Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 32 »»

Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 32

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.71 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.82 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
Việt dịch: Thích Trí Tịnh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Bạch Thế Tôn ! Nếu tất cả nghiệp chẳng quyết định có quả, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, lẽ ra phải tu tập tám thánh đạo, cớ gì tất cả chúng sanh đều chẳng được Đại Niết Bàn nầy ?
Bạch Thế Tôn ! Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh thời sẽ quyết định được vô thượng Bồ Đề, cần gì phải tu tập tám thánh đạo?
Bạch Thế Tôn ! Như trong kinh nầy nói người có bịnh nếu gặp đặng thuốc hay và người khám bịnh tùy theo bịnh mà cho ăn uống, hoặc chẳng được như vậy tất cả cũng đều được lành mạnh. Tất cả chúng sanh cũng như vậy, nếu gặp Thanh Văn, Bích Chi Phật, Chư Phật , Bồ Tát những bực thiện tri thức, nghe chánh pháp, tu tập thánh đạo hoặc chẳng được gặp được nghe, được tu tập, cũng đều sẽ được thành vô thượng Bồ Đề. Tại sao vậy ? Vì do Phật tánh vậy .
Bạch Thế Tôn ! Ví như không ai có thể ngăn mặt trời, mặt trăng đi vòng khắp bốn châu thiên hạ, tất cả chúng sanh cũng như vậy, không ai có thể ngăn trở làm cho có thể được đến vô thượng Bồ Đề. Tại sao vậy ? Vì do Phật tánh vậy.
Bạch Thế Tôn ! Cứ theo nghĩa nầy thời tất cả chúng sanh chẳng cần tu hành, do năng lực của Phật tánh đều đáng được vô thượng Bồ Đề.
Bạch Thế Tôn ! Nếu Nhứt Xiển Đề phạm bốn tội trọng năm tội nghịch chẳng được vô thượng Bồ Đề lẽ ra cần phải tu tập, vì do Phật tánh quyết định sẽ được, chẳng phải do tu tập rồi sau mới được.
Bạch Thế Tôn ! Ví như đá nam châm dầu cách xa sắt, nhưng do sức của nó mà sắt bị hút dính. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, nên chẳng cần siêng năng tu tập thánh đạo.
Phật nói : “ Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện Nam Tử ! Như bên sông Hằng có bảy hạng người hoặc vì tắm rửa, hoặc vì sợ giặc cướp, hoặc vì hái hoa mà vào trong sông :
Người thứ nhứt vào nước thời chìm, vì yếu đuối lại chẳng biết lội.
Người thứ hai dầu bị chìm lại nổi lên nổi rồi lại chìm, vì người nầy có sức mạnh nên có thể nổi lên, vì chẳng biết lội nên lại chìm.
Người thứ ba chìm rồi liền nổi lên, nổi lên chẳng chìm nữa, vì người nầy thân nặng nên chìm, do sức mạnh nên nổi lên, vì biết lội nên không bị chìm nữa.
Người thứ tư vào nước bèn chìm, chìm rồi lại nổi lên, nổi lên rồi bèn chẳng chìm nữa mà ngó khắp bốn phương, vì người nầy thân nặng nên chìm, sức mạnh lại nổi lên, biết lội nên không chìm nữa, chẳng biết lên phía nào nên ngó khắp bốn phương.
Người thứ năm vào nước liền chìm, lại nổi lên rồi không chìm nữa, nhìn ngó phương hướng mà lội đi, vì có lòng sợ sệt.
Người thứ sáu vào nước liền lội đi, đến chỗ cạn thời đứng lại, vì để xem giặc cướp gần hay xa.
Người thứ bảy đã qua đến bờ kia leo lên núi lớn không còn sợ sệt, thoát khỏi giặc cướp lòng rất vui sướng .”
Nầy Thiện Nam Tử ! Sông lớn sanh tử cũng như vậy, có bảy hạng người vì sợ giặc phiền não mà muốn lội qua sông sanh tử, nên xuất gia cạo tóc thân mặc pháp phục. Đã xuất gia rồi gần gũi bạn ác nghe theo lời của họ mà lãnh thọ tà pháp. Họ bảo rằng thân chúng sanh tức là năm ấm, năm ấm gọi là năm đại, chúng sanh nếu chết thời năm đại dứt hẳn, đã dứt hẳn cần gì tu tập những hạnh nghiệp lành dữ, do đây nên biết rằng không có lành dữ cũng như không có quả báo lành dữ. Hạng ngừoi nầy gọi là Nhứt Xiển Đề, gọi là dứt căn lành, vì căn lành đã dứt nên chìm trong sông sanh tử không thể ra được, vì nghiệp ác của họ quá nặng, vì họ không có đức tin, như người thứ nhứt bên bờ sông Hằng.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nhứt Xiển Đề có sáu nhơn duyên phải chìm trong ba đường ác không thể thoát được : Một là vì tâm ác quá thạnh, hai là vì chẳng thấy đời sau, ba là vì ưa huân tập phiền não, bốn là vì xa lìa căn lành, năm là vì nghiệp ác ngăn cách, sáu là vì gần gũi bạn ác. Lại có năm điều khiến họ chìm trong ba đường ác : Một là làm việc phi pháp đối với các Tỳ Kheo, hai là làm việc phi pháp đối với các Tỳ Kheo Ni, ba là tự do dùng của vật của chúng Tăng, bốn là làm việc phi pháp với mẹ, năm là sanh sự thị phi đối với năm bộ tăng. Lại có năm điều làm cho họ chìm trong ba đường ác : Một là nói không quả báo thiện ác, hai là giết chúng sanh phá Bồ Đề tâm, ba là ưa nói lỗi lầm của pháp sư, bốn là chánh pháp nói là phi pháp, còn phi pháp nói là chánh pháp, năm là vì tìm lỗi của chánh pháp mà đến nghe học. Lại có ba điều làm cho họ chìm trong ba đường ác : Một là nói Đức Như Lai vô thường nhập diệt vĩnh viễn, hai là nói chánh pháp vô thường dời đổi, ba là nói chúng tăng thiệt có thể hoại diệt.
Người thứ hai muốn qua khỏi sông lớn sanh tử, vì dứt mất căn lành nên chìm không thoát được. Nói rằng thoát khỏi tức là gần gũi bạn lành thời được tín tâm, chính lá tin bố thí và quả bố thí, tin nghiệp lành và quả lành, tin nghiệp ác và quả ác, tin sanh tử là khổ, là vô thường hư hoại. Do được tín tâm nên tu tập tịnh giới, trì tụng, biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, thường thích bố thí, khéo tu trí huệ. Vì độn căn nên lại gặp bạn ác, do đây nên không thể tu tập thân giới tâm huệ, trở lại thọ lấy tà pháp, hoặc gặp thời kỳ ác ở nơi cõi nước ác, nên dứt mất những căn lành mà phải chìm luôn trong sanh tử, như người thứ hai bên sông Hằng.
Người thứ ba muốn qua khỏi sông sanh tử, vì dứt mất căn lành nên chìm đắm ở trong sông. Người nầy gần gũi bạn lành nên được nổi lâu, tin Đức Như lai là bực nhứt thiết trí thường hằng không biến đổi, vì chúng sanh mà nói đạo vô thượng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như lai chẳng phải diệt độ, Pháp và Tăng cũng không hoại diệt. Nhứt Xiển Đề nếu chẳng dứt ác pháp của họ thời trọn không thể được vô thượng Bồ Đề. Phải biết rằng cần phải xa lìa rồi sau mới đặng. Do tín tâm nên tu tịnh giới, tu tịnh giới rồi thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ, do căn trí lanh lợi nên trụ vững nơi tín huệ không thối chuyển, như người thứ ba bên sông Hằng.
