Một viên ngọc trai được đem ra bán đấu giá. Không ai có thể trả giá nổi
nên viên ngọc trai đã mua lấy chính nó.
- Rumi
Tình thương tự nó hiện hữu, cho dù nó có một sở hữu nào hoặc có là sở
hữu của ai hay không. Cũng giống như viên ngọc trai kia, tình thương chỉ
có thể mua lấy chính nó, vì tình thương không phải là một cái gì mà ta
có thể mua bán hay đổi chác được. Không ai có đủ bạc tiền để mua tình
thương, nhưng bất cứ ai trong chúng ta cũng có dư thừa tình thương. Tâm
từ sẽ mang lại cho ta một sự sống sinh động và không giới hạn.
Có lần, người ta thí nghiệm giao cho những ông bà cụ sống trong một viện
dưỡng lão, mỗi người một chậu hoa nhỏ. Phân nửa được bảo rằng, họ cần
phải chăm sóc lo cho những chậu hoa ấy, như là tưới nước, đem ra nắng,
và phải chú ý đến những nhu cầu nhỏ nhặt của chúng. Phân nửa kia thì
được bảo rằng, những chậu hoa ấy là để cho họ thưởng ngắm, họ không cần
làm gì hết, các y tá trong bệnh viện sẽ lo việc chăm sóc cho chúng. Cuối
năm, những người làm thí nghiệm trở lại và so sánh hai nhóm các cụ này.
Họ khám phá ra rằng, những cụ được nhờ săn sóc những chậu hoa của họ,
sống lâu hơn bình thường, khỏe mạnh hơn, và yêu đời hơn. Còn những cụ
trong nhóm được giao cho những chậu hoa, nhưng không đòi hỏi phải săn
sóc chúng, thì chỉ bình thường như những người cùng tuổi về các khía
cạnh như tuổi thọ, sức khỏe, sự tỉnh táo và tính yêu đời.
Cuộc thí nghiệm đã cho chúng ta thấy được một năng lực sinh động của sự
nối liền, của tình thân, của tâm từ. Đó là những gì mà tâm từ có thể
mang đến cho cuộc sống chúng ta. Nhưng khi nghe kể về cuộc thí nghiệm
này, tôi ý thức rằng chúng ta thường nghĩ đến lòng từ ái, mối tương
quan, như là một năng lực giữa ta và một cái gì nằm bên ngoài mình - một
người khác, một con chó con, hay là một chậu hoa, chẳng hạn. Ít khi nào
chúng ta lại nghĩ đến sự thân thiết ấy như là một năng lực đối với chính
mình, với những kinh nghiệm có mặt trong ta. Thật hiếm có khi nào ta
tiếp xúc với sự sống của chính mình và cảm thấy nối liền với chính ta.
Nhưng tôi nghĩ có một phương cách có thể giúp ta tìm lại được sự thân
thiết ấy với chính ta, cũng như với tất cả mọi sự sống khác. Đó là ta
hãy sống sao cho thật trọn vẹn, đặt nền tảng sự sống của mình trên từ bi
và bất bạo động. Khi chúng ta cung hiến đời mình cho những việc làm
không làm hại người khác, sự sống của ta sẽ trở thành một mảnh duy nhất,
như một chiếc áo không có đường ghép nối, sẽ không có một sự chia cách
hoặc đứt đoạn nào trong thực tại tâm linh mà ta vừa khám phá.
Muốn sống cho trọn vẹn, chúng ta cần phải biết thôi đập vỡ và ngăn chia
sự sống ra thành từng mảnh nhỏ. Nếu chúng ta vào sở làm nói những lời
gian dối và về nhà hy vọng sẽ tìm được chân lý trong khi ngồi thiền, đó
là chuyện hoàn toàn phi lý. Hoang đãng trong tình dục và mong ước sẽ tìm
thấy được một tình yêu cao thượng trong những lãnh vực khác, cũng là một
hành động hết sức thiếu tỉnh giác. Bạn nên nhớ, mọi khía cạnh của cuộc
sống đều có mối liên hệ rất mật thiết với nhau, cái này liên quan đến
cái kia, và đó chính là nền tảng cho một đời sống tỉnh thức.
