涅 槃 ; S: nirvāṇa; P: nibbāna; dịch nghĩa là Diệt (滅), Diệt tận (滅 盡), Diệt độ (滅 度), Tịch diệt (寂 滅), Bất sinh (不 生), Viên tịch (圓 寂), Giải thoát (解 脫), Vô vi (無 爲), An lạc (安 樂);
Mục đích tu hành của mọi trường phái Phật giáo. Trong đạo Phật nguyên thủy, Niết-bàn được xem là đoạn triệt Luân hồi (saṃsāra) và đi vào một thể tồn tại khác. Ðó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp Bất thiện (s: akuśala) là tham, sân và si. Ðồng thời Niết-bàn có nghĩa là không còn chịu sự tác động của Nghiệp (s: karma), không còn chịu qui luật nhân duyên, Vô vi (s: asaṃkṛta), đặc tính của nó là thiếu vắng sự sinh, thành, hoại, diệt.
Với sự xuất hiện của Ðại thừa (s: mahāyāna), người ta có một quan điểm mở rộng của Niết-bàn dựa trên khái niệm Bồ Tát (s: bodhisattva) và trên tính nhất thể của vạn vật. Niết-bàn được xem là sự thống nhất với cái Nhất thể tuyệt đối (sự bình đẳng của chúng sinh; s: sattvasamatā) đó, sự thống nhất của luân hồi với »dạng chuyển hóa« của nó. Ở đây Niết-bàn được xem như sự lưu trú trong tính tuyệt đối, sự an lạc khi thấy mình cùng một thể với tuyệt đối, khi thấy mình giải thoát khỏi mọi ảo giác, mọi biến tướng, mọi tham ái.
Nhiều người hiểu Niết-bàn chỉ là một cõi hư vô tịch diệt. Ngay Phật giáo nguyên thủy đã bác bỏ quan niệm đó. Trong nhiều kinh sách, người ta mô tả Niết-bàn như một »ngọn lửa đã tắt«: Phật giáo quan niệm ngọn lửa tắt không có nghĩa là nó hoại diệt, nó đi vào Hư không (s: ākāśa), trở thành vô hình, thì như thế, Niết-bàn không phải là sự hoại diệt, đó là tình trạng đi vào một sự tồn tại khác. Như lửa phát sinh từ hư không và trở về với hư không, thì Niết-bàn là một tình trạng của tâm thức trở về với một cõi xứ không chịu sự sinh diệt. Ðó là một tình trạng không có một vị trí địa lí, mà là một dạng siêu việt, Xuất thế (出 世; s: lokottara) và chỉ có những hành giả đã đạt mới biết được. Vì vậy, trong đạo Phật nguyên thủy, Niết-bàn hầu như được hiểu xa cách thế gian, giải thoát khỏi phiền não.
Trong một số kinh sách khác, Niết-bàn được hiểu là sự »an lạc« nhưng phần lớn được hiểu là sự giải thoát khỏi cái Khổ (s: duḥkha). Vì không có ngôn ngữ để diễn tả Niết-bàn, đó là phạm vi nằm ngoài ngôn ngữ và lí luận, nên có nhiều người hiểu Niết-bàn theo quan niệm hư vô. Cách thế dễ tiếp cận nhất về Niết-bàn là hiểu sự tồn tại là một tình trạng đầy dẫy khổ đau và Niết-bàn là dạng tồn tại thiếu vắng sự khổ đau đó. Ðối với hành giả Phật giáo thì định nghĩa liệu Niết-bàn là một dạng tồn tại thật sự hay chỉ là cõi tịch diệt không hề quan trọng. Vì lí do này mà Phật Thích-ca từ chối mọi mô tả về Niết-bàn.
Trong Tiểu thừa (s: hīnayāna), người ta phân biệt hai loại Niết-bàn:
1. Hữu dư niết-bàn (有 餘 涅 槃; s: sopadhiśeṣa-nirvāṇa; p: savupadisesa-nibbāna): Niết-bàn còn tàn dư, Niết-bàn trước khi tịch diệt. Niết-bàn này là trạng thái của các bậc thánh nhân đã dứt bỏ mọi Phiền não, không còn tái sinh. Các vị này còn sống trên đời nên vẫn còn Ngũ uẩn, còn có nhân trạng nên gọi »hữu dư«. Trong Hữu dư niết-bàn hành giả còn khổ vì còn chịu nghiệp cũ. Có lúc hành giả thoát được cái khổ đó một cách tạm thời trong một số tình trạng thiền định nhất định. Từ quan điểm Hữu dư Niết-bàn này của Tiểu thừa mà phát sinh khái niệm Niết-bàn vô trụ (s: apratiṣṭhita-nirvāṇa) của Ðại thừa.
