Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
12. PHẨM PHẠM CHÍ
(Phần Ðầu)
142. KINH VŨ THẾ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham[02].
Bấy giờ vua nước Ma-kiệt-đà là Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử[03] cùng với nước Bạt-kỳ[04] thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc nhiều lần nói rằng:
"Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần[05], nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ gặp vô số tai ách."
Khi ấy, Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử, vua nước Ma-kiệt-đà nghe Đức Thế Tôn du hóa thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham, nên nói với đại thần Vũ Thế[06]:
"Ta nghe Sa-môn Cù-đàm du hóa thành Vương xá, ở trong núi Thứu nham. Này Vũ Thế, ngươi hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, nhân danh ta mà thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường hay không? Rồi hãy nói như vầy, 'Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường chăng? Bạch Sa-môn Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử, cùng với nước Bạt-kỳ thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc và nhiều lần nói rằng: 'Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ gặp vô số tai ách'. Bạch Sa-môn Cù-đàm, về vấn đề này Ngài dạy như thế nào?' Này Vũ Thế, nếu Sa-môn Cù-đàm có dạy những gì thì ngươi hãy cố gắng ghi nhớ, thọ trì. Vì sao? Bởi lẽ những người như vậy nhất định không khi nào nói sai."
Đại thần Vũ Thế vâng lời vua dạy xong, lên một cỗ xe rất đẹp và cùng năm trăm cỗ xe khác đồng ra khỏi thành Vương xá, đi đến trong núi Thứu nham và leo lên núi Thứu nham, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Phật.
Đại thần Vũ Thế cùng với Đức Thế Tôn nói lời chào hỏi rồi ngồi sang một bên, thưa rằng:
"Thưa Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử thăm hỏi Thánh thể có được an vui không bệnh, sức lực có được bình thường chăng? Bạch Sa-môn Cù-đàm, vua nước Ma-kiệt-đà là Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử, cùng với nước Bạt-kỳ thù nghịch nhau, thường ở giữa quyến thuộc và nhiều lần nói rằng: 'Người nước Bạt-kỳ có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, nhưng ta sẽ diệt trừ giống người Bạt-kỳ, tàn phá Bạt-kỳ, làm cho nhân dân nước Bạt-kỳ gặp vô số tai ách'. Bạch Sa-môn Cù-đàm, về vấn đề này Ngài dạy như thế nào?"
"Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo rằng:
"Này Vũ Thế, xưa kia Ta đã từng đi đến nước Bạt-kỳ. Nước đó có ngôi chùa tên là Giá-hòa-la[07]. Lúc ấy, này Vũ Thế, Ta giảng nói pháp không suy thoái[08] cho người nước Bạt-kỳ nghe. Người nước Bạt-kỳ có thể vâng thọ và thực hành bảy pháp không suy thoái đó. Này Vũ Thế, nếu người dân nước Bạt-kỳ thực hành được bảy pháp không suy thoái mà không trái phạm thì nước Bạt-kỳ chắc chắn hùng mạnh, không thể suy vi được."
Đại thần Vũ Thế bạch Đức Thế Tôn:
"Sa-môn Cù-đàm, về việc này chỉ nói một cách tóm tắt, chứ không phân biệt rộng rãi. Chúng con không thể hiểu được nghĩa này. Kính xin Sa-môn Cù-đàm phân biệt rộng rãi để chúng con được biết ý nghĩa này."
Đức Thế Tôn bảo:
"Này Vũ Thế, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ. Ta sẽ giảng nói rộng rãi ý nghĩa này cho ông nghe[09]."
Đại thần Vũ Thế vâng lời, lắng nghe.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Phật, Đức Thế Tôn quay lại hỏi A-nan rằng:
"Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo chăng?
Tôn giả A-nan bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo."
Đức Thế Tôn liền bảo đại thần Vũ Thế:
"Nếu người nước Bạt-kỳ thường xuyên hội họp và tụ tập đông đảo thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được."
Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:
"Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán?"
"Bạch Đức Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán."
Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:
"Nếu người nước Bạt-kỳ cùng chung hội họp, cùng chung làm công việc của người Bạt-kỳ và cùng giải tán thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được."
Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:
"Ngươi có từng nghe nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm, những điều đã thi thiết thì không cải đổi, những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành chăng?"
"Bạch Đức Thế Tôn, con nghe nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm; những điều đã thi thiết thì không cải đổi; những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành."
Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:
"Nếu nước Bạt-kỳ đối với những điều chưa thi thiết thì không thi thiết thêm; những điều đã thi thiết thì không cải đổi; những pháp cũ xưa của nước Bạt-kỳ thì được nghiêm chỉnh phụng hành, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được."
Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:
"Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác chăng?"
"Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác."
Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:
"Nếu người nước Bạt-kỳ không ỷ thế mà xâm phạm vợ của người và con gái của người khác thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được."
Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:
"Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ nếu có những bậc danh đức đáng tôn trọng thì những người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường chăng? Và họ có nghe lời dạy của những bậc ấy mà làm theo chăng?"
"Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ nếu có những bậc danh đức đáng tôn kính thì những người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường và họ nghe theo lời dạy của những bậc ấy mà làm theo."
Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:
"Này Vũ Thế, nếu người nước Bạt-kỳ có những bậc danh đức đáng tôn trọng thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tôn kính, cung phụng, cúng dường và họ nghe lời dạy của những bậc ấy mà làm theo, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được."
Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:
"Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ nếu có chùa cũ nào[10] thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm chăng?"
"Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ nếu có chùa cũ nào thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm."
Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:
"Nếu nước Bạt-kỳ có chùa cũ nào thì người nước Bạt-kỳ cùng nhau tu bổ, tuân phụng, cúng dường, lễ bái, thường không bỏ bê những tế tự đã có, không giảm thiểu tập tục đã làm, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được."
Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan:
"Ngươi có từng nghe người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang chăng?"
"Bạch Thế Tôn, con nghe người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang."
Đức Thế Tôn lại bảo đại thần Vũ Thế:
"Nếu người nước Bạt-kỳ thảy đều ủng hộ các vị A-la-hán và vô cùng kính mến, thường mong muốn các vị A-la-hán chưa đến thì đến, đã đến rồi thì mong hằng an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn các nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được.
"Này Vũ Thế, người nước Bạt-kỳ đã thực hành bảy pháp không suy thoái này. Nếu vâng giữ bảy pháp không suy thoái này thì nước Bạt-kỳ tất thắng, không thể suy vi được."
Khi ấy, đại thần Vũ Thế liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai hữu, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch rằng:
"Bạch Cù-đàm, dù cho nước Bạt-kỳ chỉ thành tựu một pháp không suy thoái thì nước Ma-kiệt-đà là Vị Sanh Oán, con bà Bệ-đà-đề cũng không thể khuất phục họ được, huống chi họ đầy đủ cả bảy pháp không suy thoái. Bạch Cù-đàm, con nhiều việc nước, xin được từ giã lui về."
Đức Thế Tôn nói:
"Muốn lui về xin cứ tùy ý."
Lúc đó, đại thần Vũ Thế nghe lời Phật dạy, khéo léo ghi nhớ, đi quanh Đức Thế Tôn ba vòng rồi ra về.
Sau khi đại thần Vũ Thế ra về chẳng bao lâu, bấy giờ Đức Thế Tôn quay lại bảo Tôn giả A-nan:
"Nầy A-nan, nếu có những Tỳ-kheo hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham thì ngươi hãy truyền cho tất cả tập trung tại giảng đường. Sau khi tất cả đã tụ họp xong, hãy đến cho Ta hay."
Tôn giả A-nan liền vâng lời Phật dạy:
"Kính vâng, bạch Thế Tôn!"
Ngay khi đó, Tôn giả A-nan đi truyền lệnh:
"Những Tỳ-kheo nào hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham thì truyền cho tất cả hãy tập trung tại giảng đường."
Sau khi tất cả tập họp xong, Tôn giả trở lại chỗ Phật, cúi đầu làm lễ rồi đứng sang một bên, bạch rằêng:
"Bạch Thế Tôn, con đã truyền lệnh: nếu có những Tỳ-kheo nào hiện đang sống rải rác trong núi Thứu nham thì tất cả hãy tập trung tại giảng đường. Giờ đây đã tập họp xong, kính mong Thế Tôn tự biết thời."
Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đi đến giảng đường, trải chỗ ngồi trước chúng Tỳ-kheo rồi nói với các thầy Tỳ-kheo:
"Nay Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về bảy pháp không suy thoái. Các ngươi hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ kỹ."
Lúc ấy các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là bảy?
"Nếu chúng Tỳ-kheo thường xuyên hội họp, tụ tập đông đảo thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo cùng chung hội, cùng chung làm việc chung và cùng giải tán thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo đối với những việc chưa thi thiết thì không thêm; những việc đã thi thiết thì không thay đổi; những giới luật do Ta nói ra được phụng hành nghiêm chỉnh; thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo không bị chi phối[11] bởi hữu ái đưa đến vị lai[12], hiện hành với hỷ dục, ái lạc đời sống như vầy như kia[13], thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo có bậc trưởng lão thượng tôn đồng học phạm hạnh, các Tỳ-kheo thảy đều tôn kính, cung phụng, cúng dường và nghe theo lời dạy của các vị ấy, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo đối với rừng vắng, sườn núi cao, chỗ thanh tịnh nhàn cư, vắng bặt không có tiếng động, xa lánh sự dữ, không có bóng người, tùy thuận mà tĩnh tọa, hoan lạc an trụ không rời, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo thảy đều ủng hộ các vị phạm hạnh, hết sức tôn trọng, ái kính, thường mong muốn các vị phạm hạnh chưa đến thì đến, đã đến rồi thì hằng mong an trụ lâu dài, thường không để các vị ấy thiếu thốn những nhu dụng sinh sống như quần áo, đồ ăn uống, giường chõng, thuốc thang, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo thực hành bảy pháp không suy thoái này, thọ trì, không trái phạm thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái."
Lúc ấy Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
"Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp không suy thoái khác. Các thầy hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ."
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là bảy?
"Nếu Tỳ-kheo đối với Tôn sư mà hết sức cung kính, cúng dường, phụng sự, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu Tỳ-kheo đối với Pháp, với Tăng, với Giới, với sự không phóng dật, với sự cung cấp và đối với định[14] mà hết sức cung kính thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo thực hành bảy pháp không suy thoái này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái."
Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
"Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp không suy thoái khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ."
Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là bảy?
"Nếu chúng Tỳ-kheo không hành nơi thế nghiệp[15], không hoan lạc nơi thế nghiệp, không tập quán thế nghiệp, thì chúng Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu chúng Tỳ-kheo không hành nơi phiếm luận[16], không hoan lạc nơi phiếm luận, không tập quán nơi phiếm luận; không hành nơi tụ hội, không hoan lạc nơi tụ hội, không thân cận nơi tụ hội; không hành nơi sự kết hợp hỗn tạp[17], không hoan lạc nơi sự kết hợp hỗn tạp, không tập quán sự kết hợp hỗn tạp; không hành ngủ nghỉ, không hoan lạc ngủ nghỉ, không tập quán ngủ nghỉ; không vì lợi, không vì tiếng khen, không vì người khác mà tu hành phạm hạnh; đối với quả thấp, đối với quả cao không nửa chừng gián đoạn nỗ lực hướng thượng, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu Tỳ-kheo thực hành bảy pháp không suy thoái này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh không thể suy thoái."
