Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Đại Bồ Tát có thể biết như vậy thời đặng những lợi ích gì ?
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát có thể biết như vậy thời đặng bốn vô ngại. Pháp vô ngại, nghĩa vô ngại, từ vô ngại, nhạo thuyết vô ngại. Pháp vô ngại là biết tất cả pháp và danh tự của pháp. Nghĩa vô ngại là : Biết những nghĩa của tất cả pháp, có thể tùy theo danh tự đã đặt cho các pháp mà giải nghĩa. Từ vô ngại là giảng luận tùy theo danh tự, giảng luận theo chánh âm, giảng luận về pháp cú, giảng luận về thế biện. Nhạo thuyết vô ngại là : Đại Bồ Tát khi diễn thuyết không có chướng ngại, không ai động chuyển được, không có sợ sệt, khó có ai tồi phục được.
Nầy Thiện nam tử ! Đây gọi là Bồ Tát có thể thấy và biết như vậy, bèn đặng bốn trí vô ngại như thế.
Lại nầy Thiện nam tử ! Pháp vô ngại là : Đại Bồ Tát biết khắp những pháp Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, chư Phật. Nghĩa vô ngại là thừa, dầu có ba, nhưng biết quy về một, trọn chẳng cho rằng có tướng sai biệt hẳn. Từ vô ngại là : Đại Bồ Tát ở trong một pháp đặt thành nhiều thứ tên, trãi vô lượng kiếp nói chẳng hết, hàng Thanh Văn, Duyên Giác, không thể nói như vậy được. Nhạo thuyết vô ngại là : Đại Bồ Tát trong vô lượng kiếp vì các chúng sanh diễn thuyết các pháp : Hoặc danh hoặc nghĩa, nhiều loại giảng thuyết khác nhau chẳng thể cùng tận.
Lại nầy Thiện nam tử ! Pháp vô ngại : Là Đại Bồ Tát dầu biết các pháp nhưng chẳng chấp lấy. Nghĩa vô ngại là : Đại Bồ Tát dầu biết những nghĩa nhưng cũng chẳng chấp. Từ vô ngại là Đại Bồ Tát dầu biết danh tự cũng chẳng chấp lấy. Nhạo thuyết vô ngại là Đại Bồ tát dầu biết nhạo thuyết tối thượng như vậy nhưng cũng chẳng chấp. Vì cớ sao chẳng chấp ? Vì nếu chấp lấy thời chẳng gọi là Bồ Tát.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Nếu chẳng chấp lấy thời chẳng biết pháp, nếu biết pháp thời là chấp lấy, nếu biết mà chẳng chấp lấy thời là không chỗ biết, thế sao đức Như Lai nói rằng : Biết pháp mà chẳng chấp lấy ? Phật nói : Nầy Thiện nam tử ! Luận về người chấp lấy thời chẳng gọi là vô ngại. Người không chấp lấy mới gọi là vô ngại. Thế nên tất cả Bồ Tát nếu có chấp lấy thời không vô ngại, nếu không vô ngại thời chẳng gọi là Bồ Tát. Nên biết người ấy gọi là phàm phu. Tại sao chấp lấy gọi là phàm phu ? Vì tất cả phàm phu chấp lấy nơi sắc, thinh, nhẫn đến chấp lấy thức. Vì chấp lấy sắc thời sanh tâm tham, vì sanh tâm tham nên bị sắc ràng buộc, nhẫn đến bị thức ràng buộc. Do bị ràng buộc nên chẳng đặng thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết, ưu, bi, khổ não. Thế nên chấp lấy gọi là phàm phu. Do nghĩa nầy nên tất cả phàm phu không có bốn vô ngại.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát đã ở nơi vô lượng a tăng kỳ kiếp biết và thấy pháp tướng. Do biết thấy nên biết nghĩa. Do thấy pháp tướng và biết nghĩa nên ở trong sắc v.v… chẳng sanh lòng chấp lấy, nhẫn đến trong thức cũng lại như vậy. Do chẳng chấp lấy, Bồ Tát đối với sắc chẳng sanh lòng tham, nhẫn đến nơi thức cũng chẳng sanh lòng tham. Do không tham nên chẳng bị sắc ràng buộc, nhẫn đến chẳng bị thác ràng buộc. Bởi chẳng ràng buộc thời đặng thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết, ưu , bi, khổ não. Do nghĩa nầy nên tất cả Bồ Tát đặng bốn vô ngại.
Nầy Thiện nam tử ! Do nhân duyên nầy trong mười hai bộ kinh, đức Phật vì hàng đệ tử nói chấp lấy gọi là bị ma trói buộc. Nếu chẳng chấp lấy thời thoát khỏi sự trói buộc của ma. Ví như trong đời, người có tội bị vua bắt trói, người không tội nhà vua không bắt. Đại Bồ Tát cũng như vậy : Người chấp lấy thời bị ma ràng buộc, người không chấp lấy thời ma không ràng buộc được. Do nghĩa nầy nên Đại Bồ Tát không có chấp lấy.
Nầy Thiện nam tử ! Pháp vô ngại là : Đại Bồ Tát khéo biết danh tự giữ lấy chẳng quên, nói giữ lấy là như đất, núi, như con mắt, như đám mây, như người, như mẹ, tất cả các pháp cũng lại như vậy, nghĩa vô ngại là : Bồ Tát chẳng biết danh tự của các pháp cũng biết nơi nghĩa. Biết nghĩa thế nào ? Như đất khắp giữ lấy tất cả chúng sanh, và phi chúng sanh, do nghĩa nầy nên gọi là đất giữ lấy. Bồ Tát lại suy nghĩ núi có thể giữ lấy đất làm cho vững vàng không nghiêng động nên gọi là núi giữ lấy. Con mắt có thể giữ lấy ánh sáng. Mây gọi là hơi của rồng, hơi của rồng giữ lấy nước cho nên gọi là mây giữ lấy. Người có thể giữ lấy pháp và phi pháp. Mẹ có thể giữ lấy con. Đại Bồ Tát biết danh tự cú nghĩa của tất cả pháp cũng như vậy.
