[03].
Bấy giờ Phạm chí Bệ-lan-nhã tuổi cao tác lớn, tuổi thọ gần dứt, mạng sống gần tàn, tuổi đã một trăm hai mươi, chống gậy mà đi. Vào buổi xế trưa, Phạm chí ấy thong dong đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, chống gậy đứng trước Đức Phật và nói:
"Này Cù-đàm, ta nghe Sa-môn Cù-đàm lúc thiếu thời, tuổi còn quá trẻ, vừa mới xuất gia học đạo, thế mà nếu có danh đức Sa-môn Phạm chí nào đích thân đi đến vẫn không kính lễ, cũng không tôn trọng, cũng không đứng dậy, không mời các vị ấy ngồi. Này Cù-đàm, việc ấy quả không thể được."
Thế Tôn đáp:
"Này Phạm chí, Ta chưa từng thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí nào từ loài Người cho đến Trời đi đến, khiến Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời các vị ấy ngồi. Này Phạm chí, nếu có ai đến mà muốn Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời ngồi, thì đầu của vị ấy chắc chắn vỡ thành bảy mảnh."
Phạm chí lại nói:
"Cù-đàm vô vị[04]."
Đức Thế Tôn bảo:
"Này Phạm chí, có sự kiện khiến Ta vô vị, nhưng không phải như lời ông nói. Nếu có vị của sắc, vị của tiếng, vị của hương, vị của xúc, thì những thứ ấy đã bị Như Lai đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là kiện khiến Ta vô vị, nhưng không như lời ông nói."
Phạm chí lại nói:
"Cù-đàm không sợ hãi[05]."
Đức Thế tôn đáp:
"Này Phạm chí, có sự kiện khiến Ta không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói. Nếu có sợ hãi sắc, thanh, hương, vị, xúc, thì Như Lai đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là sự kiện khiến Như Lai không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói."
Phạm chí lại nói:
"Cù-đàm không nhập thai[06]."
Đức Thế Tôn đáp:
"Có sự kiện khiến Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói. Nếu có Sa-môn, Phạm chí đối với sự mang thai trong tương lai mà đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa, Ta nói rằng vị ấy không đầu thai. Như Lai đối với sự mang thai trong tương lai đã vĩnh viễn đoạn trừ, tuyệt diệt, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa, cho nên Ta không đầu thai. Đó là sự kiện Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói.
"Này Phạm chí, Ta ở trong chúng sanh này đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị phủ kín trong vỏ trứng vô minh, thì Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy, Ta là bậc nhất.
"Cũng như gà mái sanh trứng, mười hoặc mười hai trứng, luôn luôn nghĩ, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn bảo bọc. Một thời gian sau, giả sử gà mái buông trôi; gà con ở bên trong, hoặc dùng mỏ mổ, hoặc dùng móng chân mà chọi, phá vỡ trứng chui ra an ổn, đối với các gà con khác, nó là bậc nhất. Ta cũng như thế, Ta ở trong chúng sanh này, đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị bọc kín trong vỏ trứng vô minh. Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy Ta là bậc nhất.
"Này Phạm chí, Ta ôm cỏ khô đi đến cây Giác thọ, rãi cỏ xuống gốc cây, trải ni-sư-đàn lên mà ngồi kiết già, quyết ngồi ngay ngắn, thề cho đến khi dứt sạch các lậu mới thôi. Rồi Ta ngồi ngay ngắn cho đến khi dứt sạch các lậu. Sau khi ngồi ngay ngắn, Ta ly dục, ly pháp ác, bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do ly dục sanh, đạt được Thiền thứ nhất, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ nhất, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên đến Niết-bàn.
