Cuộc đời của Đức Phật không phải chỉ là một bản tường thuật về hành trình của một Người đi tìm và giác ngộ chân lý, đó còn là về những con người mà Người ấy đã gặp trong suốt 45 năm hành đạo của mình, cũng như các cuộc gặp gỡ này đã thay đổi họ như thế nào. Nếu hành trình của Đức Phật cùng những lần gặp mặt của Ngài với những người khác, được đặt vào bối cảnh của xã hội nơi những sự kiện đó đã diễn ra, một xã hội với những phong tục độc đáo, các âm mưu chính trị cùng những biến động tôn giáo, thì nó sẽ trở thành một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất từng được kể. Người ta sẽ bắt gặp những vị vua đầy kiêu hãnh cùng những kẻ thấp hèn bị ruồng bỏ, những tu sĩ đắp trên mình tấm y màu vàng nghệ, (mà một vài vị thật thánh thiện còn số khác lại quá đổi trần tục) cùng những tín chủ hào phóng và những đối thủ đầy ắp lòng đố kỵ.
Một số sự kiện trong cuộc đời Đức Phật được các học giả mô tả là ‘huyền thoại’, nhưng nếu chúng ta nhìn nhận một cách khách quan, thì chỉ rất ít trong số chúng có thể được xem là khó mà tin được.
Như vài người có thể cho rằng, việc Angulimala (Ương-Quật-Ma-La) cắt một ngón tay từ mỗi nạn nhân của ông là điều khó tin, nhưng lịch sử tội phạm của nhân loại đã cho chúng ta rất nhiều bằng chứng về những hành vi còn kỳ quái và khủng khiếp hơn thế. Sự thăng tiến nhanh chóng của Samavati (Sa-Mã-Ngõa-Đế) từ nghèo túng, vươn lên trở thành hoàng tộc chắc chắn là một điều bất thường nhưng nó nằm trong phạm vi có thể xảy ra. Những âm mưu của Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa) trông có hơi bị phóng đại và chắc chắn rằng chúng đã được ghi lại trong Luật tạng không đúng trình tự, nhưng đó là những điều mà chúng ta hoàn toàn có thể thấy được từ một người vừa vô cùng tài giỏi, nhưng đồng thời cũng rất ghen tị cũng như đầy ắp tham vọng. Và nhẹ nhàng như một làn gió mát, lướt qua tất cả những sự kiện đầy kịch tính này chính là Đức Phật, kiên nhẫn, mỉm cười và chân thực không thể nào nhầm lẫn được.
Những thông tin cổ xưa và xác thực nhất mà chúng ta có được về cuộc đời của Đức Phật, là được tìm thấy trong Tam Tạng Pali, nơi mà chúng không theo bất kỳ thứ tự thời gian nào, mà nằm rải rác đó đây như những hạt bụi vàng dưới đáy sông cát. Có phần ít xác tín hơn nhưng tuy nhiên đôi lúc cũng hữu ích, chính là thông tin từ những tác phẩm chú giải bằng Pali, đặc biệt là Dhammapada Atthakta (Chú Giải Kinh Pháp Cú) và Jataka Nidanakatha (Duyên Khởi Kinh Bổn Sanh). Sau đó, chúng ta có những kinh điển Đại thừa, trong đó Đức Phật lịch sử dần lu mờ đằng sau bức màn của những huyền thoại và sự cường điệu khiến Ngài ngày một trở nên xa cách. Chúng ta là con người, những con người không hoàn hảo, và nếu chúng ta muốn vượt qua trạng thái này thì chúng ta sẽ cần một người hướng dẫn cùng một lý tưởng vừa thật con người và vừa hoàn hảo. Theo như cách mà Tam Tạng Pali đã khắc họa thì Đức Phật chính là người hướng dẫn cùng với lý tưởng như vậy. Do đó, câu chuyện về Đức Phật và chúng đệ tử của Ngài, được kể trong các nguồn văn bản Pali không chỉ là một câu chuyện chân thực và hấp dẫn, mà còn là một câu chuyện mang ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng.
Có thật nhiều quyển sách viết về cuộc đời Đức Phật đã được xuất bản và hai trong số những cuốn sách hay nhất chỉ vừa được thực hiện gần đây. Đó là The Historical Buddha (Đức Phật Lịch Sử) của H.W. Schumann và The Buddha (Đức Phật) của Michael Carrithers. Cả hai quyển sách này đều tài tình tránh được hai cực đoan khi một mặt không chứa đựng quá nhiều những chi tiết rõ ràng là thần thoại và mặt khác cũng không quá nặng nề khi sử dụng cách tiếp cận mang tính học thuật khô khan, thuần khoa học khiến không thể khơi dậy niềm tin nơi người đọc. Nhưng thật không may vì cả hai quyển sách này hiện không có mặt rộng rãi tại các hiệu sách trong nước. Tác phẩm trong nước duy nhất viết về cuộc đời của Đức Phật mà cũng tránh được những cực đoan trên chính là The Life of Gotama The Buddha (Cuộc Đời Đức Phật Gotama) do Đại Đức B. Dhammaratana và Senarath Vijayasundara chấp bút. Tuy nhiên, vì quyển sách hay này đã không còn được xuất bản nữa nên một quyển sách mới với đầy đủ thông tin hơn về cuộc đời của Đức Phật là cần thiết.
The Buddha and His Disciple là quyển sách thứ hai trong bộ ba sách giáo khoa, mà về sau sẽ được sử dụng cho khóa học Giới Thiệu Phật Pháp của hội Buddha Dhamma Mandala. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp tăng thêm giá trị cho khóa học trên, vốn hiện đang được rất nhiều người dân Singapore đón nhận. Tôi muốn cảm ơn Doris Teo và Donna Pang cho tất cả những gì họ đã giúp đỡ trong việc biên soạn quyển sách này. Các hình minh họa do Eric Yeo thiết kế đã giúp tập sách trở nên sống động, giống như cách anh đã thực hiện với quyển đầu tiên trong loạt ba sách. Lời cảm ơn cũng xin gửi đến tất cả những người đã góp phần giúp đỡ bằng thật nhiều cách.