HomeIndex

Thiền tông

禪 宗 ; C: chán-zōng; J: zen-shū;

Một tông phái của Phật giáo Ðại thừa tại Trung Quốc. Thiền tông sinh ra trong khoảng thế kỉ thứ 6, thứ 7, khi Bồ-đề Ðạt-ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc, hấp thụ một phần nào của đạo Lão. Tại đây, Thiền tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích là hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ, như Thích-ca Mâu-ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ-đề. Thiền tông là môn phái quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lí luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả Tọa thiền (j: zazen), là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt được như sau:

教外別傳。不立文字。直指人心。見性成佛

Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, Kiến tính thành Phật

1. Truyền giáo pháp ngoài kinh điển; 2. Không lập văn tự; 3. Chỉ thẳng tâm người; 4. Thấy tính thành Phật.

Bốn tính chất rất rõ ràng dễ nhập tâm này được xem là do Bồ-đề Ðạt-ma nêu lên, nhưng cũng có người cho rằng chúng xuất phát từ Thiền sư đời sau là Nam Tuyền Phổ Nguyện (南 泉 普 願; 749-835), một môn đệ của Mã Tổ. Truyền thuyết cho rằng quan điểm »Truyền pháp ngoài kinh điển« đã do đức Thích-ca áp dụng trên núi Linh Thứu (s: gṛdhrakūṭa). Trong pháp hội đó, Ngài im lặng đưa lên một cành hoa và chỉ có Ma-ha Ca-diếp (s: mahākāśyapa), một Ðại đệ tử, mỉm cười lĩnh hội ý chỉ của cách »Dĩ tâm truyền tâm« (以 心 傳 心; xem Niêm hoa vi tiếu). Ðức Thích-ca ấn chứng cho Ca-diếp là Sơ tổ của Thiền tông Ấn Ðộ. Từ đó, Thiền tông coi trọng tính chất Ðốn ngộ (頓 悟; giác ngộ ngay tức khắc) trên con đường tu học.

Thiền tông Ấn Ðộ truyền đến đời thứ 28 là Bồ-đề Ðạt-ma. Ngày nay, người ta không còn tư liệu gì cụ thể về lịch sử các vị Tổ Thiền tông Ấn Ðộ, và thật sự thì điều đó không quan trọng trong giới Thiền. Ðiều hệ trọng nhất của Thiền tông là »tại đây« và »bây giờ.« Ðầu thế kỉ thứ 6, Bồ-đề Ðạt-ma sang Trung Quốc và được xem là Sơ tổ của Thiền tông tại đây. Trong suốt thời gian từ đó đến Lục tổ Huệ Năng (慧 能; 638-713), Phật giáo và Lão giáo đã có nhiều trộn lẫn với nhau, nhất là trong phái Thiền đốn ngộ của Huệ Năng, phát triển miền Nam Trung Quốc. Một phái Thiền khác ở phía Bắc, do Thần Tú (神 秀) chủ trương, chấp nhận »tiệm ngộ« (漸 悟) – tức là ngộ theo cấp bậc – không kéo dài được lâu. Phái Thiền của Huệ Năng phát triển như một ngọn đuốc chói sáng, nhất là trong đời Ðường, đầu đời Tống và sản sinh vô số những vị Thiền sư danh tiếng như Mã Tổ Ðạo Nhất (馬 祖 道 一), Bách Trượng Hoài Hải (百 丈 懷 海), Triệu Châu Tòng Thẩm (趙 州 從 諗), Lâm Tế Nghĩa Huyền (臨 濟 義 玄) ... và truyền ra các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam (Phật giáo). Thiền phương Nam dần dần chia thành Ngũ gia thất tông (五 家 七 宗; năm nhà, bảy tông), đó là những tông phái thường chỉ khác nhau về cách giáo hóa, không khác về nội dung đích thật của Thiền. Ngũ gia thất tông gồm Tào Ðộng (曹 洞), Vân Môn (雲 門), Pháp Nhãn (法 眼), Qui Ngưỡng (潙 仰), Lâm Tế và hai bộ phái của Lâm Tế là Dương Kì (楊 岐) và Hoàng Long (黃 龍; xem các biểu đồ cuối sách).

Trong các tông này thì có hai tông Lâm Tế và Tào Ðộng du nhập qua Nhật trong thế kỉ 12, đầu thế kỉ 13, đến nay vẫn sinh động và còn ảnh hưởng lớn cho Thiền thời nay. Khoảng đến đời nhà Tống thì Thiền tông Trung Quốc bắt đầu suy tàn và trộn lẫn với Tịnh độ tông trong thời nhà Minh (thế kỉ thứ 15). Trong thời gian đó, Thiền tông đúng nghĩa với tính chất »dĩ tâm truyền tâm« được xem như là chấm dứt. Lúc đó tại Nhật, Thiền tông lại sống dậy mạnh mẽ. Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền (道 元 希 玄), người đã đưa tông Tào Ðộng qua Nhật, cũng như Thiền sư Minh Am Vinh Tây (明 菴 榮 西), Tâm Ðịa Giác Tâm (心 地 覺 心), Nam Phố Thiệu Minh (南 浦 紹 明) và nhiều vị khác thuộc phái Lâm Tế đã có công thiết lập dòng Thiền Nhật Bản. Giữa thế kỉ 17, Thiền sư Trung Quốc là Ẩn Nguyên Long Kì (隱 元 隆 琦) sang Nhật thành lập dòng Hoàng Bá, ngày nay không còn ảnh hưởng. Vị Thiền sư Nhật xuất chúng nhất phải kể là Bạch Ẩn Huệ Hạc ( 白 隱 慧 鶴), thuộc dòng Lâm Tế, là người đã phục hưng Thiền Nhật Bản trong thế kỉ 18.