"Lại nữa, này Phạm chí, sau khi Ta giác quán dứt sạch, bên trong tịch tĩnh, nhất tâm, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh, đạt được Thiền thứ hai, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ hai, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
"Lại nữa, này Phạm chí, Ta ly hỷ, ly dục, xả, vô cầu, an trú chánh niệm, chánh trí mà thân giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là Thánh xả, có niệm, an trụ lạc, đạt được Thiền thứ ba, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ chứng đắc Tâm tăng thượng thứ ba, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
"Lại nữa, này Phạm chí, Ta diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt được Thiền thứ tư, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc Tâm tăng thượng thứ tư, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
"Lại nữa, này Phạm chí, Ta đã chứng định tâm thanh tịnh như thế, không uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Túc mạng trí thông và chứng đắc, nhớ vô lượng đời trước mà Ta đã trải qua, có hành động và có dung mạo thế nào. Nghĩa là Ta nhớ lại một đời, trăm đời, ngàn đời, kiếp thành, kiếp hoại, vô lượng kiếp thành và hoại, chúng sanh kia tên như thế, thuở xưa trải qua đó. Ta từng sanh ở đó, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt tuổi thọ như thế, chết nơi này sanh nơi kia, chết chỗ kia sanh chỗ này; Ta sanh nơi này, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, thọ khổ và an lạc như thế, trường thọ như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt mạng sống như thế. Bấy giờ là lúc vào khoảng đầu, chứng đắc minh đạt thứ nhất này, nhờ không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, mà trí pháp sanh, mê ám tiêu tan mà minh thành tựu, vô minh hoại diệt mà minh phát sanh. Đó là Ta đắc minh đạt Túc mạng trí.
"Lại nữa, này Phạm chí, Ta đã chứng đắc định tâm thanh tịnh như thế, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Lậu tận thông và chứng đắc. Ta biết như thật rằng: 'Đây là Khổ,' biết như thật rằng 'đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo'; biết như thật rằng: 'Đây là lậu', biết như thật rằng 'đây là lậu tập, lậu diệt, lậu diệt đạo.' Ta biết như thế, Ta thấy như thế, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi giải thoát liền biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: 'Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.' Bấy giờ là vào lúc cuối đêm, Ta chứng đắc minh đạt trí thứ ba này, nhờ không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, trí phát sanh, mê ám tiêu tan, minh thành tựu, vô minh hoại diệt, minh phát sanh. Đó là Ta chứng đắc minh đạt Lậu tận trí.
"Lại nữa, này Phạm chí, nếu có ai với sự thuyết giảng chân chánh mà thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh ra trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh, vị ấy là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín, nên biết rằng vị thuyết giảng chân chánh ấy chính là Ta. Vì sao? Vì Ta thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh ấy, Ta là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín."
Nghe vậy, Phạm chí xứ Tỳ-lan-nhã liền bỏ gậy xuống, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch Thế Tôn:
"Thế Tôn là bậc nhất, Thế Tôn thật vĩ đại, Thế Tôn tối thượng, Thế Tôn cao tột, Thế Tôn chánh đẳng, Thế Tôn không có ai bằng, Thế Tôn không có một ai so sánh, Thế Tôn không chướng ngại, Thế Tôn là bậc không gây chướng ngại! Bạch Thế Tôn, con nay nguyện đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc bắt đầu từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung."
Đức Phật thuyết như vậy, Phạm chí xứ Tỳ-lan-nhã và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 40. Pāli, A. 8. 11. Verañjā. Hán, biệt dịch, No.75.
[02] Bệ-lan-nhã 鞞 籣 若. Pāli: verañjā, tên thôn.
[03] Hoàng lô 黃 蘆. Pāli: naḷerupucimanda-mūla, dưới gốc cây Nelerupucimanda, không biết cây gì.
[04] Pāli: arasarūpo bhavaṃ gotamo, Tôn giả Gotama không có sắc vị (không thực chất). No.75: Sa-môn Cù-đàm này nhác nhớn.
[05] Hán: Cù-đàm vô khủng bố 瞿 曇 無 恐 怖; No.75 cũng vậy. Pāli: nibbhogo bhavaṃ Gotamo, Tôn giả Gotama là người không biết hưởng thụ. Nibbhoga (không thọ dụng), các bản Hán đều đọc là nibbhaya, không sợ hãi.
[06] Pāli: apagabbho bhavaṃ Gotamo.
158. KINH ĐẦU-NA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Phạm chí Đầu-na, vào lúc xế trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, ngồi qua một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
"Này Đầu-na, nếu ai hỏi: 'Ông là Phạm chí phải không?' thì ông có tự xưng mình là Phạm chí chăng?"
