Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 15 »»

Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 15

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.59 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.74 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

PHẨM PHẠM HẠNH THỨ HAI MƯƠI
Nầy Thiện nam tử ! Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát tu phạm hạnh như thế nào ? Bồ-Tát-Ma- Ha-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại Niết Bàn, trụ bảy pháp lành thời phạm hạnh đầy đủ.
Bảy pháp lành là : Một là biết pháp, hai là biết nghĩa, ba là biết giờ, bốn
là biết tri túc, năm là biết mình, sáu là biết chúng, bảy là biết tôn ty.
Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát như thế nào gọi là biết pháp. Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát nầy biết mười hai bộ kinh tức là Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế Mục Đà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Đà Đạt Ma, Ưu Bà Đề Xá.
Đây là khế kinh Tu Đa La : Từ “ như thị ngã văn nhẫn đến câu hoan hỷ phụng hành” tất cả như vậy gọi là Tu Đa La kinh ( trường hàng). Đây là Kỳ-dạ : Phật bảo các Tỳ kheo ngày xưa ta cùng các ông ngu si không trí huệ, chẳng thể thấy bốn chơn đế đúng như thật, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ sanh tử. Bốn chơn đế là : Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế.
Ngày xưa đức Phật vì các Tỳ Kheo nói khế kinh xong lại có hàng chúng sanh căn trí sáng tỏ, vì muốn nghe pháp nên đến chỗ Phật hỏi mọi người rằng, đức Như Lai vừa rồi nói những việc gì ? Lúc đó Phật vì hàng chúng sanh ấy đem kinh vừa giảng nói thành kệ tụng :
Ta xưa cùng các ông, Chẳng thấy bốn chơn đế, Nên phải lưu chuyển mãi, Trong biển khổ sanh tử, Nếu thấy được bốn đế, Thời dứt đặng sanh tử. Sanh tử đã hết rồi, Chẳng còn thọ thân nữa.
Kệ tụng trên đây gọi là Kỳ-Dạ kinh ( trùng tụng).
Những gì gọi là thọ ký ? Như có lúc đức Như Lai nói kinh hay luật, vì các hàng trời hay người mà thọ ký sẽ làm Phật. Như nói : “ Đời sau có vua hiệu là Nhương Khư, ông A Dật Đa sẽ ở cõi nầy thành bực chánh giác hiệu là Di Lặc Phật. Đây gọi là thọ ký kinh.
Những gì gọi là Dà Đà ? Trừ trường hàng và các giới luật, ngòai ra những bài kệ bốn câu như :
Các điều ác chớ làm, Phụng hành những điều lành, Lóng sạch tâm ý mình, Là lời dạy của Phật.
Trên đây gọi là Dà Đà kinh ( kệ cô khởi).
Những gì gọi là Ưu Đà Na ? Như đức Phật lúc xế chiều nhập thiền định, vì chư thiên giảng rộng các pháp yếu. Lúc đó các Tỳ- kheo đều nghĩ rằng : Giờ đây đức Như Lai đang làm việc gì ?
Sáng ngày sau, đức Như Lai xuất định, không ai hỏi, dùng tha tâm trí mà tự nói rằng : Nầy các Tỳ-kheo : Tất cả chư thiên thọ mạng rất dài. Lành thay ! Các Tỳ- kheo biết vì người, chẳng cầu tư lợi, biết thiểu dục, biết tri túc, được tịch tịnh.
Những kinh như trên đây không ai hỏi đức Phật tự giảng nói đó gọi là Ưu Đà Na kinh (tự thuyết).
Những gì là Ni Đà Na ? Như trong các kinh do nhơn duyên Phật vì người khác diễn nói. Lệ như : Trong nước Xá Vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt đặng chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhơn duyên đó mà nói kệ rằng:
Chớ khinh tội nhỏ, Cho là không họa, Giọt nước dầu nhỏ, Lần đầy lu lớn.
Như trên đây gọi là Ni Đà Na kinh ( nhơn duyên).
Những gì là A Ba Đà Na ? Như những thí dụ trong luật nói.
Những gì là Y Đế Mục Đa Dà ! Lệ như đức Phật nói : Nầy các Tỳ-kheo ! Lúc ta xuất thế những điều ta dạy bảo gọi là giới kinh. Lúc đức Câu Lưu Tôn Phật xuất thế lời Phật dạy gọi là trống Cam-lồ . Lúc đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất thế lời Phật dạy gọi là Pháp cảnh.
Lúc đức Phật Ca Diếp xuất thế lời Phật dạy gọi là Phân biệt không.
Như trên đây gọi là Y Đế Mục Đa Dà kinh ( bổn sự).
Những gì là Xà Đà Dà ? Lệ như đức Phật xưa kia làm vị Bồ Tát tu khổ hạnh. Như Phật nói : Nầy các Tỳ kheo ! Thuở quá khứ ta từng làm nai, làm gấu, làm cheo, làm thỏ, làm quốc vương, làm Chuyển Luân Thánh Vương, làm rồng, làm kim súy điểu v.v… Như trên đây gọi là Xa Đà Dà kinh (bổn sanh).
Những gì là Tỳ Phật Lược ? Tức là những kinh điển thuộc về Đại thừa Phương đẳng nghĩa lý rộng lớn dường như hư không (phương quảng).
Những gì là vị tằng hữu ? Lệ như lúc đức Bồ Tát mới sanh không ai đỡ dắt mà tự đi bảy bước, phóng quang minh lớn ngó khắp mười phương. Lệ như con vượn tay bưng bát mật dâng cúng đức Như Lai,. Lệ như chó cổ trắng đến bên Phật nghe pháp. Lệ như ma vương Ba Tuần biến làm trâu xanh đi trong bát sành, làm cho các bát sành đụng chạm lẫn nhau mà không nứt bể. Lệ như Phật lúc mới sanh lúc vào thiên miếulàm cho thiên tượng đứng dậy bước xuống đảnh lễ.
Những đoạn kinh như trên đây gọi là Vị Tằng Hữu kinh.
Những gì là Ưu Ba Đề Xá ? Lệ như đức Phật lúc nói kinh hoặc luận nghĩa cùng phân biệt giảng rộng biện luận các tướng mạo, đây gọi là Ưu Ba Đề Xá kinh (luận nghị).
Bồ Tát nếu có thể rõ biết mười hai bộ kinh như vậy thời gọi là biết pháp.
Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là biết nghĩa ? Nếu Bồ Tát ở nơi tất cả văn tự ngữ ngôn biết rộng những ý nghĩa thời gọi là biết nghĩa.
