BÀI 2: LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT
Mở đầu:
Chúng ta là những người con Phật thì phải hiểu biết về gốc gác của mình, hiểu biết về vị Cha lành đã dẫn dắt mình đi theo con đường chân chánh. Vì vậy chúng ta phải học bài học rất quan trọng là Lịch sử Đức Phật.
1. Ai khai sáng đạo Phật?
Ÿ Tượng Phật lớn nhất thờ giữa chánh điện là Bổn sư. Tại sao phải thờ như thế? Vì đó chính là vị khai sáng ra đạo Phật.
Ÿ Giải thích từ “khai sáng”: Là thành lập, tạo ra. Từ không có mà tạo ra cho có. Trước khi Đức Thích-ca Mâu-ni xuất hiện thì nước Ấn Độ chưa có đạo Phật, mà có tới hơn 90 đạo khác, mạnh nhất là đạo Bà-la-môn với sự thống trị giai cấp nghiệt ngã, người nô lệ vô cùng khổ sở. Khi Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia, tu hành thành Phật, từ đó mới có đạo Phật, cách đây khoảng 2500 năm. Đạo Phật xuất hiện đã đem lại một nguồn ánh sáng tươi đẹp cho Ấn Độ và cho cả thế giới sau này.
Ÿ Nước ta hiện nay có bao nhiêu đạo? Đạo Phật, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hiếu Nghĩa v.v...
Chú ý: Không đi sâu vào các giai cấp, vì trí não các em không nhớ nổi những từ như Sát-đế-lỵ, Thủ đà la... Kiến thức ấy chưa cần thiết vào lúc này, sẽ học ở cuốn 3. Mục tiêu là cho các em hiểu về từ “khai sáng” mà thôi.
2. Trước khi xuất gia Ngài tên là gì?
Có thể trích hai đoạn trong bài Bổ sung Lịch sử Đức Phật, từ Thời thơ ấu cho đến hết Thời thanh niên, và chỉ lấy sự kiện là chính, đừng bắt các em phải thuộc làu các địa danh, tên người bằng tiếng Phạn, vì đó là tư liệu dành cho người nào cần tham khảo sâu hơn, hoặc khi phải đối chiếu với các văn bản Nam Tông. Cả bài Bổ sung này cũng chỉ dành cho người có trình độ cao, cần học kỹ. Đối với thiếu nhi thì chỉ cần nội dung trong bài học là đủ.
3. Khi một người phàm ra đời thì gọi là đầu thai. Nhưng Phật Thích-ca ra đời người ta dùng những chữ gì? Ý nghĩa?
Ÿ Chúng ta đầu thai là để trả nghiệp đã gây ra. Còn Đức Phật thị hiện để dẫn dắt chúng sanh trên đường tu hành giác ngộ.
Ÿ Nhưng tại sao Phật không hiện xuống bằng con đường thần thông, sáng lòa hào quang mà lại bằng con đường bình thường như mọi chúng sanh, cũng có cha mẹ, vợ chồng, con cái, cũng ăn uống, ngủ nghỉ, đau ốm...? Nếu bằng con đường thần thông thì chúng sanh sẽ quy phục ngay, nhưng lại không noi gương Ngài mà tu hành, vì nghĩ Ngài là thánh, còn mình là phàm dễ gì theo nổi, và lại còn nảy sinh tâm lý cầu xin, cúng vái, y như đã thờ phụng các vị thần trước kia. Vì vậy Phật phải xuất hiện một cách bình thường giống như mọi người, để mọi người tự tin vào bản thân họ mà tu theo Phật.
4. Đức Phật đản sanh ngày nào?
Phật giáo thế giới đã thống nhất lấy ngày rằm tháng 4 âm lịch là ngày Phật Đản. Không nên nói dài dòng về lịch của Nam tông, Bắc tông, các em sẽ rối. Thậm chí Phật tử sơ cơ cũng chỉ nên biết ngắn gọn vậy thôi.
5. Đức vua Tịnh Phạn đã cưới vợ cho Thái tử Tất-đạt-đa mong cột chân Thái tử trong cung vàng điện ngọc. Vậy người vợ ấy tên gì? Sinh ra người con tên gì?
