Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
15. PHẨM NGUYỆT DỤ THỨ MƯỜI LĂM
(Hán bộ phần đầu quyển thứ chín)
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát : “ Ví như có người thấy mặt trăng lặn, cho rằng mặt trăng đã mất, nhưng thiệt ra mặt trăng không mất, đang hiện ra ở phương khác. Chúng sanh xứ kia lại nói là mặt trăng mọc, nhưng thật ra mặt trăng không có mọc, vì bị che chướng không thấy, nên cho rằng mặt trăng có mọc, có lặn, nhưng thật ra mặt trăng không mọc không lặn.
Cũng vậy, đức Như-Lai chánh biến tri hiện ra nơi Đại-Thiên-Thế-Giới, hoặc sanh tại Diêm-Phù-Đề, có cha, có mẹ, chúng sanh đều cho rằng đức Như-Lai giáng sanh trong Diêm-Phù-Đề . Hoặc thị hiện Niết-Bàn, chúng sanh cho rằng đức Như-Lai nhập Niết-Bàn. Nhưng thật ra, Như-Lai tánh không sanh không diệt. Vì giáo hóa chúng sanh nên thị hiện sanh diệt.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như xứ nầy thấy mặt trăng tròn, phương khác thấy mặt trăng khuyết, phương nầy thấy mặt trăng khuyết, phương khác thấy mặt trăng tròn. Người Diêm-Phù-Đề nều thấy bắt đầu có mặt trăng nói là ngày mùng một, tưởng là đầu tháng. Lúc thấy trăng tròn, nói là ngày rằm. Nhưng mặt trăng thiệt không có khuyết với tròn, vì bị che chướng mà có thêm bớt.
Cũng vậy, ở trong Diêm-Phù-Đề, Đức Như-Lai hoặc hiện giáng sanh, hoặc hiện Niết-Bàn. Lúc mới giáng sanh như mặt trăng đầu tháng. Đi bảy bước, như mặt trăng ngày mùng hai. Vào học đường, như mặt trăng ngày mùng ba. Lúc xuất gia như mặt trăng ngày mùng tám. Phóng ánh sáng trí huệ vi diệu, phá vô lượng chúng ma như trăng tròn ngày rằm. Thị hiện ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt để tự trang nghiêm. Rồi thị hiện nhập Niết-Bàn, như cuối tháng mặt trăng ẩn.
Chỗ thấy của chúng sanh chẳng đồng : Hoặc thấy trăng nửa, hoặc thấy trăng tròn, hoặc thấy trăng ẩn, nhưng thật ra mặt trăng không có thêm bớt, vẫn luôn là mặt trăng đầy đủ.
Cũng vậy, thân của đức Như-Lai vẫn luôn là thường trụ chẳng biến đổi.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như mặt trăng tròn chiếu sáng, tất cả thành ấp, xóm làng, trong nước suối, nước đầm, trong giếng, trong ao, trong nước bồn nước chậu, tất cả đều có mặt trăng hiện. Có người đi trăm do tuần, ngàn do tuần vẫn thấy mặt trăng luôn đi theo mình. Phàm phu ngu mê tưởng rằng ta trước kia ở trong thành ấp nhà cửa thấy mặt trăng như vậy, giờ đây ở nơi đầm trống nầy thấymặt trăng. Đây là mặt trăng trước kia hay là mặt trăng khác. Mỗi người tự nghĩ tưởng hình dáng mặt trăng lớn nhỏ, hoặc nói như miệng chậu, hoặc cho rằng lớn như bánh xe vân vân. Mặt trăng nầy vốn có một, mà chúng sanh nhận thấy hình dáng khác nhau.
Cũng vậy, đức Như-Lai xuất hiện ra đời, có người hay trời nghĩ rằng nay đây đức Như-Lai ở trước mặt chúng tôi. Cũng có những chúng sanh khác cho rằng hiện nay đức Như-Lai ở trước mặt họ. Hoặc có kẻ điếc câm cũng thấy đức Như- Lai có tướng điếc câm. Muôn loài chúng sanh nói tiếng khác nhau, đều cho rằng đức Như-Lai đồng tiếng với mình. Cũng đều nghĩ rằng đức Như-Lai đang thọ cúng dường tại nhà tôi.
Có chúng sanh thấy thân Như-Lai rộng lớn vô lượng, có loài thấy thân Phật nhỏ bé. Có kẻ thấy Phật là hình dáng Thanh-Văn, hoặc là hình dáng Duyên- Giác.
Cũng có hàng ngoại đạo lại cho rằng hiện nay Đức Như-Lai xuất gia học đạo ở trong giáo phái chúng ta.
Hoặc có chúng sanh nghĩ rằng, nay Đức Như-Lai riêng vì chúng ta mà xuất hiện nơi đời.
Thiệt tánh của Như-Lai tức là pháp thân, là thân vô sanh, là thân phương tiện, tùy thuận nơi thế gian thị hiện vô lượng nghiệp dụng, thị hiện sanh ra nơi nầy nơi khác. Như mặt trăng kia hiện ra trong tất cả chỗ có nước.
Do nghĩa nầy nên Như-Lai là thường trụ không có biến đổi.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như La-Hầu-La Tu-La-Vương lấy tay che mặt trăng, người đời cho rằng mặt trăng bị nuốt. Nhưng mặt trăng vẫn luôn đầy đủ không có sứt mẻ, vì tay A-Tu-La che nên ánh sáng chẳng hiện. Lúc A-tu-La thâu tay, người đời cho rằng mặt trăng sanh trở lại, và cho rằng mặt trăng chịu nhiều sự khổ não. Nhưng mặt trăng vẫn không có những sự ấy, giả sử trăm ngàn A-Tu-La- Vương cũng chẳng làm khổ não được mặt trăng.
Cũng vậy, đức Như-Lai thị hiện, có chúng sanh đối với đức Như-Lai sanh tâm hung ác, hại thân Phật chảy máu thành tội ngũ nghịch, hoặc hủy báng chánh pháp thành hạng nhứt-xiển-đề. Vì các chúng sanh mà thị hiện những sự phá hoại tăng đoàn dứt diệt chánh pháp, làm những điều chướng nạn. Nhưng thật ra, giả sử trăm ngàn vô lượng loài ma cũng không thể làm thân Như-Lai chảy máu. Vì thân Như-Lai không có huyết, nhục, gân mạch, xương tủy, Như-Lai chơn thật, thiệt không có sự não hoại. Chúng sanh đều cho rằng pháp và tăng bị hủy hoại, Như-Lai dứt diệt. Nhưng Như-Lai tánh chơn thật không biến đổi, không có phá hoại. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như hai người đấu võ, hoặc dùng dao gậy chém đập tuôn máu, dầu đánh nhau đến chết mà chẳng nghĩ tưởng là giết nhau, thời nghiệp tướng ấy nhẹ mà chẳng nặng. Đối với đức Như-Lai vốn không có tâm giết hại, dầu làm cho thân Phật ra máu, thời nghiệp nầy cũng nhẹ mà chẳng nặng. Vì giáo hoá chúng sanh đời vị lai, nên đức Phật thị hiện nghiệp báo.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như lương y đem những phương thuốc căn bản ân cần truyền dạy cho người con, người con kính vâng lời của cha, chuyên cần học tập, hiểu rành các phương thuốc. Thời gian sau, lương y chết. Ngườicon kêu khóc mà nói thế nầy : Cha tôi dạy cho tôi những phương thuốc như vậy như vậy.
