Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
10. PHẨM LÂM
107. KINH LÂM (I)[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo[02]:
"Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: 'Ta nương vào khu rừng này để ở. Hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn'.
"Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, nếu không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo, chăn, uống, ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, 'Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Nhưng những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác".
"Tỳ-kheo nương vào một khu rừng[03] để ở. Vị ấy nghĩ rằng: 'Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa được định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, 'Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm thì liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn'.
"Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải ở lại khu rừng này".
"Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: 'Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm, tâm chưa định sẽ được định, chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa hết sẽ được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không có chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa được giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn. Vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, 'Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định tĩnh vẫn không được định tĩnh, nếu chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn'.
"Tỳ-kheo quán như vậy rồi, phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay trong đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt".
"Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ: 'Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Và những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Đã nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định liền được định, chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, 'Ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm liền được chánh niệm, tâm chưa định tĩnh liền được định tĩnh, nếu chưa giải thoát liền được giải thoát, các lậu chưa hết liền được đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì liền chứng đắc Niết-bàn. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung.
"Cũng như các trường hợp nương vào khu rừng để ở, cũng vậy, giữa bãi tha ma, giữa thôn ấp hay sống với người khác".
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 27. Tương đương Pāli, M.17. Vanapatthasuttaṃ.
[02] Pāli: vanapatthapariyāyaṃ dessāmi, Ta sẽ giảng "Pháp môn tòng lâm".
[03] Đến một khu rừng khác. 108. KINH LÂM (II)[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Tỳ-kheo nương vào khu rừng này để ở. Vị ấy nghĩ rằng: 'Ta nương vào khu rừng này để ở vì lý tưởng xuất gia học đạo, là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn[02], ý nghĩa này được thành tựu đối với ta. Những điều người học đạo cần như y phục, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, nhưng ý nghĩa ấy không được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó khăn'. Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, 'Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống; nhưng ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo, là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa này không được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó khăn'. Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi, phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác.
"Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: 'Ta nương vào một khu rừng để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn và ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn, Tỳ-kheo ấy nên quán như thế này: 'Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống. Nhưng ta nương vào khu rừng nay để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn'.
"Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải ở lại khu rừng này.
"Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: 'Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Rồi vị ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, nhưng ý nghĩa ấy không thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như thế này: 'Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách rất khó khăn'.
"Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi phải lập tức từ bỏ khu rừng này ngay giữa đêm mà đi, chớ có cùng người cáo biệt.
"Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở, vị ấy nghĩ rằng: 'Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như: áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Rồi vị Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là muốn thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như thế này: 'Ta nương vào khu rừng này để ở với lý tưởng xuất gia học đạo là thành đạt ý nghĩa của Sa-môn, ý nghĩa ấy được thành đạt đối với ta. Những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn'.
"Tỳ-kheo đã quán như vậy rồi, phải nương vào khu rừng này để ở trọn đời cho đến lúc mạng chung".
Cũng như các trường hợp nương vào khu rừng để ở, cũng vậy, giữa bãi tha ma, thôn ấp hay sống với người khác.
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Nội dung, tiếp nối kinh trên.
[02] Sa-môn nghĩa 娑 門 義, nên hiểu là mục đích của Sa-môn; hoặc, lợi ích của Sa-môn 109. KINH TỰ QUÁN TÂM (I)[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Nếu có Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.
"Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm[02]? Tỳ-kheo nếu có quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích. 'Phải chăng ta được chỉ của nội tâm[03], nhưng chưa được quán pháp bằng tối thượng tuệ[04]? Phải chăng ta được quán pháp tối thượng tuệ, nhưng chưa được chỉ nội tâm? Phải chăng ta chưa được chỉ nội tâm, cũng chưa được quán pháp tối thượng tuệ? Phải chăng ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ?"
"Nếu Tỳ-kheo sau khi quán, liền biết rằng: 'Ta được chỉ nội tâm, chưa được quán pháp tối thượng tuệ'. Tỳ-kheo ấy được chỉ nội tâm rồi, hãy nên mong cầu quán pháp tối thượng tuệ. Vị ấy sau đó được chỉ nội tâm và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.
"Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: 'Ta được quán pháp tối thượng tuệ, chưa được chỉ nội tâm'. Tỳ-kheo ấy trụ nơi quán pháp tối thượng tuệ rồi, hãy nên mong cầu nội chỉ tâm tĩnh chỉ. Vị ấy sau đó được quán pháp tối thượng tuệ và cũng được chỉ nội tâm.
"Nếu Tỳ-kheo sau khi quán liền biết rằng: 'Ta chưa được chỉ nội tâm cũng chưa được tối thượng tuệ'. Như vậy Tỳ-kheo chưa được pháp thiện này; vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển. Ví như người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo chưa được pháp thiện này, vì muốn được nên phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, đừng để bị thoái chuyển. Vị ấy sau đó liền được chỉ nội tâm và cũng được quán pháp tối thượng tuệ.