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
"Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp không suy thoái khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ."
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là bảy?
"Nếu Tỳ-kheo thành tựu tài sản tín, tài sản giới, tài sản tàm, tài sản quý, tài sản bác văn, tài sản thí và thành tựu tài sản tuệ, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp không suy thoái này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái."
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo
"Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp không suy thoái khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ."
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là bảy?
"Nếu Tỳ-kheo thành tựu năng lực tín, năng lực tinh tấn, năng lực tàm, năng lực quý, năng lực niệm, năng lực định, và thành tựu năng lực tuệ, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp không suy thoái này, thọ trì không trái phạm thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái."
Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
"Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp không suy thoái khác. các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ."
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là bảy?
"Nếu Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y trên xả ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng xuất yếu. Cũng vậy, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định; tu xả giác chi, y trên xả ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng xuất yếu; thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái.
"Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp không suy thoái này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái."
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
"Ta lại nói cho các ngươi nghe về bảy pháp không suy thoái khác. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ."
Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là bảy?
"Nếu Tỳ-kheo cần cho luật hiện tiền thì cho luật hiện tiền. Cần cho luật ức niệm thì cho luật ức niệm. Cần cho luật bất si thì cho luật bất si. Cần cho luật tự phát lồ thì ban cho luật tự phát lồ. Cần ban cho luật quân thì ban cho luật quân. Cần cho luật triển chuyển thì cho luật triển chuyển. Nếu trong chúng khởi lên sự tranh tụng thì đúng theo pháp diệt tránh như liệng bỏ giẻ rách để chấm dứt[18].
"Nếu Tỳ-kheo thực hành được bảy pháp không suy thoái này, thọ trì không trái phạm, thì Tỳ-kheo chắc chắn vững mạnh, không thể suy thoái."
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
"Nay Ta sẽ nói cho các ngươi nghe về sáu pháp ủy lạo[19]. Các ngươi hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ."
Các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:
"Kính vâng."
Phật nói:
"Những gì là sáu?
"Thân nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh. Pháp ấy gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
"Cũng vậy, khẩu nghiệp từ hòa, ý nghiệp từ hòa.
"Lợi lộc nào đúng theo pháp mà được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy mang chia xẻ cho các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
"Nếu có giới nào không bị sứt mẻ, không bị hư thủng, không bị uế tạp, không bị đen, vững vàng như mặt đất[20], được Thánh khen ngợi, đầy đủ, cẩn thận thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
"Nếu có kiến giải của Thánh, có sự xuất yếu, có sự thấy rõ, có sự thấu triệt, đưa đến sự chân chánh diệt khổ; với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh. Pháp đó gọi là pháp ủy lạo, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được Sa-môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.
"Nhân đây nên Ta nói sáu pháp ủy lạo."
Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Bản Hán, quyển 35. Tương đương Pāli: A.7.20 Vassakāra-sutta; tham chiếu D.16 Mahāparinibbāna. Hán, biệt dịch No.125 (40.2) Tăng Nhất phẩm 40 kinh số 2; tham chiếu No.1(2) Trường A-hàm, kinh số 2 "Du Hành"; No.5 Phật Bát-nê-hoàn Kinh, Bạch Pháp Tổ dịch; No.6 Bát-nê-hoàn Kinh, khuyết danh dịch.
[02] Thứu nham 鷲 巖, cũng nói là Linh thứu, hay đọc âm là Kỳ-xà-quật; đỉnh Kên kên. Pāli: Gijjakūta-pabbata.
[03] Vị Sanh Oán Bệ-đà-đề Tử 未 生 怨 鞞 陀 提 子, hoặc A-xà-thế Vi-đề-hy Tử. Pāli: Ajātasattu Vedehiputta, Ajātasattu, con trai của bà Vedehi.
[04] Bạt-kỳ 跋 耆. Pāli: Vajjī.
[05] Pāli: evaṃmahiddhike evaṃmahānubhāve, hùng mãnh như thế, uy thế như thế.
[06] Vũ Thế 雨 勢 hoặc đọc âm là Vũ-xá 雨 [禹] 舍. Pāli: Vassakāra, một người Bà-la-môn, Tể tướng nước Magadha.
[07] Giá-hòa-la tự 遮 惒 羅 寺. Trong bản Pāli: Sārandada-cetiya. Chùa này theo bản Hán có lẽ là Cāpala, chỗ Phật thông báo quyết định nhập Niết-bàn.
[08] Bất suy pháp 不 衰 法. Pāli: Aparihāniya-dhamma.
[09] Các bản khác, Phật chỉ nói gián tiếp.
[10] Cựu tự 舊 寺, ở đây nói theo No.1(2): tông miếu. Pāli: vajjīnaṃ vajjicetiyāni, các linh miếu của người Bạt-kỳ.
[11] Khởi bất tùy 起 不 隨. Pāli: na vasaṃ gacchanti.
[12] Pāli: uppannāya taṇhāya ponobhavikāya na vasaṃ gacchanti, không bị chi phối bởi khát ái hiện hành, khát ái ấy dẫn đến đời sau.
[13] Ái lạc bỉ bỉ hữu 愛 樂 彼 彼 有.
[14] Pháp, chúng, giới, bất phóng dật, cung cấp, định, cùng với tôn sư nói trước, là bảy đề mục bất thối. So sánh bảùy pháp kể trong No.1(2): 1. Kính Phật; 2. Kính Pháp; 3. Kính Tăng; 4. Kính giới luật; 5. Kính thiền định; 6. Kính thuận cha mẹ; 7. Kính pháp không buông lung.