Khi chúng ta biết sống trọn vẹn, ta sẽ trở nên thân thiết với chính mình
hơn, nhờ có niềm vui và sự an ổn trong những việc mình làm. Niềm vui ấy
sẽ mở rộng ta ra, phá vỡ hết mọi bức tường ngăn cách, và giúp ta cảm
thấy thân mật với mọi sự sống khác quanh mình. Hạnh phúc tự nó có năng
lực phá tan hết mọi sự ngăn chia. Chính đức Phật cũng đã nói: “Hỷ lạc là
cánh cửa đi đến Niết Bàn.”
Hỷ lạc chính là năng lượng của sự sống. Nó mang lại sinh khí cho đời ta,
làm tăng trưởng lòng biết ơn và tình thương của ta. Chúng ta có thể phát
triển hỷ lạc, trước hết, bằng cách nhớ và vui với những cái hay, cái đẹp
của mình. Chúng ta nhớ lại những điều tốt mình đã làm trong quá khứ,
những khi ta bao dung tha thứ, hoặc những lúc ta chăm sóc người chung
quanh. Hoặc ta nhớ lại những lúc lẽ ra mình có thể làm hại người khác,
lường gạt, hoặc bỏ rơi họ, nhưng ta đã không làm. Và ta cũng có thể nhớ
lại lúc ta buông bỏ một cái gì khiến tâm ta được cảm thấy nhẹ nhàng, thư
thái hơn. Hoặc là những khi ta đã vượt thắng được nỗi sợ hãi của mình và
dám đưa tay đến với người khác. Những ký ức này sẽ khơi dậy một suối
nguồn hạnh phúc trong ta, mà trước đó hằng bị lấp kín.
Quán tưởng về những điều hay đẹp trong ta là một đề mục thiền tập cổ
truyền, có khả năng mang lại cho tâm ta một trạng thái nhẹ nhàng, an ổn
và hỷ lạc. Nhưng trong thời đại này, bài tập ấy có thể khiến cho ta cảm
thấy xấu hổ, vì ngày nay người ta thường chú tâm đến những cái dỡ, cái
xấu của mình nhiều hơn. Ta quen nghĩ đến những lỗi lầm của mình hơn là
cái hay và cái đẹp. Nhưng phương pháp thiền tập này không cho phép ta
chối bỏ hoặc tự lừa dối mình. Thật ra, ta phải giao ước với hạnh phúc,
vì hạnh phúc chính là nền tảng của sự thân thiết giữa ta với sự sống.
Quán tưởng về cái hay, cái đẹp của mình sẽ giúp ta được tràn đầy hạnh
phúc, an lạc, và giúp ta biết yêu quý mình hơn.
Khi thực tập pháp môn niệm tâm từ, chúng ta bắt đầu trước hết bằng cách
ban rải tâm từ đến cho chính ta. Tình thương cho ta là nền tảng thiết
yếu cho một tình yêu chân thật đối với người khác. Khi ta thương ta, ta
cũng sẽ muốn chăm sóc cho người khác, vì tình thương sẽ nuôi dưỡng và
làm giàu có ta hơn. Một đời sống nội tâm trong sáng sẽ giúp ta nối liền
được với những gì đang có mặt, giúp ta thấy được sự đồng nhất của tất cả
mọi sự sống. Ta hiểu rằng, bất cứ ai trong chúng ta cũng muốn có hạnh
phúc, và ước muốn ấy sẽ kết hợp mọi người lại với nhau.
Nếu như khi thực tập niệm tâm từ, nhưng ta không nhìn thấy được cái hay
đẹp nào trong ta hoặc người khác, ta có thể nhìn sâu vào cái ước muốn
căn bản nhất mà bất cứ ai cũng có, đó là ước muốn được hạnh phúc, được
an lạc. “Vì tôi muốn được hạnh phúc, nên tôi ý thức rằng mọi chúng sinh
khác cũng đều muốn được hạnh phúc như tôi.” Ý thức đó sẽ khơi dậy một sự
tỉnh thức và một tình thương rộng mở. Ta biết được rằng mình cũng chính
là hiện thân của một dòng truyền thống bắt đầu từ vô thủy và sẽ còn kéo
dài mãi cho đến vô chung. Từ ngàn xưa đến nay, những bậc thánh nhân đều
mong muốn được biểu lộ một sự tỉnh thức và một tình thương rộng mở. Và
với mỗi câu niệm tâm từ, chúng ta đang xác định lại vị trí của mình
trong dòng truyền thống cao đẹp ấy.