Người thứ tư muốn qua khỏi sông sanh tử, vì dứt căn ành nên chìm trong sông, vì gần gũi bạn lành nên được tín tâm đây gọi là nổi lên. Vì được tín tâm nên được thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ, do lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ tâm không thối chuyển, quán sát khắp bốn phương, quán sát bốn phương đây là nói bốn quả Sa Môn, như người thứ tư bên sông Hằng.
Người thứ năm muốn lội qua sông sanh tử, vì dứt mất căn lành nên phải chìm trong sông, nhờ gần gũi bạn lành nên được tín tâm đây gọi là nổi lên, do tín tâm nên thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ vì lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ không thối chuyển, không thối chuyển rồi bèn thẳng đến trước, thẳng đến trước, đây là nói quả Bích Chi Phật, dầu có thể tự độ nhưng chẳng độ đến chúng sanh, đây gọi là đi, như người thứ năm bên sông Hằng.
Người thứ sáu muốn qua khỏi sông sanh tử, vì mất thiện căn nên chìm trong sông, nhờ gần gũi bạn lành mà được tín tâm, đây gọi là nổi lên, do tín tâm nên thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí, tu tập trí huệ cho lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ không thối chuyển, rồi bèn thẳng đến trước gặp chỗ cạn đứng lại chẳng đi nữa. Đứng lại chẳng đi là nói Bồ Tát vì muốn độ chúng sanh nên trụ lại quán sát phiền não, như người thứ sáu bên sông Hằng.
Người thứ bảy muốn thoát khỏi sông sanh tử vì mất căn lành nên chìm trong sông, nhờ gần gũi bạn lành mà được tín tâm đây gọi là nổi lên, do tín tâm nên thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết mười hai bộ kinh, rồi vì chúng sanh mà rộng tuyên dương lưu bố, ưa bố thí , tu tập trí huệ, do lợi căn nên đứng vững nơi tín huệ không thối chuyển, liền thẳng đến bờ kia, leo lên núi cao, lìa khỏi những sự khủng bố, hưởng nhiều sự an vui.
Nầy Thiện Nam Tử ! Núi cao bên bờ kia dụ cho đức Như Lai, hưởng sự an vui dụ cho Phật thường trụ, núi cao lớn dụ cho Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện Nam Tử ! Những người ở bên bờ sông Hằng kia đều có đủ tay chân mà không thể qua được. Tất cả chúng sanh cũng như vậy, thiệt có Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo, đức Như Lai thường nói pháp yếu, có tám thánh đạo, có Đại Niết Bàn, mà chúng sanh đều chẳng thể được, đây chẳng phải lỗi của Như Lai cũng chẳng phải lỗi của thánh đạo và chúng sanh, nên biết rằng đều là lỗi ác của phiền não, do đây nên tất cả chúng sanh chẳng được Đại Niết Bàn.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như lương y biết rõ bịnh nói phương thuốc, người bịnh chẳng chịu uống, đây chẳng phải là lỗi của Lương Y.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như có thí chủ đem tiền của bố thí cho mọi người, có người chẳng chịu nhận lấy, đây chẳng phải là lỗi của thí chủ.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như mặt trời mọc lên những chỗ tối tăm đều tỏ sáng, mà người mù lòa kia chẳng thấy đường sá, đây chẳng phải là lỗi của mặt trời.
Nầy ThiệnNam Tử ! Như nước sông Hằng có thể giải trừ sự khát nước, có kẻ khát nước chẳng chịu uống, đây chẳng phải là lỗi của nước.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như mặt đất bình đẳng nuôi sống tất cả cây cỏ, có nông phu kia chẳng chịu gieo trồng, đây chẳng phải là lỗi của mặt đất.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai khắp vì tất cả chúng sanh mà rộng mở bày phân biệt mười hai bộ kinh, chúng sanh chẳng chịu tin thọ, đây chẳng phải là lỗi của Như Lai.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu người tu tập thánh đạo thời được vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam Tử ! Vừa rồi ông nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh đáng được vô thượng Bồ Đề , như đá nam châm hút sắt.
Lành thay ! Lành thay ! Do có năng lực nhơn duyên của Phật tánh nên chúng sanh được vô thượng Bồ Đề.
Nhưng nếu nói rằng chẳng cần tu tập thánh đạo thời không đúng.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như có người đi trong đồng hoang vắng khát nước gặp giếng, giếng nầy sâu thẳm tối đen, người nầy dầu chẳng thấy nước nhưng biết rằng chắc có nước, người nầy tìm dây gầu múc lên thời thấy nước. Phật tánh cũng vậy, tất cả chúng sanh mặc dầu đều có, nhưng cần phải tu tập vô lậu thánh đạo rồi sau mới đặng thấy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như người có hột mè thời tất được thấy dầu, nhưng rời bỏ phương tiện thời chẳng thấy được. Nơi mía thấy đường cũng như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như cung trời Đao Lợi và Bắc Cu Lô Châu dầu là có, nhưng nếu không nghiệp lành, hoặc thần thông, hoặc đạo lực, thời chẳng thấy được.
Như rễ cỏ trong đất, như mạch nước dưới đất, vì đất che nên chúng sanh chẳng thấy. Phật tánh cũng vậy, vì chẳng tu tập thánh đạo nên chẳng thấy được.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như vừa rồi ông nói trong đời có người bịnh nếu gặp được lương y, thuốc hay, người khám bịnh giỏi, ăn uống phải cách, hoặc chẳng gặp, đều được lành mạnh.
Nầy Thiện Nam Tử 1 Đó là ta vì bực lục trụ Bồ Tát mà nói nghĩa ấy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như hư không đối với chúng sanh, nó chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, vì không phải trong ngoài nên cũng không trở ngại. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như có người để tài sản ở xứ khác, dầu của cải không hiện có, nhưng người nầy vẫn được tùy ý thọ dụng. Có người hỏi đến tiền của, người nầy đáp rằng tôi hứa cho. Tại sao vậy ? Vì người nầy quyết định có của. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, chẳng phải đây chẳng phải kia, vì quyết định được nên ta nói tất cả chúng sanh đều có.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như chúng sanh gây tạo các nghiệp, hoặc nghiệp lành, hoặc nghiệp ác, chẳng phải trong chẳng phải ngoài, nghiệp tánh nầy chẳng phải có chẳng phải không, lại cũng chẳng phải là trước không mà nay có, cũng chẳng phải không nhơn mà có ra, chẳng phải đây làm rồi đây thọ, chẳng phải đây làm mà kia thọ, chẳng phải kia làm mà kia thọ, nghiệp tánh nầy không tác giả không thọ giả, lúc thời tiết hòa hiệp thời có quả báo. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, chẳng phải là trước không mà nay có, chẳng phải trong chẳng phải ngoài, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải đây chẳng phải kia, chẳng phải chỗ khác đến, chẳng phải không nhơn duyên, cũng chẳng phải là tất cả chúng sanh chẳng thấy, có những Bồ Tát lúc thời tiết nhơn duyên hòa hiệp mà được thấy. Thời tiết đây là nói bực Thập Trụ Bồ Tát tu tám thánh đạo được tâm bình đẳng đối với chúng sanh, lúc bấy giờ được thấy Phật tánh, chẳng gọi là tạo tác.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói rằng như đá nam châm hút sắt, cứ nơi nghĩa thời chẳng đúng. Tại sao vậy ? Vì đá ấy chẳng hút sắt, bởi đá ấy không tâm nghiệp. Nầy Thiện Nam Tử ! Do pháp kia có nên pháp nầy sanh ra, do pháp kia không nên pháp nầy diệt hoại không có tác giả cũng không có hoại giả.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như ngọn lửa mạnh chẳng thể đốt cháy củi, lửa ra củi hư gọi đó là cháy củi.