[15] Bất hành ư nghiệp 不 行 於 業. Nghiệp ở đây được hiểu là chuyện đời. Pāli: na kammārāmā, na kammaratā, na kammārāmataṃ anuyuttā, không thích thế nghiệp, không hoan hỷ thế nghiệp, không đam mê thế nghiệp.
[16] Bất hành hoa thuyết 不 行 譁 說. Pāli: na bhassārāmā.
[17] Tạp hiệp 雜 合, được hiểu là "kết hợp với ác hữu".
[18] Bảy pháp chỉ tránh, hay diệt tránh. Xem kinh số 196 ở sau.
[19] Sáu pháp hòa kỉnh, hay lục hòa, xem kinh 196.
[20] Hán: như địa bất tùy tha 如 地 不 隨 他, trong bản Pāli: bhujissāni, người tự do, không còn làm nô lệ. 143. KINH THƯƠNG-CA-LA[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Ma-nạp Thương-ca-la[02] sau giữa trưa, thong dong tản bộ, đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:
"Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho mới dám trình bày".
Thế Tôn nói:
"Ma-nạp, muốn hỏi gì cứ hỏi".
Ma-nạp Thương-ca-la bèn hỏi:
"Bạch Cù-đàm, Phạm chí đúng như pháp mà hành khất tài vật, tự mình trai tự[03], hoặc dạy người khác trai tự. Bạch Cù-đàm, nếu tự mình trai tự hay dạy người khác trai tự, những người ấy đều hành trên vô lượng phước tích[04], vì do nơi trai tự vậy. Đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, tùy theo dòng tộc[05], cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, tự mình chế ngự, tự mình tịch tịnh, tự mình cứu cánh tịch diệt. Như vậy, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm, thùy theo dòng tộc, chỉ hành trên một phước tích chứ không hành trên vô lượng phước tích, do bởi sự học đạo vậy."
Bấy giờ Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu Phật, rồi Tôn giả A-nan hỏi:
"Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?"
Ma-nạp Thương-ca-la nói:
"A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm và A-nan, tôi đều cung kính tôn trọng, phụng thờ."
Tôn giả A-nan lại hỏi:
"Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?"
Tôn giả A-nan đến ba lần hỏi Ma-nạp Thương-ca-la rằng:
"Này Ma-nạp, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?"
Ma-nạp Thương-ca-la cũng đến ba lần nói rằng:
"A-nan, đối với Sa-môn Cù-đàm và A-nan, tôi đều cung kính, tôn trọng, phụng thờ."
Tôn giả A-nan cũng nói lại:
"Này Ma-nạp, tôi không hỏi ông cung kính, tôn trọng, phụng thờ ai, mà tôi chỉ hỏi ông rằng, trong hai đạo tích ấy, đạo tích nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?"
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ rằng: "Ma-nạp Thương-ca-la này đã bị A-nan khuất phục. Ta hãy cứu nó!"
Thế Tôn biết vậy rồi, bèn hỏi:
"Này Ma-nạp, hôm qua, khi vua và các quần thần triệu tập đại hội, thảo luận những gì? Vì những duyên cớ nào mà cùng tập hội?"
Ma-nạp Thương-ca-la đáp:
"Ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này, là 'Do nhân gì, duyên gì mà xưa kia Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới ít, nhưng các Tỳ-kheo đắc đạo nhiều; và do nhân gì, duyên gì mà ngày nay khi Sa-môn Cù-đàm thiết lập học giới nhiều thì các Tỳ-kheo đắc đạo lại ít[06]?' Bạch Cù-đàm, ngày hôm qua, vua và quần thần triệu tập đại hội để thảo luận vấn đề này. Do sự kiện này mà triệu tập đại hội."
Bấy giờ, Thế Tôn nói rằng:
"Ma-nạp, bây giờ Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Ý ngươi nghĩ sao? Giả sử có một Sa-môn, Phạm chí tự hành đạo như vậy, tích như vậy; và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'.
"Vị ấy sau đó thuyết giảng cho người khác rằng: 'Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Các người hãy đến đây và cũng hãy tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác. tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'.
"Rồi người này cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy. Sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.
Rồi người này lại cũng thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.
"Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Đệ tử của Ta, tùy theo dòng tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, chỉ hành trên một phước tích, không hành trên vô lượng phước tích, có phải là do bởi sự học đạo chăng?"
Ma-nạp Thương-ca-la đáp:
"Bạch Cù-đàm, theo sự hiểu biết của con đối với điều mà Sa-môn Cù-đàm nói, thì đệ tử Sa-môn Cù-đàm ấy, tùy theo dòng tộc, cạo bỏ râu tóc, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, thật sự hành trên vô lượng phước tích, chứ không chỉ hành trên một phước tích do bởi sự học đạo."
Thế Tôn lại nói với Thương-ca-la:
"Có ba thị hiện[07] là, như ý túc thị hiện, chiêm niệm thị hiện, giáo huấn thị hiện[08].
"Ở đây, nếu có một Sa-môn, Phạm chí có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, hành vô lượng công đức của như ý túc như vầy; nghĩa là phân một làm thành nhiều, hợp nhiều làm thành một, một thì trụ trên một, được biết, được thấy[09]; không bị trở ngại bởi vách đá, cũng như đi trong hư không; chìm xuống đất như chìm xuống nước, đi trên nước như đi trên đất; ngồi xếp kiết già mà bay trên không như chim bay liệng; với mặt trời và mặt trăng này vốn có đại như ý túc, đại phước hựu, đại oai thần mà có thể đưa tay bắt nắm, thân cao đến trời Phạm thiên. Này Ma-nạp, đó là thị hiện bằng như ý túc.