Từ chi tiết này mà có sự so sánh giữa phàm phu chúng ta với Thái tử Tất-đạt-đa. Nếu chúng ta được sinh ra trong hoàn cảnh sung sướng như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ lo hưởng thụ chứ không dám đi tu. Chính chúng ta tự cột chân mình, không đợi ai phải cột.
6. Nguyên nhân gì khiến Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia tìm đạo?
Ÿ Nhấn mạnh giải thích 4 nỗi khổ sanh, lão, bệnh, tử. Phải cho các em thấy cái khổ ấy thì mới hiểu tại sao Đức Phật và cả chúng ta đều phải đi tu, hướng đến giải thoát.
Ÿ Kể chuyện Thái tử theo vua cha dự ngày lễ hạ điền, nhìn thấy cảnh người nông phu cày đất để làm ruộng kiếm miếng ăn, những con giun quằn mình dưới lưỡi cày, rồi con chim lại chực mổ con giun, đằng sau thì người thợ săn lại muốn bắn con chim. Đó là “sanh khổ”, kiếm được miếng ăn phải vất vả, tàn sát lẫn nhau.
Ÿ Kể chuyện Thái tử ra bốn cửa thành trông thấy 4 cảnh người già, người bệnh, người chết, và một người xuất gia. Lấy ví dụ hình ảnh ông bà của các em ở nhà, các em sẽ hiểu ngay thế nào là “lão khổ”. Chẳng hạn, răng rụng, mắt mờ, tay yếu, chân run, té ngã, sống phụ thuộc con cháu...
Ÿ “Bệnh khổ” lấy ví dụ từ chính các em, như đau bụng , nhức răng, nhức đầu... đã thấy khổ, huống chi những người mang bệnh hiểm nghèo như ung thư, lao, cùi, Sida v.v...
Ÿ “Tử khổ” khó thấy nhất, nhưng có thể giúp các em cảm nhận được qua hình ảnh xa cha, xa mẹ, xa anh em, người thân, ra nằm thui thủi ngoài nghĩa trang với trùn dế hoang lạnh, rồi xác sình lên, đâu còn ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi được nữa...
Ÿ Bốn cái khổ ấy ai ai cũng phải chịu, cho nên Đức Phật và cả chúng ta mới phải đi tu tìm ra con đường giải thóat.
7. Chữ Thích-ca Mâu-ni có nghĩa là gì?
Ÿ Thích-ca: giải thích lòng từ bi của Phật khác với chúng ta. Chúng ta cũng có từ bi chứ không phải xấu hoàn toàn, nhưng chúng ta từ bi trong sự giới hạn. Thí dụ: con chó nhà mình cắn lộn với con chó hàng xóm thì tự nhiên mình thương con chó nhà mình hơn. Em mình đánh lộn với hàng xóm thì dù em mình sai quấy mình cũng muốn bênh vực nó. Nói rộng ra một quốc gia, dân mình chết thì mình thương, mình lo, nhưng mình lại đem quân đi xâm lăng nước khác, giết dân nước khác. Hoặc chúng ta thương yêu con người nhưng vẫn chưa thương loài vật, bằng chứng là còn chặt đầu, mổ bụng chúng để ăn cho ngon miệng. Đức Phật thì thương yêu tất cả chúng sanh không phân biệt thân sơ, giới tính, biên giới, giai cấp...
Ÿ Mâu-ni: sự yên tĩnh, thanh tịnh của Đức Phật khác hẳn chúng ta. Ta còn vui, buồn, thương, giận, lăng xăng trong trí não. Đến ngủ mà còn nằm mộng với những thương yêu, giận hờn...
BÀI 3: THỜ PHẬT, LẠY PHẬT, CÚNG PHẬT
1. Ý nghĩa của việc thờ Phật?
Trước nay chúng ta thường thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật với tâm cầu cạnh, van xin. Nào xin cho buôn may bán đắt, nào cho con cái khỏe mạnh, nào cho con đậu bác sĩ, kỹ sư, nào xin trúng số v.v... Phải hiểu thật đúng đắn như sau:
Ÿ Thờ Phật là để tỏ lòng biết ơn, nếu không có Phật chỉ dẫn thì ta còn đi trong mê mờ sai trái, trôi lăn trong cõi đau khổ này biết đến bao giờ. Đức Phật đem cho ta một ngọn đuốc soi đường để ta không rơi vào hầm hố.
