Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Thế nào là thành tựu đầy đủ phần công đức thứ chín ?
Nầy Thiện nam tử ! Đại Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, đầu tiên phát năm điều thời được thành tựu phần công đức nầy : Một là tín tâm ; hai là trực tâm ; ba là giới ; bốn là gần gũi bạn lành, năm là học rộng nghe nhiều.
Thế nào là tín tâm ?
Bồ tát tin nơi TAM BẢO, bố thí cúng dường thời có quả báo. Tin nơi hai đế lý, đạo nhứt thừa không có nẻo nào khác, vì muốn chúng sanh mau được giải thoát mà chư Phật và Bồ tát phân biệt làm ba thừa. Tin đế lý đệ nhứt nghĩa. Tin thiện phương tiện : Đây gọi là tin.
Người có lòng tin như trên đây, không ai phá hoại được. Do đức tin nầy mà được tánh thánh nhơn. Người nầy tu hành bố thí không luận ít nhiều đều được gần nơi Đại Niết Bàn, chẳng đọa nơi sanh tử. Như bố thí, trì giới , đa văn và trí huệ cũng vậy. Dầu có tín tâm nầy nhưng cũng chẳng chấp. Đây là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn thành tựu điều ban đầu.
Thế nào là trực tâm ?
Đại Bồ Tát đối với chúng sanh, có lòng chất trực.
Tất cả chúng sanh , nếu gặp nhơn duyên thời móng lòng dua vạy. Bồ Tát thời không như vậy, vì hiểu rõ các pháp đều là nhơn duyên. Bồ Tát dầu thấy chúng sanh có những lỗi lầm, mà trọn không nói đến, vì sợ sanh phiền não, nếu sanh phiền não thời phải đọa ác thú.
Bồ Tát nầy nếu thấy chúng sanh có chút ít điều lành liền tán thán đó. Gì là lành ? Chính là Phật tánh. Do Bồ Tát tán thán Phật tánh nên chúng sanh phát tâm Bồ Đề.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Như đức Phật vừa nói : Bồ Tát tán thán Phật tánh làm cho chúng sanh phát tâm Bồ Đề. Lời đây không đúng nghĩa. Vì đức Như Lai lúc mới khai kinh Niết Bàn nói có ba hạng : Một là nếu có người bịnh gặp được thầy giỏi thuốc hay, người khán bịnh khéo thời được lành mạnh, nếu không đuợc như trên thời bịnh không lành ; hai là được gặp hay không được gặp đều không được lành ; ba là được gặp hay không được gặp bịnh đều lành.
Tất cả chúng sanh cũng có ba hạng như vậy : Một là hạng gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, nghe nói diệu pháp thời được phát tâm Bồ Đề, nếu không gặp thời không phát, đây là chỉ cho các bực Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na hàm, A La Hán và Bích Chi Phật.
Hai là hạng dầu được gặp bạn lành, gặp Phật, Bồ Tát, được nghe diệu pháp cũng chẳng phát tâm Bồ Đề, đây là nói hạng Nhứt Xiển Đề.
Ba là hạng hoặc gặp hay chẳng gặp, tất cả đều có thể phát tâm Bồ Đề, đây là nói Bồ Tát.
Nếu đã nói rằng gặp cùng chẳng gặp tất cả đều phát tâm vô thượng Bồ Đề, giờ đây tại sao đức Như Lai lại nói : Do tán thán Phật tánh làm cho chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ Đề ?
Thế Tôn ! Nếu nói rằng gặp cùng chẳng gặp đều không thể phát tâm Bồ Đề cả, lời nầy cũng không đúng nghĩa, vì hạng nầy sẽ được vô thượng Bồ Đề. Hạng Nhứt Xiển Đề do vì có Phật tánh, nên hoặc được gặp hay không được gặp, cũng đều sẽ được vô thượng Bổ Đề.
Thế Tôn ! Như đức Phật định nghĩa Nhứt Xiển Đề là dứt thiện căn, cũng không đúng. Vì hạng nầy không dứt Phật tánh. Cứ lý thời Phật tánh không thể dứt, sao đức Phật nói là dứt thiện căn ?
Như trong mười hai bộ kinh của Phật nói ngày trước, có hai thứ thiện căn : Thường và vô thường. Thiện căn thường thời không dứt, còn vô thường thời dứt.
Thiện căn vô thường có thể dứt nên đọa địa ngục. Còn thường chẳng thể dứt, cớ sao đức Phật chẳng có lời ngăn ?
Chẳng dứt Phật tánh chẳng phải nhứt xiển đề, cớ sao đức Phật lại nói là nhứt xiển đề ?
Thế Tôn ! Nếu nhơn Phật tánh mà phát tâm vô thượng Bồ Đề, cớ sao Như Lai lại vì chúng sanh nói rộng mười hai bộ kinh ?