"Này Ma-nạp, thế nào là chiêm niệm thị hiện? Hoặc có một Sa-môn, Phạm chí do nơi tướng trạng của người khác mà chiêm đoán được ý tưởng của họ, rằng 'Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, nó thật sự có ý nghĩ'; vô lượng chiêm đoán thì không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc giả không do nơi tướng trạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, nhưng do nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân mà đoán biết được ý tưởng của người khác rằng 'Nó có ý nghĩ như thế này, nó có ý nghĩ như thế kia, thật sự nó có ý nghĩ như vậy' vô lượng chiêm đoán, không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thiết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của họ, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và các loài phi nhân, nhưng do tâm niệm của người khác, tâm tư của người khác, ngôn thuyết của người khác. Sau khi nghe tiếng rồi đoán biết được ý tưởng của người khác rằng 'Nó có ý tưởng như thế này, nó có ý tưởng như thế kia, nó thật sự có ý tưởng như vậy' vô lương chiêm nghiệm đoán, không ít chiêm đoán, nhưng tất cả thảy đều chắc thật, chứ không phải là những giả thuyết viễn vông. Hoặc không do nơi tướng dạng của người khác để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không nghe tiếng của chư Thiên và loài phi nhân để đoán biết ý tưởng của người khác, cũng không do nơi tâm niệm của người khác, nhưng do nơi tâm tư, nơi ngôn thuyết của người khác để sau khi nghe rồi, đoán biết ý tưởng của người khác, nhưng do thấy người khác nhập vào định không giác không quán[10], sau khi thấy bèn nghĩ rằng 'Như Hiền giả này thì không có niệm, không có tư, sở nguyện như ý. Hiền giả kia ra khỏi định này với niệm như vậy. Vị ấy ra khỏi định này sẽ có tâm niệm như vậy, như vậy'. Người này cũng đoán biết việc quá khứ, cũng đoán biết việc tương lai, cũng đoán biết việc hiện tại, những điều được làm từ lâu, những điều được nói từ lâu, cũng đoán biết những nơi yên tĩnh, sống nơi yên tĩnh, cũng đoán biết tất cả pháp tâm và tâm sở hữu. Đó gọi là thiện bằng sự chiêm niệm.
"Này Ma-nạp, thế nào là giáo huấn thị hiện? Ở đây có một Sa-môn, Phạm chí tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Rồi vị ấy giảng thuyết lại cho người khác rằng 'Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Rồi người đó cũng tự hành đạo như vậy, tích như vậy rồi, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật: 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Rồi người đó cũng lại thuyết giảng cho người khác. Cứ như vậy... lần lượt truyền đi cho đến vô lượng trăm ngàn. Này Ma-nạp, đó gọi là sự thị hiện bằng giáo huấn.
"Trong ba thị hiện này, thị hiện nào là tối thượng, tối diệu, tối thắng?"
Thương-ca-la Ma-nạp đáp rằng:
"Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Phạm chí nào có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao đến trời Phạm thiên, thưa Cù-đàm, cái đó là tự mình làm tự mình có, tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là đại pháp[11].
"Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Phạm chí nào do nơi tướng dạng mà đoán biết ý tưởng của người khác, cho đến các pháp tâm và tâm sở hữu, thì bạch Cù-đàm, cái đó là tự mình làm tự mình có, tự mình thọ lãnh quả báo. Thưa Cù-đàm, trong các thị hiện, sự thị hiện này được gọi là đại pháp.
"Bạch Cù-đàm, nếu Sa-môn, Phạm chí nào tự hành đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Rồi vị ấy thuyết giảng cho người khác nữa. Cứ như vậy lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng, thì bạch Cù-đàm, trong ba thị hiện, sự thị hiện này là tối thượng, tối diệu, tối thắng."
Thế Tôn lại hỏi Thương-ca-la Ma-nạp:
"Trong ba thị hiện, ngươi tán thán sự thị hiện nào?"
Ma-nạp Thương-ca-la đáp:
"Trong ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, cho đến thân cao ngang Phạm thiên. Sa-môn Cù-đàm do nơi tướng dạng của người khác mà biết ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết các tâm và tâm sở hữu pháp. Sa-môn Cù-đàm thị đạo với đạo như vậy, tích như vậy, và sau khi hành đạo này, tích này, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thành tựu an trụ, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Sa-môn Cù-đàm thuyết giảng cho người khác, rồi người khác thuyết giảng cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng. Bạch Cù-đàm, cho nên, đối với ba thị hiện, con tán thán Sa-môn Cù-đàm."
Rồi Thế Tôn nói rằng:
"Ma-nạp, người khéo thấu suốt vấn đề này. Vì sao? Thật sự Ta có đại như ý túc, đại oai thần, đại phước hựu, đại oai thần, đối với như ý túc, tâm được tự tại, cho đến, thân cao ngang Phạm thiên. Này Ma-nạp, Ta do tướng dạng người khác mà biết được ý tưởng của người khác, cho đến đoán biết tâm và tâm sở hữu pháp.
"Này Ma-nạp, Ta tự hành đạo như vậy, tích như vậy, các lậu diệt tận, chứng đắc vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết như thật 'Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa'. Rồi Ta giảng thuyết cho người khác, người khác cũng giảng thuyết cho người khác nữa. Như vậy, lần lượt truyền đi cho đến trăm ngàn vô lượng.
"Này Ma-nạp, cho nên ngươi khéo thấu suốt vấn đề này. Ngươi hãy biết như vậy, hãy khéo thọ trì như vậy. Vì sao? Bởi vì ý nghĩa được nói này phải như vậy."