Phạm chí Đầu-na đáp:
"Này Cù-đàm nếu ai đáng xưng là Phạm chí, thì người ấy phải được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng tộc, đời đời không ác, học rộng, trì chú, tụng đọc tinh thông bốn bộ điển kinh, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí, thứ năm là văn phạm. Này Cù-đàm, người đáng gọi là Phạm chí thì chính là tôi vậy. Vì sao? Vì tôi được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không ác, học rộng, trì chú, tinh thông bốn bộ điển kinh, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí và văn phạm."
Đức Thế Tôn bảo:
"Này Đầu-na, Ta nay hỏi ông, ông hiểu thế nào thì trả lời thế ấy. Này Đầu-na, nếu thuở xưa có Phạm chí, lúc thân hoại mạng chung, đã đọc tụng kinh điển, truyền bá kinh điển, tụng đọc kinh điển, đó là một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa[02]; lại chủ xướng có năm hạng Phạm chí: có Phạm chí ngang hàng Phạm thiên, có Phạm chí ngang hàng chư Thiên, có Phạm chí không vượt giới hạn, có Phạm chí vượt giới hạn, và thứ năm là Phạm chí Chiên-đồ-la[03], thì này Đầu-na, trong năm loại Phạm chí ấy, ông thuộc hạng nào?"
Đầu-na đáp:
"Này Cù-đàm nói nghĩa ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi, nên tôi không hiểu được. Mong Sa-môn Cù-đàm khéo giải thích cho tôi biết."
Thế Tôn đáp:
"Này Đầu-na, hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ, Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho ông."
Đầu-na thứa:
"Xin vâng, thưa Cù-đàm."
Đầu-na vâng lời, lắng nghe. Đức Phật giải thích:
"Này Đầu-na, thế nào là Phạm chí ngang hàng Phạm thiên? Phạm chí nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, không tuyệt chủng, đời đời không ác. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh[04] để thấu triệt kinh thư, tụng tập điển kinh. Sau khi đã thấu triệt kinh thư, tụng tập kinh điển, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng pháp, chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải, tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu, an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, biến khắp mọi phương, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu, an trú. Cũng như vậy, bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu, an trú. Này Đầu-na, như vậy gọi là Phạm chí ngang hàng Phạm thiên.
"Này Đầu-na, thế nào Phạm chí ngang hành chư Thiên? Phạm chí nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không ác. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua[05], đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau đó bố thí của cải, vị ấy thực hành thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh. Khi đã thành tựu thân diệu hạnh, khẩu và ý diệu hạnh, vị đó nhờ nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Đầu-na, như vậy gọi là Phạm chí ngang hàng chư Thiên.
"Này Đầu-na, thế nào là Phạm chí không vượt giới hạn? Phạm chí nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không ác. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Phạm chí không có ý như vầy đối với nữ Phạm chí: 'Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.' Vị ấy lấy vợ người nữ dòng Phạm chí chứ không phải người nữ không thuộc dòng Phạm chí, cũng không phải người nữ dòng Sát-lợi, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản[06]. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Phạm chí không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm[07]. Cho nên, Phạm chí ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Phạm chí ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh[08]. Cho nên Phạm chí ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na, Phạm chí ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu con. Sau khi sanh con trong mức độ nào là giới hạn ước định của những Phạm chí thời xưa, vị ấy dừng lại ở đó, giữ giới hạn đó, không vượt qua giới hạn đó. Này Đầu-na, như vậy gọi là Phạm chí không vượt giới hạn.
"Này Đầu-na, thế nào là Phạm chí vượt giới hạn? Phạm chí nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không ác. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Phạm chí không có ý như vầy đối với nữ Phạm chí: 'Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.' Vị ấy lấy vợ người nữ dòng Phạm chí chứ không phải người nữ không thuộc dòng Phạm chí, cũng không phải người nữ dòng Sát-lợi, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Phạm chí không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm. Cho nên, Phạm chí ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Phạm chí ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh. Cho nên Phạm chí ấy không lấy vơ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na, Phạm chí ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu con. Sau khi sanh con, trong mức độä nào là giới hạn ước định Phạm chí thời xưa, vị ấy không dừng lại ở đó, không giữ nguyên giới hạn đó, mà vượt qua khỏi giới hạn đó. Này Đầu-na, như vậy gọi là Phạm chí vượt khỏi giới hạn.
