Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại;
giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to!
(Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Nầy Thiện nam-tử ! Kinh Đại-thừa Phương-đẳng như chất cam lồ, cũng có lúc như thuốc độc.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Do nhơn duyên gì mà Đức Như-Lai nói kinh Đại- thừa Phương-Đẳng như chất cam lồ, cũng có lúc như thuốc độc”.
-Nầy Thiện-nam-tử ! Nay ông muốn biết nghĩa chơn thật của tạng Như-Lai chăng ?
Ca- Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Tôi nay thiệt muốn biết nghĩa của tạng Như-Lai”.
Bấy giờ Đức Thế-Tôn nói kệ rằng :
Hoặc có người uống cam lồ.
Hại thân mạng mà chết sớm.
Hoặc có người uống cam lồ.
Thêm tuổi thọ sống được lâu,
Hoặc uống thuốc độc được sống,
Có người uống độc mà chết.
Trí vô ngại như cam lồ,
Đó chính là kinh Đại thừa.
Kinh điển Đại thừa như vậy,
Cũng gọi là chất thuốc độc.
Như bơ, đề-hồ v.v…
Nhẫn đến các thứ đường phèn.
Uống vào tiêu hóa là thuốc .
Chẳng tiêu hoá thời thành độc.
Kinh Đại- thừa cũng như vậy,
Nơi người trí là cam lồ,
Kẻ ngu chẳng biết Phật tánh.
Nghe Đại-thừa thành thuốc dộc.
Với bực Thanh-Văn, Duyên- Giác.
Pháp Đại thừa là cam lồ.
Cũng như trong các mùi vị.
Chất sữa là hơn tất cả.
Những người siêng năng tinh tấn.
Nhờ nương nơi pháp Đại-thừa.
Đặng đến nơi Đại-Niết-bàn.
Thành bực vua trong loài người.
Chúng sanh chứng biết Phật tánh.
Được chất cam lồ vô thượng.
Thời không sanh cũng không tử.
Như Ca- Diếp Bồ-Tát thảy.
Nầy Ca-Diếp ông nên phải.
Khéo phân biệt pháp tam-quy,
Thật tánh của pháp tam-quy.
Thời là chơn tánh của ngã.
Nếu có thể gẫm xét kỹ.
Tánh của ngã có tánh Phật.
Nên biết những người như vậy.
Đặng chứng nhập tạng Như-Lai.
Biết ngã cùng biết ngã sở.
Người nầy đã được xuất thế.
Tánh, Phật, Pháp, Tăng, Tam-Bảo.
Là bực đệ nhứt vô thượng.
Kệ trên đây của ta nói.
Phật tánh đó nghĩ như vậy.
Ca-Diếp Bồ-Tát nói kệ bạch Phật :
Tôi nay đều chẳng biết.
Quy y nơi Tam-Bảo.
Thế nào sẽ về đến.
Vô thượng vô- sở-úy ?
Chẳng biết chỗ Tam-Bảo.
Thế nào là vô ngã ?
Quy y Phật thế nào,
Mà đặng nơi an ổn ?
Quy y Pháp thế nào,
Xin Phật vì tôi nói.
Thế nào đặng tự tại ?
Thế nào chẳng tự tại ?
Quy y Tăng thế nào,
Lại đặng lợi vô thượng ?
Thế nào thuyết chơn thật,
Đời sau thành Phật đạo ?
Đời sau nếu chẳng thành,
Thế nào quy Tam-Bảo ?
Nay tôi không dự biết,
Nên tuần tự quy y.
Thế nào chưa thai nghén,
Mà tưởng sẽ sanh con?
Nếu biết ở trong thai,
Thời gọi là có con,
Con nếu ở trong thai,
Chắc sẽ sanh chẳng lâu,
Đây gọi là nghĩa con,
Nghiệp chúng sanh cũng vậy.
Như lời Phật đã nói,
Người ngu chẳng biết được.
Do vì họ chẳng biết,
Luân hồi ngục sanh tử,
Giả danh Ưu- bà- tắc,
Chẳng biết nghĩa chơn thật.
Xin Phật rộng phân biệt,
Dứt trừ lưới nghi cho.
Đức Phật trí huệ lớn,
Xin thương vì phân biệt,
Xin nói nơi Như-Lai,
Tạng báu rất bí mật.
Ca-Diếp ông nên biết,
Ta nay sẽ vì ông,
Khéo mở tạng bí mật,
Cho ông đặng dứt nghi,
Nay phải hết lòng nghe :
Ông trong hàng Bồ-Tát,
Thời đồng một danh hiệu,
Với Đức Phật thứ bảy.
Người quy y nơi Phật,
Thiệt là Ưu-Bà- Tắc,
Trọn chẳng lại quy y.
Những thiên thần nào khác.
Người quy y nơi Pháp,
Thời lìa sự sát hại.
Người quy y Thánh-Tăng,
Chẳng cầu các ngoại đạo,
Quy Tam- Bảo như vậy,
Thời đặng vô-sở-úy.
Ca-Diếp bạch Phật rằng :
Tôi cũng quy Tam-bảo,
Đây gọi là đường chánh,
Cảnh giới của chư Phật,
Tướng Tam-bảo bình đẳng.
Thường có tánh trí huệ,
Tánh ngã và tánh Phật,
Không hai không sai khác,
Đạo nầy Phật khen ngợi,
Thẳng đến chỗ ở an.
Cũng gọi chánh biến tri.
Nên được Phật tán thán.
Tôi cũng đến Phật đạo.
Của Đức Phật ngợi khen.
Là cam lồ tối thượng.
Các cõi chỗ không có.
Đức Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : “ Nầy Thiện-nam-tử ! Nay ông chẳng nên như hàng Thanh-văn, cùng hàng phàm phu phân biệt ngôi Tam-bảo. Nơi Đại- thừa đây không có tướng Tam-quy sai khác, vì trong Phật tánh bèn có Pháp và Tăng. Nhơn muốn hóa độ hàng Thanh-văn và phàm phu, nên phân biệt nói tướng Tam- quy sai khác.
Nầy Thiện nam-tử ! Nếu muốn tùy thuận pháp thế gian, thời nên phân biệt có ba pháp quy y.
Nầy Thiện-nam-tử ! Bồ-Tát nên suy nghĩ như thế nầy, nay thân của ta đây quy y nơi Phật, nếu chính nơi thân nầy đặng thành Phật đạo, đã thành Phật rồi, chẳng nên cung kính lễ bái cúng dường các đức Thế-Tôn. Vì chư Phật đều bình đẳng. Khắp vì chúng sanh mà làm chỗ quy y. Nếu muốn tôn trọng pháp thân xá lợi, thời nên lễ kính tháp miếu của chư Phật, vì muốn hóa độ chúng sanh, cũng làm cho chúng sanh đối với thân của ta tưởng là tháp miếu mà lễ bái cúng dường. Những chúng sanh đó, lấy pháp thân của ta làm chỗ quy y.
Tất cả chúng sanh đều nương theo pháp tà ngụy chẳng chơn thật, ta sẽ tuần tự vì chúng sanh nói pháp chơn thật.
Nếu lại có chúng sanh nương theo phái chẳng phải chơn Tăng, ta sẽ vì chúng sanh làm chỗ chơn Tăng để chúng quy y.
Nếu có người phân biệt ba pháp quy y ta sẽ vì họ mà làm chỗ quy y duy nhứt, không ba pháp sai khác.
Đối với hạng sanh-manh (49), ta vì họ làm nhãn-mục.
Ta lại sẽ vì hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác mà làm chỗ chơn quy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như vậy, Bồ-tát vì vô lượng chúng sanh ác và những người trí mà làm Phật sự.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như người lúc ra trận chiến đấu, tự nghĩ rằng trong đội ngũ đây, ta là người thứ nhứt, tất cả binh sĩ đều nương cậy nơi ta.
Cũng như vương-tử suy nghĩ thế nầy, ta sẽ điều-phục các vương-tử khác, nối ngôi đại vương giữ gìn nghiệp bá chủ, để đặng tự tại, khiến các vươngtử đều phải quy y. Vì thế nên chẳng được sanh tâm hạ liệt. Như vương tử, vua và các quan cũng như vậy. Nầy Thiện-nam-tử ! Bồ-Tát cũng suy nghĩ như vầy : Thế nào ba sự cùng ta đồng một thể ?