Bố Tát Ma Ha Tát thế nào là biết giờ ? Bồ Tát khéo biết trong những giờ như vậy có thể tu tịch tịnh, trong những giờ như vậy có thể tu tinh tấn, trong những giờ như vậy có thể tu xả định, trong những giờ như vậy có thể cúng dường Phật, trong những giờ như vậy có thể cúng dường Sư trưởng, trong những giờ như vậy có thể tu hạnh bố thí, trì giới nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật. Như trên đây gọi là biết giờ.
Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là tri túc ?
Bồ Tát biết đủ đối với những việc dưới đây :Uống ăn, y phục, thuốc men, đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói, nín. Như trên đây gọi là tri túc.
Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là biết mình ? Vị Bồ Tát nầy tự biết rằng ta có đức tin như vậy, có giới như vậy, có đa văn như vậy, có xả như vậy, có huệ như vậy, có đi đến như vậy, có chánh niệm như vậy, có hạnh lành như vậy, hỏi như vậy, đáp như vậy, như trên đây gọi là biết mình.
Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là biết người ? Bồ Tát nầy biết những người đây là hàng Sát Đế Lợi, là hàng Bà La Môn, là hàng Cư Sĩ, là hàng Sa Môn. Nên ở trong chúng nầy đi đến như vậy, ngồi đứng như vậy, thuyết pháp như vậy, hỏi đáp như vậy. Như trên đây gọi là biết người.
Bồ Tát Ma Ha Tát thế nào gọi là biết người bực tôn bực ty ? Người có hai hạng : Một là có tín tâm, hai là chẳng có tín tâm. Bồ Tát phải biết người có tín tâm thời là người lành, người chẳng có tín tâm thời chẳng gọi là người lành.
Người có tín tâm lại có hai hạng: Một là người thường đến chùa chiền, hai là người chẳng đến chùa, Bồ Tát phải biết người đến chùa là lành, người chẳng đến chùa thời chẳng gọi là lành.
Người đến chùa lại có hai hạng : Một là lễ bái, hai là chẳng lễ bái, Bồ Tát phải biết người lễ bái là lành, người chẳng lễ bái thời chẳng gọi là lành.
Người lễ bái lại có hai hạng : Một là nghe pháp, hai là chẳng nghe pháp. Bồ Tát phải biết người nghe pháp là lành, người chẳng nghe pháp thời chẳng gọi là lành.
Người nghe pháp lại có hai hạng : Một là hết lòng lóng nghe, hai là chẳng hết lòng. Bồ Tát phải biết người hết lòng nghe thời gọi là lành, người chẳng hết lòng nghe thời chẳng gọi là lành.
Hết lòng nghe pháp lại có hai hạng : Một là suy gẫm ý nghĩa, hai là chẳng suy gẫm ý nghĩa. Bồ Tát phải biết người gẫm nghĩa là lành, người chẳng gẫm nghĩa thời chẳng gọi là lành.
Người gẫm nghĩa lại có hai hạng : Một là đúng như lời nói thật hành, hai là chẳng thật hành đúng như lời nói. Người thật hành gọi là lành, người chẳng thật hành thời chẳng gọi là lành.
Thật hành đúng như lời nói lại có hai hạng : Một là cầu quả Thanh Văn chẳng có thể lợi ích an lạc tất cả chúng sanh khổ não, hai là hồi hướng Đại thừa vô thượng, lợi ích mọi người làm cho đặng an lạc. Bồ Tát phải biết lợi ích mọi người làm cho đặng an lạc là điều lành vô thượng.
Nầy Thiện nam tử ! Như trong các châu báu, như ý bảo châu tốt đẹp hơn tất cả. Như trong các mùi vị, chất cam lồ là hơn hết. Bồ Tát nầy ở nơi trong hàng trời người là bực hơn tất cả không gì ví dụ được.
Như trên đây gọi là bực Đại Bồ Tát trụ nơi kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn an trụ nơi bảy pháp lành. Bồ Tát trụ nơi bảy pháp lành nầy thời đặng đầy đủ phạm hạnh.
Nầy Thiện nam tử ! Lại có phạm hạnh gọi là từ, bi, hỷ, xả.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Nếu người tu hạnh từ có thể dứt sân khuể. Người tu lòng bi cũng dứt được sân khuể. Sao lại nói là bốn tâm vô lượng. Xét theo nghĩa đó thời lẽ ra chỉ có ba.
Thế Tôn ! Lòng từ có ba duyên : Một là duyên chúng sanh, hai là duyên nơi pháp, ba thời duyên không. Lòng bi, hỷ, xả, cũng ba duyên như vậy, nếu theo nghĩa nầy thời lẽ ra chỉ có ba chẳng nên có bốn .
Duyên chúng sanh là duyên nơi thân ngũ ấm nguyện cho họ được vui. Duyên nơi pháp là những vật chúng sanh cần dùng đem ban cho họ. Không duyên tức là duyên nơi Như-Lai.
Lòng từ thời phần nhiều duyên nơi chúng sanh nghèo cùng. Đức Như Lai Đại Sư lìa hẳn sự nghèo cùng hưởng sự vui đệ nhứt. Nếu duyên chúng sanh thời chẳng duyên nơi Phật, Pháp cũng như vậy. Vì do nghĩa nầy nên duyên Như Lai gọi là không duyên.
Thế Tôn ! Lòng từ duyên tất cả chúng sanh, như duyên cha mẹ, vợ con, thân thuộc. Do nghĩa nầy nên gọi là chúng sanh duyên.
Pháp duyên là chẳng thấy cha mẹ, vợ con, thân thuộc. Thấy tất cả pháp đều từ nơi duyên sanh ra. Đây gọi là pháp duyên.
Vô duyên là chẳng trụ nơi pháp tướng và chúng sanh tướng.
Từ, bi, hỷ, xả, đều duyên như vậy, vì thế nên lẽ ra chỉ có ba chẳng nên có bốn.
Thế Tôn ! Người có hai hạng : Một là kiến hành, hai là ái hành. Người kiến hành nhiều tu từ bi, người ái hành nhiều tu hỉ xả. Vì thế nên đáng lẽ có hai chẳng nên có bốn.
Thế Tôn ! Luận về vô lượng gọi là vô biên. Vì chẳng thể được biên bờ nên gọi là vô lượng. Nếu là vô lượng thời lẽ ra nên có một chẳng nên nói là bốn.
Nếu nói là bốn đâu đặng vô lượng. Vì thế nên là một chẳng nên là bốn vậy”.