2. Vô dư niết-bàn (無 餘 涅 槃; s: nirupadhiśeṣa-nirvāṇa; p: anupadisesa-nibbāna): là Niết-bàn không còn Ngũ uẩn (s: pañca-skandha), Mười hai xứ (s, p: āyatana), mười tám Giới (s, p: dhātu) và các Căn (indriya). Niết-bàn vô dư đến với một vị A-la-hán sau khi chết, không còn tái sinh. Loại Niết-bàn này cũng được gọi là Niết-bàn toàn phần hay Bát-niết-bàn (般 涅 槃; s: parinirvāṇa).
Ngay trong Tiểu thừa thì quan điểm của mỗi phái cũng khác nhau. Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) luận về Niết-bàn với khái niệm khả quan, cho rằng Niết-bàn là thể không sinh thành hoạt diệt, có thể dần dần đạt đến bằng cách loại trừ khổ. Cứ diệt một loại khổ thì đạt được một cảnh giới của Niết-bàn. Vì thế mà có nhiều loại Niết-bàn và hầu như Niết-bàn là một cảnh giới cụ thể. Ðối với Kinh lượng bộ (sautrāntika) thì Niết-bàn chỉ là dạng chấm dứt khổ, nhưng không phải là một cảnh giới vĩnh hằng. Ðộc Tử bộ (s: vātsīputrīya) cho rằng có một cá nhân (s: pudgala) thường còn, hiểu Niết-bàn là cõi mà cá nhân đó tiếp tục tồn tại. Ðối với Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika) – được xem là tiền thân của phái Ðại thừa – thì khái niệm Niết-bàn vô dư không còn quan trọng nữa. Từ đây các bộ phái sau bắt đầu phát triển và sử dụng danh từ Vô trụ niết-bàn (s: apratiṣṭhita-nirvāṇa). Ðó là trạng thái Niết-bàn của các vị Phật đã thoát khỏi ràng buộc của thế gian nhưng chưa muốn hoàn toàn tịch diệt.
Trong Ðại thừa, người ta nhấn mạnh đến tính chất Bồ Tát nhiều hơn và vì thế khái niệm Niết-bàn không được đề cao nhưng vẫn là mục đích cao nhất trên đường giải thoát. Không có tông phái Ðại thừa nào xem Bồ Tát là mức cuối cùng của Phật đạo; đối với Bồ Tát, việc »nhập Niết-bàn« chỉ được »hoãn lại« sau khi toàn thể chúng sinh đều được giải thoát. Theo quan điểm Ðại thừa, Niết-bàn là sự thống nhất với cái tuyệt đối, không phải chỉ mỗi một cá nhân mà với mọi hiện tượng và vì vậy, Ðại thừa không thấy sự khác biệt giữa Niết-bàn và sinh tử. Ở đây, người ta phân biệt hai loại Niết-bàn: Vô trụ niết-bàn (s: apratiṣṭhitanirvāṇa) và Thường trụ niết-bàn (s: pratiṣṭhita-nirvāṇa; »thường trụ« ở đây với ý nghĩa cố định, bất động).
Trong các phái Ðại thừa, quan niệm về Niết-bàn cũng khác nhau: phái Trung quán (s: mādhyamika) cho rằng, Niết-bàn nằm trong tính Không (s: śūnyatā), đó là sự »chấm dứt cái thiên hình vạn trạng«, cái chấm dứt đó là sự vắng bóng của mọi ràng buộc thế gian. Niết-bàn là sự thống nhất với Chân như (s: tathatā) không diễn tả được, là cái luôn luôn hiện hữu, nhưng không được nhận biết. Niết-bàn và sinh tử không hề khác nhau, đứng trên phương diện lí tính tuyệt đối mà nói. Chính cái Thức vô minh của chúng ta ngăn cản không cho nhận ra cái lí tính tuyệt đối đó.
Duy thức tông cũng cho rằng Niết-bàn và luân hồi không khác, mọi hiện tượng đều không tồn tại, không thật có. Ðối với tông này thì Niết-bàn xuất hiện khi mọi phân biệt chấm dứt. Duy thức tông cho rằng có hai dạng Niết-bàn: Niết-bàn của A-la-hán, đó là người khi chết chỉ còn Chân như tuyệt đối là tồn tại. Ðó là người »đã yên nghỉ.« Dạng Niết-bàn đó tuy nhiên không ưu việt bằng Niết-bàn của Phật, là dạng chủ động »dập tắt ngọn lửa đời sống« nhưng cũng chủ động ban phát lòng từ bi. Ðây là dạng thống nhất của Chân như với mọi chúng sinh, trong đó mỗi cá nhân vẫn còn tồn tại trong nghĩa qui ước.
Trong Thiền tông, Niết-bàn cũng không hề tách rời với thế giới này mà chính là sự trực ngộ được thể tính của Tâm, là thể tính của con người, thể tính của Phật. Thực hiện Niết-bàn phải thông qua trí huệ và vì vậy, có khi Niết-bàn được xem là đồng nghĩa với Trí huệ Bát-nhã. Niết-bàn và Trí huệ chỉ là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn là trạng thái của một người đã đạt trí huệ Bát-nhã, đã đạt tri kiến về Tâm và ngược lại Bát-nhã là trí huệ của một người đã thực hiện Niết-bàn.