Nơi nào tình thương thống trị, sẽ không có sự tham muốn quyền lực. Và
nơi nào quyền lực thống trị, sẽ không có mặt tình thương. Cái này là
bóng tối của cái kia.
- Carl Jung
Có một năm, tôi sang Nga hướng dẫn thiền tập. Ngày tôi đến lại là một
ngày trước khi có cuộc đảo chánh tổng thống Mikhail Gorbachev. Khi cuộc
đảo chánh bắt đầu, dĩ nhiên là khắp nơi đều hỗn loạn và sợ hãi. Tôi đến
tòa đại sứ Hoa Kỳ để ghi danh, hy vọng sẽ được chỉ dẫn về những gì cần
phải làm. Tòa đại sứ lúc bấy giờ là một nơi náo loạn, đầy những sự xáo
trộn và tuyệt vọng. Công dân Nga cũng như Hoa Kỳ đều kêu gọi, cầu xin sự
giúp đỡ. Một người đàn bà lặp đi lặp lại: “Làm ơn cho tôi gặp ngài lãnh
sự! Giấy tờ của cháu trai tôi mới được chấp thuận hôm qua. Các ông phải
cho nó xuất ngoại. Tôi van các ông!” Những người Hoa Kỳ đang làm ăn buôn
bán với công dân Nga cũng có mặt ở đó, họ sợ rằng mình sẽ bị mất hết
tiền bạc, của cải. Nhiều người chờ đợi, sửng sờ, lo lắng, đối diện trước
một tương lai mù mờ, những giấc mơ đẹp của họ đang có thể sắp sửa tan
tành trong phút chốc.
Giữa tình trạng đầy kích động ấy, tôi đứng gần một nhóm du khách do một
công ty Hoa Kỳ tổ chức, người trưởng nhóm đang hỏi nhân viên tòa đại sứ
về những gì họ cần làm trong hoàn cảnh này. Vì không ai đoán được phản
ứng của quần chúng Nga như thế nào, ông ta chỉ có thể khuyên họ nên
tránh xa đám đông. Người trưởng nhóm lộ vẻ bất mãn và kinh ngạc, hỏi
lớn: “Như vậy có nghĩa là hôm nay chúng tôi không thể đi mua sắm được
sao?”
Tham ái - sự dính mắc, bám víu, ham muốn - là một trạng thái tâm thức
quyết định những gì ta tưởng là cần có để được hạnh phúc. Chúng ta đặt
hết kỳ vọng, mơ ước của mình vào một đối tượng nào đó mà ta chú ý. Nó có
thể là một vật, một người, một hành động hoặc một kết quả nào đó. Bị mờ
mịt vì sự mê hoặc của nó, chúng ta nhìn thế giới bằng một con mắt phiến
diện, đầy thiên kiến. Ta cho rằng đối tượng ấy, và chỉ có mỗi mình nó mà
thôi, mới có thể đem lại cho ta hạnh phúc. Ta có thể đắm đuối với một
vật, hoặc một người nào đó, để rồi chừng vài tháng sau, ta giật mình
nhìn lại và tự hỏi: “Tại sao lại có chuyện này xảy ra? Tại sao mình lại
say mê nó đến thế?”
Kinh Phật có ví dụ tâm của người tham ái cũng giống như một hồ nước vẩn
đục. Chúng ta không còn nhìn thấy đáy hồ được nữa. Nhãn quan của ta bị
giới hạn. Ngược lại với tâm từ, trong khi tình thương có một sức mạnh
phá tan mọi sự ngăn cách và làm trong sáng tâm ta, lòng tham ái lại gây
thêm chia rẽ và làm lu mờ nó vì sự dính mắc. Cũng vì vậy mà tham ái còn
được xem như một chướng ngại của tâm từ.
Muốn hiểu rõ tham ái, ta hãy tự hỏi mình câu này cho thật sâu: “Ta thật
sự muốn gì và cần gì để có hạnh phúc?” Tham ái là một cảm xúc rất tự
nhiên, nhưng khi ta dựa vào nó để tìm hạnh phúc thì đó là một điều khá
nguy hiểm. Trong khi cố gắng thỏa mãn lòng tham ái của mình, ta có thể
vô tình gây khổ đau cho người khác, hoặc cho chính ta. Ta có thể bị thôi
thúc phải chiếm hữu một số đối tượng nào đó, và muốn chúng không bao giờ
đổi thay. Ta nghĩ rằng thỏa mãn lòng tham ái sẽ mang lại cho ta một cái
gì, mà thật ra là không thể và cũng không bao giờ có được.