Như bông quì xoay theo mặt trời, dầu vậy nhưng bông quì nầy không có tâm cung kính, không thức cũng không nghiệp, vì tánh chất riêng của nó mà tự xoay chuyển.
Như cây chuối nhơn tiếng sấm mà được tăng trưởng, cây nầy không lỗ tai, không có tâm ý thức, do vì có pháp kia nên pháp nầy tăng trưởng, vì không pháp kia nên pháp nầy hư hoại.
Như cây a thúc ca, người nữ rờ đụng đến thời cây nầy trổ bông, cây nầy không tâm ý, cũng không giác xúc, do vì có pháp kia nên pháp nầy sanh ra, vì không pháp kia nên pháp nầy hư hoại.
Như cây quít được tử thi thời trái thêm nhiều, cây quít nầy không tâm ý cũng không giác xúc, vì có pháp kia nên pháp nầy thêm nhiều, vì không pháp kia nên pháp nầy hư hoại.
Như cây an thạch lựu do phân gạch xương thời trái thêm nhiều, cây an thạch lựu nầy cũng không tâm ý không giác xúc, vì có pháp khác nên pháp nầy thêm nhiều, vì pháp khác không nên pháp nầy hư hoại.
Như đá nam châm hút sắt cũng như vậy, do pháp nầy có nên pháp kia sanh, vì pháp nầy không nên pháp kia hư hoại.
Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, chẳng thể đến được vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Vô minh chẳng thể hút lấy hành nghiệp, hành cũng chẳng thể hút lấy thức, dầu vậy nhưng cũng gọi là vô minh duyên hành, hành duyên thức.
Hoặc có Phật hay không Phật, pháp giới vẫn thường trụ. Nếu nói rằng Phật tánh ở trong chúng sanh, nên biết rằng pháp thường hằng thời vô trụ, nếu có chỗ ở thời là vô thường. Như mười hai nhơn duyên không chỗ ở nhứt định, nếu có chỗ ở thời mười hai nhơn duyên chẳng được gọi là thường. Pháp thân của Như lai cũng không chỗ ở. Pháp giới, pháp nhập, pháp ấm, hư không đều không chỗ ở. Phật tánh cũng không chỗ ở như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như tứ đại dầu thế lực đồng nhau, nhưng có cứng, có nóng, có ướt, có động, có nặng, có nhẹ, có đỏ, có trắng, có vàng, có đen, mà tứ đại nầy cũng không có nghiệp, vì pháp giới khác nên đều chẳng giống nhau. Phật tánh cũng như vậy vì pháp giới khác đến thời kỳ thời hiện.
Nầy Thiện Nam Tử ! Vì tất cả chúng sanh chẳng thối mất Phật tánh nên gọi là có, vì bất thối chuyển, vì sẽ có, vì quyết định được, vì quyết địnhh sẽ thấy, nên gọi là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Ví như có Quốc Vương bảo một đại thần dắt một con voi đem chỉ cho người mù. Đại thần được lịnh Quốc Vương liền họp bọn người mù đến bên con voi. Lúc đó bọn người mù đều lấy tay rờ voi. Đại thần trở về tâu với Quốc Vương đã đem voi chỉ cho bọn người mù rồi. Quốc Vương liền kêu bọn người mù đến hỏi riêng từng người. Con voi hình dạng như thế nào ? Trong bọn người mù kia, kẻ rờ ngà bèn nói voi hình như củ cải ; kẻ rờ tai nói rằng voi giống như cái ki ; kẻ rờ đầu nói rằng voi giống như khối đá, kẻ rờ vòi nói rằng voi giống như cái chày ; kẻ rờ chân nói rằng voi giống như cái cối gỗ ; kẻ rờ lưng nói rằng voi như cái giường ; kẻ rờ bụng nói rằng voi như cái lu ; kẻ rờ đuôi nói voi như sợi dây.
Nầy Thiện Nam Tử ! Bọn người mù kia chẳng nói trúng thân hình của voi, nhưng cũng chẳng phải là chẳng nói, các hình tướng đó đều chẳng phải hình voi, nhưng rời ngoài những hình nầy lại không có voi.
Nầy Thiện Nam Tử ! Quốc Vương là dụ cho Như Lai đấng chánh biến tri vậy. Đại thần dụ cho kinh Đại Thừa Đại Niết bàn. Voi dụ cho Phật tánh. Bọn mù dụ cho tất cả chúng sanh vô minh.
Những chúng sanh nầy cho rằng Phật đã nói xong, hoặc có kẻ nói sắc là Phật tánh, vì sắc nầy dầu diệt, nhưng tuần tự nối luôn do đây được ba mươi hai tướng tốt vô thượng của Như Lai, sắc tướng Như Lai là thường, vì sắc tướng Như Lai thường hằng chẳng dứt, do đây nên nói sắc là Phật tánh, như vàng thật, chất vàng dầu thay đổi nhưng màu sắc vẫn thường chẳng đổi khác, hoặc làm vòng, làm roi, làm mâm, màu vàng vẫn không đổi khác. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, tánh chất dầu vô thường mà sắc là thường, do đây nên nói sắc là Phật tánh.
Hoặc có kẻ nói thọ là Phật tánh, vì do thọ mà được chơn lạc của Như Lai, thọ của Như Lai là thọ rốt ráo, là thọ đệ nhứt nghĩa. Tánh thọ của chúng sanh dầu là vô thường nhưng nó tuần tự nối nhau chẳng dứt, nên được lạc thọ chơn thường của Như Lai. Như người họ Kiều Thi Ca thân người dầu vô thường mà họ vẫn thường, trãi qua ngàn muôn đời không đổi khác. Phật tánh chúng sanh cũng như vậy. Do đây nên nói thọ ấm là Phật tánh.
Lại có kẻ nói tưởng ấm là Phật tánh, vì do tưởng mà được chơn thật tưởng của Như Lai. Tưởng của Như Lai gọi là tưởng mà không tưởng chẳng phải tưởng của chúng sanh, chẳng phải tưởng của nam của nữ, chẳng phải tưởng trong sắc thọ tưởng hành thức, chẳng phải tâm tưởng dứt tưởng như tưởng của chúng sanh. Dầu tưởng nầy vô thường nhưng do tuần tự nối nhau chẳng dứt, nên được tưởng thường hằng của Như Lai. Như mười hai nhơn duyên của chúng sanh, dầu chúng sanh diệt mất mà nhơn duyên vẫn rthường. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, do đây nên nói tưởng là Phật tánh.
