虛 空 ; S: ākāśa; P: ākāsa;
Khái niệm quan trọng trong đạo Phật. Hư không được hiểu là »không gian« Có hai thứ không gian: 1. Không gian do sắc thể qui định mà thành và 2. Không gian vô cùng tận. Khái niệm đầu thuộc sắc thể (Ngũ uẩn), khái niệm sau là một trong sáu yếu tố (Giới, s: dhātu), không có tự tính nhưng lại là cơ sở của mọi sắc thể và của Tứ đại chủng là đất, nước, gió, lửa. Hư không (khái niệm thứ hai) là tính Không, rời mọi sắc thể, thường còn và không thể mô tả nghĩ bàn.
Quan điểm về hư không cũng có nhiều sai khác trong các tông phái Phật giáo. Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) quan niệm rằng, hư không không chịu dưới qui luật duyên khởi; nó không gây chướng ngại, xuyên suốt mọi vật và thường còn. Còn Trung quán tông (s: mādhyamika) thì cho hư không cũng bị tùy thuộc, vì nó có thể bị một vật khác »chiếm giữ«. Trong các phương pháp thiền định, hư không giữ một vai trò quan trọng: trong Bốn xứ thì xứ đầu tiên là Không vô biên xứ và trong mười Biến xứ (p: kasiṇa) thì hư không là biến xứ thứ chín.