Từ vô ngại là : Đại Bồ Tát dùng các thứ ngôn từ diễn nói một nghĩa, cũng không có nghĩa. Như những danh từ nam nữ, nhà cửa, xe cộ, chúng sanh v.v… Cớ sao là vô nghĩa ? Luận về nghĩa là cảnh giới của Phật của Bồ Tát, ngôn từ là cảnh giới của phàm phu. Do biết nghĩa nên đặng từ vô ngại.
Nhạo thuyết vô ngại là Đại Bồ Tát biết từ, biết nghĩa, nên trong vô lượng a tăng kỳ kiếp thuyết từ, thuyết nghĩa, chẳng cùng tận. Đây gọi là nhạo thuyết vô ngại.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát trong vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp tu hành thế đế, do sự tu hành nầy biết pháp vô ngại. Lại trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tu đệ nhất nghĩa đế nên đặng nghĩa vô ngại. Lại vô lượng a tăng kỳ kiếp tập học luận Tỳ Dà La Na nên đặng từ vô ngại. Cũng ở trong vô lượng a tăng kỳ kiếp tu tập luận thuyết về thế đế, nên đặng nhạo thuyết vô ngại. Hàng Thinh Văn Duyên Giác không đặng bốn vô ngại như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Trong chín bộ kinh, đức Phật nói Thanh Văn và Duyên Giác có bốn vô ngại, nhưng Thanh Văn Duyên Giác thật không có. Tại vì sao ? Vì Đại Bồ Tát nhơn độ chúng sanh nên tu tập bốn trí vô ngại như vậy. Hàng Duyên Giác tu pháp tịch diệt chỉ ưa ở một mình, nếu hoá độ chúng sanh chỉ hiện thần thông, trọn ngày nín lặng không thuyết pháp làm sao có được bốn trí vô ngại. Cớ sao nín lặng mà không thuyết pháp ? Hàng Duyên Giác chẳng thể thuyết pháp độ người khiến đặng pháp noãn, pháp đảnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, chẳng thể khiến người phát tâm vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử ! Hàng Duyên Giác ra đời trong thế gian không có chín bộ kinh, vì thế nên Duyên Giác không có từ vô ngại và nhạo thuyết vô ngại. Hàng Duyên Giác dầu biết các pháp nhưng không được pháp vô ngại. Vì pháp vô ngại gọi là biết văn tự. Hàng Duyên Giác dầu biết văn tự nhưng không được văn tự vô ngại. Vì chẳng biết hai chữ : “ Thường Trụ”. Thế nên hàng Duyên Giác chẳng đặng pháp vô ngại. Hàng Duyên Gác dầu biết nơi nghĩa nhưng không được nghĩa vô ngại.
Người thật biết nghĩa thời biết chúng sanh đều có Phật tánh. Nghĩa Phật tánh gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Do nghĩa nầy nên hàng Duyên Giác chẳng đặng nghĩa vô ngại, thế nên tất cả hàng Duyên Giác không có bốn trí vô ngại.
Thế nào là hàng Thanh Văn không có bốn trí vô ngại ? Hàng Thanh Văn không có ba thứ thiện xảo phương tiện; một là quyết cần phải lời nói dịu dàng rồi sao mới lãnh thọ giáo pháp, hai là quyết phải lời nói thô rồi sao mới lãnh thọ sự giáo hóa, ba là lời nói chẳng dịu dàng chẳng thô rồi sau mới lãnh thọ sự giáo hóa. Vì hàng Thanh Văn không có ba phương tiện nầy nên không có bốn trí vô ngại. Lại hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng có thể biết lời, biết nghĩa rốt ráo, không có trí tự tại, hiểu rõ nơi cảnh giới, không có mười trí lực, bốn vô sở úy chẳng có thể rốt ráo ra khỏi sông lớn mười hai nhân duyên, chẳng có thể khéo biết những căn tánh lợi độn sai khác của chúng sanh, chưa có thể dứt hẳn lòng nghi đối với hai đế lý, chẳng biết các thứ cảnh giới sở duyên nơi tâm của chúng sanh, chẳng có thể khéo nói đệ nhất nghĩa không, thế nên hàng nhị thừa không có bốn trí vô ngại.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “Thế Tôn ! Nếu tất cả hàng Thanh Văn Duyên Giác đều không có bốn trí vô ngại, tại sao đức Thế Tôn lại nói Xá Lợi Phất là trí huệ đệ nhất. Đại Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất, Ma Ha Câu Si La là tứ vô ngại đệ nhất. Nếu các ngài đó là không có bốn trí vô ngại, sao đức Như Lai tuyên bố những lời như vậy.
Đức Phật khen ngợi Ca Diếp Bồ Tát : “ Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện nam tử ! Ví như sông Hằng có nước nhiều vô lượng, sông lớn Tân Đầu cũng có nước vô lượng, sông lớn Bác Xoa cũng có nước vô lượng, sông lớn Tất Đà cũng có nước vô lượng, ao A Nậu Đạt cũng có nước vô lượng, trong đại hải nước cũng vô lượng. Các con sông lớn ao A Nậu cùng đại hải dầu đồng có nước nhiều vô lượng, nhưng thatä ra nhiếu ít chẳng đồng nhau. Bốùn trí vô ngại của hàng Thanh Văn, Duyên Giác cùng các bậc Đại Bồ Tát vốn cũng như vậy, nếu gọi là đồng nhau thời không đúng.