Lại có kẻ nói hành ấm là Phật tánh, vì hành gọi là thọ mạng. Thọ mạng làm nhơn duyên nên được thọ mạng thường trụ của Như Lai. Thọ mạng của chúng sanh dầu là vô thường, nhưng vì tuần tự nối nhau chẳng dứt, nên được thọ mạng chơn thường của Như Lai. Như mười bộ kinh, người nói người nghe dầu là vô thường, nhưng kinh điển nầy thường còn chẳng biến đổi. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Do đây nên nói hành là Phật tánh.
Lại có kẻ nói thức ấm là Phật tánh. Do thức làm nhơn duyên mà được tâm bình đẳng của Như Lai. Ý thức của chúng sanh dầu là vô thường, nhưng thức tuần tự nối nhau chẳng dứt, nên được tâm chơn thường của Như Lai. Như lửa tánh nóng dầu ngọn lửa vô thường, nhưng tánh nóng chẳng phải vô thường. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Do đây nên nói thức là Phật tánh.
Lại có kẻ nói rời năm ấm có ngã, ngã nầy là Phật tánh, vì ngã làm nhơn duyên mà được ngã tự tại của Như Lai. Có các nhà ngoại đạo nói rằng : Đứng đi thấy nghe buồn vui nói năng chính đó là ngã, ngã tướng ấy dầu vô thường nhưng ngã của Như Lai chơn thiệt thường trụ. Như ấm nhập giới dầu là vô thường nhưng vẫn gọi là thường. Phật tánh của chúng sanh cũng vậy.
Nầy Thiện Nam Tử !Như bọn mù kia mỗi người tự nói hình tướng của voi, dầu chẳng được đúng, nhưng chẳng phải là chẳng nói tướng của voi.
Những người nói Phật tánh cũng như vậy, Phật tánh chẳng phải tức sáu pháp, nhưng cũng chẳng ly sáu pháp. Vì thế nên ta nói Phật tánh của chúng sanh chẳng phải sắc chẳng phải ly sắc, nhẫn đến chẳng phải ngã, chẳng phải ly ngã.
Có các nhà ngoại đạo dầu nói có ngã, nhưng thiệt ra không có ngã. Ngã của chúng sanh chính là ngũ ấm, rời ngoài ngũ ấm không có ngã riêng biệt.
Ví như cọng, cánh, tua, gương hiệp lại làm hoa sen, lìa ngoài những thứ nầy thời không có hoa sen riêng biệt. Ngã của chúng sanh cũng như vậy.
Như tường, vách, gỗ, tranh hoà hiệp gọi đó là nhà, lìa ngoài những thứ nầy thời không có nhà riêng biệt.
Như cây Khư đà la, cây Ba la xa, cây Ni câu đà, cây Uất đàm bát hiệp lại thành rừng, rời ngoài những thứ nầy thời không có rừng riêng biệt.
Như chiến xa, voi, ngựa, bộ binh hiệp lại thành quân đội, rời ngoài những thứ nầy thời không có quân đội riêng biệt.
Như những chỉ năm màu hiệp lại dệt thành vải ngũ sắc, rời ngoài những chỉ nầy thời không có vải ngũ sắc riêng biệt.
Như bốn họ hiệp lại gọi là đại chúng, rời ngoài những người nầy thời không có đại chúng riêng biệt.
Ngã của chúng sanh cũng như vậy, rời ngoài năm ấm thời không có ngã riêng biệt.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như Lai thường trụ thời gọi là ngã. Pháp thân của Như Lai là vô biên vô ngại, là chẳng sanh chẳng diệt, được đủ tám tự tại nên gọi là ngã.
Thiệt ra chúng sanh không có ngã như vậy, chỉ vì quyết định sẽ được rốt ráo đệ nhứt nghĩa không, nên gọi là Phật tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đại từ đại bi gọi là Phật tánh, vì đại từ đại bi thường theo dõi Bồ Tát như bóng theo hình.Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được đại từ đại bi, do đây nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đại từ đại bi gọi là Phật tánh, Phật tánh gọi là Như Lai.
Đại hỷ đại xả gọi là Phật tánh, vì Đại Bồ Tát nếu chẳng xả được hai mươi lăm cõi, thời không thể được vô thượng Bồ Đề. Bởi chúng sanh quyết định sẽ được, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đại hỷ đại xả chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
Phật tánh gọi là đại tín tâm. Vì do tín tâm mà đại Bồ Tát được đầy đủ Đàn Ba La Mật nhẫn đến Bát Nhã Ba La Mật. Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được đại tín tâm, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Đại tín tâm chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
Phật tánh gọi là nhứt tử địa. Vì do nhứt tử địa nên Bồ Tát được tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được nhứt tử địa, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nhứt tử địa chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
Phật tánh gọi là trí lực thứ tư. Vì do trí lực thứ tư, nên Bồ Tát có thể giáo hóa chúng sanh. Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được trí lực thứ tư, do đây nên nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Trí lực thứ tư chính là Phật tánh, Phật tánh chính là như Lai.
Phật tánh gọi là mười hai nhơn duyên. Vì do nhơn duyên nên đức Như Lai được thường trụ. Tất cả chúng sanh quyết định có mười hai nhơn duyên như vậy, do đây nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Mười hai nhơn duyên chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
Phật tánh gọi là bốn trí vô ngại. Do bốn trí vô ngại nên giảng thuyết chữ nghĩa vô ngại. Do chữ nghĩa vô ngại nên có thể giáo hóa chúng sanh. Bốn trí vô ngại chính là Phật tánh, Phật tánh chính là Như Lai.
Phật tánh gọi là đảnh tam muội.Vì do tu đảnh tam muội nầy nên có thể tổng nhiếp tất cả Phật pháp, do đây nên nói đảnh tam muội gọi là Phật tánh. Thập Trụ Bồ Tát tu tam muội nầy chưa được đầy đủ, nên dầu thấy Phật tánh mà chẳng rõ ràng. Vì tất cả chúng sanh quyết định được, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như các thứ pháp đã nói ở trên, vì tất cả chúng sanh quyết định sẽ được, nên nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu ta nói sắc là Phật tánh, chúng sanh nghe lời nầy tất sanh tà kiến điên đảo, do tà kiến điên đảo tất sẽ phải đọa A Tỳ địa ngục. Đức Như Lai thuyết pháp để dứt địa ngục nên chẳng nói sắc là Phật tángh, nhẫn đến chẳng nói thức là Phật tánh cũng như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu chúng sanh thấy rõ Phật tánh thời chẳng cần tu tập thánh đạo. Thập Trụ Bồ Tát tu tám thánh đạo còn thấy Phật tánh một phần ít, huống là người chẳng tu mà được thấy ư !
Nầy Thiện Nam Tử ! Các vị Đại Bồ Tát như Văn Thù Sư Lợi tu tập thánh đạo đã trải qua vô lượng đời nên thấy rõ Phật tánh. Hàng Thanh Văn Duyên Giác làm thế nào biết Phật tánh được !
Nếu chúng sanh muốn biết rõ Phật tánh, thời phải nhứt tâm thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết cúng dường cung kính tôn trọng tán thán kinh Đại Niết Bàn nầy. Thấy người nào trì tụng nhẫn đến tán thán kinh Đại Niết Bàn nầy thời phải đem bốn thứ cúng dường thật tốt mà cung cấp cho người ấy, cùng tán thán lễ bái hỏi thăm.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu có người nào đã trải qua vô lượng vô biên đời gần gũi cúng dường vô lượng chư Phật trồng sâu các căn lành, rồi sau mới đặng nghe tên của kinh nầy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Phật tánh chẳng thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo cũng chẳng thể nghĩ bàn.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng chẳng biết được dầu vậy mà cũng chẳng thể nghĩ bàn.
