Như trong một phần trước đã nói, thế giới này của chúng ta vốn là nơi
quy tụ của những chúng sinh đã tạo nhiều ác nghiệp, trong đó nặng nề
nhất vẫn là nghiệp giết hại. Trong một bối cảnh như vậy, việc đa số con
người vẫn tiếp tục làm chuyện giết hại cũng là điều dễ hiểu. Và bất cứ
ai kịp thời tỉnh thức để dừng lại, dù ít dù nhiều cũng đều là một sự
đáng quý.
Vì vậy, chúng ta không nên đòi hỏi việc nhất thời có thể dứt bỏ hoàn
toàn cả việc giết hại trực tiếp và gián tiếp. Chỉ cần ta nhận thức được
vấn đề và có một quyết tâm tự thay đổi chính mình theo hướng vươn lên,
điều đó sẽ giúp ta dần dần rũ bỏ được những ác nghiệp đã tạo.
Khởi điểm khiêm tốn nhất của chúng ta trước hết là nên từ bỏ ngay mọi
hành vi trực tiếp giết hại. Điều này vô cùng quan trọng. Bởi vì, trong
thực tế có một sự khác biệt rất lớn giữa việc bạn ăn thịt gà và tự tay
cắt cổ giết gà. Hành vi trực tiếp giết hại bao giờ cũng là một ác nghiệp
rất nặng nề, làm thương tổn lòng từ bi và nuôi lớn thêm tập khí giết hại
vốn đã sẵn có trong mỗi chúng ta. Vì thế, từ bỏ được việc trực tiếp giết
hại sẽ là một bước khởi đầu rất quan trọng và có thể mang lại những thay
đổi lớn lao trong tâm hồn bạn.
Vào thời đức Phật còn tại thế, khi ngài lần đầu tiên thuyết dạy về việc
từ bỏ hành vi giết hại trong xã hội Ấn Độ, cũng có rất nhiều người không
thể làm theo ngay được. Vì thế, ngài đã tạm thời cho phép các đệ tử được
dùng ba loại thịt gọi là “trong sạch” (tam tịnh nhục). Ba loại thịt ấy
là:
1. Thịt của con vật mà người ăn không trực tiếp nhìn thấy khi nó bị
giết.
2. Thịt của con vật mà tai người ăn chẳng nghe biết khi nó bị giết.
3. Thịt của con vật mà người ăn hoàn toàn không biết là đã bị giết để
cho mình ăn.
Đây chính là phương tiện mà đức Phật đã dùng để giúp các đệ tử của ngài
dần dần từ bỏ việc giết hại. Vì thế, sau khi đã từ bỏ được việc trực
tiếp giết hại, chúng ta cũng có thể học biết ba loại “tịnh nhục” này để
tạm thời sử dụng trong khi chưa thể hoàn toàn dứt bỏ việc ăn thịt. Khi
chỉ dùng ba loại “tịnh nhục” này, ta sẽ tiến được xa hơn một bước nữa
trong việc từ bỏ sự giết hại.
Cùng với những việc làm trên, ta nên bắt đầu làm quen với một số ngày ăn
chay trong tháng. Hầu hết những người tập ăn chay thường bắt đầu mỗi
tháng hai ngày, vào đầu tháng và giữa tháng. Ta có thể tăng dần lên bốn
ngày, rồi sáu ngày, mười ngày... Lâu dần, ta có thể phát nguyện ăn chay
một tháng, hoặc hai tháng, ba tháng... trong một năm.
Điều quan trọng nhất trong việc tập ăn chay là những ngày chay phải hoàn
toàn trong sạch, thuần khiết. Bạn có thể ăn chay mỗi tháng bốn ngày mà
giữ được trọn vẹn, còn hơn là mỗi tháng mười ngày nhưng không thực sự
trong sạch. Đặc biệt, trong ngày ăn chay tuyệt đối không nên mua sắm
hoặc nấu nướng những thức ăn mặn để chuẩn bị cho ngày hôm sau, vì như
thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của ngày ăn chay.
Ngày nay, ăn chay không chỉ là vấn đề của tín ngưỡng. Các bác sĩ, chuyên
gia dinh dưỡng đôi khi cũng đề nghị với bệnh nhân nhiều chế độ dinh
dưỡng để trị bệnh, mà thực chất là những chế độ ăn chay, bởi vì chúng
loại trừ hoàn toàn các loại thịt, cá. Sở dĩ như vậy là vì khoa học đã
nhận ra rất nhiều tác hại của việc ăn thịt động vật, đồng thời cũng nhận
ra những ưu điểm của việc ăn chay đối với sức khỏe. Ăn chay giúp ngăn
ngừa rất nhiều mầm bệnh, giúp cơ thể phát triển một cách tự nhiên hơn vì
không phải đối phó với nhiều chất độc hại có trong các loại thịt động
vật. Người ăn chay rất hiếm khi bị thiếu hụt các sinh tố (vitamin), vì
chúng hiện diện rất nhiều trong các thức ăn tự nhiên như rau, củ, quả...