Nầy Thiện nam tử ! Ta vì phàm phu mà nói Ma Ha Câu Si La bốn trí vô ngại đệ nhất. Ý nghĩa lời hỏi của ông là như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Hàng Thanh Văn hoặc có vị đặng một trí vô ngại , hoặc có vị đặng hai, không có vị nào có đủ được bốn.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Như trong phẩm Phạm Hạnh, đức Phật đã nói sự tri kiến của Bồ tát đặng bốn trí vô ngại. Tri kiến của Bồ Tát thời là vô sở đắc cũng không có tâm niệm cho rằng Vô Sở Đắc. Thế Tôn ! Đại Bồ Tát nầy thật vô sở đắc. Nếu giả sử tâm niệm Bồ Tát có sở đắc thời chẳng phải là Bồ Tát, nên gọi là phàm phu. Đức Như Lai sao lại nói Bồ Tát mà có sở đắc ?
_ Nầy Thiện nam tử ! Lành thay ! Lành thay ! Ta sắp sửa nói mà ông lại hỏi. Đại Bồ Tát thật vô sở đắc, vô sở đắc gọi là bốn trí vô ngại.
Nầy Thiện nam tử ! Do nghĩa gì vô sở đắc gọi là bốn trí vô ngại. Nếu có sở đắc thời gọi là ngại. Có chướng ngại gọi là bốn thứ điên đảo.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ tát vì không bốn thứ điên đảo nên đặng vô ngại. Thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.
Lại nầy Thiện nam tử ! Vô sở đắc thời gọi là huệ. Đại Bồ Tát đặng huệ nầy nên gọi là vô sở đắc. Có sở đắc gọi là vô minh. Bồ Tát dứt hẳn vô minh tối tăm nên vô sở đắc. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.
Lại nầy Thiện nam tử ! Vô Sở Đắc gọi là Đại Niết bàn. Bồ Tát an trụ trong Đại Niết Bàn như vậy, chẳng thấy tánh tướng của tất cả pháp vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc. Có sở đắc gọi là hai mươi lăm cõi, Bồ Tát dứt hẳn hai mươi lăm cõi đặng Đại Niết Bàn. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.
Lại nầy Thiện nam tử !Vô sở đắc gọi là Đại Thừa, Đại Bồ Tát chẳng trụ nơi các pháp nên đặng Đại Thừa. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.
Có sở đắc gọi là đạo Thanh Văn, Bích Chi Phật. Bồ Tát dứt hẳn đạo Nhị Thừa nên đặng Phật đạo. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.
Lại nầy Thiện nam tử ! Vô sở đắc gọi là kinh Phương Đẳng. Bồ Tát đọc tụng kinh như vậy nên đặng Niết Bàn. Vì thế nên Bồ Tát gọi là vô sở đắc.
Có sở đắc gọi là mười một bộ kinh. Bồ Tát tu tập kinh điển thuần giảng thuyết Phương đẳng Đại Thừa. Vì thế nên gọi là Bồ Tát Vô Sở Đắc.
Lại nầy Thiện nam tử ! Vô Sở Đắc gọi là hư không. Trong thế gian không có vật gọi là hư không. Bồ Tát đặng hư không tam muội nầy thời không chổ thấy. Vì thế nên Bồ Tát gọi là Vô Sở Đắc.
Có Sở Đắc gọi là luân hồi sanh tử. Tất cả phàm phu luân hồi sanh tử nên có chổ thấy. Bồ Tát dứt hẳn tất cả sanh tử nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc. Lại nầy Thiện nam tử !Vô Sở Đắc của Đại Bồ Tát gọi là thường, lạc, ngã, tịnh, vì Đại Bồ Tát thấy Phật tánh nên đặng thường, lạc, ngã, tịnh. Do đó nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.
Có Sở Đắc gọi là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Đại Bồ Tát dứt bốn thứ nầy nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.
Lại nầy Thiện nam tử ! Vô Sở Đắc gọi là Đệ Nhất Nghĩa Không. Đại Bồ Tát quán Đệ Nhất Nghĩa Không đều không chỗ thấy nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.
Có Sở Đắc gọi là năm sự thấy. Bồ Tát dứt hẳn năm sự thấy nầy nên chứng đặng đệ nhất nghĩa không, vì thế nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.
Lại nầy Thiện nam tử !Vô Sở Đắc gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đại Bồ Tát lúc đặng vô thượng chánh giác đều không chỗ thấy nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.
Có Sở Đắc gọi là Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, Bồ Tát dứt hẳn Bồ Đề của Nhị thừa nên gọi Bồ Tát là Vô Sở Đắc.
Nầy Thiện nam tử ! Lời hỏi của ông cũng Vô Sở Đắc. Lời nói của ta cũng Vô Sở Đắc. Nếu có Sở Đắc là quyến thuộc của ma, chẳng phải đệ tử của Phật.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Vì tôi lúc nói Bồ Tát Vô Sở Đắc nầy, có vô lượng chúng sanh dứt tâm chấp có tướng. Do việc nầy tôi dám thưa hỏi Vô Sở Đắc, làm cho vô lượng chúng sanh như vậy rời quyến thuộc ma làm đệ tử Phật.”
Ca Diếp Bồ Tát lại bạch Phật : “ Thế Tôn ! Đức Như Lai vừa rồi ở rừng Ta La Song Thọ nầy vì Thuần Đà nói bài kệ :
Trước có nay không.
Trước không nay có.
Ba đời có pháp,
Không có lẽ ấy.
_ Nầy Thiện nam tử ! Đức Phật vì hoá độ chúng sanh mà nói lời ấy, cũng vì hàng Thanh Văn Duyên Giác mà nói lời ấy, cũng vì Văn Thù Sư Lợi mà nói lời ấy, chẳng phải chỉ vì một mình Thuần Đà mà nói kệ ấy. Lúc đó Văn Thù Sư Lợi toan muốn hỏi Phật. Phật biết tâm niệm của Văn Thù mà nói kệ ấy. Phật nói bài kệ ấy rồi thời Văn Thù Sư Lợi liền hiểu rõ.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Như Văn Thù Sư Lợi, có được mấy người hiểu nghĩa ấy. Xin đức Như Lai vì đại chúng lại phân biệt giảng rộng.