Phương pháp niệm tâm từ được thực tập theo một đường lối rõ rệt và có hệ
thống. Sau một thời gian thực tập ban rải tâm từ đến cho chính mình, ta
tiếp tục bằng cách hướng tâm từ đến những người tốt đối với ta, những
người ta cảm thấy biết ơn và kính trọng. Trong truyền thống, ta gọi đó
là các bậc tôn đức. Và tiếp đó, ta lại hướng tâm từ đến cho những người
thân yêu của ta. Phóng tâm từ đến cho những chúng sinh mà ta đã sẵn có
cảm tình này thì bao giờ cũng tương đối dễ hơn. Ta dùng chữ “chúng sinh”
thay vì “người” là để bao gồm cả muôn loài như thú vật, cây cỏ... không
phân biệt.
Sau khi đã thành công trong mối liên hệ này rồi, chúng ta lại bắt đầu
hướng về những đối tượng mà ta cảm thấy khó thương hơn một chút. Ta sẽ
có dịp thử thách mức giới hạn của mình, cũng như nới rộng thêm tầm mức
của tâm từ.
Vì vậy, tiếp sau đó, ta sẽ hướng tâm từ của mình đến một người không
thân, người mà ta không thương cũng không ghét. Thường thì đây là một
giai đoạn khá lý thú trong sự thực tập, vì thật ra khó có thể tìm được
một người mà ta không thương cũng không ghét. Nếu tìm được một người như
vậy, ta sẽ bắt đầu ban rải tâm từ của ta đến cho họ.
Và kế tiếp, chúng ta lại bước thêm một bước nữa: phóng tâm từ đến cho
những người ta đang có vấn đề, những người ta đang cảm thấy thù ghét
hoặc sợ hãi.Những hạng người này được gọi là hạng “thù nghịch”. Đây là
một giai đoạn rất kịch liệt trong sự tu tập. Vì kẻ thù nghịch, hay người
mà ta đang gặp khó khăn, họ đứng ngay nơi ranh giới giữa một tình thương
có giới hạn và một tình thương không giới hạn. Ngay ở giai đoạn này,
tình thương có giới hạn sẽ chuyển biến thành một tình thương vô giới
hạn. Tình thương có điều kiện sẽ trở thành một tình thương độc lập,
không tùy thuộc vào việc mình có đạt được những ước vọng, những gì ta
mong muốn hay không. Và ta sẽ hiểu rằng, hạnh phúc của tâm từ không hề
bị chi phối bởi sự ưa thích của mình, cũng giống như một mặt trời ban
tỏa ánh sáng đồng đều đến cho mọi loài ở mọi nơi. Tình thương ấy mới
thật sự là vô biên, nó bắt nguồn từ sự tự do, và sẽ ban phát cho tất cả.
Với sự thực tập này, ta sẽ có được một tình thương bình đẳng đối với tất
cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta. Có một thời gian ở Miến Điện, tôi
thực tập thiền quán về tâm từ rất tinh chuyên. Tôi bỏ ra khoảng sáu tuần
để ban rải tình thương đến tất cả những hạng người khác nhau: bản thân
tôi, các bậc tôn đức, bạn bè quen biết, người không quen, và những kẻ
thù nghịch. Sau khi tôi đã bỏ ra sáu tuần để thực tập niệm tâm từ mỗi
ngày, thì thầy tôi, ngài U Pandita, gọi tôi vào phòng ông và hỏi: “Giả
sử cô đang đi trong rừng với một người cô tôn kính, một người bạn, một
người không quen, và một kẻ thù. Bỗng có những tên cướp nhảy ra, chúng
buộc cô phải chọn một người trong số ấy để chúng giết. Cô sẽ chọn ai?”
Tôi giật mình trước câu hỏi của ngài U Pandita. Tôi ngồi yên và nhìn
thật sâu vào tâm mình, cố tìm cho ra một điều gì mà tôi có thể dựa trên
đó để làm cơ sở cho sự chọn lựa. Tôi thấy là mình không cảm nhận được
một sự khác biệt nào giữa những người ấy, ngay cả chính tôi. Cuối cùng,
tôi nhìn ngài U Pandita và đáp: “Thưa thầy, con không chọn được ai cả,
mọi người đối với con đều như nhau.”