Thiền tông Trung Quốc được sáng lập trong thời kì Phật pháp đang là đối tượng tranh cãi của các tông phái. Ðể đối lại khuynh hướng »triết lí hóa«, phân tích chi li Phật giáo của các tông khác, các vị Thiền sư bèn đặt tên cho tông mình là »Thiền« để nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp Tọa thiền để trực ngộ yếu chỉ.

Thiền bắt nguồn từ Ấn Ðộ nhưng đã trở thành một tông phái độc lập khi được truyền sang Trung Quốc, đặc biệt là sau thời của Lục tổ Huệ Năng. Nơi đây, Thiền tông đã hấp thụ cốt tủy của nền văn hóa, triết lí Trung Quốc. Nhà Ấn Ðộ học và Phật học danh tiếng của Ðức H. W. Schumann viết như sau trong tác phẩm Ðại thừa Phật giáo (Mahāyāna-Buddhismus): »Thiền tông có một người cha Ấn Ðộ nhưng đã chẳng trở nên trọn vẹn nếu không có người mẹ Trung Quốc. Cái ›dễ thương‹, cái hấp dẫn của Thiền tông chính là những thành phần văn hóa nghệ thuật, những đặc điểm sắc thái riêng của Trung Quốc, không phải của Ấn Ðộ. Những gì Phật giáo mang đến Trung Quốc – với tư tưởng giải thoát tuyệt đối, trình bày một cách nghiêm nghị khắc khe với một ngón tay trỏ chỉ thẳng – những điều đó được các vị Thiền sư thừa nhận, hấp thụ với một nụ cười thầm lặng đầy thi vị. Thành tựu lớn lao của các Ðại luận sư Ấn Ðộ là nhét ›con ngỗng triết lí‹ vào lọ, thì – chính nơi đây, tại Trung Quốc – con ngỗng này được thả về với thiên nhiên mà không hề mang thương tích.«

Thiền như các vị Thiền sư nhấn mạnh, là trở về với tự nhiên, không hẳn là sự phản đối truyền thống như những học giả sau này thường xác định. Thiền tông phản bác, vứt bỏ những nghi thức rườm rà, những bài luận khó hiểu, bất tận nhưng không phủ nhận nội dung, tinh hoa của chúng. Thiền tông chính là sự tổng hợp độc đáo của hai giáo lí, hai học thuyết nền tảng của Ðại thừa Ấn Ðộ, đó là Trung quán (中 觀; s: madhyamaka) và Duy thức (唯 識; s: vijñānavāda). Người ta có thể hiểu phần nào những hành động, lời nói, phương pháp hoằng hóa »mâu thuẫn«, »nghịch lí« của các vị Thiền sư nếu nắm được giáo lí của Trung quán và Duy thức. Trong các tập công án của Thiền tông, người ta có thể nhận ra hai loại: 1. Những công án xoay quanh thuyết Thật tướng (實 相) của Trung quán tông (s: mādhyamika), tức là tất cả đều là Không (s: śūnyatā) và 2. Những công án với khái niệm »Vạn pháp duy tâm« (萬 法 唯 心; s: cittamātra) của Duy thức tông.

Công án danh tiếng nhất với thuyết tính Không là Con chó của Triệu Châu (Vô môn quan 1): Tăng hỏi Triệu Châu: »Con chó có Phật tính không?« Triệu Châu trả lời: »Không!« ().

Một công án không kém danh tiếng theo thuyết Duy thức (Vô môn quan 29): Hai ông tăng cãi nhau về phướn (một loại cờ). Một ông nói: »Phướn động.« Ông khác nói: »Gió động«, và cứ thế tranh cãi. Lục tổ Huệ Năng liền nói: »Chẳng phải gió, chẳng phải phướn, tâm các ông động.« Nghe câu này, hai vị giật mình run sợ.

Tuy không bao giờ trở lại thời vàng son của thế kỉ thứ 7, thứ 8, Thiền tông vẫn luôn luôn gây được một sức thu hút mãnh liệt nơi tín đồ Phật giáo và đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật Ðông Á. Khoảng vài mươi năm nay, Thiền tông bắt đầu có ảnh hưởng tại phương Tây và Mĩ.