_ Nầy Thiện nam tử ! Lóng nghe ! Lóng nghe 1 Nay sẽ vì ông diễn giải lại.
Nói rằng trước có đó : Ngày trước ta vốn có vô lượng phiền não, do phiền não nên hiện tại không có Đại Niết Bàn.
Nói rằng trước không đó : Trước không bát nhã ba la mật, vì không bát nhã ba la mật nên hiện tại có đủ phiền não. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người, không ai có thể nói đức Như Lai thuở quá khứ, vị lai, hay hiện tại có phiền não.
Lại nầy Thiện nam tử ! Nói rằng trước có đó : Ta trước có thân hòa hiệp của cha mẹ sanh vì thế nên hiện tại không có pháp thân kim cang vi diệu.
Nói rằng trước không đó : Thân ta vốn không ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt, bởi trước không có tướng tốt nên hiện tại có đủ bốn trăm lẻ bốn thứ bịnh.
Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời hoặc ma, hoặc Phạm vương hoặc người, không thể nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ, vị lai, hiện tại có bệnh khổ đó.
Lại nầy Thiện nam tử ! Nói rằng trước có đó ta trước vốn có vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Bởi có vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, nên hiện tại không có vô thường bồ đề. Nói rằng trước không đó : Trước không thấy Phật tánh, vì chẳng thấy nên không có thường, lạc , ngã, tịnh, hoặc Sa Môn hay Bà La Môn hoặc trời hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người, không thể nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ vị lai hiện tại không có thường, lạc, ngã, tịnh.
Lại nầy Thiện nam tử ! Nói rằng trước có đó, là trước có tâm niệm tu khổ hạnh của phàm phu cho rằng đặng vô thượng chánh giác, vì vậy nên hiện tại không thể phá hoại bốn thứ ma. Nói rằng trước không đó, ta trước không có sáu môn Ba La Mật, do trước không sáu môn Ba La Mật nên có tâm niệm tu, tu hành khổ hạnh của phàm phu cho rằng đặng vô thượng bồ đề. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm vương, không thể nói đức Như Lai thuở quá khứ vị lai, hiện tại có khổ hạnh.
Lại nầy Thiện nam tử ! Nói rằng trước có đó, ta xưa trước có thân tạp thực nên hiện tại không thân vô biên. Nói rằng trước không đó, trước không ba mươi bảy pháp trợ đạo, do không pháp trợ đạo nên hiện tại có thân tạp thực. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người, nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ vị lai hiện tại có thân tạp thực, thời không đúng.
Lại nầy Thiện nam tử ! Nói rằng trước có đó : Ta xưa trước có tâm niệm chấp lấy tất cả pháp, vì thế nên hiện tại không có chánh định rốt ráo không. Nói rằng trước không đó : Ta trước không có thật nghĩa trung đạo, do không có thật nghĩa trung đạo nên có tâm niệm chấp lấy tất cả pháp. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm vương, hoặc người nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ, vị lai, hiện tại nói tất cả pháp là có tướng, thời không đúng.
Lại nầy Thiện nam tử ! Nói rằng trước có đó, lúc ta mới đặng vô thượng bồ đề, có các đệ tử Thanh Văn căn độn, do có đệ tử Thanh văn căn độn nên không thể diễn nói đạo nhứt thừa chơn thật. Nói rằng trước không đó : Trước không bậc lợi căn Tượng Vương trong loài người như Ca Diếp Bồ Tát v.v… Bởi không hạng lợi căn nên đức Phật tùy nghi phương tiện khai thị ba thừa. Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm vương, hoặc người, nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ vị lai, hiện tại rốt ráo diễn thuyết pháp ba thừa, thời không đúng.
Lại nầy Thiện nam tử ! Nói rằng trước có đó : Ta trước nói rằntg sau đây ba tháng nơi rừng Ta La Song Thọ, ta sẽ nhập Niết Bàn. Vì thế nên hiện tại đây chẳng diễn thuyết được kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn. Nói rằng trước không đó : Ngày trước không có Văn Thù Sư Lợi Đại Bồ Tát v.v… Vì không có nên hiện tại nói đức Như Lai vô thường. Hoặc Sa Môn hay Bà La Môn, hoặc Phạm Vương, hoặc người, hoặc trời, hoặc ma, nói rằng đức Như Lai thuở quá khứ, hiện tại là vô thường thời không đúng.
Nầy Thiện nam tử ! Đức Như Lai khắp vì chúng sanh nên dầu biết rõ tất cả pháp mà nói là chẳng biết, dầu thấy mà nói chẳng thấy, Pháp có tướng nói rằng không tướng, pháp không tướng nói rằng có tướng. Thiệt có thường nói rằng vô thường, lạc, ngã, và tịnh cũng như vậy. Pháp tam thừa nói là nhứt thừa, pháp nhứt thừa tùy nghi nói thành ba : Tướng dón gọn nói thành tướng rộng, tướng rộng nói thành tướng dón gọn. Bốn tội trọng nói là tội thâu lan giá, tội thâu lan giá nói là bốn tội trọng. Phạm nói chẳng phải phạm, chẳng phải phạm nói là phạm. Tội khinh nói là trọng, tội trọng nói là khinh. Tại sao vậy ? Vì đức Như Lai thấy rõ căn tánh của chúng sanh. Đức Như Lai dầu nói như vậy mà trọn không hư vọng. Vì lời hư vọng chính là tội lỗi. Đức Như Lai đã dứt hết tất cả tội lỗi, thời đâu còn có nói lời hư vọng.
Nầy Thiện nam tử ! Đức Như Lai dầu không lời hư vọng, nếu biết chúng sanh do nơi lời hư vọng mà đặng lợi ích đối với chánh pháp, thời tùy nghi phương tiện vì họ mà nói.