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát : “ Nầy Thiện nam tử ! Chư Phật Như Lai vì mọi loài chúng sanh mà giảng nói pháp yếu. Lời của Phật bí mật khó hiểu biết được. Hoặc vì chúng sanh nói một nhơn duyên. Như nói những gì là một nhơn duyên tức là tất cả pháp hữu vi.
Hoặc nói hai thứ là nhơn cùng quả.
Hoặc nói ba thứ là phiền não, nghiệp và khổ.
Hoặc nói bốn thứ là vô minh, hành, sanh, và lão tử.
Hoặc nói năm thứ là thọ, ái, thủ, hữu và vô sanh.
Hoặc nói sáu thứ là nhơn quả ba đời.
Hoặc nói bảy thứ là thức, danh sắc, lục nhập xúc, thọ, ái, và thủ. Hoặc nói tám thứ là trong mười hai nhơn duyên trừ vô minh, hành, sanh và lão tử.
Hoặc nói chín thứ như trong Thánh kinh nói mười hai nhơn duyên trừ vô minh, hành và thức.
Hoặc nói mười một thứ như trong kinh Tát Giá Ni Kiền Tử nói mười hai nhơn duyên trừ sanh.
Hoặc có lúc nói đủ cả mười hai nhơn duyên. Như nơi thành Vương Xá vì Ca Diếp v.v… nói vô minh nhẫn đến sanh, lão, bịnh, tử.
Nầy Thiện nam tử ! Như một nhơn duyên vì chúng sanh nên phân biệt nhiều thứ, vô lượng tâm cũng như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Vì do nghĩa nầy đối với hạnh thâm mật của Như Lai chẳng nên sanh nghi.
Đức Như Lai có phương tiện lớn : Vô thường nói là thường, thường nói là vô thường, nói vui là khổ, nói khổ là vui, bất tịnh nói là tịnh, tịnh nói là bất tịnh, ngã nói là vô ngã, vô ngã nói là ngã, nơi vô tình nói là hữu tình, nơi hữu tình nói là vô tình, chẳng phải vật nói là vật, vật nói là chẳng phải vật, chẳng phải thiệt nói là thiệt, thiệt nói là chẳng phải thiệt, chẳng phải cảnh nói là cảnh, cảnh nói là chẳng phải cảnh, chẳng phải sanh nói là sanh, sanh nói là chẳng phải sanh, nhẫn đến vô minh nói là minh, minh nói là vô minh, sắc nói là chẳng phải sắc, chẳng phải sắc nói là sắc, chẳng phải đạo nói là đạo, đạo nói là chẳng phải đạo. Nầy thiện nam tử ! Đức Như Lai vì điều phục chúng sanh dùng vô lượng phương tiện như vậy há lại là hư vọng ư !
Hoặc co ùchúnh sanh tham của cải, đối với người đó ta tự hóa thân mình làm vua Chuyển Luân, theo chỗ cần dùng của người đó cung cấp các thứ vật dụng trong nhiều năm, rồi sau giáo hoá nó, cho nó được trụ nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nếu có chúng sanh tham đắm ngũ dục, trong nhiều năm ta đem ngũ dục cung cấp nó, rồi sau khuyến hoá, cho nó trụ nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nếu có chúng sanh sang giàu, thời ta trong nhiều năm vì người đó mà làm tôi tớ hầu hạ cho người đó vừa lòng, rồi sau khuyến hoá người đó trụ nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nếu có chúng sanh cứng cỏi tự thị cần có người can gián, thời ta trong nhiều năm can ngăn khuyên dạy, làm cho tâm người đó điều thuận rồi sau khuyến hoá người đó trụ nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Nầy Thiện nam tử ! Đức Như Lai trong vô lượng năm dùng mọi thứ phương tiện làm cho chúng sanh được trụ nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác như vậy há lại hư vọng ư !
Chư Phật Như Lai dầu ở trong chỗ ác nhưng như hoa sen không bị nhiễm ô.
Nầy Thiện nam tử ! Nên biết nghĩa của bốn tâm vô lượng cũng như vậy, tâm vô lượng nầy thể tánh có bốn. Nếu có người tu hành thời sanh lên cõi trời Đại Phạm.
Tâm vô lượng nầy có bốn loại, nên nói là bốn.
Luận về người tu lòng từ có thể dứt tham dục. Người tu lòng bi có thể dứt sân khuể. Người tu lòng hỷ có thể dứt sự chẳng vui. Người tu lòng xả có thể dứt tham dục và sân khuể.
Nầy Thiện nam tử ! Do nghĩa nầy nên được gọi là bốn, chẳng phải một, hai cũng chẳng phải ba.
Nầy Thiện nam tử ! Như lời ông nói lòng từ có thể dứt được sân, lòng bi cũng như vậy nên nói là ba đó, ông chẳng nên nạn như vậy. Sân khuể có hai thứ : Một là giết chết, hai là đánh đập. Tu lòng từ thời dứt được sự giận giết chết. Tu lòng bi thời dứt được sự giận đánh đập. Do nghĩa đó há lại chẳng phải là bốn ư !
Sân lại có hai thứ : Một là sân với chúng sanh, hai là sân với chẳng phải chúng sanh. Người tu lòng từ dứt được sự sân với chúng sanh. Người tu lòng bi dứt được sự sân với chẳng phải chúng sanh.
Sân lại có hai thứ : Một là có nhơn duyên, hai là không nhơn duyên.
Tu lòng từ dứt được sự sân có nhơn duyên. Tu lòng bi dứt được sự sân không nhơn duyên.
Sân lại có hai thứ : Một là tập quán quá khứ, hai là tập quán hiện tại, tu lòng từ dứt được sân quá khứ. Tu lòng bi dứt được sân hiện tại.
Sân lại có hai thứ : Một là sân thánh nhơn hai là sân phàm phu. Tu lòng từ dứt được sân thánh nhơn. Tu lòng bi dứt được sân phàm phu.
Sân lại có hai thứ : Một là thượng hai là trung. Tu lòng từ dứt được sân hạng thượng. Tu lòng bi dứt được sân hạng trung.
Nầy Thện nam tử !Do nghĩa nầy nên gọi là bốn, đâu đặng nạn rằng : Nên ba chẳng nên bốn. Thế nên tâm vô lượng nầy loại của nó đối nhau phân biệt làm bốn.
Lại do vì căn khí nên thành bốn : Căn khí nếu có tâm từ thời chẳng đặng có tâm bi, hỷ, xả. Vì do nghĩa nầy nên phải là bốn không bớt được.
