Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phẩm 2: QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC THỌ KÝ
(Phần 2)
Bấy giờ, Đức Như Lai Nhiên Đăng Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác biết tâm niệm ta, Ngài cùng một trăm ngàn vị đại Tỳ-kheo và ngàn vạn ức chúng Thiên, Long đồng hướng đến chỗ ta, chân Đức Phật bước ung dung trên tóc và thân ta như đại long vương, Ngài đưa mắt nhìn hai bên rồi bảo chư vị Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, các người không được cùng Ta đi chung một lối, không một người nào được phép bước trên thân và tóc của đồng tử, chỉ trừ một mình Như Lai mới có thể bước đi trên thân và tóc người này mà thôi. Tại sao? Đây là tóc và thân của vị Bồ-tát.
Lúc ấy Đức Phật Nhiên Đăng nói với Ta:
-Hay thay! Hay thay! Này Đồng tử, ngươi đã phát đại tâm rộng lớn như biển, sở nguyện của ngươi vì tất cả chúng sinh làm những điều lợi ích, vì tất cả chúng sinh đem lại niềm an lạc.
Này Đồng tử, ngươi đã phát đại nguyện mong cầu đem lại lợi ích an lạc cho tất cả thế gian, thương xót vô lượng vô biên chúng sinh, làm bậc đạo sư cho cõi người cõi trời như vậy. Tâm ngươi tinh tấn đại dũng mãnh mới được đầy đủ những pháp như vậy. Chí nguyện ngươi như kim cang, không tiếc thân mạng. Do vậy hôm nay ngươi đem thân nâng đỡ gót chân Như Lai đi qua. Ngươi ở đời vị lai cho đến không lẫn tiếc thân mạng, huống nữa là tài sản khác.
Này Đồng tử, ngươi cầu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đây là việc làm đầu tiên, ngươi đã phát nguyện rộng lớn như vậy, nên bố thí tất cả những gì ngươi có. Này Đồng tử, việc bố thí đó, ngươi không được cầu phước báo thế gian ở đời vị lai, chỉ cầu đạo xuất thế Vô thượng Bồ-đề. Chớ sinh tâm tham lam thấy tài sản của người không được chiếm đoạt, giữ gìn cấm giới đừng để hủy phạm, không được tạo tác việc ô nhiễm, không được cầu danh, không được khen ngợi mình chê bai người, cho đến người ta có hủy báng, ngươi phải nhẫn nhục. Ví dầu có người đến đánh đập chưởi mắng cột trói giết hại, ngươi phải nhẫn nhục nhận lấy tất cả. Cho đến gặp trường hợp họ phân thây ra từng mảnh, đối với kẻ oán thù như vậy, ngươi cần phải nhẫn nhục sinh tâm từ bi, không được sát sinh, không được cướp đoạt thân mạng và tài sản của người khác. Đối với tài sản người khác ngươi nên luôn luôn xa lánh. Đối với việc kinh doanh mưu lợi của mình cũng nên biết vừa đủ. Đừng gần gũi vợ con thê thiếp của người khác, đối với thê thiếp của mình cũng không nên tham đắm quá độ. Cho đến trọn đời không được nói dối, không được nói chuyện phải trái của người khác, không được tranh chấp nhau khiến người thân thuộc trở thành xa lạ. Thấy người gây sự chia rẽ, thường đem lời hòa hợp giải hòa. Không được nói lời cộc cằn thô lỗ, thường dùng lời nói dịu dàng êm đẹp, không được nói lời phù phiếm, chỉ nói lời có lợi ích. Nói đúng thời, nói đúng pháp, nên thực hành chánh kiến, phải tránh xa tất cả tà đạo.
Này Đồng tử, nếu ngươi có thể làm được những điều ấy, thì chí nguyện sẽ được viên mãn. Đối với tất cả chúng sinh, nên sinh tâm tưởng thương xót như con một, giữ gìn khẩu ý chớ có dua nịnh, phải là người tôn trọng cúng dường chúng sinh. Chớ ngạo mạn khiến tâm buông lung, thường ở trong thiền định vắng lặng, quán pháp vô ngã. Chớ đoạn giống Bồ-đề đời vị lai. Ngươi phải làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh như vậy.
Này Đồng tử, nếu có thể hoàn tất tất cả những việc ấy, thì tự nói: “Ta có thể làm được”.
Khi ấy Ta liền bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, con có thể làm được.
Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đã biết tâm ta, Ngài liền mỉm cười. Tỳ-kheo thị giả của Ngài liền rời chỗ ngồi sửa sang y phục, trịch áo vai bên hữu, quỳ xuống bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, vì nhân duyên gì Ngài mỉm cười?
Đức Phật Nhiên Đăng bảo Tỳ-kheo thị giả:
-Này Tỳ-kheo, ông có thấy Đồng tử cầm bảy cành hoa cúng dường Ta, cúi thân trải tóc làm chiếc cầu bắc qua vũng bùn để Ta đi qua đó hay không? Do vì nhân duyên đó, Đồng tử này trải qua a-tăng-kỳ kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, đầy đủ mười hiệu: Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác... như Ta không khác.
Này A-nan, thuở ấy Ta nghe Đức Phật Nhiên Đăng vì Ta trao một lời thọ ký quyết định rồi, thân tâm nhẹ nhàng, bỗng nhiên bay bổng lên hư không cao bằng bảy cây Đa-la, Ta chắp tay đem tâm thanh tịnh hướng về Đức Phật đảnh lễ. A-nan, Ta lúc đó toàn thân khoan khoái không thể tự kiềm chế được.
Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng dạy Ta:
-Ông hãy nhìn về các thế giới phương Đông.
Khi ấy Ta liền nhìn thấy hằng hà sa số chư Phật các cõi nước phương Đông, tất cả chư Phật đều Vì ta trao lời quyết định thọ ký. “Này Đồng tử, ngươi sẽ trải qua a-tăng-kỳ kiếp ở đời vị lai sẽ thành Phật tên là Thích-ca Mâu-ni đầy đủ mười hiệu.” Chư Phật các phương Nam, Tây, Bắc, bốn phương phụ và trên dưới cũng lại thọ ký như vậy.
Này A-nan, Ta lúc ấy từ hư không hạ xuống đứng yên trên mặt đất, đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn Nhiên Đăng, rồi lui về đứng một bên, sinh khởi ý nghĩ: “Ta ngày hôm nay có thể ở nơi Đức Phật Nhiên Đăng cầu xin xuất gia.” Liền bạch Phật:
-Cúi xin Thế Tôn cho con xuất gia thọ giới Cụ túc, con ở bên Phật tu phạm hạnh.
Đức Phật bảo ta:
-Này Đồng tử, nay đúng lúc ngươi được cạo bỏ râu tóc sống hạnh xuất gia. Vừa cạo bỏ râu tóc xong, thì vô lượng chư Thiên đến nơi đống tóc làm lễ cúng dường. Mười ức chư Thiên mỗi người nhận được một sợi.
Này A-nan, từ khi Ta chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho đến nay, chưa thấy một chúng sinh nào không cúng dường chư Phật mà được an lạc bao giờ.
Này A-nan, Ta lúc ấy vẫn còn đầy đủ các phiền não trói buộc, tham dục, sân hận, ngu si chưa dứt hết, mà vô lượng trăm ngàn ức chúng sinh lấy tóc Ta, họ giữ gìn cúng dường vẫn được giải thoát. Huống lại ngày hôm nay Ta đã lìa tham, sân, si, kẻ nào ở bên Ta tạo các công đức mà không được giải thoát, điều ấy không bao giờ có. Này A-nan, do đó tất cả chúng sinh cần phải phát tâm cúng dường chư Như Lai.
Này A-nan, Ta thuở ấy đến nay khi còn ở trong phiền não, tu hạnh Bồ-tát không rời tâm tinh tấn dũng mãnh, thường bố thí, thường vun trồng công đức. Do Ta tạo các thiện nghiệp như vậy, ở trong vô lượng trăm ngàn kiếp làm Phạm vương, Đế Thích, hoặc trăm ngàn lần làm Chuyển luân thánh vương. Do nhân duyên thiện căn đó mà ngày nay thành Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân vô thượng tối diệu.
A-nan, Ta do sức phước đức trí tuệ, hiện tại được tất cả dòng tôn quý vua quan, Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, Sa-môn, học giả tin lấy lời nói của ta, theo giáo pháp ta tu hành.