Đôi khi chúng ta mù quáng, sẵn sàng hy sinh tất cả để mong đạt được đối
tượng mình ham muốn. Ta bỏ hình để bắt bóng, mà nhiều khi chiếc bóng kia
lại rất xa vời và huyễn ảo. Lòng tham ái khiến ta bị mê mờ, chúng ta
quên đi những gì đang thật sự có trong tay để đuổi bắt những gì mình
không có. Cuối cùng, ta có chăng chỉ là một chuỗi dài những mất mát mà
thôi. Và sự mất mát to tát nhất lại chính là hạnh phúc của ta.
Sự tham ái còn khiến ta tách rời, lìa xa những người chung quanh. Ta
tranh giành hạnh phúc với người khác như thể là nó có rất ít, như hạnh
phúc chỉ có mặt trong một vật, một người, hay một kinh nghiệm nào đó mà
thôi. Và muốn có hạnh phúc ta phải chiếm đoạt chúng cho kỳ được. Ta cho
rằng những gì mình ưa thích là rất hiếm hoi và có giới hạn. Ta chống đối
bất cứ ai hoặc sự việc gì cản trở ta. Ta cảm thấy ganh tỵ và ghen tức
với tất cả. Trong tâm trạng ấy ta rất là cô đơn và khổ đau, ta không còn
biết gì hơn ngoài ta ra và đối tượng tham ái của mình!
Chúng ta không những đánh mất sự nối liền với người khác mà đôi khi còn
đánh mất cả lòng trắc ẩn nữa. Vài năm trước đây, tôi có người bạn đầu tư
một số tiền lớn vào thị trường chứng khoán. Sau một thời gian ngắn, thị
trường bị khủng hoảng lớn. Bạn của tôi hằng tuần cứ chăm chú theo dõi
tin tức trên đài phát thanh và báo chí, xem có biến cố nào trên thế giới
có thể ảnh hưởng đến những chứng khoán của anh không. Anh ta thấy rằng,
mỗi khi nghe những tin về các nạn thiên tai, chiến tranh, đói khát trên
thế giới, anh chỉ có mỗi một sự quan tâm mà thôi: “Không biết vụ này có
làm tăng giá những chứng khoán của mình không?” May mắn thay, cuối cùng
anh ta đã bán hết những cổ phiếu của mình. Anh rất mừng vì được tự do,
thoát khỏi sự ràng buộc của tham ái, và nối liền lại được với những
người chung quanh.
Khi ta cho rằng số lượng hạnh phúc trên cuộc đời này rất giới hạn, ta sẽ
khư khư bảo vệ chúng. Cái thấy nhỏ nhen ấy không những trói buộc ta
trong một ý thức quá hẹp hòi, mà còn hạn chế cả những gì ta nghĩ rằng
mình có thể có được.
Rất may cho tôi là khi đến Ấn Độ lần đầu tiên vào thập niên 70 của thế
kỷ trước, tôi không mang theo danh sách nhu cầu nào hết, ví dụ như nước
nóng, thời tiết, đồ ăn, thức uống... Bằng không, tôi nghĩ tôi đã không
bao giờ có thể ở lại để có được kinh nghiệm lớn lao nhất trong đời mình.
Lòng tham ái có lẽ đã ngăn chặn tôi lại, không cho phép tôi liều lĩnh.
Khi bám víu vào những gì ta nghĩ mình cần phải có mới được hạnh phúc,
cuộc sống của ta sẽ bị thu hẹp lại. Mà bản chất của lòng tham ái và sự
dính mắc là vậy, nó được thúc đẩy bằng sự tích trữ và chiếm đoạt. Chúng
ta tích trữ tài vật. Chúng ta thâu phục người khác. Ta nói: “nhà cửa của
tôi”, “sự nghiệp của tôi”, “chồng con của tôi”, “bạn bè của tôi”...
