Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình để phụng sự người khác. (The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others. )Mahatma Gandhi
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Sống với tâm từ »» Đối trị sân hận »»

Sống với tâm từ
»» Đối trị sân hận

Donate

(Lượt xem: 7.720)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Sống với tâm từ - Đối trị sân hận

Font chữ:

Lấy hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn xưa.
Kinh Pháp cú (Kệ số 5)

Vào năm 1984, lần đầu tiên khi tôi hành thiền dưới sự hướng dẫn của ngài Sayadaw U Pandita, có một lúc tôi đã phải đối diện với nhiều khó khăn bởi những kỷ niệm đau buồn nằm sâu trong ký ức. Chúng là những hồi ức về tất cả những gì sai quấy tôi đã làm trong quá khứ, như là những thái độ hư đốn khi còn bé, những lúc nói dối vì một lý do rất “chính đáng”, những khi tham giữ một điều gì trong khi tôi có thể dễ dàng buông bỏ... Tất cả những việc ấy bỗng dưng trở lại ám ảnh tôi. Tôi không muốn kể cho ngài Sayadaw nghe, nhưng cuối cùng tôi cũng đã phải trình bày với ngài. Tôi thưa: “Thầy biết không, con cứ hết nghĩ việc này đến việc khác, rồi việc khác, rồi lại việc khác - về tất cả những việc xấu xa mà con đã từng làm trong quá khứ. Con cảm thấy hối hận. Con thấy chán nản. Con buồn khổ lắm.”

Ngài U Pandita nhìn tôi và hỏi: “Thế cô có nhìn thấy được sự thật về con người cô hay chưa?” Câu hỏi của ông làm tôi khá sửng sờ. Mặc dù lúc đó tôi đang mang một tâm trạng tự ti, tự trách, nhưng trong lời ông nói có một cái gì đó khiến tôi muốn cãi lại. Tôi tự nói thầm: “Không, con không thấy được một sự thật nào về con hết!” Và rồi ông chỉ đơn giản khuyên: “Đừng nghĩ gì về những điều đó nữa.”

Về sau này, tôi mới hiểu được tuệ giác trong câu trả lời của ông. Có ai trong chúng ta mà lại chưa từng làm một điều gì có hại cho người khác, cho những sinh vật khác, hoặc là cho chính quả đất này? Những hành động phát xuất từ một tâm sân hận chắc chắn sẽ làm hại người khác, cũng như sẽ có hại cho chính ta. Sự sân hận thường được kinh nghiệm qua nhiều hình thái khác nhau - oán giận, sợ hãi, tội lỗi, nóng nảy, buồn phiền, thất vọng, chán nản, và lo âu. Vì sân hận đối nghịch với tình thương, nên chúng cũng được xem như “kẻ thù xa” của tâm từ.

Kẻ thù gần của tâm từ, tức tham ái, là một chướng ngại rất vi tế, vì nó có thể tạo cho ta một sự thỏa mãn giả tạo. Ngược lại, những trạng thái của sân hận rất là khó chịu, chúng đốt cháy ta và xâu xé thân tâm ta ra thành từng mảnh. Đức Phật dạy, sân hận tuy có thể mang đến những hậu quả tai hại lớn, nhưng ta có thể đối trị dễ dàng hơn. Chúng gây tai hại lớn vì chúng xúi giục ta bạo động, có những hành động bất thiện gây nguy hiểm cho mình và người khác. Tuy vậy, nỗi đau của chúng lại rất rõ ràng, cụ thể và dễ cảm nhận. Và cũng vì khổ đau của chúng gây nên rất rõ ràng, nên tự nhiên bao giờ ta cũng muốn buông bỏ chúng.

Năng lực của sân hận được biểu lộ qua hai phương diện. Một là hướng ngoại, như là sự bực tức, một cơn giận dữ. Trạng thái này có rất nhiều năng lượng, mãnh liệt và bộc lộ ra bên ngoài. Còn một mặt khác là hướng nội. Sân hận được kinh nghiệm bằng sự giữ lại bên trong, như là khi ta buồn chán, sợ hãi, hoặc là tuyệt vọng. Trong trường hợp này, năng lượng của sân hận lại là sự tê liệt và chết cứng. Nhưng cho dù chúng ta có hướng sự sân hận về mình hay người khác, dù ta có giữ nó lại trong tâm hay bộc lộ ra bên ngoài, chúng cũng chỉ là những hình thái khác nhau của cùng một trạng thái tâm thức mà thôi.