Nầy Thiện-nam-tử ! Đức Phật nói ba sự tức là Niết-bàn. Như-Lai đó gọi là Vô- Thương-Sĩ. Ví như thân người, đầu là trên tất cả, chẳng đồng với tay chơn lóng đốt. Phật cũng như vậy, là bực tôn thượng, chẳng phải Pháp cùng Tăng. Vì muốn hóa độ các thế gian, nên thị hiện những tướng sai khác, ví như bực thang kia.
Vì thế, nay ông chẳng nên như hàng phàm phu, nhận biết tướng ba pháp quy y sai khác. Đối với Đại-thừa, ông phải như dao bén mạnh mẽ quyết đoán.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Tôi vẫn biết, nhưng cố ý hỏi, chẳng phải là không biết, tôi vì các vị Bồ-Tát đại dõng mãnh, mà bạch hỏi chỗ thật hành thanh tịnh không nhơ, muốn đức Như-Lai vì các Bồ-Tát tuyên nói những việc kỳ-đặc, tuyên dương kinh điển Đại-thừa Phương-đẳng. Đức Đại-Bi Thế-Tôn hôm nay đã khéo giải thuyết. Tôi cũng đã an trụ trong pháp đó. Chỗ thật hành thanh tịnh của Bồ-Tát mà Phật đã nói đó, tức là tuyên thuyết kinh Đại Niết- Bàn.
Thế-Tôn ! Nay tôi cũng sẽ rộng vì chúng sanh diễn dương tạng Như-Lai bí mật như vậy, cũng sẽ chứng biết chỗ tam-quy chơn thật.
Nếu có chúng sanh nào có thể tin kinh Đại-Niết-Bàn nầy, người đó thời có thể tự nhiên rõ thấu chỗ ba pháp quy y. Vì tạng Như-Lai có Phật tánh vậy.
Có người tuyên nói kinh điển nầy, thời đều nói rằng trong thân vẫn có Phật tánh. Người nầy bèn chẳng cầu ba pháp quy y nơi đâu xa. Vì đời vị lai đây, thân ta bèn sẽ thành tựu ngôi Tam-Bảo. Vì thế nên hàng Thanh-Văn, Duyên-giác vànhững chúng sanh khác đều nương nơi ta mà cung kính lễ bái. Do nghĩa đó nên phải khéo học kinh điển Đai thừa.
Phật tánh như vậy chẳng thể nghĩ bàn, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt cũng chẳng thể nghĩ bàn”.
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : “ Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện-nam-tử ! Ông đã thành tựu trí huệ rất sâu.
Nay ta sẽ lại vì ông nói pháp chứng nhập Tạng Như-Lai.
Nếu ngã là có, thời là pháp thường chẳng rời nơi khổ. Nếu không có ngã, thời tu hạnh thanh tịnh không được lợi ích.
Nếu cho rằng các pháp đều không có ngã, đó là đoạn kiến, nếu cho rằng có ngã thời là thường kiến.
Nếu cho rằng tất cả hành pháp là vô thường, thời là đoạn kiến, cho rằng các hành pháp là thường, thời lại là thường kiến.
Nếu nói là khổ, thời là đoạn kiến, nếu nói là lạc, thời lại là thường kiến.
Tu tất cả pháp thường đó, thời sa nơi đoạn kiến, tu tất cả pháp đoạn đó, thời sa nơi thường kiến. Như bước đi, cần phải do chưn trước, mới dời đặng chưn sau. Người tu pháp thường, pháp đoạn, cũng lại như vậy, cần phải do nơi đoạn và thường.
Do nghĩ nầy, nên người tu các pháp khổ đều gọi là chẳng lành, người tu các pháp lạc, thời gọi là lành. Người tu các pháp vô ngã, thời thuộc về phiền não, người tu các pháp thường, thời gọi là tạng Như-Lai.
Niết-bàn, không có nơi chốn. Tu những pháp vô thường, thời là tài vật, tu những pháp thường, gọi là Phật, Pháp, Tăng, và chánh giải thoát.
Nên biết Phật pháp trung đạo như vậy, xa lìa hai bên mà nói pháp chơn thật. Người phàm phu ngu mê đối trong pháp đó không nghi, như người gầy yếu, được uống thuốc bổ, thời khí lực khỏe khoắn.
Những pháp hữu, vô, thể tánh chẳng nhứt định. Ví như tứ –đại tánh nó chẳng đồng, đều trái phản nhau. Lương y khéo biết tùy món đại nào phát bịnh mà điều chỉnh đó.
Nầy Thiện-nam-tử ! Cũng vậy, đức Như-lai đối với các chúng sanh, cũng như vị lương y, rõ biết thể tướng sai khác của các phiền não mà dứt trừ, khai-thị tạng Như-Lai bí mật, Phật tánh thanh tịnh thường trụ chẳng biến đổi. Nếu cho rằng có, thời lẽ ra trí chẳng nhiễm. Nếu nói là không, bèn thành vọng ngữ. Nếu nói là có, lẽ ra chẳng nên nín lặng. Lại cũng chẳng nên hý luận cãi cọ, chỉ nên cầu được rõ biết chơn tánh của các pháp.
Người phàm phu hý luận cãi cọ vì chẳng hiểu tạng Như-Lai. Nếu nói pháp khổ, người ngu bèn cho thân là vô thường, chẳng có thể biết nơi thân có tánh lạc.
Nếu nói vô thường, người phàm phu chấp tất cả thân đều là vô thường, như ngói chưa hầm chín.
Nếu là người trí nên phải quan sát, chẳng nên nói tất cả đều vô thường, vì nơi thân của ta có chủng tử Phật tánh.
Nếu nói vô ngã, người phàm phu sẽ cho là tất cả Phật, Pháp đều không có ngã. Người trí nên phải quan sát vô ngã là giả danh chẳng thật, rõ biết n hư vậy chẳng nên sanh nghi.
Nếu nói tạng Như-Lai là không tịch, người phàm phu nghe như thế sanh kiến chấp đoạn diệt. Người trí nên phải quan sát Như-Lai là thường, không có biến đổi.
Nếu nói giải thoát dụ như huyễn hoá, người phàm phu sẽ cho rằng chứng đặng giải thoát tức là dứt mất. Người trí nên phải quan sát đức Như-Lai giải thoát, dầu có đến đi, nhưng vẫn thường trụ không biến đổi.
Nếu nói vô minh làm nhơn duyên mà có các hành pháp, người phàm phu liền phân biệt tưởng rằng có hai pháp : “minh” đến “vô minh”. Người trí rõ biết tánh đó vốn không có hai. Tánh không hai đó tức là thật tánh.
Nếu nói các hành làm nhơn duyên có ra thức, người phàm phu cho rằng có hai : “hành” cùng “thức”.
Người trí rõ biết tánh đó không hai. Tánh không hai đó tức là thật tánh.
Nếu nói thập thiện, thập ác có thể tạo tác, không thể tạo tác, đường lành, đường dữ, pháp lành, pháp dữ, người phàm phu nghe đó cho là có hai, người trí rõ biết tánh đó không hai. Tánh không hai đó tức là thật tánh.
Nếu nói nên tu tất cả pháp khổ, phàm phu cho rằng có hai, người trí rõ biết tánh kia không hai, tánh không hai đó tức là thật tánh.
Nếu nói tất cả hành pháp là vô thường thời tạng Như-Lai cũng là vô thường, phàm phu cho rằng có hai, người trí rõ biết tánh đó không hai, tánh không hai đó tức là thật tánh.
Nếu nói tất cả pháp vô ngã, tạng Như-Lai cũng không có ngã, phàm phu cho rằng có hai, người trí rõ biết tánh đó không hai, tánh không hai đó tức là thật tánh.
Ngã với vô ngã nơi tánh không có hai thứ.
