HomeIndex

Tịnh độ tông

淨 土 宗; C: jìngtǔ-zōng; J: jōdo-shū; có khi được gọi là Liên tông;

Trường phái được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam do Cao tăng Trung Quốc Huệ Viễn (c: huìyuǎn; 334-416) sáng lập và được Pháp Nhiên (j: hōnen) phát triển tại Nhật. Mục đích của Tịnh độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc (s: sukhāvatī) Tịnh độ của Phật A-di-đà. Ðặc tính của tông này là lòng tin nhiệt thành nơi Phật A-di-đà và sức mạnh cứu độ của Ngài, là vị đã thệ nguyện cứu độ mọi chúng sinh quán tưởng đến Ngài. Vì thế chủ trương tông phái này có khi được gọi là »tín tâm«, thậm chí có người cho là »dễ dãi« vì chỉ trông cậy nơi một lực từ bên ngoài (tha lực) là Phật A-di-đà.

Phép tu của Tịnh độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A-di-đà và quán tưởng Cực lạc. Phép tu này cũng được nhiều tông phái khác thừa nhận và hành trì. Các kinh quan trọng của Tịnh Ðộ tông là Lạc hữu trang nghiêm hay Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm (s: sukhāvatī-vyūha), A-di-đà kinh (s: amitābha-sūtra) và Quán vô lượng thọ (s: amitāyurdhyāna-sūtra). Ngày nay Tịnh độ tông là tông phái Phật giáo phổ biến nhất tại Trung Quốc, Nhật và Việt Nam.

Năm 402, Huệ Viễn thành lập Bạch Liên xã, trong đó tăng sĩ và cư sĩ tụ tập trước tượng A-di-đà và nguyện thác sinh về cõi Cực lạc phương Tây. Như thế, Huệ Viễn được xem là sơ tổ của Tịnh độ tông. Sau đó Ðàm Loan (曇 鸞; 476-542) là người phát triển tích cực tông Tịnh độ. Sư cho rằng trong thời mạt pháp thì tự lực không còn đủ sức để giải thoát, Sư từ chối con đường »gian khổ« của những tông phái khác và chấp nhận giải pháp »dễ dãi« là dựa vào một tha lực là đức A-di-đà. Theo Sư, chỉ cần nhất tâm quán niệm danh hiệu A-di-đà là đủ để sinh về cõi của Ngài. Sư viết nhiều luận giải về Quán vô lượng thọ kinh. Trong thời này tông Tịnh độ được truyền bá rộng rãi – vì so với các môn phái khác, tông này xem ra »dễ« hơn.

Mục đích của phép niệm danh hiệu A-di-đà là tìm cách chế ngự tâm. Thường thường hành giả tự đặt cho mình một chỉ tiêu niệm bao nhiêu lần. Phép quán niệm này được xem là có thể giúp hành giả »thấy« được A-di-đà và hai vị Bồ Tát tả hữu là Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara) và Ðại Thế Chí (s: mahāsthāmaprāpta) và biết trước được giờ chết của mình. Phép niệm này có thể thực hiện bằng cách đọc to hay đọc thầm, không nhất thiết phải có tranh tượng A-di-đà. Ðó là cách tu thông thường nhất. Ngoài ra hành giả có thể thực hiện phép thứ 16 trong Vô lượng thọ kinh, bằng cách tạo linh ảnh của A-di-đà và thế giới Cực lạc, xem như hiển hiện trước mắt. Phép tu cao nhất của tông này là tự xem thể tính của mình chính là A-di-đà. Tất cả mọi hành giả của Tịnh độ tông đều mong muốn được thấy A-di-đà trong một linh ảnh, đó là bằng chứng chắc chắn nhất sẽ được tái sinh trong cõi Cực lạc. Niệm danh hiệu và tạo linh ảnh là điều kiện »bên ngoài«, lòng tin kiên cố nơi A-di-đà là điều kiện »bên trong« của phép tu này, với hai điều kiện đó thì hành giả mới được tái sinh nơi cõi Cực lạc.

Tịnh độ tông Nhật Bản vốn có nguồn gốc từ Tịnh độ tông Trung Quốc, được Viên Nhân (圓 仁; j: ennin, 793-864) truyền sang Nhật song song với giáo lí của Thiên Thai và Mật tông mà sư đã hấp thụ trong thời gian du học tại Trung Quốc. Sư là người truyền bá phương pháp Niệm Phật, niệm danh hiệu của Phật A-di-đà. Những vị nổi danh của tông này trong thời gian đầu là Không Dã Thượng Nhân (空 也 上 人; j: kūya shōnin, 903-972), cũng được gọi là Thị Thánh (市 聖), »Thánh ở chợ« và Nguyên Tín (源 信; j: genshin, 942-1017). Trong thời này, niệm Phật là một thành phần trong việc tu hành của tất cả các tông phái tại Nhật, đặc biệt là Thiên Thai và Chân ngôn tông.

