Một nụ
biểu tượng cho tất cả
ngay cả những gì không bao giờ nở hoa,
và những gì sẽ nở hoa, từ bên trong, vì biết tự hạnh phúc;
dù vậy đôi khi cũng cần thiết
dạy cho một vật biết về cái đẹp của chính nó,
đặt bàn tay lên một đóa hoa,
nói cho nó biết qua ngôn ngữ và sự xúc chạm,
rằng nó rất đẹp
cho đến khi nó lại nở rộ từ bên trong,
vì biết tự hạnh phúc
. . . . .
- Galway Kinnel
“Dạy cho một vật biết về cái đẹp của chính nó”, đó là tự tánh của metta,
tức tâm từ. Với tình thương, mọi người và mọi vật đều có thể nở hoa từ
trong tâm. Khi chúng ta khám phá được cái đẹp của mình và của người
khác, hạnh phúc sẽ phát sinh một cách tự nhiên và mầu nhiệm.
Tâm từ là một trong những cõi thiên trú, brahma-vihara, bốn trú xứ của
hạnh phúc. Ba trú xứ hạnh phúc còn lại là bi, hỷ và xả, được phát sinh
từ metta, và cũng nhờ metta nuôi dưỡng và khai mở.
Trong văn hóa Tây phương, khi nói về tình yêu thường luôn mang một hàm ý
về dục tình hoặc luyến ái. Nhưng điều quan trọng ở đây là ta cần phải
thấy rõ sự khác biệt giữa tâm từ và hai trạng thái ấy. Dục tình là một
thứ tình thương vẫn còn bị dính mắc vào sự ham muốn và chiếm hữu. Nó
muốn sự việc phải xảy ra theo một đường lối đặc biệt nào đó, theo kỳ
vọng riêng của nó. Đó là một loại tình thương có điều kiện, và cuối cùng
chỉ đưa ta đến khổ đau: “Tôi chỉ thương ai khi người đó làm như thế này,
thế này... hay là người ấy cũng phải biết thương tôi, ít nhất cũng bằng
như tôi thương họ.” Trong tiếng Anh chữ passion (ham muốn) có cùng gốc
Latinh với chữ suffering (đau khổ). Thật vậy, ham muốn và kỳ vọng là
những chất liệu của khổ đau.
Ngược lại, tinh thần của tâm từ là vô điều kiện, nó rộng mở và không
ngăn ngại. Cũng giống như ta đổ nước từ một bình này sang một bình khác,
tâm từ trôi chảy thong dong, tự tại. Nó thay đổi tùy theo hình dạng của
vật chứa mà vẫn giữ y nguyên tự tính. Một người bạn có thể làm ta thất
vọng, có thể không đúng như kỳ vọng của ta, nhưng điều ấy không có nghĩa
rằng người ấy không còn là bạn của ta nữa. Chúng ta có thể thất vọng với
chính mình vì đã không thành đạt đúng như kỳ vọng, nhưng ta đâu thể nào
vì thế mà từ chối chính mình!
Còn sự luyến ái, nó trá hình dưới dạng của tình thương, nhưng thật ra
lại là một đồng minh thân cận của si mê. Luyến ái là một thứ tình thương
có điều kiện và giới hạn, nó chỉ chấp nhận được những kinh nghiệm dễ
chịu mà thôi. Cũng giống như khi ta nhìn sự vật qua ống kính của một máy
thu hình bị dính chút dầu, tính luyến ái khiến đối tượng ta thấy trở nên
có vẻ rất “mềm dịu”. Chúng ta không thể thấy được những đường nét gồ
ghề, những điểm xấu hoặc khuyết điểm của chúng. Cái gì ta nhìn cũng thấy
đẹp. Vì sự luyến ái không chịu được khổ đau nên nó loại bỏ tất cả những
gì làm nó khó chịu.
Khi ta muốn sự vật phải theo ý mình và không chấp nhận sự thật, cái nhìn
của ta sẽ trở nên rất hẹp hòi và giới hạn. Sự phủ nhận ấy cũng giống như
một thứ thuốc phiện, sẽ làm mê mờ và cướp mất những gì quan trọng nhất
trong sự sống của ta.