Ngài U Pandita hỏi thêm: “Cô không muốn chọn kẻ thù của cô à?” Tôi suy
nghĩ vài giây rồi đáp: “Dạ thưa, con không làm vậy được.”
Cuối cùng, ngài U Pandita hỏi: “Cô không nghĩ là nên hy sinh sự sống của
mình để cứu người khác hay sao?” Ngài hỏi với một giọng thiết tha như
thể là muốn tôi phải trả lời rằng “Dạ vâng, con sẵn sàng hy sinh thân
mạng mình.” Trong tâm tôi biết bao nhiêu là những sự thúc giục nổi lên -
ý muốn làm vui lòng ông, được thấy là mình “đúng”, được ông chấp thuận.
Nhưng tôi vẫn không thể nào thành thật trả lời có được, nên tôi đáp:
“Thưa không, vì con không thấy được sự khác biệt nào giữa con và người
khác.” Ông chỉ đơn giản đáp lại bằng một cái gật đầu, và tôi đứng lên
bước ra.
Sau này khi tôi có dịp đọc quyển Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga),
một quyển luận nổi tiếng của đạo Phật viết về những phương pháp thiền
tập khác nhau và những kinh nghiệm của chúng. Trong một chương nói về
phương pháp niệm tâm từ, tôi đọc có một đoạn nói ngay đến câu hỏi về
những tên cướp này. Và câu trả lời của tôi được xem như giải pháp đúng
cho phương pháp niệm tâm từ ấy.
Lẽ dĩ nhiên, trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ta sẽ bắt
buộc phải có những hành động khác nhau để ứng phó. Nhưng có điều quan
trọng này, tâm từ không có nghĩa là ta sẽ xem thường chính mình trong
bất cứ một trường hợp nào, để bảo vệ hạnh phúc của người khác. Tình
thương chân thật không thể có mặt nếu ta chối bỏ hạnh phúc của mình để
nhận khổ đau vì người khác, hoặc chối bỏ hạnh phúc của người khác vì tự
tôn quý mình quá đáng. Metta, tâm từ, có nghĩa là bình đẳng, là một, là
toàn vẹn. Muốn bước đi theo con đường Trung đạo của Phật, tránh xa hai
cực đoan của tham đắm và khổ hạnh, chúng ta phải đi trong tình bạn với
chính mình cũng như với những người khác.
Khi ta tiếp xúc được với con tim mình và những gì mang lại cho ta hạnh
phúc, tự nhiên ta sẽ cảm thông được với người khác. Ta sẽ cảm thấy gần
gũi với những kinh nghiệm sống của người khác hơn. Lúc ấy, không còn một
sự chia cách nào, một biên giới nào, có thể giới hạn tình thương của ta.
Ta nhận thấy rằng khi mình nóng giận, cái đau đớn của ta cũng không khác
gì với cái đau của người khác khi họ nóng giận. Khi ta biết yêu thương,
sẽ có một cái gì an vui trong cảm giác ấy, và bất cứ ai biết thương yêu
cũng sẽ kinh nghiệm được cùng một niềm vui như thế. Vì đó là tự tánh của
tình thương.
Khi thực tập phương pháp niệm tâm từ, chúng ta không cần bắt buộc mình
phải có một cảm giác nào đặc biệt hết. Thật ra, trong sự thực tập mỗi
lúc sẽ có một cảm giác khác nhau khởi lên. Và bất cứ một cảm giác nào
cũng không quan trọng bằng sức mạnh của chủ ý mà ta nuôi dưỡng khi ta
thực tập niệm tâm từ. Khi ta niệm thầm và lặp lại những câu như: “Mong
sao tôi được an vui; mong sao cho mọi loài được an vui”, là ta đang gieo
trồng những hạt giống tốt bằng cách tạo nên những chủ ý đầy mãnh lực
trong tâm ta. Hạt giống ấy chắc chắn rồi một ngày sẽ nở hoa kết trái.
