大 乘; S: mahāyāna; dịch âm Hán Việt là Ma-ha-diễn-na, Ma-ha-diễn, tức là »cỗ xe lớn«;
Một trong hai trường phái lớn của đạo Phật, phái kia là Tiểu thừa, »cỗ xe nhỏ« (s: hīnayāna). Xuất hiện trong thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, phái này tự nhận là cỗ xe lớn, nhờ dựa trên tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể giác ngộ.
Cả hai, Tiểu thừa và Ðại thừa đều bắt nguồn từ Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng khác nhau nơi sự quan tâm về thực hành giáo pháp. Nếu Tiểu thừa quan tâm đến sự giác ngộ của chính mình thì đại biểu của Ðại thừa mong muốn được giải thoát để cứu độ chúng sinh. Hình tượng tiêu biểu của Ðại thừa là Bồ Tát (s: bodhisattva) mà đặc tính vượt trội là lòng Bi (s, p: karuṇā).
Ðại thừa xuất phát (phần lớn) từ hai nhánh của Tiểu thừa là Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika) và Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda), lấy từ đó những yếu tố căn bản của giáo pháp mình: từ Ðại chúng bộ, Ðại thừa xem Phật là hóa thân của một thật thể, lấy hình ảnh xả thân của các vị Bồ Tát và quan điểm tính Không (s: śūnya). Từ Nhất thiết hữu bộ, Ðại thừa thừa nhận quan điểm Ba thân (s: trikāya).
Ngược lại với quan điểm nguyên thủy, Ðại thừa không quá nhấn mạnh đến đời sống xuất gia, cho rằng Cư sĩ tại gia cũng có thể đạt Niết-bàn với sự tế độ của chư Phật và chư Bồ Tát. Trong quan điểm Ðại thừa, Niết-bàn không phải chỉ là giải thoát khỏi Luân hồi – mà hơn thế nữa, hành giả giác ngộ về Chân tâm và an trụ trong đó. Mỗi chúng sinh đều mang Phật tính (s: buddhatā) và nhận ra điều đó là điều tuyệt đối quan trọng.
Ðại thừa lại được chia ra nhiều bộ phái khác nhau, xuất phát từ Ấn Ðộ và truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tại Ấn Ðộ, Ðại thừa đã chia ra Trung quán tông (s: mādhyamika) do Long Thụ (s: nāgārjuna) đề xuất và Duy thức tông (s: vijñānavāda, yogācāra) do Vô Trước (s: asaṅga) và Thế Thân (vasubandhu) sáng lập. Song song với Tan-tra (Mật tông) của Ấn Ðộ giáo, đạo Phật cũng sản sinh ra một trường phái là Kim cương thừa (s: vajrayāna), rất thịnh hành tại Tây Tạng. Thuộc về Ðại thừa tại Trung Quốc và Nhật Bản, người ta có thể kể đến Thiền tông, Hoa nghiêm tông, Thiên Thai tông, Tịnh độ tông. Giáo lí căn bản của Ðại thừa được chứa đựng trong những bộ Kinh (s: sūtra) và Luận (s: śāstra) với nhiều luận văn hết sức sâu sắc.