Một trong những hình thức đem sự sân hận hướng về chính mình là mặc cảm tội lỗi. Như kinh nghiệm tôi có trong thời gian tu tập với ngài U Pandita. Khi sự hành thiền của ta được thâm sâu, thường thường tự nhiên ta sẽ quán xét lại hết những hành động sai lầm của mình trong quá khứ. Những chuyện này không cần ai mời gọi, chúng cũng cứ tự động khơi lên. Có người nhớ lại là mình đã làm một người bạn thất vọng vì đã không đến dự buổi tiệc sinh nhật 16 tuổi của cô, vào hai mươi sáu năm về trước, hoặc một câu trả lời cay cú đối với người hôn phối, mà người ấy không còn trong cuộc đời mình nữa. Có người đau khổ vì một sự lường gạt chưa ai biết đến, hoặc nỗi sợ vì một lời nói dối trong tình bạn. Điều quan trọng là ta phải biết thừa nhận các việc đó, tiếp xúc với nỗi đau ấy, và rồi, như ngài Sayadaw khuyên tôi, buông bỏ chúng đi - “Đừng nghĩ gì về những điều đó nữa.” Bằng không, chúng ta chỉ vô tình củng cố thêm một hình ảnh rất sai lầm về con người thật của mình mà thôi.

Trong tâm lý học Phật giáo có một sự phân biệt khá lý thú giữa mặc cảm tội lỗi và sự hổ thẹn. Mặc cảm tội lỗi, hay sự ghét bỏ, thường chỉa mũi dùi về chính mình. Nó xâu xé thân tâm ta ra thành từng mảnh. Khi có một mặc cảm tội lỗi lớn, ta sẽ không còn đủ năng lượng để chuyển hóa nó nữa. Ta bị chính mặc cảm ấy chế ngự, làm tiêu hao hết năng lực của ta. Ta cảm thấy rất cô đơn và chỉ còn biết nghĩ đến sự vô dụng và bất thiện của mình mà thôi: “Tôi là người tồi nhất trên trái đất này. Chỉ có tôi mới có thể làm ra những chuyện xấu xa đến như vậy!” Nhưng thật ra chính thái độ ấy lại rất là vị kỷ, vì ta chỉ biết nghĩ đến mình như là trung tâm của vũ trụ này vậy.

Ngược lại, sự hổ thẹn là một trạng thái chấp nhận. Chúng ta ý thức rằng mình đã làm hay nói một điều gì đó bất thiện và gây ra khổ đau. Bây giờ ta cảm nhận nỗi đau ấy. Nhưng điều quan trọng là sự hổ thẹn có công năng giải thoát ta ra khỏi ngục tù của quá khứ. Nó ban cho ta một số năng lượng, giúp ta có thể đứng dậy và bước đi, và tự hứa rằng mình sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm ấy nữa.

Mặc cảm tội lỗi đôi khi lại rất gian xảo. Ta có thể cảm thấy nó như là một sức mạnh chính đáng có thể thúc đẩy ta hành động tốt lành, phục vụ cho người khác. Nhưng thật ra, mặc cảm tội lỗi không hoạt động như vậy. Khi chúng ta bị thúc đẩy vì tội lỗi thì chính mặc cảm ấy, nỗi đau ấy, đóng vai trò chánh, làm chủ hành động của ta. Cũng như khi ta bị một cơn giận sai sử, thì sự nổi giận ấy là ông chủ. Và khi những cảm xúc ấy đóng vai trò chủ yếu, ta dễ dàng quên đi người chung quanh, không còn biết đến họ nữa. Ta trở nên rất vị kỷ. Điều đó sẽ ngăn trở, không cho phép ta suy xét và tiếp xúc một cách sáng suốt. Cảm xúc chế ngự tâm trí ta. Cuối cùng, với mặc cảm tội lỗi, ta chỉ biết phục vụ cho chính mình mà thôi.

Ý niệm sai lầm về một “cái tôi” cố định, không thay đổi, cũng có thể nuôi dưỡng sân hận qua hình thức của sự tự ghét bỏ hoặc tự phê phán. Khi chúng ta cho rằng “cái tôi” này là thật, không bao giờ đổi thay, ta sẽ dễ dàng chấp nhận những tập quán, thói quen của mình như là bản tánh tự nhiên. Thiền quán sẽ giúp ta phá vỡ ý niệm sai lầm này. Nó giúp ta thấy được tự tánh vô ngã của những năng lực khởi lên rồi diệt đi trong ta. Ví dụ, ta có thể kinh nghiệm được sân hận, tội lỗi và phiền muộn như những năng lực tự động đến và đi trong tâm, mà ta không làm gì hết. Sân hận như là một cơn dông tố, nó kéo đến rồi kéo đi. Nó không phải là cái tôi, là của tôi; cũng không phải là bạn, hay của bạn. Ý thức được sự trống không này, ta sẽ nhìn thấy được mình và người khác chính xác hơn. Và từ đó mà tâm từ được phát sinh.

Khi đức Đạt-lai Lạt-ma viếng thăm trung tâm Insight Meditation Society vào năm 1979, có người hỏi ông: “Tôi là một người mới học thiền, và tôi cảm thấy mình là một người không có chút giá trị nào hết. Ngài có thể nói gì về vấn đề này không?” Đức Đạt-lai Lạt-ma đáp: “Anh đừng bao giờ nghĩ như vậy. Điều ấy hoàn toàn sai. Anh có khả năng suy nghĩ, đó là một năng lực của tâm. Và thật ra anh chỉ cần có bấy nhiêu thôi là đủ rồi.” Ngài nhận biết trong chúng ta ai cũng có khả năng giác ngộ. Và vì thế, đừng bao giờ tự hạ nhân phẩm của mình bằng cách cho rằng ta không có giá trị gì hết.

Đôi khi chúng ta cũng cần phải được nhắc nhở về tiềm năng giác ngộ này, để có thể thấy rõ mình hơn. Nhiều lúc vì vướng mắc trong sân hận mà ta quên mất đi nhận thức ấy. Có lần, tôi đến gặp ngài S. N. Goenka, vị thiền sư đầu tiên của tôi, và bực tức tra hỏi ông: “ Lẽ nào không còn một phương pháp thiền tập nào dễ dàng hơn sao?” Tôi rất ghét, và không chịu nổi những cơn nhức nhối, đau đớn trong lúc ngồi thiền nữa. Tôi nghĩ, lúc ấy tôi thật sự tin rằng ông biết câu trả lời, ông biết một phương pháp dễ dàng hơn, nhưng cố ý giấu để cho tôi phải chịu khổ.

Bây giờ nhớ lại tôi cảm thấy thật buồn cười, vì ngài Goenka là một người có lòng từ bi rất lớn. Sau khi nghe tôi hỏi, ông chỉ đứng yên lặng nhìn tôi thật lâu. Tôi như rơi vào trong đôi mắt sâu của ông, chúng tỏa chiếu một cái nhìn mênh mông, rộng lớn, trong đó có phản ảnh cả cái khả năng giải thoát của chính tôi. Trong cái nhìn ấy, của cả một đời công phu tu tập, thì những sự đau lưng, đau đầu gối, những cơn buồn ngủ của tôi... thật nhỏ nhoi và vô nghĩa. Chúng chẳng có gì là quan trọng hết. Khi chúng ta không thấy được một khung trời bao la, ta sẽ dễ bị vướng mắc vào những khó khăn nhỏ nhặt tạm thời. Và khi chúng ta bị kẹt trong sân hận, ta sẽ quên đi khả năng thương yêu của mình.

Có lần, tôi nhận được một lá thư giận dữ đầy trách móc. Đó là một lá thư mà chúng ta hẳn không ai muốn nhận. Nó liệt kê những vấn đề và hoàn cảnh đã xảy ra. Trong thư viết: “Lần đó là lỗi của cô, và lần đó là lỗi của cô, và lần đó cũng là lỗi của cô, và lần đó nữa cũng là lỗi của cô...” Lá thư không được dễ thương lắm. Cả ngày hôm ấy, trong đầu tôi cứ bận rộn thảo ra một lá thư để trả lời cho những lời buộc tội ấy. Chung chung thì câu trả lời của tôi cũng giống như thế này: “Thật ra thì lần đó không phải là lỗi của tôi đâu. Lần đó là lỗi của chị, và lần đó cũng là lỗi của chị, và lần đó nữa cũng là lỗi của chị...” Và tôi trọn ngày chỉ bận rộn suy nghĩ có bấy nhiêu thôi.

Trong những cơn giận “chính đáng” ấy, chúng ta thường đúc kết lại và tạo nên hai hình ảnh rất là cách biệt, “tôi” và “người kia”. Một người đang sân hận thì tội nghiệp lắm. Trong giây phút ấy họ không còn có khả năng thương yêu và nối liền với người khác được nữa. Nhưng ta phải làm gì đây trong những hoàn cảnh ấy?

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thường hay bối rối về vấn đề phải đối phó với cơn giận của mình thế nào cho phải. Ví dụ, chúng ta chưa hiểu được sự khác biệt giữa sự cảm nhận cơn giận và sự bộc lộ cơn giận của mình. Khi bước chân vào con đường thiền tập, việc đầu tiên là ta phải biết cởi mở với tất cả những gì đang xảy ra. Ta ghi nhận chúng, ý thức chúng, và chấp nhận mọi cảm xúc đang có mặt, không phân biệt. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường có thói quen tự lừa dối. Ta loại bỏ những gì không ưa thích ra khỏi nhận thức, hoặc là đè nén chúng xuống. Nếu ta biết ý thức được điều ấy và cởi mở với sự sân hận, điều đó sẽ có tác dụng chữa thương rất lớn. Nhưng trong tiến trình ấy, đôi khi ta phải trả một giá rất đắt. Ta có thể bị sự sân hận kéo đi thật xa vì thiếu chánh niệm. Ta trở nên yếu đuối và bị chúng sai sử mà không hay.

Những nhà tâm lý học ngày nay chứng minh rằng, trong cuộc sống hằng ngày nếu ta thường xuyên bộc lộ cơn giận của mình, điều đó sẽ dẫn đến một thói quen dễ dàng bộc lộ cơn giận. Chúng ta nghĩ, mình có một số phiền giận nằm bên trong, và nếu ta không muốn giữ nó ở trong, ta phải mang nó ra ngoài. Như thể là, khi nó ở bên ngoài thì sẽ không còn ở bên trong nữa vậy. Sân hận được ta xem như một khối thực thể đặc cứng. Nhưng khi quán chiếu cho sâu, ta sẽ khám phá rằng sân hận không phải là một khối đặc nào hết. Nó là một hiện tượng duyên khởi, tùy theo điều kiện mà sinh lên rồi diệt đi. Điều quan trọng ta phải nhớ là, mỗi khi ta nhận lấy những trạng thái tạm thời này là mình, ta sẽ bị chúng sai sử, thúc đẩy phải có những hành động gây hại cho mình và người khác. Sự cởi mở của ta đối với cơn giận cần phải được đặt nền tảng trên sự vô chấp, không đồng hóa tự thân với nó. Khi ý thức rằng cơn giận chỉ là trạng thái nhất thời trong tâm, ta sẽ không còn nhận chúng làm mình và không còn để chúng sai sử nữa.

Sân hận là một cảm xúc rất phức tạp và có nhiều thành tố khác nhau. Nó là sự thất vọng, sợ hãi, buồn chán... tất cả những sợi tơ cảm xúc ấy quyện đan lại với nhau thành một mối. Cơn giận thường được biểu lộ ra như một thực thể cứng chắc. Nhưng khi ta quán chiếu và thấy được những khía cạnh khác nhau của cơn giận, ta sẽ hiểu được tự tánh của nó. Nó cũng vô thường như bất cứ một hiện tượng nào khác. Nó sinh lên và diệt đi như những ngọn sóng đến rồi đi. Tính chất của phiền giận là không toại nguyện, không thể mang lại cho ta một hạnh phúc nào lâu dài. Ta nhận thấy rằng, không có một cái “tôi” nào làm chủ cơn giận ấy. Nó không khởi lên vì sự mong cầu hoặc theo ý muốn của ta. Nó khởi lên vì điều kiện đầy đủ cho nó khởi lên, thế thôi. Cơn giận không phải là của ta, không thuộc về ta. Ta không có một quyền hạn nào đối với nó hết. Chúng ta không thể ngăn chận được một cơn giận khởi lên, nhưng ta có thể học cách đối trị sao cho thật khôn khéo.

Nhìn cho kỹ, thật ra một năng lực sân hận cũng có những khía cạnh tích cực của nó. Sân hận không phải là một trạng thái thụ động và ngồi yên tự mãn. Nó tàng chứa một năng lượng khá mãnh liệt. Cơn giận có thể giúp ta giải thoát được những trói buộc do những đòi hỏi vô lý của người khác. Nó dạy cho ta biết nói “Không!” Vì vậy, sân hận cũng có thể giúp nâng cao nhân phẩm của ta, giúp ta bớt nghe theo những đòi hỏi của thế giới chung quanh, và trở về với tiếng nói chân thật của mình. Sân hận giúp ta vạch những lằn mức giới hạn và thách đố những bất công. Sân hận không bao giờ chịu chấp nhận một sự kiện nào là dĩ nhiên, một cách vô ý thức hết.

Ngoài ra, phiền giận còn có một khả năng thẩm thấu xuyên qua lớp vỏ bên ngoài của sự vật. Nó không chịu tiếp xúc hời hợt bên ngoài. Sân hận có một năng lực chiếu soi, xuyên qua những gì quá rõ ràng, để tiếp xúc với những gì sâu kín hơn. Vì lý do ấy mà sân hận có thể chuyển hóa thành tuệ giác, vì tự tánh của nó có những đặc tính gần giống với trí tuệ.

Nhưng dầu sao, những khía cạnh bất thiện của sân hận là kinh khiếp lắm, vượt trội hơn phần tích cực của nó nhiều. Đức Phật diễn tả như thế này: “Sân hận, với nhân đầy độc tố, sự thiêu đốt cực độ, và sự ngọt ngào chết người, các thầy hãy diệt trừ nó.” Mà thật vậy, nó ngọt ngào lắm chứ! Nhưng sự ngọt ngào ấy, niềm thỏa thích do sự bộc lộ của một cơn giận đem lại rất ngắn ngủi, mà sự tàn phá của nó rất lâu dài và sẽ hủy hoại chúng ta.

Theo tâm lý học Phật giáo, một đặc tính của sân hận là sự hung bạo. Công năng của sân hận là thiêu đốt hết tất cả, ngay chính những gì nuôi dưỡng nó, giống như một trận cháy rừng. Nó tàn hoại tất cả, không để lại cho ta một vật gì. Cũng như trận cháy rừng, tung hoành và man dại, sân hận có thể đưa đẩy ta đến một hoàn cảnh hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Và đặc tính của sân hận còn là sự si mê. Khi chúng ta đang giận, ta không còn thấy có một sự chọn lựa nào khác hơn, ta chỉ biết đập phá cho thỏa lòng mà thôi.

Sân hận được biểu lộ ra ngoài bằng sự thù nghịch và đàn áp. Tâm ta trở nên rất hẹp hòi và nhỏ nhoi. Ta đóng khung một người hay một vật nào lại, bắt nó phải trở nên cố định. Cái nhìn của ta chỉ còn có một chiều. Ta không còn thấy một đường lối nào khác hơn, tin chắc rằng người ấy hay việc ấy sẽ đời đời y như vậy, không bao giờ thay đổi. Sân hận vì thế mà cứ nuôi dưỡng thêm sân hận. Ta bị kẹt trong một vòng luẩn quẩn không thoát ra được. Ta có thể thấy được sự thật này qua những cuộc xung đột sắc tộc, đấu tranh giai cấp, hay những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, tôn giáo... Sự thù hận cũng có một điểm đặc biệt là nó có khả năng gắn bó con người lại với nhau giống như tình thương vậy. Trong hận thù, người ta lôi kéo nhau, đoàn kết nhau qua những cuộc trả thù bất tận, không buông bỏ được, không thể dừng lại được. Kịch gia kiêm chính khách Vaclav Havel cũng nhận thấy sự tương tự này giữa thù hận và tình thương. Ông nói, “Ta gắn bó với người khác, lệ thuộc vào họ, và thật ra thì ta còn trao cho người khác một phần con người của mình nữa... Người thù ghét bao giờ cũng gắn bó với đối tượng thù ghét của họ.”

Vòng tròn thù hận ấy sẽ không bao giờ chấm dứt. Ta cảm thông với những người bị trả thù, áp bức, nhưng rồi khi ta có được quyền hành, ta lại cũng hành xử y như thế đối với người khác. Có người viết cho tôi một lá thư buộc tội, và tôi buộc tội ngược lại người ấy.

Nhưng làm sao ta có thể buông xả được trong hoàn cảnh ấy? Làm sao ta có thể hành động khác hơn? Thật ra, ta có thể tập chú ý vào nỗi khổ đang có mặt trong ta và người khác hơn là vào cơn giận. Ta có thể tự hỏi: Thật sự ta đang giận ai đây? Thường thường, cái mà ta giận chính là cơn giận của người khác. Vì người khác bao giờ cũng chỉ là một công cụ để cho cơn giận đi qua, xúi giục họ hành động thiếu khôn ngoan mà thôi. Chúng ta đâu có giận cái miệng người phỉ báng ta, nhưng ta giận cái cơn giận đã thúc đẩy họ làm như thế. Và một khi đem thù hận cộng vào với hận thù, ta chỉ làm tăng thêm thù hận mà thôi.

Đức Phật dạy: “Không thể lấy hận thù để chấm dứt hận thù, chỉ có tình thương mới chấm dứt được hận thù. Đó là luật của muôn đời.” Chúng ta chỉ có thể chấm dứt vòng tròn hận thù này bằng cách thôi không để mình là một tác nhân của sự thù ghét nữa. Ta biết, cuối cùng rồi ai cũng phải nhận chịu nghiệp quả do chính mình gây ra. Nếu một người làm hại người khác, họ sẽ nhận lãnh khổ đau. Và nếu ta làm hại người khác, ta phải chịu khổ đau. Trong kinh Pháp cú (Dhammapada), đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu. Tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, khổ đau sẽ theo nghiệp kéo đến, như bánh xe lăn theo vết chân của con bò kéo xe. Nếu ta đem tâm trong sạch tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, hạnh phúc sẽ theo ta không rời xa, như bóng theo hình.”

Hạnh phúc hay khổ đau đều hoàn toàn tùy thuộc vào hành động của ta.

Nhưng điều này không có nghĩa là ta cứ ngồi thích chí tự nghĩ: “Ngươi hại ta thì thế nào rồi ngươi cũng sẽ bị hại, không kiếp này thì kiếp tới!” Ta chỉ hiểu rằng mình không cần phải làm một tác nhân của hận thù, nếu ai gây nên khổ đau thì người đó sẽ nhận lãnh khổ đau. Đó là một luật chung không phân biệt và thiên vị một ai, kể cả chính ta.

Trong đêm thành đạo, lúc còn là một vị Bồ Tát, đức Phật ngồi dưới cội cây bồ-đề, cương quyết sẽ không đứng dậy cho đến khi nào chứng được quả giác ngộ. Khi ấy Ma vương, tức kẻ “phá hủy thiện nghiệp” và “phá hủy sự sống”, thấy cơ đồ của mình đang bị lung lay trước sự chứng ngộ của đức Phật, bèn tìm đủ mọi cách để cản trở ngài. Ma vương dùng đủ mọi thứ ái dục, thù hận và sợ hãi để khuất phục đức Phật. Hắn biến hóa ra những trận bão tố, sấm sét long trời lở đất. Nhưng đức Phật vẫn ngồi yên, tĩnh lặng, không cử động, không hề sợ sệt.

Cuối cùng, Ma vương dùng đến một thử thách tối hậu là sự tự ngờ vực. Hắn hỏi đức Phật: “Lấy quyền gì mà người ngồi đó để đeo đuổi chí nguyện ấy? Tại sao người nghĩ là người có thể giác ngộ, giải thoát hoàn toàn?” Để trả lời câu hỏi ấy, đức Phật chỉ đưa tay mình ra và chạm xuống mặt đất. Ngài kêu gọi mặt đất minh chứng cho biết bao nhiêu kiếp qua, đức Phật đã từng thực hành từ bi và kiên trì giới luật. Đời này sang đời khác, ngài đã xây nên một ngọn sóng tốt lành cao vòi vọi, có thể cho phép ngài theo đuổi mục tiêu giác ngộ.

Mỗi khi nghĩ đến luật nghiệp quả, karma, là tôi nhớ đến câu chuyện này. Mặt đất này đang chứng minh cho tất cả chúng ta: Nếu ta gây khổ đau, ta sẽ nhận lãnh khổ đau; nếu người khác gây khổ đau, họ sẽ nhận lãnh khổ đau. Hiểu được sự thật này, ta sẽ có khả năng buông bỏ. Ta có thể tự do.

Cũng trong ngày tôi nhận được lá thư trách móc nặng nề ấy, khi tôi bị những phản ứng khá mạnh, tình cờ có người bạn mời một vị Lạt-ma Tây Tạng ghé sang thăm chúng tôi tại trung tâm Insight Meditation Society. Vị Lạt-ma này đã sống trong một hang động trên rặng Hy-mã-lạp sơn trong suốt mười lăm năm trời không bước ra ngoài. Ngài chuyên tu pháp nội hỏa, tumo, có thể dùng tâm ý để làm tăng sức nóng trong cơ thể.

Người ta tìm đến hang động và thỉnh cầu ngài sang Hoa Kỳ để họ có thể nghiên cứu và học hỏi thêm. Những khoa học gia đang tìm hiểu về thiền tập mong muốn có những bằng chứng về ảnh hưởng cụ thể nào mà họ có thể đo lường được. Và, làm tăng nhiệt độ của cơ thể bằng sự định tâm là một hiệu quả mà ta có thể đo lường được! Vì có sự yêu cầu của chính đức Đạt-lai Lạt-ma nên ngài đồng ý đi.

Vị Lạt-ma rời hang động và bay sang Boston. Từ phi trường, người ta đưa ngài thẳng đến bệnh viện. Nơi đây, ngài ngồi thiền định nhiều ngày trong khi các khoa học gia theo dõi thân nhiệt của ngài.

Một người bạn đã đưa vị Lạt-ma này sang Hoa Kỳ đề nghị ngài nên dành chút thời gian ghé thăm trung tâm Insight Meditation Society, vì cũng không xa Boston. Ngài nhận lời. Khi ngài vừa bước vào cửa trung tâm, câu đầu tiên của ngài là: “Nơi đây có vẻ khác xa với những nơi khác của Hoa Kỳ. Các ông làm gì ở đây?” Chúng tôi giải thích với ông, và cuối cùng chúng tôi đã nói chuyện, trao đổi với ngài trọn cả buổi chiều.

Vị Lạt-ma, pháp sư của môn nội hỏa, tumo, có mang theo một thông dịch viên trẻ tuổi khá lưu loát. Theo lời anh kể, vị Lạt-ma này là một nhân vật được xem như khá phi thường trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Ngài xuất gia khi tuổi đã lớn, so với pháp tu này thì bắt đầu hơi muộn. Tuy vậy, ngài đã tiến được những bước rất xa trên con đường tu tập, mặc dù ngài đã bỏ qua nhiều giai đoạn mà người ta cho là rất cần thiết cho pháp tu này. Ngài chưa hề học hỏi hay thực tập những phương pháp cơ bản, cần yếu để làm nền tảng cho những phương pháp thực tập khó khăn và cao siêu hơn. Vì vậy, người Tây Tạng xem ngài là một trường hợp phi thường.

Chúng tôi hỏi vị Lạt-ma: “ Ngài có biết vì sao ngài có thể tiến bộ rất xa trong sự tu tập, mặc dù ngài chưa hoàn tất những phương pháp cơ bản thông thường?”

Ngài đáp: “Có chứ, tôi nghĩ là tôi biết. Khi tôi chưa xuất gia, tôi là một người lính kháng chiến. Tôi thường bắt những tù binh, tra khảo và giết họ. Cho đến một ngày, chính tôi bị phe bên kia bắt làm tù binh. Tôi bị đánh đập, tra khảo và trải qua một giai đoạn khổ đau ghê gớm. Lúc đó tôi tự hứa là mình sẽ không bao giờ thù hận người đã gây khổ cho mình.”

Vị Lạt-ma giải thích, ông thấy được hoàn cảnh của ông giống y như những trường hợp đã nói trong kinh sách. Những gì ông phải lãnh chịu dưới tay của phe đối nghịch chính là nghiệp báo ông đã gieo trồng qua những việc làm trong quá khứ. Mặc dù lúc ấy chưa ý thức được điều đó, nhưng ngài hiểu là không một ai có thể làm cho ngài đau khổ. Và ngài quyết định sẽ không chế thêm dầu vào ngọn lửa thù hận, cho dù những đau đớn, cực hình mà ngài đang lãnh chịu. Ngài nói với chúng tôi, ngài tin rằng chính quyết định ấy đã giúp ngài có những tiến bộ phi thường trên đường tu tập về sau.

Trong khi ngồi nghe ngài kể chuyện, tôi chợt nghĩ đến lá thư mà tôi đang bận rộn soạn thảo trong đầu trọn ngày hôm ấy. Tôi muốn nói: “Lần đó là lỗi của cô, và lần đó là lỗi của cô, và lần đó nữa cũng là lỗi của cô...” Nhưng tôi chợt ý thức là mình không cần phải trả lời như vậy. Cám ơn sự có mặt đúng lúc của vị Lạt-ma. Nó giúp tôi thấy rõ những gì một người với một con tim bình thường có thể thật sự làm được. Tôi hiểu lời dạy của đức Phật hơn: “Hận thù không bao giờ chấm dứt được hận thù.” Không bao giờ! “Chỉ có tình thương mới có thể chấm dứt được hận thù.”

Những khi tâm ta đầy hận thù đối với người khác thì thật ra chính ta là người đang khổ đau. Nhưng tìm cho được một nơi trong tâm ta biết tha thứ, biết thương yêu, cũng không phải là chuyện dễ! Khả năng tha thứ và buông bỏ cũng giống như một hình thức của cái chết vậy. Ta phải nói được rằng: “Tôi không còn là con người ấy nữa. Và chị cũng không còn là con người ấy nữa.” Sự tha thứ giúp ta tìm lại được một phần của con người mình đã bị đánh mất trong biến cố đã qua. Và đôi khi, có thể một phần nào khác trong ta phải chết đi, để ta có thể tiếp nhận lại được phần năng lượng đã mất ấy.

Tất cả những kinh nghiệm này đều đang có mặt, nếu ta biết tiếp xúc với những cảm xúc cho thật sâu sắc. Ta hãy tự quán chiếu: Ta đang chống đối những gì? Và tại sao ta chống đối? Ta nên nhớ một điều quan trọng này: Cảm xúc của ta không thể do một nguyên nhân duy nhất nào đem đến. Trong một thế giới duyên sinh, không có sự việc nào tồn tại độc lập cả. Chúng ta sống trong một thực tại duyên khởi, cái này có mặt vì cái kia có mặt, hoàn cảnh hiện tại trong giờ phút này tùy thuộc vào tất cả những gì ta đã tạo ra cho nó từ quá khứ.

Giả sử như giữa một căn phòng đông người, bỗng có một người đứng dậy làm một số cử chỉ kỳ lạ nào đó. Có một số người cảm thấy thích thú. Có người cảm thấy sợ sệt. Có người cảm thấy nổi giận. Người khác lại cảm thấy tức cười. Không bao giờ có một hành động nào buộc phải có một phản ứng duy nhất. Hoàn cảnh hiện tại thì như thế này, và đây là tất cả những gì chính ta mang đến cho nó!

Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đối với tâm ý của mình. Hy vọng rằng cuộc sống của bạn không chỉ là một hành trình nổi trôi, bấp bênh theo những ngọn sóng nhấp nhô của những phản ứng khác nhau. Cuộc đời bạn cần phải có một chí hướng, như là phát triển một con tim thương yêu. Đó cũng là chìa khóa cho một lối sống giải thoát.

Nếu chúng ta có thể thấy rõ được rằng, tất cả những sự giận dữ, sợ hãi, buồn chán, thất vọng và tự ti đều chỉ là những trạng thái của sân hận, ta sẽ biết cách giải thoát. Nhưng giải thoát ở đây không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm chúng nữa. Giải thoát và tự do có nghĩa là ta có thể thanh lọc chúng, ta có thể nhìn thấy chúng rõ ràng hơn, hiểu chúng hơn, và không bị chúng sai sử nữa. Và với tuệ giác ấy, ta có thể chấp nhận và chuyển hóa được tất cả.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 43 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)


Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Đừng đánh mất tình yêu


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.149.239.70 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...