Chính nỗi sợ khổ đau của ta đã khơi dậy và duy trì một sự ngăn cách.
Cũng vì muốn trốn tránh khổ đau mà ta sẵn sàng đóng kín mình lại, mặc dù
sự chia cách ấy khiến ta không còn dám sống, không còn biết xúc cảm nữa.
Đôi khi, chúng ta sẵn sàng hy sinh sự thật để che chở và bảo vệ nhận
thức sai lầm của mình. Mỗi khi chúng bị đe dọa, ta lập tức phản ứng bằng
cách chối bỏ những cảm xúc của mình. Vô tình, ta đánh mất đi luôn nhân
vị của mình. Ta không còn là ta nữa. Ta không còn dám sống cuộc đời
mình, và cảm thấy hoàn toàn tách biệt với những người chung quanh. Một
khi đã đánh mất đi cuộc sống nội tâm rồi, ta phải nương nhờ vào ngoại
cảnh để nhận biết mình là ai, có những ước mơ gì, và trân quý những gì.
Mà ngoại cảnh thì luôn thay đổi. Than ôi, nỗi khổ đau mà ta hằng muốn
trốn tránh, cuối cùng lại trở thành một người bạn đồng hành muôn đời của
ta.
Trong buổi ban đầu, đức Phật đã chỉ dạy pháp môn niệm tâm từ như là một
phương thuốc để đối trị sự sợ hãi, một phương cách để thắng vượt nỗi sợ
mỗi khi nó khởi lên. Trong kinh sách kể lại rằng, có lần đức Phật bảo
một số thầy vào ngồi thiền trong một khu rừng nổi tiếng là có nhiều quỷ
thần đang sống trên những ngọn cây. Các quỷ thần trong rừng vì không
thích sự có mặt của các thầy, nên muốn đuổi họ đi bằng cách hóa hiện ra
thành những hình tướng hung dữ, những mùi hôi thối, và những âm thanh
khóc la rất ghê rợn. Các thầy chịu không nổi những cảnh tượng ấy, hoảng
sợ, bỏ chạy về gặp đức Phật và cầu xin ngài hãy cho họ đi tìm một khu
rừng khác để hành thiền. Nhưng đức Phật bảo: “Ta muốn các thầy hãy trở
lại khu rừng ấy để thực tập thiền định, nhưng lần này ta sẽ dạy cho các
thầy một phương pháp để có thể tự bảo vệ mình.” Và đó là lần đầu tiên
đức Phật chỉ dạy pháp môn niệm tâm từ. Nhưng đức Phật không phải chỉ
khuyên các thầy nên đọc suông những lời quán về tâm từ, mà còn phải thật
sự thực hành chúng nữa. Các thầy nghe lời Phật dạy, trở lại khu rừng và
thực tập niệm tâm từ. Những quỷ thần trên cây được chuyển hóa bởi năng
lượng thương yêu tràn ngập trong khu rừng, cuối cùng đã trở thành những
người hết lòng bảo vệ cho các thầy được an ổn tu tập.
Câu chuyện nói lên một điều là: tâm thức đang bị sự sợ hãi chế ngự vẫn
có thể được chuyển hóa bởi tình thương. Hơn thế nữa, một tâm thấm nhuần
đức từ thì không thể bị sự sợ hãi áp đảo, cho dù nó có khởi lên chăng
nữa vẫn không thể lấn áp được ta.
Khi chúng ta thực tập niệm tâm từ là ta đang mở rộng ra với những kinh
nghiệm thật của mình, ta biết đổi mới mối tương quan đối với cuộc sống.
Tâm từ - một tình thương không bị giới hạn bởi dục vọng, không bắt sự
vật phải khác hơn như chúng đang hiện hữu - có thể vượt thắng cái ảo
tưởng cách biệt và bất toàn của ta. Vì vậy, tâm từ có thể giúp ta chuyển
hóa được mọi trạng thái của ý niệm cách biệt sai lầm ấy, như là sợ hãi,
xa lạ, cô đơn và tuyệt vọng. Và khi ta ý thức được rõ ràng về tính cách
nối liền của tất cả, điều đó sẽ mang lại cho ta một sự toàn vẹn, tự tin
và an lạc.