Nầy Thiện nam tử ! Do thật hành sai khác nên phải có bốn. Nếu lúc thật hành hạnh từ không có hạnh bi, hỷ, xả, vì thế nên cóø bốn.
Nầy Thiện nam tử ! Do vì vô lượng cũng đặng gọi là bốn. Luận về vô lượng thì có bốn thứ : Có tâm vô lượng, có duyên chẳng tự tại, có tâm vô lượng tự tại, chẳng phải duyên, có tâm vô lượng cũng duyên cũng tự tại, có tâm vô lượng chẳng phải duyên chẳng phải tự tại.
Thế nào là tâm vô lượng có duyên chẳng tự tại ? Duyên nơi vô lượng vô biên chúng sanh mà chẳng đặng chánh định tự tại, dầu đặng chánh định nhưng hoặc đặng hoặc mất.
Thế nào là tâm vô lượng tự tại chẳng phải duyên ? Như duyên cha mẹ, anh em, chị em, muốn làm cho được an vui, chẳng phải là duyên vô lượng.
Thế nào là tâm vô lượng cũng duyên cũng tự tại ? Tức là nói chư Phật Bồ Tát.
Thế nào tâm vô lượng chẳng phải duyên chẳng tự tại ? Hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng có thể duyên rộng vô lượng chúng sanh cũng chẳng phải tự tại.
Nầy Thiện nam tử ! Do nghĩa đây nên gọi là bốn thứ vô lượng, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, đây là cảnh giới của chư Phật.
Bốn thứ vô lượng như vậy, hàng Thanh Văn Duyên Giác dầu gọi là vô lượng, nhưng chỉ chút ít không đáng kể. Chư Phật và Bồ Tát thời đặng gọi là vô lượng vô biên.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Phải lắm ! Phải lắm ! Thiệt đúng như lời dạy của Phật. Bao nhiêu cảnh giới của Như Lai, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết đến được. Thế Tôn ! Có Bồ Tát nào trụ nơi Đại thừa Đại Niết Bàn đặng tâm từ bi mà chẳng phải là tâm đại từ đại bi chăng ?”
Phật nói : “ Có. Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát nếu đối trong hàng chúng sanh phân biệt ba hạng : Một là người thân yêu, hai là kẻ oán ghét, ba là người không thương không ghét. Đối trong những người thương yêu lại chia ba hạng : Thượng, trung, hạ. Đối với kẻ oán ghét cũng vậy. Vị Bồ Tát nầy ở trong hạng thương yêu bực thượng ban cho sự vui tăng thượng. Nơi trong hạng thân yêu bực trung, bực hạ cũng bình đẳng ban cho sự vui tăng thượng,. Ở nơi trong hạng oán ghét bực thượng cho ít phần vui. Nơi trong kẻ oán ghét bực trung cho sự vui vừa vừa. Nơi trong hạng oán ghét bực hạ cho sự vui tăng thượng. Bồ Tát lần lượt tu tập thêm lên như vậy, ở trong hạng oán ghét bực thượng ban cho sự vui vừa vừa, trong hạng oán ghét bực trung, bực hạ bình đẳng cho sự vui tăng thượng. Lại tu tập thêm nơi những kẻ oán ghét thượng, trung, hạ bình đẳng ban cho sự vui tăng thượng.
Nếu trong hạng oán ghét bực thượng ban cho sự vui tăng thượng, bấy giờ đặng gọi là thành tựu tâm từ.
Lúc bấy giờ Bồ Tát đối với cha mẹ là kẻ oán ghét bực thượng tâm được bình đẳng không sai khác.
Nầy Thiện nam tử ! Như trên đây gọi là đặng tâm từ chẳng phải tâm đại từ.
_ Bạch Thế Tôn ! Do duyên gì Bồ Tát đặng tâm từ như vậy mà vẫn chẳng đặng gọi là đại từ ?
_ Nầy Thiện nam tử ! Bởi vì khó thành nên chẳng gọi đại từ. Do trong vô lượng kiếp thuở quá khứ chứa nhiều phiền não chưa tu pháp lành, thế nên chẳng có thể ở nơi trong một ngày điều phục được tâm mình.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như hột đậu đá lúc đã khô lấy dùi ghim trọn không dính được. Phiền não cứng rắn cũng như vậy. Dầu một ngày đêm nhiếp tâm chẳng tán, nhưng khó điều phục được.
Lại như chó nhà chẳng sợ người, còn con nai rừng thấy người sợ chạy. Sân khuể khó trừ như giữ chó nhà, lòng từ dễ mất như nai rừng kia. Thế nên tâm nầy khó điều phục được. Do nghĩa nầy nên chẳng gọi là đại từ.
Nầy Thiện nam tử ! Ví nhu khắc trên đá lằn chữ còn mãi. Vẽ trên nước thời chóng mất. Sân như khắc trên đá. Các căn lành như vẽ trên nước. Vi thế nên tâm nầy khó điều phục được.
Như đống lửa lớn chói sáng được lâu. Ánh sáng của điện chớp thoạt có, liền mất. Sân như đống lửa. Lòng từ như ánh sáng chớp. Vì thế nên tâm nầy khó điều phục được. Do vì nghĩa nầy nên chẳng gọi là đại từ.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát trụ bực sơ địa gọi là đại từ. Tại sao vậy ? Vì người tột hung ác gọi là nhứt xiển đề.
Bực Sơ địa Bồ Tát lúc tu Đại thừa nơi hạng nhứt xiển đề tâm không phân biệt chẳng thấy lỗi của họ nên chẳng sanh lòng sân. Do nghĩa nầy mà đặng gọi là đại từ.
Nầy Thiện nam tử ! Vì trừ những sự không lợi ích cho các chúng sanh, đây gọi là đại từ.
Muốn cho chúng sanh được vô lượng lợi ích an vui, đây gọi là đại bi.
Đối với các chúng sanh sanh lòng vui mừng đây gọi là đại hỷ. Không thấy có chúng sanh được ủng hộ, đây gọi là đại xả.
Nếu chẳng thấy có ngã, pháp tướng, thân mình, thấy tất cả pháp đều bình đẳng không sai khác, đây gọi là đại xả. Tự rời bỏ sự vui của mình mà đem ban cho người khác, đây gọi là đại xả,
Nầy Thiện nam tử ! Chỉ có bốn tâm vô lượng có thể làm cho Bồ Tát được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật, những công hạnh khác chẳng quyết định được như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát trước đặng bốn tâm vô lượng thế gian, vậy sau mới phát tâm vô thượng Bồ Đề, kế đó mới đặng tâm vô lượng xuất thế. Nhơn tâm vô lượng thế gian mà được tâm vô lượng xuất thế do vì nghĩa nầy nên gọi là đại vô lượng”.
Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Trừ sự không lợi ích cùng sự lợi ích an vui thiệt không còn có việc gì để làm. Suy nghĩ như vậy thời là hư vọng quán sát không có lợi ích thiết thiệt.
Thế Tôn ! Ví như Tỳ kheo lúc quán bất tịnh thấy y của mình đắp đều trở thành tướng da mà thiệt chẳng phải là da. Những thức uống ăn đều thấy thành tướng dòi trùng mà thiệt chẳng phải dòi trùng. Quán bát canh đậu thành tướng phân dãi mà thiệt chẳng phải phân.
Quán dầu bơ đương ăn thấy như tủy óc mà thiệt chẳng phải óc.
Quán xương nát bể dường như bột bún, mà thiệt chẳng phải bột.
Cũng vậy, bốn tâm vô lượng chẳng có thể thiết thực đem sự lợi ích an vui cho chúng sanh. Dầu miệng nói rằng ban vui cho chúng sanh mà thiệt chúng sanh chẳng được vui. Tu quán như vậy chẳng phải là hư vọng ư !
Thế Tôn ! Nếu chẳng phải hư vọng mà thiệt ban cho sự vui, cớ sao chúng sanh chẳng nhờ oai lực của chư Phật Bồ Tát đặng hoàn toàn an vui tất cả.
Còn nếu quả là thiệt chẳng được an vui đó, như lời Phật nói : Ta nhớ thuở trước riêng tu tâm từ, trãi qua bảy phen thành hoại của cõi nầy chẳng đến sanh trong nhơn gian, lúc thế giới thành sanh lên trời Phạm Thiên. Lúc thế giới hoại sanh lên trời Quang Aâm. Khi sanh lên trời Phạm Thiên ta có oai thế tự tại tôn quí hơn hết trong ngàn cõi Phạm Thiên gọi là Đại Phạm Vương. Nếu các chúng sanh đối với ta đều tưởng là bực tôn thượng thời được làm vua cõi trời Đao Lợi ba mươi sáu lần. Làm vua Chuyển Luân vô lượng trăm ngàn lần.
Riêng tu lòng từ bèn đặng phước báu cõi trời cõi người như vậy. Nếu chẳng thiệt được lợi ích làm sao hiệp với nghĩa nầy ?”
Phật nói : “ Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện nam tử ! Ông thiệt là dũng mãnh không e sợ.
Phật liền vì Ca Diếp Bồ Tát mà nói kệ rằng :
Đối với một chúng sanh, Chẳng sanh lòng giận hờn, Mà muốn ban cho vui, Đây gọi là từ thiện. Trong tất cả chúng sanh, Nếu sanh được lòng bi, Gọi là thành chủng tánh, Đặng phước báo vô lượng. Giả sử Tiên Ngũ thông, Đông khắp mặt đất nầy, Có vua chúa tự tại, Dâng cấp đủ đồ dùng : Voi, ngựa, các vật dụng, Thí cho Tiên được phước, Chẳng bằng tu lòng từ, Trong một phần mười sáu.
Nầy Thiện nam tử ! Luận về người tu lòng từ thiệt chẳng phải vọng tưởng, mà chắc chắn là chơn thật. Nếu là lòng từ của Thanh Văn Duyên Giác thời gọi là hư vọng. Chư Phật Bồ Tát lòng từ chơn thật chẳng hư vọng. Do đâu mà biết như vậy ? Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát tu hành Đại Niết Bàn. Quán đất làm vàng, quán vàng làm đất, quán mặt đất thành tướng nước, quán mặt nước thành tướng đất, nước quán thành lửa, lửa quán thành nước, đất quán thành gió, gió quán thành đất, tùy ý thành tựu không có hư vọng. Quán chúng sanh thiệt thành chẳng phải chúng sanh, quán chẳng phải chúng sanh thành chúng sanh thiệt, đều tùy ý mà thành không có hư vọng.
Nầy Thiện nam tử ! Nên biết bốn tâm vô lượng của Bồ Tát là sự tư duy chân thật chẳng phải không chân thật.
Nầy Thiện nam tử ! Thế nào gọi là tư duy chơn thật ? Do vì có thể dứt trừ các phiền não vậy. Luận về tu lòng từ có thể dứt được tham dục, tu lòng bi có thể dứt được sân khuể. Tu lòng hỷ có thể dứt được sự chẳng vui vẻ. Tu lòng xả có thể dứt được tham dục, sân khuể và tướng chúng sanh.
Vì thế nên gọi là tư duy chơn thật.
Nầy Thiện nam tử ! Bốn tâm vô lượng của Bồ Tát có thể làm cội gốc cho tất cả hạnh lành.
Bồ Tát nếu chẳng thấy được chúng sanh nghèo cùng thời không duyên để sanh lòng từ. Nếu lòng từ chẳng sanh thời không thể khởi tâm huệ thí. Do nhơn duyên huệ thí làm cho chúng sanh đặng an vui. Ban cho những đồ uống ăn , xe cộ, y phục, hoa hương, giường ghế, nhà cửa, đèn đuốc. Lúc ban cho như vậy, lòng cởi mở chẳng sanh niệm tham đắm, quyết định hồi hướng vô thượng chánh đẳng, chánh giác. Lúc đó tâm của Bồ Tát không dừng ở chỗ nào, dứt hẳn vọng tưởng, chẳng kẹt nơi sợ sệt, danh dự, tài lợi, chẳng cầu quả báo vui sướng cõi trời cõi người, chẳng kiêu mạn, chẳng trông người trả ơn, chẳng vì phỉnh người mà làm việc bố thí, chẳng cầu giàu sang.
Phàm lúc làm việc bố thí, chẳng thấy người thọ là trì giới hay phá giới, là phước điền hay chẳng phải phước điền, là hàng tri thức hay chẳng phải tri thức, lúc bố thí cũng chẳng thấy là căn khí hay chẳng phải căn khí, chẳng lựa ngày giờ, chẳng chọn chỗ nơi, cũng chẳng tính là lúc được mùa hay đói kém, chẳng thấy nhơn quả chẳng phân biệt là chúng sanh hay chẳng phải chúng sanh, là phước hay chẳng phải phước.