Tạng Như-Lai, nghĩa tánh vô lượng vô biên như vậy, là chỗ mà chư Phật đều tán thán, hôm nay ta ở nơi trong kinh thành-tựu tất cả công đức này đều đã nói rồi.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ngã cùng vô ngã tánh và tướng không có hai thứ, ông phải trân trọng thọ trì như vậy, ông cũng phải ghi nhớ giữ gìn kinh điển nầy. Như ta ngày trước trong kinh Đại-Bát-Nhã cũng nói ngã và vô ngã không có hai thứ.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như do sữa thành lạc, do lạc thành sanh-tô, do sanh-tô thành thục-tô, do thục-tô đặng chất đề-hồ. Chất lạc đó là từ sữa sanh ra, hay là nó tự sanh, hoặc do cái khác sanh ư, nhẫn đến đề-hồ cũng lại như vậy. Nếu từ cái khác sanh, thời là lẽ ra chẳng phải do sữa mà thành. Nếu chẳng phải từ nơi sữa sanh, thời sữa thành vô dụng đối với lạc, bởi sữa vốn không có lạc. Nếu lạc, tự nó sanh lấy nó, lẽ ra chẳng từ sữa lần lần biến thành lạc. Nếu lần lần biến thành, thời là chẳng sanh chung. Nếu chẳng sanh chung thời cả năm thứ không đồng một thời. Dầu chẳng đồng một thời nhưng quyết định chẳng phải từ nơi chỗ khác mà có
Phải biết trong chất sữa đã có tướng của chất lạc. Vì nhiều vị ngọt nên chẳng thể tự biến, Nhẫn đến chất đề-hồ cũng lại như vậy.
Do con bò cái ăn cỏ, uống nước, huyết mạch chuyển biến mà đặng có sữa. Nếu nó ăn cỏ ngọt thời sữa nó nhiều vị ngọt. Nếu nó ăn cỏ đắng, thời sữa nó có lẫn vị đắng. Núi Tuyết có thứ cỏ tên là Phì-Nhị. Bò cái ăn cỏ Phì-Nhị, thời đặng thuần chất đề-hồ, không có những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen.
Do cỏ lúa làm nhơn duyên mà sữa bò có màu vị khác nhau. Cũng vậy, các chúng sanh do minh cùng vô minh, vì nghiệp làm nhơn duyên mà sanh có hai tướng. Nếu vô minh chuyển thời biến làm minh. Tất cả những pháp thiện, bất thiện, v.v…, cũng lại như vậy, không có hai thứ.”
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Như lời Phật nói, trong sữa có tướng lạc,
nghĩa đó như thế nào ? Thế-Tôn ! Nếu nói rằng trong sữa quyết định có tướng lạc, do vì vi tế chẳng thấy được, thế sao lại nói từ nơi sữa mà thành lạc. Phàm trước vốn không mà nay có thời gọi đó là sanh. Như lạc đã vốn có, sao lại nói là sanh. Nếu nói trong sữa quyết định có tướng lạc, thời trong cỏ lúa lẽ ra cũng có sữa, và trong sữa lẽ ra cũng có cỏ lúa.
Nếu nói trong sữa quyết định không có lạc, thế sao nhơn sữa mà đặng thành lạc. Nếu trước vốn không, sau mới sanh ra có, thời cớ gì trong sữa chẳng sanh ra cỏ lúa ?
_ Thiện-nam-tử ! Chẳng nên nói quyết định trong sữa có lạc hay trong sữa không lạc, cũng chẳng nên nói từ nơi khác mà sanh.
Nếu nói trong sữa quyết định có lạc, thời chất và vị của hai thứ sao lại khác nhau. Vì thế nên chẳng nên nói trong sữa quyết định có chất lạc.
Nếu nói trong sữa quyết định không có lạc, cớ sao trong sữa chẳng sanh vật khác. Đem chất độc pha vào trong sữa, lúc sữa đó thành lạc, thời chất lạc đó giết chết người, vì thế nên chẳng nên nói rằng trong sữa quyết định không có chất lạc.
Nếu nói chất lạc từ nơi khác mà sanh, thời cớ gì trong nước lã chẳng sanh chất lạc, mà phải từ nơi sữa, vì thế nên chẳng nên nói chất lạc từ nơi khác mà sanh.
Nầy Thiện-nam-tử ! Bò cái kia ăn cỏ tiêu hoá biến thành bạch huyết, do phước lực của chúng sanh, cỏ huyết biến thành sữa. Sữa nầy dầu từ nơi cỏ huyết mà ra, nhưng chẳng đặng nói là hai thứ, chỉ đặng gọi là từ nhơn duyên mà sanh. Chất lạc, nhẫn đến đề-hồ cũng lại như vậy.
Do nhơn duyên nên sau khi sữa mất biến thành chất lạc, ủ đông, hâm nóng, đó là nhơn duyên. Nhẫn đến đề-hồ cũng lại như vậy. Vì thế nên chẳng đặng nói quyết định rằng trong sữa không có tướng lạc.
Nếu nói từ nơi khác mà sanh, thời ngoài sữa không do đâu để có chất lạc.
Nầy Thiện-nam-tử ! “Minh” cùng “vô minh” cũng lại như vậy. Nếu chung với phiền não thời gọi là vô minh, nếu chung với tất cã pháp lành thời gọi là minh. Do đó nên ta nói không có hai tướng. Vì thế nên trước kia ta nói bò cái ăn cỏ Phì- Nhị ở núi Tuyết, thời sanh thuần chất đề-hồ. Phật tánh cũng vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Do vì phiền não che đậy nên chúng sanh chẳng thấy Phật tánh, như người phước bạc chẳng thấy được cỏ Phì-Nhị.
Như trong biển lớn, dầu đồng một vị mặn, nhưng trong đó cũng có nước ngọt ngon, vị đồng như sữa. Như nơi núi Tuyết, dầu sanh nhiều cỏ thuốc, nhưng cũng có cỏ độc.
Thân của các chúng sanh cũng lại như vậy, dầu có giống rắn độc tứ đại, nhưng trong đó cũng có diệu dược, tức là Phật tánh. Phật tánh chẳng phải là pháp tạo tác làm ra, chỉ vì phiền não khách trần che khuất, nếu chúng sanh nào dứt trừ được phiền não, thời liền thấy được Phật tánh thành đạo vô thượng.
Ví như giữa hư không, giăng mây nổi sấm, trên ngà của tất cả voi đều sanh bông. Nếu không có sấm nổ, thời bông không sanh.
Phật tánh của chúng sanh cũng lại như vậy, thường bị tất cả phiền não che khuất nên chẳng thấy được. Vì thế nên ta nói chúng sanh không có ngã.
Nếu được nghe kinh điển Đại-Niết-Bàn vi diệu nầy, thời được thấy Phật tánh như bông hiện trên ngà voi.
Dầu nghe tất cả tam muội trong khế kinh, mà chẳng nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy, thời chẳng biết được tướng Như-Lai vi diệu. Như lúc không có tiếng sấm, thời chẳng thấy được bông trên ngà voi.
Nếu được nghe kinh nầy rồi, liền biết tạng Phật tánh của tất cả Như-lai nói. Như trời sấm thấy bông trên ngà voi. Được nghe kinh nầy liền biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Do nghĩa trên đây, nên nói Đại-Niết-Bàn là tạng Như-Lai thêm lớn pháp thân, như lúc trời sấm, bông trên ngà voi nhờ đó mà được sanh thêm.
Nếu có thiện-nam, tín-nữ, có thể tập học kinh điển vi diệu Đại-Niết-Bàn nầy, nên biết những người đây có thể báo được ân Phật, thật là đệ tử của Phật.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng : “ Thế-Tôn ! Phật tánh như đã nói rất sâu, khó thấy, khó vào, hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác không thể đến được.”
Phật nói : “ Nầy Thiện nam-tử ! Đúng như lời ông vừa khen, chẳng trái lời nói của ta”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Phật tánh ấy rất sâu, khó thấy, khó vào như thế nào ?”
Phật nói : “ Nầy Thiện-nam-tử ! Như trăm người mù đến lương y để trị bịnh mắt. Lúc đó lương y dùng kim vàng lột màng mắt của họ, lột xong, giơ một ngón tay hỏi rằng : Thấy không ? Người mù đáp rằng : Tôi vẫn chưa thấy. Lương y lại giơ hai ngón, ba ngón ; người mù mới nói rằng thấy mờ mờ.