"Nếu Tỳ-kheo sau khi quán tâm, liền biết rằng: 'Ta được chỉ nội tâm, cũng được quán pháp tối thượng tuệ'. Tỳ-kheo ấy tạm trú nơi pháp thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ Lậu tận trí thông[05]. Vì sao vậy? Ta nói, 'Không được cất chứa tất cả y, nhưng cũng nói được phép cất chứa tất cả y[06]'.
"Loại y nào mà Ta nói không được cất chứa? Nếu cất chứa y mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, loại y như vậy, Ta nói không được cất chứa.
"Loại y nào Ta nói được phép cất chứa? Nếu cất chứa y mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, loại y như vậy Ta nói được phép cất chứa". Cũng như y áo, về uống ăn, giường chõng, thôn ấp, cũng giống như vậy.
"Ta nói, không được quen thân tất cả mọi người, nhưng cũng nói được phép quen thân tất cả mọi người[07].
"Loại người nào Ta nói không được quen thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện; người như vậy Ta thuyết giảng không được quen thân.
"Loại người nào Ta nói được phép quen thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện; người như vậy Ta nói được phép quen thân.
"Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, cũng biết đúng như thật pháp không nên tập hành[08]. Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, pháp không nên tập hành rồi, với pháp không nên tập hành thì không tập hành, với pháp nên tập liền tập hành. Vị ấy không tập hành pháp không nên tập hành, tập hành pháp nên tập hành rồi liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện.
"Như vậy gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm, khéo biết tự tâm, khéo thủ, khéo xả".
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli, A. 10. 54 Samatha.
[02] Thiện tự quán tâm 善 自 觀 心. Pāli: sacittapariyāyakusala.
[03] Nội chỉ 內 止; đây nói về chỉ quán pháp môn. Pāli: ajjhattacetosamatha.
[04] Tối thượng tuệ quán pháp 最 上 慧 觀 法; được chỉ (samtha) nhưng chưa được quán (vipassana). Pāli: adhipaññā-dhammavipassana, sự quán chiếu pháp bằng tuệ tăng thượng.
[05] Lậu tận trí thông tác chứng 漏 盡 智 通 作 證. Pāli: āsavānaṃ khayāya yo karaṇīyo, nỗ lực dứt sạch các lậu.
[06] Pāli: cīvarampāhaṃ bhikkhave duvidhena vadāmi sevitabbampi asevitabbampīti, Y, Ta nói có hai loại: nên sử dụng và không nên sử dụng.
[07] Hiệp tập nhất thiết nhân 狎 習 一 切. Pāli: puggalampāham bhikkhave duvidhena vadāmi sevitabbampi asevitabbampī ti, người, Ta nói có hai loại: đáng thân cận và không đáng thân cận.
[08] Tập pháp bất khả tập pháp 習 法 不 可 習 法. Pāli: sevitabba, asevitabba: nên thân cận và không nên thân cận, nên sử dụng và không nên sử dụng, nên phục vụ và không nên phục vụ. 110. KINH TỰ QUÁN TÂM (II)[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
"Nếu có Tỳ-kheo không thiện xảo quán tâm người khác, hãy thiện xảo tự quán sát tâm của chính mình. Nên học như vậy.
"Thế nào gọi là Tỳ-kheo thiện xảo quán tự tâm? Tỳ-kheo nếu có quán này, chắc chắn được nhiều lợi ích.'Ta thường hành tham lam hay thường hành không tham lam[02]? Ta thường hành tâm sân nhuế hay thường hành tâm không sân nhuế? Ta thường hành thùy miên triền hay thường hành không thùy miên triền? Ta thường hành trạo hối, cống cao hay thường hành không trạo hối, cống cao? Ta thường hành nghi hoặc hay thường hành không nghi hoặc? Ta thường hành thân tránh[03] hay thường hành không thân tránh? Ta thường hành tâm ô uế hay thường hành tâm không ô uế? Ta thường hành tín hay thường hành bất tín? Ta thường hành tinh tấn hay thường hành giải đãi? Ta thường hành suy niệm hay thường hành không suy niệm? Ta thường hành tâm định hay thường hành tâm không định? Ta thường hành ác tuệ hay thường hành không ác tuệ?'
"Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, 'Ta thường hành tham lam, tâm sân nhuế, thùy miên triền, trạo hối, cống cao, nghi hoặc, thân tránh, tâm ô uế, bất tín, giải đãi, không suy niệm, không tâm định, thường hành ác tuệ'. Tỳ-kheo ấy muốn diệt trừ pháp ác bất thiện này phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.