Nầy Thiện nam tử ! Tất cả thế đế đối với Như Lai tức là đệ nhất nghĩa đế. Chư Phật Thế Tôn vì đệ nhất nghĩa đế mà nói thế đế, làm cho chúng sanh chứng đặng đệ nhất nghĩa đế. Giả sử chúng sanh chẳng đặng đệ nhất nghĩa đế như vậy, thời chư Phật trọn chẳng tuyên nói thế đế.
Nầy Thiện nam tử ! Đức Như Lai có lúc diễn nói thế đế, chúng sanh cho rằng Phật nói đệ nhất nghĩa đế. Đức Như Lai có lúc diễn nói đệ nhất nghĩa đế, chúng sanh cho rằng Phật nói thế đế. Nên cảnh giới rất sâu của chư Phật chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác có thể biết được.
Nầy Thiện nam tử ! Vì thế nên ông chẳng nên gạn rằng : Đại Bồ Tát là vô sở đắc. Bồ Tát thường chứng đặng đệ nhất nghĩa đế, sao lại gạn rằng là vô sở đắc.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : Thế Tôn ! Đệ nhất nghĩa đế cũng gọi là đạo, cũng gọi là bồ đề, cũng gọi là Niết Bàn. Nếu có Bồ Tát nói rằng có đắc đạo, có bồ đề, Niết Bàn thời là vô thường. Vì pháp nếu là thườntg thời chẳng thể đặng, dường như hư không, có ai được.
Thế Tôn ! Như vật trong thế gian trước không nay có gọi đó là vô thường. Cũng vậy, nếu đạo là có thể được thời gọi là vô thường. Pháp nếu là thường thời không đặng, không sanh, dường như Phật tánh không đặng, không sanh.
Thế Tôn ! Luận về đạo : Chẳng phải sắc, chẳng phải chẳng sắc, chẳng dài, chẳng vắn, chẳng phải cao, chẳng phải thấp, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải có, chẳng phải không, cớ sao đức Như Lai nói là có thể được. Bồ Đề cùng Niết Bàn cũng như vậy.
Phật nói : “ Phải lắm ! Phải lắm ! Nầy Thiện nam tử ! Đạo có hai thứ : Một là thường, hai là vô thường. Tướng Bồ Đề cũng có hai thứ : Một là thường, hai là vô thường. Niết Bàn cũng vậy.
Đạo của ngoại đạo gọi là vô thường. Đạo của nội đạo gọi là thường, Bồ Đề của Thanh Văn Duyên Giác là vô thường. Bồ Đề của Bồ Tát và chư Phật gọi là thường. Ngoại giải thoát gọi là vô thường, Nội giải thoát gọi là thường.
Đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn đều gọi là thường. Tất cả chúng sanh vì bị vô lượng phiền não che đậy không huệ nhãn nên chẳng thể thấy được. Mà các chúng sanh vì muốn được thấy nên tu giới, định, huệ. Do tu hành nên thấy đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát chứng đặng đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn.
Tánh tướng của đạo thật chẳng sanh, chẳng diệt. Do nghĩa nầy nên chẳng thể nắm lấy. Nầy Thiện nam tử ! Đạo dầu không hình sắc thấy được, không thể cân lường biết. Nhưng thật có công dụng. Như tâm chúng sanh dầu chẳng phải sắc, chẳng phải dài, vắn, thô, tế, chẳng phải buộc chẳng phải mở. Chẳng phải là pháp có thể thấy nhưng cũng là có.
Do nghĩa nầy nên đức Phật vì ông Tu Đạt Đa nói rằng : Nầy trưởng Giả ! Tâm là chúa trong thành. Trưởng Giả nếu chẳng giữ gìn tâm thời chẳng giữ gìn thân miệng. Nều giữ gìn tâm thời giữ gìn thân miệng. Bởi chẳng khéo giữ gìn thân miệng nên làm cho chúng sanh sa đến ba ác thú. Giữ gìn thân miệng thời làm cho chúng sanh đặng báo trời người và Niết Bàn. Chứng đặng gọi là chơn thật, còn chẳng chứng đặng gọi là chẳng chơn thật. Đạo cùng Bồ Đề và Niết Bàn cũng như vậy : Cũng là có cũng là thường. Nếu như không có làm sao có thể dứt được tất cả phiền não. Vì có nên tất cả Bồ Tát thấy biết rõ ràng.
Nầy Thiện nam tử ! Một là thấy tướng mạo, hai là thấy rõ ràng. Thế nào là thấy tướng mạo ? Như thấy khói đàng xa gọi là thấy lửa, kỳ thật chẳng thấy lửa, dầu chẳng thấy lửa, nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Thấy chim hạc bay trên không bèn nói là thấy nước. Dầu chẳng thấy nước nhưng chẳng phải là hư vọng. Như thấy lá cây bèn nói là thấy gốc cây, dầu chẳng phải thấy gốc cây nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như người thấy sừng trâu trong rào đằng xa bèn nói là thấy trâu, dầu chẳng thấy trâu nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy người nữ thai nghén bèn nói là thấy dục, dầu chẳng thấy dục, nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy cây mọc lá bèn nói là thấy nước, dầu chẳng thấy nước nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy mây bèn nói là thấy mưa, dầu chẳng thấy mưa nhưng cũng chẳng phải là hư vọng. Như thấy thân nghiệp cùng khẩu nghiệp bèn nói là thấy tâm, dầu chẳng thấy tâm, nhưng cũng chẳng phải là hư vọng, đây gọi là thấy tướng mạo.
Thế nào là thấy rõ ràng ? Như mắt thấy sắc. Nầy Thiện nam tử ! Như người có con mắt sáng tự xem trái A Ma Lặc trong bàn tay. Đại Bồ Tát thấy đạo Bồ Đề, Bồ Đề và Niết Bàn rõ ràng cũng như vậy, dầu thấy như vậy nhưng vẫn không có tướng thấy.