Như Lai thường lạc ngã tịnh cũng chẳng thể nghĩ bàn.
Tất cả chúng sanh nếu ai tin được kinh Đại Niết bàn nầy, kẻ ấy chẳng thể nghĩ bàn.
Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng : “ Bạch Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói tất cả chúng sanh có thể tin kinh Đại Niết Bàn chẳng thể nghĩ bàn như đây. Bạch Thế Tôn ! Trong đại chúng nầy có tám muôn năm ngàn ức người không có lòng tin đối với kinh nầy, do đây nên người nào tin kinh nầy thời gọi người đó chẳng thể nghĩ bàn.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Số người trên đây đến đời vị lai cũng sẽ quyết định tin được kinh điển nầy, được thấy Phật tánh và được vô thượng Bồ Đề.
_ Bạch Thế Tôn ! Thế nào Bất Thối Bồ Tát tự biết quyết định có tâm bất thối.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát sẽ dùng khổ hạnh để thí nghiệm lấy tâm của mình : Mỗi ngày ăn một hột mè trọn bảy ngày ; gạo trằng, đậu xanh đậu trắng v.v… mỗi thứ bảy ngày, mỗi ngày một hột cũng như vậy.
Lúc ăn một hột mè, Bồ Tát nghĩ rằng : Khổ hạnh như vậy đều không lợi ích, việc không lợi ích còn làm được huống việc lợi ích mà lại không làm.
Đối với việc không lợi ích, trong lòng có thể nhẫn được sự khổ chẳng thối chẳng chuyển, do đây nên quyết đặng vô thượng Bồ Đề.
Trong những ngày tu khổ hạnh như vậy, da thịt ốm khô lần lần, như cắt trái bầu tươi phơi trong nắng. Mắt của Bồ Tát thụt sâu vào như đáy giếng. Hết thịt lòi gân như nhà tranh hư mục, xương sống lộ lên như dây thừng, chỗ Bồ Tát ngồi như dấu chân ngựa. Muốn ngồi thời mọp xuống, muốn đứng thời ngã nghiêng. Dầu chịu lấy sự khổ, không lợi ích như vậy, nhưng chẳng thối chuyển tâm Bồ Đề.

Nầy Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát vì phá các sự khổ, ban sự an vui cho chúng sanh, nên có thể xả thí của, vật, ngoài thân trong thân đến thân mạng của mình như bỏ cỏ khô.
Nếu có thể chẳng tiếc thân mạng như vậy, Bồ Tát nầy tự biết quyết định có tâm bất thối, tự biết tôi quyết định sẽ được vô thượng Bồ Đề.
Đại Bồ Tát vì pháp mà khoét thân làm đèn lấy tô vu đổ vào đặt tim để đốt.
Lúc Bồ Tát thọ sự khổ lớn như vậy tự trách tâm mình rằng : Sự khổ nầy đối với sự khổ ở địa ngục trăm ngàn muôn phần chưa bằng một phần. Ở trong vô lượng trăm ngàn kiếp, ta chịu nhiều sự khổ não đều không đem lại mảy may lợi ích, nếu ta không chịu được sự khổ nhẹ nầy, thời làm sao có thể ở nơi trong địa ngục để có thể cứu khổ chúng sanh.
Lúc Bồ Tát suy nghĩ như vậy thời thân chẳng biết khổ, tâm chẳng thối chuyển, do đây Bồ Tát tự biết chắc rằng tôi quyết định sẽ được vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Lúc đó Bồ Tát còn đầy đủ phiền não, vì chánh pháp mà có thể đem đầu mắt óc tủy tay chưn máu thịt bố thí cho người, lấy đinh đóng trên thân, nhảy từ gộp đá cao xuống, nhảy vào lửa. Dầu chịu lấy vô lượng sự khổ như vậy, nhưng nếu trong lòng chẳng có niệm thối chuyển, Bồ Tát nầy nên biết rằng nay tôi quyết định có tâm bất thối, sẽ được vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát vì phá trừ khổ não cho tất cả chúng sanh, nên nguyện làm thân súc sanh to lớn, đem máu thịt bố thí cho chúng sanh.
Lúc chúng sanh đến lấy máu ăn, Bồ Tát lại sanh lòng thương xót, lúc đó Bồ Tát nín hơi chẳng thở làm như chết, để cho những kẻ đến lấy thịt chẳng có quan niệm giết hại.
Dầu BồTát thọ thân súc sanh nhưng trọn chẳng tạo nghiệp súc sanh. Vì Bồ Tát đã được tâm bất thối chuyển, thời trọn chẳng gây tạo ác nghiệp. Nếu đời vị lai Bồ Tát có nghiệp quả ác nhỏ nhặt bất định, do sức nguyện lớn vì độ chúng sanh nên đều thọ lấy đó. Như người bịnh bị quỉ dựa ở ẩn trong thân, do oai lực của chú thuật, nên liền hiện tướng quỉ : Hoặc nói hoặc cười, hoặc mừng hoặc giận, hoặc mắng hoặc khóc. Đại Bồ Tát thọ lấy nghiệp quả đời vị lai cũng như vậy.
Lúc Bồ Tát thọ lấy thân gấu, thường vì chúng sanh mà diễn nói chánh pháp. Hoặc lúc thọ thân chim Ca Tân Xà La, lúc thọ thân Cù Đà thân nai, thân thỏ, thân voi, thân dê núi, thân khỉ vượn, thân bồ câu trắng, thân kim súy điểu, thân rồng, thân rắn, lúc thọ những thân súc sanh như vậy, nhưng trọn chẳng gây tạo nghiệp ác súc sanh, mà thường vì những súc sanh khác diễn thuyết chánh pháp, làm cho những súc sanh kia nhờ nghe pháp mà được mau khỏi thân súc sanh.
Lúc Bồ Tát thọ thân súc sanh mà chẳng gây tạo nghiệp ác nên biết rằng quyết định có tâm bất thối.
Đại Bồ Tát ở đời đói khát, thấy chúng sanh đói khát, nên nguyện làm thân cá lớn dài nhiều do diên, lại nguyện những chúng sanh nào lấy thịt của tôi, lấy rồi liền sanh trở lại, ai ăn thịt của tôi thời được khỏi đói khỏi khát, tất cả đều phát tâm vô thượng Bồ Đề, do nơi tôi mà kẻ nào được khỏi đói khát, thời đời vị lai họ sẽ mau được xa lìa khổ hoạn đói khát trong hai mươi lăm cõi.
Lúc Đại Bồ Tát chịu sự khổ như vậy mà tâm chẳng thối chuyển, thời nên biết quyết định sẽ được vô thượng Bồ Đề.
