HomeIndex

Ðại chúng bộ

大 眾 部; S: mahāsāṅghika;

Chỉ phái »đại chúng«, phần lớn, đa số của Tăng-già; một trong hai trường phái Tiểu thừa, được tách ra trong hội nghị Kết tập lần thứ ba tại Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra). Trong hội nghị này, nhóm Ðại chúng bộ có năm quan điểm riêng về tính chất của A-la-hán. Theo thời gian, Ðại chúng bộ lại tách ra thành Nhất thuyết bộ (s: ekavyāhārika) và Khôi sơn trụ bộ (s: gokulika). Từ Nhất thuyết bộ lại xuất phát Thuyết xuất thế bộ (s: lokottaravāda) và từ bộ phái kia lại sinh ra Ða văn bộ (s: bahuśrutīya), Thuyết giả bộ (s: prajñaptivāda) và Chế đa sơn bộ (s: caitika).

Quan điểm của Ðại chúng bộ được xem là tiền thân của giáo pháp Ðại thừa sau này. Người ta đã tìm thấy nơi Ðại chúng bộ quan điểm cho rằng, tất cả đều chỉ là giả danh, cái tuyệt đối cũng như tương đối, Niết-bàn hay Luân hồi, thế gian hay Xuất thế gian. Tất cả những danh tự đó không hề có một thật chất trường tồn. Thời đó, quan điểm này đã ngược hẳn giáo lí của Trưởng lão bộ (s: sthavira; p: theravāda).

Các vị thuộc Ðại chúng bộ xem đức Phật là con người siêu thế, với thân tâm hoàn toàn thanh tịnh. Ðó là khái niệm đầu tiên dẫn đến quan điểm »Phật siêu việt« sau này của Ðại thừa Phật Giáo. Ðại chúng bộ xem đức Phật là sống vô tận, đã đạt Nhất thiết trí, toàn năng, thể nhập đại định vĩnh cửu. Các vị này cũng tin rằng Bồ Tát có thể chủ động tái sinh vào cảnh khổ, thí dụ để xoa dịu đau khổ của chúng sinh trong địa ngục, để giảng pháp và để nuôi thiện nghiệp cho các chúng sinh đó.