Có lần, khi tôi thực hành pháp môn niệm tâm từ rất tinh chuyên ở Miến
Điện, trong lúc tôi niệm thầm những câu ấy trong đầu, tôi hình dung ra
mình đang đứng giữa một cánh đồng lớn và gieo trồng những hạt giống.
Thực tập niệm tâm từ là chúng ta đang gieo trồng những hạt giống của
tình thương, biết rằng chúng sẽ phát triển theo luật tự nhiên, và khi
đúng thời điểm chắc chắn chúng sẽ kết thành quả trái. Có những hạt giống
sinh quả trái sớm, có những hạt giống chậm chạp hơn, nhưng bổn phận của
chúng ta chỉ đơn giản là gieo trồng chúng. Mỗi khi ta tạo nên một chủ ý
trong tâm về hạnh phúc của chính mình, hoặc của người khác, là ta đang
làm tròn bổn phận của mình. Chúng ta đang đào một con kênh để dẫn dòng
sông năng lượng mạnh mẽ trong tâm. Phần còn lại, ta có thể tin cậy vào
luật tự nhiên, nó sẽ giúp cho tình thương của ta một ngày kia chắc chắn
sẽ nở rộ. Cũng như Pablo Neruda đã nói:
Có lẽ đất có thể dạy chúng ta,
như khi vạn vật dường như đã chết cả
và rồi tất cả lại hồi sinh.
Khi chúng tôi mới mở trung tâm thiền tập Insight Meditation Society vào
năm 1975, nhiều người trong chúng tôi quyết định là sẽ “nhập thất” một
tháng để khánh thành trung tâm này. Tôi thì dự định sẽ thực tập pháp môn
niệm tâm từ trọn một tháng. Đây là trước khi tôi đi sang Miến Điện, và
cũng là lần đầu tiên tôi có dịp thực hành từ bi quán một cách tinh
chuyên và theo hệ thống rõ ràng. Tôi có được nghe nói đến một phương
cách chi tiết để thực tập pháp môn này, và tôi dự dịnh là mình sẽ thực
hành theo chương trình ấy. Trong tuần lễ đầu tiên tôi chỉ thực tập hướng
và ban rải tâm từ đến cho chính tôi. Nhưng rồi tôi chẳng cảm thấy gì là
khác biệt. Có lẽ đó là một tuần lễ nhạt nhẽo và buồn chán nhất trong đời
tôi. Tôi ngồi yên, niệm thầm trong tâm: “Mong cho tôi được hạnh phúc,
mong cho tôi được an lạc” cứ lặp đi lặp lại câu ấy mãi mà không thấy một
kết quả nào rõ rệt.
Ngay khi ấy, có một người thân trong nhóm gặp vấn đề khó khăn, và vài
người trong chúng tôi phải đột ngột rời khóa tu. Tôi lại càng cảm thấy
nản chí hơn, tự nghĩ “Không những tôi đã bỏ ra cả tuần thực tập niệm tâm
từ và không thấy lợi lộc gì, mà tôi còn chưa qua được giai đoạn phóng
tâm từ đến cho chính mình nữa. Đã chả ra gì mà còn thêm ích kỷ nữa chứ!”
Tôi hấp tấp thu xếp để ra đi. Trong lúc vội vã sắp xếp đồ đạc trong
phòng tắm, tôi vô ý quơ tay đánh rớt một lọ thủy tinh. Nó rơi xuống vỡ
toang trên sàn nhà. Tôi vẫn còn nhớ phản ứng tức thì của mình trong lúc
ấy: “Ngươi thật là một tên vô ý vô tứ, nhưng ta vẫn thương ngươi.” Vừa
khi ấy tôi nghĩ: “Ô, xem kìa! Tuần lễ thực tập này cũng có một sự chuyển
đổi đó chứ!”
Vì vậy, chỉ cần có chủ ý thôi là đủ rồi. Chúng ta thiết lập một chủ ý
trong tâm cho hạnh phúc của mình và của mọi loài. Điều này khác với việc
ta cố gắng ngụy tạo một cảm giác nào đó, dùng ý chí bắt nó phải có mặt,
bắt nó phải xảy ra. — Ở đây chúng ta không bắt buộc một điều gì hết, ta
chỉ cần từ tốn gieo trồng những hạt giống mà không cần lo nghĩ gì về kết
quả tức thời của chúng. Công việc của chúng ta làm chỉ có thế. Và khi ta
làm tròn bổn phận của mình, kết quả lợi lạc gấp bội phần tự nhiên sẽ đến
với ta.