Cũng vậy, đức Như-Lai vì giáo hoá chúng sanh mà thị hiện chế-giới luật : Phải thọ trì như vậy, chớ phạm tội ngũ nghịch, chê bai chánh pháp và nhứt-xiển- đề. Vì đời vị lai chúng sanh khởi các tội ấy nên thị hiện như vậy, để cho các Tỳ-Kheo sau khi Phật diệt độ, rõ biết những điều như vậy : Đây là nghĩa rất sâu của khế kinh, đây là tướng nhẹ nặng của giới luật, đây là luận phân biệt những pháp cú. Như người con của lương y.
Loài người hoặc sáu tháng một lần thấy mặt trăng bị nuốt , mà chư Thiên trong khoảng giây lát đã nhiều lần thấy mặt trăng bị nuốt. Vì thời gian của nhơn loại ngắn, còn ngày giờ của chư-thiên dài.
Nầy Thiện-nam-tử ! Trời và người đều cho rằng đức Như-Lai thọ mạng ngắn ngủi. Như chư Thiên trên trời trong khoảng giây lát thấy mặt trăng bị nuốt nhiều lần. Trong khỏang giây lát, đức Như-Lai thị hiện trăm ngàn muôn ức lần nhập Niết-Bàn, dứt ma phiền não, ma ngũ ấm, ma chết. Vì vậy nên trăm ngàn muôn ức thiên ma đều biết đức Như-Lai nhập Niết-Bàn. Đức Như-Lai lại thị hiện vô lượng trăm ngàn nhơn duyên nghiệp báo tiền thân.
Vì tùy thuận theo chủng tánh của thế gian mà thị hiện vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nên Như-Lai là thường trụ không biến đổi.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như mặt trăng tròn sáng chúng sanh ưa thấy, nên gọi mặt trăng là lạc-kiến.
Chúng sanh nếu có tham, sân, si thời chẳng đặng gọi là lạc-kiến.
Tánh Như-Lai thuần thiện thanh tịnh không cấu nhiễm, thời rất đáng gọi là lạc- kiến. Những chúng sanh ưa thích chánh pháp nhìn ngó đức Như-Lai không nhàm. Những người tâm ác chẳng ưa nhìn ngó. Vì thế nên đứùc Như-Lai dụ như mặt trăng tròn sáng.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như mặt trời mọc có ba thời kỳ khác nhau, tức là xuân, hạ, và đông. Ngày mùa đông thời ngắn, ngày mùa xuân thời vừa, ngày mùa hạ thời rất dài.
Cũng vậy, ở nơi đại-thiên thế-giới nầy, đối với người thọ mạng ngắn ngủi và hàng Thanh-Văn, đức Như-Lai thị hiện tuổi thọ ngắn. Những hạng người trên đây thấy như vậy đều cho rằng đức Như-Lai thọ mạng ngắn ngủi, dụ như ngày mùa đông.
Đối với hàng Bồ-tát đức Như-Lai thị hiện tuổi thọ bực trung, hoặc một kiếp, hoặc dưới một kiếp, dụ như ngày mùa xuân.
Chỉ Phật thấy Phật thọ mạng vô lượng, dụ như ngày mùa hạ.
Nầy Thiện-nam-tử ! Giáo pháp phương đẳng đại-thừa vi-mật của Như-Lai nói là đức Như-Lai thị hiện rưới mưa đại pháp nơi thế gian.
Đời vị lai nếu có người nào có thể thọ trì kinh điển nầy, giảng nói khai-thị lợi ích cho chúng sanh, nên biết những người nầy thiệt là Bồ-Tát. Dụ như ngày thạnh- hạ rưới mưa cam-lồ.
Nếu có hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác nghe giáo pháp vi mật của Như-Lai thời dụ như ngày mùa đông gặp nhiều lạnh lẽo.
Hàng Bồ-Tát nếu nghe giáo pháp vi-mật : Như-Lai tánh thường trụ không biến đổi như vậy, thời dụ như ngày mùa xuân nẩy mầm, nở hoa.
Thiệt ra Như-Lai tánh không có dài ngắn, vì thuận theo thế gian mà thị hiện như vậy. Đó chính là Pháp-tánh chơn thật của chư Phật.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như ban ngày các ngôi sao chẳng hiện ra, mà mọi người cho rằng ban ngày các ngôi sao lặn mất, kỳ thiệt chẳng phải lặn mất, vì ánh sáng mặt trời chói sáng nên sao chẳng hiện.
Cũng vậy, hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác chẳng thấy được Như-Lai, như người đời ban ngày chẳng thấy sao.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lúc tối tăm, mặt trời mặt trăng chẳng hiện ra, kẻ ngu cho rằng mặt trời mặt trăng lặn mất, nhưng thiệt ra mặt trời mặt trăng chẳng phải lặn mất.
Lúc chánh pháp của Như-Lai diệt hết. Tam-bảo chẳng còn, cũng chẳng phải là dứt hẳn, lệ như mặt trời mặt trăng lúc lặn mất kia. Vì thế nên biết Như-Lai là thường trụ không có biến đổi. Vì chơn tánh của Tam-bảo chẳng bị những cấu nhơ làm ô nhiễm.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như đêm không trăng, sao chổi hiện ra, chiếu sáng giây lát rồi lặn mất, chúng sanh ngó thấy cho đó là điềm chẳng lành.
Cũng vậy, hàng Bích-Chi-Phật hiện ra đời trong thời kỳ không Phật, chúng sanh ngó thấy đều cho rằng đức Như-Lai thiệt diệt độ, nên sanh lòng buồn khổ. Nhưng thân Như-Lai thiệt chẳng diệt mất như mặt trời mặt trăng kia không có diệt mất.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như lúc mặt trời mọc lên, sương mù đều tan. Kinh Đại- Niết-Bàn vi diệu nầy cũng như vậy. Lúc kinh nầy xuất hiện ra đời, nếu có chúng sanh nào một lần được nghe, đều có thể dứt trừ tất cả tội nghiệp vô gián, tất cả những điều ác. Kinh Đại-Niết-Bàn nầy cảnh giới rất sâu chẳng thể nghĩ bàn, khéo nói lên được tánh Như-Lai vi-mật.
Do nghĩa nầy nên Thiện-nam-tử , Thiện-nữ-nhơn đối với Như-Lai phải có tâm tin nhận là thường trụ không biến đổi, chánh pháp chẳng dứt, Tăng bảo chẳng diệt. Nên phải dùng nhiều phương tiện siêng năng học tập kinh điển nầy. Người nầy chẳng bao lâu sẽ đặng thành vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì thế nên kinh nầy gọi là do vô lượng công đức kết thành, cũng gọi là chánh giác chẳng cùng tận, do vì chẳng cùng tận, nên đặng gọi là Đại-Niết-Bàn. 16. PHẨM BỒ TÁT THỨ MƯỜI SÁU
(Hán bộ phần sau quyển thứ chín)
Nầy Thiện-nam-tử ! Như ánh sánng mặt trời mặt trăng hơn hết trong các ánh sáng. Ánh sáng Đại-Niết-Bàn rất là thù-thắng đối với ánh sáng của các khế kinh. Ánh sáng của các khế kinh không thể kịp được. Vì ánh sáng Đại-Niết-Bàn có thể chiếu vào các lỗ chơn lông của chúng sanh. Chúng sanh dầu không có tâm bồ- đề, nhưng có thể làm nhơn duyên cho bồ-đề, vì thế nên gọi là Đại-Niết- Bàn.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Như lời Phật vừa nói “ánh sáng Đại- Niết-Bàn chiếu vào các lỗ chơn lông của chúng sanh, chúng sanh dầu không tâm bồ-đề, nhưng có thể làm nhơn duyên cho bồ-đề”. Xét ra, nghĩa trên đây chẳng đúng.