Và chúng ta cũng mang thái độ hẹp hòi ấy vào lãnh vực của kiến thức và
niềm tin của mình. Chúng ta có những ý kiến và quan điểm riêng, và chúng
định nghĩa con người ta. Thế giới của ta cũng vì vậy mà bị chia cắt ra
thành những nhóm riêng biệt, ngăn chia thành quốc gia, chủng tộc, chủ
nghĩa...
Chúng ta cũng xem thân và tâm này như là những sở hữu của riêng mình. Ta
nghĩ mình là chủ của thân, như thể ta có quyền bắt nó không bao giờ được
đổi thay. Ta nghĩ mình là chủ của tâm, như là ta có quyền quyết định
những gì sẽ khởi lên trong tâm. Thân này và tâm này là “của tôi”. Vậy mà
thân này cứ bất chấp ta, nó vẫn cứ già, cứ bệnh, cứ chết. Và tâm ta lại
có bao giờ chịu tuân theo lệnh của ta đâu! Ta bảo nó vui, nhưng nó cứ
buồn; muốn nó suy nghĩ việc này, nó lại lo nghĩ chuyện khác. Nhưng dù
vậy, ta vẫn muốn tin rằng ta có thể kiểm soát được nó. Chúng ta nghĩ sự
sống này như là một vật gì mà ta hoặc là có, hoặc là không. Nhưng bạn
hãy thử nhìn cho sâu sắc đi, có thật sự là như vậy không? Đôi khi chúng
ta muốn nắm giữ sự sống của mình, nhưng chính sự nắm bắt ấy sẽ làm nó
mất đi.
Có lần, trong buổi tiệc mừng nhà mới, tôi được tặng một món quà thật đơn
sơ là một ấm trà bằng thủy tinh. Tôi quý nó lắm, nó trở thành một trong
những món đồ tôi ưa thích nhất. Một hôm, tôi dùng cái ấm ấy để nấu nước
sôi. Khi tôi đang đặt ấm trên lò nấu thì nó nứt ra và vỡ toang thành
nhiều mảnh nhỏ, văng nước sôi tung toé lên tay và người tôi, làm phỏng
nhiều nơi. Phản ứng đầu tiên của tôi là cảm thấy như mình vừa bị phản
bội. Chiếc ấm trà bằng thủy tinh này đã bạc đãi tôi. Tôi nghĩ: “Mình
thích nó quá mà. Nó là một trong những món đồ mà mình yêu quý nhất. Tại
sao nó lại có thể làm như vậy được?”
Khi chúng ta tự cho mình là chủ của một vật gì, ta sẽ có ý muốn kiểm
soát nó, và rồi cảm giác bị phụ rẫy tiếp theo sau sẽ rất mãnh liệt. Ta
lúc nào cũng theo dõi cẩn thận những gì ta nghĩ mình là chủ, để ý đến
từng sự thay đổi nhỏ nhặt của chúng. Thái độ ấy phát xuất từ một sự bất
an, nó tạo nên nhiều căng thẳng trong ta. Khi ta nghĩ rằng mình làm chủ
một vật gì, là ta đang tự dựng lên một bức tường ngăn cách giữa “ta” và
“vật khác.” Điều đó, tự nó cũng chính là đầu mối của sự chia rẽ. Chúng
ta bắt đầu đào một hố sâu giữa người sở hữu và vật sở hữu. Và càng cảm
thấy sự cách biệt giữa “ta” và “vật khác” sâu đậm đến đâu, ta lại càng
cố gắng để kiểm soát “vật khác” đến chừng ấy. Và rồi chúng ta chỉ còn
biết quan tâm đến việc làm sao để nắm giữ được chúng, hơn là tiếp xúc
với chúng.
Có nhiều trường hợp để ta có thể tự cho mình là một sở hữu chủ. Có thể
chúng ta đang giúp đỡ hoặc đang chữa bệnh cho một người nào. Lúc ấy, ta
dễ có kỳ vọng muốn người kia phải đáp ứng theo lối mình muốn. “Tại sao
anh lại không cảm thấy khỏe hơn?” “Tại sao chị lại không cảm thấy vui
hơn?” Mà thường thì đâu phải lúc nào người ta cũng phản ứng hay hành xử
như ý ta muốn. Và ta lại cảm thấy mình bị phản bội rồi trở nên bất mãn.