Trong Phạn ngữ, chữ citta có nghĩa là tâm, mang nghĩa bao gồm cả con tim
và lý trí. Citta không chỉ nói đến những tư tưởng và cảm thọ xuất phát
từ bộ óc, mà bao gồm luôn cả một phạm trù rộng lớn của tâm thức, vô giới
hạn và không bị ngăn ngại. Khi chúng ta tiếp xúc được với kinh nghiệm
của tâm, ta sẽ thật sự hiểu được mình là ai, và biết được những gì cần
phải làm. Với năng lực của tình thương, mọi biên giới giả tạo giữa ta và
người khác sẽ tự động tan rã thành tro bụi khi ta chạm vào chúng.
Chính ước mơ đi tìm hạnh phúc và muốn được hòa đồng với tất cả đã nối
liền tất cả chúng ta lại với nhau. Chúng ta ai cũng muốn được cảm thấy
mình rộng lớn và to tát hơn “cái tôi” nhỏ bé này. Và trong chúng ta ai
cũng ước mong được trở thành hòa nhập với tất cả mọi sự sống, của ta và
người khác.
Khi nhìn sâu vào gốc rễ của những tình cảnh khổ đau nhất trên cuộc đời,
của những bạo động nhất trên thế giới, ta vẫn tìm thấy được một ước mong
này: muốn được hạnh phúc, được hòa đồng với tất cả. Cho dù có trá hình
dưới một dạng ghê gớm hoặc méo mó đến đâu đi chăng nữa, ước muốn ấy bao
giờ cũng có mặt. Ta có thể bước đến gần với nó. Ta có thể tiếp xúc với
những năng lực khó khăn trong ta, cũng như những khổ đau trong cuộc
sống. Ta có thể phá vỡ được những ý niệm sai lầm đã từng ngăn chia ta.
Ta làm được những việc ấy nhờ vào sức mạnh của tình thương. Tâm từ là
một nguồn năng lượng có khả năng chữa lành hết những thương tích trong
ta và trên thế giới. Nó là nền tảng của tự do.
Tâm từ còn có thể giúp ta mở rộng vòng tay ôm trọn tất cả, không phân
biệt. Thực hành niệm tâm từ sẽ khiến ta được trở nên nguyên vẹn hơn, vì
ta không cần phải chối bỏ bất cứ phần nào của mình. Bằng năng lượng có
tác dụng chữa trị của tình thương, ta có thể chấp nhận tất cả. Tâm ta sẽ
mở rộng ra để ôm trọn cuộc sống này trong chánh niệm, cho dù đó là khổ
đau hay hạnh phúc. Đối diện với khổ đau, ta vẫn không cảm thấy bị chao
động hoặc khuất phục. Tâm từ sẽ bảo vệ và giữ cho ta được toàn vẹn. Cho
dù hoàn cảnh chung quanh có bi đát đến đâu, ta vẫn không cần phải sợ hãi
bất cứ một việc gì, vì an lạc và vững chãi là tự tánh của ta. Cho dù
cuộc đời có thăng trầm biến đổi, hạnh phúc ấy vẫn không bao giờ bị suy
suyển.
Trên con đường tu tập tâm từ, chúng ta hãy ghi nhớ lời này của đức Phật:
Tâm ta tự nó lúc nào cũng tỏa chiếu và trong sáng, chúng ta khổ đau là
do những phiền não đến từ bên ngoài mà thôi. Đó là một chân lý rất nhiệm
mầu.
Phiền não được dịch từ chữ Pali kilesa, có nghĩa là những “ô nhiễm của
tâm”. Chúng ta có thể kinh nghiệm được điều ấy mỗi khi có một trạng thái
bất thiện nào đó khởi lên mạnh mẽ, và tâm ta bị ô nhiễm. Đó là những
trạng thái như giận hờn, sợ hãi, tội lỗi và tham lam. Khi chúng đến gõ
cửa, ta mời chúng vào, và rồi tâm ta bị ô nhiễm. Từ đó, ta không còn
thấy được bản chất thanh tịnh của mình nữa, và ta khổ đau.