A-nan, ông xét lời nói của Ta hoàn toàn không thay đổi, y như lời Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Ta, dạy bảo Ta. Ta căn cứ vào đó tu hành, ngày nay chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:
Dù cõi trời sụp đổ
Quả đất bị biến hoại
Tất cả các chúng sinh
Vẫn được thân thường trụ
Núi Diệu cao tan vỡ
Nước bể cả cạn khô
A-nan người phải biết
Chư Phật không hai lời.
Khi Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, lại bảo A-nan:
-Chư Phật Thế Tôn thường có hạnh thế này: Giả sử có vô lượng vô biên quang minh vì chúng sinh thu lại một tầm, từ trong một tầm này vì chúng sinh lại hiện vô lượng vô biên quang minh. Vì sao? Vì chư Phật sợ chúng sinh không biết thời gian: Ngày đêm, một tháng, nửa tháng, một năm, nửa năm, e sợ quên mất bốn thời tám tiết xuân hạ thu đông.
Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng đầy đủ mười hiệu, có hào quang là do nghiệp nhân tạo thành. Hào quang thường chiếu sáng không có khi nào tối tăm, do đó Đức Phật có hiệu là Nhiên Đăng. Ngài luôn luôn có ánh sáng chiếu khắp trời đất, là do nhân duyên như đã nói ở trên.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Như Lai xuất hiện ở đời tôn hiệu Nhất Thiết Thắng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta dùng hoa bằng vàng rải trên mình Đức Phật phát lời thệ nguyện: “Con nguyện ở đời vị lai được thân vi diệu đầy đủ các tướng tốt như Đức Phật ngày hôm nay.”
Lúc ấy, Đức Phật biết được tâm niệm ta, ngài mỉm cười. Tỳ-kheo thị giả của Phật sửa y phục bạch Phật... cho đến Đức Phật Thắng-Nhất-Thiết bảo vị thị giả ấy:
-Này Tỳ-kheo, ông có thấy kẻ đem hoa vàng rải trên thân Ta chăng?
Tỳ-kheo thị giả đáp:
-Dạ vâng, bạch Đức Thế Tôn con có thấy.
Đức Phật bảo Tỳ-kheo thị giả:
-Người này trải qua một ức kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni đầy đủ mười hiệu: Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác...
Này A-nan, Ta được Đức Phật Nhất Thiết Thắng thọ ký rồi Ta không bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, lại tu các phước nghiệp tăng trưởng bội phần. Ta nhờ nhân duyên thiện nghiệp này, trong vô lượng kiếp sinh trên cõi Phạm thiên, Đế Thích và làm Chuyển luân thánh vương. Có một thuở nọ Ta làm vua tên là Thiện Kiến, thành quách, cửa thành, vọng gác, phòng xá cung điện của nhà vua làm toàn bằng vàng ròng. Vườn hoa, rừng cây, dòng suối ao hồ đều dùng vàng tô điểm.
Do nhân duyên rải hoa vàng thuở nọ mà ngày nay Ta chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân vô thượng thanh tịnh.
Này A-nan, Ta nhớ thuở xưa có Đức Phật xuất hiện ở đời tên là Liên Hoa Thượng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta đem hoa bằng bạc rải trên mình Đức Phật, phát nguyện cũng như vậy... Cho đến Đức Phật bảo thị giả:
-Ông có thấy người này đem hoa bằng bạc cúng dường ta hay không?
Tỳ-kheo đáp:
-Bạch Thế Tôn, con có thấy.
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
-Người này trải qua mười vạn kiếp ở đời vị lai sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta nghe lời thọ ký như vậy rồi, chẳng bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, lại tạo các công đức gia tăng bội phần. Ta nhờ phước báo thiện nghiệp này, trải qua vô lượng kiếp làm Phạm thiên, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Lại ở đời quá khứ Ta đã từng làm vua tên là Đại Thiện Kiến, đô thành của Ta là Câu-thi-la, vọng gác, dinh thự, cửa sổ của thành này đều làm bằng bạc. Vườn hoa, rừng cây, dòng sông, suối, ao v.v... đều dùng bạc để tô điểm. Cho đến ngày hôm nay ta thành Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, chuyển pháp luân vô thượng cũng do nhân duyên đó.