Thế Tôn ! Như bốn con sông lớn từ ao A Na Bà Đạp Đa chảy ra, nếu có trời, người, cùng chư Phật cũng không thể bảo rằng nước sông lớn nầy không chảy vào biển cả sẽ trở lại nguồn.
Cũng vậy, người có Phật tánh, không luận nghe pháp hay không nghe, có giới hay không giới, có bố thí hay không bố thí, có tu hay không tu, có trí hay không trí, tất cả lẽ ra đều được vô thượng Bồ Đề.
Thế Tôn ! Như từ núi A Đà Diên, mặt trời mọc lên đến hướng chánh nam, không bao giờ mặt trời có thể nghĩ rằng ta không đến hướng Tây, ta trở lại phương Đông. Cũng vậy, đã có Phật tánh không có lẽ chẳng được vô thượng Bồ Đề mặc dầu không nghe pháp, không trì giới, không bố thí, không tu, không trí huệ.
Thế Tôn ! Như Lai nói tánh nhơn quả là chẳng phải có chẳng phải không. Nghĩa nầy cũng chẳng đúng.
Vì như trong sữa không có tánh của chất lạc, thời tất không có lạc. Như hột ni câu đà không có tánh cây năm trượng cao, thời tất không mọc lên cây cao năm trượng. Nếu trong Phật tánh không có cội vô thượng Bồ Đế, sao lại có thể sanh cội Bồ Đề vô thượng. Cứ như nghĩa nầy, thời làm sao hiệp với nghĩa nhơn quả chẳng phải có chẳng phải không của Phật đã nói ?
Đức Thế Tôn tán thán rằng : “ Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện nam tử ! Trong đời có hai hạng người rất là hi hữu như hoa Ưu Đàm : Một là người không phạm tội ác ; hai là người có tội biết hối cải.
Lại có hai hạng người rất hi hữu : Một là làm ơn ; hai là nhớ ơn.
Lại có hai hạng người rất hi hữu : Một là học hỏi điều mới ; hai là ôn nhuần điều học cũ không quên.
Lại có hai hạng người rất hi hữu : Một là tạo ra mới, hai là tu sửa chỗ cũ.
Lại có hai hạng người rất hi hữu : Một là thích nghe pháp ; hai là thích thuyết pháp.
Lại có hai hạng người rất hi hữu : Một là khéo gạn hỏi ; hai là khéo giải đáp.
Người khéo gạn hỏi chính là ông vậy. Người khéo giải đáp chính là Như Lai vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Do nơi khéo gạn hỏi bèn chuyển được pháp luân vô thượng, có thể làm khô cây do mười hai nhơn duyên, có thể qua khỏi sông lớn sanh tử vô biên, có thể chiến đấu với ma vương Ba Tuần, có thể xô ngã thắng tràng của Ba Tuần dựng.
Nầy Thiện nam tử ! Như trước kia Phật nói ba hạng bịnh nhơn, hạng gặp thầy giỏi, thuốc hay, khán bịnh khéo, cùng không gặp đều được lành mạnh, đó là vì thọ mạng quyết định, do vì người nầy trong vô lượng đời đã tu ba thứ thiện căn : Thượng, Trung và Hạ, nên được thọ mạng quyết định. Như người Uất Đơn Việt tuổi thọ ngàn năm, nếu mắc phải bịnh , dầu gặp thầy gặp thuốc được săn sóc kỹ, cùng không gặp đều sẽ được lành mạnh cả, vì họ đã được tuổi thọ quyết định.
Hạng bịnh nhơn nếu gặp thầy giỏi thuốc hay, khán bịnh khéo thời được lành, bằng không gặp thời chẳng lành, đây là những người thọ mạng không quyết định. Hạng người nầy dầu thọ mạng chưa hết, song có chín nhơn duyên có thể làm họ chết yểu : Một là biết ăn sẽ không an mà cứ ăn, hai là ăn quá nhiều ;l ba là ăn chưa tiêu mà lại ăn nữa ; bốn là đại tiều không điều hòa ; năm là lúc bịnh không nghe theo lời chỉ dẫn của y sĩ ; sáu là chẳng nghe lời dặn bảo của người khán bịnh ; bảy là cố nín nhẫn không chịu ói ; tám là đi đêm, vì đi đêm sẽ bị ác quỷ, ác trùng làm hại ; chín là phòng thất quá độ. Do đây nên Phật nói hạng bịnh nhơn nầy gặp thầy gặp thuốc thời lành, nếu không gặp thời không lành.
Hạng bịnh nhơn gặp thầy gặp thuốc hay không gặp đều không được lành mạnh, đây là những người tuổi thọ đã hết.
Chúng sanh cũng như vậy. Người phát tâm Bồ Đề, nếu gặp bạn lành, chư Phật, Bồ Tát, được học hỏi pháp cao sâu, hoặc không được gặp được học, tất cả đều sẽ được thành, vì người nầy đã có thể phát tâm vô thượng Bồ Đề. Như người Uất Đơn Việt có thọ mạng quyết định.