Chúng ta cũng thường có thói quen đi tìm hạnh phúc, ý nghĩa của cuộc đời
bằng cách gom góp và bảo vệ một số đối tượng tham ái nào đó. Nhưng rồi
chính thái độ ấy lại càng làm ta xa cách với sự sống hơn. Hạnh phúc có
được qua việc chiếm hữu, thoả mãn tham ái chỉ là tạm bợ và hão huyền mà
thôi. Có điều gì ta có mà sẽ không bị mất đi? Vì vậy mà sợ hãi lúc nào
cũng có mặt. Chúng ta cứ chạy theo sự vật, cố gắng thu thập cho nhiều và
thật nhiều, và cuối cùng ta sẽ được những gì? Cái “ta” này rồi cũng sẽ
chết, bỏ lại tất cả. Còn sự phụ bạc nào lớn hơn!
Đức Phật dạy: “Tham ái đưa đến sự bất an và sợ hãi.” Thật ra, tham ái và
sợ hãi là hai vòng tròn lúc nào cũng ôm chặt lấy nhau. Sợ hãi thường
khơi dậy trong ta một sự dính mắc mãnh liệt. Khi ta sợ mất đi một vật
gì, ta sẽ cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ nó. Và ngược lại, tham ái đem
đến sự sợ hãi, vì ta không thể tìm được hạnh phúc vững bền trong thế
giới bấp bênh, luôn biến đổi này. Chúng ta như một người đang bị lún sâu
trong vũng lầy, lại còn tự làm khổ mình vì cứ than thân trách phận. Ta
trách mình sao không tìm được sự an ổn nào trong cuộc đeo đuổi điên rồ
và hão huyền giữa cuộc sống này.
Trong đạo Phật, tham ái được xem là nguồn gốc của khổ đau vì hai đặc
tính của nó: tìm kiếm và bảo vệ. Sự tìm kiếm thì vô tận, sẽ không bao
giờ ngừng nghỉ, không bao giờ chấm dứt. Còn bảo vệ có nghĩa là ta gắng
giữ cho mọi thứ không thay đổi, không hư hoại. Nhưng điều đó chỉ tạo nên
sự sợ hãi và bất an mà thôi, vì bất cứ những gì ta có thể nhận thức được
qua thân và tâm này đều là vô thường.
Khi tôi mới thực tập thiền quán, sau giai đoạn khó khăn buổi ban đầu,
tôi trải qua giai đoạn kinh nghiệm một cảm giác thư thái, nhẹ bỗng trong
thân, và tâm tôi cảm thấy thật an lạc, tĩnh lặng. Tôi bắt đầu nghĩ:
“Phải chi mình có thể sống trọn cuộc đời còn lại trong trạng thái này
thì tuyệt biết mấy!” Tôi tưởng tượng ra mình, năm, mười năm sau, sẽ nhẹ
bồng bềnh đi trên đường phố New York, lúc nào cũng mỉm cười thật tươi,
mang một cảm giác tuyệt vời như trong giờ phút này đây.
Nhưng lẽ dĩ nhiên, không có gì là vĩnh viễn hết. Chỉ chưa đầy hai mươi
phút sau là chân tôi bắt đầu đau, tôi cảm thấy buồn ngủ hoặc bứt rứt.
Mỗi khi việc này xảy ra là tôi tự trách tại vì mình mà nó thay đổi:
“Mình đã làm gì sai mà cảm giác an lạc ấy không còn nữa?” Nhưng thật ra
nó mất đi không phải vì tôi đã thực hành sai. Nó mất đi chỉ vì một lý do
đơn giản là cái gì rồi cũng phải đổi thay. Không ai có thể ngăn chặn
được dòng vô thường này để bắt giữ lại một kinh nghiệm dễ chịu nào mãi
mãi.
Khi nhìn cuộc đời qua ánh mắt của tham ái, ta nghĩ rằng nó sẽ mầu nhiệm,
mang đến cho ta toàn những việc tốt lành, sẽ không bao giờ có một việc
gì xấu, một việc gì đau đớn xảy đến cho ta. Mà thật ra thì cuộc đời có
mầu nhiệm thật đấy, nhưng điều ấy không có nghĩa là sẽ không có những
đớn đau. Bạn nên nhớ, sự đau đớn không phải là dấu hiệu cho thấy ta đã
làm điều gì sai trật. Thật ra, cuộc sống này là một chuỗi dài liên tục
của hạnh phúc và khổ đau, có được điều mình muốn và rồi xa lìa nó. Ta sẽ
kinh nghiệm những ngày mưa, những tháng nắng, những buồn vui, được mất,
khen chê, danh vọng và tiếng xấu. Chúng luôn thay đổi và nằm ngoài vòng
kiểm soát của ta. Đó là những sự kiện rất tự nhiên mà cuộc đời này dâng
tặng, và dù vậy ta vẫn có thể sống hạnh phúc.