May thay, đức Phật có trình bày rõ cho ta biết về những lợi lạc nào mà
ta sẽ thu nhận được. Ngài dạy, sự tu tập tâm từ sẽ mang lại cho chúng ta
mười một quả phúc như sau:
1. Ngủ an vui và dễ dàng.
2. Thức dậy với tâm an lành.
3. Chỉ nằm mộng thấy những điều lành.
4. Được mọi người thương yêu, quý mến.
5. Được mọi loài, thiên, nhân, cầm thú ưa thích.
6. Được chư thiên hộ trì.
7. Những tai nạn (thuốc độc, vũ khí, lửa) đều không chạm đến
được.
8. Gương mặt lúc nào cũng tươi sáng.
9. Tâm tĩnh lặng và an lạc.
10. Lúc lìa đời tâm vẫn an vui.
11. Tái sanh vào cảnh giới nhàn lạc.
Những người thực tập pháp môn niệm tâm từ thường nhớ nằm lòng mười một
quả phúc này, và họ cũng thường xuyên đọc tụng chúng. Tự nhắc nhở về
những quả phúc ấy sẽ mang lại cho ta một đức tin và niềm vui lớn. Chúng
sẽ giữ gìn và hỗ trợ cho ta vào những giai đoạn không tránh khỏi, những
khi ta cảm thấy dường như sự thực tập của mình “chẳng đi đến đâu hết”.
Và khi ngồi quán sát lại những quả phúc kể trên, ta sẽ nhận thấy tâm từ
đã chuyển hóa cuộc đời của mình như thế nào, một cách trọn vẹn hơn.
Khi con tim ta thấm nhuần tâm từ, chúng ta sẽ ngủ dễ dàng, thức dậy tươi
vui, và nằm mơ toàn những điều lành. Thực tập niệm tâm từ tức là ta có
sự tự trọng, ta sống với uy nghi và đức độ, có nghĩa là ta chọn một con
đường bất hại và thương yêu. Thiếu hai yếu tố ấy, chúng ta sẽ không bao
giờ có thể nghỉ ngơi hay an vui được hết. Cuộc sống ta sẽ bị dằn vặt, vì
mỗi khi ta làm điều gì có hại, không những nó chỉ gây khổ đau cho người
khác, mà còn cho chính ta nữa. Điều đó sẽ dẫn đến mặc cảm tội lỗi, sự
căng thẳng và phiền muộn trong ta. Và khi ta sống một cuộc đời đơn giản,
trong sáng, ta sẽ được an lạc và hạnh phúc. Niềm vui ấy sẽ lan tràn vào
giấc ngủ, trong giấc mơ, và ngay cả những khi thức giấc.
Quả phúc thứ hai, đức Phật dạy là nếu ta thực tập niệm tâm từ, ta sẽ
được mọi người chung quanh thương yêu và quý mến. Điều này không có
nghĩa là ta có sự toan tính trong sự tu tập của mình. Nhưng theo luật tự
nhiên, ta ban rải năng lượng nào ra cuộc đời thì ta cũng sẽ nhận lãnh
lại cùng một thứ năng lượng ấy. Nếu ta phóng ra năng lượng của tình
thương thì ta sẽ nhận lại tình thương. Nhà tâm lý học Hoa Kỳ William
James có lần nói: “Kinh nghiệm của tôi là những gì tôi chú tâm đến. Chỉ
có những gì tôi chú ý đến mới ảnh hưởng đến tâm tôi.” Có lẽ đây cũng là
một phần của quy luật ấy - khi ta tiếp xúc với năng lượng của tình
thương bên trong ta, thì ta cũng sẽ chú ý đến chúng ở quanh mình nhiều
hơn.
Và quả phúc này còn xảy ra trên những bình diện khác nữa. Nếu chúng ta
chọn tâm từ làm lối sống, người khác sẽ biết rằng họ có thể tin cậy vào
ta. Họ biết ta sẽ không lừa dối họ, ám hại họ. Làm một ngọn hải đăng của
niềm tin trong cuộc đời, ta sẽ trở thành nơi trú ẩn cho người khác và là
một người bạn lành với tất cả.