Dầu lại chẳng thấy người thí kẻ thọ cùng của cải nhẫn đến chẳng thấy nhân tu cùng quả báo, mà luôn luôn làm việc bố thí không ngừng.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát nếu thấy người lãnh thọ là trì giới hay phá giới v.v… nhẫn đến thấy có quả báo thời chẳng thể bố thí trọn vẹn. Nếu chẳng bố thí trọn vẹn thời không thể đầy đủ đàn ba la mật. Nếu chẳng đầy đủ đàn ba la mật thời không thể thành vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nầy Thiện nam tử ! Ví như có người thân bị trúng tên độc. Quyến thuộc của người đó vì muốn cho người đó được an ổn liền mời lương y đến để nhổ tên độc.
Người đó nói đừng động đến chờ tôi quan sát coi mũi tên độc nầy từ phương nào bay đến, của ai bắn, người bắn là dòng nào : Là Sát Đế Lợi hay Bà La Môn, là Tỳ Xá hay Thủ Đà. Nghiệm coi mũi tên làm bằng cây, bằng tre hay bằng gỗ liễu. Mũi sắt từ lò nào rèn, cứng hay mềm, đuôi lông và lông cánh chim gì, chim quạ hay kên kên. Chất độc tẩm trong mũi tên tự nhiên mà có hay chế ra, là độc của loài người hay độc của loài rắn.
Người ngu si đó chưa biết được mà đã chết.
Nầy Thiện nam tử ! Cũng vậy, Bồ Tát nếu lúc làm việc bố thí phân biệt người thọ là trì giới hay phá giới, nhẫn đến phân biệt quả báo, thời chẳng bố thí trọn vẹn
Nếu chẳng bố thí trọn vẹn thời chẳng đầy đủ đàn ba la mật. Nếu chẳng đầy đủ đàn ba la mật thời chẳng đặng thành vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc làm việc bố thí Bồ Tát đối với chúng sanh lòngtừ bình đẳng tưởng như con mình. Lại lúc làm việc bố thí, đối với các chúng sanh Bồ Tát sanh lòng thương xót như cha mẹ săn sóc đứa con đang đau ốm. Lúc làm việc bố thí, lòng Bồ Tát vui mừng như cha mẹ thấy con lành mạnh.
Sau khi đã bố thí lòng Bồ Tát buông bỏ như cha mẹ thấy con khôn lớn đã có thể tự sanh sống.
Vị Bồ Tát nầy ở trong tâm từ, lúc bố thí thức ăn thường nguyện như vầy : Nay những đồ ăn của ta bố thí đều cho chung tất cả chúng sanh, do nhơn duyên nầy làm cho chúng sanh đặng có trí huệ lớn, siêng tu hồi hướng đại thừa vô thượng. Nguyện các chúng sanh đặng có trí lành chẳng cầu báo Thanh Văn và Duyên Giác. Nguyện các chúng sanh đặng món ăn pháp hỷ chẳng cầu món ăn ái nhiễm. Nguyện các chúng sanh đều đặng món ăn Bát Nhã Ba La Mật, đều được đầy đủ phương tiện vô ngại, thêm lớn căn lành. Nguyện các chúng sanh hiểu thấu tướng vô đắc, thân vô ngại dường như hư không. Nguyện các chúng sanh thường làm người lãnh thọ, thương xót tất cả mọi loài mà làm phước điền cho chúng.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc tu lòng từ khi đem thức ăn bố thí nên phải phát những điều nguyện như trên.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc bố thí các thức uống, Bồ Tát ở trong lòng từ nên nguyện rằng : Những thức uống bố thí hôm nay ta đều cho tất cả chúng sanh chung hưởng, do nhơn duyên nầy làm cho chúng sanh đến sông Đại Thừa uống nước bát vị mau lên đường Vô Thượng Bồ Đề, rời khỏi sự khô khát của Thanh Văn Duyên Giác mà khát ngưỡng cầu Phật thừa vô thượng, dứt khát phiền não mà khát ngưỡng pháp vị. Rời niệm ưa sanh tử mà ưa thích Đại Thừa Đại Niết Bàn đầy đủ pháp thân đặng các tam muội vào nơi biển lớn trí huệ rất sâu. Nguyện các chúng sanh đặng vị cam lồ trí giác xuất thế ly dục tịch tịnh. Nguyện các chúng sanh đầy đủ vô lượng trăm ngàn pháp vị. Đủ pháp vị rồi đặng thấy Phật tánh. Thấy Phật tánh rồi có thể rưới mưa pháp. Rưới mưa pháp rồi Phật tánh trùm khắp dường như hư không. Lại làm cho vô lượng chúng sanh khác đặng pháp vị duy nhứt tức là Đại thừa , chẳng phải vị sai biệt Thanh Văn và Duyên Giác. Nguyện các chúng sanh chỉ cầu pháp vị Phật tánh vô ngại, chẳng cầu những vị khác.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc bố thí các thức uống trong tâm từ Bồ Tát phải phát những nguyện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc bố thí xe cộ Bồ Tát ở trong tâm từ nên nguyện rằng : Những đồ của tôi bố thí hôm nay đều cho chúng sanh chung hưởng. Do nhơn duyên nầy khiến tất cả chúng sanh trọn nên Đại thừa, trụ nơi Đại thừa, bất thối Đại thừa, bất động chuyển thừa, kim cang tòa thừa. Chẳng cầu thừa Thanh Văn Duyên Giác, chỉ hồi hướng nơi Phật thừa vô thượng.
Bồ Tát ở trong tâm từ lúc bố thí xe cộ nên phải phát nguyện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc bố thí y phục Bồ Tát ở trong tâm từ nên nguyện rằng : Những đồ bố thí của ta hôm nay đều cho tất cả chúng sanh chung hưởng, do nhơn duyên nầy làm cho chúng sanh đặng y phục tàm quý. Pháp giới che thân xé rách y phục kiến chấp. Y phục rời thân một thước sáu tấc, đặng thân sắc vàng chạm xúc êm dịu, màu sắc nhuần láng, da thứa mịn màng, chiếu sáng vô lượng : Không sắc, rời nơi sắc. Nguyện các chúng sanh tất cả đều đặng thân không sắc vượt tất cả sắc, đặng chứng nhập Đại Niết Bàn không sắc.
