中 觀 宗; hay Trung luận tông (中 論 宗); S: mādhyamika;
Một trường phái Ðại thừa, được Long Thụ (s: nāgārjuna) và Thánh Thiên (āryadeva) thành lập. Tông này có ảnh hưởng lớn tại Ấn Ðộ, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam. Ðại diện xuất sắc của phái này, bên cạnh hai vị sáng lập, là Phật Hộ (tk. 5), Thanh Biện (tk. 6), Nguyệt Xứng (tk. 8), Tịch Hộ (tk. 8) và Liên Hoa Giới (tk. 8). Những Ðại Luận sư này có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển đạo Phật tại Tây Tạng.
Tên gọi của tông này dựa trên quan điểm »trung quán«, quan điểm trung dung về việc sự vật có hay không có. Với quan điểm Bát bất (xem dưới Long Thụ), Long Thụ cho rằng mọi mô tả về sự vật đều không đúng và Sư nêu rõ tính chất ảo giác và tương đối của sự vật. Vì tất cả mọi sự đều dựa lên nhau mà thành (Mười hai nhân duyên), cho nên chúng không tồn tại độc lập, không có tự ngã (s: ātman), tự tính (s: svabhāva), trống rỗng. Cái trống rỗng, cái tính Không (s: śūnyatā) trong Trung quán tông có một ý nghĩa hai mặt: một mặt, tính Không không có một tự ngã nào; mặt khác, tính Không đồng nghĩa với sự giải thoát, vì tính Không chính là bản thể tuyệt đối. Chứng ngộ được tính Không tức là giải thoát. Muốn đạt được điều này, người ta phải thoát khỏi tâm thức thị phi. Ðối với Trung quán tông thì tính Không là thể tính cuối cùng, đồng nghĩa với Pháp thân (s: dharmakāya; Ba thân). Vì quan điểm Không toàn triệt nói trên mà Trung quán tông có khi được gọi là Không tông (śūnyavāda).
Muốn đạt được bản thể tuyệt đối, người ta phải vượt qua chân lí tương đối. Vì vậy phái này cũng có quan điểm riêng về »Chân lí hai mặt« (二 諦; Nhị đế; s: satyadvaya), họ gọi chân lí thông thường là tục đế hay Chân lí qui ước (s: saṃṛvṛti-satya). Chân lí qui ước này dành cho hiện tượng và khái niệm thế gian, chúng vốn bị tính chất nhị nguyên qui định. Chân lí tuyệt đối, Chân đế (paramārtha-satya) thì giản đơn, không còn các mặt đối lập. Lí luận thông thường có thể tiếp cận tục đế, tuy không phải là chân lí cuối cùng, nhưng chúng cũng có giá trị nhất định. Vì vậy, không phải cứ chấp nhận tính Không, Vô ngã (anātman) là phủ nhận kinh nghiệm của con người. Ðời sống của một hành giả Trung quán tông cũng phải phản ánh quan điểm đó, nghĩa là, đối với bên ngoài, người đó cũng xem Khổ như là có thật, cũng phải giữ Giới và cố gắng giúp tất cả mọi người giải thoát. Nhưng người đó thật tâm biết rằng, những hành động đó chỉ giả tạo mà thôi.
Các tác phẩm của Long Thụ còn giúp phát triển ngành Nhân minh học (因 明 學; s: hetuvidyā). Ngành này cũng chịu ảnh hưởng của trường phái lớn thứ hai của Ðại thừa Ấn Ðộ là Duy thức tông (vijñānavāda, yogācāra) và ngược lại ngành Nhân minh học cũng mài dũa cho Trung quán tông những lí luận sắc bén. Trong lĩnh vực Nhân minh, Duy thức tông cũng góp phần quan trọng, trả lời những câu hỏi mà Trung quán tông không có ý kiến, không đề cập đến như cách phát sinh của thế giới hiện tượng.
Sau Thánh Thiên (聖 天; āryadeva) thì Phật Hộ (佛 護; buddhapālita) là người đại diện xuất sắc của Trung quán tông. Sư có viết bài luận về (Căn bản) Trung quán luận tụng ([mūla-] madhyamaka-kārikā), tác phẩm chính của Long Thụ. Trong bộ này, với tên Phật Hộ căn bản trung quán luận thích (buddhapālita-mūlamadhyamaka-vṛtti), Sư đả phá quan điểm của những kẻ đối nghịch và những kết luận (prasaṅga) sai trái của họ, có thể gọi là »phá tà hiển chính,« nghĩa là không nêu quan điểm của chính mình, chỉ dựa vào những nhược điểm, những mâu thuẫn hiển hiện của đối thủ mà đả phá họ. Sư thành lập hệ phái Trung quán-Cụ duyên (中 觀 具 緣; cũng gọi là Trung quán-Ứng thành tông; 中 觀 應 成 宗; s: prāsaṅgika-mādhyamika) – tên gọi tông này dựa trên phương pháp đó.