Chúng ta cần gì mới được hạnh phúc? Chúng ta có thật sự cần những điều
mà xã hội này bảo ta không? Lắm khi, điều mà chúng ta nghĩ là mình cần
để có được hạnh phúc lại chỉ là một kiến tạo của người khác. “Samsara”,
tên một loại nước hoa của Pháp, là một thí dụ rất cụ thể. Trong tiếng
Phạn, samsara có nghĩa là thế giới vô thường này, là vòng sinh tử luân
hồi, khổ đau này. Nhưng những nhà thương mại thì quảng cáo Samsara như
là “một sự ngào ngạt và dài lâu, một niềm thỏa mãn vô cùng tận”. Đó là
điều mà chúng ta ai cũng muốn. Mà thật ra có phải vậy không, Samsara có
thật sự là một “niềm thỏa mãn vô cùng tận” không?
Trong chúng ta dường như ai cũng nghĩ rằng nếu có thật nhiều tiền thì sẽ
có hạnh phúc. Nhưng thật ra, cái mà ta muốn không phải là có được thật
nhiều những tờ giấy bạc màu xanh đỏ, hoặc ngay cả những gì mà tiền bạc
có thể mua được. Điều chúng ta thật sự muốn chính là cái mà việc có
nhiều tiền biểu thị! Có thể nó biểu thị rằng ta có quyền lực hoặc có
được sự an ổn. Có thể nó nói lên một khả năng được tự do lựa chọn, hoặc
ám chỉ rằng ta có nhiều thì giờ để vui chơi... Đó mới chính thật là
những gì ta muốn.
Nhìn cho kỹ, ta thấy sau khi những nhu cầu cơ bản đã được đầy đủ, cái ta
muốn chính là một số trạng thái tâm thức nào đó. Khi ta muốn có nhiều
tiền, thật ra là ta muốn có được những trạng thái tâm thức mà ta nghĩ
rằng tiền bạc sẽ mang lại, như là sự an ổn, quyền lực hoặc là tự do.
Nhưng khi đã có thật nhiều tiền trong tay rồi, vẫn chưa chắc ta sẽ có
được những gì mình muốn. Ta vẫn cảm thấy bị ràng buộc, yếu đuối và bất
an.
Chân lý này sẽ giúp ta hiểu rõ vấn đề hơn: những trạng thái tâm thức của
ta là một chức năng của chính con người ta. Điều ấy có nghĩa rằng chúng
không hề tùy thuộc vào những gì ta có, hoặc số lượng nhiều hay ít. Có
biết bao nhiêu điều chúng ta có thể có, hoặc đang có, mà không hề phải
sợ bị khổ đau vì dính mắc hoặc mất mát. Chúng là những đức tính trong ta
như tình thương, niềm tin và tuệ giác. Những trạng thái ấy đâu phải phát
sinh nhờ sự tích lũy thật nhiều, hay một sự tìm cầu nào đâu?
Khi chúng ta kẹt trong tham ái là ta đang bị cuốn theo dòng thời gian
trôi chảy liên tục và kế tiếp nhau. Chúng ta chỉ biết có mỗi một điều là
thu thập những gì mình chưa có, và giữ chặt những gì mình đang có. Trong
dòng chảy liên tục này, ta chỉ còn biết nghĩ đến tương lai mà thôi.
Trạng thái này trong đạo Phật gọi là bhava, tức là sự trở thành, lúc nào
cũng đang trở thành một giai đoạn sắp tới. Cũng như khi hơi thở này vừa
mới sắp sửa, chưa hoàn toàn chấm dứt, là ta đã lo nghiêng tới cố gắng
nắm bắt hơi thở kế tiếp rồi.