Bạch Thế-Tôn ! Người phạm bốn giới trọng, người tạo tội ngũ nghịch và hạng nhứt-xiển-đề, ánh sáng chiếu vào thân họ làm nhơn bồ đề, thời những hạng nầy có khác gì người trì giới thanh tịnh, tu tập các hạnh lành, nếu không khác, cớ sao đức Như-Lai nói nghĩa tứ-y.
Bạch Thế-tôn ! Lại như lời Phật nói, nếu có chúng sanh một lần được nghe kinh Đại-Niết-Bàn, thời dứt trừ đặng các phiền não. Trước kia đức Như-Lai lại nói có người ở nơi hằng hà sa chư Phật mà phát tâm, nghe kinh Đại-Niết-Bàn chẳng hiểu được nghĩa, sao lại có thể dứt tất cả phiền não ?
Nầy Thiện-nam-tử ! Trừ hạng nhứt-xiển-đề, những chúng sanh khác được nghe kinh nầy, thảy đều có thể làm nhơn duyên cho bồ-đề. Ánh sáng của tiếng pháp chiếu vào lỗ chơn lông quyết định sẽ đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì người đã có thể cúng dường cung kính vô lượng chư Phật mới đặng nghe kinh Đại-Niết-Bàn. Người phước bạc thời chẳng được nghe. Việc lớn như đây người đại-phước mới có thể được nghe, kẻ tiểu nhơn thời chẳng được nghe. Những gì là việc lớn ? Chính là chỉ cho tạng bí mật rất sâu của chư Phật, tức là Phật tánh.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-tôn ! Những gì làm nhơn bồ-đề cho người chưa phát tâm bồ-đề?
Nầy Thiện-nam-tử ! Nếu có người nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy, không tin nói rằng tôi chẳng cần phát bồ-đề tâm. Người đó thường ở trong chiêm bao thấy hình La-Sát, lòng rất kinh sợ. La Sát bảo rằng : Nếu ngươi chẳng phát bồ-đề tâm, ta sẽ giết ngươi. Vì sợ sệt nên khi thức giấc người nầy liền phát tâm bồ đề. Sau khi chết, nếu người nầy hoặc đọa trong ba đường ác, cùng sanh trong loài trời, loài người tiếp tục nhớ lại tâm bồ đề đã phát. Nên biết người nầy là bực bồ- tát.
Do nghĩa trên đây, nên oai thần của kinh Đại-Niết-Bàn nầy có thể làm nhơn bồ đề cho người chưa phát tâm.
Đây gọi là Bồ-Tát có nhơn duyên mà phát tâm, chẳng phải không nhơn duyên. Do vì nghĩa nầy nên kinh điển Đại-Thừa vi diệu thiệt là của Phật nói.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như trên hư không kéo mây mưa xuống, nơi cây khô, núi đá, gò nổng, cao nguyên nước không đọng lại. Ruộng thấp hồ cao đều đầy chúng sanh nơi đó được lợí ích. Cũng vậy, kinh Đại-Niết-Bàn vi diệu nầy khắp nhuần chúng sanh, làm cho nẩy nở tâm bồ đề. Còn hàng nhứt-xiển-đề chẳng phát tâm bồ đề không được lợ ích.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như hột giống đã cháy, dầu có gặp mưa trọn chẳng mọc mầm. Cũng vậy, hàng nhứt-xiển-đề dầu nghe kinh Đại-Niết-Bàn vi diệu nầy, trọn không phát tâm bồ đề. Vì hạng nầy đoạn diệt tất cả căn lành như hột giống đã cháy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như ngọc minh châu để trong nước đục, thế lực của minh châu làm cho nước liền trong. Nhưng để minh châu trong bùn lầy không thể làm cho trong. Kinh Đại-Niết-Bàn vi diệu nầy cũng như vậy, có thể làm cho chúng sanh phạm tội vô gián, tứ trọng, tiêu tội được thanh tịnh phát tâm bồ đề. Không thể làm cho nhứt-xiển-đề phát bồ đề tâm, vì nhứt-xiển-đề dứt hết căn lành không phải pháp khí.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như cây thuốc Dược Vương là vua trong những thứ thuốc. Nếu đem Dược Vương hòa với lạc, hoặc tô, hoặc mật, hoặc nước, sữa, hoặc thuốc bột, thuốc huờn, hoặc dùng thoa ghẻ, thoa mắt, hoặc uống, hoặc xông, hoặc nhìn, hoặc ngửi, đều có thể làm cho chúng sanh được lành tất cả bịnh. Dược Vương ấy chẳng nghĩ rằng chúng sanh nếu lấy rễ của ta, thời chẳng nên lấy hết, cũng chẳng nghĩ rằng, nếu lấy lá chẳng nên lấy rễ, nếu lấy thân chẳng nên lấy võ, nếu lấy võ chẳng nên lấy thân. Dược Vương ấy dầu chẳng tưởng niệm mà có thể trừ tất cả bịnh khổ.
Nầy Thiện-nam-tử ! Kinh Đại-Niết-bàn vi diệu nầy có thể diệt trừ tất cả ác nghiệp, bốn tội trọng, năm tội vô gián của chúng sanh. Người chưa phát bồ đề tâm nhơn kinh nầy thời đặng phát bồ đề tâm. Vì kinh nầy là vua trong các thứ kinh, như cây thuốc Dược Vương là vua trong các thứ thuốc. Nếu có người tu tập cùng chẳng tu tập kinh Đại-Niết-Bàn nầy, nếu nghe được danh tự của kinh nầy, nghe rồi sanh lòng kính tin, thời đều trừ diệt được tất cả phiền não. Nhưng chỉ chẳng thể làm cho hạng nhứt-xiển-đề an trụ nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác. Như Dược Vương kia dầu có thể chữa lành tất cả bịnh nặng, nhưng không thể cứu chữa người quyết định chết.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như người tay có ghẻ lở, bốc nắm thuốc độc, thời chất độc thấm vào thịt. Người tay không ghẻ lỡ, dầu có cầm nắm chất độc cũng chẳng thấm vào được. Hạng nhứt-xiển-đề không có nhơn bồ đề, như người tay không ghẻ không thể thấm chất độc. Chất độc dụ cho diệu nghĩa đệ nhứt.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như kim cương không gì phá vỡ được, mà kim cương có thể phá vỡ tất cả vật khác , chỉ trừ mu rùa và sừng bạch dương. Kinh Đại- Niết- Bàn vi diệu nầy có thể làm cho vô lượng chúng sanh trụ nơi đạo bồ đề, chỉ không thể khiến hạng nhứt-xiển-đề thành lập nhơn bồ đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như cỏ Mã-Xỉ, cây Ta-La-Xí, cây Ni-Ca-La, dầu chặt nhánh, đốn cây, nhưng rồi đâm chồi mọc lên như cũ, chẳng phải như cây Đa-la đốn rồi không thể mọc lại.