Nầy Thiện nam tử ! Do nhân duyên nầy ngày trước ta bảo Xá Lợi Phất : Tất cả trong đời hoặc Sa Môn, Bà La Môn, hoặc trời, hoặc ma, hoặc Phạm Vương, hoặc người chỗ chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, chỉ có đức Như Lai đều biết thấy và hiểu, chư vị Đại Bồ Tát cũng như vậy. Còn nếu trong các thế gian chỗ biết thấy và hiểu, thời ta cùng Bồ Tát cũng biết thấy và hiểu. Chúng sanh trong thế gian chỗ chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, cũng chẳng tự biết là mình chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu. Chúng sanh trong thế gian chỗ biết thấy và hiểu bèn tự nói rằng tôi biết thấy và hiểu. Đức Như Lai tất cả đều biết thấy và hiểu, cũng chẳng tự nói rằng ta biết thấy và hiểu, tất cả Bồ Tát cũng như vậy, vì nếu giả sử đức Như Lai còn có tướng biết thấy và hiểu, phải biết đó là chẳng Phật Thế Tôn mà là phàm phu, Bồ Tát cũng vậy.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Như đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất : Thế gian biết ta cũng biết, thế gian chẳng biết ta cũng biết rõ. Ý nghĩa đó thế nào ?
Nầy Thiện nam tử ! Tất cả thế gian chẳng biết, chẳng thấy chẳng hiểu được Phật tánh. Nếu có biết thấy và hiểu Phật tánh thời chẳng gọi là thế gian mà là Bồ Tát. Người thế gian cũng lại chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu, mười hai loại kinh, mười hai nhơn duyên, bốn đảo, bốn đế ba mươi bảy phẩm, vô thượng Bồ Đề, Đại Niết Bàn, nếu biết, thấy và hiểu thời chẳng phải là thế gian nên gọi là Bồ Tát.
Nầy Thiện nam tử ! Đây gọi là thế gian chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu.
Thế nào là chỗ biết thấy và hiểu của thế gian ? Chính là Phạm Thiên, Tự Tại Thiên, Bát Tý Thiên, tánh, thời, vi trần, pháp và phi pháp là chủ tạo hoá, chung thỉ của thế giới, hai kiến chấp đoạn thường, cho rằng sơ thiển đến trời phi phi tưởng Là Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Đây gọi là chỗ thấy, biết và hiểu của thế gian. Đại Bồ Tát đối với những việc như vậy cũng biết thấy và hiểu. Bồ Tát thấy biết và hiểu như vậy rồi, nếu nói rằng chẳng biết chẳng thấy chẳng hiểu thời là hư vọng. Hư vọng thời là tội. Do tội nầy phải đọa địa ngục.
Nầy Thiện nam tử ! Hoặc nam nữ, hoặc Sa Môn hay Bà La Môn nói rằng không có đạo Bồ Đề Niết Bàn. Phải biết bọn nầy gọi là Nhứt Xiển Đề, là quyến thuộc của Ma, gọi là hủy báng chánh pháp. Hủy báng chánh pháp như vậy chính là hủy báng chư Phật. Người như vậy chẳng gọi là thế gian cùng chẳng gọi là chẳng phải thế gian.
Lúc bấy giờ Ca Diếp Bồ Tát liền nói kệ tán thán Phật.
Đức đại từ thương chúng sanh, Nên nay tôi quy y Phật. Khéo nhổ những mũi tên độc, Nên hiệu là đại Y Vương. Y sĩ trong đời trị bịnh, Dầu lành nhưng sanh trở lại, Đức Như Lai trị lành hẳn, Rốt ráo chẳng còn phát sanh. Thuốc cam lộ của Thế Tôn, Đem ban cho các chúng sanh, Chúng sanh đã uống thuốc rồi, Thời chẳng chết cũng chẳng sanh. Đức Như Lai nay vì tôi, Diễn nói kinh Đại Niết Bàn, Chúng sanh nghe tạng bí mật. Liền đặng chẳng sanh chẳng diệt.
Nói kệ xong, Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Như lời Phật nói tất cả thế gian chẳng biết, thấy , hiểu, Bồ Tát đều có thể biết, thấy, hiểu. Giả sử Bồ Tát là thế gian thời chẳng đặng nói rằng thế gian chẳng biết chẳng thấy chẳng hiểu, mà Bồ Tát có thể biết thấy hiểu. Còn nếu Bồ Tát chẳng phải thế gian thời có tướng gì khác ?
_ Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát cũng là thế gian cũng chẳng phải thế gian. Chẳng biết, thấy, hiểu gọi là thế gian. Biết , thấy, hiểu chẳng gọi là thế gian. Ông hỏi có tướng gì khác nay ta sẽ nói.
Nầy Thiện nam tử ! Hoặc nam nữ nếu có người mới nghe kinh Đại Niết Bàn nầy liền sanh lòng kính tin phát tâm vô thượng Bồ Đề, đây gọi là thế gian Bồ Tát. Tất cả thế gian chẳng biết, thấy , hiểu, Bồ Tát nầy cũng chẳng biết, thấy, hiểu đồng như thế gian. Bồ Tát nghe kinh Đại Niết Bàn nầy rồi biết có sự mà thế gian chẳng biết, chẳng thấy, chẳng hiểu là chỗ biết, thấy, hiểu của Bồ Tát. Biết như vậy rồi liền tự nghĩ rằng : Tôi phải tu tập thế nào để được biết thấy và hiểu ? Lại tự nghĩ : Chỉ phải thâm tâm tu trì tịnh giới.
Nầy Thiện nam tử ! Do nhơn duyên đó Bồ Tát nầy ở đời vị lai sanh vào chốn nào giới đức vẫn thường thanh tịnh.
Nầy Thiện nam tử ! Do giới thanh tịnh nên Đại Bồ Tát sanh vào chốn nào vẫn thường không kiêu mạn, tà kiến, nghi lầm. Không bao giờ cho rằng : Đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát tu trì giới thanh tịnh.
