HomeIndex

Qui Ngưỡng tông

潙 仰 宗 ; C: guī-yăng-zōng; J: igyō-shū;

Một dòng thiền do Thiền sư Qui Sơn Linh Hựu và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch sáng lập, được xếp vào Ngũ gia thất tông – Thiền chính phái của Trung Quốc. Dòng thiền này sau được tông Lâm Tế hấp thụ và thất truyền trong thế kỉ thứ 10/11.

Một nét đặc biệt của tông này là phương pháp giáo hóa, »đánh thức« môn đệ bằng những biểu tượng được vẽ trong 97 vòng tròn (viên tướng). Hệ thống giáo hóa này được Lục tổ Huệ Năng sử dụng, truyền cho Quốc sư Nam Dương Huệ Trung đến Ðam Nguyên Ứng Chân và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngày nay cách sử dụng viên tướng này đã thất truyền nhưng có lẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của Thập mục ngưu đồ (mười bức tranh chăn trâu) và Ðộng Sơn ngũ vị của Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới. 97 viên tướng được sử dụng như mật ngữ, và các vị Thiền sư có kinh nghiệm Giác ngộ thâm sâu sử dụng nó để trau dồi kinh nghiệm với nhau. Vì biết được khả năng tiêu hoại khi truyền hệ thống này bừa bãi – nếu bị lạm dụng trở thành một trò chơi – nên các vị giữ kín bí mật này, chỉ truyền cho những môn đệ hạng thượng căn.

Thiền sư Ngưỡng Sơn trả lời như sau khi được hỏi vì sao Sư thấy người đến liền vẽ một vòng tròn trong đó viết chữ »Ngưu« ( ) (Ðịnh Huệ dịch):

»Cái ấy cũng là việc không đâu. Nếu chợt hội được thì cũng chẳng phải từ bên ngoài đến, nếu không hội thì quyết chắc là không biết. Ta hỏi lại ông: Bậc lão túc các nơi – ngay trên thân các ông – chỉ cái gì là Phật tính? Nói là phải hay nín là phải, hay chẳng nói chẳng nín là phải, hay lại đều là không phải? Nếu ông nhận nói là phải thì như là người sờ đuôi voi. Nếu ông nhận nín là phải thì như người mù sờ tai voi. Nếu ông nhận chẳng nói chẳng nín là phải thì như người mù sờ vòi voi. Nói vật vật đều phải thì như người mù sờ nhằm bốn chân voi. Nếu bảo đều chẳng phải tức là ném bỏ con voi ấy, rơi vào không kiến. Chỗ thấy của các người mù kia chỉ ở nơi danh mạo sai biệt trên con voi... Lại nói: ›Ðạo vốn không hình tướng, trí huệ tức là đạo. Người có kiến giải này gọi là chân Bát-nhã.‹ Người có mắt sáng thấy được toàn thể con voi thì thật tính cũng như vậy.«