Này A-nan, từ xưa đến nay có pháp như thế nấy: Phàm chư Bồ-tát khi sơ sinh, đi bảy bước khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc không có người nâng đỡ. Đức Phật Liên Hoa Thượng khi sơ sinh ở trên hoa sen, hai chân Ngài bước trên đất thì chỗ đất nào bước đến đều có hoa sen hóa sinh. Đi bảy bước khắp bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, nơi chân Phật đặt đến đều có hoa sen, nên tôn xưng danh hiệu Ngài là Liên Hoa Thượng. Ngay lúc ấy vô lượng vô biên trăm ngàn vạn chúng: Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ma-hầu-la-già, người cùng phi nhân... đồng một lúc hô to vang vọng khắp nơi: Đại Bồ-tát này gọi là Liên Hoa Thượng. Do vì người trời xướng lên lời như vậy nên Đức Phật này hiệu là Liên Hoa Thượng.
Này A-nan, Ta nhớ về thời quá khứ, có Đức Như Lai xuất hiện ở đời tôn hiệu là Tối Thượng Hành Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc ấy Ta đem một nắm lúa bằng vàng rải trên mình Đức Phật... Cho đến khi Đức Phật này nói với thị giả:
-Người này sau khi trải qua một ngàn kiếp sẽ chứng quả Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta nghe lời thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, thiện nghiệp tăng trưởng. Do quả báo công đức nhân duyên đó, nên trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Lại đã từng làm một Chuyển luân thánh vương tên là Đảnh Sinh, trong cung điện ta lúc bấy giờ trái qua bảy ngày mưa bằng lúa vàng lên tới đầu gối, tràn ngập khắp mọi nơi. Cũng do nghiệp thiện cúng dường Đức Phật Tối Thượng Hành nắm lúa vàng thuở ấy mà ngày nay ta chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.
Này A-nan, Đức Như Lai Tối Thượng Hành khi sắp vào xóm làng thành ấp để khất thực, chân Ngài bước trên không cách mặt đất sáu thước. Lúc ấy các chúng Trời, Người, Rồng và Phi nhân v.v... cao giọng xướng: “Đức Phật Thế Tôn này tên là Tối Thượng Hành. Do vì nhân duyên đó, tôn hiệu Ngài là Tối Thượng Hành.
Này A-nan, Ta nhớ về thời quá khứ, có Đức Phật xuất hiện ở đời tôn hiệu là Thượng Danh Xưng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta lúc ấy cúng dường Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ-kheo Tăng một căn nhà và Ta nguyện rằng... cho đên Đức Phật bảo thị giả:
-Người này ở đời vị lai mãn năm trăm kiếp sẽ chứng quả Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta nghe lời thọ ký rồi, không bỏ, nhân duyên tinh tấn tạo các thiện nghiệp, nên trải qua vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Lại do phước báo đó, ta có khi làm Chuyển luân thánh vương tên là Thiện Kiến. Lúc đó nhóm thợ xây dựng của trời Đế Thích giáng hạ vì Ta kiến lập một cung điện tên là Nhất thiết thắng. Cũng do nhân duyên phước báo thiện nghiệp đó, mà ngày nay Ta thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.
Này A-nan, Ta nhớ về thời quá khứ, có Đức Phật xuất hiện ở đời tôn hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cùng với Ta đồng một danh hiệu, dòng họ, cha mẹ, danh tự, thọ mạng tất cá đều đồng với Ta. Ta đem một nắm hoa Tô-ma-na rải trên Đức Phật này (Ngài Ca-diếp-di nói đem một nắm vàng) phát lời nguyện... cho đến Đức Phật bảo thị giả:
-Người này về đời vị lai trải đủ một trăm kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta được thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng công đức. Do đó trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương đều do sức nhân duyên thiện nghiệp này.
Ta dùng ba mươi bảy pháp trợ Bồ-đề phần trang nghiêm pháp thân. Nay Ta thành quá Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.
Này A-nan, Ta nhớ thời quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu là Đế-sa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta đem một nắm bột chiên-đàn rải trên mình Đức Phật... cho đến Đức Phật bảo thị giả:
-Người này trải qua chín mươi lăm kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta nhận lời thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng công đức. Do đó trong vô lượng kiếp Ta làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do sức nhân duyên thiện nghiệp này, Ta được danh hiệu Tối Thượng Giới Hạnh Thanh Tịnh Cụ Túc. Cũng do nhân duyên quả báo thiện nghiệp này, Ta được danh hiệu là Tối Thượng Tri Kiến Công Đức Cụ Túc (Ngài Ca-diếp-di nói. Ta nhờ sức nhân duyên nơi nghiệp thiện được hiệu Tối Thượng Giới Hạnh Công Đức và cho đến được hiệu Tối Thượng Tri Kiến Công Đức, tiếng khen vang khắp mọi nơi). Nay Ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu là Phất-sa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc ấy Đức Phật ngự trong hang núi nhiều ngọc quý. Thấy Đức Phật, Ta sinh tâm hoan hỷ, đứng chắp tay co một chân trải qua bảy ngày đêm đọc kệ ca ngợi Đức Phật:
Trong trời đất không ai như Phật,
Mười phương thế giới chẳng ai bằng.