Nầy Thiện-nam-tử ! Kinh điển Đại-Niết-Bàn vi diệu nầy, lúc đức Như-Lai chưa nói cũng lại như vậy. Vô lượng Bồ-tát dầu đầy đủ thật hành các ba-la- mật, nhẫn đến bậc thập-trụ vẫn còn chưa thấy được Phật tánh. Lúc Như-Lai đã nói, mới thấy được chút ít. Lúc Bồ-Tát nầy đã được thấy, đều nói rằng : “ Thế-Tôn ! Lạ lùng thay, chúng tôi lưu chuyển thọ vô lượng sanh tử, thường bị vô ngã làm mê lầm.
Nầy Thiện-nam-tử ! Bồ-tát nầy lên bực thập-địa còn chưa thấy được Phật tánh rỏ ràng, huống là hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác mà có thể thấy đặng.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người ngước mặt nhìn đàn chim nhạn trên hư không, nhìn kỹ phưởng phất thấy dạng bầy nhạn. Bực thập trụ Bồ-tát đối nơi Phật tánh, thấy biết được chút ít cũng lại như vậy, huống là hàng Thanh- Văn, Duyên-Giác mà thấy biết được !
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như người say, đi trên đường xa, ngó thấy mập mờ. Bực thập trụ Bồ-tát đối với Phật tánh thấy biết được ít phần cũng như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như người khát nước, đi trong đồng trống, khắp nơi tìm nước, thấy có lùm cây, trong lùm có chim bạch hạc, người đó bị cơn khát bức ngặt, mê muội chẳng phân biệt được là cây hay là nước. Đến lúc nhìn kỹ mới biết là chim bạch hạc cùng với lùm cây. Bực thập trụ Bồ-Tát, đối với Phật tánh, thấy biết phần ít cũng như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người ở trong biển lớn, nhẫn đến trăm ngàn do tuần, trông thấy chiếc thuyền lớn ở ngoài khơi xa, liền nghĩ rằng : Đó là chiếc thuyền hay là khoảng không. Nhìn lâu, trong tâm quyết định biết là thuyền lớn. Bực thập trụ Bồ-Tát, ở trong tự thân, thấy Phật tánh cũng như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như vị Vương-tử, thân rất yếu đuối, dạo chơi suốt đêm,đến sáng ngày sau, mắt mờ thấy không được rõ. Bực Thập-trụ Bồ- Tát dầu ở nơi thân mình thấy được Phật tánh nhưng chưa được rõ ràng cũng như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như quan lại, vì công sự suốt đêm trở về nhà chớp nhoáng thấy bầy trâu, liền nghĩ rằng : Đó là trâu ư, hay là dãy nhà, nhìn lâu, dầu nhận là trâu mà còn chưa định chắc. Bực Thập-trụ Bồ-Tát, dầu ở nơi thân mình thấy Phật tánh, chưa có thể định chắc cũng như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như Tỳ-kheo trì giới, nhìn trong bát nước không có trùng, mà thấy tướng trùng, liền nghĩ rằng : Trong nước đây là trùng hay bụi đất, nhìn lâu, dầu biết là bụi nhưng chẳng rõ ràng. Bực Thập-trụ Bồ-tát, ở trong thân mình thấy Phật tánh chẳng được rõ ràng lắm cũngnhư vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người, xa thấy đứa trẻ đứng trong bóng tối, liền nghĩ rằng : Đó là con vật, là chim, hay là người ? Nhìn lâu, dầu nhận thấy là đứa trẻ, nhưng vẫn chẳng rõ ràng. Bực Thập-trụ Bồ-tát ở nơi thân mình thấy Phật tánh chẳng rõ ràng lắm cũng như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người ở trong đêm tối, thấy bức họa tượng Bồ- Tát liền nghĩ rằng : Đây là tượng Bồ-Tát hay làtượng Thiên-thần , nhìn lâu dầu nhận là tượng Bồ-Tát, nhưng chẳng rõ ràng. Bực Thập-trụ Bồ-Tát ở nơi thân mình thấy Phật tánh chẳng rõ ràng lắm cũng như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Phật tánh ấy rất sâu như vậy, khó biết khó thấy, chỉ Phật biết rõ, chẳng phải hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác đến được. Người trí phải quan sát như vậy để rõ biết Phật tánh.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : :” Phật tánh vi-tế khó thấy như vậy, thế sao nhục nhãn mà có thể thấy được.”
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : “ Nầy Thiện-nam-tử ! Như trời Phi-tưởng Phi-Phi- tưởng kia, cũng chẳng phải hàng nhị thừa biết được, chỉ tin theo khế-kinh mà biết.
Nầy Thiện-nam-tử ! Hàng Thanh-Văn Duyên Giác tin thuận theo kinh Đại- Niết- Bàn nầy tự biết thân mình có Phật tánh.
Nầy Thiện-nam-tử ! Vì thế nên phải tinh tấn tu tập kinh Đại-Niết-Bàn. Phật tánh đó chỉ Phật biết rõ, chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác đến được.”
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Hàng chúng sanh phàm phu chẳng phải Thánh đều nói có ngã”.
Phật nói : “ Ví như hai người làm bạn thân nhau : Một người là vương tử, một người là dân hèn, hai người đó thường qua lại nhau, lúc đó người nghèo thấy vương tử có một con dao tốt, trong lòng thích muốn, thời gian sau, vương tử mang dao trốn qua nước khác. Một hôm, người dân hèn ngủ nhờ nhà người khác, giữa giấc ngũ mơ nói con dao ! con dao ! Người nhà nghe được bắt nộp cho vua. Vua gạn hỏi : Nhà ngươi nói con dao, nay ở đâu ? Người dân bèn thuật rõ việc trước. Nay nhà vua dầu giết thần, banh xẻ tay chân cũng không thể tìm được dao. Thần cùng vương tử vốn là bạn thân, trước kia, dầu mắt được thấy con dao, nhưng còn không dám chạm đến, huống lại cố ý lấy.
Vua lại hỏi : “ Lúc nhà ngươi thấy dao, hình dạng giống thứ gì “.
Người dân bèn thưa : “ Tâu Đại-Vương, thần thấy con dao ấy giống như sừng dê đen”.
Vua nghe xong, vui mừng cả cười, bảo rằng : “ Nhà ngươi chớ sợ, ta tha cho ngươi, trong kho tàng của ta, đều không có thứ dao ấy, huống là ngươi thấy con dao nơi vương tử”.
Lúc đó nhà vua lại hỏi các quan : “ Các khanh từng thấy con dao đó chăng ?” Nói xong vua liền băng. Triều thần liền lập vương tử khác lên làm vua.
Tân Vương lại hỏi các quan : “ Các khanh từng thấy con dao đó chăng ? Hình dáng nó như thế nào ?”
Các quan đồng tâu : “ Chúng thần từng thấy hình nó như sừng dê đen”.
Vua nói : “ Trong kho tàng của ta, chỗ nào mà có thứ dao hình dạng như vậy ?”
Lần lượt bốn vị tân Vương tra tìm con dao ấy đều chẳng đặng.
Sau đó, vị Vương tử đào vong ngày trước, trở về nước, được tôn làm vua. Khi lên ngôi xong, tân Vương nầy lại hỏi các quan : “ Các khanh có thấy con dao đó chăng ? Hình dạng nó thế nào ?”
Các quan tâu : “ Chúng tôi đều thấy”. Rồi đua nhau trình bày hình dáng của con dao. Người thì nói sắc dao thanh tịnh như hoa sen xanh. Người lại nói hình như sừng dê. Người thì nói dao màu hồng đỏ như lửa. Người lại nói dao đen tuyền như rắn đen.
Nhà vua cả cười bảo : “ Các khanh đều chẳng thấy biết hình dáng thật của con dao của ta”.
Nầy Thiện-nam-tử ! Bồ-Tát xuất hiện nơi đời nói tướng chơn thiệt của ngã cũng như vậy. Nói xong bỏ đi. Như Vương-tử mang con dao tốt trốn qua nước khác.
Người phàm phu ngu mê cho rằng tất cả đều có ngã, có ngã. Như người dân hèn ngũ nhờ nhà người khác, mơ nói con dao ! con dao !
Hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác hỏi các chúng sanh, tướng của ngã như thế nào ? Đáp rằng : “ Tôi thấy tướng của ngã lớn bằng ngón tay cái. Có kẻ nói, như hột gạo. Có kẻ nói như hột cỏ. Cũng có kẽ nói tướng của ngã ở trong tâm, sáng rỡ như mặt trời”.
Những chúng sanh đó đều chẳng biết tướng của ngã. Như các quan chẳng biết hình dáng của con dao.
Bồ-Tát nói tướng trạng của ngã, hàng phàm phu chẳng rõ biết, vọng tưởng ra các hình tướng của ngã, như những người nói hình dáng của con dao, giống như sừng dê đen v.v…
Các hạng phàm phu đó, tuần tự nối nhau mà sanh những tà kiến.
Vì dứt những tà kiến đó, nên đức Như-Lai hiện ra đời, nói pháp vô-ngã. Vương- tử bảo các quan : Trong kho tàng của ta không có thứ dao như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Hôm nay đức Như-Lai nói ngã chơn thật gọi là Phật tánh. Phật tánh như vậy ở trong phật pháp của ta, như con dao tốt kia.
Thiện-Nam-tử ! Nếu có kẻ phàm phu, có thể nói đúng, đó chính là do vì tùy thuận Phật pháp vô thượng. Nếu có người khéo phân biệt tùy thuận tuyên nói như đây, nên biết người đó chính là Bồ-tát. THÍCH NGHĨA
(47) – PHƯƠNG- ĐẲNG : Rộng lớn cùng khắp.
(48) – THANH-VĂN : Nghe thanh âm ; hàng Tiểu-thừa nghe thanh âm thuyết pháp của Phật rồi y theo đó tu tập mà đoạn hoặc nghiệp, chứng chơn quả. Không phải như Đại-Thừa Bồ-Tát tự ngộ bổn tâm, tự chứng bổn tánh.
(49) – SANH – MANH : Kẻ mù từ khi sanh ra. Nơi đây chỉ cho hạng phàm phu không trí huệ chơn chánh. 13. PHẨM VĂN TỰ THỨ MƯỜI BA
(Hán bộ phần giữa quyển thứ tám)
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : “ Bao nhiêu những dị-luận, chú thuật, ngôn ngữ, văn tự, đều là của Phật nói, chẳng phải của ngoại đạo nói”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “Thế-Tôn ! Đức Như-Lai nói văn tự căn bổn ra thế
nào ?”
Phật nói : Nầy Thiện-nam-tử ! Ban đầu nói bán tự để làm căn bổn, để ghi nhận những thật pháp, như kýluận, chú-thuật, văn chương, các ấm. Hạng phàm phu học bán tự căn bổn nầy mới biết được những pháp đó là chẳng phải pháp”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Bán tự của Phật nói nghĩa như thế nào ? “
Nầy Thiện-nam-tử ! Có mười bốn âm gọi là nghĩa của bán tự.
Tự ở đây nói gọi là Niết-bàn. Vì là thường, nên chẳng lưu chuyển. Nếu chẳng lưu chuyển, thời là vô tận. Vô tận chính là thân kim cang của Như-Lai.
Mười bốn âm là căn bổn của tự.
“A” (giọng ngắn), là chẳng phá hoại, chẳng phá hoại gọi là Tam-bảo, dụ như chất kim-cang. Lại A là chẳng lưu-dật, chẳng lưu-dật tức là Như-Lai. Vì cửu-khiếu của Như-Lai không có chảy ra, nên là chẳng lưu-dật. Lại không có cửu- khiếu, nên chẳng lưu-dật. Chẳng lưu-dật, thời là thường, thường chính là Như-Lai. Vì thế Như-Lai không tạo-tác, nên chẳng lưu-dật. Lại A gọi là công đức, công đức tức là Tam-bảo, nên gọi là A.
A (giọng dài), gọi là A-Xà-Lê, A-Xà-Lê nghĩa là gì ? Chính là người được trong đời gọi là bực Thánh. Thánh là không chấp trước, thiểu-dục, tri-túc, thanh tịnh, có thể cứu độ chúng sanh thoát khỏi biển lớn sanh tử trong ba cõi.
Lại A là chế độ, Tu-trì giới thanh tịnh, tùy thuận oai nghi. Lại A là nương nơi thánh nhơn để học oai nghi, đứng, đi, hành động, cúng dường, cung kính, lễ bái Tam bảo, thảo nuôi cha mẹ. Và hàng thiện nam, cùng thiện nữ học tập Đại- thừa, thọ trì đủ cấm giới, và các vị đại Bồ-Tát, đây gọi là Thánh-nhơn.
Lại A là giáo hối. Như nói các ngươi phải làm như thế nầy, chẳng nên làm như thế nầy. Nếu có thể ngăn dứt những điều chẳng phải oai nghi, thời gọi là Thánh- nhơn. Vì thế nên gọi là A.
“Y” (giọng ngắn), Là Phật pháp. Hạnh thanh tịnh rộng lớn, trong sạch không nhơ như mặt trăng tròn, các ngươi nên làm như vậy, chẳng được làm như vậy, nghĩa nầy phải, nghĩa nầy chẳng phải, đây là lời Phật nói, đây là lời ma nói. Vì thế nên gọi là Y.
Y (giọng dài), là Phật pháp vi diệu rất sâu khó đặng. Như Đại-Tự-Tại- Thiên, Đại-Phạm-Thiên-Vương gọi rằng tự tại. Nếu có thể thọ trì Phật pháp, thời gọi là hộ pháp.
Lại tự-tại chỉ cho bốn bực hộ-thế, bốn bực tự-tại nầy thời có thể nhiếp hộ kinh Đại-Niết-Bàn cũng có thể tự tại tuyên dương giảng thuyết.
Lại Y là có thể vì chúng sanh thuyết pháp tự tại.
Lại Y là vì được tự tại nên thuyết pháp tức là tu tập kinh điển Đại-thừa Phương- Đẳng.
Lại Y là dứt tật-đố, như dọn sạch cỏ rác, đều có thể làm cho trở thành tốt lành. Vì thế nên gọi là Y.
Ưu (giọng ngắn), là tối thượng, tối thắng, tăng trưởng thượng thượng trong các kinh tức là Đại-Niết-Bàn.
Lại Ưu là Như-Lai tánh, hàng Thanh-văn, Duyên-Giác chưa từng nghe biết. Như Bắc-Câu-Lô châu hơn hết các châu. Bồ-Tát nếu nghe thọ được kinh nầy, thời là tối thắng, tối thượng đối với tất cả đại chúng. Vì thế nên gọi là Ưu.
Ưu ưu (giọng dài), ví như sữa bò hơn hết trong các thức ăn. Như-Lai tánh cũng vậy, là tối tôn tối thượng ở trong các kinh. Nếu có kẻ chê bai hủy báng Như-Lai tánh phải biết người nầy không khác với bò.
Lại Ưu ưu là nói người trên đây là kẻ không có trí huệ chánh niệm, chê bai tạng Như-Lai tạng Như-Lai bí mật. Người nầy rất đáng thương xót ngoài tạng Như- Lai bí mật mà nói không ngã, không pháp. Vì thế nên gọi là Ưu ưu.
Yên là Phật tánh Niết-Bàn.
Dã là nghĩa Như-Lai. Lại Dã là Như-Lai đứng, đi, cử động không gì chẳng lợi ích tất cả chúng sanh, vì thế nên gọi là Dã.
Ô là nghĩa phiền não. Phiền não gọi là những hữu lậu. Đức Như-Lai dứt hẳn tất cả phiền não, vì thế nên gọi là Ô.
Pháo, là nghĩa Đại-thừa, nghĩa rốt ráo trong mười bốn âm. Kinh điển Đại- thừa cũng vậy, là rốt ráo trong các kinh luận. Vì thế nên gọi là Pháo.
AM, có thể ngăn tất cả những vật bất tịnh, nơi trong Phật pháp có thể bỏ tất cả vàng bạc, châu báu, vì thế nên gọi là AM.
Ă, là nghĩa thắng thừa. Kinh điển Đại-thừa Đại-Niết-Bàn đây hơn hết trong các kinh vì thế nên gọi là .