Cũng vậy, những chúng sanh đặng nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy, dầu phạm bốn tội nặng và năm tội vô gián, vẫn có thể sanh nhơn bồ đề, Hạng nhứt- xiển-đề thời chẳng như vậy, dầu đặng nghe kinh điển vi diệu, nhưng không thể sanh nhơn bồ đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như cây Khư-đà-la, cây Trấn-đầu-ca bị đốn thời chẳng mọc lại, và những hột giống bị cháy thời chẳng mọc mầm, cũng vậy, hàng nhứt- xiển-đề dầu đặng nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy. Nhưng không thể phát tâm bồ-đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như mưa to, nước mưa chẳng dừng ở hư không. Kinh Đại-Niết-Bàn nầy cũng chẳng dừng ở nơi hạng nhứt-xiển-đề.
Hạng nhứt-xiển-đề nầy khắp mình kín dày như chất kim cương, vật ngoài không thể lọt vào được.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Như đức Phật từng nói kệ rằng :
Chẳng thấy, lành, chẳng làm. Chỉ thấy, ác, nên làm. Điều đó đáng kinh sợ. Dường như đường nguy hiểm.
Bạch Thế-Tôn ! Bài kệ đó có những nghĩa gì ?”
Phật nói : “ Nầy Thiện-nam-tử ! Chẳng thấy là chẳng thấy Phật tánh. Lành là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chẳng làm là chẳng gần gũi thiện tri thức. Chỉ thấy là thấy không nhơn quả. Ác là hủy báng kinh điển Đại-thừa Phương- đẳng. Nên làm là hạng nhứt-xiển-đề nói không có Đại-thừa. Hạng nhứt-xiển- đề không có tâm xu hướng pháp lành thanh tịnh. Pháp lành là Đại-Niết-Bàn . Xu hướng Đại-Niêt-Bàn là nói có thể tu tập hạnh hiền-thiện. Hạng nhứt-xiển-đề không hạnh hiền-thiện, nên không thể xu hướng Đại-Niết-Bàn. Điều đó đáng kinh sợ là nói hủy báng chánh pháp : Người trí phải kinh sợ, vì người hủy báng chánh pháp không có tâm lành, không có phương tiện tu tập, con đường nguy hiểm là nói các hành pháp.
Ca-Diếp Bồ-Tát lại bạch : Như Phật từng nói :
Thấy chỗ làm thế nào ? Đặng pháp lành thế nào ? Chỗ nào chẳng kinh sợ ? Như đường bằng vua đi.
Thế-Tôn ! Bài kệ nầy nghĩa như thế nào ?
Nầy Thiện-nam-tử ! Thấy chỗ làm là phát-lồ các tội ác : Từ vô lượng đời gây tạo các nghiệp ác thảy đều phát lộ, đến nơi rốt ráo thanh tịnh. Đó là chỗ không kinh sợ. Như đường bằng thẳng của vua đi, trộm cướp đều chạy trốn. Cũng vậy, phát lồ như trên thời tất cả tội ác đều dứt trừ.
Lại chẳng thấy chỗ làm là nói hàng nhứt-xiển-đề làm những việc ác mà chẳng tự thấy. Hàng nhứt-xiên-đề do lòng kiêu mạn nên dầu làm ác nhưng không kinh sợ. Vì thế nên hạng nầy chẳng đặng Niết-Bàn. Dụ như khỉ vượn mò nắm mặt trăng trong nước.
Nầy Thiện-nam-tử ! Giả sử vô lượng chúng sanh đồng thời chứng đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác, các đức Như-Lai nầy cũng chẳng thấy hạng nhứt-xiển-đề kia đặng thành bồ-đề. Vì nghĩa nầy nên gọi là chẳng thấy chỗ làm.
Và lại chẳng thấy chỗ làm của ai ? Đây là chẳng thấy chỗ làm của Phật. Phật vì chúng sanh nói có Phật tánh. Hạng nhứt-xiển-đề trôi lăn trong sanh tử, không thể thấy biết Phật tánh. Vì nghĩa nầy nên gọi là chẳng thấy chỗ làm của Như-Lai.
Lại hàng nhứt-xiển-đề thấy đức Như-Lai rốt ráo nhập Niết-bàn, họ cho rằng thật vô thường, như đèn tắt, dầu mỡ đều hết. Vì hạng nầy nghiệp ác của họ chẳng giảm bớt.
Nếu có Bồ-Tát lúc làm những nghiệp lành hồi hướng vô thượng chánh đẳng chánh giác, dầu hàng nhứt-xiển-đề chẳng tin chê bai phá hoại, nhưng các vị Bồ- Tát vẫn đem công đức thí cho, muốn cùng họ đồng thành đạo vô thượng. Vì pháp của chư Phật và Bồ-Tát tự nhiên như vậy.
Làm ác chẳng liền thọ, Như sữa liền thành lạc, Như tro che trên lửa. Người ngu khinh đạp đó.
Hàng nhứt-xiển-đề gọi là kẻ không con mắt, nên chẳng thấy đạo A-La- Hán, vì không con mắt, nên chê bai Đại-thừa chẳng muốn tu tập. Như A-La-Hán siêng tu tâm từ.
Nếu người nói rằng : Nay tôi chẳng tin kinh điển Thanh-văn, chỉ tin thọ Đai- thừa, đọc tụng giải thuyết. Vì thế nên nay tôi là Bồ-Tát. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Do có Phật tánh nên trong thân chúng sanh bèn có mười trí lực ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt. Lời nói của tôi không khác lời nói của Phật. Nay anh cùng tôi đều phá vô lượng phiền não ác, như phá vỡ bình nước. Vì phá kiết sử nên liền đặng thấy vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Người đó dầu diễn nói như vậy, nhưng tâm nó thiệt chẳng tin có Phật tánh, chỉ vì lợi dưỡng nên nói theo văn kinh, đây gọi là người ác. Người ác như vậy chẳng liền thọ quả báo, như sữa thành lạc.
Ví như Vương sứ biện luận giỏi, nhiều chước khéo, phụng mạng qua nước khác, thà chết chớ trọn chẳng ẩn giấu lời truyền của vua. Cũng vậy, người trí ở trong hàng phàm phu, chẳng tiếc thân mạng, quyết phải tuyên nói Như-Lai tạng kinh điển Đại-thừa Phương-đẳng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Nầy Thiện-nam-tử ! Có kẻ nhứt-xiển-đề làm dạng A-La-Hán, chê bai kinh điển đại thừa. Người phàm phu thấy đó đều cho là thiệt A-La-Hán, là đại Bồ- Tát. Bọn ác Tỳ-kheo nhứt-xiển-đề nầy, ở nơi A-Lan-Nhã phá hoại pháp A-Lan-Nhã, thấy người khác đặng lợi sanh lòng ganh ghét, nói rằng những kinh điển Đại-thừa đều là lời của Thiên-Ma Ba-Tuần nói. Họ cũng nói Như-Lai là pháp vô thường. Họ hủy diệt chánh pháp, phá hoại chúng tăng. Họ lại nói lời của Thiên-Ma Ba-Tuần chẳng phải là lời lành, lời thuận.
Bọn trên đây tuyên nói lời tà ác như vậy. Bọn nầy làm ác chẳng liền thọ báo. Như sữa thành lạc. Người như vậy gọi là nhứt-xiển-đề. Như tro trùm trên lửa, người ngu khinh đạp đó.