Hàng nhị thừa từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật, nếu được nghe thiện hữu, Chư Phật, Bồ Tát giảng nói pháp Đại Thừa thời có thể phát tâm Bồ Đề, nếu không gặp không nghe thời không thể phát tâm Bồ Đề vô thượng. Như người thọ mạng không quyết định, do chín duyên làm cho họ phải yểu thọ, nếu gặp Thầy gặp thuốc thời lành, không gặp thời bịnh không lành.
Hạng nhứt xiển đề, dầu có gặp thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát, có nghe pháp cao sâu, hay không nghe không gặp, đều không thể lìa tâm nhứt xiển đề, vì họ đã dứt thiện căn. Hạng nhứt xiển đề cũng được thành vô thượng Bồ Đề, vì nếu có thể phát tâm Bồ Đề vô thượng thời chẳng còn gọi là nhứt xiển đề.
Nầy Thiện nam tử ! tại sao nói hạng nhứt xiển đề được vô thượng Bồ Đềà ?
Hạng nhứt xiển đề, thật ra không thể được vô thượng Bồ Đề, như người tuổi thọ đã hết, dầu gặp thầy gặp thuốc, cũng không lành bịnh được.
Nầy Thiện nam tử ! “ Nhứt Xiển” gọi “Tín”, “Đề” là bất cụ, bất cụ tín gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là tín ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; bởi bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là thiện phương tiện ; “Đề” là bất cụ, vì tu thiện phương tiện chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là tu thiện phương tiện ; chúng sanh chẳng phải là cụ ;l bởi bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt xiển” gọi là tiến : “Đề” là bất cụ ; vì tinh tiến chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là tiến ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển”gọi là niệm ; :”Đề” là bất cụ ; vì niệm chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là niệm, chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là định, “Đề” là bất cụ ; vì định chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là định ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là huệ ; “Đề” là bất cụ ; vì huệ chẳng đầy đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh chẳng phải là huệ ; chúng sanh chẳng phải là cụ ; vì bất cụ nên thế nào dứt được.
“Nhứt Xiển” gọi là vô thường thiện ; “‘Đề” là bất cụ ; vì vô thường thiện chẳng đủ nên gọi là nhứt xiển đề.
Phật tánh là thường, chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện. Vì thiện pháp là từ phương tiện mà được, mà Phật tánh chẳng phải từ phương tiện được, nên gọi là chẳng phải thiện.
Do Phật tánh có thể được thiện quả vô thượng Bồ Đề, nên nói là chẳng phải bất thiện.
Lại vì thiện pháp sanh rồi mà được, còn Phật tánh không phải sanh rồi mà được nên nói là chẳng phải thiện.
Bởi dứt cả thiện pháp sanh và được, nên gọi là nhứt xiển đề.
Nầy Thiện nam tử ! Như ông gạn hỏi nếu nhứt xiển đề có Phật tánh, tại sao không ngăn tội địa ngục ?
Nầy Thiện nam tử ! Trong nhứt xiển đề không có Phật tánh.
Ví như nhà vua nghe tiến đờn véo von thánh thót, quá thích thú say sưa, bèn bảo đại thần : Tiếng quá hay như thế từ đâu mà có ?
Đại thần tâu là từ cây đờn phát ra tiếng ấy.
Nhà vua truyền đem đờn đến trước mặt, rồi bảo cây đờn kêu đi ! Kêu đi ! Cây đờn vẫn không kêu. Nhà vua bèn bứt dây, rọc da, chẻ cây, tìm mãi vẫn không có tiếng. Nhà vua nổi giận trách đại thần là tâu dối.
Đại thần phân trần : Nếu muốn cho đờn kêu ra tiếng thời phải khéo khảy đánh, chớ không phải làm cách như vậy.
Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, vốn không chỗ trụ. Dùng phương tiện khéo thời thấy được. Vì được thấy nên được vô thượng Bồ Đề.
Hạng nhứt xiển đề không thấy Phật tánh, làm thế nào ngăn được tội ba
ác đạo !
Nầy Thiện nam tử ! Nếu nhứt xiển đề tin có Phật tánh, nên biết rằng người nầy không bị sa vào ba ác đạo, cũng chẳng còn gọi là nhứt xiển đề.
Nầy Thiện nam tử ! Như lời ông gạn, nếu trong sữa không có tánh của chất lạc thời lẽ ra chẳng có lạc ; nếu trong hột Ni Câu Đà không có tánh cao năm trượng thời lẽ ra không mọc lên cây cao năm trượng ?
Kẻ ngu si mới nói như thế, người trí không bao giờ nói như thế, vì là không có tánh vậy.
Nầy thiện nam tử ! Nếu trong sữa có tánh của chất lạc lẽ ra chẳng cần nhờ công lực các duyên. Như nước và sữa trộn lộn, rồi nằm chờ đến mãn tháng trọn không thành lạc. Nếu dùng một giọt sữa rồi tìm nước cây nhễu vào bèn thành lạc. Nếu vốn đã có lạc sao lại phải nhờ duyên.
Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, nhờ các duyên thời được thấy, nhờ các nhơn duyên thành vô thượng Bồ Đề. Nếu phải chờ các nhơn duyên rồi sau mới thành thời chính là vô tánh vậy. Do vô tánh nên có thể thành vô thượng Bồ Đề.
Nầy Thiện nam tử ! Do cớ trên đây nên Đại Bồ Tát thường tán thán điều lành của người, chẳng rao nói lỗi xấu của kẻ khác, đây gọi là chất trực tâm.
Lại thế nào là Bồ Tát có tâm chất trực ? Bồ Tát thường không phạm lỗi ác. Thiết sử có lầm lỗi thời liền sám hối với thầy, với bạn đồng học, trọn chẳng che giấu. Tự hổ thẹn, tự trách, chẳng dám tái phạm. Nơi tội khinh xem dường rất nặng. Nếu người gạn hỏi liền đáp rằng thiệt có phạm, là chẳng tốt, là chẳng lành, tội nầy là quả ác, là chính tôi gây tạo đây là do phiền não cấu tập. Do trực tâm nên tin có Phật tánh, vì tin Phật tánh nên không gọi là nhứt xiển đề. Do trực tâm nên gọi là đệ tử Phật. Nếu lãnh thọ đồ cúng dường của người, dầu mỗi thứ cả ngàn muôn cũng chẳng đủ làm nhiều.
Đây gọi là Bồ Tát tâm chất trực.
Thế nào là Bồ Tát tu trì giới luật ?
Bồ Tát tu trì cấm giới, chẳng cầu sanh thiên, chẳng vì khủng bố, nhẫn đến chẳng thọ cẩu giới, kê giới, ngưu giới, trĩ giới. Chẳng thật hành phá giới, giới khuyết điểm, giới tỳ vết, giới tạp, giới Thanh Văn, mà thọ trì giới Đại Bồ Tát, thọ trì giới Thi La Ba La Mật được giới đầy đủ chẳng sanh kiêu mạn.
Đây gọi là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn trọn nên công hạnh thứ ba là giới.
Thế nào là Bồ Tát gần gũi thiện hữu ?
Đại Bồ Tát thường vì chúng sanh nói thiện đạo chẳng nói ác đạo. Nói ác đạo chẳng phải quả báo lành tốt.
Nầy Thiện nam tử ! Thân của Phật đây là chơn thiện tri thức của tất cả chúng sanh, vì thế nên có thể dứt tà kiến của Bà La Môn Phú Dà La. Nếu có chúng sanh nào gần gũi Phật, dầu có tội địa ngục cũng liền được sanh thiên, như gã Tu Na Sát Đa La v.v… đáng lẽ đọa địa ngục, do gặp được Phật tội liền tiêu trù mà sanh lên trời cõi sắc.
Dầu có các ông Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…, nhưng chẳng gọi là chơn thiện tri thức của chúng sanh, vì các ông ấy là nhơn duyên sanh tâm nhứt xiển đề vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Ngày trước lúc Phật ở nước Ba La Nại, ông Xá Lợi Phát có dạy hai đệ tử : Một người tu bạch cốt quán, một người tu sổ tức quán. Trải qua nhiều năm tu tập, cả hai người đều không được chánh định bèn sanh tà kiến cho rằng không Niết Bàn vô lậu, giả sử có thời chúng tôi đã được, vì chúng tôi khéo trì giới, tinh tấn tu.
Phật rõ việc nầy bèn gọi Xá Lợi Phất mà quở rằng : Ông không khéo dạy dổ. Sao ông thuyết pháp điên đảo cho hai đệ tử như vậy. Hai đệ tử của ông đó, căn tánh đều khác nhau : Một người vốn là thợ giặt, một người vốn là thợ kim hoàn. Thợ kim hoàn nên truyền pháp sổ tức quán, người thợ giặt phải dạy bạch cốt quán. Vì ông dạy lầm nên làm cho cả hai sanh tà kiến.
Quở xong, Phật chỉ dạy cho hai người đệ tử tu quán như đã bảo với ông Xá Lợi Phất. Sau đó hai người đều chứng quả A La Hán. Vì thế nên Phật là chơn thiện tri thức của tất cả chúng sanh.
Giả sử có chúng sanh nào kiết sử cực trọng mà được gặp Phật, Phật liền dùng phương tiện dứt trừ được cả.
Như em Phật, ông Nan Đà, có dục vọng rất nặng, Phật dùng phương tiện khéo làm cho Nan Đà hết dục vọng.
Như gã Ươn Quật Ma La có lòng sân rất nặng, do gặp Phật mà hết sân.
Vua A Xà Thế có ngu si dày, đến ra mắt Phật liền hết ngu si.