Nhờ công phu thiền tập, ta sẽ không còn bị kẹt và chấp vào những năng
lực này là mình. Ta ý thức được rằng những phiền não, hay những ô nhiễm
ấy, thật ra chỉ là những người khách qua đường mà thôi. Chúng là những
hiện tượng tình cờ, ngẫu nhiên, chứ không phải là chân tánh của ta,
không hề phản ảnh con người thật của ta. Trong cuộc sống, những phiền
não ấy chắc chắn sẽ khởi lên không thể tránh được, tùy theo con người ta
đã bị điều kiện như thế nào. Nhưng ta cũng đừng vì vậy mà trở nên khắt
khe hoặc trách cứ mình. Điều quan trọng là ta nên nhận diện cái tướng hư
dối của chúng, luôn nhớ đến tự tánh hạnh phúc và tĩnh lặng của mình.
Nếu hiểu được tâm từ, chúng ta cũng sẽ hiểu được tự tánh tỏa sáng và
thanh tịnh của bản tâm mình. Cũng giống như tâm ta, tâm từ không hề bị
ảnh hưởng bởi những gì nó tiếp xúc. Chúng ta có thể dùng tình thương để
đối trị với những sân hận nổi lên, trong ta hoặc người khác, mà tình
thương ấy vẫn không hề bị suy giảm chút nào. Tâm từ tự nó duy trì và bảo
vệ chính nó. Một tâm thương yêu có thể tiếp xúc với an lạc và hạnh phúc
trong giây phút này, và rồi khổ đau, muộn phiền trong giây phút kế,
nhưng vẫn không bị lay động trước những sự đổi thay. Tâm từ cũng giống
như một bầu trời với những đám mây đủ loại kéo ngang qua - có những áng
mây nhẹ trắng như bông, và có những cụm mây đen nghịt, đe dọa. Nhưng bầu
trời vẫn không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những đám mây kia. Nó vẫn cứ bao
la và tự tại.
Đức Phật dạy, những năng lực phiền não có thể tạm thời chế ngự những
năng lực lành mạnh, như là từ bi và trí tuệ, nhưng sẽ không bao giờ tiêu
diệt được chúng. Những năng lực bất thiện không bao giờ có thể bứng nhổ
được những năng lực thiện, nhưng ngược lại, những năng lực thiện sẽ có
khả năng nhổ được tận gốc rễ những năng lực bất thiện. Tình thương có
thể nhổ tận gốc sự sợ hãi, hờn giận hoặc mặc cảm, vì nó là một năng lực
to tát hơn.
Tình thương có thể hiện diện ở bất cứ một nơi nào và không gì có thể làm
ngăn trở nó được. Trong một quyển sách ghi lại những cuộc đối thoại với
Nisargadatta Maharaj có tựa là I am That (Ta là như thế), có một đoạn
ghi lại cuộc trao đổi giữa Nisargadatta và một người đàn ông than phiền
về mẹ mình. Người ấy than với Nisargadatta rằng mẹ ông không phải là một
người mẹ hiền và cũng không phải là một người tốt. Nisargadatta khuyên
ông ta nên thương mẹ mình. Ông đáp: “Nhưng mẹ tôi không cho phép tôi.”
Nisargadatta trả lời: “Nhưng bà cũng không thể cấm ông được!”
Thật vậy, không có một điều kiện ngoại cảnh nào có thể ngăn chặn được
tình thương của ta. Không có ai cũng như không điều gì có thể cấm cản nó
được. Tình thương không bắt buộc hoàn cảnh phải như thế nào đó ta mới có
thể thương. Tâm từ cũng giống như tự tánh của ta, nó không bị điều kiện
hoặc lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Khi ta tiếp xúc với tự tánh của mình,
ta cũng tiếp xúc được với bản chất của tâm từ, điều đó sẽ hoàn toàn
chuyển đổi cái nhìn của ta. Lúc đầu, ta như một người ngồi trên bờ nhìn
những ngọn sóng nhấp nhô, xô đẩy nhau trên mặt biển. Một thời gian sau,
khi công phu thiền tập được sâu sắc hơn, ta sẽ thấy mình như đang ngồi ở
dưới đáy nước, trong sự tĩnh lặng của đáy sâu, nhìn những ngọn sóng nhảy
múa bên trên. Và cuối cùng, ta sẽ ý thức rằng, thật ra, ta chính là
nước. Ta không cách biệt hoặc khác gì những ngọn sóng bên trên. Tâm từ
cũng thế, nó như một đại dương mênh mông bao trùm và ôm trọn tất cả.