Vì thế nên biết kinh điển Đại-thừa vi diệu quyết định thanh tịnh. Như châu Ma-Ni ném vào nước đục, nước liền trong.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như hoa sen được mặt trời rọi đến đều nở. Tất cả chúng sanh nếu đặng thấy nghe kinh Đại-Niết-Bàn, thời đều phát Bồ-đề tâm. Vì thế nên ta nói ánh sáng Đại-Niết-Bàn chiếu vào lỗ chơn lông, quyết định làm nhơn vi diệu.
Nhứt-xiển-đề kia dầu có Phật tánh, nhưng bị vô lượng tội chướng ràng buộc, nên chẳng thể hiện ra, như con tằm ở trong kén, do nghiệp chướng đó chẳng thể sanh nhơn bồ đề, lưu chuyển mãi trong sanh tử.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như hoa sen mọc nơi bùn lầy, mà trọn chẳng bị bùn lầy àm nhơ. Nếu có chúng sanh tu tập kinh điển Đại-Niết-Bàn vi diệu nầy, dầu có phiền não, mà trọn chẳng bị phiền não làm nhơ, vì nhờ năng lực rõ biết Như-Lai tánh.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có nước kia nhiều gió mát mẻ. Nếu gió ấy thổi vào lỗ chơn lông nơi thân của chúng sanh, thời có thể trừ tất cả sự nóng bức bực bội.
Kinh điển Đại-thừa Đại-Niết-Bàn nầy cũng lại như vậy, vào khắp lỗ chơn lông của tất cả chúng sanh, mà làm nhơn bồ-đề, trừ hạng nhứt-xiển-đề vì hạng nầy chẳng phải pháp-khí.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y, hiểu rõ tám thứ thuốc trị lành tất cả bịnh, chỉ trừ người quyết định chết. Cũng vậy, tất cả khế kinh, thiền định, tam muội, có thể trị tất cả phiền não tham sân, si, mà không thể trị kẻ phạm bốn tội trọng, năm tội vô gián.
Nầy Thiện-nam-tử ! Lại có lương y giỏi hơn, có thể chữa lành tất cả bịnh khổ của người, chỉ trừ bịnh quyết định chết. Cũng vậy, kinh điển Đại-thừa Đại- Niết-bàn nầy, có thể trừ tất cả phiền não, làm cho chúng sanh an trụ nơi nhơn Như-Lai thanh tịnh, người chưa phát tâm làm cho phát tâm, chỉ trừ hạng nhứt-xiển- đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y có thể dùng thuốc hay chữa trị cho các người mù, khiến mắt họ được sáng, thấy tất cả cảnh vật, chỉ chẳng thể trị lành con mắt của người sanh-manh. Cũng vậy, Kinh Đại-Niết-Bàn này có thể làm cho hàng Thanh-văn, Duyên-Giác khai phát huệ nhãn, khiến cho họ an trụ nơi vô lượng vô biên kinh điển Đại-thừa. Những người chưa phát tâm, hoặc phạm bốn tội nặng, năm tội vô gián, kinh nầy đều có thể làm cho họ phát tâm bồ đề, chỉ trừ bọn nhứt-xiển-đề, như kẻ sanh-manh.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y hiểu rõ tám khoa trị bịnh vì trị tất cả bịnh khổ cho người, dùng các phương thuốc, theo bịnh mà trị, mà người bịnh ngu chẳng muốn uống đó. Lương y xót thương, dắt người nầy về nhà mình, ép uống thuốc, bịnh liền được lành. Phụ nữ sanh sản, lá nhau chẳng ra, nếu uống thuốc nầy lá nhau liền ra, cũng làm cho hài nhi được an lành.
Cũng vậy, kinh điển Đại-thừa Đại-Niết-Bàn nầy có thể trừ vô lượng phiền não cho chúng sanh, trừ bốn tội trọng, năm tội vô gián, người chưa phát tâm đều làm cho phát tâm trừ hạng nhứt-xiển-đề.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Phạm bốn tội trọng và năm tội vô gián gọi là rất nặng, rất ác. Ví như cây đa-la đã bị đốn chẳng còn mọc lại được. Những người phạm tội nầy chưa phát tâm bồ-đề thế nào có thể làm nhơn bồ- đề cho họ được ?”
_ Nầy Thiện-nam-tử ! Những người phạm tội nầy, hoặc ở trong chiêm bao thấy bị đọa địa ngục, thọ những sự khổ não, liền sanh lòng ăn năn, sau khi thức dậy, tin có quả báo lớn, bèn phát tâm bồ-đề.
Như hài nhi kia, lấn lần khôn lớn, thường nghĩ nhớ rằng : Lương y đó rất giỏi, nhờ ông cho thuốc, mẹ mình đặng an lành, do đó nên mạng của mình cũng đặng toàn. Cảm thương mẹ mình chịu nhiều sự khổ não, mang thai cả mười tháng, sau khi sanh nở, nhường khô nằm ướt, hốt rửa phân dải, bú mớm nuôi nấng. Vì những công ơn ấy, ta phải báo đền, săn sóc hầu hạ, tùy thuận cúng dường mẹ ta.
Người phạm bốn tội nặng và năm tội vô gián, lúc sắp chết nhớ đến kinh Đại- Niết-Bàn nầy, dầu đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỹ, hay sanh trên trời, trong loài người, kinh điển nầy cũng làm nhơn bồ-đề cho người nầy, trừ hạng nhứt-xiển- đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y và con trai của lương y hiểu biết sâu rộng hơn các y sĩ khác, biết rành phương trừ độc : Độc rắn, độc rồng, độc rít, độc bò cạp, lại đem phương thuốc nầy thoa nơi giày dép, các độc trùng chạm đến chất độc liền tiêu, chỉ không thể tiêu được độc của đại-long.
Cũng vậy, nếu có chúng sanh phạm bốn tội nặng, năm tội vô gián, kinh Đại Niết-Bàn
nầy có thể làm cho tội tiêu diệt, an trụ nơi đạo bồ-đề. Oai thần của kinh làm cho chúng sanh được an-lạc chỉ trừ hạng nhứt-xiển-đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người lấy chất thuốc độc thoa lên mặt trống, những người nghe tiếng trống nầy, dầu là vô tâm đều trúng độc mà chết, chỉ trừ một người.
Cũng vậy, những người nghe tiếng kinh Đại-Niết-Bàn nầy, bao nhiêu tham dục, sân- khuể, ngu si thảy đều dứt hết. Oai lực của kinh nầy có thể diệt trừ phiền não, dầu là người không lòng nghĩ nhớ. Người phạm bốn tội nặng, năm tội vô gián được nghe kinh nầy cũng thành nhơn vô thượng bồ-đề, lần dứt phiền não, chỉ trừ hạng nhứt- xiển-đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như đêm tối, tất cả công việc làm đều ngưng nghĩ. Nếu việc chưa làm xong phải chờ đến sáng ngày sau. Cũng vậy, người học Đại- thừa dầu tu tập theo khế kinh tất cả các môn thiền định, cần phải chờ nghe lời dạy vi mật của Như-Lai, nơi hội Đại-thừa Đại-Niết-Bàn rồi sau mới có thể tu tạo nghiệp nhơn bồ-đề an trụ nơi chánh pháp.