Quả phúc kế tiếp, đức Phật dạy, thực tập niệm tâm từ sẽ có công năng bảo
vệ chúng ta. Theo truyền thống thì các bậc chư thiên và những chúng sinh
vô hình cũng là một phần của vũ trụ chúng ta. Nhưng ta không bắt buộc
phải tin vào những tha lực vô hình ấy mới có thể hiểu được niệm tâm từ
sẽ bảo vệ ta như thế nào. Nó cũng không có nghĩa là sẽ không còn có một
việc gì xấu hay chẳng lành xảy đến cho ta. Đời sống lẽ dĩ nhiên sẽ có
những sự thăng trầm, đổi thay, đâu ai có thể ngăn cản được. Được và
thua, vinh và nhục, khen và chê, vui và khổ, là tám ngọn gió sẽ mãi mãi
thổi ngang qua cuộc đời chúng ta. Nhưng dù vậy, chúng ta vẫn có thể được
bảo vệ qua cách mình phản ứng, qua cách chúng ta tiếp nhận chúng như thế
nào.
Albert Einstein nói: “Sự tách rời một hạt nguyên tử đã thay đổi tất cả
mọi việc, chỉ trừ cách suy nghĩ của chúng ta.” Cách suy nghĩ của ta,
cách ta nhìn cuộc đời mình, là điều quan trọng nhất, và tùy ta thể hiện
chúng ra được đến đâu sẽ quyết định được mức độ tự tại của ta đến đó,
khi đối phó với những biến cố trong cuộc đời.
Bạn hãy tưởng tượng lấy một ly nước nhỏ và bỏ vào đó một muỗng muối. Vì
ly nước có dung lượng nhỏ nên một muỗng muối sẽ có một ảnh hưởng rất
lớn, nước trở thành mặn. Nhưng nếu bạn bỏ cùng một muỗng muối ấy vào một
nơi như sông, hồ thì ảnh hưởng của nó sẽ chẳng thấm vào đâu, vì cái dung
lượng bao la, rộng lớn của nơi chứa đựng nó. Cũng cùng một muỗng muối
nhưng sự rộng lớn của bình chứa có thể làm khác biệt tất cả.
Cả cuộc đời mình, chúng ta muốn đi tìm một cảm giác được an ổn, được bảo
hộ. Chúng ta cố gắng thay đổi số lượng muối được trao đến cho mình.
Nhưng trớ trêu thay, số lượng muối ấy chính là cái mà chúng ta sẽ không
bao giờ có thể thay đổi được, vì cuộc đời chắc chắn phải có những thăng
trầm, những nổi trôi. Công phu thực tập của chúng ta là làm sao để mình
có được một sức chứa thật bao la, để dù có bất cứ lượng muối nào, đầy cả
một xe tải đi chăng nữa, ta cũng có thể tiếp nhận mà không bị ảnh hưởng
gì. Dầu cho có gặp một hoàn cảnh nào, ngay cả những trường hợp rất cực
đoan, cũng không thể bắt ta phải có một phản ứng nào duy nhất.
Có lần, một thiền sinh nữ của tôi từng là một bé gái sống dưới thời Âu
châu bị Đức quốc xã chiếm đóng. Bà ta kể lại, vào khoảng lên mười tuổi,
bà bị một tên lính Đức chĩa mũi súng ngay vào ngực - một kinh nghiệm mà
chắc chắn sẽ khơi dậy sự kinh hãi trong ta. Nhưng bà nhớ là bà không cảm
thấy một chút gì sợ sệt hết, bà nghĩ: “Ông ta có thể giết chết cái thân
này, nhưng chắc chắn là không thể nào giết được mình.” Phản ứng ấy thật
bao la và rộng lớn làm sao! Tâm từ cũng sẽ mở rộng một khoảng không gian
mênh mông trong tâm ta như thế, và nó cũng chính là một sự bảo hộ cao
thượng nhất cho ta.