Ÿ Nhân gian thường nói “xa mặt cách lòng”, chính vì vậy ta phải thờ Phật tại nhà để mỗi ngày đi ra đi vô trông thấy hình ảnh Phật, dễ nhắc ta nhớ tới lời Phật dạy, nhớ đức hạnh của Phật, để ta làm theo.
2. Ý nghĩa của việc lạy Phật?
Lạy Phật là một phong tục chào hỏi của Ấn Độ, được biến đổi thành động tác “lạy” như ngày nay. Trong khi nước Lào, Thái Lan thì chào hỏi bằng cách chắp tay xá, Việt Nam chào bằng cách khoanh tay cúi đầu. Phật thị hiện ở nước Ấn Độ nên theo phong tục nơi đó, lâu ngày biến thành nghi lễ.
3. Ý nghĩa của việc cúng Phật?
Giải thích thắc mắc của nhiều người là tại sao chư Tăng không làm gì hết nhưng vẫn được mọi người nuôi dưỡng, liệu có phải là ăn bám hay không? Nên hiểu, chư Tăng là người thầy lo dạy đạo đức cho dân chúng, nhờ có đạo đức thì xã hội mới yên ổn. Vậy chư Tăng đóng góp rất lớn vào xã hội chứ không phải ăn bám. Cho nên, dân chúng phải cúng dường để nuôi dưỡng chư Tăng, để chư Tăng rảnh rang chuyên lo việc dạy dỗ. Nếu chư Tăng phải lo làm ruộng, buôn bán v.v... thì đâu còn thời giờ học hỏi và truyền dạy giáo pháp, đạo đức, đồng thời khi ra làm những việc kiếm sống thì cái tâm rất lăng xăng, toan tính, khó mà thanh tịnh, làm sao đạt quả vị thánh để làm gương cho chúng sanh.
BÀI 4: TAM QUY, NGŨ GIỚI
Mở đề:
Một người chỉ được gọi là Phật tử khi đã chính thức thọ Tam quy và Ngũ giới. Điều đó như một sự tự nguyện tuân giữ “điều lệ”, “nội quy” trong bất kỳ tổ chức nào. Thí dụ, học sinh thì tuân giữ nội quy, kỷ luật nhà trường, Đoàn viên tuân giữ điều lệ Đoàn v.v... Đó là sự “ràng buộc” cần thiết để mỗi cá thể Phật tử nhớ đến bổn phận của mình mà thực hiện cho tốt, cũng chính là quyền lợi của mình vì có giữ giới thì cuộc sống mới thiện lành, gặt hái những quả báo hạnh phúc.
1. Quy y nghĩa là gì?
Chúng ta như những đứa con cùng tử “bụi đời”, lang thang trong cõi Ta Bà mê mờ tăm tối này, làm biết bao nhiêu điều sai trái, mà quên mất có một tổ ấm cho ta hạnh phúc. Vì vậy ta phải từ bỏ chốn mê lầm, quay trở về và nương tựa tổ ấm đó, chính là ngôi Tam bảo. Chẳng những nương tựa, mà còn phải kính vâng, phục tùng nữa, vì nếu ta không tuân theo lời chỉ dạy của Tam bảo thì ta lại tiếp tục phạm sai lầm, tội lỗi, lại nhận quả báo xấu xa. Ví như đứa trẻ sau một thời gian đi “bụi đời”, giờ quay về nương tựa với cha mẹ, nhưng nếu không vâng lời cha mẹ dạy bảo, thì sẽ tiếp tục hư đốn, và không thể nào có được hạnh phúc.
2. Tam bảo nghĩa là gì?
Chú ý: Chỉ giới hạn trong Thế gian trụ trì Tam bảo là vừa sức tiếp thu của các em, không nói đến Xuất thế gian và Đồng thể Tam bảo.