Lúc bố thí y phục Bồ Tát ở trong tâm từ nên phát nguyện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc bố thí hoa hương, hương thoa, hương bột, các hương thơm, trong tâm từ Bồ Tát nên nguyện rằng : Những đồ bố thí của ta hôm nay đều cho tất cả chúng sanh chung hưởng. Do nhơn duyên nầy làm cho tất cả chúng sanh đều được bông tam muội của Phật, tràng hoa thất giác chi tốt đẹp vấn trên đầu của chúng. Nguyện các chúng sanh thân hình xinh đẹp như trăng tròn, các màu sắc được thấy diệu mầu đệ nhứt. Nguyện các chúng sanh đều thành tướng trăm phước trang nghiêm. Nguyện các chúng sanh tùy ý đặng thấy màu sắc vừa ý. Nguyện các chúng sanh thường gặp bạn lành đặng hương vô ngại rời những hôi nhơ. Nguyện các chúng sanh, đầy đủ căn lành trân bảo vô thượng. Nguyện các chúng sanh nhìn nhau hòa vui không có. lo khổ, đầy đủ hạnh lành. Nguyện các chúng sanh trọn đủ giới hương. Nguyện các chúng sanh trì giới vô ngại mùi thơm ngạt ngào khắp cả mười phương. Nguyện các chúng sanh, đặng giới bền chắc, đặng giới không nghi hối đặng giới nhứt thế trí, rời các sự phá giới, đều đặng giới không, giới chưa từng có, giới vô sư, giới vô tác, giới không ô nhiễm, giới hoàn toàn, giới rốt ráo, giới bình đẳng. Lấy hương xoa nơi thân xem đồng như chém đâm không có ưa cùng ghét. Nguyện các chúng sanh đặng giới vô thượng, giới Đại thừa, chẳng phải giới Tiểu thừa. Nguyện các chúng sanh đều đặng đầy đủ Thi Ba La Mật, như chư Phật thành tựu giới độ. Nguyện các chúng sanh đều được huân tu hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Nguyện các chúng sanh đều đặng trọn nên hoa sen vi diệu Đại Niết Bàn. Hoa đó mùi thơm khắp cả mười phương. Nguyện các chúng sanh thuần ăn cơm thơm vô thượng Đại Thừa Đại Niết Bàn. Như con ong hút hoa chỉ lấy vị mật. Nguyện các chúng sanh đều đặng thành tựu thân vô lượng công đức.
Lúc bố thí hoa hương Bồ Tát ở trong tâm từ nên phải phát nguyện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Lúc bố thí giường chiếu, Bồ Tát ở trong tâm từ nên phát nguyện rằng : Những giường chiếu của tôi hôm nay cho tất cảchúng sanh chung hưởng. Do nhơn duyên nầy làm cho chúng sanh đặng giường nằm của bực trời ở trong các trời, đặng trí huệ lớn ngồi tứ thiền, nằm ở nơi giườg của Bồ Tát, chẳng nằm nơi giường của Thanh Văn, Bích Chi Phật là giường nằm thô ác. Nguyện cho chúng sanh đặng giường an lạc, lìa giường sanh tử thành tựu giường sư tử Đại Niết Bàn.
Nguyện cho các chúng sanh ngồi trên giường nầy rồi, lại vì vô lượng chúng sanh khác thị hiện thần thông sư tử du hí. Nguyện các chúng sanh trụ trong cung điện lớn Đại thừa nầy vì các chúng sanh khác diễn nói Phật tánh.
Nguyện các chúng sanh ngồi trên giường vô thượng chẳng bị pháp thế gian chi phối.
Nguyện các chúng sanh đặng giường nhẫn nhục, rời hẳn sanh tử đói khát lạnh lẽo.
Nguyện các chúng sanh đặng giường vô úy lìa hẳn tất cả giặc phiền não.
Nguyện các chúng sanh đặng giường thanh tịnh chuyên cầu đạo vô thượng chánh chân.
Nguyện các chúng sanh đặng giường pháp lành thường được bạn lành ủng hộ.
Nguyện các chúng sanh đặng giường nằm hông bên hữu, nương nơi pháp của chư Phật đã làm.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát lúc bố thí giường chiếu ở trong tâm từ nên phải phát nguyện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát lúc bố thí nhà cửa ở trong tâm từ thường phát nguyện rằng : Nhà cửa của tôi bố thí hôm nay đều cho tất cả chúng sanh chung hưởng. Do nhơn duyên nầy làm cho các chúng sanh ở nhà Đại thừa, tu hành những hạnh của thiện hữu làm, thật hành hạnh đại bi, hạnh lục độ, hạnh đại chánh giác, đạo hạnh của tất cả Bồ Tát làm, hạnh rộng lớn vô biên như hư không.
Nguyện các chúng sanh đều đặng chánh niệm, xa lìa niệm ác.
Nguyện các chúng sanh đều đặng an trụ thường, lạc, ngã, tịnh, lìa hẳn bốn thứ điên đảo.
Nguyện các chúng sanh thảy đều thọ trì nhà xuất thế.
Nguyện các chúng sanh đều là căn khí vô thượng nhứt thiết trí.
Nguyện các chúng sanh đều đặng vào nơi ngôi nhà cam lồ.
Nguyện các chúng sanh trong tất cả tâm thường vào ngôi nhà Niết Bàn.
Nguyện các chúng sanh nơi đời vị lai thường ở cung điện của Bồ Tát ở. Bồ Tát lúc bố thí nhà cửa ở trong tâm từ thường nên phát nguyện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát lúc bố thí đèn sáng ở trong tâm từ thường nguyện rằng những đèn sáng của tôi bố thí hôm nay đều cho tất cả chúng sanh chung hưởng. Do nhơn duyên nầy làm cho các chúng sanh có vô lượng ánh sáng an trụ nơi Phật pháp.
Nguyện các chúng sanh thường đặng chiếu sáng.
Nguyện các chúng sanh được sắc thân tốt đẹp nhuần sáng đệ nhứt.
Nguyện các chúng sanh đặng con mắt thanh tịnh không có những màn lòa.
Nguyện các chúng sanh đặng đuốc đại trí huệ, khéo hiểu lý vô ngại, không tướng chúng sanh, không tướng nhân, không tướng thọ mạng.
Nguyện các chúng sanh đều đặng nhìn thấy Phật tánh thanh tịnh dường như hư không.
Nguyện các chúng sanh nhục nhãn thanh tịnh thấy suốt hằng hà sa thế giới ở mười phương.
Nguyện các chúng sanh đặng ánh sáng của Phật chiếu khắp mười phương.
Nguyện các chúng sanh đặng con mắt vô ngại đều được thấy Phật tánh thanh tịnh.
Nguyện các chúng sanh đặng trí huệ lớn phá tất cả tối tăm và kẻ nhứt xiển đề.
Nguyện các chúng sanh đặng vô lượng quang minh chiếu vô lượng thế giới của chư Phật.