Như trời mưa nhuần thấm làm cho tất cả hột giống nẩy mầm lên cây, đơm bông kết trái, mọi người nhờ đó được no đủ, khỏi đói khát. Cũng vậy, pháp tạng của Như-Lai có thể diệt trừ tám thứ thống khổ. Kinh nầy ra đời, như những trái, hột đem sự no đủ an vui đến cho mọi người, tức là làm cho chúng sanh thấy Phật tánh. Như trong hội Pháp-Hoa tám ngàn ThanhVăn đặng thọ ký thành Phật.
Hạng nhứt-xiển-đề không tu tập pháp lành như mùa thạnh-động.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y nghe con người khác bị quỷ thần bắt, liền sai một người đem thuốc đến cứu, dặn rằng : Ngươi đem thuốc nầy mau trao cho người đó, sức thuốc sẽ làm cho quỷ thần tránh xa. Nếu người chậm trể thời ta phải tự đi, quyết chẳng để người đó bị hại. Nếu người bịnh đó đặng thuốc, và oai đức của lương y, bịnh khổ liền hết. Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu- bà- tắc, Ưu-bà-di, và hàng ngoại đạo có thể thọ trì đọc tụng kinh điển nầy, lại phân biệt giảng nói cho người khác, hoặc tự biên chép, khiến người biên chép, tất cả đều là nhơn bồ-đề.
Nếu người phạm bốn tội nặng, năm tội nghịch, hoặc bị quỷ tà ác độc làm hại, nghe kinh điển nầy tất cả ác độc đều tiêu diệt, nên biết người nầy thật là Bồ-tát. Vì tạm đặng nghe kinh Đại-Niết-Bàn nầy, cũng do vì sanh lòng tưởng niệm Như- Lai thường-trụ. Tạm đặng nghe còn đặng công đức như vậy, huống là biên chép thọ trì đọc tụng, tất cả đều là Bồ-Tát, chỉ trừ hạng nhứt-xiên-đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như người điếc chẳng nghe được tiếng. Cũng vậy, hàng nhứt-xiển-đề dầu muốn nghe kinh điển vi diệu nầy, cũng chẳng đặng nghe.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y thông suốt tất cả phương thuốc và rộng biết vô lượng chú thuật. Lương y nầy thấy nhà vua bèn tâu rằng :” Nay Đại- Vương có bịnh nguy đến tánh mạng”. Vua nói : “ Khanh chẳng thấy việc trong bụng ta, sao lại nói rằng có bịnh nguy đến tánh mạng”. Lương y tâu : “Nếu chẳng tin lời của thần, xin Đại-Vương uống thuốc xổ, sau khi xổ Đại-Vương tự nghiệm lấy”. Vua không bằng lòng uống.
Bấy giờ lương y dùng chú thuật làm cho hậu môn của vua sưng phồng lên vàthòng xuống, trùng máu tuôn ra. Vua nhìn thấy kinh sợ, hết lời khen ngợi lương y: Ta rất tiếc trước chẳng dùng lời của khanh, giờ đây mới biết khanh thật lương y, nhờ khanh mà thân ta đặng an lạc. Vua bèn cung kính lương y xem như cha mẹ.
Kinh Đại-Niết-Bàn nầy cũng lại như vậy. Tất cả chúng sanh không luận hàng hữu dục hay vô dục, đều có thể làm phiền não của kia tiêu dứt.
Những chúng sanh nầy nhẫn đến trong chiêm bao, cung kính cúng dường kinh nầy, như nhà vua cung kính lương y.
Nếu vị lương y đó biết người quyết định chết thời không chữa trị. Cũng vậy, kinh Đại-Niết-Bàn nầy chẳng thể chữa trị hạng nhứt-xiển-đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y biết rành tám khoa trị bịnh có thể trị lành tất cả các bịnh. Chỉ chẳng thể chữa trị người quyết định chết. Cũng vậy, chư Phật, Bồ-Tát, có thể cứu độ tất cả chúng sanh có tội, chỉ không thể độ hạng nhứt-xiển - đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như lương y biết rành tám khoa trị bịnh, lại thông hiểu nhiều khoa cao siêu khác, đem chỗ hiểu biết của mình truyền dạy cho con. Lần lần truyền dạy cả tám khoa, lại dạy thêm những khoa cao siêu khác. Cũng vậy, Đức Như-Lai trước dạy các Tỳ-kheo những phương tiện diệt trừ tất cả phiền não, dạy quán thân chẳng bền chắc, quán thân thọ khổ, quán vô ngã, khiến các đệ tử học thông thuộc chín bộ kinh, rồi sau mới dạy học tạng Như-Lai bí mật, nói Như-Lai thường trụ. Đức Như-Lai nói kinh Đại-thừa Đại-Niếât-Bàn để làm nhơn bồ-đề cho những chúng sanh đã phát tâm và người chưa phát tâm, chỉ trừ hạng nhứt-xiển-đề.
Nầy Thiện-nam-tử ! Kinh Đại-Niết-Bàn nầy là giáo pháp vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn chưa từng có. Nên biết kinh nầy là lương y vô thượng tôn quý nhứt hơn tất cả, là vua trong các kinh.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như thuyền lớn từ bờ biển nầy đi đến bờ kia lại từ bờ biển kia trở về bở nầy. Cũng vậy, Đức Như-Lai ngồi thuyền báu Đại-thừa Đại-Niết- Bàn qua lại tế độ chúng sanh. Nơi nào chốn nào có kẻ đáng được độ thời đều làm cho đặng thấy thân Như-Lai. Vì thế nên Đức Như-Lai có hiệu làvô- thượng thuyền-sư.
Ví như có thuyền, thời có thuyền sư, do có thuyền sư thời có người đi qua biển lớn. Đức Như-Lai thường trụ hóa độ chúng sanh cũng lại như vậy.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người ở trong biển lớn, ngồi thuyền muốn đi qua, nếu đặng thuận gió, thời trong khoảnh khắc có thể đi đặng trăm ngàn do tuần. Nếu chẳng đặng thuận gió dầu ngồi thuyền trải qua nhiều năm chẳng rời khỏi chỗ cũ, có lúc thuyền hư lủng, đắm chìm mà chết.
Cũng vậy, chúng sanh ở nơi biển lớn sanh tử ngu si, ngồi trên thuyền các công hạnh, nếu gặp được gió mạnh Đại-Niết-Bàn, thời có thể mau đến bờ vô thượng đạo. Nếu chẳng gặp kinh nầy, sẽ phải luân chuyển mãi trong sanh tử. Hoặc có lúc phá hư công hạnh, phải đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỹ.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như có người chẳng gặp gió thuận lớn, ở lâu trong biển nghĩ rằng : Nay chúng ta ắt chết tại đây. Lúc nghĩ như vậy bỗng gặp gió lớn, thuận theo gió qua khỏi biển, vui mừng nói rằng ngọn gió tốt nầy thật chưa từng có, làm cho chúng ta đặng an ổn qua khỏi nạn biển lớn. Cũng vậy, chúng sanh từ lâu ở trong biển lớn ngu si sanh tử, nghèo cùng tiều tụy khốn khổ, lúc chưa gặp kinh Đại-Niết-Bàn thời nên nghĩ rằng : Chúng ta quyết định phải đọa nơi địa ngục, súc sanh, ngạ quỹ. Lúc chúng sanh nầy suy nghĩ như vậy, bỗng gặp kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn, tùy thuận tu hành vào nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác, khen rằng : Chúng ta từ trước đến nay chưa từng được nghe tạng Như-Lai vi mật như vậy. Lúc bấy giờ mới sanh lòng tin thanh tịnh đối với kinh Đại- Niết- Bàn.