Lúc bấy giờ, Thương-ca-la Ma-nạp bạch rằng:
"Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu. Bạch Thế Tôn, con nay tự quy y Phật, Pháp, Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay trọn đời tự quy y cho đến tận mạng."
Phật thuyết như vậy. Thương-ca-la Ma-nạp, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli A.3.60. Saṅgārava-sutta.
[02] Thương-ca-la Ma-nạp 傷 歌 邏 摩 納. Pāli: Saṅgārava, một Bà-la-môn trẻ, hình như là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia.
[03] Hán: trai 齋; Pāli: yaññaṃ, tế đàn.
[04] Phước tích 福 跡. Pāli: puññapaṭipadā, con đường dẫn đến phước đức.
[05] Hán: tùy tộc 隨 族. Đối chiếu Pāli: yassa vā tassā kulā anagāriyaṃ pabbajito, người ấy từ bỏ dòng tộc, từ bỏ gia dình, xuất gia sống không gia đình.
[06] Cũng như kinh số 194 ở sau.
[07] Tam thị hiện 三 示 現, ở đây "thị đạo", chỉ ba loại thần thông hay phép lạ; xem theo Tập Dị 6 (No.1536, tr.389 b): thần biến thị đạo, ký tâm thị đạo, giáo giới thị đạo. Pāli: Tini pātihāriyānā: iddhi, ādesanā, anusāsanā.
[08] Xem cht.1 trên.
[09] Hán: nhất tắc trụ nhất, hữu tri hữu kiến 一 則 住 一 有 知 有 見. Nghĩa không rõ. Tập Dị (nt): hoặc ẩn hoặc hiện. Pāli: āvibhāvaṃ tirobhāvaṃ.
[10] Chỉ các bậc từ nhị thiền trở lên, trong đó không có tâm sở tầm (Pāli: vitakka) và tứ (Pāli: vicara).
[11] Đại pháp 大 法. Pāli: māyāsaha-dhammarūpam; pháp huyễn hoặc; bản Hán đọc là ma (…) hā-dhamma. 144. KINH TOÁN SỐ MỤC-KIỀN-LIÊN[1]
Tôi nghe như vầy.
Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng lâm, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, Toán số Mục-kiền-liên[02] sau bữa trưa, thong dong tản bộ đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:
"Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho mới dám trình bày". Thế Tôn nói:
"Mục-kiền-liên, ông muốn hỏi gì cứ tự tiện, đừng tự nghi ngại."
Toán số Mục-kiền-liên bèn bạch rằng:
"Thưa Cù-đàm, giảng đường Lộc tử mẫu này được xây dựng dần dần cho đến cuối cùng được thành tựu. Thưa Cù-đàm, cầu thang trong Lộc tử mẫu giảng đường này, bắt đầu lên một nấc, rồi đến hai, ba, bốn. Thưa Cù-đàm, như vậy giảng đường Lộc tử mẫu lần lượt theo thứ tự đi lên. Thưa Cù-đàm, sự điều phục voi này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi móc câu vậy. Thưa Cù-đàm, sự điều phục ngựa này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi hàm vậy. Thưa Cù-đàm, Sát-đế-lợi này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi cung và tên vậy. Thưa Cù-đàm, các Phạm chí này cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu, nghĩa là do bởi kinh thư vậy.
"Thưa Cù-đàm, chúng tôi học toán số, nhờ toán số mà mưu sinh, cũng lần lượt thứ tự cho đến thành tựu. Nếu có đệ tử nam hoặc nữ bắt đầu được dạy từng con số một, rồi hai, ba, mười, trăm, ngàn, vạn..., thứ tự mà đếm lên. Thưa Cù-đàm, như vậy chúng tôi học toán số, nhờ toán số mà mưu sinh, lần lượt theo thứ tự cho đến thành tựu. Sa-môn Cù-đàm, trong pháp luật này, lần lượt thứ tự như thế nào cho đến thành tựu?"
Thế Tôn nói:
"Này Kiền-liên, nếu có sự lần lượt thứ tự thực hiện cho đến thành tựu nào được nói đến chân chánh, thì này Mục-kiền-liên, ở trong pháp luật của Ta, đây là điều được nói đến chân chánh. Vì sao vậy? Này Mục-kiền-liên, Ta đối với pháp luật này lần lượt thứ tự thực hiện cho đến đạt thành cứu cánh.
"Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo niên thiếu vừa mới đến học đạo, mới vào trong pháp luật này, Như Lai trước hết dạy rằng 'Người hãy đến đây. Với thân, hãy thủ hộ mạng thanh tịnh; với miệng và ý hãy thủ hộ mạng thanh tịnh'.
"Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo với thân, thủ hộ mạng thanh tịnh; với miệng và ý thủ hộ mạng thanh tịnh rồi, Như Lai lại dạy tiến thêm rằng 'Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy quán nội thân như thân, cho đến quán thọ [03], tâm và pháp như pháp'.
"Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo quán thân như thân, cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp rồi, Như Lai lại dạy tiến thêm 'Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy quán thân như thân, đừng niệm tưởng những niệm tương ưng với dục; cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp, đừng niệm tưởng những niệm tương ưng với dục'.
"Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo quán thân như thân, không niệm tưởng những niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm và pháp như pháp, không niệm tưởng những niệm tương ưng với dục, Như Lai dạy tiến thêm 'Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy thủ hộ các căn, thường niệm tưởng sự khép kín[04], niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ tâm mà được thành tựu, hằng khởi chánh tri. Nếu mắt thấy sắc, không chấp thủ tướng của sắc, không đắm nhiễm vị của sắc. Vì sự phẫn tránh[05] mà thủ hộ các căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Vì hướng đến kia mà thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân; khi ý biết pháp, không chấp thủ tướng của pháp, không đắm nhiễm vị của pháp. Vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu sầu, ác bất thiện pháp. Vì thú hướng đến nơi kia mà thủ hộ nhãn căn.
"Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo thủ hộ các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng mướn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[06], nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn, thì này Mục-kiền-liên, Như Lai lại dạy tiến thêm 'Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy biết rõ sự ra vào, khéo quán sát phân biệt, co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ nghỉ, nói năng, im lặng, thảy đều biết rõ'.
"Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo biết rõ sự ra vào, khéo quán sát phân biệt co, duỗi, cúi, ngước, nghi dung chững chạc, khéo đắp Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, nói năng, im lặng thảy đều biết rõ, Như Lai lại dạy tiến thêm 'Tỳ-kheo, hãy đến đây, hãy sống cô độc tại nơi xa vắng, trong rừng, trong núi hoặc dưới gốc cây, những chỗ trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc ở ngoài bãi tha ma. Sau khi ngươi đã sống trong rừng vắng, hoặc đến dưới gốc cây, những chỗ trống vắng yên tĩnh, hãy trải ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện[07], nhiếp niệm nội tâm, đoạn trừ tham lam, tâm không não hại; thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác không muốn được về mình. Ngươi đối với tham lam, hãy tịnh trừ tâm ấy. Cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, đoạn nghi độ hoặc, đối với các thiện pháp không còn do dự. Ngươi đối với nghi hoặc hãy tịnh trừ tâm ấy. Ngươi đoạn trừ năm triền[08] này, chúng làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, rồi ly dục, ly ác bất thiện pháp cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ'.
"Này Mục-kiền-liên, khi Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu an trụ, thì này Mục-kiền-liên, Như Lai đã đem lại nhiều lợi ích cho Tỳ-kheo niên thiếu, nghĩa là khéo khuyên răn, dạy dỗ, khiển trách.
"Này Mục-kiền-liên, nếu có Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão, phạm hạnh kỳ cựu, Như Lai lại dạy tiến thêm để thành tựu cứu cánh diệt tận hết thảy lậu."
Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi:
"Sa-môn Cù-đàm, đối với tất cả đệ tử răn dạy như vậy, khiển trách như vậy, tất cả đều đạt đến cứu cánh trí, nhất định đến Niết-bàn chăng?"
Thế Tôn đáp:
"Này Mục-kiền-liên, không phải nhất định đạt đến. Hoặc có người đạt được, hoặc có người không ".
Toán số Mục-kiền-liên lại hỏi:
"Cù-đàm, trong đó nhân duyên gì khi có Niết-bàn, có Niết-bàn đạo và Sa-môn Cù-đàm hiện tại là Đạo Sư đó, mà có Tỳ-kheo được răn dạy như vậy, được khiển trách như vậy, thì đạt đến cứu cánh Niết-bàn, nhưng một số khác lại không đạt đến?"
Thế Tôn nói:
"Này Mục-kiền-liên, Ta muốn hỏi lại ông, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời.
"Này Mục-kiền-liên, ý ông nghĩ sao? Ông biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các con đường đến đó chăng?"
Toán số Mục-kiền-liên đáp:
"Thật vậy, tôi biết rõ thành Vương xá ở đâu và cũng am tường các con đường đến đó."
Thế Tôn hỏi:
"Này Mục-kiền-liên, nếu có một người muốn đi đến thành Vương xá để yết kiến vua, người ấy hỏi rằng: 'Tôi muốn đi đến thành Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có thể chỉ cho tôi chăng?' Ông nói với người ấy rằng 'Từ đây đi về phía Đông, đến thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết'. Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn rồi, đi chưa bao lâu bèn bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để trở lui lại. Những gì ngoại thành Vương xá, rừng cây xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại cây cối, bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, người ấy hoàn toàn không thấy, không biết gì hết.
"Lại có một người khác muốn đi đến thành Vương xá để yết kiến vua. Người ấy hỏi ông rằng: 'Tôi muốn đi đến thành Vương xá để gặp vua, Toán số Mục-kiền-liên biết rõ thành Vương xá ở đâu, am tường các đường lộ và đường tắt, có thể chỉ cho tôi chăng?'
Ông nói với người ấy rằng: 'Từ đây đi về phía Đông, đến thôn kia, rồi từ thôn ấy đến ấp kia, lần lượt như vậy đi đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, những lầu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, lại có dòng suối trong, sẽ được thấy hết, được biết hết'.
Người ấy sau khi nghe ông chỉ dẫn, bèn từ đây đi về hướng Đông, đến thôn kia, từ thôn ấy đi đến ấp kia, lần lượt như vậy cho đến thành Vương xá. Những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong đều được thấy hết, biết hết.
"Này Mục-kiền-liên, trong đó do nhân gì duyên gì, trong khi có thành Vương xá, có con đường đến thành Vương xá và có ông hiện tại là đạo sư đó, nhưng người thứ nhất nghe lời ông chỉ dẫn, chẳng bao lâu đã bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn trở lui lại, rồi những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết? Còn người thứ hai khi nghe theo lời ông chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi đến thành Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết?"