CA, đối với các chúng sanh khởi lòng từ bi tưởng như con ruột như La-Hầu-La làm những việc nghĩa, lành tốt đẹp, vì thế nên gọi là CA.
Khư, gọi là bạn chẳng lành. Bạn chẳng lành gọi là dơ dáy, chẳng tin tạng Như-Lai bí mật. Vì thế nên gọi là Khư.
Dà, gọi là tạng. Tức là tạng Như-Lai bí mật. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh vì thế nên gọi là Dà.
Rằng, là âm-vận thường hằng của Như-Lai tức là Như-Lai thường trụ chẳng biến đổi. Vì thế nên gọi là Rằng.
Nga, là tướng phá họai của tất cả các hành pháp.
GÍA, nghĩa kà tu. Điều-phục tất cả chúng sanh gọi đó là tu. Vì thế nên gọi là GÍA.
XA, Như-Lai che chở tất cả chúng sanh dụ như cây lọng lớn. Vì thế nên gọi là XA.
XÀ, là chánh giải thoát không có tướng gìa, vì thế nên gọi là XÀ.
THÀ, là Phiền não rậm rợp như lùm rừng vì thế nên gọi là THÀ.
NHÃ, là nghĩa trí huệ, biết pháp tánh chơn thật. Vì thế nên gọi là NHÃ.
TRA, là ở nơi cõi Diêm-Phù-Đề thị hiện bán thân mà thuyết pháp, ví như bán nguyệt, vì thế nên gọi là TRA.
TRẠCH, là pháp thân đầy đủ ví như mãn nguyệt, vì thế nên gọi là TRẠCH.
TRÀ, ,là ngu si Tăng, chẳng biết thường, cùng với vô thường ví như trẻ nít vì thế nên gọi là TRÀ.
TỔ, là chẳng biết ơn thầy, ví như con dê đực vì thế nên gọi là TỔ.
NOA, là nghĩa chẳng phải Thánh, dụ như ngoại đạo, vì thế nên gọi là NOA.
ĐA, đức Như-Lai một lúc kia bảo các Tỳ-Kheo, các ông nên lìa sự kinh sợ, sẽ vì các ông nói Pháp vi-diệu, vì thế nên gọi là ĐA.
THA, là nghĩa ngu si, chúng sanh lưu chuyển trong dòng sanh tử, như tằm làm kén, như bọ ngựa làm ổ. Vì thế nên gọi là THA.
ĐÀ, là bố thí lớn, tức là Đại-thừa, vì thế nên gọi là ĐÀ.
ĐẠN, là khen ngợi công đức, tức là Tam-Bảo, như núi Tu-Di cao vọi rộng lớn, không có nghiêng ngã cho nên gọi là ĐẠN.
NA, là Tam-Bảo an trụ không có nghiêng động, ví như ngạch cửa, nên gọi là NA.
BA, là nghĩa điên đảo, như nói, Tam-Bảo thảy đều dứt mất, nên biết người nầy là tự nghi hoặc điên đảo, vì thế nên gọi là BA.
PHẢ, là tai họa thế gian nếu nói rằng lúc tai họa thế gian khởi lên thời Tam-bảo cũng dứt mất, nên biết người nầy là kẻ ngu si vô trí, trái với ý nghĩa của Thánh – nhơn. Vì thế nên gọi là PHẢ.
BÀ, là mười trí lực của Phật.
PHẠM, là gánh nặng, có thể kham-nhiệm gánh mang chánh pháp vô thượng nên biết người nầy là đại Bồ-Tát. Vì thế nên gọi là PHẠM.
MA, là chế độ nghiêm tuấn của Bồ-Tát, tức là Đại-thừa. Đại Niết-Bàn. Vì thế nên gọi là MA.
GIA, là các vị Bồ-Tát, ở mọi nơi chỗ, vì các chúng sanh nói pháp Đại- thừa. Vì thế nên gọi là GIA.
RA, là có thể phá hoại tham dục, sân- khuể, ngu si mà nói pháp chơn thật. Vì thế nên gọi là RA.
LÀ, là Thanh-văn-thừa động chuyển chẳng dừng, đại-thừa bền vững không có lay động. Bỏ Thanh-văn-thừa, siêng năng tu tập vô-thượng đại-thừa. Vì thế nên gọi là LÀ.
HÒA, đức Như-Lai Thế-Tôn vì các chúng sanh rưới mưa pháp lớn, như những chú thuật, kinh sách thế gian. Vì thế nên gọi là HÒA.
SA, xa lìa ba mũi tên độc, vì thế nên gọi là SA.
SÁ là, nghĩa đầy đủ, nếu nghe được kinh Đại-Niết-Bàn nầy, thời là đã đặng nghe và thọ trì tất cả kinh điển đại-thừa, vì thế nên gọi là SÁ.
TA, vì các chúng sanh diễn nói chánh pháp làm cho lòng họ vui mừng nên gọi là TA.
HA, là tâm hoan hỷ, lạ lùng thay đức Thế-Tôn rời tất cả hành vi. Lạ thay đức Như-Lai nhập Niết Bàn. Vì thế nên gọi là HA.
LA, là nghĩa ma, vô lượng loài ma không thể hủy hoại tạng bí mật của Như-Lai cho nên gọi là LA. Lại La là nhẫn đến thị hiện tùy thuận thế gian, mà có cha mẹ vợ con. Vì thế nên gọi là LA.
LỖ, LƯU, LƯ, LÂU, bốn chữ như vậy nói có bốn nghĩa tức là Phật, Pháp, Tăng và đối pháp. Đối pháp là tùy thuận thế gian, như Đề-Bà, Đạt-Đa thị hiện phá Tăng, hóa làm các thứ hình dáng sắc-tượng để làm duyên cho Phật chế giới. Người trí rõ thấu chẳng nên đối với việc nầy mà sanh lòng sợ sệt. Đây gọi là những hành vi tùy thuận thế gian vì thế nên gọi là LỖ, LƯU, LƯ, LÂU.
Hít khí trời cuống lưỡi theo tiếng lỗ mũi tiếng dài, ngắn, cao, thấp theo giọng nói để giãi bày ý nghĩa đều do lưỡi, răng mà có sai khác. Những chữ nghĩa như vậy có thể làm cho chúng sanh khẩu nghiệp thanh tịnh.
Phật tánh của chúng sanh thời không phải nhờ nơi văn tự rồi sau mới được thanh tịnh, vì Phật tánh vẫn thanh tịnh, nên dầu ở trong ngũ ấm, lục nhập, thập bát giới, nhưng chẳng đồng với ngũ ấm, lục nhập, thập bát giới. Vì thế nên chúng sanh đều phải quy y.
Các vị Bồ-Tát do nơi Phật tánh mà đều coi chúng sanh bình đẳng như nhau không có sai khác.
Vì thế nên bán tự làm căn bổn của những kinh sách, ký-luận, văn chương.
Lại nghĩa của bán tự đều là căn bổn của phiền não ngôn thuyết.
Nghĩa của mãn tự thời là căn bổn của tất cả thiện pháp ngôn thuyết.
Ví như trong đời, người làm ác gọi là bán nhơn, người tu hành gọi là mãn nhơn. Cũng vậy, tất cả kinh sách ký-luận đều do bán tự làm căn bổn.
Nếu nói Như-Lai là chánh giải thoát, vào trong phạm vi bán tự, lời nói nầy không đúng. Vì Như-Lai và chánh giải thoát rời danh tự. Do đó nên đức Như-Lai đối với tất cả pháp, không chướng ngại, không đắm-trước mà đặng chơn thật giải thoát.
Thế nào gọi là hiểu rõ chữ nghĩa ? Có người biết đức Như-Lai hiện ra nơi đời có thể dứt được bán tự, nên gọi là hiểu rõ chữ nghĩa.
Nếu có kẻ chạy theo nghĩa bán tự thời người nầy chẳng biết được tánh Như-Lai.
