HomeIndex

Lâm Tế tông

臨 濟 宗 ; C: línjì-zōng; J: rinzai-shū;

Một dòng thiền được liệt vào Ngũ gia thất tông – tức là Thiền chính phái – được Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền sáng lập. Tông này ngày nay là một trong hai tông của Thiền vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản song song với tông Tào Ðộng (j: sōtō-shū). Khoảng vài mươi năm đến bây giờ, tông Lâm Tế được truyền bá rộng rãi đến phương Tây.

Ðứng đầu tông này là hình tượng và phong cách xuất chúng của vị Khai tổ Lâm Tế (?-866/867) đời Ðường. Trong đời Tống (960-1279), môn phong của tông này vọt hơn hẳn các tông khác trong Ngũ gia. Nhưng trong khoảng thời gian giữa hai thời kì này thì một vài thế hệ nằm trong u mờ, khi ẩn khi hiện. Thế hệ thứ nhất (Hưng Hóa Tồn Tưởng) đến thứ sáu (Thạch Sương Sở Viên) đều giữ phong cách như vị Khai tổ, sống ẩn dật, đơn giản. Tiếng hét và gậy đập (Bổng hát), hai phương tiện giáo hóa của sư Lâm Tế vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay và được xem là những sắc thái bề ngoài của tông này. Giáo lí và pháp ngữ của sư Lâm Tế được lưu lại trong Lâm Tế lục (j: rinzairoku). Trong thế kỉ thứ 10 và 11 thì bộ này được hai vị Phong Huyệt Diên ChiểuPhần Dương Thiện Chiêu hiệu đính và được lưu truyền đến bây giờ dưới dạng này.

Về giáo lí của tông này thì một »công thức« được xem là quan trọng nhất, đó là Tứ liệu giản ( 四 料 簡; j: shiryōken) – có thể dịch là »bốn phân biệt và chọn lựa«. Tứ liệu giản được xem là công thức trình bày giáo lí quan trọng nhất của tông này. Chính sư Lâm Tế là người trình bày lí thuyết này trước đại chúng. Sư dạy:

有時奪人不奪境。有時奪境不奪人

有時人境俱奪。有時人境俱不奪

Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnh

Hữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhân

Hữu thời nhân cảnh câu đoạt

Hữu thời nhân cảnh câu bất đoạt.

*Có khi đoạt nhân không đoạt cảnh

Có khi đoạt cảnh không đoạt nhân

Có khi nhân cảnh đều đoạt

Có khi nhân cảnh đều không đoạt.

Tứ liệu giản trình bày từng cấp bậc nhận thức nhìn theo chủ thể và khách thể, tương đối giống hình thái của Tứ cú phân biệt (s: catuṣkoṭikā). Về phần nội dung thì công thức này tương ưng với thuyết Tứ pháp giới của tông Hoa Nghiêm. Trong hai cấp đầu tiên thì Ảo ảnh, Vô minh được vượt qua bằng hai phương cách: một là dựa vào chủ thể (e: subject) – ở đây được gọi là »nhân« và hai là nương theo khách thể (e: object), là »cảnh« là thế giới hiện hữu. Cấp thứ ba phủ nhận cả hai, cả chủ lẫn khách nhưng đặc biệt là sự khác biệt của hai vẫn còn tồn tại. Trạng thái phủ định này tương ưng với một tâm trạng tập trung tuyệt đối. Chỉ ở cấp thứ tư – khi tâm thức đã vượt qua thế giới nhị nguyên, chủ thể và khách thể không còn tồn tại – thì Chân như mới được nhận diện một cách tột cùng. Trong Lâm Tế lục, Lâm Tế giảng về Tứ liệu giản như sau (Như Hạnh dịch):

Tăng hỏi: »Thế nào là ›Ðoạt nhân không đoạt cảnh?‹« Sư đáp:

煦日發生鋪地錦。嬰孩 垂髮白如絲

»Hú nhật phát sinh phô địa cẩm

Anh hài thùa phát bạch như ti«

*»Mặt trời ấm hiện phó gấm vóc

Trẻ thơ rũ tóc trắng như tô«

Tăng hỏi: »Thế nào là ›Ðoạt cảnh không đoạt nhân?‹« Sư đáp:

王令已行遍天下。將軍塞外絕煙塵

»Vương lệnh dĩ hành biến thiên hạ

Tướng quân tái ngoại tuyệt yên trần«

*»Lệnh vua đã hành khắp thiên hạ

Tướng quân ngoài ải dứt khói bụi«.

Tăng hỏi: »Thế nào là ›Nhân cảnh đều đoạt?‹« Sư đáp:

並汾絕信。獨處一方

»Tịnh Phần tuyệt tín, độc xử nhất phương«

*»Tịnh Phần (tên của hai miền đất nằm xa nhau) bặt tin tức, một mình ở một nơi«.

Tăng hỏi: »Thế nào là ›Nhân cảnh đều không đoạt?‹« Sư đáp:

王登寶殿。野老謳歌

»Vương đăng bảo điện, dã lão âu ca«

*»Vua bước lên ngai, lão quê ca hát«.