業 ; S: karma; P: kamma;
Nguyên nghĩa là »hành động«; khái niệm rất quan trọng của đạo Phật, dùng chỉ qui luật chung nhất về nguyên nhân và kết quả. Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp) – dưới một điều kiện nhất định – sẽ tạo thành một quả (s, p: phala). Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại người tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp phải là tốt (Thiện; s: kuśala) hay xấu (Bất thiện; s: akuśala) và là một hành động cố ý. Vì sự cố ý đó, một nghiệp để lại một dấu vết nơi tâm thức của người tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo những sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm loài hữu tình, trong đó có con người, cứ lưu mãi trong Luân hồi (s, p: saṃsāra).
Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi người ta có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, con người phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh). Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, nhưng hành động con người trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người.