Toán số Mục-kiền-liên đáp:
"Này Cù-đàm, tôi hoàn toàn vô sự. Có thành Vương xá đó, có con đường dẫn đến thành Vương xá đó, tôi chỉ làm đạo sư. Người thứ nhất không tùy theo sự chỉ dẫn của tôi, bỏ con đường chánh mà đi theo con đường lầm lẫn để trở lui lại. Những gì ở ngoài thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, tất cả người ấy đều không thấy, không biết. Người thứ hai khi nghe theo lời tôi chỉ dẫn, từ con đường chánh lần lượt đi đến thành Vương xá, những gì ở ngoại thành Vương xá, những khu vườn xinh đẹp, đất bằng phẳng, lâu đài, ao tắm, đủ loại bông hoa, có con sông dài, có dòng suối trong, thảy đều được thấy hết, được biết hết."
Thế Tôn nói rằng:
"Cũng vậy, này Mục-kiền-liên, Ta cũng vô sự. Có Niết-bàn đó, có con đường dẫn đến Niết-bàn đó, Ta chỉ là Đạo Sư, giáo huấn các Tỳ-kheo như vậy, khiển trách các Tỳ-kheo như vậy, nhưng có người đạt đến cứu cánh Niết-bàn, có người lại không. Này Mục-kiền-liên, nhưng tùy theo sở hành của mỗi Tỳ-kheo mà Thế Tôn ghi nhận sở hành ấy, tức là cứu cánh lậu tận vậy."
Toán số Mục-kiền-liên bạch rằng:
"Bạch Cù-đàm, tôi đã hiểu. Bạch Cù-đàm, tôi đã rõ.
"Bạch Cù-đàm, cũng như trên mảnh đất tốt, có khu rừng Sa-la, trong đó có người giữ rừng Sa-la, sáng suốt, không lười biếng, đối với gốc rễ của các cây Sa-la, tùy theo thời mà cuốc xới, sang chỗ cao, lấp chỗ thấp, quét dọn rác, tưới nước, không để sai thời. Nếu bên cạnh có mọc cỏ tạp ô uế thì nhổ sạch hết. Nếu có những cây đâm ngang, cong queo thì uốn lại cho thẳng hay tỉa đi. Nếu có những cây mọc rất ngay thẳng thì chăm sóc, giữ gìn, hằng cuốc xới, quét dọn rác, tưới nước, không để sai thời. Như vậy, trên mảnh đất tốt, rừng cây Sa-la càng ngày càng sum suê.
"Bạch Cù-đàm, cũng vậy, có người dua nịnh, dối trá, không biết thi ân, vô tín, giải đãi, không niệm, không định, ác tuệ, tâm cuồng, các căn rối loạn, trì giới lơ là, không tu trì phát triển. Sa-môn Cù-đàm, với những người như vậy không thể cộng sự. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy là phạm hạnh ô uế.
"Bạch Cù-đàm, nếu có những người không dua nịnh, cũng không dối trá, biết thi ân, có tín, tinh tấn, không giải đãi, có niệm, có định và cũng có trí tuệ, rất mực cung kính, tu tập phát triển. Sa-môn Cù-đàm, với những người như vậy có thể cộng sự. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, những người như vậy là phạm hạnh thanh tịnh.
"Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại căn hương[09], trầm hương là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì trầm hương đối với các loại căn hương, nó là tối thượng.
"Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại Sa-la thọ hương[10], xích chiên đàn là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì chiên đàn đối với các thứ sa-la thọ hương, nó là tối thượng.
"Bạch Cù-đàm, cũng như trong các loại thủy hoa, hoa sen xanh là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì hoa sen xanh đối với các loại thủy hoa, nó là tối thượng.
"Bạch Cù-đàm, cũng như trong các thứ hoa trên đất, hoa Tu-ma-na là bậc nhất. Vì sao vậy? Bạch Cù-đàm, vì Tu-ma-na hoa đối với các loại lục hoa, nó là tối thượng.
"Bạch Cù-đàm, cũng như trong thế gian, giữa các luận sĩ, Sa-môn Cù-đàm là bậc nhất. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm như một luận sĩ có thể khuất phục tất cả các ngoại đạo dị học vậy.
"Bạch Thế Tôn, nay con tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Kể từ hôm nay, trọn đời đều tự quy y cho đến tận mạng."
Phật thuyết như vậy. Toán số Mục-kiền-liên và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành. Chú thích:
[01] Tương đương Pāli, M.107. Gaṇaka-Moggallāna-sutta. Biệt dịch, No.70. Phật Thuyết Số Kinh, Tây Tấn, Pháp Cự dịch.
[02] Toán số Mục-kiền-liên 算 數 目 犍 連. Pāli: Gaṇaka-Moggallāna, có thể là một nhà toán học.
[03] Trong bản Hán: quán giác 觀 覺.
[04] Thường niệm bế tắc 常 念 閉 塞.
[05] Vị phẫn tránh cố 謂 忿 諍 故, vì sự phẫn nộ và tranh cãi. Pāli: yatvādhikaraṇam enam…, do nguyên nhân gì mà… Trong bản Hán, adhikaraṇa, nguyên nhân, được hiểu là sự tranh cãi.
[06] Thú hướng bỉ cố 趣 向 彼 故; Pāli: (akusalā dhammā) anvāssaveyyṃ, (các pháp bất thiện) có thể khởi lên (trôi chảy vào tâm).
[07] Chánh thân chánh nguyện 正 身 正 願; Pāli: ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, ngồi thẳng lưng. Trong bản Hán, paṇidhāya (sau khi đặt xuống), được hiểu là paṇidhāna: ước nguyện.
[08] Ngũ cái 五 蓋. Pāli: pañca nīvaraṇā.
[09] Căn hương 根 香, hương liệu từ rễ cây; xem kinh 141 trên. Pāli: mūlagandhā.
[10] Sa-la thọ hương 娑 羅 樹, loại hương trầm bằng lõi cây; xem kinh 141 trên. Pāli: sāragandhā.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.140.188.201 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.