Nhằm đời tật dịch, Bồ Tát thấy nhiều người phải bịnh khổ, bèn suy nghĩ rằng như cây
Dược thọ, nếu người bịnh lấy rễ lấy cây, lấy nhánh, lấy lá, lấy bông, lấy trái, lấy vỏ đều trị được lành bịnh. Nguyện thân của tôi đây cũng như vậy, nếu người bịnh nghe tiếng chạm đến thân ăn thịt uống máu, nhẫn đến xương tủy đều trị lành bịnh. Nguyện chúng sanh lúc ăn thịt tôi chẳng sanh lòng ác, đều có quan niệm như ăn thịt con. Tôi trị cho họ được lành bịnh rồi sẽ thường vì họ mà thuyết pháp. Nguyện họ nghe pháp kính tin lãnh thọ suy gẫm rồi đem dạy lại người khác.
Bồ Tát đầy đủ phiền não lúc chịu sự khổ nơi thân như vậy vẫn chẳng thối cghuyển tâm Bồ Đề, nên biết quyết định được tâm bất thối, sẽ thành vô thượng Bồ Đề
Nếu có chúng sanh bị quỉ làm bịnh, Bồ Tát thấy việc nầy liền phát nguyện làm thân quỉ to lớn mạnh mẽ, quyến thuộc đông, khiến người bịnh kia nghe thấy liền hết bịnh quỉ.
Đại Bồ Tát vì độ chúng sanh nên siêng tu khổ hạnh, dầu có phiền não nhưng tâm chẳng nhiễm ô.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát dầu tu hành Lục Ba La Mật, cũng chẳng cầu quả Lục Ba La Mật.
Lúc tu hành Lục Ba La Mật vô thượng, Bồ Tát nguyện rằng : Nay tôi đem Lục Ba La Mật nầy bố thí cho tất cả chúng sanh, mỗi chúng sanh nhận lấy sự bố thí của tôi rồi thời đều sẽ được thành vô thượng Bồ Đề. Tôi cũng tự vì Lục Ba La Mật mà siêng tu khổ hạnh chịu những sự khổ não. Lúc đương chịu khổ nguyện tôi chẳng thối tâm Bồ Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát lúc suy gẫm phát nguyện như vậy thời gọi là tướng chẳng thối chuyển tâm Bồ Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, vì biết rõ sanh tử, có nhiều tội lỗi, quan sát Đại Niết Bàn có công đức lớn, vì chúng sanh mà ở nơi sanh tử chịu những sự khổ tâm chẳng thối chuyển, do đây nên gọi là Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đại Bồ Tát không có nhơn duyên mà vẫn sanh lòng thương xót tất cả chúng sanh, thiệt chẳng thọ ơn mà còn ghi ơn. Dầu thi ơn mà chẳng cần đền trả, do đây nên lại gọi Đại Bồ Tát là chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện Nam Tử ! Hoặc có chúng sanh vì lợi ích cho mình mà tu các khổ hạnh. Đại Bồ Tát vì lợi ích cho người cho chúng sanh mà tu khổ hạnh, dầu vậy nhưng vẫn gọi là lợi ích cho mình, do đây nên Đại Bồ Tát lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Bồ Tát đầy đủ phiền não, vì phá hoại quan niệm kẻ oán người thân nên thọ những sự khổ để tu tâm bình đẳng, do đây nên Bồ Tát lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Bồ Tát nếu thấy những chúng sanh hung ác thời hoặc quở trách, hoặc nói dịu ngọt, hoặc đuổi, hoặc bỏ.
Với những kẻ tánh ác, Bồ Tát thị hiện nói lời dịu dàng.
Với kẻ kiêu mạn, Bồ Tát thị hiện làm ngã mạn lớn, nhưng trong tâm của Bồ Tát thiệt không kiêu mạn. Đây gọi là phương tiện của Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn.
Bồ Tát đầy đủ phiền não, lúc của cải ít mà người cầu xin nhiều, lòng Bồ Tát trọn chẳng hẹp nhỏ. Đây gọi là Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn.
Lúc Đức Phật ra đời, Bồ Tát biết công đức của Phật, nhưng vì chúng sanh mà thọ thân biên địa nơi chỗ không Phật, như đui, như điếc, như què, như thọt. Đây gọi là Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn.
Bồ Tát biết rõ chúng sanh có những tội lỗi, vì muốn độ họ nên Bồ Tát thường cùng đi chung với họ, dầu làm theo ý của họ nhưng vẫn không nhiễm lấy tội lỗi. Do đây nên lại gọi Bồ Tát là chẳng thể nghĩ bàn.
Bồ Tát thấy biết rõ ràng không tướng chúng sanh, không phiền não nhiễm ô, không người tu tập thánh đạo xa lìa phiền não. Dầu vì Bồ Đề nhưng không hạnh Bồ Đề, cũng không có người thành tựu hạnh Bồ Đề, không người thọ khổ và người phá khổ mà cũng có thể vì chúng sanh phá hoại sự khổ thật hành hạnh Bồ Đề. Do đây nên gọi Bồ Tát là chẳng thể nghĩ bàn.
Bồ Tát thọ thân rốt sau ở cung trời Đâu Suất, đây cũng gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Vì trời Đâu Suất là hơn tất cả trong cõi dục, cõi trời dưới thời tâm phóng dật, cõi trời trên thời căn tánh ám độn, do đây nên trời Đâu Suất gọi là hơn. Tu thí, tu giới thời được thân trời cõi trên và cõi dưới. Tu thí, tu giới và tu định thời được thân trời Đâu Suất.
Tất cả Bồ Tát đã tự phá hoại tất cả cõi, trọn chẳng tạo nghiệp trời Đâu Suất để thọ thân nơi cõi trời đó. Vì Bồ Tát nếu ở nơi các cõi khác, cũng đều có thể giáo hóa thành tựu chúng sanh, thiệt không có dục tâm mà lại sanh vào cõi dục, do đây nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Đại Bồ Tát sanh ở trời Đâu Suất có ba việc thù thắng : Một là mạng, hai là sắc, ba là danh.
Đại Bồ Tát thiệt chẳng cầu mạng, sắc và danh, dầu không có tâm mong cầu mà chỗ được lại thù thắng. Đại Bồ Tát rất ưa thích Niết Bàn, nhưng có nhơn duyên nên mạng, sắc và danh cũng thù thắng. Do đây nên lại gọi chẳng thể nghĩ bàn.
Đại Bồ Tát mạng, sắc, và danh dầu hơn Chư Thiên, nhưng Chư Thiên đối với Bồ Tát chẳng có lòng giận, lòng ganh ghét, lòng kiêu mạn, thường có lòng hoan hỷ. Bồ Tát đối với Chư Thiên cũng chẳng kiêu mạn, nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Đại Bồ Tát chẳng tạo nghiệp nhơn thọ mạng, mà ở nơi trời Đâu Suất kia, Bồ Tát được thọ mạng rốt ráo, đây gọi là mạng thù thắng.
Bồ Tát không tạo nghiệp nhơn sắc đẹp, mà thân sắc của Bồ Tát xinh đẹp đầy đủ ánh sáng, đây gọi là sắc thù thắng.
Bồ Tát ở cung trời Đâu Suất chẳng ưa ngũ dục chỉ làm pháp sự, nên tiếng đồn khắp cả mười phương, đây gọi là danh thù thắng. Do đây nên lại gọi Bồ Tát là chẳng thể nghĩ bàn.
Lúc Đại Bồ Tát từ trời Đâu Suất giáng sanh, cả đại địa sáu thứ chấn động, nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn. Vì lúc Bồ Tát giáng sanh, chư Thiên cõi dục và cõi sắc đều đến hầu hạ đưa đi, lớn tiếng tán thán Bồ Tát, do hơi gió nơi miệng chư Thiên làm cho đại địa chấn động. Lại lúc Bồ Tát mới nhập thai, có các Long Vương ở dưới đại địa nầy hoặc khủng bố, hoặc hoan hỷ, nên đại địa chấn động. Do đây nên lại gọi Bồ Tát là chẳng thể nghĩ bàn.