Như trưởng giả Bà Hi Dà từ vô lượng kiếp quen tập phiền não rất nặng, quy y với Phật liền sạch phiền não.
Giả sử có kẻ tệ ác hèn hạ, được gần gũi Phật làm đệ tử, thời tất cả trời người đều cung kính mến tưởng.
Ông Thi Hội Cúc Đa tà kiến rất nặng, nhơn gặp Phật mà hết tà kiến.
Do gặp Phật nên tiêu tội địa ngục thành duyên sanh thiện, như gã chiên đà la Khí Hứ.
Do gặp Phật, nên lúc sắp chết trở lại được sống lâu, như Thiên Đế Kiều Thi Ca.
Do gặp Phật, nên hết điên cuồng, như Sấu Cù Đàm Di.
Do gặp Phật, nên bỏ nghề giết thịt, như Tỳ Kheo Xiển Đề.
Do gặp Phật, nên thà chết chớ không phạm cấm giới, như các Tỳ Kheo bị trói bằng dây cỏ tươi.
Do nghĩa trên đây, nên A Nan nói nửa phần phạm hạnh là thiện tri thức, Phật bảo là không phải. Đầy đủ phạm hạnh mới gọi là thiện tri thức.
Đây là Bồ Tát tu Đại Niết Bàn trọn nên điều thứ tư là gần gũi thiện tri thức.
Thế nào là Bồ Tát đầy đủ đa văn ?
Đại Bồ Tát vì Đại Niết Bàn, mười hai bộ kinh mà biên chép, đọc tụng, giải thuyết, thời gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Trừ mười một bộ kinh, chỉ thọ trì , đọc tụng, biên chép, giải thuyết bộ Tỳ Phật Lược, cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Trừ cả mười hai bộ kinh, nếu có thể thọ trì, đọc tụng, biên chép, giải thuyết kinh điển vi diệu Đại Niết Bàn nầy thời gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Không đợi thọ trì toàn bộ kinh nầy, chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, hoặc chỉ có thể thọ trì câu Như Lai thường trụ tánh không biến đổi ; đây gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn.
Không đợi như trên, hoặc chỉ biết rằng Như Lai thường không thuyết pháp, cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ đa văn, vì pháp vốn vô tánh. Như Lai dầu giảng nói tất cả pháp nhưng thường không chỗ n ói.
Đây gọi là Bồ Tát tu tập Đại Niết Bàn trọn nên điều thứ năm là đầy đủ đa văn.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu có nam tử cùng nữ nhơn nào vì Đại Niết Bàn mà trọn nên năm điều như trên thời làm được việc khó làm, nhẫn được việc khó nhẫn, thí được việc khó thí.
Thế nào Bồ Tát làm được việc khó làm ?
Nếu nghe có người mỗi ngày ăn một hột mè mà được thành vô thượng Bồ Đề, vì tin theo đây, Bồ Tát có thể trong vô lượng vô số kiếp, mỗi ngày thường ăn một hột nè.
Nếu nghe rằng vào lửa mà được thành vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát có thể trong vô lượng kiếp vào trong lửa dữ ở ngục A Tỳ.
Thế nào là Bồ Tát nhẫn được việc khó nhẫn ?
Nếu nghe rằng chịu những đau khổ : Tay đánh gậy đập, đá ném, dao chém mà được Đại Niết Bàn, Bồ Tát có thể chịu đủ tất cả sự khổ ấy trong vô lượng kiếp mà không thấy là đau khổ.
Thế nào là Bồ Tát thí được việc khó thí ?
Nếu nghe rằng đem vợ con, nhà nước, đầu mắt tủy não bố thí cho người thời được thành vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát liền ở trong vô lượng vô số kiếp đem những thứ ấy bố thí cho người, không một niệm hối tiếc.
Bồ Tát dầu làm, dầu nhẫn, dầu bố thí như vậy, song trọn không có quan niệm rằng tôi làm, tôi nhẫn, tôi bố thí.
Ví như cha mẹ chỉ có một con trai, rất mến yêu con, cho con ăn ngon mặc đẹp. Nếu bị con khinh khi mắng hỗn, cha mẹ cũng không hờn giận, cũng chẳng nghĩ công nuôi dưỡng.
Cũng vậy, Bồ Tát xem chúng sanh như con một.
Nếu con phải bịnh, thời cha mẹ cũng bịnh, lo tìm thầy chạy thuốc ; khi con đã được lành mạnh, cha mẹ cũng chẳng nghĩ rằng ta lo chạy chữa cho con.
Cũng vậy, Bồ Tát thấy chúng sanh bị mắc bịnh phiền não, thương xót đem chánh pháp dạy cho. Nhờ nghe chánh pháp mà chúng sanh dứt được phiền não. Bồ Tát trọn không nghĩ rằng ta làm cho chúng sanh hết phiền não. Nếu có quan niệm chúng sanh được độ thời không thể thành vô thượng Bồ Đề. Chỉ có quan niệm rằng không có một chúng sanh nào được nghe ta thuyết pháp mà dứt phiền não.
