HomeIndex

Tiểu thừa

小 乘; S: hīnayāna; nghĩa là »cỗ xe nhỏ«;

Nguyên là danh từ của một số đại biểu phái Ðại thừa (s: mahāyāna) thường dùng chỉ những người theo »Phật giáo nguyên thủy«. Biểu thị này được dùng để lăng mạ, chỉ trích. Ngày nay ý nghĩa chê bai của danh từ này đã mất đi và nó chỉ còn có tính chất mô tả. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo có ý định thay thế danh từ này nhưng không đạt kết quả vì danh từ này đã khắc sâu trong tư tưởng của nhiều Phật tử. Các đại biểu của Tiểu thừa tự xem mình theo phái Thượng tọa bộ (p: theravāda), mặc dù Thượng tọa bộ chỉ là một trong những trường phái Tiểu thừa, và là trường phái duy nhất của Tiểu thừa còn tồn tại đến ngày nay. Tiểu thừa cũng được gọi là Nam tông Phật pháp vì được thịnh hành tại các nước Nam Á như Tích Lan (śrī laṅkā), Thái lan, Miến Ðiện (myanmar), Cam-pu-chia, Lào.

Theo truyền thuyết, Tiểu thừa gồm có 18 bộ phái khác nhau, xuất phát từ Tăng-già nguyên thủy. Trong lần kết tập thứ ba, Tăng-già phân ra thành hai phái: Trưởng lão bộ (長 老 部; s: sthavira) và Ðại chúng bộ (大 眾 部; s: mahāsāṅghika). Giữa năm 280 và 240 trước Công nguyên, Ðại chúng bộ lại bị chia thành sáu phái: Nhất thuyết bộ (一 說 部; s: ekavyāvahārika), Khôi sơn trụ bộ (灰 山 住 部; s: gokulika). Từ Nhất thuyết bộ lại sinh ra Thuyết xuất thế bộ (說 出 世 部; s: lokottaravāda). Từ Khôi sơn trụ bộ lại tách ra 3 bộ phái là Ða văn bộ (多 聞 部; s: bahuśrutīya), Thuyết giả bộ (說 假 部; s: prajñaptivāda) và Chế-đa sơn bộ (制 多 山 部; s: caitika). Từ Trưởng lão bộ (s: sthavira) của thời gian đó, khoảng năm 240 trước Công nguyên, phái Ðộc Tử bộ (犢 子 部; s: vātsīputrīya) ra đời, gồm có bốn bộ phái nhỏ là Pháp thượng bộ (法 上 部; s: dharmottarīya), Hiền trụ bộ (賢 胄 部; s: bhadrayānīya), Chính lượng bộ (正 量 部; s: saṃmitīya) và Mật lâm sơn bộ (密 林 山 部; s: sannagarika, sandagiriya). Từ Trưởng lão bộ (sthavira) lại xuất phát thêm hai phái: 1. Nhất thiết hữu bộ (一 切 有 部; s: sarvāstivāda), từ đây lại nẩy sinh Kinh lượng bộ (經 量 部; s: sautrāntika) khoảng năm 150 trước Công nguyên và 2. Phân biệt bộ (分 別 部; s: vibhajyavāda). Phân biệt bộ tự xem mình là hạt nhân chính thống của Trưởng lão bộ (s: sthavira). Từ Phân biệt bộ (s: vibhajyavāda) này sinh ra các bộ khác như Thượng tọa bộ (上 座 部; p: theravāda), Hóa địa bộ (化 地 部; s: mahīśāsaka) và Ẩm Quang bộ (飲 光 部; cũng gọi Ca-diếp bộ; 迦 葉 部; s: kāśyapīya). Từ Hóa địa bộ (s: mahīśāsaka) lại sinh ra Pháp Tạng bộ (法 藏 部; s: dharmaguptaka).

Tiểu thừa được phát triển nhất giữa thời gian Ðức Phật nhập Niết-bàn và Công nguyên. Ðại biểu phái này cho rằng mình theo sát những lời dạy nguyên thủy của Ðức Phật, do chính Ðức Phật nói ra. Giới luật của Tiểu thừa hoàn toàn dựa vào Luật tạng. Trong A-tì-đạt-ma, Tiểu thừa dựa trên Kinh tạng để phân tích và hệ thống hóa giáo lí của Phật.

Tiểu thừa tập trung tuyệt đối vào con đường đi đến giải thoát. Các lí luận triết học không đóng vai trò quan trọng – chúng thậm chí được xem là trở ngại trên đường giải thoát. Tiểu thừa phân tích rõ trạng thái của đời sống con người, bản chất sự vật, cơ cấu của chấp ngã và chỉ ra phương pháp giải thoát khỏi sự Khổ (s: duḥkha). Tất cả các trường phái Tiểu thừa đều có một quan điểm chung về sự vật đang hiện hữu: khổ có thật, phải giải thoát khỏi cái Khổ. Giải thoát khỏi Luân hồi (s, p: saṃsāra), thoát khỏi sự tái sinh và đạt Niết-bàn (s: nirvāṇa) là mục đích cao nhất của Tiểu thừa. Muốn đạt được mục đích này, hành giả phải dựa vào sức mình, xa lánh thế gian. Vì vậy Tiểu thừa quan niệm phải sống viễn li, sống cuộc đời của một kẻ tu hành. Ðối với Tiểu thừa, cuộc sống tại gia không thể nào đưa đến sự giải thoát. Hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là A-la-hán (s: arhat), là người dựa vào tự lực để giải thoát.

Tiểu thừa tránh không đưa lí thuyết gì về Niết-bàn, mục đích cuối cùng, là kinh nghiệm của sự giác ngộ, trong đó, hành giả chứng được vô ngã và từ bỏ tham ái. Ðối với Tiểu thừa, Phật là một nhân vật lịch sử, được xem là một con người và thầy dạy, không phải là Hóa thân của một thật thể nào. Giáo pháp cơ bản của Tiểu thừa gồm có Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên (s: pratītya-samutpāda), thuyết Vô ngã (s: anātman) và luật nhân quả, Nghiệp (s: karma). Phép tu hành của Tiểu thừa dựa trên Bát chính đạo. Theo quan điểm của Ðại thừa, sở dĩ phái này được gọi là »tiểu thừa« vì – ngược lại với chủ trương của Ðại thừa là nhằm đưa tất cả loài Hữu tình đến giác ngộ – phái tiểu thừa chỉ quan tâm đến sự giác ngộ của cá nhân mình. Chủ trương này được xem là giáo pháp sơ cấp của đức Phật vì sau đó Ngài giảng giáo pháp toàn vẹn hơn, đó là giáo pháp Ðại thừa (xem thêm biểu đồ của các bộ phái Phật giáo Ấn Ðộ cuối sách).