"Ví như bị lửa đốt cháy đầu, cháy áo, nhanh chóng tìm cầu phương tiện cứu đầu, cứu áo. Cũng vậy, Tỳ-kheo muốn diệt trừ pháp ác bất thiện này phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập, tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kham nhẫn, đừng để bị thoái chuyển.
"Nếu Tỳ-kheo khi quán liền biết, 'Ta thường hành không tham lam, tâm không sân nhuế, không thùy miên triền, không trạo hối cống cao, không nghi hoặc, không thân tránh, tâm không ô uế, tín, tinh tấn, suy niệm, định, thường hành không ác tuệ'. Tỳ-kheo ấy trụ nơi pháp thiện này rồi, hãy nên mong cầu tự thân chứng ngộ lậu tận trí thông.
"Vì sao vậy? Ta nói, không được cất chứa tất cả y nhưng cũng nói được quyền cất chứa tất cả y áo. Loại y nào Ta nói không được cất chứa? Nếu cất chứa y áo mà tâm tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, y áo như vậy Ta nói không được cất chứa. Loại y nào Ta nói được quyền cất chứa? Nếu cất chứa y áo mà tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, y áo như vậy Ta nói được quyền cất chứa". Cũng như y áo, về uống ăn, giường chõng, thôn ấp cũng giống như vậy.
"Ta nói không được quen thân tất cả mọi người, nhưng cũng nói được quen thân tất cả mọi người. Người thế nào mà Ta nói không được quen thân? Nếu quen thân người mà tăng trưởng pháp ác bất thiện, suy thoái pháp thiện, người như vậy Ta nói không được quen thân. Người thế nào mà Ta nói được quyền quen thân? Nếu quen thân người, liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện, người như vậy Ta nói được quyền quen thân.
"Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành, cũng biết đúng như thật pháp không nên tập hành. Vị ấy biết đúng như thật pháp nên tập hành và pháp không nên tập hành rồi, pháp không nên tập hành thì không tập hành, pháp nên tập hành liền tập hành. Vị ấy không tập hành pháp không nên tập hành, tập hành pháp nên tập hành rồi, liền tăng trưởng pháp thiện, suy thoái pháp ác bất thiện.
"Như vậy gọi là Tỳ-kheo khéo tự quán tâm, khéo tự biết tâm, khéo thủ, khéo xả".
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli, A. 10. 51 Sacitta.
[02] Đa hành tăng tứ 多 行 增 伺. Pāli: abhijjahlū bahulaṃ viharāmi, ta sống nhiều tham lam chăng?
[03] Thân tránh 身 諍. Pāli: sāraddhakāyo, cử chỉ thô bạo, nóng nảy 111. KINH ĐẠT PHẠM HẠNH[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, một đô ấp của Câu-lâu[02].
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:
"Ta sẽ thuyết pháp cho các ngươi nghe, vi diệu ở khởi đầu, vi diệu ở khoảng giữa và vi diệu ở đoạn cuối, có văn, có nghĩa, cụ túc thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh; đó là 'Đạt phạm hạnh[03]', có thể diệt tận các lậu. Các thầy hãy lắng nghe, hãy khéo suy niệm.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời dạy, chờ nghe.
Đức Thế Tôn nói:
"Các ngươi hãy biết lậu, nhân sinh của lậu, biết sự hữu báo của lậu, biết sự thắng liệt của lậu[04], biết sự diệt tận của lậu, biết lậu diệt đạo.
"Các ngươi hãy biết thọ[05], biết nhân sanh của thọ, biết sự hữu báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ, biết sự diệt tận của thọ, biết thọ diệt đạo.
"Các ngươi hãy biết tưởng, biết nhân sanh của tưởng, biết sự hữu báo của tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng, biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng diệt đạo.
"Các ngươi hãy biết dục, biết nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục, biết sự thắng liệt của dục, biết sự diệt tận của dục, biết dục diệt đạo.
"Các ngươi hãy biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp từ đâu sanh, biết hữu báo của nghiệp, biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của nghiệp, biết nghiệp diệt đạo.
"Các ngươi hãy biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết sự hữu báo của khổ, biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ diệt đạo.