Nầy Thiện-nam-tử !Như rắn lột da, nó có chết đặng chăng ?
_ Bạch Thế-Tôn ! “ Rắn không chết”.
_ Nầy Thiện-nam-tử ! Cũng vậy, Đức Như-Lai phương tiện thị hiện dứt bỏ thân độc nầy, có thể nói rằng Đức Như-Lai là vô thường diệt mất ư.
_ Bạch Thế-Tôn ! Không phải vậy.
Đức Như-Lai ở trong Diêm-Phù-Đề phương tiện bỏ thân, như rắn kia lột bỏ lớp da cũ, vì thế nên Đức Như-Lai gọi là thường trụ.
_ Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như thợ kim hoàn đặng vàng thật tốt làm thành các món đồ tùy theo ý mình. Cũng vậy, Đức Như-Lai ở trong hai mươi lăm cõi, vì hóa độ chúng sanh khỏi dòng sanh tử, nên thị hiện các thứ sắc thân tùy ý tự tại, nên Đức Như-Lai có hiệu là vô-biên-thân. Dầu lại thị hiện các thứ sắc thân, nhưng cũng gọi là thường trụ không biến đổi.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như cây Am-la và cây Diêm-phù. Trong một năm ba lần biến đổi; có lúc sanh bông màu sắc sáng rỡ, có lúc mọc lá sum sê rậm rợp có lúc điêu tàn như khô chết.
Nầy Thiện-nam-tử ! Cây ấy có thiệt là khô chết chăng ?
_ Bạch Thế-Tôn ! Cây ấy không phải chết.
_ Nầy Thiện-nam-tử ! Đức Như-Lai ở trong ba cõi, thị hiện ba thứ sắc thân cũng lại như vậy : Có lúc mới giáng sanh, có thời kỳ lớn khôn, có thời kỳ nhập Niết- Bàn. Dầu vậy, nhưng thân Đức Như-Lai thiệt chẳng phải vô thường.
Ca-Diếp Bồ-Tát tán thán rằng : “ Lành thay ! Lành thay ! Thiệt đúng như lời Phật
dạy : Đức Như-Lai thường trụ không có biến đổi.”
Nầy Thiện-nam-tử ! Mật ngữ của Như-Lai rất sâu khó hiểu, ví như nhà vua bảo các quan đem Tiên-Đà-Bà đến. Danh từ Tiên-Đà-Bà chỉ cho bốn tbứ : Một là muối, hai là chén , ba là nước, bốn là ngựa. Có cả bốn thứ ấy đều đồng một danh từ Tiên-Đà-Bà. Quan hầu có trí biết rành danh từ nầy. Lúc vua muốn rửa ráy đòi Tiên-Đà-Bà, liền dưng nước. Lúc vua ăn đòi Tiên-Đà-Bà liền dưng muối. Lúc vua ăn xong muốn uống nước ngọt, đòi Tiên-Đà-Bà liền dưng chén. Lúc vua muốn du hành đòi Tiên-Đà-Bà liền đem ngựa dưng. Quan hầu có trí hiểu rành mật ngữ của nhà vua.
Kinh Đại-thừa nầy có bốn nghĩa vô thường cũng như vậy. Hàng Phật-tử Đại- thừa phải nên biết rành. Nếu đức Phật ra đời vì chúng sanh nói Như-Lai Niết- Bàn, người trí nên biết đây là đức Như-Lai vì người chấp thường mà nói pháp quán vô thường, muốn cho các Tỳ-kheo tu pháp quán vô thường. Hoặc đức Phật lại nói chánh pháp sẽ diệt, người trí nên biết đây là đức Như-Lai vì người chấp lạc nói pháp quán về khổ, muốn cho các Tỳ-kheo tu pháp quán khổ. Hoặc đức Như-Lai nói, nay ta bịnh khổ, chúng Tăng phá hoại. Người trí nên biết đây là đức Như-Lai vì người chấp ngã nói pháp quán vô ngã, muốn cho các Tỳ-kheo tu pháp quán vô ngã. Hoặc đức Phật lại nói, pháp quán không là chánh giải thoát. Người trí nên biết đây là đức Như-Lai nói chánh giải thoát, không hai mươi lăm cõi, muốn cho các Tỳ-kheo tu học pháp quán không. Vì nghĩa nầy nên chánh giải thoát gọi là không, cũng gọi là bất động. Bất động là vì trong giải thoát không có khổ. Cho nên bất động là chánh giải thoát, là không có tướng. Nói rằng không tướng đó là không có sắc, thanh, hương, vị, xúc vân vân, nên gọi là không tướng. Chánh giải thoát nầy thường chẳng biến đổi. Trong giải thoát nầy không có vô thường khổ não biến đổi. Vì thế nên giải thoát hiệu là thường trụ, mát mẻ chẳng biến đổi.
Hoặc đức Phật nói rằng tất cả chúng sanh đều có Như-Lai tánh. Người trí nên biết
Đây là đức Như-Lai nói pháp thường, muốn cho các Tỳ-kheo tu tập pháp thường. Các Tỳ-kheo nầy nếu có thể tùy thuận học tập như vậy, nên biết người nầy thật là đệ-tử của Phật, biết rành tạng Như-Lai vi mật, như quan hầu có trí, biết rành ý của nhà vua.
Nầy thiện-nam-tử ! Nhà vua kia cũng có mật ngữ như vậy, huống là đức Như-Lai mà lại không có.
Nầy Thiện-nam-tử ! Vì thế nên giáo pháp vi mật của Như-Lai khó có thể biết được. Chỉ người trí mới có thể hiểu được Phật pháp rất sâu vi diệu của Như-Lai, chẳng phải hạng phàm phu trong đời mà có thể tin được.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như cây Ba-la-xa cây Ca-ni-ca, cây A-thúc-ca gặp lúc nắng hạn thời chẳng sanh hoa trái. Nhẫn đến các sanh vật dưới nước trên đất thảy đều khô héo, không thể tăng trưởng, tất cả các phương thuốc không còn công hiệu.
Kinh Đai-thừa Đại-Niết-Bàn nầy cũng lại như vậy. Sau khi ta diệt độ, có các chúng sanh chẳng thể cung kính thời chẳng có oai đức. Vì các chúng sanh nầy chẳng biết tạng Như-Lai vi mật, bởi chúng sanh nầy phước đức mỏng kém.
Nầy Thiện-nam-tử ! Lúc chánh pháp của Như-Lai sắp diệt, bây giờ có số đông ác hạnh Tỳ-kheo chẳng biết tạng Như-Lai vi mật, chểnh mảng biếng nhác, chẳng thể đọc tụng tuyên dương chánh pháp của Như-Lai.
Ví như kẻ cướp ngu si, vất bỏ châu báu mà mang gánh cỏ trấu. Vì chẳng hiểu tạng Như-Lai vi mật nên biếng nhác đối với kinh nầy.
Thương thay đời vị lai rất nguy hiểm, rất đáng sợ sệt.
Khổ thay chúng sanh chẳng siêng năng thọ trì kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn nầy.