Nguyện các chúng sanh thắp đèn đại thừa rời đèn nhị thừa.
Nguyện các chúng sanh đặng quang minh dứt trừ tối vô minh hơn công dụng chiếu sáng của ngàn mặt trời.
Nguyện các chúng sanh được ánh sáng hỏa châu, diệt hết những tối tăm của tam thiên đại thiên thế giới.
Nguyện các chúng sanh đầy đủ ngũ nhãn, tỏ ngộ pháp tướng, thành vô sư trí.
Nguyện các chúng sanh không kiến không minh.
Nguyện các chúng sanh đều đặng ánh sáng vi diệu Đại Thừa Đại Niết Bàn, khai thị cho chúng sanh ngộ Phật tánh chơn thật.
Bồ Tát lúc bố thí đèn sáng trong tâm từ thường nên phát nguyện như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Tất cả Thanh Văn Duyên Giác Bồ Tát chư Phật chỗ có căn lành đều do tâm từ làm căn bổn.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát tu tập tâm từ, có thể sanh vô lượng căn lành như những quán hạnh : Bất tịnh, sổ tức, vô thường, tứ niệm xứ, bảy phương tiện, ba quán xứ, mười hai nhơn duyên, vô ngã, v.v… Cùng với pháp noãn, pháp đãnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhứt, kiến đạo, tu đạo, chánh cần, như ý, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, bát giải thoát, bát thắng xứ, mười nhứt thiết nhập, không, vô tướng, vô nguyện, vô tránh tam muội, tha tâm trí, các thần thông, trí biết bổn tế, trí Thanh Văn, trí Duyên Giác, trí Bồ Tát, trí Phật.
Nầy Thiện nam tử ! Những pháp như vậy tâm từ là căn bổn. Do vì nghĩa đó nên từ là chơn thật chẳng phải là hư vọng.
Nếu có người hỏi gì là căn bổn của tất cả pháp lành ? Nên đáp : Chính là tâm từ. Do vì nghĩa đó nên từ là chơn thật, chẳng phải hư vọng.

Nầy Thiện nam tử ! Người có thể thực hành pháp lành, gọi là thiệt tư duy, người thiệt tư duy, bèn gọi là có tâm từ. Tâm từ chính là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là Đại thừa, Đại thừa tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là đạo Bồ Đề, đạo Bồ Đề tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là Đại Phạm, Đại Phạm tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ có thể vì tất cả chúng sanh mà làm phụ mẫu, phụ mẫu tức là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật chính là tâm từ. Nên biết tâm từ chính là Như Lai.
NầyThiện nam tử ! Tâm từ chính là Phật tánh của chúng sanh. Phật tánh như vậy từ lâu bị phiền não che đậy nên làm cho chúng sanh chẳng đặng nhìn thấy, Phật tánh tức là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai.
Nầy thiện nam tử ! Tâm từ tức là Đại không, Đại không tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là hư không, hư không tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là thường, thường tức là pháp, pháp tức là tăng. Tăng tức là từ, từ chính là Như Lai.
Và nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là lạc, lạc tức là pháp, pháp tức là Tăng, Tăng tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là tịnh, tịnh tức là pháp, pháp tức là Tăng, Tăng tức là tâm từ, tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là ngã, ngã tức là pháp, pháp tức là Tăng, Tăng tức là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là cam lồ, cam lồ tức là tâm từ, tâm từ tức là Phật tánh , Phật tánh tức là pháp, pháp tức là Tăng, Tăng tức là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là đạo vô thượng của tất cả Bồ Tát, đạo là tâm từ, tâm từ chính là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ tức là cảnh giới vô lượng của chư Phật, cảnh giới vô lượng tức là tâm từ, nên biết tâm từ tức là Như Lai.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ là vô thường, vô thường tức là tâm từ, nên biết tâm từ nầy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ là khổ, khổ là tâm từ, nên biết tâm từ nầy là tâm từ của Thanh văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ là bất tịnh, bất tịnh là tâm từ , nên biết tâm từ nầy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ là vô ngã, vô ngã là tâm từ, nên biết tâm từ nầy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ nếu là vọng tưởng, vọng tưởng là tâm từ, nên biết tâm từ nầy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! nếu tâm từ chẳng gọi là Đàn Ba La Mật nên biết tâm từ nầy là tâm từ cuả Thanh Văn..
Nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật cũng lại như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ chẳng có thể lợi ích chúng sanh, tâm từ như vậy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ nếu chẳng vào đạo nhứt tướng, nên biết tâm từ đó là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ nếu chẳng có thể thấu rõ các pháp, nên biết tâm từ ấy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ nếu thấy các pháp đều có tướng, nên biết tâm từ ấy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ là hữu lậu ấy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ là hữu vi, tâm từ hữu vi nầy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ chẳng trụ nơi bực sơ trụ thời chẳng phải tâm từ của sơ trụ, nên biết tức là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ chẳng có thể đặng mười trí lực của Phật và bốn món vô sở úy, nên biết tâm từ nầy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu tâm từ có thể đặng bốn quả Sa Môn, nên biết tâm từ nầy là tâm từ của Thanh Văn.
Nầy Thiện nam tử ! Tâm từ nếu là có, không, chẳng phải có, chẳng phải không, tâm từ như vậy chẳng phải hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật nghĩ bàn được. Tâm từ nếu chẳng thể nghĩ bàn, thời pháp chẳng thể nghĩ bàn, Phật tánh chẳng thể nghĩ bàn, Như Lai chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Vị Đại Bồ Tát trụ nơi Đại Thừa Đại Niết Bàn tu tâm từ như vậy, dầu lại an trụ trong thùy miên mà chẳng thùy miên, do vì siêng năng tinh tấn. Dầu thường thức giấc cũng không thức giấc, vì không có ngủ. Ở trong thùy miên chư thiên dầu hộ vệ cũng không hộ vệ, vì chẳng làm việc ác. Thùy miên chẳng ác mộng, không có việc chẳng lành vì rời thùy miên. Sau khi mạng chung dầu sanh lên Phạm Thiên cũng không sanh vì đặng tự tại.
Nầy Thiện nam tử ! Luận về người tu từ có thể đặng thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Kinh điển Đại Niết Bàn vi diệu nầy cũng có thể thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy. Chư Phật Như Lai cũng đặng thành tựu vô lượng vô biên công đức như vậy.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Chắp tay lạy người


Chuyển họa thành phúc


Những tâm tình cô đơn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.78.111 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập