1. Nhân quả là gì?
Nhân là nguyên nhân; quả là kết quả; nhân quả là mối quan hệ nguyên nhân đưa đến kết quả tương ứng.
Thí dụ: Hạt đậu thì sẽ trồng lên cây đậu chứ không thể ra cây bắp.
2. Hãy nói rõ hơn về mối quan hệ của nhân quả?
- Nhân và quả có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong nhân đã hàm chứa cái quả, và trong quả đã hàm chứa cái nhân.
- Thông thường thì nhân nào sẽ sinh ra quả nấy.
Thí dụ: Ta nhìn vào hạt cam thì biết nó hàm chứa quả cam trong tương lai. Ngược lại, nhìn quả cam ta biết trước kia nó xuất phát từ cái nhân là hạt cam.
Tương tự như thế, nhìn vào một người thấy cái nhân "siêng năng, đạo đức" ta đoán biết cái quả tương lai là "tốt đẹp, hạnh phúc". Hoặc nhìn vào một người khác, thấy họ bệnh hoạn, đau khổ, nghèo khó, thì ta đoán biết cái nhân trước kia là tội lỗi.
3. Quá trình từ nhân đến quả?
Từ nhân đến quả không có một thời gian nhất định, có thể nhanh, có thể chậm, tùy theo đặc tính của sự việc và sự kết hợp của các duyên.
Nhân quả bao giờ cũng diễn ra theo đúng quy luật, nhưng tùy theo các yếu tố phụ tác động vào mà có sự thay đổi về thời gian. Thí dụ, cây cam trồng đúng ba năm thì có quả, nhưng do người chủ lơ là việc chăm sóc, không bón phân, tưới nước thường xuyên, nên 4 năm cây cam mới ra quả. Sự chăm sóc, phân, nước là các yếu tố phụ tác động vào nhân, gọi là các duyên. Chính các duyên này đã làm thay đổi thời gian của chu kỳ nhân quả, khiến cây cam có trái muộn hơn.
Tương tự, một người làm ác nhưng chưa kịp trả quả thì họ đã gặp những người bạn tốt khuyên họ hồi tâm hướng thiện, khiến nhân quả xấu tạm thời gác lại, có thể đến kiếp sau mới trả. Những người bạn tốt đó là duyên lành, tác động vào quá trình nhân quả của họ.
4. Dựa vào yếu tố thời gian có thể chia làm mấy loại nhân quả?
Ta có thể chia làm 3 loại nhân quả:
- Nhân quả hiện báo: tạo nhân sẽ có quả ngay trong đời này.
- Nhân quả sanh báo: tạo nhân trong đời này, có quả trong đời sau.
- Nhân quả hậu báo: tạo nhân trong đời này, đến nhiều đời sau mới có quả.
Điều này giải thích tại sao có những người làm việc thiện mà cuộc đời vẫn đau khổ, bởi quả thiện của kiếp này chưa tới, mà họ đang phải nhận lãnh quả xấu của kiếp trước. Sau khi chấm dứt quả xấu đó, tới quả thiện hiện ra thì họ mới sung sướng.
5. Nghiệp là gì? Nghiệp phát khởi từ đâu? Có mấy loại nghiệp?
- Nghiệp là những hành động có chủ ý, sẽ đưa đến những quả báo tương ứng.
- Nghiệp phát khởi từ thân, khẩu và ý.
- Có 3 loại nghiệp: nghiệp thiện, nghiệp ác, và nghiệp không thiện không ác.
6. Thế nào là biệt nghiệp và cộng nghiệp?
Biệt nghiệp là nghiệp riêng của từng cá nhân chúng sanh. Cộng nghiệp là nghiệp chung của nhiều chúng sanh.
Những người trong cùng một môi trường thì dĩ nhiên phải lãnh cái nghiệp giống nhau. Thí dụ, có 10 người cùng đi trên chiếc xe, khi lật xe thì hiểu rằng 10 người này có cùng nghiệp chung là "bị tai nạn giao thông". Nhưng cùng bị lật xe mà có người thương tích nặng, người thương tích nhẹ, người lại chết, nghĩa là nghiệp riêng của mỗi người khác nhau tùy theo phước đức của họ...
7. Nghiệp có thể thay đổi được không hay cố định mãi mãi?
Người đã tạo nghiệp thì phải nhận quả báo tương ứng. Nhưng nếu người đó biết ăn năn, tu tập và làm những nghiệp thiện để bù đắp lại thì quả báo sẽ xoay chuyển, có thể nhẹ đi. Cho nên Phật nói chúng ta có thể chuyển nghiệp.
Thí dụ như chuyện một anh học trò nghèo lẽ ra yểu mệnh chết sớm, nhưng trên đường đi thi anh đã cứu được một tổ kiến khỏi chết trôi, thế là anh sống thọ tới trăm tuổi và đỗ đạt làm quan.
8. Khi hiểu rõ luật nhân quả nghiệp báo, chúng ta có những lợi ích gì trong cuộc sống hiện tại?
- Không mê tín dị đoan, tin tưởng sai lầm vào thần quyền.
- Có lòng tin vào chính bản thân, phát khởi hành động tốt.
- Không than trách, oán hận khi gặp thất bại hoặc gặp nghịch cảnh.
Chúng ta hiểu rằng cuộc đời của mình do chính mình làm chủ, không có Trời Phật hay thần linh nào ban phước giáng hoạ. Mình làm chủ đời mình bằng chính những nghiệp đã làm. Biết vậy thì cố gắng phấn đấu làm việc tốt để hưởng quả tốt. Còn khi gặp quả xấu, gặp nghịch cảnh thì cũng đừng than trách ai, mà nên tự trách mình kiếp này hoặc kiếp trước đã gây nhân xấu. Chỉ có một cách là nỗ lực không ngừng làm các điều thiện lành để chuyển nghiệp, vươn tới hạnh phúc.