"Thế nào là biết lậu? Biết có ba lậu: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đó là biết lậu? Thế nào biết nhân sanh của lậu? Biết từ vô minh, nhân vô minh, do đó có lậu. Đó là biết nhân sanh của lậu. Thế nào là biết hữu báo của lậu? Biết bị vô minh trói buộc, bị các lậu rỉ thấm, do nhân duyên đó lãnh thọ quả báo hoặc đến chỗ lành hay đến chỗ ác. Đó là biết lậu có quả báo. Thế nào là biết sự thắng liệt của lậu? Biết có lậu sanh vào địa ngục, có lậu sanh vào súc sanh, có lậu sanh vào ngạ quỷ, có lậu sanh vào cõi trời, hoặc có lậu sanh vào cõi người. Đó là sự thắng liệt của lậu. Thế nào là biết sự diệt tận của lậu? Biết vô minh diệt, lậu liền diệt. Đó là biết lậu diệt tận. Thế nào là biết lậu diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định. Đó là biết lậu diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết lậu, biết nhân sanh của lậu, biết hữu báo của lậu, biết sự thắng liệt của lậu, biết sự diệt tận của lậu, biết lậu diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả lậu.
"Thế nào là biết thọ? Biết có ba cảm thọ: cảm thọ lạc, cảm thọ khổ và cảm thọ không khổ không lạc. Đó là biết thọ. Thế nào là biết nhân sanh của thọ? Biết từ xúc, do xúc nên có thọ. Đó là biết nhân sanh của thọ. Thế nào là biết hữu báo của thọ? Biết ái, ái là hữu báo của thọ. Đó là biết hữu báo của thọ. Thế nào là biết sự thắng liệt của thọ? Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm thọ lạc, liền biết đang thọ nhận cảm thọ lạc; khi thọ nhận cảm thọ khổ liền biết đang thọ nhận cảm thọ khổ; khi thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc, liền biết đang thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc. Khi thân thọ nhận cảm thọ lạc, thân thọ nhận cảm thọ khổ, thân thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc; khi tâm thọ nhận cảm thọ lạc, tâm thọ nhận cảm thọ khổ, tâm thọ nhận cảm thọ không khổ không lạc. Cảm thọ lạc khi ăn, cảm thọ khổ khi ăn, cảm thọ không khổ không lạc khi ăn. Cảm thọ lạc khi không ăn, cảm thọ khổ khi không ăn, cảm thọ không khổ không lạc khi không ăn. Cảm thọ lạc khi có dục, cảm thọ khổ khi có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi có dục. Cảm thọ lạc khi không có dục, cảm thọ khổ khi không có dục, cảm thọ không khổ không lạc khi không có dục, thì biết có cảm thọ không khổ không lạc khi không có dục. Đó là biết sự thắng liệt của thọ. Thế nào là biết sự diệt tận của thọ? Biết xúc diệt, thọ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của thọ. Thế nào là biết thọ diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết thọ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết thọ, biết nhân sanh của thọ, biết hữu báo của thọ, biết sự thắng liệt của thọ, biết sự diệt tận của thọ, biết thọ diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả thọ.
"Thế nào là biết tưởng? Biết có bốn tưởng[06]: Tỳ-kheo khi có tưởng nhỏ cũng biết, tưởng lớn cũng biết, tưởng vô lượng cũng biết, tưởng xứ vô sở hữu cũng biết. Đó là biết tưởng. Thế nào là biết nhân sanh của tưởng? Biết từ xúc, do xúc nên tưởng. Đó là biết nhân sanh của tưởng. Thế nào là biết hữu báo của tưởng? Biết tuyên thuyết[07], tùy tưởng mà tuyên thuyết[08]. Đó là biết hữu báo của tưởng. Thế nào là biết sự thắng liệt của tưởng? Biết có tưởng tưởng về sắc[09], có tưởng tưởng về tiếng, có tưởng tưởng về hương, có tưởng tưởng về vị, hoặc có tưởng tưởng về xúc. Đó là biết sự thắng liệt của tưởng. Thế nào là biết sự diệt tận của tưởng? Biết xúc diệt, tưởng liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của tưởng. Thế nào là biết tưởng diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết tưởng diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết tưởng, biết nhân sanh của tưởng, biết hữu báo của tưởng, biết sự thắng liệt của tưởng, biết sự diệt tận của tưởng, biết tưởng diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả tưởng.