"Này Đầu-na, Phạm chí như thế nào là Phạm chí Chiên-đà-la? Phạm chí nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không ác. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Phạm chí không có ý như vầy đối với nữ Phạm chí: 'Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.' Vị ấy lấy vợ người nữ dòng Phạm chí chứ không phải người nữ không thuộc dòng Phạm chí, cũng không phải người nữ dòng Sát-lợi, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Phạm chí không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm. Cho nên, Phạm chí ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Phạm chí ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh. Cho nên Phạm chí ấy không lấy vơ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na, Phạm chí ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu con. Khi đã sanh con, vị ấy những việc liên hệ đến vua, làm những việc liên hệ giặc cướp, làm những việc liên hệ đến tà đạo, và lại nói như vầy: 'Phạm chí có quyền làm tất cả mọi sự, nhưng Phạm chí không phải vì vậy mà nhiễm trước, cũng không ô uế. Như lửa đốt cháy những gì sạch hay không sạch. Cũng vậy, Phạm chí có quyền làm tất cả mọi sự, nhưng Phạm chí không vì vậy mà bị nhiễm trước, cũng không bị ô uế.' Này Đầu-na, Phạm chí như vậy gọi là Phạm chí Chiên-đà-la.
"Này Đầu-na, trong năm hạng Phạm chí ấy, ông thuộc hạng nào?"
Đầu-na trả lời:
"Thưa Cù-đàm, ngay hạng sau cùng là Phạm chí Chiên-đà-la, con cũng không sánh kịp huống nữa là các hạng Phạm chí trên. Bạch Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay cho đến trọn đời, con tự đem mình quy y cho đến lúc mạng chung."
Đức Phật thuyết như vậy, Phạm chí Đầu-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Pāli, A. 5. 192 Doṇa.
[02] Danh sách các tiên nhân cổ đại, xem kinh 152 trên.
[03] Pāli: ime pañca brāhmaṇe paññāpenti, brāhmasamaṃ devasamaṃ maruyadaṃ sambhinnamariyadaṃ brāhmaṇacaiḍālaṃ yeva pañcamaṃ, năm hạng Bà-la-môn: ngang Phạm thiên, ngang chư Thiên, giữ quy tắc, phá vỡ quy tắc, và thứ năm là Caṇḍòñaḷa.
[04] Đồng tử phạm hạnh 童 子 梵 行, hạnh đồng chơn hay trinh khiết. Pāli: komārabrahmacariya.
[05] Các nghề không làm, theo Pāli: neva kasiyā na vaṇijjāya na gorakkhena na isatthena na rājaporisena na isappaññatarena, không theo nông sư, không theo thương nghiệp, không theo chăn nuôi, không theo cung kiếm, không theo quan chức của vua, không theo công xảo.
[06] Pāli: na pāyamānaṃ gacchati, không tiếp cận (người nữ) đang cho bú.
[07] Hán: bất tịnh dâm 不 淨 淫. Pāli: atimīḷhajo, sanh ra từ đống phân.
[08] Hán: bất tịnh nhuế 拂 不 淨 恚. Pāli: asucipaṭipīlito, cưỡng bức bất tịnh, hay "do uống bất tịnh (asucipipata?)".
159. KINH A-GIÀ-LA-HA-NA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ có Phạm chí A-già-la-ha-na, sau bữa cơm trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói:
"Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài cho phép, tôi mới dám trình bày."
Thế Tôn đáp:
"Ông muốn hỏi gì tùy ý."
Phạm chí liền hỏi:
"Thưa Cù-đàm, kinh điển của Phạm chí nương vào đâu mà tồn tại?"
Đức Thế Tôn đáp:
"Kinh điển của Phạm chí nương vào con người mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, con người nương vào đâu mà tồn tại?"
"Con người nương vào lúa gạo mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, lúa gạo nương vào đâu mà tồn tại?"
"Lúa gạo nương vào đất mà tồn tại."
Phạm chí lại hỏi:
"Thưa Cù-đàm, đất nương vào đâu mà tồn tại?"
Thế Tôn đáp:
"Đất nương vào nước mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, nước nương vào đâu mà tồn tại?"
"Nước nương vào gió mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, gió nương vào đâu mà tồn tại?"
"Gió nương vào hư không mà tồn tại?"
"Thưa Cù-đàm, hư không nương vào đâu mà tồn tại?"
"Hư không không có nương tựa, nhưng nhân mặt trời, mặt trăng mà có hư không."
"Thưa Cù-đàm, mặt trời và mặt trăng nương vào đâu mà tồn tại?"