Trong tiếng Pali, metta, tâm từ, có hai nghĩa gốc. Nghĩa thứ nhất là “êm
dịu”. Tâm từ cũng được ví như một cơn mưa hiền hòa rơi xuống mặt đất.
Cơn mưa không lựa chọn, không phân biệt - “Ta sẽ mưa nơi này và tránh
chỗ kia!” Mưa rơi đều xuống cho tất cả, ban bố khắp mọi nơi, mọi chốn.
Nghĩa gốc thứ hai của metta là “bạn lành”. Muốn hiểu được năng lực của
tâm từ, ta cần hiểu sâu thêm về ý nghĩa của tình bạn chân thật. Đức Phật
gọi những người bạn lành này là những bậc thiện hữu tri thức. Họ là
những người luôn ở bên cạnh ta trong những hoàn cảnh vui, cũng như khi
ta gặp hoạn nạn, khổ đau. Một người bạn lành sẽ không bao giờ bỏ rơi ta
khi ta gặp khốn khó, hay mừng vui trước những bất hạnh của ta. Đức Phật
diễn tả bậc thiện hữu tri thức là người bảo bọc ta những khi ta bất lực,
và che chở ta trong những lúc ta sợ hãi.
Có lần, có người kể cho đức Đạt-lai Lạt-ma nghe về những nỗi sợ hãi mà
họ kinh nghiệm trong khi ngồi thiền. Ngài khuyên: “Khi anh sợ hãi, anh
chỉ cần nằm tựa đầu lên đùi của đức Phật.” Hình ảnh đùi của đức Phật
biểu tượng cho một sự nương tựa an toàn vào một tình bạn chân thật.
Trạng thái cao thượng nhất của tâm từ là được trở thành một người bạn
lành như vậy với chính ta, và với mọi sự sống khác.
Phương pháp quán tâm từ, dùng năng lực của tình thương để chuyển hóa
những phiền não, được bắt đầu bằng sự kết thân với chính mình. Nền tảng
của pháp môn thiền tập quán tâm từ là học cách làm bạn với chính ta. Đức
Phật dạy: “Quý vị có thể đi khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới này để
thử tìm một người nào xứng đáng với tình thương và sự yêu mến của mình
hơn chính bản thân, và rồi quý vị sẽ không thể tìm được. Vì chính quý
vị, cũng xứng đáng như bất cứ một chúng sinh nào khác trong toàn vũ trụ
này, để nhận lãnh tình thương và sự yêu mến ấy của quý vị.” Mà ít ai
trong chúng ta lại có khả năng thương mình được như vậy! Với sự thực tập
niệm tâm từ, ta sẽ tìm lại được khả năng tự trọng ấy. Ta sẽ khám phá
rằng, như Walt Whitman đã viết: “Tôi rộng lớn và tốt đẹp hơn mình
tưởng.”
Khi ta trực tiếp thấy được sự trong sáng của tâm, ta sẽ tự nhiên hiểu
được cái đẹp của chính mình. Trong nhà thiền gọi đó là bản lai diện mục,
tức mặt mũi của ta trước khi sinh ra, trước khi nó bị trở thành một “cái
tôi” giới hạn, nhỏ nhoi và cách biệt. Tiếp xúc được với khả năng thương
yêu ấy, ta sẽ tìm lại được sự trong sáng nguyên thủy, nó bao giờ cũng
hiện hữu trong ta, chưa từng sanh và cũng chưa từng diệt.
Niềm tin vào khả năng biết thương yêu của con người giúp ta nuôi dưỡng
tâm từ. Tiềm năng ấy rất thực và không thể bị tiêu hoại, cho dù ta có
trải qua bất cứ kinh nghiệm nào đi chăng nữa: dẫu ta có lỗi lầm gì, có
những thói quen, tật xấu nào, đã gây đau đớn cho người khác hoặc làm khổ
chính mình, khả năng thương yêu của ta vẫn nguyên vẹn và trong sáng. Khi
ta thực tập niệm tâm từ trong lúc ngồi thiền và trong cuộc sống hằng
ngày, là ta đang nuôi dưỡng tiềm năng ấy. Tình thương nắm tay với tác ý
của ta, như những người bạn thân, sẽ chữa lành tất cả những vết thương
trong ta và cho cả thế giới.
Một đồng minh thân cận nhất của ta trên con đường tu tập tâm từ là ước
muốn được hạnh phúc. Ước muốn ấy cũng là một sự thôi thúc tìm về chân
tâm, khi ta ý thức rõ những gì thật sự đem lại hạnh phúc. Cũng có đôi
khi ta cảm thấy mình không xứng đáng được nhận lãnh hạnh phúc ấy, ta có
một mặc cảm tự ti về ước muốn của mình. Dù vậy, chính ước mong ấy là một
trong những điều kiện tốt đẹp nhất có mặt trong ta. Nó giúp ta mở tung
cánh cửa giải thoát, và cho ta cơ hội để chuyển hóa đời mình.
Vào thời đức Phật còn tại thế, tại Ấn Độ có những trường phái triết học
tin rằng nếu ta tự hành hạ thân thể, chối bỏ thân mình đúng mức, linh
hồn của ta sẽ được khai phóng và giải thoát. Ngày nay, trong chúng ta
không còn mấy ai tin rằng tự hành hạ thân xác lại có thể giải thoát được
linh hồn. Nhưng hình như chúng ta lại tin theo một trường phái khác,
cũng gần giống như vậy. Chúng ta tin rằng, nếu ta tự hành hạ tâm mình
đúng mức, bằng sự tự ghét bỏ, tự ti, tự phê phán, thì điều đó sẽ giúp ta
đi đến giải thoát!
Thật ra, muốn có được một sự giải thoát thật sự, ta cần phải bỏ đi thái
độ “khổ hạnh tâm linh” này. Con đường tu tập dựa trên một mặc cảm tự ti,
tự nó sẽ không bao giờ có thể đứng vững. Một tấm lòng rộng mở đối với
người khác nhưng khắt khe với chính mình sẽ đem lại cho ta một thái độ
hy sinh mù quáng. Tình thương đối với người khác nhưng không đặt trên
nền tảng thương yêu chính mình sẽ trở thành lệ thuộc, tuyệt vọng và khổ
đau. Bạn nên nhớ rằng, ta chỉ có thể giúp người khác tìm lại được chân
tánh của họ khi nào ta tiếp xúc được với chân tánh của chính mình mà
thôi.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta là những tấm gương soi của nhau.
Chúng ta nhìn vào người khác để xem mình có dễ thương hay không, để xem
ta có khả năng cảm nhận tình thương hay không, để tìm một phản ảnh trong
sáng của chính ta. Giúp người khác ý thức được cái hay đẹp của chính họ
là một món quà quý giá nhất mà ta có thể trao tặng cho bất cứ ai! Khi ta
thấy được cái hay đẹp của người khác là ta đang giúp họ “nở rộ từ bên
trong, vì biết tự hạnh phúc”.
Nhưng thấy được cái hay cái đẹp của người khác không có nghĩa là ta giản
dị bỏ qua hết những cá tính khó khăn hoặc những hành động bất thiện của
họ. Thật ra, chúng ta vẫn thừa nhận sự có mặt của những yếu tố tiêu cực
ấy, nhưng vẫn chọn nhìn đến những điều tích cực trong họ. Nếu ta chỉ
biết chú tâm vào những điều bất thiện mà thôi, tự nhiên ta sẽ cảm thấy
tức giận, bất mãn và thất vọng. Khi ta chú tâm vào những điều tích cực,
ta có thể bắt cầu cảm thông, nối liền được với người ấy, và từ đó ta có
thể chia sẻ và giúp đỡ nhau như những người bạn. Khi hai người bạn cùng
ngồi xuống, họ có thể ngồi gần bên nhau.