Ÿ Phật bảo:
– Chỉ cho các em thấy các loại tượng Phật dù làm bằng xi măng, gỗ, thạch cao, vàng, đồng, giấy, lụa v.v... đều là Phật bảo
– Mọi chúng sanh nếu tu hành nghiêm túc thì đều đạt đến giác ngộ và thành Phật. Đây là tinh thần bình đẳng của đạo Phật, chứ không như các đạo khác, tín đồ dù có nỗ lực bao nhiêu cũng chỉ đạt đến vị trí là “con” của giáo chủ, là người phụng sự của giáo chủ trên thiên đường.
Ÿ Pháp bảo: chúng ta thờ Phật thôi chưa đủ, mà còn phải biết Phật đã dạy bảo những gì để làm theo. Những lời dạy ấy được ghi lại trong những bộ kinh đọc tụng hàng ngày. Hãy cho các em ví dụ tên vài bộ kinh phổ thông nhất, xem các em hiểu biết tới đâu. Thí dụ: Phổ Môn, A-di-đà, Pháp Hoa, Dược Sư, Địa Tạng...
Ÿ Tăng bảo: Phật thì đã tịch diệt, Pháp thì cao siêu, cho nên phải có những vị thầy am hiểu để giảng dạy lại cho chúng ta học và thực hành tu tập. Vì vậy, Tăng bảo có vai trò rất quan trọng.
3. Quy y Tam bảo là gì?
Khi trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, chúng ta vừa làm bổn phận của người Phật tử, vừa nhận được những lợi ích chính đáng. Vì vậy đây là sự tự nguyện chứ đạo Phật không bắt buộc ai cả.
4. Lợi ích của Quy y Tam bảo?
Ÿ Giúp các em hình dung sơ lược về các cõi để thấm thía thế nào là xấu, tốt, sướng, khổ, từ đó mới quyết tâm Quy y Tam bảo.
Ÿ Có 6 cõi trong vòng luân hồi mà chúng sanh phải trải qua trong vô lượng kiếp: trời, người, a tu la (cõi tốt, cõi lành), súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục (cõi xấu, cõi ác).
Ÿ Giải thích cho các em:
– Địa ngục: là nơi hành xử tội nhân, cưa, xẻ, chặt đầu, mổ bụng, nấu dầu sôi, đốt lửa... đau đớn, ghê sợ.
– Ngạ quỷ: là chúng sinh đầu và bụng rất to, cổ lại bé như cây kim, không nuốt được món gì, phải chịu đói khát, khổ sở hàng trăm, hàng triệu năm tùy theo tội lỗi nhiều hay ít.
– Súc sanh: là những con vật các em thấy hằng ngày, bị chặt đầu, mổ bụng để cho người ta ăn thịt, rất đau đớn, sợ hãi.
– A tu la: là những vị thần còn mang tính sân hận cao, có phước báu được ở trong đền đài hoặc ăn uống sung sướng nhưng hình dạng thì rất xấu, hay đánh nhau để tranh giành mọi thứ.
– Người: là cõi có thiện ác, sướng khổ lẫn lộn, nhưng quan trọng hơn cả là có thể gặp được Phật pháp để tu tập thành Phật.
– Trời: là cõi sung sướng nhất do phước báu của việc làm thiện lớn lao. Nào là ăn đào tiên, uống nước suối thần, muốn y phục gì thì biến ra thứ đó tùy ý, muốn di chuyển thì cưỡi mây mà bay... Tóm lại, chúng sanh ở cõi trời không bận tâm đến chuyện ăn, mặc, ở, sung sướng rất nhiều.
– Tuy nhiên, chỉ có chúng sanh ở cõi người mới dễ tu tập, vì ở cõi trời thì sung sướng quá lại quên tu, cứ lo thụ hưởng, còn ở địa ngục, ngạ quỷ thì đau đớn quá không còn tâm trí để tu, cõi súc sanh thì thiếu trí tuệ, nhận thức... Ở cõi người, sướng khổ vừa phải nên ta không quá buông lung cũng như không quá bức bách, vẫn còn sức để dành cho tu tập.