Tất cả những người trong thế gian,
Không ai so sánh bằng Đức Phật.
Này A-nan, Ta đọc kệ ca ngợi Đức Phật rồi phát nguyện... cho đến Đức Phật bảo thị giả:
-Người này trải qua chín mươi bốn kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta lúc đó được thọ ký rồi, chẳng bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng công đức ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do sức nhân duyên thiện nghiệp đó, Ta được bốn thứ biện tài, không có người nào biện luận hơn Ta, hàng phục được ta. Ta nay đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu là Kiến Chân Lý Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ta lúc bấy giờ đem các thứ hoa rải trên mình Đức Phật (Ngài Ca-diếp-di nói Đức Phật này hiệu là Kiến Nhất Thiết Lý)... cho đến Đức Phật nói với thị giả:
-Người này trải qua chín mươi ba kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta được Phật thọ ký, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng các công đức. Do đó ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do nhân duyên đó Ta được tiếng khen “đầy đủ giới hạnh tôi thượng”. Cho đến được danh hiệu Đầy Đủ Tất Cả Giải Thoát Tri Kiến, chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu Tỳ-bà-thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ Ta đem một nắm đậu xanh rải trên mình Đức Phật, cho đến Đức Phật bảo thị giả:
-Người này trải qua chín mươi mốt kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, đầy đủ mười hiệu.
Ta được Phật thọ ký rồi, không bỏ tâm tinh tấn, tăng trưởng các công đức. Do đó ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Cũng do năng lực nhân duyên thiện nghiệp đó, lại có khi Ta từng làm Chuyển luân thánh vương tên là Đảnh Sinh thông lãnh bốn châu thiên hạ, được trời Đế Thích nhường nửa tòa ngồi. Cũng do quả báo đó mà ngày nay Ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển phặp luân vô thượng.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu Thi-khí Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc đó Ta đem y vô giá đắp trên mình Đức Phật và chúng Thanh văn rồi phát nguyện như trên, cho đến Đức Phật bảo thị giả:
-Người này trải qua ba mươi mốt kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta được Phật thọ ký rồi, không bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, thường bố thí tạo các phước nghiệp. Ta do những nhân duyên thiện nghiệp đó, ở trong vô lượng kiếp làm Phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Ngày nay lại được các thứ y phục, như là: Y ca-thi-na, y bằng gấm đẹp, y bằng tơ bông, y bằng tơ tằm, y câu-trầm-bà. Ngày nay Ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến chuyển pháp luân vô thượng.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ có Đức Phật ra đời tôn hiệu Tỳ-xá-phù Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ Ta đem các thức ăn uống một trăm vị cúng dường Đức Phật và chủng Thanh văn, phát nguyện như trước, cho đến Đức Phật bảo thị giả:
-Người này sau khi trải qua ba mươi kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.