"Thế nào là biết dục? Biết dục có năm công đức của dục, khả ái, khả hỷ, mỹ sắc, tương ưng với dục, rất khả lạc. Những gì là năm? Sắc được biết bởi mắt, thanh được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân, pháp được biết bởi ý. Thế nào là biết nhân sanh của dục? Biết từ xúc, do xúc nên có dục. Đó là biết nhân sanh của dục từ đâu sanh. Thế nào là biết hữu báo của dục? Tùy theo chủng loại dục mà sanh ái lạc, đắm trước rồi trụ vào đó, do nhân duyên đó lãnh thọ quả báo, đến chỗ có phước, đến chỗ phi phước hay chỗ bất động. Đó là biết hữu báo của dục. Thế nào là biết sự thắng liệt của dục? Hoặc có dục ham muốn sắc[10], hoặc có dục ham muốn tiếng, hoặc có dục ham muốn hương, hoặc có dục ham muốn vị, hoặc có dục ham muốn xúc. Đó là biết sự thắng liệt của dục. Thế nào là biết sự diệt tận của dục? Biết xúc diệt, dục liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của dục. Thế nào là biết dục diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết dục diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết dục, biết nhân sanh của dục, biết hữu báo của dục, biết sự thắng liệt của dục, biết sự diệt tận của dục, biết dục diệt đạo là như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả dục.
"Thế nào là biết nghiệp? Biết có hai nghiệp, nghiệp và nghiệp đã tư[11]. Đó là biết nghiệp. Thế nào là biết nhân sanh của nghiệp? Biết từ do xúc nên có nghiệp. Đó là biết nhân sanh của nghiệp. Thế nào là biết hữu báo của nghiệp? Biết nghiệp đen có quả báo đen, nghiệp trắng có quả báo trắng, nghiệp đen trắng có quả báo đen trắng, hoặc nghiệp không đen không trắng thì không có quả báo và nghiệp tận. Đó là biết nghiệp có quả báo. Thế nào là biết sự thắng liệt của nghiệp? Biết có nghiệp sanh vào địa ngục, có nghiệp sanh vào súc sanh, có nghiệp sanh vào ngạ quỷ, có nghiệp sanh vào cõi trời, hoặc có nghiệp sanh vào cõi người. Đó là biết sự thắng liệt của nghiệp. Thế nào là biết sự diệt tận của nghiệp? Biết xúc diệt, nghiệp liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của nghiệp. Thế nào là biết nghiệp diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết nghiệp diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết nghiệp, biết nhân sanh của nghiệp, biết hữu báo của nghiệp, biết sự thắng liệt của nghiệp, biết sự diệt tận của nghiệp, biết nghiệp diệt đạo như vậy, đó gọi là đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả nghiệp.
"Thế nào là biết khổ? Biết khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ oán tắng hội, khổ ái biệt ly, khổ cầu bất đắc; nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó là biết khổ. Thế nào là biết nhân sanh của khổ? Biết từ ái, do ái sanh khổ. Đó là biết nhân sanh của khổ. Thế nào là biết hữu báo của khổ? Biết có khổ diệt hơi chậm, hoặc có khổ diệt hơi nhanh, hoặc có khổ diệt rất chậm, hoặc có khổ diệt rất nhanh. Đó là biết hữu báo của khổ. Thế nào là biết sự thắng liệt của khổ? Đó là biết phàm phu ngu si, không đa văn, không gặp thiện tri thức, không điều ngự thánh pháp, nên khi thân sanh cảm thọ rất khổ, cùng cực khổ, mạng sống muốn tuyệt, phải tìm người cứu chữa ở bên ngoài; hoặc có Sa-môn, Phạm chí thọ trì loại chú một câu, loại chú hai, ba, bốn hay nhiều câu, hoặc thọ trì loại chú một trăm câu thần chú, 'Vị ấy trị dứt khổ cho ta', như vậy là nhân mong cầu mà sanh khổ, nhân tập khởi mà sanh khổ. Đó là biết sự thắng liệt của khổ. Thế nào là biết sự diệt tận của khổ? Biết ái diệt, khổ liền diệt. Đó là biết sự diệt tận của khổ. Thế nào là biết khổ diệt đạo? Biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó là biết khổ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo biết khổ, biết nhân sanh của khổ, biết hữu báo của khổ, biết sự thắng liệt của khổ, biết sự diệt tận của khổ, biết khổ diệt đạo như vậy, đó gọi là Đạt phạm hạnh, có thể diệt tận tất cả khổ."
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.6.63 Nibbedhika-sutta. Hán, biệt dịch, No.57.
[02] Kiếm-ma-sắt-đàm Câu-lâu. Pāli: Kammāsadhammaṃ nāma kurūnaṃ nigamo, tại thị trấn Kammāsadhamma của người Kuru. Xem cht.3, kinh số 10.
[03] Đạt phạm hạnh 達 梵 行. Pāli: nibbedhikapaiyāya, pháp môn quyết trạch.
[04] Các khía cạnh của vấn đề: sở nhân sanh 所 因 生, hữu báo 有 報, thắng như 勝 如, Pāli: nidānasambhava (nguyên nhân sanh khởi), vemattatā (đặc tính sai biệt), vipāka (báo ứng).
[05] Giác 覺. Pāli: vedanā.