Giới đã thanh tịnh kế đến tu thiền định. Do tu thiền định nên đời đời chẳng mất chánh niệm : Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, mười hai bộ kinh, chư Phật Thế Tôn thường, lạc, ngã, tịnh. Tất cả Bồ Tát an trụ nơi kinh Phương Đẳng Đại Niết Bàn đều thấy Phật tánh, những việc như vậy đời đời nhớ chẳng quên. Do tu chánh định, nên chứng đặng mười một pháp không. Đây gọi là Bồ tát tu thanh tịnh.
Giới định đã đủ kế tu huệ thanh tịnh. Do tu huệ nên chẳng chấp trước trong thân có ngã, trong ngã có thân, là thân là ngã, chẳng phải thân chẳng phải ngã. Đây gọi là Bồ Tát tu tập huệ thanh tịnh. Do tu huệ nên giới cấm đang thọ trì bền chắc chẳng lay động.
Như núi Tu Di chẳng bị bốn ngọn gió làm lay động. Cũng vậy, Đại Bồ Tát chẳng bị bốn thứ điên đảo làm lay động.
Bấy giờ Bồ Tát tự rõ biết rằng giới cấm của mình thọ trì không có lay động. Đây gọi là chỗ thấy biết của Bồ Tát, chẳng phải là thế gian.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát thấy giới cấm của mình thọ trì bền chắc chẳng lay động thời tâm không hối hận. Vì không hối hận nên tâm vui mừng. Vì vui mừng nên tâm thỏa thích. Vì thỏa thích nên tâm an ổn. Vì an ổn nên đặng chánh định vô động. Vì đặng chánh định vô động nên đặng tri kiến chơn thật. Vì đặng tri kiến chơn thật nên nhàm lìa sanh tử. Vì nhàm lìa sanh tử bèn đặng giải thoát. Vì đặng giải thoát nên thấy rõ Phật tánh. Đây gọi là chỗ thấy biết của Bồ Tát, chẳng phải là thế gian.
Nầy Thiện nam tử ! Như trên đây gọi là thế gian chẳng biết chẳng thấy, mà là chỗ thấy chỗ biết của Bồ Tát.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế nào là Bồ Tát tu trì giới thanh tịnh tâm không hối hận nhẫn đến thấy rõ Phật tánh ?”
_ Nầy Thiện nam tử ! Giới cấm của thế gian chẳng gọi là thanh tịnh. Vì giới cấm của thế gian để cầu pháp có, vì tánh bất định, vì chẳng rốt ráo, chẳng thể khắp vì tất cả chúng sanh. Do nghĩa nầy nên gọi là chẳng thanh tịnh. Vì chẳng thanh tịnh nên có tâm hối hận. Vì hối hận nên tâm không vui mừng. Vì không vui mừng thì không thỏa thích. Vì không thỏa thích thời tâm không an ổn. Vì không an ổn nên không có chánh định bất động. Vì không chánh định bất động nên không có tri kiến chơn thật. Vì không tri kiến chơn thật thì tâm không nhàm lìa. Vì không nhàm lìa thời không được giải thoát. Vì không giải thoát nên chẳng thấy Phật tánh. Vì không thấy Phật tánh nên trọn chẳng đặng Đại Niết Bàn. Đây gọi là giới cấm của thế gian chẳng thanh tịnh.
Nầy Thiện nam tử ! Giới của Đại Bồ Tát thanh tịnh : Vì giới mà chẳng phải giới, vì chẳng phải là có, vì quyết định rốt ráo, vì lợi ích chúng sanh. Đây gọi là giới thanh tịnh của Bồ Tát.
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát ở trong giới thanh tịnh, dầu chẳng muốn sanh lòng không hối hận, nhưng lòng không hối hận tự nhiên sanh. Như người cầm gương sáng chẳng trông mong thấy mặt mình mà ảnh của mặt mình tự nhiên hiện.
Như nhà nông đem giống gieo trong ruộng tốt, chẳng mong mõi mầm mộng mọc lên mà mầm mộng tự mọc. Lại cũng như thắp đèn chẳng muốn trừ tối mà tối tự mất.
Đại Bồ Tát bèn giữ giới thanh tịnh tâm không hối hận tự nhiên sanh cũng như vậy, do thanh tịnh nên tâm đặng vui mừng.
Như người xinh đẹp thấy diện mạo mình lòng sanh vui mừng, người trì tịnh giới cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Người phá giới thấy giới không thanh tịnh lòng không vui mừng, như người tàn tật xấu xa thấy diện mạo mình lòng buồn bã.
Như hai cô gái chăn bò : Một người cầm bình đựng chất lạc, một người cầm bình đựng chất nước trái ép, đồng vào thành để bán, giữa đường vấp chân té hai bình đều bể. Một thời vui mừng, một thời rầu rĩ. Trì giới và phá giới mừng rầu cũng như vậy. Người trì tịnh giới tâm vui mừng. Vì vui mừng bèn suy nghĩ :
_ Chư Phật ở trong Niết Bàn nói rằng : Người có thể trì tịnh giới thanh tịnh sẽ đặng Niết Bàn. Nay tôi tu tập tịnh giới như vậy cũng đáng được đó. Do cớ nầy nên tâm thỏa thích.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : Vui mừng cùng thỏa thích có sai khác gì ?