Ta được thọ ký rồi, không bỏ tâm dũng mãnh tinh tấn, thường bố thí tạo các phước nghiệp. Ta nhờ nhân duyên thiện căn như vậy, ở trong vô lượng kiếp làm Đại phạm vương, Đế Thích và Chuyển luân thánh vương. Ngày nay được thức ăn một trăm vị, cho đến đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chuyển pháp luân vô thượng thanh tịnh.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ ở bên Đức Phật Câu-lưu-tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tu hành thanh tịnh, cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ ở bên Đức Phật Ca-na-ca Mâu- ni Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tu hành thanh tịnh, mong cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ ở bên Đức Phật Ca-diếp Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, tu hành thanh tịnh, mong cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này A-nan, Ta nhớ đời quá khứ ở bên đức Bồ-tát Di-lặc đem những phẩm vật tốt đẹp của bốn thứ cúng dường, ca ngợi tôn trọng cung kính tự ý cúng dường, mong cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này A-nan, Ta nhớ thuở quá khứ dùng vô lượng các thứ cúng dường, mang đến cúng dường hiến dâng cho vô lượng chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn trong quá khứ, để cầu đời vị lai chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này A-nan, thuở xưa trải qua một trăm a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy có Đức Phật ra đời hiệu là Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua thời gian một trăm ức kiếp, có Đức Phật xuất hiện ở đời hiệu là Nhất Thiết Thắng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua thời gian năm trăm kiếp có Đức Phật ra đời hiệu là Tối Thượng Danh Xưng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua một trăm kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua chín mươi bốn kiếp có Đức Phật ra đời hiệu là Phất-sa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua chín mươi ba kiếp có Đức Phật ra đời hiệu là Kiến Nghĩa Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua chín mươi mốt kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, như vậy tuần tự trải qua ba mươi mốt kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Thi-khí Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đồng trong kiếp này có Đức Phật ra đời hiệu là Thần Văn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Này A-nan, trong hiền-kiếp này Đức Phật đầu tiên ra đời là Câu-lâu-tôn-đà; Đức Phật thứ hai ra đời là Câu-na-hàm Mâu-ni; Đức Phật thứ ba ra đời là Ca-diếp; Đức Phật thứ tư ra đời là Thích-ca Mâu-ni, chính là thân Ta ngày nay còn đang trụ ở đời.
Này A-nan, Đức Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Đức Phật Nhất Thiết Thắng ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.
Đức Phật Liên Hoa Thượng ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Đức Phật Tối Thượng Hành ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.
Đức Phật Đức Thượng Danh Xưng ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.
Đức Phật Đế-sa ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Đức Phật Phất-sa ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.
Đức Phật Kiến Chân Nghĩa ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.
Đức Phật Thi-khí ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.
Đức Phật Thần Văn ra đời, sinh trong nhà Đại Sát-lợi vương.
Đức Phật Câu-lâu-tôn-đà ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Đức Phật Ca-diếp ra đời, sinh trong nhà Đại Bà-la-môn.
Này A-nan, nay Ta sinh trong nhà Đại vương thuộc dòng Sát-đế-lợi.
Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác thọ mạng tám trăm bốn ngàn vạn ức tuổi, trụ ở đời làm lợi ích chúng sinh trong thế gian (Sư Ni-sa-tắc nói như vậy. Sư Ca-diếp-di lại nối Đức Phật Nhiên Đăng và chúng Thanh văn trụ thế thọ mạng một kiếp làm lợi ích thế gian.)
Này A-nan, Đức Như Lai Nhất Thiết Thắng, trụ thế tám vạn ức năm, lợi lạc tất cả chúng sinh thế gian. (Sư Ni-sa-tắc nói như vậy. Sư Ca-diếp-di nói Đức Phật Nhất Thiêt Thắng trụ ở đời một kiếp lợi lạc thế gian).
Đức Phật Liên Hoa Thượng trụ ỏ đời tám vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Tối Thượng Hành trụ ở đời tám vạn năm, làm lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Thượng Danh Xưng trụ ở đời sáu vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trụ ở đời tám vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Đế-sa trụ ở đời sáu vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Phất-sa trụ ở đời năm vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Kiến Chân Nghĩa trụ ở đời bốn vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Tỳ-bà-thi trụ ở đời tám vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Thần Văn trụ ở đời sáu vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Câu-lâu-tôn-đà trụ ở đời bốn vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni trụ ở đời ba vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Đức Phật Ca-diếp trụ ở đời hai vạn năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Này A-nan, nay Ta chứng quả Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, trụ ở đời tám mươi năm, vì lợi ích chúng sinh trong thế gian.
Rồi Ngài nói kệ:
Có Phật dùng thần thông
Trụ thế thọ cúng dường,
Hoặc thần thông và nghiệp
Hết rồi, nhập Niết-bàn.
Này A-nan, Đức Phật Nhiên Đăng có hai trăm năm mươi vạn ức đại chúng đệ tử Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, giáo pháp trụ ở đời trải qua bảy vạn năm. Mười năm cuối cùng, các hàng Tỳ-kheo không còn tâm kính tín, ưa kinh doanh thế sự, thích tạo các nghiệp sinh tử mà không có tâm biết hổ thẹn. Giáo pháp có chỗ nào nghi ngờ không biết học hỏi lẫn nhau, ai ai cũng ngã mạn cho mình hiểu biết, sinh tâm kiêu mạn lẫn nhau, thường nhóm họp làm điều phi pháp, kết bạn với bọn ác tri kiến bất thiện, cùng nhau quây quần ăn uống chơi bời. Do những hạng ngu si này làm những điều trái đạo lý nên khiến cho Tam bảo sớm biến mất trên thế gian, tất cả kinh điển đều tiêu diệt.