Bồ Tát đối với chúng sanh không có lòng sân hận, không có lòng hỷ lạc, vì Bồ Tát khéo tu tập không tam muội. Nếu là tu tập không tam muội, thời Bồ Tát còn sanh sân, sanh hỷ đối với ai ?
Ví như cụm rừng kia bị người chặt đốn, bị lửa cháy, bị nước ngập, cụm rừng sẽ sanh sân hỷ với ai ? Cũng vậy, đối với chúng sanh Bồ tát không có lòng sân hỷ , vì đã khéo tu tập không tam muội vậy .
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật : “Thế Tôn ! tất cả các pháp là tánh nó tự không, hay là vì không, không nên không ?
Nếu tánh nó tự không thời chẳng nên tu không rồi sau mới thấy được không. Tại sao đức Như Lai nói do tu không mà được thấy không ?
Nếu tánh nó tự chẳng không , thời dầu có tu không, cũng chẳng thể làm cho nó thành không ?
Phật bảo : “ Nầy Thiện nam tử ! Tất cả các pháp tánh của nó tự không, vì tánh của tất cả pháp vốn là bất khả đắc vậy .
Như sắc tánh bất khả đắc. Thế nào là sắc tánh ? Xét nơi sắc, chẳng phải là địa, thủy , hỏa , phong, cũng chẳng rời ngoài địa, thủy, hỏa, phong ; chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, cũng chẳng rời ngoài xanh, vàng, đỏ, trắng ; chẳng phải có, chẳng phải không, đâu có thể nói là sắc có tự tánh. Vì tánh bất khả đắc nên gọi là không.
Tất cả pháp khác cũng như vậy.
Bởi tương tợ tương tục nên phàm phu theo kiến thức của mình mà cho là các pháp tánh chẳng không tịch. Còn Đại Bồ Tát nhờ đầy đủ năm công hạnh nên thấy tất cả pháp, tánh vốn không tịch.
Nầy Thiện nam tử ! Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn nào thấy tất cả pháp, tánh chẳng không, phải biết rằng người đó không phải là Sa Môn, Bà La Môn, người đó không tu tập Bát Nhã Ba La Mật, chẳng được vào Đại Niết Bàn, chẳng được hiện tiền thấy Phật, Bồ Tát ; người đó là quyến thuộc của ma.
Nầy Thiện nam tử ! tất cả các pháp tánh nó vốn tự không, cũng do Bồ Tát tu tập không mà thấy các pháp là không.
Nầy Thiện nam tử ! Như tất cả pháp vì tánh nó vô thường nên diệt có thể diệt được. Nếu chẳng phải là vô thường thời diệt chẳng thể diệt được.
Pháp hữu vi, vì có sanh tướng nên sanh có thể sanh nó, vì có diệt tướng nên diệt có thể diệt nó. Các pháp vì có tướng khổ nên khổ có thể làm cho khổ ?
Như tánh muối là mặn nên có thể ướp mặn vật khác. Vì tánh mật là ngọt nên có thể ướp ngọt vật khác. Vì tánh giấm là chua nên có thể ướp chua vật khác. Vì tánh gừng là cay nên có thể ướp cay vật khác. Vì A Lê Lặc đắng nên có thể ướp đắng vật khác. Vì trái Am La lạt nên có thể ướp lạt vật khác. Tánh chất độc có thể làm hại, nên ướp vật khác thành độc có thể làm hại. Tánh cam lộ làm cho người không chết, nếu đem hiệp với vật khác cũng có thể thành vị bất tử ?
Bồ Tát tu không cũng như vậy. Vì tu không nên thấy tất cả pháp, tánh của nó đều không tịch.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát lại bạch : “ Thế Tôn ! Nếu như muối có thể làm cho vật không phải mặn thành ra mặn. Tu không tam muội cũng như vậy, thời chánh định nầy không lành, không diệu, tánh cách điên đảo. Nếu không tam muội chỉ thấy không, không là không có pháp thời là thấy những gì ?”
Phật bảo : “ Nầy Thiện nam tử ! Không tam muội nầy thấy nơi pháp chẳng phải không, mà có thể làm thành không tịch, nhưng vẫn chẳng phải là điên đảo. Như muối làm vật không mặn thành mặn. Cũng vậy, không tam muội làm pháp chẳng không thành không.
Nầy Thiện nam tử ! Tham là tánh có chẳng phải tánh không. Nếu tham là tánh không thời lẽ ra chúng sanh chẳng vì tham mà phải đọa địa ngục. Nếu bị đọa địa ngục, thời tham tánh đâu phải là không !
Nầy Thiện nam tử ! Sắc tánh là có. Gì là sắc tánh ? Chính là điên đảo. Do điên đảo nên chúng sanh tham đắm. Nếu sắc tánh chẳng phải điên đảo thời đâu có thể làm cho chúng sanh tham đắm ! Vì sanh tham nên biết rằng sắc tánh chẳng phải là không có. Do cớ trên đây nên tu không tam muội chẳng phải là điên đảo vậy.
