Ngày Tết, dù ở nhà hay ở các chùa đều có chưng mai vàng. Với tâm tỉnh
thức, trong sáng, thoải mái, chúng ta biết cành mai nở rộ đó chính là
niềm an vui thanh tịnh lớn lao trong mỗi chúng ta. Ngoài ra, sự tươi mát
và đẹp đẽ của hoa, lá và cành là sự báo hiệu tốt đẹp của một năm mới vừa
đến cùng với biết bao hy vọng trong lòng. Có một nhánh hoa đẹp để chưng
trong ba ngày Tết là điều ai cũng mong ước.
Hái lộc (hái một cành cây có hoa lá) đầu xuân là một tục lệ xưa của
người Việt Nam. Chùa ở miền quê thường rộng rãi. Vườn chùa được chăm sóc
kỹ lưỡng. Vào mùa xuân, cành lá mới đâm chồi nảy lộc, nhiều loại hoa
xuân hé nở xinh tươi. Quanh năm ai cũng bận bịu làm ăn, ba ngày xuân mỗi
nhà đều cố gắng mua những cành mai, chậu cúc đẹp đẽ nhất để trang hoàng.
Nhưng dù ở nhà đã có hoa, người Phật tử đến chùa cũng thường thỉnh một
nhánh lộc đầu xuân, một nhánh cây hay một cành hoa nhỏ. Chùa là chốn đạo
tràng thanh tịnh. Phật tử tin tưởng rằng sự thanh tịnh an vui của chốn
thiền môn thấm nhuần cả nơi hoa cỏ, cây cối chung quanh. Tâm của các vị
tu hành thanh tịnh thì cõi đời cũng trở thành thanh tịnh. Nhận được một
cành lộc đầu xuân (hay để tránh việc cây cảnh bị bẻ bừa bãi, các vị
tăng, ni phát cho mỗi người đến chùa một cành hoa hoặc một trái cây),
người Phật tử đem về nhà để vào chỗ cao ráo, sạch sẽ, hoặc chưng nơi bàn
thờ để mong được sự che chở, bảo vệ của chư Phật.
Trong ý nghĩa mong cầu giác ngộ, người Phật tử hái lộc về nhà không phải
chỉ để có được nhiều sự may mắn trong năm mới, mà còn là sự biểu lộ lòng
mong ước được cận kề với thế giới chư Phật mà kinh điển thường mô tả là
chiếu sáng bởi các đám mây ngũ sắc lóng lánh với những cành vàng lá
ngọc, tiếng nhạc êm ả huyền diệu và tiếng hót của các loài chim quý.
Khi đem một nhánh cây hay một cành hoa về nhà với niềm tin và sự an vui
tràn đầy trong lòng thì đó tức là phép mầu đã thể hiện. Tâm ta đã vượt
ra khỏi giới hạn của sự thấy biết hạn hẹp mà đi vào chốn vô cùng. Cành
lộc đầu xuân trở nên sáng chói trong lòng ta và tỏa chiếu ra cả bên
ngoài.
Với tâm an vui, rực sáng đó, chúng ta sum họp gia đình, thì lòng ta tràn
đầy sự thương yêu giữa vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu, thân thuộc và
bạn hữu. Nụ cười của ta trở nên thật hồn nhiên tươi sáng, thanh thoát,
ròn rã. Các lời chúc tụng, nói năng, xưng hô cũng trở nên êm dịu, thành
thật, vì chúng phát xuất từ đáy lòng: không một chút ngăn ngại, tinh
sạch như lòng trẻ thơ. Với lòng tràn ngập tình thương yêu và trí sáng
suốt như thế chúng ta tiếp tục tận hưởng ba ngày xuân tươi thắm: thăm
viếng bà con, bạn bè, lì xì mừng tuổi trẻ thơ, lễ bái cúng giỗ các vị
tiền nhân, cúng dường ngôi Tam Bảo.
Thế giới bên ngoài vẫn xe cộ rộn rịp, tiếng động ồn ào, nhưng trong tâm
ta từ khi thấy được nụ mai xuân hé nở, vũ trụ bên ngoài không còn như
trước nữa: màu sắc tươi thắm và rực rỡ hơn, các chuyển động xô bồ, ồn ào
vẫn diễn ra trong trật tự và êm ả, bầu trời trở nên rộng rãi mênh mông,
những đám mây xuân trở thành nồng ấm và chiếu sáng. Nhờ thế ta không còn
lạ gì trước sự kiện người Việt Nam suốt trong dòng lịch sử dân tộc nhiều
lần rộng mở cõi lòng mà tiếp nhận các nhóm chủng tộc hay tôn giáo khác
để đưa đến một chủng tộc Việt Nam đa dạng hiện nay và một nền tín ngưỡng
hòa đồng Nho - Thích - Lão. Thậm chí cho đến kẻ xâm lăng Sầm Nghi Đống
và gần hai mươi vạn quân Thanh vẫn được người dân Việt ở làng Đồng Quang
cứ mỗi năm mở hội tại chùa làng tụng kinh cho họ được siêu độ. Hay xa
hơn nữa trong lịch sử, các tướng lãnh Trung Hoa và quân sĩ xâm chiếm
Việt Nam bị tử trận vẫn được đồng bào ta cầu cho được siêu độ sau khi họ
bị thảm tử.
Điều này cũng xảy ra ở Nhật Bản, khi quân Mông Cổ bị tiêu diệt bởi cơn
bão Thần Phong và sự chiến đấu anh dũng của những chiến sĩ Phù Tang. Bắc
Điều Thời Tông, một Phật tử hành thiền tinh tấn và cũng là vị tướng quân
Nhật Bản nổi danh của thế kỷ thứ 13, người chỉ huy cuộc kháng Mông oanh
liệt này, đã lập ra một ngôi chùa thật lớn để cầu siêu cho cả chiến sĩ
Mông Cổ và Nhật Bản.
Nền văn minh Phật giáo với lòng bao dung khiến cho chúng ta càng phải
suy nghĩ thêm về khả năng đóng góp vào sự hiểu biết và hòa hợp nhân
loại. Và chúng ta, trên con đường tìm về cội nguồn hạnh phúc bao la,
thực hành sự buông xả, sự tha thứ, lòng bao dung cho mình lẫn cho người
để tình thương yêu nồng ấm, trong sáng bao la và sự hiểu biết chân thật
bừng dậy tràn đầy, đưa ta về chốn hạnh phúc vô cùng nơi chính cuộc đời
này, như Thiền sư Thường Chiếu đã mở bày:
Đạo vốn không nhan sắc,
Mà ngày thêm gấm hoa.
Trong ba ngàn cõi ấy,
Đâu chẳng phải là nhà?
Ngôi nhà chân thật của chúng ta chính là suối nguồn hạnh phúc tụ lại
thành biển lớn. Đó chính là mùa xuân vĩnh cửu hay xuân Di-lặc vậy.