Đức Phật Nhất Thiết Thắng có một vạn bốn ngàn đại chúng đệ tử Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời chỉ một thời gian ngắn ngủi.
Đức Phật Liên Hoa Thượng có bảy vạn chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ chánh pháp trụ ở đời trải qua mười vạn năm.
Đức Phật Thượng Hành có sáu vạn chúng Thanh văn nhóm họp, sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời bảy vạn bảy ngàn năm.
Đức Phật Đức Thượng Danh Xưng có hai vạn chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời năm trăm năm.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có một ngàn hai trăm năm mươi chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời năm trăm năm, tượng pháp cũng trụ thế năm trăm năm.
Đức Phật Đế-sa có sáu vạn ức Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế trải qua hai vạn năm.
Đức Phật Phất-sa có vô lượng ức chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp, tượng pháp, pháp trụ, pháp diệt như trên.
Đức Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa có ba mươi hai ức na-do-tha chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Đức Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế một thời gian ngắn chẳng bao lâu.
Đức Phật Tỳ-bà-thi có ba hội thuyết pháp độ chúng Thanh văn: Đại hội thứ nhất độ mười sáu vạn tám trăm ngàn người; đại hội thứ hai độ mười vạn người; Đại hội thứ ba độ tám trăm ngàn người. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế trải qua hai vạn năm.
Đức Phật Thần Văn chỉ có hai hội độ chúng Thanh văn: Hội thứ nhất độ bảy vạn người; Hội thứ hai độ sáu vạn người. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ thế trải qua sáu vạn năm.
Đức Phật Câu-lâu-tôn-đà có bốn vạn chúng đệ tử Thanh văn. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời trải qua năm trăm năm.
Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni có ba trăm vạn Thanh văn nhóm họp. Sau khi Đức Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ỏ đời hai mươi chín ngày.
Đức Phật Ca-diếp có hai vạn chúng Thanh văn nhóm họp. Sau khi Như Lai diệt độ, chánh pháp trụ ở đời bảy ngày.
Này A-nan, Ta chứng quả Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có một ngàn hai trăm năm mươi Thanh văn nhóm họp. Sau khi ta diệt độ, chánh pháp trụ ở đời năm trăm năm, tượng pháp cũng trụ ở đời năm trăm năm.
Ta nay lược nói kệ:
Bố thí và số năm
Dòng họ cùng thọ mạng,
Số Thanh văn mỗi hội
Chánh pháp cùng tượng pháp.
Tất cả chư Thế Tôn
Trụ thế và diệt độ
Mâu-ni dòng họ Thích
Lược nói như vậy xong. Phẩm 3: DÒNG VUA THỜI HIỀN KIẾP
(Phần 1)
Bấy giờ, Đức Phật ngự tại tinh xá Trúc lâm thuộc thành Vương xá, là chỗ chim Ca-lan-đà thường ở, cùng với năm trăm chúng đại Tỳ- kheo. Khi ấy Đức Phật y theo pháp chư Phật... Cho đến ở trong phạm hạnh thanh tịnh bảo các Tỳ-kheo:
-Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và nhớ lấy, y theo lời Thế Tôn dạy.
Các Tỳ-kheo bạch:
-Bạch Thế Tôn, chúng con hoan hỷ đem tâm kính tín phụng trì.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Thuở ban sơ trong hiền kiếp này, sau khi cõi đại địa kiến lập xong, có một vị hết sức giàu có thông minh, đức hạnh hơn người, làm vị Đại thủ lãnh trong dòng Chuyển luân thánh vương tên là Chúng-tập-trí.
Phân định ngôi vị xong rồi, lúc đó dân chúng mới thưa với vị địa chủ ấy:
-Vị đại địa chủ của chúng tôi, hãy vì chúng tôi mà làm người trị phạt những kẻ gian ác, thưởng kẻ hiền lương. Xin Ngài phát lúa giống và chia ruộng cho chúng tôi, chúng tôi mỗi người đều canh tác. Chúng tôi sau khi thu hoạch xong, sẽ cắt lấy một phần dâng nạp cho nhân giả.