Bạn thử tưởng tượng xem, nếu chúng ta đi đứng mà lúc nào cũng nghiêng
người tới phía trước, thân ta sẽ đau nhức đến chừng nào? Lưng ta, cổ ta,
chân ta chắc chắn sẽ mệt mỏi lắm. Và con tim ta cũng vậy, nó sẽ nhức
nhối lắm nếu ta lúc nào cũng đuổi theo tương lai, tìm kiếm, lệ thuộc vào
vật này hay người kia... cho dù đó có là một niềm tin về hạnh phúc.
Trong cuộc sống, cứ mỗi khi ta kinh nghiệm một sự mất mát hoặc đổi thay,
cảm thấy bất an, là ta lập tức chạy đi tìm kiếm và nắm bắt một cái khác.
Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, người ta định nghĩa sự từ bỏ
(renunciation) là biết chấp nhận những gì đến với mình và buông xả những
gì rời bỏ chúng ta mà đi. Trong ý thức đó, sự từ bỏ có nghĩa là đạt đến
một trạng thái hiện hữu đơn thuần. Chúng ta có một giây lát để nhìn, để
nghe, để xúc chạm, để ngửi, để nếm, để suy nghĩ - chỉ trong phút chốc đó
thôi và rồi nó qua đi. Nếu ta đi tìm một hạnh phúc trường cửu trong giây
phút phù du ngắn ngủi này, ta sẽ đánh mất đi niềm an lạc của một sự hiện
hữu đơn thuần. Bạn hãy thử tưởng tượng một giây phút tĩnh lặng nhờ ta
không còn ngả tới phía trước nữa, cho dù đó là để nắm bắt một hơi thở kế
tiếp. Đó chính là sự có mặt thay vì là sự trở thành. Đó cũng là năng
lượng và sự tràn đầy của một tâm từ trong ta.
Tâm từ lúc nào cũng có mặt trong ta. Với tình thương, ta sẽ thật sự có
mặt trong giây phút hiện tại này, ta không chỉ nhắm đến tương lai - đến
những gì ta muốn, những gì ta sợ hãi, hay những gì ta phải giữ chặt.
Trong giây phút này, ta có thể thật sự để cho sự vật hiện hữu đúng như
bản chất tự nhiên của chúng. Tâm từ giúp ta thoát ra ngoài lãnh vực của
thời gian, của hy vọng và thất vọng.
Tâm từ không hề lệ thuộc vào sự mua chuộc hay đổi chác. Tham ái thì nói
rằng: “Tôi thương anh, tôi sẽ chăm sóc cho anh, tôi sẵn sàng cho anh tất
cả, nhưng với điều kiện là anh phải làm đúng theo kỳ vọng của tôi và
thỏa mãn những nhu cầu của tôi.” Tình thương đó rất giới hạn, vì nó chỉ
dành cho những ai có thể đáp ứng lại những gì ta muốn mà thôi. Ta thương
một người nào, và nếu người ấy làm ta thất vọng, ta sẽ không còn thương
nữa. Thứ tình thương hạn hẹp ấy được đặt trên nền tảng của sự tham ái và
dính mắc.
Nhiều khi ta tưởng rằng mình đang có tâm từ đối với một người nào, nhưng
thật ra là ta đang có lòng tham ái và bị dính mắc với người ấy. Vì lý do
đó mà tham ái còn được xem như một “kẻ thù gần” của tâm từ. Tham ái có
thể đem lại cho ta một cảm giác tương tợ, nó có thể giả trang thành tâm
từ - cho đến khi nào ta đụng đến mức giới hạn của nó. Tâm từ thì không
có giới hạn, rộng mở và ban phát đến tất cả một cách vô điều kiện. Tâm
từ không phân biệt giữa chủ thể và đối đượng; không cố gắng kiểm soát
hoặc giam giữ đối tượng; và cũng không bị đe dọa vì những mất mát hoặc
bất cứ một sự sợ hãi nào.