[06] Bản Pāli: sáu tưởng: rūpasaññā, sắc tưởng, cho đến, dhammasaññā, pháp tưởng.
[07] Thuyết 說. Pāli: Katamo saññānaṃ vipāko? vohāraveppako, cái gì là kết quả (dị thục) của các tưởng? Là kết quả của ngôn ngữ tập quán.
[08] Tùy kỳ tưởng tiện thuyết 隨 其 想 便 說. Pāli: yathā yathā naṃ saṃjānāti tathā tathā voharati evaṃ saññī ahosin ti, nó nhận biết vật ấy như thế nào thì nó nói như thế, rằng "tôi có tưởng (có ấn tương) như vậy".
[09] Pāli: aññā saññā rūpesu, tưởng trong các sắc thì khác, cho đến, aññā saññā dhammesu, tưởng trong các pháp thì khác.
[10] Hữu dục dục sắc 有 欲 欲 色. Pāli: añño kāmo rūpesu, dục nơi các sắc là khác,... cho đến, añño kāmo phoṭṭhabbesu, dục nơi các xúc là khác.
[11] Tư nghiệp dĩ tư nghiệp 思 業 已 思 業. Pāli: cetanaṃ kamamṃ... cetayitvā kamaṃ katori kāyena vācāya manasā: nghiệp được tư duy, và nghiệp sau khi tư duy rồi hành động bởi thân, miệng và ý. 112. KINH A-NÔ-BA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại Bạt-kì-sấu[02], ở đô ấp A-nô-ba[03] của người Bạt-kì.
Bấy giờ, vào lúc xế trưa, Đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, bước ra khỏi tịnh thất và nói:
"A-nan, Ta và ông hãy đi đến sông A-di-la-hòa-đế[04] để tắm.
Tôn giả A-nan nói:
"Kính vâng".
Khi ấy, Đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến sông A-di-la-hòa-đế, cởi bỏ y phục trên bờ sông rồi xuống nước tắm. Tắm xong, lên bờ, lau mình và mặc y phục vào. Bấy giờ Tôn giả A-nan cầm quạt quạt hầu Phật. Khi ấy, Đức Thế Tôn ngoảnh lại, hỏi:
"A-nan, Đề-bà-đạt-đa vì phóng dật nên sẽ bị đọa lạc rất cực khổ, chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, ông có nghe các Tỳ-kheo nói lại rằng Ta đã xác định Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt chăng?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Quả vậy, lúc bấy giờ có một vị Tỳ-kheo nói với con rằng: 'Này Tôn giả A-nan, phải chăng Đức Thế Tôn dùng Tha tâm trí biết rõ tâm Đề-bà-đạt-đa nên Ngài xác định rằng Đề-bà-đạt-đa[05] chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không cứu vớt?[06]'"
Đức Thế Tôn nói:
"A-nan, Tỳ-kheo ấy hoặc nhỏ, hoặc trung, hoặc lớn tuổi, hoặc niên thiếu, đều không hiểu biết[07]. Vì sao vậy? Như Lai đã xác định, nhưng người ấy vẫn còn nghi hoặc. A-nan, Ta không thấy có những Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí hay bất cứ ai khác ở trên đời này từ người đến trời như Ta ghi nhận nhất quyết về Đề-bà-đạt-đa. Vì sao vậy? A-nan, Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh bằng một sợi lông, Ta đã không xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh bằng một sợi lông, nên Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt.
"A-nan, ví như cách thôn nọ không xa, có một hầm phẩn sâu rộng, có người bị lọt vào đấy, chìm xuống tận đáy. Có người đi đến trông thấy, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn, khoái lạc. Người ấy nhìn quanh rồi nói, 'Người này có chỗ nào như lông, tóc không bị dính phẩn để ta có thể nắm kéo lên chăng?' Người ấy nhìn khắp châu thân nhưng không thấy có chỗ nào bằng một sợi lông, một cọng tóc mà không bị dính phẩn để có thể dùng tay nắm kéo lên được'. Cũng vậy, này A-nan, nếu Ta thấy Đề-bà-đạt-đa có một chút pháp bạch tịnh nào bằng một sợi lông, Ta đã không ghi xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, vì Ta không thấy Đề-bà-đạt-đa có được chút pháp bạch tịnh nào bằng một sợi lông, nên Ta ghi xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt.
Khi ấy, Tôn giả A-nan khóc lóc, lấy tay gạt lệ[08] rồi thưa rằng:
"Kính bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Thế Tôn đã xác định rằng 'Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp không thể cứu vớt'."