Sự phản ảnh như một tấm gương là đặc tính lớn nhất của tâm từ, vì nó
giúp ta “dạy lại cho một vật nào biết về cái đẹp của chính nó”. Năng lực
của tâm từ khiến ta có thể nhìn người khác và thấy được ước mong hạnh
phúc của họ, thấy được sự đồng nhất của ta với họ. Và nó cũng phản ảnh
cho chúng ta thấy được muôn vàn tiềm năng đang có mặt trong mỗi giây,
mỗi phút của cuộc sống.
Có lần, tôi được nghe một anh thanh niên kể lại tuổi thơ của anh lớn lên
tại Kampuchia. Anh và tất cả những đứa trẻ khác trong làng phải sống mấy
năm trời trong một trại giam, bao vây bởi những hàng rào kẽm gai. Mỗi
ngày bốn lần, có một số người bị bắt đem ra bên ngoài vòng rào xử tử.
Những đứa trẻ như anh bị bắt ra đứng sắp hàng để chứng kiến cảnh tượng
ấy. Và theo luật, nếu đứa nào khóc, nó cũng sẽ bị giết theo. Anh ta kể,
mỗi lần có người bị đem ra xử tử là anh trở nên vô cùng khiếp đảm, vì
trong số đó có thể có người là hàng xóm, bạn bè hay thân thuộc của anh.
Anh biết nếu việc ấy xảy ra, thế nào anh cũng sẽ không dằn được mà khóc
lên, và anh sẽ bị giết. Anh ta phải sống với nỗi sợ hãi ấy trong suốt
mấy năm trời. Anh chia sẻ rằng, trong hoàn cảnh ấy, muốn sinh tồn anh
chỉ còn có mỗi một cách là hoàn toàn tự cắt đứt hết với những cảm xúc
của mình, không cho phép mình còn lại một nhân phẩm nào nữa.
Sau nhiều năm, tình hình chánh trị tại Kampuchia được thay đổi, và cậu
bé ấy được một gia đình Hoa Kỳ nhận làm con nuôi. Và rồi anh ý thức
rằng, muốn thật sự sống, anh phải tập thương yêu trở lại, đập xuống bức
tường mà anh đã bắt buộc phải tự xây lên để bảo vệ mình trong mấy năm
qua. Anh kể, anh đã học thương yêu lại bằng cách nhìn vào đôi mắt của
người cha nuôi, thấy được tình thương của ông đang dành sẵn cho mình.
Trong tấm gương phản ảnh tình thương của người cha nuôi, cậu bé chợt
thấy rằng mình cũng đáng yêu như mọi người khác, và từ đó cậu ta đã có
thể mở rộng tấm lòng ra được.
Tâm từ sẽ nối liền tất cả mọi người lại với nhau. Trong tâm lý học Phật
giáo, tính chất này được ví như là yếu tố nước, vì nước có tính chất lưu
nhuận, dính liền lại với nhau. Khi một người đang giận dữ thì con tim họ
bị khô cằn. Nó sẽ trở thành tươi mát khi người ấy biết thương yêu. Trong
thiên nhiên, nếu ta đem hai vật khô khan lại gần nhau, chúng không thể
nào kết hợp được vì không có một phương tiện xúc tác nào hết. Nhưng khi
ta cho nước vào thì hai vật thể này có thể kết hợp, dính lại với nhau
được. Cũng thế, năng lực của tâm từ cho phép chúng ta đến với nhau, kết
hợp với nhau, ngay trong ta cũng như với mọi người chung quanh. Sự thật
nhiệm mầu này khiến đức Phật đã nói, nếu ta giữ được đức từ trong tâm,
cho dù chỉ trong vòng một sát-na thôi, ta cũng đã là một bậc giác ngộ
rồi.