Nầy Thiện nam tử ! Tất cả phàm phu nếu thấy người nữ liền sanh tướng nữ.
Bồ Tát thời không như vậy, dầu thấy người nữ nhưng không sanh tướng nữ, vì không sanh tướng nữ nên không sanh tham ; tham không sanh chẳng phải là điên đảo vậy.
Vì người đời thấy có người nữ, nên Bồ Tát tùy thuận nói có người nữ. Nếu lúc thấy người nam mà nói là nữ, thời là điên đảo.
Do đây nên Phật bảo Xa Đề rằng : Nầy Bà La Môn ! Nếu cho ngày là đêm, thời là điên đảo. Cho đêm là ngày cũng là điên đảo.
Nầy Thiện nam tử ! Tất cả Bồ Tát trụ bực cửu địa thấy pháp có tánh, do đây nên không thấy Phật tánh, nếu đã thấy Phật tánh thời chẳng còn thấy tánh tất cả pháp. Do tu tập không tam muội nên chẳng thấy pháp tánh. Vì không thấy
Pháp tánh nên thấy Phật tánh.
Chư Phật và Bồ Tát có hai thuyết : Một là có tánh, hai là không tánh.
Vì chúng sanh nên nói có Pháp tánh, vì các bực hiền thánh nên nói không Pháp tánh.
Vì muốn người không thấy được pháp không, nên tu không tam muội khiến thấy được không. Người không thấy pháp tánh cũng do tu không nên không. Do nghĩa nầy nên tu không thời thấy được không.
Nầy Thiện nam tử ! Ông gạn rằng : Người thấy không đó, không là không có pháp thời thấy những gì ?
Nầy Thiện nam tử ! Đúng như vậy, Đại Bồ Tát thiệt không chỗ thấy, không chỗ thấy chính là không chỗ có, không chỗ có chính là tất cả pháp. Đại Bồ tát tu Đại Niết Bàn nơi tất cả pháp đều không chỗ thấy. Nếu có chỗ thấy thời không thấy Phật tánh, không thể tu tập Bát Nhã Ba La Mật. Chẳng được vào nơi Đại Niết Bàn. Vì thế nên Bồ Tát thấy tất cả pháp, tánh vô sở đắc.
Nầy Thiện nam tử ! Bồ Tát chẳng những nhơn tu tam muội mà thấy không, Bát Nhã Ba La Mật cũng không, thiền Ba La Mật cũng không, Tỳ Lê Gia Ba La Mật cũng không, Sằn Đề Ba La Mật cũng không, Thi La Ba La Mật cũng không, Đàn Ba La Mật cũng không, sắc cũng không, nhãn cũng không, thức cũng không, Như Lai cũng không, Đại Niết Bàn cũng không. Vì thế nên Bồ Tát thấy tất cả pháp đều là không.
Do đây nên lúc ở thành Ca Tỳ La, Phật bảo A Nan : Ông chớ sầu não khóc
lóc ! _ A Nan bạch : Thế Tôn ! Nay quyến thuộc của tôi đều bị giết chết cả, làm sao tôi không sầu não khóc lóc được ! Như Lai cùng tôi đồng sanh trưởng tại thành nầy, đồng là thân thích của dòng Thích Ca, tại sao chỉ riêng có Như Lai là không sầu não, dung nhan lại tươi sáng như vậy ?
_ Nầy A Nan ! Ông thấy thành Ca Tỳ La là có thật, còn Phật thời thấy là không tịch trọn không chỗ có. Ông thấy dòng Thích Ca là thân thích, còn Phật vì tu không nên đều không chỗ thấy. Vì thế nên ông sanh lòng sầu khổ, còn dung nhan của Phật càng thêm tươi sáng.
Nầy Thiện nam tử ! Vì chư Phật và Bồ Tát tu tập không tam muội như vậy nên chẳng sanh sầu não.
Đây gọi là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ chín.
Nầy Thiện nam tử ! Thế nào là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn, thành tựu đầy đủ phần công đức thứ mười rốt sau cả ?
Bồ Tát tu tập ba mươi bảy phần trợ đạo vào Đại Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh. Vì các chúng sanh phân biệt gỉai thuyết kinh Đại Niết Bàn hiển thị Phật tánh.
Nếu Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát tin lời trên đây thời được vào Đại Niết Bàn. Nếu người không tin thời luân hồi sanh tử .
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch Phật : “ Thế Tôn ! Những chúng sanh nào ở trong kinh nầy chẳng sanh lòng cung kính ?
Phật bảo : “ Nầy Thiện nam tử ! Sau khi ta nhập Niết Bàn có hàng Thanh Văn đệ tử ngu si phá giới ưa sanh sự đấu tranh, bỏ mười hai bộ kinh, mà đi đọc tụng văn kệ sách vở của ngoại đạo, nhận chứa tất cả vật bất tịnh, nói rằng Phật cho phép. Những người ngu si nầy đem chiên đàn tốt đổi lấy gỗ tạp, đem vàng đổi lấy thau, đem bạc đổi lấy nhôm, hàng lụa đổi lấy bố gai, đem vị cam lộ đổi lấy chất độc.
Thế nào là chiên đàn đổi lấy gỗ tạp ?
Như các đệ tử vì cúng dường mà thuyết kinh pháp cho hàng bạch y. Hàng bạch y phóng dật không thích nghe pháp. Bạch y ngồi cao, Tỳ Kheo ngồi thấp. Nhẫn đến đem những đồ ăn uống ngon để cung cấp mà họ vẫn chẳng bằng lòng nghe. Đây gọi là đem chiên đàn đổi lấy gỗ tạp.
Thế nào là đem vàng đổi lấy thau ?
Thau là dụ cho sắc thinh, hương, vị, xúc năm dục trần, vàng là dụ cho giới. Đệ tử của ta vì sắc mà phá giới đã thọ. Đây là đem vàng đổi lấy thau.
Thế nào là đem bạc đổi lấy nhôm ?
Bạc dụ cho thập thiện, nhôm dụ cho thập ác. Đệ tử của ta vất bỏ mười hạnh lành mà làm mười điều ác. Đây gọi là đem bạc đổi lấy nhôm vậy ?
Thế nào là đem lụa đổi gai bố ?
Gai bố dụ cho vô tàm vô quý. Lụa dụ cho tàm quý. Đệ tử của ta bỏ tàm quý quen tập vô tàm vô quý. Đây là đem lụa đổi gai vậy ?
Thế nào là vị cam lồ đổi chất độc ?
Chất độc dụ cho các thứ lợi dưỡng. Cam lồ dụ cho pháp vô lậu. Đệ tử của ta vì lợi dưỡng mà tự khen tự khoe với hàng bạch y rằng mình được vô lậu. Đây là cam lồ đổi chất độc.
Sau nầy kinh Đại Niết Bàn lưu hành ở Diêm Phù Đề, có các đệ tử Phật thọ trì, đọc tụng, biên chép, diễn thuyết sẽ bị các ác Tỳ Kheo đây giết hại.
Lúc đó các ác Tỳ Kheo nhóm họp nhau lập chế ước nghiệm rằng : Vị nào đọc tụng thọ trì biên chép diễn thuyết kinh Đại Niết Bàn, đều chẳng được cùng ở, cùng ngồi, cùng đàm luận chuyện trò. Vì kinh Đại Niết Bàn chẳng phải của Phật nói, do người tà kiến tạo ra. Người tà kiến là lục sư, kinh điển của lục sư chẳng phải kinh điển của Phật. Vì tất cả chư Phật đều nói các pháp là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nếu nói các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh thời đâu phải là kinh do Phật nói.
Chư Phật cho các đệ tử chứa các thứ vật, còn lục sư chẳng cho các đệ tử cất chứa tất cả vật. Nếu cấm chứa thời thế nào lại là lời của Phật ?
Chư Phật chẳng cấm đệ tử dứt hẳn năm vị sữa bò và ăn thịt. Còn lục sư chẳng cho ăn năm thứ muối, năm thứ vị sữa bò và huyết mỡ. Nếu cấm những thứ nầy thời đâu phải là kinh điển chánh của Phật !
Chư Phật nói ba thừa, mà kinh nầy thuần nói nhứt thừa và Đại Niết Bàn, thời đâu gọi là kinh điển chánh của Phật được !
Chư Phật rốt ráo nhập Niết Bàn, còn kinh nầy nói Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, chẳng nhập Niết Bàn.
Kinh nầy không ở trong số mười hai bộ, chính là ma thuyết, chẳng phải Phật thuyết.
Nầy Thiện nam tử ! Người như trên đây dầu là đệ tử Phật mà chẳng thể tin thuận kinh Đại Niết Bàn nầy.
Nầy Thiện nam tử ! Trong thời kỳ như vậy, nếu có chúng sanh tin kinh điển nầy nhẫn đến nửa câu, phải biết rằng người nầy thiệt là đệ tử của Phật, do sự tin nầy mà thấy Phật tánh nhập Đại Niết Bàn.
Cao Quý Đức Vương Bồ Tát nói : “ Lành thay ! Lành thay ! Ngày nay đức Như Lai khéo khai thị kinh Đại Niết Bàn.
Thế Tôn ! Tôi nhơn việc nầy bèn được giải ngộ kinh Đại Niết Bàn một câu nửa câu. Do hiểu một câu đến nửa câu nên thấy chút phần Phật tánh. Cứ như lời Phật nói, tôi cũng sẽ được vào Đại Niêt Nàn.
Đây gọi là Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết Bàn thành tựu đầy đủ phần công đức thứ mười.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.195.45 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.