Thanh Biện (清 辯; bhāvaviveka) áp dụng luận lí học của Duy thức tông và Nhân minh học của Trần-na (陳 那; dignāga) trong thuyết Trung luận của mình. Sư hay nhấn mạnh đến »tính hợp qui luật«, xây dựng luận thức độc đáo của chính mình và sau đó tiến tới bác bỏ lập luận đối phương. Vì thế nên hệ phái của Sư mang tên là Trung quán-Tự ý lập tông (中 觀 自 意 立 宗) hay Trung quán-Y tự khởi tông (中 觀 依 自 起 宗; svātantrika-mādhyamika). Sư cũng phân tích và phê bình các luận sư khác và công kích luôn cả Phật Hộ. Cho Trung quán tông thì việc Thanh Biện đưa những quan niệm trung tâm của Duy thức tông vào – tất nhiên là có biến đổi đôi chút – chỉ làm thêm phong phú và thúc đẩy sự phát triển. Tất nhiên qua đó Thanh Biện có nhiều sai biệt với các luận sư khác, như về thể tính của ý thức, sư xem nó chỉ là một phần của thế giới hiện tượng.
Nguyệt Xứng (月 稱; candrakīrti) thì cố gắng trở về với giáo lí nguyên thủy của Long Thụ. Sư tự xem mình là người thừa kế Phật Hộ và từ chối quan điểm của Thanh Biện, từ chối đưa ra bất cứ một hệ luận nào vì cho rằng Trung quán tông đích thật không chủ trương một quan điểm nào cả. Sư soạn một bài luận giải tác phẩm Trung quán luận của Long Thụ và trong đây, sư chứng minh hệ thống của Phật Hộ là đúng. Với xác nhận này, sư phản ứng những quan điểm được Thanh Biện đề ra để bài xích một vài điểm trong hệ thống của Phật Hộ. Sư nêu rõ là một người có quan điểm trung dung không nên đề ra những luận tam đoạn (三 段 論 法; Tam đoạn luận pháp; e: syllogism) độc lập mà trong đó, cả ba chi của một luận điểm tự lập, tự khởi.
Một luận sư khác quan trọng của Trung quán tông là Tịch Thiên (寂 天; śāntideva, tk. 7/8), là người nổi danh với hai tác phẩm Nhập bồ-đề hành luận (入 菩 提 行 論; bodhicaryāvatāra), trình bày con đường tu tập của một Bồ Tát và Tập Bồ Tát học luận (集 菩 薩 學 論; śikṣāsamuccaya), trình bày các qui định tu học của một vị Bồ Tát.
Trung quán tông đóng một vai trò quan trọng trung tâm trong Phật giáo Tây Tạng, kể từ thế kỉ thứ 8. Ðiều đó có lẽ xuất phát từ hoạt động của luận sư Tịch Hộ (寂 護; śāntarakṣita) và môn đệ là Liên Hoa Giới (蓮 華 戒; kamalaśīla). Thời đó, hai vị này đại diện cho tông Trung quán-Duy thức (yogācāra-svātantrika-mādhyamika), đưa những quan điểm Duy thức vào giáo lí của Long Thụ. Tương truyền Liên Hoa Giới tham dự một cuộc tranh luận với Thiền tông tổ chức tại Tây Tạng. Trong cuộc tranh luận đó Liên Hoa Giới thắng lợi và sau đó nhà vua Tây Tạng tuyên bố lấy Trung quán tông làm giáo pháp chính thống.
Trong thế kỉ thứ 11, với việc truyền bá giáo pháp lần thứ hai tại Tây Tạng, quan điểm Trung quán của Nguyệt Xứng lại thắng lợi. Cũng trong thời gian đó lại nẩy sinh một hệ phái Trung quán khác, một sự tổng hợp với giáo pháp của Vô Trước (無 著; asaṅga). Giữa thế kỉ 11 và 14, Tây Tạng lại tổng hòa các tông phái khác nhau của Trung quán và tiếp tục phát triển. Giữa thế kỉ 14 và 16, tại Tây Tạng có 4 hệ phái của Trung quán. Trung quán tông phát triển đến mức tuyệt đỉnh và luôn luôn được luận giải mới mẻ, sinh động. Ðến thế kỉ thứ 19, phong trào Ri-mê của Tây Tạng lại tìm cách đổi mới cách sắp xếp thứ tự quan điểm của Trung quán tông. Các quan điểm triết học của Trung luận được trình bày trong các loại luận được gọi là Tất-đàn-đa (s: siddhānta) tại Tây Tạng. Ngoài ra người ta còn tìm thấy trong các loại sách phổ thông chú trọng về các phương pháp tu tập để chứng ngộ được trực tiếp giáo lí của Trung quán tông.