Thế nào gọi là nghĩa vô-tự ? Người gần gũi tu tập pháp bất thiện, đây gọi là vô tự. Lại người vô tự dầu có thể gần gũi tu tập pháp lành, nhưng chẳng biết Như- Lai là thường cùng vô thường, hằng cùng chẳng phải hằng, chẳng biết Pháp và Tăng, luật cùng phi luật, kinh cùng chẳng phải kinh, chẳng biết lời ma, lời Phật. Nếu người không thể phân biệt rõ biết như vậy, thời gọi là chạy theo nghĩa vô- tự.
Nay ta đã nói, chạy theo nghĩa vô-tự như vậy, cùng nghĩa bán-tự và mãn-tự, nên các ông phải rời bán-tự khéo hiểu mãn-tự.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Chúng tôi phải nên khéo học tự- số. Nay tôi được gặp ngay Đức Thầy vô-thượng, đã lãnh thọ những lời dạy bảo ân cần của Như-Lai.”
Đức Phật khen ngợi Ca-Diếp Bồ-Tát”:
Lành thay ! Lành Thay ! Người ưa thích chánh-pháp phải học như vậy.” 14. PHẨM ĐIỂU DỤ THỨ MƯỜI BỐN
(Hán bộ phần sau quyển thứ tám)
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : “ Nầy Thiện-nam-tử ! Có hai giống chim : Một tên là Ca-Lân-Đề, hai tên là Oan-Ương. Hai giống chim đó lúc bay, lúc ở đều cùng chung chẳng xa rời nhau. Các pháp khổ, vô-thường, vô-ngã, chẳng rời nhau cũng như vậy.”
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : Thế-Tôn ! Thế nào là các pháp khổ vô thường vô ngã, như chim Oan-ương và Ca-lân-Đề kia”.
Phật nói : :” Nầy Thiện-nam-tử ! Pháp khổ khác, pháp lạc khác, pháp thường khác, pháp vô thường khác, pháp ngã khác, pháp vô ngã khác. Ví như lúa gạo khác với mè bắp. Mè bắp lại khác với đậu mía. Các thứ ấy từ mầm mộng của nó, nhẫn đến trổ lá, đơm bông đều là vô thường. Đến lúc thành trái thành hột khô chín, mọi người thọ dụng mới gọi là thường, vì tánh chất chơn thật”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Những vật như vậy nếu là thường thời có đồng với Như-Lai chăng ?”
Phật nói : “ Nầy Thiện-nam-tử ! Nay ông chẳng nên nói như vậy, vì nói cho rằng Như-Lai như núi Tu-Di, lúc kiếp-hoại núi Tu-Di lở sụp, thời đức Như-Lai há lại cũng đồng hư hoại ư !
Nầy Thiện-nam-tử ! Ông chẳng nên giữ lấy những nghĩa ấy.
Tất cả các pháp chỉ trừ Phật tánh và Niết-Bàn, không có một pháp nào là thường cả. Nói trái và hột là thường, đó là nói theo thế gian thôi.”
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Lành thay ! Lành thay ! Đúng như lời Phật nói.”
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : “ Đúng như vậy. Nầy Thiện-nam-tử ! Dầu tu tất cả khế kinh, các môn thiền định, nhẫn đến chưa nghe pháp Đại-Niết-Bàn thời đều nói tất cả là vô thường. Nghe kinh nầy rồi dầu có phiền não mà như không phiền não, bèn có thể lợi ích tất cả cõi trời, cõi người, vì hiểu rõ thân mình có Phật tánh, đây gọi là thường.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như cây Am-la bông nó mới trổ gọi là vô thường, đến lúc thành trái có thể ăn dùng mới gọi là thường.
Cũng thế, nầy Thiện-nam-tử ! Dầu tu tất cả khế kinh, các môn thiền định lúc chưa nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy, đều cho rằng tất cả pháp đều là vô thường. Lúc nghe kinh nầy rồi, dầu có phiền não mà như không phiền não, bèn có thể lợi ích cõi trời, cõi người. Vì hiểu rõ thân mình có Phật tánh, đây gọi là thường.
Thiện-nam-tử ! Ví như lúc nấu, lọc, quặng vàng, là tướng vô thường, lọc xong thành vàng ròng, có nhiều lợi ích bèn gọi rằng thường.
Cũng vậy, nầy Thiện-nam-tử ! Dầu tu tất cả khế kinh các môn thiền định, lúc chưa nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy, đều cho rằng tất cả pháp đều là vô thường. Lúc nghe kinh nầy rồi, dầu có phiền não như không phiền não, bèn có thể lợi ích tất cả cõi trời, cõi người, vì hiểu rõ thân mình có Phật tánh, đây gọi là thường.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như hột mè lúc chưa bị ép, gọi là vô thường. Lúc ép thành dầu có nhiều lợi ích bèn gọi rằng thường.
Nầy Thiện-nam-tử ! Dầu tu tất cả khế kinh, các môn thiền định mà chưa nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy, đều cho rằng tất cả là vô thường. Lúc nghe kinh nầy rồi dầu có phiền não, như không phiền não, đều có thể lợi ích cõi người cõi trời vì hiểu rõ thân mình có Phật tánh đây gọi rằng thường.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như các dòng nước đều chảy về biển. Cũng vậy, tất cả khế kinh, các môn thiền-định tam-muội đều quy về kinh Đại-thừa Đại-Niết- Bàn, vì khéo nói có Phật tánh.
Nầy Thiện-nam-tử ! Vì thế nên ta nói ; pháp thường khác, pháp vô thường khác ; nhẫn đến vô ngã cũng lại như vậy.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Đức Như-Lai đã lìa tên độc Ưu-bi, luận về có Ưu-bi gọi là trời. Đức Như-Lai chẳng phải trời. Có Ưu-bi gọi là người, Như- Lai chẳng phải người, có Ưu-bi gọi là hai mươi lăm cõi hữu-lậu, đức Như-Lai chẳng phải hai lăm cõi hữu-lậu. Vì thế nên đức Như-Lai không có Ưu-bi, cớ sao nói rằng đức Như-Lai Ưu-bi ?”
Nầy Thiện-nam-tử ! Vô-tưởng-thiên gọi là không tưởng. Nếu không tưởng thời không thọ mạng, nếu không thọ mạng, sao lại có ấm, nhập, các giới. Do vì nghĩa đó, nên thân thọ mạng của vô-tưởng-thiên, không thể nói là có chỗ ở.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như Thọ-thần nương theo cây mà ở, chẳng thể quyết định nói nương nhánh, nương lóng, nương thân, nương lá.
Cũng vậy, dầu không chỗ quyết định, nhưng không thể nói là không có thân thọ mạng của vô-tưởng-thiên.
Nầy Thiện-nam-tử ! Phật pháp cũng vậy, rất sâu khó hiểu. Đức Như-Lai thiệt không ưu-bi khổ não, mà ở nơi hàng chúng sanh khởi lòng đại từ bi, thị hiện có ưu-bi, coi hàng chúng sanh như La-Hầu-La.
Nầy Thiện-nam-tử ! Trong vô-tưởng-thiên có bao nhiêu thọ mạng, chỉ Phật biết được, chẳng phải người khác có thể biết. Nhẫn đến trời Phi-tưởng, Phi-Phi- tưởng cũng như
vậy.
Nầy Ca-Diếp, Như-Lai tánh thanh tịnh không ô-nhiễm, dường như hoá thân, chỗ nào mà có ưu-bi khổ não.
Nếu nói đức Như-Lai không ưu-bi đó, thế nào có thể lợi ích chúng sanh, rộng hoằng Phật pháp. Và nếu nói là không ưu-bi, sao lại nói bình đẳng xem chúng sanh như La-Hầu-La, nếu chẳng bình đẳng xem như La-Hầu-La, thời lời nói trên là hư vọng.
Nầy Thiện-nam-tử ! Do vì nghĩa đó, Phật chẳng thể nghĩ bàn, Pháp chẳng thể nghĩ bàn, chúng sanh Phật tánh chẳng thể nghĩ bàn, thọ mạng vô-tưởng- thiên chẳng thể nghĩ bàn. Đức Như-Lai có ưu-bi cùng không ưu-bi, là cảnh giới của Phật, chẳng phải hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác biết được.