Trong thế kỉ 12, Pháp Nhiên (法 燃; j: hōnen; 1133-1212) chính thức thành lập tông Tịnh độ. Sư muốn mở một con đường tu tập mới, »dễ đi« trong thời mạt pháp cho những người sống đau khổ. Sư rất thành công trong việc thuyết phục quần chúng và rất nhiều người qui tụ lại, thành lập một trường phái rất mạnh. Vì sư tự tôn giáo lí mình – cho rằng đó là giáo lí tột cùng – nên không thoát khỏi sự tranh chấp dèm pha. Sư bị đày ra một vùng hoang vắng năm 74 tuổi.

Giáo lí cơ sở của Pháp Nhiên dựa trên các bộ kinh Ðại thừa vô lượng thọ trang nghiêm (s: sukhāvatī-vyūha), A-di-đà kinh (s: amitābha-sūtra) và Quán vô lượng thọ (s: amitāyurdhyāna-sūtra). Cách tu hành của tông này chỉ là việc tụng câu »Nam-mô A-di-đà Phật« (j: namu amida butsu). Việc niệm danh Phật rất quan trọng để phát triển lòng tin nơi Phật A-di-đà, nếu không thì hành giả không thể nào thác sinh vào cõi của Ngài, mục đích chính của việc tu hành của tông này. Ngược với Tịnh độ chân tông, hành giả của tông này sống một cuộc đời tăng sĩ.

Không Dã Thượng Nhân là người đầu tiên tín ngưỡng đức A-di-đà và truyền bá công khai việc niệm Phật giữa chợ và vì vậy mang biệt hiệu là Thị Thánh. Sư nhảy múa ở ngoài đường và ca tụng danh hiệu A-di-đà theo nhịp gõ của bình bát trên tay.

Lương Nhẫn (良 忍; ryōnin), một Cao tăng thuộc Thiên Thai tông đã nổi danh trong việc tín ngưỡng và tán tụng đức A-di-đà trong những bài hát. Sư chịu ảnh hưởng mạnh của hai tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm và trên cơ sở này, Sư phát triển một cách »Dung thông niệm Phật« (融 通 念 佛): Nếu một người nào đó niệm Phật thì công đức này sẽ đến với tất cả những người khác và ngược lại, ai cũng có phần của mình trong việc tụng niệm danh Phật. Cách diễn giảng giáo lí của sư như trên thuyết phục được nhiều người trong vương triều và sau khi tịch, giáo lí này được các vị đệ tử kế thừa.

Nguyên Tín (源 信; genshin), một Cao tăng trên núi Tỉ Duệ (比 叡) – trung tâm của các trường phái tín ngưỡng A-di-đà – tin chắc rằng, có một con đường đưa tất cả chúng sinh đến giải thoát. Sư trình bày phương pháp tu tập của mình trong Vãng sinh yếu tập (往 生 要 集), một quyển sách nói về niềm tin nơi đức A-di-đà. Trong sách này, Sư trình bày trong mười phẩm những hình phạt khủng khiếp dưới Ðịa ngục và ích lợi của cách tu hành niệm Phật. Sư tự tin là mình đã tìm biết được hai tính chất đặc thù của con người là: tâm trạng sợ hãi kinh khiếp địa ngục và lòng khao khát được tái sinh vào cõi Cực lạc. Quyển sách này là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất trong truyền thống tín ngưỡng Phật A-di-đà tại Nhật. Sư không những viết sách phổ biến giáo lí của mình mà còn sử dụng hội họa, nghệ thuật tạc tượng để truyền bá tông phong của mình đến những người ít học. Nhưng đến đây, việc tôn thờ A-di-đà Phật vẫn chưa là một trường phái độc lập, mà chỉ là một thành phần tu học của những tông phái tại đây.

Với Pháp Nhiên, Tịnh độ tông chính thức được hình thành. Sư quan niệm rằng, đa số con người không thể đi con đường khó, hoàn toàn tin vào tự lực trong thời mạt pháp và cơ hội duy nhất của họ là tin vào sự hỗ trợ của Phật A-di-đà, tin vào tha lực.