Một trong những hoài nghi của khoa học dinh dưỡng trước đây đối với việc
ăn chay là có thể dẫn đến suy dinh dưỡng do thiếu chất đạm (protein).
Tuy nhiên, mối lo ngại này nay đã hoàn toàn được giải tỏa, khi khoa học
khám phá ra rằng các loại đậu, nhất là đậu nành, chứa một hàm lượng đạm
rất cao và ở dạng dễ tiêu hóa, tốt hơn nhiều so với đạm có trong thịt
động vật.
Vì thế, nếu bạn quyết định ăn chay, bạn có thể sẽ nhận được sự tư vấn
của các chuyên gia dinh dưỡng rằng điều đó hoàn toàn tốt cho sức khỏe
của bạn, không phải lo ngại về việc “thiếu dinh dưỡng” như trước đây rất
nhiều người vẫn lầm tưởng.
Mặt khác, trong những nỗ lực từ bỏ sự giết hại, bạn không thể không xem
xét đến việc từ bỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Do thói quen đã lâu đời, chúng ta luôn nhìn việc chăn nuôi gia súc, gia
cầm như một hành vi rất tự nhiên, không có gì đáng để xem là ác nghiệp.
Hơn thế nữa, đây lại là một trong những nguồn kinh tế phụ khá quan trọng
đối với nhiều gia đình. Một số người mặc dù đã biết ăn chay nhưng vẫn
tiếp tục chăn nuôi. Họ nghĩ rằng, chỉ nuôi thôi, đừng giết hại chúng là
được rồi! Nhưng than ôi, tuy không giết mà bán cho người khác giết thì
cũng có khác gì!
Chúng ta hãy thử đưa ra một vài phân tích để thấy rõ bản chất thực sự
của việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, mỗi người sẽ có thể tự cân
nhắc, xem xét để thấy rõ là việc này có nên làm hay không.
Trước hết, chúng ta chỉ có một động cơ duy nhất để chăn nuôi. Đó là lợi
dưỡng. Hoặc ta nuôi để trực tiếp giết thịt, hoặc nuôi để bán cho người
khác giết thịt, nhưng cả hai cũng đều đưa lại kết quả giống nhau cho tất
cả gia súc, gia cầm được nuôi. Không có ai nuôi gà, vịt, lợn... vì lòng
từ bi, thương xót chúng! Vì thế, mục đích của việc làm đã có thể xác
định một cách rất rõ ràng, không cần bàn cãi.
Và một khi mục đích đã được xác định ngay từ đầu, thì số phận của tất cả
những con vật nuôi tất nhiên là đã được định sẵn – một số phận không lấy
gì làm khả quan mà tất nhiên là không có bất cứ sinh vật nào mong muốn.
Như vậy, xét cho cùng thì chăn nuôi cũng chính là một hành vi giết hại.
Quan trọng hơn nữa, đây là một hành vi giết hại có sự cố ý, có một kế
hoạch định sẵn, và thường là có quy mô tập thể.
Người đánh bẫy thú rừng có thể bắt được mỗi ngày một vài con thú để làm
kế sinh nhai. Đó là ác nghiệp rõ ràng mà ai trong chúng ta cũng có thể
thấy rõ. Thú rừng thoáng thấy bóng dáng anh ta thì đều sợ hãi, lẫn trốn.
Anh ta cũng lộ rõ không che giấu vẻ hung bạo của mình khi bắt được những
con mồi, và chúng luôn cảm nhận được là sẽ chết trong tay anh ta. Mặc dù
vậy, trước khi vào rừng thì anh ta cũng không thể biết là hôm nay mình
sẽ giết hại những con thú nào, thậm chí cũng không thể biết là liệu có
con thú nào vướng bẫy hay không... Những điều đó có một phần nào không
nằm trong sự tính toán của anh ta.
Nhưng với người chăn nuôi thì khác. Anh ta có thể có một dáng vẻ rất
hiền hòa, thân thiện với đàn gia súc, gia cầm của mình, thậm chí còn
vuốt ve chúng nữa. Không có con vật nuôi nào sợ sệt anh ta, vì anh ta
cho chúng ăn, gần gũi với chúng. Vì thế, chúng không muốn lẫn tránh anh
ta – nhưng cho dù có muốn, chúng cũng không thể làm được điều đó! Những
con vật ấy thật khó có thể biết được, cảm nhận được rằng mình sẽ chết
trong tay con người hiền hòa và thân thiện này! Nhưng tất cả đều đã nằm
trong sự tính toán của anh ta, nên anh ta hoàn toàn có thể biết chắc
được là hôm nay những con vật nào sẽ chết, có bao nhiêu con sẽ chết...
Con số đó có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm...
So sánh những điều trên thì bạn có thể thấy ngay tính chất nhẫn tâm của
một người chăn nuôi thực ra là vượt xa cả những người săn bắt thú. Sở dĩ
người ta không nhận ra sự nhẫn tâm đó, là vì người ta mặc nhiên không
chịu thừa nhận rằng sinh mạng của những gia súc, gia cầm kia cũng là
sinh mạng, và cũng đều đáng quý như sinh mạng của mỗi chúng ta!