Chỉ các vị Đại Bồ-Tát có thể ở nơi kinh nầy chẳng chấp văn tự, tùy thuận nghĩa chơn thật mà vì chúng sanh giảng nói.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như đứa gái chăn bò vì muốn bán sữa, tham lợi nhiều nên thêm hai phần nước rồi bán cho đứa gái chăn bò khác. Đứa gái kia lại thêm hai phần nước rồi bán lại cho đứa gái ở gần thành. Đứa gái nầy lại thêm hai phần nước rồi bán lại cho đứa gái ở trong thành. Đứa gái nầy lại thêm hai phần nước rồi đem ra chợ bán. Bấy giờ có một người cần sữa tốt để đãi tân khách, nên đến chợ muốn mua sữa. Đứa gái bán sữa đòi giá mắc. Người mua nói sữa nầy pha nhiều nước, không đến giá đó, nay nhằm lúc tôi phải đãi đằng tân khách nên đành mua mắc. Mua xong đem về nhà, nấu thành cháo trọn không có mùi sữa. Dầu không có mùi sữa, nhưng cũng ngàn lần hơn vị chát đắng, vì vị sữa hơn hết trong các vị.
Nầy Thiện-nam-tử ! Sau khi ta nhập Niết-Bàn, lúc chánh pháp chưa dứt, còn tám mươi năm, kinh nầy sẽ lưu hành rộng nơi Diêm-Phù-Đề. Lúc bấy giờ sẽ có các ác Tỳ-kheo sao lược kinh nầy chia làm nhiều phần, có thể làm mất mùi vị tốt đẹp của chánh pháp. Những người nầy dầu đọc tụng kinh điển đây, nhưng lại diệt trừ yếu nghĩa thâm mật của Như-Lai, đem lời thế gian vô nghĩa văn sức lẫn lộn, sao phần trước để ở sau, sao phần sau để ở trước, phần trước phần sau để ở giữa, phần giữa để ở phía sau phía trước. Nên biết các Tỳ-kheo nầy là bạn bè của ma. Họ nhận chứa tất cả vật bất tịnh mà nói rằng đức Như-Lai đều cho chúng tôi nhận chứa. Như đứa gái chăn bò pha nhiều nước vào trong sữa. Cũng vậy, các ác Tỳ-kheo nầy đem lời thế tục xen tạp vào kinh nầy. Làm cho đa số chúng sanh chẳng đặng lời nói chơn chánh, biên chép chơn chánh, nhận lấy chơn chánh, để tôn trọng tán thán cúng dường cung kính. Ác Tỳ-kheo đây vì lợi dưỡng nên chẳng thể lưu truyền rộn kinh nầy. Dầu có lưu truyền cũng là chút ít phần chẳng đáng kể. Như các đứa gái xoay vần bán sữa. Nhẫn đến nấu thành cháo mà không có vị sữa. Cũng vậy, Kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn nầy lần lượt lạt lẽo không có khí vị. Dầu không khí vị vẫn còn hơn những kinh khác cả ngàn lần. Như cháo không mùi sữa kia vẫn ngàn lần hơn các vị đắng. Vì kinh Đại- thừa Đại-Niết-Bàn nầy là thượng-thủ nhứt đối với kinh điển Thanh-văn. Như sũa bò hơn hết trong các vị. Vì nghĩa nầy nên gọi là Đại-thừa Đại-Niết-Bàn.
Nầy thiện-nam-tử ! Như loài người không ai chẳng mong mõi được thân nam tử. Vì thân người nữ đều là chỗ nhóm ở của các sự nhơ xấu.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như nước tiểu của con muỗi không thể làm cho mặt đất được nhuần ướt. Người nữ lòng dục khó đầy cũng như vậy. Ví như cả quả địa cầu, đem vò viên như hột đình lịch. Nam tử đông như số hột ấy, cùng dâm với một người nữ, vẫn không thể đủ.
Giả sử số nam tử như hằng sa cùng dâm với một người nữ, cũng không thể đủ.
Ví như trời mưa, trăm sông các giòng đều chảy vào biển cả, mà biển cả vẫn chưa từng đầy.
Cũng vậy, giả sử tất cả đều là nam tử, cùng dâm với một người nữ cũng không đủ.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như cây A-thúc-ca, cây Ba-tra-la, cây Ca-ni-ca, mùa xuân hoa nở, có con ong hút lấy hương tế nhị của hoa chẳng chán chẳng đủ.
Cũng vậy, người nữ muốn người nam chẳng nhàm chẳng đủ.
Nầy Thiên-nam-tử ! Do nghĩa nầy nên mọi người khi nghe kinh Đại-thừa Đại- Niết-Bàn nầy, thường phải quở trách thân nữ cầu được thân nam. Vì kinh nầy có tướng trượng phu, tức làPhật tánh. Nếu người chẳng biết Phật tánh nầy, thời không có tướng nam, ta nói những người nầygọi là nữ nhơn. Nếu có thể tự biết Phật tánh, ta nói người nầy gọi là tướng trượng phu. Nếu có người nữ biết thân mình quyết có Phật tánh, nên biết những người nầy chính là nam tử.
Kinh Đại-thừa Đại-Niết-bàn nầy chứa nhóm vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn, vì nói tạng Như-Lai vi mật. Thế nên mọi người nếu muốn mau biết tạng Như-Lai, nên phải phương tiện siêng tu kinh nầy.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn !Phải lắm, phải lắm, đúng như lời Phật nói. Nay tôi nhơn có tướng trượng phu nên đặng vào tạng Như-Lai vi mật. Hôm nay đức Như-Lai mới giác ngộ cho tôi, nhơn đây tôi liền được quyết định thông đạt.”
Phật nói : “ Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện-nam-tử ! Nay ông tùy thuận thế gian mà nói.”
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật : “ Thế-Tôn ! Tôi chẳng tùy thuận pháp thế gian”.
Đức Phật khen ngợi Ca-Diếp Bồ-tát : “ Lành thay ! Lành thay ! Nay chỗ biết của ông là pháp vị vô thượng, pháp ấy rất sâu khó biết mà ông có thể biết đặng. Như con ong hút lấy mật hoa.
Nầy Thiện-nam-tử ! Như nước tiểu của con muỗi không thể làm cho mặt đất được thấm ướt. Đời đương-lai kinh nầy lưu truyền cũng lại như vậy. Lúc chánh pháp sắp diệt, kinh nầy sẽ trước ẩn mất nơi cõi đất nầy. Nên biết đó là tướng suy của chánh pháp.
Nầy Thiện-nam-tử ! Ví như hết mùa hạ qua đầu mùa thu, mưa thu tầm tã. Cũng vậy, kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn nầy vì các vị Bồ-Tát ở phương nam sẽ lưu truyền rộng, rưới pháp võ đầy khắp xứ ấy. Lúc chánh pháp sắp diệt, kinh nầy sẽ truyền đủ nơi nước Kế-Tân. Hoặc có người tin, có người chẳng tin, kinh nầy ẩn mất trong đất. Khi kinh nầy ẩn mất rồi, tất cả kinh điển Đại-thừa khác, thảy đều dứt mất. Nếu ai gặp đặng kinh nầy đầy đủ, thời người đó là đệ nhứt trong loài ngươi. Các hàng Bồ-Tát nên biết chánh pháp vô thượng của Như-Lai sắp diệt chẳng còn lâu.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.237.231 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.