Đại Bồ Tát biết rõ lúc nhập thai, lúc trụ thai, lúc xuất thai, biết cha, biết mẹ, chẳng nhiễm ô bất tịnh, như bảo châu màu xanh trên búi tóc của Đế Thích nên lại gọi là chẳng thể nghĩ bàn.
Nầy Thiện Nam Tử ! Kinh Đại Niết Bàn cũng chẳng thể nghĩ bàn như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như biển cả có tám điều chẳng thể nghĩ bàn : Một là lần lần càng sâu, hai là sâu khó đến đáy, ba là đồng một vị mặn, bốn là thủy triều chẳng quá hạn, năm là có nhiều thứ kho báu, sáu là những chúng sanh thân to lớn ở trong đó, bảy là chẳng chứa tử thi, tám là tất cả muôn dòng đổ về cùng mưa to xối xuống mà biển vẫn chẳng thêm chẳng bớt.
Nầy Thiện Nam Tử ! Biển lần lần càng sâu là vì có ba điều : Một là phước lực của chúng sanh, hai là thuận theo gió mà chảy, ba là vì nước trong sông đổ ra. Nhẫn đến chẳng thêm chẳng bớt cũng đều có ba việc.
Kinh Đại Niết Bàn nầy cũng có tám điều chẳng thể nghĩ bàn như vậy : Một là lần lần càng sâu, nghĩa là từ giới Ưu Bà Tắc, giới Sa Di, giới Tỳ Kheo, giới Bồ Tát, quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La hán, quả Bích Chi Phật, quả Bồ Tát, quả Vô Thượng Bồ Đề. Kinh Đại Niết Bàn nầy thuyết minh những pháp như vậy, đây gọi là lần lần càng sâu.
Hai là sâu khó đến đáy : Đức Như Lai Thế Tôn bất sanh bất diệt, chẳng được vô thượng Bồ Đề, chẳng chuyển pháp luân, chẳng ăn chẳng thọ, chẳng thật hành bố thí, do đây nên đặng thường lạc ngã tịnh.
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tánh nầy chẳng phải sắc thọ tưởng hành thức, chẳng rời sắc thọ tưởng hành thức, là thường trụ có thể thấy : Là liễu nhơn chẳng phải tác nhơn. Tu Đà Hoàn nhẫn đến Bích Chi Phật sẽ được vô thượng Bồ Đề, cũng không phiền não, cũng không trụ xứ, dầu không phiền não nhưng chẳng gọi là thường, do đây nên nói là sâu.
Trong kinh nầy hoặc có lúc nói là ngã, hoặc có lúc nói vô ngã, hoặc có lúc nói là thường, hoặc có lúc nói là vô thường, hoặc có lúc nói là tịnh, hoặc có lúc nói là bất tịnh, hoặc có lúc nói là lạc, hoặc có lúc nói là khổ, hoặc có lúc nói là không, hoặc có lúc nói là bất không, hoặc có lúc nói tất cả đều có, hoặc có lúc nói tất cả đều không, hoặc nói nhị thừa hoặc nói nhứt thừa, hoặc nói ngũ ấm tức là Phật tánh, là Kim Cang Tam Muội, là Trung Đạo, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, mười hai nhơn duyên , đệ nhứt nghĩa không, từ bi bình đẳng đối với chúng sanh, đảnh trí, tín tâm, trí lực biết các căn , trí không chướng ngại đối với tất cả pháp, dầu có Phật tánh nhưng chẳng nói quyết định. Do đây nên gọi là rất sâu.
Ba là đồng một vị : Tất cả chúng sanh đồng có Phật tánh, đều đồng nhứt thừa, đồng một giải thoát một nhơn một quả, đồng một cam lộ, tất cả đều sẽ được thường lạc ngã tịnh, đây gọi là đồng một vị.
Bốn là thủy triều chẳng quá hạn : Như trong kinh nầy chế các Tỳ Kheo chẳng được lẫn chứa tám vật bất tịnh. Nếu đệ tử của ta có thể thọ trì đọc tụng biên chép giải thuyết phân biệt kinh Đại Niết Bàn nầy, thà chết chớ trọn chẳng hủy phạm, đây gọi là thủy triều chẳng quá hạn.
Năm là có nhiều thứ kho báu : Kinh nầy tức là kho báu vô lượng, nghĩa là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh Đạo, Anh Nhi Hạnh, Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, những thiện phương tiện, Phật tánh của chúng sanh, công đức của Bồ Tát, công đức của Như Lai, công đức của Thanh Văn, công đức của Duyên Giác, Lục Ba La Mật, vô lượng Tam Muội, vô lượng Trí Huệ, đây gọi là những kho báu.
Sáu là chúng sanh thân to lớn ở trong đó : Vì chư Phật và Bồ Tát có trí huệ lớn nên gọi là chúng sanh lớn, vì thân lớn, vì tâm lớn, vì trang nghiêm lớn, vì điều phục lớn, vì phương tiện lớn, vì thuyết pháp lớn, vì thế lực lớn, vì đồ chúng lớn, vì thần thông lớn, vì từ bi lớn, vì thường chẳng biến đổi, vì tất cả chúng sanh thân không chướng ngại, vì dung thọ tất cả chúng sanh. Đây gọi là chỗ ở của những chúng sanh thân to lớn.
Bảy là chẳng chứa tử thi, tử thi là nói Nhứt Xiển Đề phạm bốn tội trọng năm tội vô gián, phỉ báng Đại Thừa, tà pháp nói là chánh pháp, chánh pháp nói là tà pháp, nhận chứa tám thứ vật bất tịnh, tùy ý dùng vật của Phật, vật của Tăng, đối với Tỳ Kheo, với Tỳ Kheo Ni làm việc phi pháp, đây gọi là tử thi, kinh Đại Niết Bàn nầy lìa những việc như vậy nên gọi rằng chẳng chứa tử thi.
Tám là chẳng thêm chẳng bớt, vì không ngằn mé, vì không thỉ chung, vì chẳng phải sắc, vì chẳng phải tạo tác, vì là thường trụ, vì chẳng sanh diệt, vì đều bình đẳng với tất cả chúng sanh, vì tất cả đồng một tánh Phật tánh, đây gọi là không thêm không bớt. Do đây nên kinh Đại Niết Bàn nầy có tám điều chẳng thể nghĩ bàn như biển cả kia.
Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng : “ Thế Tôn ! nếu cho rằng Như Lai bất sanh bất diệt là thậm thâm đó, thời tất cả chúng sanh có bốn loài sanh : Noãn, thai, thấp, hóa. Trong bốn loài sanh nầy thời loài người có đủ, như Tỳ Kheo Thi Bà La, Tỳ Kheo Ưu Bà Thi Bà La, mẹ của Trưởng giả Di Ca La, mẹ của Trưởng giả Ni Câu Đà, mẹ của Trưởng giả Bán Xà La, mỗi người đều sanh năm trăm con trai đồng là noãn sanh. Do đây nên biết rằng trong loài người cũng có noãn sanh.