Vị địa chủ nhận lời thỉnh cầu của dân chúng, theo đúng như pháp lý, căn cứ lẽ công bằng mà cai trị, kẻ nào gian ác thì trị phạt, người nào hiền lương thì được khen thưởng. Dân chúng có ruộng và lúa giống đều gia tâm chăm sóc, sau khi lúa chín rồi tùy phần thọ hưởng.
Đức Phật bảo Tỳ-kheo:
-Dân chúng lúc ấy cứ như vậy hòa hợp sum vầy đoàn kết, cùng nhau phò trì vị nhân giả được tôn xưng làm địa chủ. Do vì đại chúng hội ý suy tôn, cho nên gọi vị này là “Đại chúng Bình đẳng”. Vị địa chủ này cai trị dân chúng đúng như pháp, khiến cho dân chúng hoan hỷ một lòng ái mộ, chung cùng đoàn kết, ngài vì mọi người làm vị phân xử cho nên gọi vị địa chủ này là vua. Lại nữa dân chúng chăm sóc tất cả ruộng nương, khi lúa chín nhà vua thu lấy một phần trên mảnh ruộng mà nhà vua đã phân chia cho dân chúng, nên gọi vị vua này là Sát-lợi vương. Sát-lợi vương tức là điền chủ. Các ông phải biết, do nhân duyên này, đây là thời kỳ tối sơ của kiếp ban đầu lập nên nhà vua.
Đức Phật bảo chúng Tỳ-kheo:
-Khi dân chúng đã lập nên nhà vua rồi, sau đó nhà vua sinh một người con tên là Chân Thật làm vị Chuyển luân thánh vương. Chuyển luân thánh vương là vị đại địa chủ thống lãnh bốn châu thiên hạ, bảy thứ báu tự nhiên có, sinh hạ một ngàn Thái tử, đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, oai đức dũng mãnh xua đuổi giặc thù. Khi Chuyển luân thánh vương còn tại thế cai trị dân chúng, thì cõi đại địa và biển cả không có gai góc, gò nổng cao thấp, ngũ cốc được mùa, dân chúng an lạc, không có sự sợ sệt hay gian nan, không dùng thế lực quân đội vũ khí mà các nơi tự quy phục. Chuyển luân thánh vương cai trị dân chúng đúng như chánh pháp.
Này các Tỳ-kheo, trong một ngàn người con của vua Chân Thật, vị trưởng tử tên là Ý Hỷ, còn có tên là Tự Dụng. Người con này cũng lên ngôi Chuyển luân thánh vương, có bảy thứ báu, một ngàn người con, cho đến cõi đại địa, cai trị dân chúng... như đã nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con thứ nhất trong một ngàn người con của vua Tự Dụng tên là Trí Giả, mọi người gọi là Thọ Giới. Vị Trí Giả này cũng nối ngôi cha làm Chuyển luân thánh vương, đầy đủ bảy báu, một ngàn người con, cho đến cõi đại địa, cai trị dân chúng... như đã nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con lớn nhất trong một ngàn người con của vua Trí Giả, tên là Đảnh Sinh, cũng nối ngôi cha làm Chuyển luân thánh vương, cho đến cõi đại địa, như pháp cai trị giáo hóa dân chúng... như đã nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con lớn nhất trong một ngàn người con của vua Đảnh Sinh tên là Đại Hải, cũng nối ngôi cha làm Chuyển luân thánh vương..., như đã nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con lớn nhất trong một ngàn người con của vua Đại Hải tên là Cụ Túc, mọi người gọi tên khác là Vi Phu, kế tiếp lên ngôi vua,... như đã nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Cụ Túc tên là Dưỡng Dục kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Dưỡng Dục tên là Phước Xa kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Phước Xa tên là Giải Thoát kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, người con đầu trong một ngàn người con của vua Giải Thoát tên là Thiện Giải Thoát kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, vua Thiện Giải Thoát có người con tên là Tiêu Diêu kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, vua Tiêu Diêu có người con tên là Đại Tiêu Diêu kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, vua Đại Tiêu Diêu có người con tên là Chiếu Diệu kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Này các Tỳ-kheo, vua Chiếu Diệu có người con tên là Đại Chiếu Diệu kế tiếp lên ngôi vua,... như nói ở trên.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.174.45 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.