Nầy Thiện-nam-tử ! Thí như nhà, cửa, bụi, đất, không thể trụ giữa hư không, nhưng nếu nói nhà cửa chẳng cần hư không mà có thể trụ, thời không đúng. Do vì nghĩa đó nên chẳng thể nói nhà trụ nơi hư không, hay chẳng trụ nơi hư không. Kẻ phàm phu dầu n ói rằng nhà trụ ở hư không, mà hư không thiệt không chỗ trụ, vì tánh hư không vốn là vô-trụ.
Nầy Thiện-nam-tử ! Cũng vậy, không thể nói rằng tâm trụ nơi ấm, giới, nhập cùng chẳng trụ. Thọ mạng vô tưởng thiên cũng như vậy. Đức Như-Lai ưu-bi cũng như vậy. Nếu không ưu-bi, thế nào nói rằng bình đẳng xem chúng sanh như La-Hầu-La. Nếu cho là có ưu-bi, thời sao lại nói Như-Lai tánh đồng với hư không.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như nhà ảo thuật, dầu hoá làm các thứ cung điện sát sanh nuôi dưỡng, bắt trói mở thả nhẫn đến hoá làm các vật báu vàng bạc lưu ly, lùm rừng, cây cối, v.v… đều không có tánh chất chơn thật.
Cũng vậy, Đức Như-Lai tùy thuận theo thế gian, thị hiện ưu-bi mà không có chơn thật. Đức Như-Lai đã chứng nhập nơi Đại-Niết-Bàn thế nào lại có ưu-bi khổ não.
Nếu có kẻ cho rằng đức Như-Lai chứng nhập Niết-Bàn là vô thường, nên biết người nầy thời có ưu-bi. Nếu nói đức Như-Lai chẳng nhập Niết-Bàn thường trụ chẳng biến đổi, nên biết người nầy không có ưu-bi.
Đức Như-Lai có ưu-bi cùng không ưu-bi không ai có thể biết được.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như người bực hạ biết được pháp bực hạ, mà chẳng biết bực trung, và bực thượng. Người bực trung, thời biết pháp bực trung mà chẳng biết nơibực thượng. Người bực thượng thời biết bực thượng và biết cả bực trung bực hạ.
Cũng thế, hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác chỉ biết ngang chừng bực của mình. Đức Như-Lai thời không phải như vậy, đều biết rõ bực của mình và cả những bực khác. Vì thế nên đức Như-Lai gọi là đấng vô-ngại-trí, tùy thuận theo thế gian mà hoá hiện. Kẻ phàm phu nhục nhãn cho là chơn thật, mà muốn biết hết trí vô- thượng vô-ngại của Như-Lai, quan niệm nầy không đúng.
Đức Như-Lai có ưu-bi cùng không ưu-bi chỉ Phật biết được. Do nhơn duyên nầy, pháp có ngã khác, pháp vô ngã khác. Đây gọi là điều dụ chim Oan- ương, chim La- lân-Đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Phật pháp dường như chim Oan-ương đồng nhau bay đi. Chim Ca-lân-Đề và chim Oan-ương nầy, mùa thạnh hạ nườc dưng lên, lựa chọn gò cao làm ổ cho con chúng ở, rồi sau chúng nó mới trở về chốn cũ ưu-du an ổn.
Cũng vậy, Đức Như-Lai xuất thế giáo hóavô lượng chúng sanh, làm cho đều được trụ nơi chánh pháp. Như chim kia lựa gò cao lót ổ cho con chúng nó ở.
Đức Như-Lai làm cho các chúng sanh đều được giải thoát, chỗ làm đã xong, bèn nhập Đại-Niết-Bàn.
Nầy Thiện-nam-tử ! Đây gọi là pháp khổ khác, pháp vui khác. Những hành pháp là khổ. Niết-Bàn là vui vi-diệu thứ nhứt, vì đã phá hoại các hành pháp”.
Ca-Diếp bồ-tát bạch Phật : “ Thế-tôn ! Thế nào chúng sanh chứng đặng Niết- Bàn gọi là an-lạc đệ nhứt ?.
_ Nầy Thiện-nam-tử ! Như lời ta đã nói các hành pháp hòa hiệp gọi đó là lão- tử.
Cẩn thận chẳng phóng dật, Đây gọi là cam lộ. Phóng dật chẳng cẩn thận, Đây gọi là tử-cú. Nếu người chẳng phóng dật, Thời đặng chỗ bất tử, Như kẻ phóng dật kia, Thường đến nơi tử lộ.
Nếu phóng dật gọi là Pháp hữu-vi. Pháp hưu-vi nầy là khổ đệ nhứt. Nếu chẳng phóng dật thời gọi là Niết-Bàn. Niết-Bàn đó gọi là cam lộ an vui đệ nhứt. Nếu xu hướng các hành pháp, thời gọi là chổ chết thọ khổ đệ nhứt. Nếu đến Niết-Bàn thời gọi là bất tử thọ vui vi-diệu. Nếu chẳng phóng dật, dầu nhóm họp các hành pháp, cũng gọi là thường lạc bất tử, thân chẳng phá hoại.
Thế nào là phóng dật, thế nào là chẳng phóng dật ? Hàng phàm phu chẳng phải Thánh thời gọi là phóng dật, là pháp thường tử. Bực Thánh xuất thế là chẳng phóng dật không có lão tử, vì chứng nhập nơi Niết-Bàn thường lạc đệ nhứt.
Do nghĩa nầy nên pháp khổ khác, pháp lạc khác, pháp ngã khác, pháp vô ngã khác.
Như người đứng dưới đất, ngước mặt nhìn lên hư không chẳng thấy dấu chim bay.
Nầy Thiện-nam-tử ! Chúng sanh không có thiên nhãn, ở trong phiền não mà chẳng tự thấy có Như-Lai tánh. Cho nên ta nói giáo pháp vô ngã bí mật, vì người không có thiên nhãn, chẳng biết được chơn-ngã, mà vọng chấp nơi ngã.
Do các phiền não tạo nghiệp hữu-vi, chính đó là vô thường. Cho nên ta nói pháp thường khác, pháp vô thường khác.
Người tinh tấn dõng mãnh. Hoặc ở nơi đảnh núi. Đất bằng cùng đồng trống, Thường thấy những phàm phu, Lên điện đại-trí-huệ. Đài Vô-thượng vi diệu. Đã tự trừ ưu-khổ. Cũng thấy khổ chúng sanh.
Đức Như-Lai dứt hết vô lượng phiền não ở núi trí huệ, thấy hàng chúng sanh thường ở trong vô lượng phiền não”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Ý nghĩa như bài kệ vừa nói không đúng.
Vì người nhập Niết-Bàn không ưu không hỷ, thế nào đặng lên điện đài trí huệ, và thế nào ở nơi đảnh núi mà thấy chúng sanh ?”
_ Nầy Thiện-nam-tử ! Điện trí huệ đó chính là nói Niết-Bàn, người không ưu-khổ là nói đức Như-Lai vậy. Người có ưu sầu gọi là phàm phu. Bởi phàm phu ưu khổ, nên Như-Lai không ưu khổ.
Đảnh núi Tu-Di là nói chánh giải thoát. Người tinh tấn dõng mãnh như núi Tu-Di không động chuyển. Đất là nói công hạnh hữu vi. Hàng phàm phu nầy, đứng trên đất đây tạo tác những hành nghiệp. Người trí huệ kia thời gọi là chánh giác, lìa hữu lậu, thường trụ, nên gọi là Như-Lai.
Đức Như-Lai thương xót vô lượng chúng sanh thường bị trúng tên độc các cõi, nên nói rằng đức Như-Lai có ưu-bi.”
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Giả sử nếu Như-Lai có ưu-bi, thời chẳng đặng gọi là bực đẳng chánh giác “.
_ Nầy thiện-nam-tử ! Đều có nhân duyên cả. Tùy chỗ nào có chúng sanh đáng được hóa độ, thời đức Như-Lai thị hiện thọ sanh ở trong đó. Dầu thị hiện thọ sanh, nhưng thiệt không có sanh, nên đức Như-Lai gọi là pháp thường trụ. Như chim Oan-ương, chim Ca-Lân-Đề vậy. THÍCH NGHĨA
(49) – SANH – MANH : Kẻ mù từ khi sanh ra. Nơi đây chỉ cho hạng phàm phu không trí huệ chơn chánh.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.33.230 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.