"Đúng vậy A-nan! Đúng vậy A-nan! Ta xác định rằng Đề-bà-đạt-đa chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục, ở đấy trọn kiếp, không thể cứu vớt. A-nan, nếu ông được Như Lai thuyết giảng cho nghe về phân biệt Đại nhân căn trí[09] chắc chắn sẽ có tín tâm tối thượng nơi Như Lai mà luôn luôn hoan hỷ".
Khi ấy, Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, nay quả là đúng lúc! Bạch Thiện Thệ, nay quả là đúng lúc! Ngưỡng mong Thế Tôn thuyết giảng cho các Tỳ-kheo nghe về phân biệt Đại nhân căn trí. Các Tỳ-kheo được Thế Tôn thuyết giảng cho nghe sẽ khéo léo thọ trì".
Đức Thế Tôn nói:
"A-nan, hãy lắng nghe! Hãy khéo tư niệm. Nay Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về phân biệt Đại nhân căn trí".
Tôn giả A-nan vâng lời dạy chờ nghe.
Thế Tôn nói:
"A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh phát bất thiện. Người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó, lại sẽ phát sanh pháp thiện. Như vậy, người này đạt được pháp thanh tịnh.
"A-nan, ví như sáng sớm, mặt trời vừa xuất hiện, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. A-nan, ý ông nghĩ sao, mặt trời lên dần cho đến giờ ăn trưa, phải chăng bóng tối đã diệt, ánh sáng đã sanh?
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy".
"Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện. Người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót lại, chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó sẽ lại phát sanh pháp thiện. Như vậy, người này đạt được pháp thanh tịnh.
"A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không nứt, không bị gió, nắng làm thương tổn, mùa thu được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ giỏi, sửa sang khoảnh ruộng tốt rồi vãi hạt giống vào và mưa xuống phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống ấy có dần dần lớn lên được chăng?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, có thể vậy".
"Cũng vậy, A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí lại quán sát tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, nhưng thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt. Từ thiện căn đó, thiện pháp sẽ lại phát sanh. Như vậy là người này đạt được pháp thanh tịnh. A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
"Lại nữa, A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái[10].
"A-nan, ví như từ lúc xế trưa cho đến khi mặt trời lặn, ánh sáng diệt, bóng tối sanh; A-nan, ý ông nghĩ sao, sau khi mặt trời lặn, phải chăng ánh sáng đã diệt, bóng tối đã sanh?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, đúng vậy".
"Cũng vậy, A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái".
"A-nan, ví như hạt lúa giống không hư, không vỡ, không mục, không nứt, không bị gió, nắng làm thương tổn, mùa thu đến được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ kia giỏi, sửa sang ruộng tốt rồi vãi hạt giống vào nhưng mưa xuống không phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống này có dần dần lớn lên được không?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, không thể được".
"Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp thiện, cũng thành tựu pháp bất thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện; người này đã diệt pháp thiện, sanh pháp bất thiện, thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái".
"A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
"Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác. Ta không thấy người này có được chút pháp bạch tịnh nào, dù chỉ bằng một sợi lông. Người này một mực chỉ có pháp ác, bất thiện, ô uế, làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai là sự phiền nhiệt, là khổ báo, là nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người này khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục".
"A-nan, ví như hạt giống không hư, vỡ, mục nát, bị gió nắng làm thương tổn, mùa thu không được cất giấu kín đáo. Nếu người cư sĩ kia không phải là nông phu giỏi, lại không khéo canh tác, gieo hạt giống xuống và mưa không phải thời, thì này A-nan, ý ông nghĩ sao, hạt giống lúa có dần dần lớn lên được chăng?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, dạ không".
"Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, Ta không thấy người này có được chút pháp bạch tịnh, dù bằng sợi lông. Người này pháp ác bất thiện hoàn toàn dẫy đầy, ô uế, làm gốc rễ cho sự hữu trong tương lai, lại phiền nhiệt, khổ báo, nguyên nhân của sanh, già, bệnh, chết. Như vậy, người này khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy".
"Khi ấy Tôn giả A-nan chắp tay hướng Phật mà bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã thuyết giảng về ba hạng người như vậy. Mong Thế Tôn có thể giảng thuyết về ba hạng người khác nữa được chăng?"
Đức Thế Tôn nói:
"Ta có thể nói. Này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt. Từ bất thiện căn này sẽ lại phát sanh pháp bất thiện. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái.
"A-nan, ví như lửa đốt, khi mới đốt chỉ có một ngọn, có người đẩy cỏ khô thêm rồi chất củi khô lên. Này A-nan, ý ông nghĩ sao, ngọn lửa kia càng bốc cháy mạnh lên chăng?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, quả như vậy".
"Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã được diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt. Từ bất thiện căn đó sẽ lại phát sanh pháp bất thiện. Như vậy, người này đi đến pháp suy thoái.