Trong loài người mà thấp sanh, như Phật từng nói rằng : Thuở trước lúc ta tu hạnh Bồ Tát làm Đảnh Sanh Vương và Thủ Sanh Vương, và như nay cô gái Am La, cô gái Ca Bất Ba, nên biết rằng trong loài người cũng có thấp sanh.
Thuở kiếp sơ tất cả chúng sanh đều là hóa sanh.
Đức Thế Tôn đã được tám thứ tự tại, do nhơn duyên gì mà chẳng hóa sanh ?
Phật nói : “ Nầy Thiện Nam Tử ! Tất cả chúng sanh từ nơi bốn loài sanh mà sanh ra, khi đã được thánh pháp thời chẳng được noãn sanh và thấp sanh như trước.
Nầy Thiện Nam Tử ! Chúng sanh thuở kiếp sơ, thảy đều hoá sanh, trong thời kỳ đó, không có Phật ra đời.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu có chúng sanh lúc mang bịnh khổ thời cần thầy, cần thuốc, thuở kiếp sơ chúng sanh đều hoá sanh dầu có phiền não nhưng bịnh phiền não chưa phát, do đây nên đức Như lai chẳng hiện ra đời. Lại chúng sanh thuở kiếp sơ, thân tâm của họ chẳng phải pháp khí, nên đức Như Lai chẳng hiện ra trong thời kỳ đó.
Nầy Thiện Nam Tử ! Phàm tất cả sự nghiệp của đức Như Lai đều hơn chúng sanh, như giòng họ, quyến thuộc, cha mẹ. Do hơn chúng sanh, nên chỗ thuyết pháp của Như Lai mọi người đều tin thọ. Do đây nên đức Như Lai chẳng hóa sanh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Tất cả chúng sanh, hoặc là cha làm theo nghề nghiệp của con, hoặc là con làm theo nghề nghiệp của cha. Đức Như Lai nếu hóa sanh thời không có cha mẹ, nếu không có cha mẹ thời làm sao khiến tất cả chúng thật hành những nghiệp lành. Do đây đức Như Lai chẳng hóa sanh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Trong chánh pháp của Phật có hai thứ hộ trì : Một là nội hai là ngoại. Nội hộ là giới cấm. Ngoại hộ là thân tộc, quyến thuộc. Nếu đức Như Lai hóa sanh thời không ngoại hộ. Do đây nên đức Như Lai chẳng hóa sanh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Có người ỷ dòng họ mà sanh kiêu mạn. Vì phá sự kiêu mạn như vậy, nên đức Như Lai giáng sanh trong dòng họ cao sang, mà chẳng hóa sanh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai có cha mẹ thật, cha là Vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng Hậu Ma Da, mà còn có chúng sanh nói rằng Như Lai là người huyễn hóa, như thế thời đâu nên hóa sanh.
Nầy Thiện Nam Tử ! nếu Như Lai hóa sanh, thời làm thế nào có thân thể nát ra thành Xá Lợi. Đức Như Lai vì muốn cho chúng sanh tăng trưởng phước đức, nên nát rã thân thể mình thành Xá Lợi để cho chúng sanh cúng dường. Do đây nên đức Như Lai chẳng hóa sanh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Tất cả chư Phật đều không hóa sanh, thời làm sao ta lại riêng mình hóa sanh.”
Sư Tử Hống Bồ Tát liền qùy chắp tay nói kệ tán thán Phật :
Như Lai có vô lượng công đức,
Tôi chẳng thể trình bày đủ hết,
Nay vì chúng sanh nói một phần,
Xin Phật xót thương cho tôi nói :
Chúng sanh đi trong tối vô minh,
Chịu đủ vô biên trăm thứ khổ,
Phật có thể khiến họ xa lìa,
Nên đời gọi Phật là đại bi.
Chúng sanh đi trên dây sanh tử,
Phóng dật mê hoan không an vui.
Phật có thể ban cho an vui,
Do đây dứt hẳn dây sanh tử.
Vì Phật cho chúng sanh an vui,
Nên chẳng tham đắm vui của mình,
Phật vì chúng sanh tu khổ hạnh,
Nên trong đời đều cúng dường Phật.
Thấy người chịu khổ thân run rẩy,
Nên ở địa ngục chẳng biết đau,
Phật vì chúng sanh chịu khổ nhiều,
Nên là vô lượng không ai hơn.
Phật vì chúng sanh tu khổ hạnh,
Đầy đủ sáu môn Ba La Mật,
Ở trong gió tà tâm chẳng động,
Nên hơn được đại sĩ trong đời.
Chúng sanh thường muốn được an vui,
Mà chẳng biết tu nhơn an vui,
Phật có thể dạy bảo tu tập,
Dường như cha lành thương con một,
Phật thấy chúng sanh khổ phiền não,
Lòng khổ như mẹ lo con bịnh,
Thường nghĩ những phương tiện lìa bịnh,
Nên thân Phật hệ thuộc nơi người.
Tất cả chúng sanh làm điều khổ,
Lòng họ điên đảo cho là vui,
Phật diễn nói khổ vui chơn thật,
Nên đời gọi Phật là đại bi.
Đời đều ở trong vỏ vô minh,
Không có mỏ trí mổ lủng được,
Mỏ trí của Phật mổ lủng được,
Nên gọi Phật là mẹ lớn nhứt.
Chẳng bị nhiếp trì trong ba đời,
Không có danh tự và hiệu giả,
Hiểu biết nghĩa sâu của Niết Bàn,
Nên gọi Phật là bực Đại Giác.
Ba cõi xoay chuyển nhận chúng sanh,
Vô minh mù lòa chẳng biết ra,
Phật tự độ mình độ được người,
Nên gọi Phật là đại thuyền sư.
Biết rõ được tất cả nhơn quả,
Cũng lại thông đạt đạo tịch diệt,
Thường ban pháp dược cho chúng sanh,
Nên đời gọi Phật là Y Vương.
Ngoại đạo tà kiến nói khổ hạnh,
Nhơn hạnh nầy được vui vô thượng,
Đức Phật diễn nói hạnh chơn lạc,
Làm cho chúng sanh hưởng an vui,
Như Lai Thế Tôn phá đạo tà,
Chỉ dạy chúng sanh đường chơn chánh,
Ai đi đường nầy được an vui,
Nên đời gọi Phật là Đạo Sư.
Chẳng phải mình và người làm ra,
Chẳng phải chung làm vô nhơn làm,
Đức Phật giảng nói những sự khổ,
Đúng thật không như các ngoại đạo.
Thành tựu đầy đủ giới định huệ,
Cũng đem pháp nầy dạy chúng sanh,
Đem pháp bố thí không lẫn tiếc,
Phật hiệu là Đấng Vô Duyên Từ.
Không tạo tác cũng không nhơn duyên,
Chứng đặng báo không nhơn không quả,
Do đây tất cả bực trí giả,
Khen nói đức Phật chẳng cầu báo.
Thường cùng thế gian hành phóng dật,
mà thân chẳng làm phóng dật hạnh,
Nên gọi Phật là Bất Tư Nghì.
Tám pháp thế gian chẳng nhiễm ô.
Như Lai Thế Tôn không thân thù,
Nên tâm của Phật thường bình đẳng,
Tôi Sư Tử Hống, tán thán Phật,
Rống như vô lượng sư tử rống.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Gió Bấc


Ai vào địa ngục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.171.72 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập