Trước khi ta thực tập phóng tâm từ đến cho một người ta có nhiều vấn đề,
xích mích hoặc giận hờn, ta hãy nhớ đến lời của Maria Rilke: “Có lẽ đối
với bất cứ việc gì khó thương, sâu kín bên trong, chúng cũng có một cái
gì đó đang rất cần tình thương của chúng ta.”
Chúng ta nên bắt đầu với một người nào khó chịu trung bình thôi. Đừng
vội chọn một người đã từng gây quá nhiều khổ đau cho ta. Ta hãy bắt đầu
từ dễ rồi dần dần đến khó. Khi tôi mới thực tập niệm tâm từ ở Miến Điện,
tôi được hướng dẫn phóng tâm từ đến một nguời mình thương và kính mến.
Và tôi cứ thực hành liên tục như vậy trong khoảng ba tuần. Trong khi
thực hành, tôi cảm thấy bực mình và tự nghĩ: “Tại sao tôi lại bỏ bấy
nhiêu thời giờ để phóng tâm từ đến một người mà tôi đã thương kính rồi?
Quá dễ chứ có gì khó khăn đâu! Tôi muốn hướng tâm từ đến kẻ thù số một
của mình kìa. Tình thương như thế mới có giá trị chứ.” Sau cùng, tôi
trình bày ý nghĩ của mình với ngài U Pandita. Ông cười và nói: “Tại sao
cô lại muốn tìm những đường lối khó khăn nhất để thực hành?”
Mục đích của phương pháp này đâu phải là để khơi dậy khổ đau trong ta,
mặc dù đôi khi không tránh được. Nếu có một người nào đã từng gây cho ta
nhiều khổ đau và khó khăn trong cuộc sống, nếu ta không thể dễ dàng đem
tình thương hướng về kẻ ấy, ta hãy từ từ tiến từng bước một. Bạn nên
nhớ, ta cũng phải có tình thương và biết săn sóc chính mình nữa.
Đem tình thương ban rải cho một người khó thương có thể là một thử thách
lớn. Chúng ta bắt đầu sự thực tập niệm tâm từ bằng cách hướng tình
thương đến người mình kính mến. Và khi cho người mình thương dễ dàng bao
nhiêu, thì khi ta đem tình thương cho người mình ghét sẽ khó bấy nhiêu.
Muốn có tâm từ đối với một người gây cho ta nhiều khổ đau, trước hết ta
cần phải biết tách rời người ấy với những hành động gây khổ đau của họ.
Bất cứ một sinh linh nào cũng đáng được thương yêu, chăm sóc, và nhận
lãnh tâm từ. Khi thực tập ban rải tâm từ, ta hãy bỏ qua một bên những
tính chất không tốt của người khác, và cố gắng tiếp xúc với những gì
trong họ đáng nhận lãnh tình thương của ta.
Có lẽ bạn sẽ dễ dàng thương một người khó thương hơn nếu bạn nghĩ đến họ
như một đứa trẻ thơ vô tội, như một người đang hấp hối trên giường bệnh.
Coi chừng, bạn đừng cầu nguyện cho họ chết sớm nhé! Bạn có thể dùng sự
sáng tạo của mình, đôi khi táo bạo và khôi hài, tưởng tượng ra những
hoàn cảnh có thể giúp bạn cảm thấy thương được họ. Tôi có một thiền
sinh, người khó thương mà cô chọn là một người sàm sỡ, lớn tiếng và rất
nhiều chuyện. Cô thấy rằng, cô chỉ có thể phóng tâm từ đến người này khi
cô tưởng tượng ra người ấy đang ngồi trên một chiếc ghế, bị trói và bịt
miệng lại. Một thiền sinh khác, sợ người khó thương mà mình chọn đến nỗi
anh ta chỉ có thể phóng tâm từ trong khi tưởng tượng ông ta đang bị khóa
nhốt trong tù. Theo thời gian, năng lực tâm từ của ta sẽ lớn mạnh. Cuối
cùng, ta có thể phóng tình thương của mình đến người khó thương trong
khi vẫn trực tiếp đối diện và tiếp xử với những hành động và việc làm
không hay của họ.
Bạn hãy ngồi cho thoải mái. Bắt đầu bằng cách hướng những câu niệm tâm
từ đến cho chính mình, bao phủ mình trong một tình thương. Một lúc sau,
bạn hướng những câu niệm tâm từ đến cho một người kính mến, rồi một
người thân. Nếu như có tìm được một người không thân nào, bạn cũng có
thể đưa thêm vào đây. Bạn chỉ bắt đầu nghĩ đến người khó thương sau khi
đã ban rải tình thương đến cho chính bạn và những người nào bạn cảm thấy
tương đối dễ dàng. Tiếp đó, hãy tưởng tượng đến người khó thương bạn
chọn, trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn muốn. Cảm nhận sự có mặt của người
ấy bằng cách hình dung ra họ, hoặc gọi thầm tên họ. Nếu có thể, bạn hãy
nghĩ đến một điều gì tốt đẹp của người ấy. Bằng không, bạn nghĩ rằng
người ấy cũng giống như ta, cũng mong ước được hạnh phúc, và nếu có phạm
lỗi lầm cũng vì si mê mà thôi. Dùng những câu niệm tâm từ bạn đang sử
dụng và hướng về người ấy. Nếu như trong khi bạn niệm: “Mong sao chị
được an toàn, mong sao chị được hạnh phúc,” và điều đó khơi dậy một sự
khó chịu hoặc sợ hãi, bạn có thể sửa lại và cộng thêm bạn vào trong lời
niệm ấy: “Mong sao chúng ta được an toàn, mong sao chúng ta được hạnh
phúc.”
Bạn hãy từ tốn phóng tâm từ của mình đến người khó thương và chấp nhận
tất cả những cảm xúc khác nhau sẽ sinh lên và diệt đi. Có thể sẽ có
những nỗi buồn, cơn giận khởi lên. Hãy để yên cho chúng trôi qua. Nếu
chúng trở nên quá mãnh liệt, bạn hãy trở về ban rải tâm từ đến cho mình
và một người thân. Bạn cũng có thể quán chiếu để nhìn những cảm xúc này
với ánh mắt khác. Một phương cách theo truyền thống là tự hỏi: “Cơn giận
này đang làm khổ ai đây? Người làm khổ ta đã đi mất rồi, họ đã trở về
với cuộc sống của họ, trong khi ta còn ngồi đây khổ đau, bị hành hạ,
thiêu đốt vì cơn giận. Vì tình thương cho chính mình, cho con tim thư
thái hơn, cầu mong tôi buông bỏ được nó.”
Một cách khác, bạn có thể quán chiếu về nỗi khổ đau của người khó
thương, thay vì chỉ phê phán hành động sai lầm hoặc xấu xa của họ. Tâm
từ là một thứ tình thương được tôi luyện, có thể mở rộng trước mọi khổ
đau. Mỗi khi ta cảm thấy sợ hãi, ganh tỵ hay sân hận, nếu ta có thể cởi
mở thay vì phê phán, ta sẽ có tâm từ đối với mình hơn. Và cũng vậy, khi
ta thấy người khác sợ hãi, ganh tỵ hay sân hận, biết rằng những cảm xúc
ấy đang làm cho họ khổ đau, ta sẽ thương họ hơn.
Khi nào được, bạn có thể tiếp tục hướng những câu niệm tâm từ đến người
khó thương. Bạn có thể luân phiên thay đổi niệm tâm từ giữa bản thân,
người thân, sự quán chiếu và người khó thương.
Nhiều khi, mặc dù bạn chưa chứng nghiệm được một sự thay đổi lớn lao nào
trong lúc ngồi thiền, nhưng bạn vẫn có thể kinh nghiệm được sự biểu lộ
của tâm từ trong cuộc sống hằng ngày. Những khi gặp một biến cố khó
khăn, bạn sẽ thấy mình có nhiều kiên nhẫn hơn, biết lắng nghe hơn và
sáng suốt hơn. Có một thiền sinh tham dự khóa tu nghiêm túc nhiều ngày,
anh ta chọn người bạn hùn vốn làm ăn chung với anh trong công ty để làm
người khó thương. Sự thương lượng về vấn đề bỏ công ty ra đi của người
bạn, lúc ấy vẫn còn đang diễn tiến, và rất là gay gắt. Người thiền sinh
vẫn siêng năng thực tập phóng gửi tâm từ đến người bạn của anh, mặc dù
anh cảm thấy không có gì khác ngoài sự chán ngấy hoặc khó chịu. Khi trở
về sở làm, anh hết sức ngạc nhiên khi thấy mình chào hỏi người bạn bằng
một sự thân mật chân thành. Người bạn cũng kinh ngạc không kém. Anh ta
nhìn người bạn tôi một hồi rồi hỏi: “Có phải thật là anh đó không?”
Hãy kiên nhẫn với chính mình trong sự thực tập này, và đừng có một kỳ
vọng nào về những gì mình phải chứng nghiệm. Những kỳ vọng sẽ ngăn trở
không cho ta kinh nghiệm được niềm vui và hạnh phúc trong sự tu tập, và
nhiều khi còn dẫn đến sự bực tức nữa. Khi chúng ta quá câu chấp vào kết
quả, ta sẽ dễ cảm thấy thất vọng khi không được thỏa mãn đúng lúc. Rồi
ta cho rằng sự tu tập của mình là vô ích, mất thì giờ, chẳng đi đến đâu.
Bạn nên nhớ rằng, tất cả những cảm giác buồn chán, giận hờn, phiền muộn
khởi lên trong ta đều sẽ qua đi. Lúc nào ta cũng có thể trở về ban rải
tình thương cho chính mình và cho mọi sinh linh. Tiếp tục trở lại với sự
thực tập của mình, hết lần này đến lần khác, tự nó đã là một sự tu tập
chân chính, không cần phải vượt qua hết mới đạt đến sự tu tập chân
chính. Bạn nên nhớ điều ấy.