"Này A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
"Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy, người này đạt đến pháp thanh tịnh.
"A-nan, ví như đốt lửa, khi mới đốt chỉ có một ngọn, có người đem cây lửa đang cháy sáng này để trên đất bằng, hoặc để trên đá; này A-nan, ý ông nghĩ sao, ngọn lửa há càng bốc cháy mạnh lên chăng?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, không thể vậy".
"Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, biết người này thành tựu pháp bất thiện, cũng thành tựu pháp thiện. Sau đó Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát lại tâm người này, biết người này diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện. Người này đã diệt pháp bất thiện, sanh pháp thiện, nhưng bất thiện căn còn sót chưa đoạn tuyệt, chắc chắn rồi sẽ đoạn tuyệt. Như vậy là người này đạt pháp thanh tịnh.
"A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
"Lại nữa, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác, Ta không thấy người này có chút hắc nghiệp dù bằng một sợi lông. Người này tuyệt đối chỉ có pháp thiện dẫy đầy, cùng với lạc, được lạc báo, chắc chắn sanh vào lạc xứ mà được trường thọ. Như vậy, người này ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc Niết-bàn.
"A-nan, ví như tro lửa đã tắt từ lâu, đã nguội lạnh, có một người thêm đầy cỏ khô rồi chất củi khô lên; này A-nan, ý ông nghĩ sao, tâm nguội lạnh há có thể bốc cháy được chăng?"
Tôn giả A-nan thưa:
"Bạch Thế Tôn, không thể được".
"Cũng vậy, này A-nan, Như Lai dùng Tha tâm trí quán sát tâm người khác. Ta không thấy người này có chút hắc nghiệp dù bằng một sợi lông. Người này tuyệt đối chỉ có pháp thiện dẫy đầy, cùng với lạc, được lạc báo, chắc chắn sanh vào lạc xứ mà được trường thọ. Như vậy, người này ngay trong đời này chắc chắn chứng đắc Niết-bàn. Này A-nan, đó gọi là Đại nhân căn trí của Như Lai. Như Lai hiểu biết chân chánh về gốc rễ của các pháp như vậy.
"A-nan, ba hạng người nói trên kia, hạng người thứ nhất đạt pháp thanh tịnh, hạng người thứ hai đạt pháp suy thoái, hạng người thứ ba khi thân hoại mạng chung chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục.
"Ba hạng người Ta nói sau này, hạng người thứ nhất đạt pháp suy thoái, hạng người thứ hai đạt pháp thanh tịnh, hạng người thứ ba ngay trong đời này chứng đắc Niết-bàn.
"A-nan, Ta đã giảng thuyết cho ông nghe về Đại nhân căn trí. Như đấng Tôn sư thương yêu đệ tử, phát khởi lòng đại từ đại bi, mong muốn cho được sự lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc, điều đó Ta đã thực hiện rồi, các người cũng phải tự mình thực hiện. Hãy đến rừng vắng sơn lâm, dưới gốc cây hoặc một chỗ nào yên tĩnh mà thiền tịnh tư duy, chớ nên phóng dật. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận. Đó là lời răn dạy của Ta! Đó là lời khuyên bảo của Ta!"
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.6.62 Udaka (Purisindriyañāṇa-sutta). Biệt dịch, No.58.
[02] Bạt-kì-sấu 跋 耆 瘦. Pāli: Vajjīsu, giữa những người Vajji.
[03] A-nô-ba 阿 奴 波; địa danh này chưa rõ. Bản Pāli: Phật tại Daṇḍakappa, một ngôi làng của người Kosala.
[04] A-di-la-hòa-đế 阿 夷 邏 和 帝. Pāli: Aciravatī, Tôn giả Ananda và một số đông Tỳ-kheo làng Daṇḍakappa đến tắm ở đây.
[05] Đề-bà-đạt-đa 提 婆 達 多,Tỳ-kheo chống Phật. Pāli: Devadatta.
[06] Theo bản Pāli, Tỳ-kheo này hoài nghi, Phật tự biết hay nhờ chư Thiên nói cho biết.
[07] Hán: niên thiếu bất tự tri 年 少 不 自 知. Pāli: bālo avyatto, ngu si không biết gì. Bāla, có nghĩa con nít, cũng có nghĩa ngu si, cho nên Hán dịch niên thiếu (?).
[08] Có lẽ vì Đề-ba-đạt-đa là anh em chú bác ruột.
[09] Đại nhân căn trí 大 人 根 智. Pāli: purisindriyaññāṇa.
[10] Suy thoái pháp 衰 退 法. Pāli: parihāna-dhamma.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.190.219.178 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.