– Có thể thấy 6 cõi đó hiện diện ngay trong thế giới Ta Bà này chứ chẳng đi đâu xa. Tùy theo phước báu của mỗi người mà đầu thai vô các nơi. Thí dụ, có người bị tù đày, tra tấn, khác nào vô địa ngục. Có người sinh ở châu Phi nhằm nơi chết đói y như ngạ quỷ. Có người ở các bộ lạc chuyên giết sống mạng người để tế thần, y như súc sanh. Hoặc những người ăn chơi sa đọa, không biết xấu hổ, có khác gì súc sanh. Có người sinh trong quốc gia hiếu chiến, cứ đánh nhau liên miên như a tu la. Có người giàu có mà chẳng hề vất vả, làm chơi mà ăn thật, muốn thứ gì có tiền mua ngay thứ ấy, muốn đi đâu thì có máy bay lướt đến tận nơi, kẻ hầu người hạ chu đáo, khác nào tiên trên trời. Và đa số là những con người bình thường như chúng ta, làm tới đâu, ăn tới đó, hơi vất vả lo toan nhưng lại có tâm hướng về Phật pháp nhiều nhất.
5. Sau khi quy y Tam bảo, người Phật tử phải giữ Ngũ giới. Vậy Ngũ giới là gì?
Quy y xong, người Phật tử phải giữ giới, vì giữ giới có lợi ích là giúp chúng ta không đi theo đường xấu, là quyền lợi của chính bản thân ta.
Ÿ Giới của người tại gia có 5 điều:
1. Không sát sanh: đây là giới quan trọng hàng đầu, bởi đối với mọi sinh vật thì sanh mạng là cái quý nhất, do đó giữ gìn sanh mạng cho mọi loài thì ta có phước báu rất lớn.Tuy nhiên, vì các em còn nhỏ, cũng như những Phật tử sơ cơ, khó ăn chay trường được, thì giữ giới sát sanh theo các cấp độ như sau: (xem bài 11)
a. Không giết người
b. Không trực tiếp giết thú vật để ăn thịt
c. Không giết nếu có thể tránh được
d. Giảm lượng thịt cá trong từng bữa ăn
2. Không trộm cắp: Trộm cắp không hẳn là trực tiếp lấy cắp tài sản người khác, mà những hình thức sau đây cũng là phạm giới: mượn không trả, cân non, đong thiếu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, lấn ranh đất,v.v...
3. Không tà dâm: chỉ nói đơn giản cho các em nắm là những trường hợp ngoại tình, bia ôm, cà phê ôm, bi da ôm, karaoke ôm..., hoặc xem phim sex cũng là phạm giới.
4. Không nói dối: giới này dễ hiểu, không cần triển khai sâu, vì sau này học bài Thập thiện sẽ có 4 nghiệp của khẩu.
5. Không uống rượu: Ngày xưa, vào thời Đức Phật tại thế, thì rượu là món độc hại nhất. Nhưng ngày nay có nhiều món còn độc hại hơn nhiều, cho nên giữ giới này là không sử dụng tất cả các món nào gây nghiện. Chẳng hạn, rượu, bia, ma túy, đánh bài, đánh đề, cá độ... Bởi các thứ này đều làm con người mê muội, lâm vào cảnh tan nhà nát cửa, hoặc gây tội ác như cướp của, đánh lộn, đâm chém, giết người để có tiền mà thoả mãn cơn ghiền.
6. Lợi ích của việc không sát sanh?
Ÿ Không giết người thì không bị người giết lại, đó là nhân quả dễ thấy nhất.
Ÿ Giữ gìn sinh mạng khác thì chính sinh mạng của mình được dài lâu, gọi là trường thọ.
Ÿ Sở dĩ người ta sợ chiến tranh vì trong đó có đổ máu, thương tật, sợ hãi. Vậy giữ giới không sát sanh là tránh làm chúng sinh đổ máu, thì dĩ nhiên nhân quả cho ta sẽ không chứng kiến cảnh đổ máu, sợ hãi
7. Lợi ích của sự không trộm cắp?
Ÿ Không trộm của người thì dĩ nhiên không bị người trộm lại.
Ÿ Chẳng những thế, lại còn phước báu giàu sang sung sướng.
8. Lợi ích của sự không tà dâm?