五 蘊 ; S: pañca-skandha; P: pañca-khandha; cũng gọi là Ngũ ấm (五 陰 ), năm nhóm;
Năm (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái »ta.«
Ngũ uẩn là:
1. Sắc (色; s, p: rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (Lục căn); 2. Thụ (受; s, p: vedanā), tức là cảm giác; 3. Tưởng (想; s: saṃjñā; p: saññā); 4. Hành (行; s: saṃskāra; p: saṅkhāra); 5. Thức (識; s: vijñāna; p: viññāṇa).
Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Ðặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Kinh Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn (xem Năm trí).
Sắc do Tứ đại chủng (s, p: mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của các giác quan. Thụ là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính. Tưởng là nhận biết các cảm giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện. Hành là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác... Thức bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được thành tạo từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái »ta« thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Ðại sư người Ðức Ni-a-na Ti-lo-ka (nyanātiloka) trình bày như sau về tầm quan trọng đó: »Ðời sống của mỗi chúng ta thật chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẽ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng.« Joseph Goldstein cũng viết: »Cái mà chúng ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ.«