Bây giờ, nếu bạn thử so sánh số phận của những con vật bị săn bắt trong
tự nhiên với số phận của những con vật nuôi, bạn sẽ thấy ra một điều là
những con vật nuôi thực ra kém may mắn hơn nhiều.
Thứ nhất, những con vật nuôi chưa từng có được một đời sống tự do. Sinh
hoạt hằng ngày của chúng hoàn toàn là do người nuôi quy định. Ngày nay,
người ta còn nghĩ ra những cách như nuôi gà trong ống tre, nuôi heo
trong những khung kín không thể xoay trở... tất cả đều là nhằm tăng thêm
lợi nhuận, và cái gọi là “quyền sống” của con vật chưa bao giờ được xem
xét đến. Trong khi đó, những con vật trong tự nhiên luôn có được một đời
sống tự do, có thể nô đùa, bộc lộ tình cảm với nhau, ít nhất cũng là khi
chưa bị con người giết hại.
Thứ hai, những con vật nuôi đã nhận sẵn bản án tử hình ngay từ lúc sinh
ra, và bản án đó có thể được thực hiện bất cứ lúc nào. Lợn sữa cũng có
thể bị mang đi quay nướng, bồ câu ra ràng1 ăn càng bổ dưỡng... Không có
quy định nào về độ tuổi của những con vật bị giết, hay nói cách khác là
chúng có thể chết bất cứ lúc nào. Và chúng hoàn toàn không có khả năng
lẫn tránh, chạy trốn như những con thú trong tự nhiên. Chúng chỉ có một
con đường duy nhất là ngoan ngoãn đi vào chỗ chết.
Thứ ba, những con vật nuôi là những tử tù hoàn toàn không có hy vọng
được ân xá. Trong khi những con thú trong tự nhiên bị bắt về còn có hy
vọng trong muôn một là sẽ có người mua chúng để phóng sinh, thì những
con vật nuôi hoàn toàn không có được hy vọng này. Bạn có thể mua chim,
cá, thỏ, rùa, cua... nghĩa là bất cứ con vật nào trong tự nhiên để phóng
sinh, trả chúng về cho tự nhiên. Nhưng ngược lại, cho dù có thương xót
đến đâu bạn cũng không thể mua những con gà, con vịt... để phóng sinh,
vì chúng hoàn toàn không có chỗ để bạn trả về! Chúng chỉ có mỗi một con
đường duy nhất trong xã hội loài người này, đó là đường chết!
Ngay cả với những con vật được nuôi dưỡng với một vài mục đích khác hơn
là việc giết thịt, thì số phận cuối cùng của chúng cũng không tốt đẹp
hơn. Trâu cày vẫn bị giết thịt, bò sữa cũng không thoát khỏi, chó giữ
nhà rồi cũng chung số phận... Bất kể chúng có đóng góp được những gì,
đích đến cuối cùng của chúng vẫn là sẽ bị giết thịt!
Bởi vậy, cách duy nhất để góp phần chấm dứt những số phận đen tối của
gia súc, gia cầm là hãy từ bỏ việc chăn nuôi. Cho dù ta có thừa nhận hay
không thì đó vẫn là một ác nghiệp, và nó chắc chắn sẽ chiêu cảm những ác
báo tương ứng. Nếu đã quyết tâm từ bỏ việc giết hại, bạn cũng nên dứt
khoát với việc chăn nuôi.
Hơn thế nữa, một người bẫy thú nếu biết hồi tâm, chỉ trong một ngày có
thể đổi nghề để sinh sống. Với một người chăn nuôi thì điều đó khó khăn
hơn nhiều. Bởi sự giết hại của anh ta là một kế hoạch cụ thể, nên anh ta
thật khó lòng mà không hoàn tất kế hoạch đó, khi nó mang lại cho anh ta
nhiều lợi nhuận.
Và như đã nói, việc thực hành phóng sinh vào bất cứ khi nào có dịp sẽ hỗ
trợ rất mạnh mẽ cho bạn trong việc thực hiện tất cả những điều trên để
từ bỏ ác nghiệp. Như một kết quả tất nhiên, những người đã thường xuyên
làm việc phóng sinh thì không thể tự mình trực tiếp làm việc giết hại.
Trong thực tế, những người thường xuyên làm việc phóng sinh sẽ ăn chay
rất dễ dàng, vì họ không còn cảm thấy thích thú những món ăn có thịt cá,
thậm chí còn có phần ghê sợ nữa. Thường xuyên phóng sinh cũng làm tăng
trưởng tâm từ bi, từ đó giúp bạn sáng suốt nhận ra tính chất ác hại của
việc chăn nuôi nên có thể từ bỏ một cách dễ dàng hơn.
Và nếu chúng ta có thể từ bỏ việc giết hại, thực hành việc phóng sinh
cũng như trở thành người ăn chay hoàn toàn, thì ngay giữa thế giới còn
đầy dẫy ác nghiệp này ta vẫn có thể nhận ra được ánh sáng từ bi đang tỏa
sáng, phá tan đi bức màn vô minh tăm tối.