Tâm từ được đặt trên nền tảng của sự vô tham. Sự vô tham - không bị dính
mắc - ở đây không phải là một trạng thái thờ ơ, lạnh lùng, không để ý
đến những gì đang xảy ra chung quanh. Không bị dính mắc cũng không phải
là một sự cau có tránh né hay là một thái độ dửng dưng, mặc kệ. Ngược
lại, nó là một trạng thái rất sinh động, rất cởi mở và tràn đầy. Năng
lượng của sự vô tham được biểu hiện thành tình thương. Thánh Mohandas
Gandhi gọi đó là “ năng lực xảo diệu nhất trong vũ trụ.” Nó xảo diệu vì
có thể tự tại đi đến khắp mọi nơi, như không khí lan tràn ra khắp chốn -
ngược lại với tham ái, bị kẹt vào một đối tượng duy nhất và rồi không
còn xoay xở gì được nữa. Chúng ta đạt được sự vô tham bằng cách thanh
lọc tâm khỏi sự kiềm tỏa của ái dục. Có vài phương pháp có thể giúp ta
thực hiện được việc này.
Một phương pháp để thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục là đừng
cố gắng kiểm soát những gì ta không thể kiểm soát. Có một lần, đứa con
gái bảy tuổi của một người bạn tôi, nửa đêm giật mình thức giấc la khóc
om sòm. Bạn tôi chạy sang hỏi: “Con sao vậy? Chắc con nằm mơ thấy gì ghê
lắm hả?” Nó đáp: “Dạ, con nằm mơ thấy mình chạy chơi đuổi theo con chó
ra ngoài vườn, rồi có một bầy ong khổng lồ bay lại bao vây tấn công con,
và con chết.”
Bạn tôi thấy khó tin, hỏi lại nó: “Con chết thật hả! Thường thì má chỉ
nằm mơ thấy mình sắp chết thôi chứ chưa bao giờ thấy mình thật sự chết.
Lúc ấy như thế nào?” Đứa bé gái suy nghĩ một hồi rồi đáp: “Con thấy khổ
đau lắm, và rồi con thôi không chống cự nữa, và con thấy yên trở lại.”
Chúng ta cần phải hiểu rõ nguyên nhân nào đã khiến ta chống cự, và làm
thế nào để ta chấp nhận được chuyện sinh tử. Buông bỏ những cố gắng vô
ích chống lại sự đổi thay là một trong những năng lực của vô tham, của
một tình thương chân thật.
Ta cũng có thể thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục bằng cách
thực hành bố thí. Tham ái là một năng lực hướng nội, nó chỉ biết lôi kéo
mọi vật về phía mình, cho riêng mình. Chúng ta cần phải chuyển đổi thái
độ ấy theo chiều hướng ngược lại, cởi mở và ban cho. Bố thí không chỉ
đơn giản là một hành động ban tặng cho người khác tài vật. Nó còn có
nghĩa là một sự chăm sóc, bảo vệ, ân cần và thương yêu. Bố thí cũng
không chỉ là một hành động giữa hai người, mà nó còn là một trạng thái
của nội tâm, một thái độ rộng lượng đối với chính mình như đối với người
khác.
Chúng ta cũng có thể thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục bằng
cách thực tập lòng biết ơn. Thay vì cứ mang mặc cảm là ta không được đầy
đủ, hoặc sẽ không bao giờ đủ, ta có thể ý thức rằng thật ra thế giới này
đã ban tặng cho ta quá nhiều, và những gì chúng ta đang có đã là quá đầy
đủ.
Chúng ta cũng có thể thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục bằng
cách chọn một lối sống đơn giản, nhận biết những gì thật sự cần thiết
cho hạnh phúc. Hạnh phúc chân thật không thể tìm thấy ở bất cứ một nơi
nào hoặc một người nào khác. Vì cái gì rồi cũng thay đổi, nên hạnh phúc
nương tựa vào chúng sẽ chỉ là tạm bợ mà thôi. Sống đơn giản là khả năng
có được một con tim thương yêu trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Sống với sự vô tham, không dính mắc, có nghĩa là ta thể nhập vào sự sống
của mình một cách thật tự nhiên, không cần một sự dụng công nào. Khi đức
Đạt-lai Lạt-ma được giải Nobel Hòa bình, có người nhận xét rằng trao cho
ngài giải thưởng hòa bình cũng giống như ban cho bà Mẹ thiên nhiên một
giải thưởng về nghệ thuật vậy! Đối với tất cả chúng ta, thương yêu là
một trạng thái rất tự nhiên. Chúng ta bao giờ cũng tự tại và có thể tiếp
xúc được với tất cả, vì đó chính là phản ảnh con người thật của chúng
ta.