拈 花 微 笑 ; J: nenge-mishō; nghĩa là »cầm hoa mỉm cười«;
Một câu nói thường được dùng trong Thiền tông để chỉ việc truyền pháp nằm ngoài ngôn ngữ của Phật Thích-ca Mâu-ni cho Tổ thứ nhất là Ma-ha Ca-diếp (s: mahākāśyapa). Cách »Dĩ tâm truyền tâm« này là sự bắt đầu của »Giáo ngoại biệt truyền«, một danh hiệu mà chư vị Thiền sư tự đặt cho trường phái của mình.
Câu chuyện Niêm hoa vi tiếu trên được thuật lại trong một bộ Kinh với tên Ðại phạm thiên vương vấn Phật quyết nghi kinh (j: daibontennō-mombutsu-ketsugi-kyō). Tương truyền rằng, Phạm thiên vương (s: brahmā) một hôm viếng thăm một hội thuyết pháp của đức Phật trên đỉnh Linh Thứu. Ông cúng dâng đức Phật một cành hoa (có thuyết nói là hoa Sen, một thuyết khác là hoa Ưu-đàm) và thỉnh Phật vì chúng thuyết Pháp. Thay vì thuyết pháp thì Phật chỉ cầm một nhành hoa, se giữa những ngón tay và im lặng mỉm cười. Chẳng ai trong chúng hiểu được thâm ý ngoài Ma-ha Ca-diếp với một nụ cười trả lời. Theo Vô môn quan, Công án thứ 6 – một cách trình bày ngắn gọn của sự kiện này – thì Phật bảo rằng: »Ta có Chính pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng không tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay trao lại cho Ma-ha Ca-diếp.«
Ma-ha Ca-diếp vì vậy mà được xem là Tổ thứ nhất của Thiền tông.