"Mặt trời, mặt trăng nương vào Tứ thiên vương mà tồn tại."
Phạm chí lại hỏi:
"Thưa Cù-đàm, Tứ thiên vương nương vào đâu mà tồn tại?"
Thế Tôn đáp:
"Tứ Thiên vương nương vào Tam thập tam thiên mà tồn tại?"
"Thưa Cù-đàm, Tam thập tam thiên nương vào đâu mà tồn tại?"
"Tam thập tam thiên nương vào Diệm-ma thiên mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, Diệm-ma thiên nương vào đâu mà tồn tại?"
"Diệm-ma thiên nương vào Đâu-suất-đà thiên mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, Đâu-suất-đà thiên nương vào đâu mà tồn tại?"
"Đâu-suất-đà thiên nương vào Hóa lạc thiên mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, Hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?"
"Hóa lạc thiên nương vào Tha hóa lạc thiên mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, Tha hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?"
"Tha hóa lạc thiên nương vào Phạm thiên mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, Phạm thiên nương vào đâu mà tồn tại?"
"Phạm thiên nương vào Đại phạm mà tồn tại."
"Thưa Cù-đàm, Đại phạm nương vào đâu mà tồn tại?"
"Đại phạm nương vào nhẫn nhục, ôn hòa mà tồn tại."
Phạm chí lại hỏi:
"Thưa Cù-đàm, nhẫn nhục, ôn hòa nương vào đâu mà tồn tại?"
Thế Tôn đáp:
"Nhẫn nhục, ôn hòa nương vào Niết-bàn mà tồn tại."
Phạm chí lại hỏi:
"Thưa Cù-đàm, Niết-bàn nương vào đâu mà tồn tại?"
Thế Tôn đáp:
"Ý muốn của Phạm chí nương vào những sự kiện không cùng nên ông nay đã hỏi Ta về sự không có giới hạn, nhưng Niết-bàn không nương vào đâu cả. Niết-bàn là tịch diệt, Niết-bàn là tối thượng. Này Phạm chí, vì mục đích này mà nhiều người theo ta mà tu hành Phạm hạnh."
Phạm chí thưa:
"Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung."
Đức Phật thuyết như vậy, Phạm chí A-già-la-ha-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Không thấy Pāli tương đương.
160. KINH A-LAN-NA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ sau bữa ăn trưa, các Tỳ-kheo tụ tập ngồi tại giảng đường bàn luận thế này: "Này chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc lành, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng mong cầu."
Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang ở tại chỗ nghỉ trưa, bằng Thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn người thường, nghe các Tỳ-kheo sau bữa cơn trưa, tụ tập ngồi tại giảng đường, đã bàn luận như thế này: "Chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng cầu mong." Nghe vậy, Đức Thế Tôn, vào lúc xế trưa từ chỗ tĩnh tọa, đứng dậy, đi đến giảng đường. Ngài trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng Tỳ-kheo và hỏi:
"Này các Tỳ-kheo, các Thầy bàn luận chuyện gì? Vì duyên cớ nào mà tụ tập ngồi tại giảng đường?"
Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, các Tỳ-kheo thưa:
"Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ-kheo chúng con, sau bữa ăn trưa, tụ tập ngồi tại giảng đường, bàn luận thế này: 'Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời này đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc lành, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng cầu mong.' Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã bàn luận với nhau như vậy. Vì việc ấy, nên chúng con đã tụ tập ngồi ở giảng đường."
Thế Tôn tán thán:
"Lành thay! Lành thay! Khi các ngươi nói với nhau rằng: 'Chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.' Vì sao? Vì ta cũng nghĩ thế này: "Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng ngươì đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong?' Vì sao?
"Này các Tỳ-kheo, vào đời quá khứ, có lúc chúng sanh thọ tám vạn tuổi, thì châu Diêm-phù này rất giàu, có nhiều của cải châu báu, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách con gà bay. Lúc ấy, con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Con người chỉ có bệnh như thế này: lạnh, nóng, đại và tiểu tiện, ham muốn, không ăn và già lão[02], ngoài ra không còn tai hoạn nào khác.
"Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi, có vua tên là Câu-lao-bà[03] làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là luân báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được kẻ khác, chắc chắn thống trị toàn cõi đất này, cho đến biển cả, không dùng đao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến dân an ổn.