Một lợi ích nữa khi ta thực tập niệm tâm từ là gương mặt của ta lúc nào
cũng tươi sáng. Đó là phản ảnh của một cái đẹp chân thật tỏa chiếu từ
bên trong. Trong cuộc sống, chúng ta biết rằng tâm bao giờ cũng ảnh
hưởng đến thân. Mỗi khi ta sân hận, điều đó sẽ lộ rõ trên gương mặt của
ta. Một người mà trong lòng chất chứa nhiều hận thù, điều đó sẽ hiển lộ
ra qua cách họ đi đứng, trên gương mặt của họ. Chẳng đẹp chút nào hết!
Không có một sự tô điểm, chưng diện, hoặc nữ trang châu báu nào có thể
mang lại vẻ đẹp cho một gương mặt sưng sỉa, nhăn nhó và giận hờn. Và
ngược lại cũng thế, người nào tràn ngập niềm hỷ lạc của tâm từ hoặc tâm
bi, gương mặt và thái độ của họ sẽ tỏa chiếu ra một sự trong sáng.
Khi ta thực tập niệm tâm từ, điều đó sẽ mang lại cho ta một tâm hồn tĩnh
lặng. Tình thương sẽ làm phát sinh một niềm an lạc lớn. Cũng nhờ tình
thương ấy mà ta có thể nói: “Ngươi thật là một tên vô ý vô tứ, nhưng ta
vẫn thương ngươi.” Đó là một cảm xúc được ôm ấp bởi sự chấp nhận, lòng
kiên nhẫn và sự cởi mở. Niềm an lạc này sẽ cho phép chúng ta kết hợp với
mọi sự sống khác, vì hạnh phúc của ta không bị lệ thuộc vào những hoàn
cảnh thay đổi quanh mình.
Niềm an lạc của tâm từ có thể mang lại cho ta một khả năng tập trung,
một định lực rất lớn. Sự định tâm là một nguyên tố tối cần thiết cho sự
tĩnh lặng cũng như khả năng có mặt trong giờ phút hiện tại. Khi ta định
tâm tức là ta đang thương yêu, ấp ủ một đối tượng nào đó. Nếu không có
sự tĩnh lặng, tâm ta sẽ bị tản mác ra khắp mọi nơi, và năng lượng ta
cũng thế. Với sự định tâm, tất cả những năng lượng ấy sẽ trở về với ta.
Đây là một công năng có thể chữa lành được những vết thương trong tâm.
Khi chúng ta thực tập niệm tâm từ, một quả phúc lớn nữa là trong giờ
phút lâm chung ta sẽ giữ được một tâm an vui. Những thói quen, tập quán
suy nghĩ, hành động của ta, những dính mắc của ta với cuộc đời sẽ là
những gì trổi dậy mãnh liệt nhất trong giờ phút cuối đời. Nếu như cả đời
chúng ta cảm thấy cô đơn, ngăn cách, lúc nào cũng nuôi dưỡng tâm thù
hận, dễ nóng tánh, bực bội, hay sợ sệt, thì đó sẽ là những tâm trạng mà
ta phải đối diện trong giờ phút lâm chung. Và nếu như cả đời ta biết
sống liên kết, hòa hợp với tất cả, biết thương yêu và rộng lượng, thì
cái chết của ta cũng sẽ được an lành như thế.
Và quả phúc cuối cùng, đức Phật dạy, là ta sẽ được tái sanh vào một cõi
an lành nhờ tâm mình tràn đầy tình thương. Theo vũ trụ quan của đạo Phật
thì chúng ta sẽ liên tục tái sanh vào những cõi an lành và những cõi xấu
ác, hết đời này sang đời khác. Đối với những ai tin vào thuyết tái sanh,
được sanh vào một thế giới mà ta có khả năng tu tập để giải thoát là
điều vô cùng may mắn. Còn với những người không tin, họ vẫn có thể chứng
nghiệm được những quả phúc của tâm từ ngay trong đời sống này.
Tâm từ là một kho tàng vô giá, nó giúp ta trở nên sinh động hơn, giúp ta
tiếp xúc được với sự sống của mình và người khác sâu sắc hơn. Đó là một
năng lực của tình thương giúp ta thoát ra được những sự ngăn cách, cô
đơn và mọi sợ hãi. Đạo sư Neem Karoli Baba thường khuyên: “Đừng bao giờ
liệng bỏ ai ra khỏi con tim của mình.” Sống theo lời khuyên đó sẽ có
công năng chữa lành tất cả những vết thương lớn trong đời ta.