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát lúc chẳng làm ác gọi là vui mừng, lúc trì tịnh giới gọi là thỏa thích. Đại Bồ Tát lúc quán sát sanh tử gọi là vui mừng, lúc thấy Đại Niết Bàn gọi là thỏa thích. Bậc hạ gọi là vui mừng, bậc thượng gọi là thỏa thích. Lìa pháp thế gian gọi là vui mừng, đặng pháp bất cộng gọi là thỏa thích. Do giới thanh tịnh nên thân thể dịu dàng, miệng không nói lời thô ác lỗi lầm. Lúc bấy gìơ Bồ Tát hoặc thấy hoặc nghe, hoặc ngửi, hoặc nếm, hoặc xúc chạm, hoặc biết, đều không có các sự ác. Vì không ác nên tâm đặng an ổn. Vì an ổn nên đặng chánh định . Vì đặng chánh định nên thấy biết chơn thật. Vì thấy biết chơn thật nên nhàm lìa sanh tử. Vì nhàm lìa sanh tử nên đặng giải thoát.Vì giải thoát nên thấy Phật tánh. Vì thấy Phật tánh nên đặng Niết Bàn. Đây gọi là Bồ Tát trì tịnh giới, chẳng phải giới cấm thế gian. Vì Đại Bồ Tát thọ trì tịnh giới có năm pháp tá trợ : Một là tín, hai là tàm, ba là quí, bốn là thiện tri thức, năm là tôn kính giới, do đã lìa ngũ cái, chỗ thấy thanh tịnh vì đã lìa năm ác kiến. Tâm không nghi hoặc vì đã lìa năm thứ nghi : Một là nghi Phật, hai là nghi Pháp, ba là nghi Tăng, bốn là nghi giới, năm là nghi chẳng phóng dật. Bồ Tát bèn đặng ngũ căn : Tín niệm, tinh tấn, định và huệ. Vì đặng ngũ căn nên đặng năm thứ Niết Bàn : Sắc giải thoát nhẫn đến thức giải thoát. Đây gọi Bồ Tát trì tịnh giới thanh tịnh chẳng phải thế gian vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Đây là thế gian chẳng biết chẳng thấy mà là chỗ thấy biết của Bồ Tát.
Nếu hàng đệ tử của ta thọ trì đọc tụng biên chép, diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn mà có phá giới. Bị người quở trách khinh tiện hủy nhục và nói rằng : “Nếu tạng bí mật của Phật, kinh Đại Niết Bàn có oai lực, sao lại làm cho người hủy phá giới cấm. Nếu người thọ trì kinh Niết Bàn nầy hủy phá giới cấm, nên biết kinh nầy là không có oai lực nếu không oai lực dầu có đọc tụng cũng không lợi ích”. Do vì khinh hủy kinh Đại Niết Bàn nên làm cho vô lượng chúng sanh đọa địa ngục. Người thọ trì kinh nầy mà hủy phá giới cấm là ác tri thức của chúng sanh, là quyến thuộc của ma chẳng phải đệ tử của ta. Người như vậy ta cũng chẳng cho thọ trì kinh nầy. Thà khiến họ chẳng thọ chẳng trì, chẳng tu, chớ chẳng để họ hủy phá giới cấm mà tho ïtrì tu tập.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu đệ tử ta thọ trì đọc tụng thơ tả diễn thuyết kinh Niết Bàn phải chánh thân tâm cẩn thận chớ cợt đùa, cử động khinh tháo thân không cợt đùa tâm không khinh động. Tâm cầu pháp có thời gọi là khinh động thân tạo các nghiệp gọi là cợt đùa. Nếu đệ tử ta cầu pháp có, tạo các nghiệp, thời không nên thọ trì kinh điển Đại thừa Đại Niết Bàn nầy. Nếu người như vậy mà thọ trì kinh nầy, sẽ làm cho nhiều người khinh chê mà nói rằng : Nếu kinh Đại Niết Bàn, tạng bí mật của Phật có oai lực, sao lại làm cho người cầu pháp có, gây tạo các nghiệp. Nếu người trì kinh nầy cầu pháp có, gây tạo các nghiệp do đó biết rằng kinh nầy không có oai lực không oai lực nên thọ trì cũng không lợi ích gì.
Do khinh hủy kinh Đại Niết Bàn lại làm cho vô lượng chúng sanh đọa địa ngục. Người thọ trì kinh nầy nếu cầu pháp có, gây tạo các nghiệp, họ là ác tri thức của chúng sanh, là quyến thuộc của ma không phải đệ tử ta.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu hàng đệ tử của ta thọ trì đọc tụng thơ tả diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn nầy, không nên : Thuyết pháp phi thời, thuyết pháp phi xứ, không thỉnh mà thuyết pháp, khinh tâm mà thuyết pháp, chỗ nào cũng thuyết pháp, tự khen mình mà thuyết pháp, khinh người khác mà thuyết pháp, diệt Phật mà thuyết pháp, hưng thạnh pháp thế gian mà thuyết pháp.
Nếu đệ tử của ta thọ trì kinh nầy mà thuyết pháp phi thời cho đến thuyết pháp để hưng thạnh pháp thế gian, mọi người sẽ khinh chê họ. Vì khinh chê kinh Đại Niết Bàn nên làm cho vô lượng chúng sanh đọa địa ngục. Người thọ trì kinh nầy mà như vậy thời là ác tri thức của chúng sanh, là quyến thuộc của ma, không phải đệ tử của ta.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu người thọ trì kinh nầy, muốn giảng thuyết Đại Niết Bàn, muốn giảng thuyết Phật tánh, muốn giảng thuyết tạng bí mật của Như Lai, muốn giảng thuyết Đại Thừa, muốn giảng thuyết kinh Phương Đẳng , muốn giảng thuyết Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa, muốn giảng thuyết giải thoát, thấy Phật tánh thời trước phải thanh tịnh thân của mình. Vì thân thanh tịnh thời người không quở trách. Vì không quở trách nên làm cho vô lượng chúng sanh có lòng tin thanh tịnh đối với kinh Đại Niết Bàn. Vì cóù lòng tin nên càng kính kinh nầy, nếu được nghe một kệ, một câu, một chữ và người thuyết pháp, thời phát đặng tâm vô thượng Bồ Đề. Nên biết người nầy thật là thiện tri thức của chúng sanh, là đệ tử của Phật. Đây gọi là Bồ Tát chẳng phải thế gian.
Nầy Thiện nam tử ! Đây gọi là thế gian chẳng biết chẳng thấy mà là chỗ thấy chỗ biết của Bồ Tát.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.222.162.161 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.