"Này các Tỳ-kheo, vua Câu-lao-bà có vị Phạm chí tên A-lan-na đại trưởng giả[04], được cha mẹ nuôi lớn, thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng tộc, đời đời không ác, học rộng, thông suốt, tụng đọc hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí thứ năm, và cú thuyết. Phạm chí A-lan-na có vô lượng trăm ngàn Ma-nạp ma. Phạm chí đã ở nơi yên tĩnh truyền dạy kinh thư cho vô lượng trăm ngàn Ma-nạp ma.
"Bấy giờ Phạm chí A-lan-na sống một mình ở nơi yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, đã suy nghĩ rằng: 'Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực hành quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc thiện, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.' Thế rồi, Phạm chí A-lan-na đi đến chỗ các Ma-nạp ma thuộc nhiều nước khác nhau và nói:
"– 'Này các Ma-nạp ma, khi ta sống một mình nơi chỗ yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, đã suy nghĩ rằng: 'Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc thiện cần tu Phạm hạnh, vì sanh ra không thể không chết. Thế nhưng con người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không mong cầu. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình xuất gia học đạo.' Này các Ma-nạp ma, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì các ông sẽ làm những gì?'
"Nghe vậy, các chúng Ma-nạp ma của những nước khác nhau ấy thưa rằng:
"– 'Thưa Tôn sư, những gì chúng con đã biết đều nhờ ơn Tôn sư chỉ dạy, nếu Tôn sư cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chúng con cũng sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo theo gót Tôn sư.'
"Thế rồi Phạm chí A-lan-na, sau đó, đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Các chúng Ma-nạp ma thuộc những nước khác ấy cũng đều cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, theo Tôn sư là Phạm chí A-lan-na ấy mà xuất gia học đạo. Đó là sự phát sanh danh hiệu Tôn sư A-lan-na,và đệ tử của Tôn sư A-lan-na.
Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
"– Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ? Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong."
Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.'
"Lại nữa, Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như hạt sương mai trên ngọn cỏ, lúc mặt trời mọc thì tan mất, tồn tại tạm thời không thể trường cửu; cũng vậy, này Ma-nạp ma, sanh mạng con người như hạt sương mai, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, cũng như lúc trời mưa lớn, nước giọt tạo thành bong bóng, thoạt hiện thoạt biến; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như bọt nước, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn rất lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vây. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như cây gậy ném xuống nước, nó sẽ trồi trở lên rất nhanh; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như cây gậy ném xuống nước, trồi lên rất nhanh, rất khó giữ được rất ít, quá ít vị ngọt, mà tai hoạn, khổ đau lại lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi đem ra ngay, để ở nơi có gió và nóng thì khô ráo liền; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi khô ráo ngay, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như một miếng thịt nhỏ được bỏ vào nồi nước lớn, bên dưới lửa cháy hừng hực, sẽ tiêu tan rất nhanh; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như miếng thịt tiêu tan kia, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn rất nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"–'Này các Ma-nạp ma, giống như trói tên ăn cướp dẫn đến dưới gốc cây nêu để giết ; mỗi bước chân đi là một bước tiến gần chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như tên cướp bị trói dẫn đến dưới cây nêu để sát hại, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như gã đồ tể dẫn bò đi làm thịt; mỗi bước chân đi là một bước tiến gần đến chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như con bò bị dẫn đi làm thịt, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như dệt vải, thêm một hàng chỉ ngang là thêm một phần gần thành, gần xong; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như vải dệt gần xong, khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như dòng nước trên núi đổ xiết, chảy nhanh, cuốn trôi các thứ, nước chảy ào ạt không phút nào ngừng; cũng vậy này Ma-nạp ma, mạng sống con người quá nhanh, không phút nào ngừng. Này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như giòng nước chảy nhanh, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
"– 'Này các Ma-nạp ma, giống như lúc đêm tối mà liệng gậy xuống đất, hoặc đầu dưới đụng đất, hoặc đầu trên đụng đất hoặc rơi ngay xuống đất, co khi trúng chỗ đất sạch, có khi trúng chỗ đất không sạch; cũng vậy, này Ma-nạp ma, chúng sanh bị vô minh phủ kín, bị ái dục cuốn chặt, hoặc sanh vào địa ngục, sanh vào súc sanh hay loài ngạ quỷ, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh cõi người. Cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như trong tối mà liệng gậy xuống đất, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho các đệ tử:
"–'Này các Ma-nạp ma, ngay đời này, nay đã đoạn trừ tham lam, tâm không não hại; thấy của cải của kẻ khác hay các vật dụng cần cho sự sống, ta không móng khởi tham lam, muốn chiếm đoạt cho ta. Đối với tham tâm, ta đã tịnh trừ; cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi. Ngay trong đời này, ta đã đoạn trừ nghi hoặc, đối với các pháp thiện không còn do dự, đối với tâm nghi hoặc, ta đã tịnh trừ. Này Ma-nạp ma, ngay trong đời này các ông cũng nên đoạn trừ tham, tâm không não hại, thấy của cải của kẻ khác hay các vật dụng cần cho sự sống, không nên sanh khởi tham lam, muốn chiếm đoạt cho mình. Đối với tham tâm, các ông nên tịnh trừ; cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi. Ngay trong đời này, các ông nên đoạn nghi hoặc, đối với các pháp thiện không nên do dự.'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
"–'Này các Ma-nạp ma, tâm ta cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, phổ biến cùng khắp, tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, bi và hỷ, tâm cùng với xả tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú. Này Ma-nạp ma, các ông cũng nên thực hành tâm cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, phổ biến cùng khắp tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, bi và hỷ, tâm cùng với xả tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú.'
"Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy.
"Tôn sư A-lan-na lại thuyết Phạm thế pháp[05] cho đệ tử. Khi Tôn sư A-lan-na thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử, nếu có vị nào không thực hành pháp ấy đầy đủ, thì sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào Tứ thiên vương hoặc sanh vào Tam thập tam thiên, hoặc sanh vào Diệm-ma thiên, hoặc sanh vào Đâu-suất-đà thiên, hoặc sanh vào Hóa lạc thiên, hoặc sanh vào Tha hóa lạc thiên. Còn lúc Tôn sư A-lan-na thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử, nếu vị nào phụng hành pháp ấy đầy đủ, tu bốn Phạm thất[06], xả ly ái dục, thì sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh vào cõi Phạm thiên.
"Bấy giờ Tôn sư A-lan-na nghĩ rằng: 'Đến đời sau, ta không nên cùng với đệ tử sanh chung nơi. Vậy nay ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào trong Hoảng dục thiên.' Nghĩ vậy, sau đó Tôn sư A-lan-na liền tu tăng thượng từ, sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh vào cõi Hoảng dục thiên. Tôn sư A-lan-na và các đệ tử đã tu học đạo không hư đối, được đại phước báo.
"Này các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao, Tôn sư A-lan-na thuở xưa ấy là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Các Tỳ-kheo nên biết, vị ấy chính là Ta vậy. Bấy giờ Ta tên là Tôn sư A-lan-na. Lúc đó Ta có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Ta đã thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử ấy. Lúc Ta thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử; có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy, nên khi lâm chung, đã sanh vào Tứ thiên vương, hoặc Tam thập tam thiên, hoặc Diệm-ma thiên hoặc Đâu-suất-đà thiên, hoặc Hóa lạc thiên, hoặc Tha hóa lạc thiên. Còn lúc Ta thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử; có vị phụng hành đầy đủ pháp ấy, tu bốn Phạm thất, xả ly ái dục, thì sau khi mạng chung, được sanh vào cõi Phạm thiên. Bấy giờ Ta nghĩ rằng: 'Đời sau Ta không nên cùng với các đệ tử sanh chung một nơi. Vậy nay ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào cõi Hoảng dục thiên.' Ta và các đệ tử bấy giờ tu học đạo không hư dối, được đại quả báo. Bấy giờ Ta làm lợi ích cho mình, làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc cho Trời và Người. Lúc ấy, Ta thuyết pháp chưa đến chỗ rốt ráo, chưa rốt ráo bạch tịnh, chưa rốt ráo Phạm hạnh, chưa thành tựu rốt ráo Phạm hạnh. Bấy giờ Ta chưa xa lìa được sự sanh, sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thoát khỏi mọi khổ đau. Này các Tỳ-kheo, nay Ta là Bậc Xuất Thế, Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Nay Ta tự làm lợi cho mình, làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn, khoái lạc cho Trời và Người. Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh, thành tựu Phạm hạnh. Nay Ta đã xa lìa sự sanh, sự già, tật bệnh, sự chết, khóc lóc, áo não. Nay Ta đã thoát khỏi mọi khổ đau.
"Này các Tỳ-kheo, nếu có người nói đúng, thì sẽ nói rằng: 'Mạng sống con người ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác; do đó cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra không thể không chết.' Này các Tỳ-kheo, nay nói như thế là nói đúng. Vì sao? Vì nay có ai trường thọ thì lâu lắm là một trăm tuổi, hoặc quá hơn một ít nữa mà thôi. Nếu ai trường thọ, thì sống được ba trăm mùa, một trăm mùa xuân, một trăm mùa hạ, một trăm mùa đông. Như vậy sống được một ngàn hai trăm tháng; bốn trăm tháng mùa xuân, bốn trăm tháng mùa hạ, bốn trăm tháng mùa đông. Sống một ngàn hai trăm tháng là sống hai ngàn bốn trăm nửa tháng, tám trăm mùa xuân, tám trăm mùa hạ, tám trăm mùa đông. Sống hai ngàn bốn trăm nửa tháng là ba vạn sáu ngàn ngày đêm; một vạn hai ngàn mùa xuân, một vạn hai ngàn mùa hạ, một vạn hai ngàn mùa đông. Sống ba vạn sáu ngàn ngày đêm là bảy vạn hai ngàn lần ăn với nghỉ ăn và bú sữa mẹ.
"Về sự nghỉ ăn[07], đó là khổ không ăn, sân không ăn, bệnh không ăn, bận việc không ăn, đi đường không ăn, đến chỗ nhà vua không ăn, ngày trai không ăn, thất bại[08] không nên ăn.
"Này các Tỳ-kheo, đó là sự sống trong một trăm năm. Trong một trăm năm ấy với bao nhiêu mùa; với bấy nhiêu mùa có bao nhiêu tháng, với bấy nhiêu tháng nửa tháng, bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày đêm, bao nhiêu lần ăn, bao nhiêu lần nghỉ ăn, bao nhiêu lần ăn và nghỉ ăn.
"Này các Tỳ-kheo, như một Tôn sư khởi tâm đại bi đoái tưởng, xót thương, mưu cầu thiện lợi ích, an ổn khoái lạc cho đệ tử; sự kiện ấy Ta đã làm xong. Các ngươi hãy nên làm như vậy; hãy đến nơi rừng vắng, nơi rừng sâu núi thẳm, hay dưới gốc cây, nơi yên tĩnh an ổn mà tĩnh tọa tư duy, không được phóng dật, luôn luôn tinh tấn, đừng để hối hận về sau. Đó là lời khuyến giáo của Ta. Đó là huấn thị của ta."
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[01] Pāli, tham chiếu, A. 7. 70. Araka; A. 7. 69. Suneta.
[02] Các thứ bịnh, kể theo bản Pāli: sītaṃ uṇhaṃ jigucchā pipāsā uccāro passavo, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện.
[03] Câu-lao-bà 拘 牢 婆. Pāli: Koravya, xem kinh 132 "Lại-tra-hòa-la" ở trên.
[04] A-lan-na 阿 籣 那; phiên âm gần với Aranemi trong A. 7. 69. Sunetta, được kể chung với bảy tôn sư thời cổ, giảng dạy pháp dẫn đến cộng trú trong thế giới Phạm thiên (brahmalokasahavyatāya dhammaṃ desesi). Nhưng nội dung tư duy thì đồng nhất với của Araka (thứ bảy trong bảy tôn sư thời cổ kể trong Sunetta) trong A.7.70.
[05] Phạm thế pháp 梵 世 法. Pāli: brahmalokasahavyatā-dhamma, pháp dẫn đến cọng trú với thế giới Phạm thiên.
[06] Bốn thất hay bốn Phạm trú (đời sống của Phạm thiên); Pāli: brahmavihāra.
[07] Pāli: bhattantarāya, thục chướng ngại, sự gián đoạn hay cản trở bữa ăn.
[08] Hán: bất đắc giả bất thực 不 得 者 不 食. Pāli: alabhkēna, do không được lợi lộc nên không ăn.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 60 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.223.172.243 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập