(Giai đoạn du nhập và thời Ngô, Đinh, Tiền Lê)
1. Phật giáo du nhập Việt Nam từ bao giờ?
Phật giáo du nhập Việt Nam vào khoảng thế kỷ II.
2. Thời đại du nhập đầu tiên?
Việt Nam từ cuối thế kỷ II trước Công nguyên là thuộc địa của Trung Quốc, dưới đời nhà Hán, có tên là Giao Chỉ. Đến đầu thế kỷ III, thái thú Sĩ Nhiếp đổi lại là Giao Châu. Việt Nam lại nằm giữa hai nước rộng lớn và có nền văn minh xán lạn nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, nên chịu ảnh hưởng nhiều của hai nền văn minh ấy.
Về địa thế, Việt Nam nằm giữa con đường biển từ Ấn Độ đi Trung Quốc, nên Phật giáo du nhập vào Việt Nam cũng bằng hai con đường:
– Đường bộ: từ phía Bắc xuống, nghĩa là từ Trung Quốc thẳng xuống Việt Nam. Vào thế kỷ II, Ngài Mâu Bác đã theo đường này mà truyền giáo. Về sau, Trung Quốc đô hộ Việt Nam ngót 1000 năm, nên truyền giáo bằng đường bộ là chính.
– Đường biển: từ phía Nam lên. Vào thế kỷ III, Ngài Khương Tăng Hội, Ma Ha Kỳ Vực và Chi Cương Lương đều theo đường biển từ Ấn Độ sang Trung Quốc mà ghé ngang Việt Nam.
Ghi chú:
Ÿ Hiện nay các nhà sử học đang đặt lại vấn đề là Phật giáo truyền vào Việt Nam trước khi truyền vào Trung Quốc, bởi căn cứ theo quyển Lý Hoặc Luận của Mâu Tử (Mâu Bác) là quyển sách Phật giáo đầu tiên lại được viết ở Giao Chỉ vào cuối thế kỷ II, chứng tỏ ông đã sang Giao Chỉ lánh nạn rồi học Phật tại đây. Nghĩa là Phật giáo phải vào Giao Chỉ sớm hơn, vì trong sách Mâu Tử viết rằng Tăng đoàn đã lên đến 500 người, trong khi ở Trung Quốc mãi đến thế kỷ III mới có Tăng đoàn.
Ÿ Trung Quốc có 3 trung tâm Phật giáo lớn là Lạc Dương (kinh đô nhà Hán), Bành Thành (hạ lưu sông Dương Tử), và Luy Lâu (vì Giao Chỉ đang lệ thuộc nhà Hán). Nhưng trong sách của Mâu Tử chỉ đề cập đến Luy Lâu. Vậy Lạc Dương, Bành Thành phát triển sau. Bởi Giao Chỉ có đường biển thông với Ấn Độ dễ dàng, nên các nhà sư Ấn Độ muốn sang Trung Quốc phải ghé Giao Châu trước, và nơi đây tiếp giáp với các nước dùng văn hệ Phạn ngữ (như Chăm-pa, Phù Nam, Chân Lạp) lẫn văn hệ Hán ngữ (Trung Quốc), các nhà sư có thể tìm người phiên dịch dễ dàng, và học ngoại ngữ trước khi truyền đạo.
Ÿ Khương Tăng Hội được ghi nhận là theo cha sang Giao Châu buôn bán, nhưng cha mẹ chết hết, ngài lớn lên và xuất gia học Phật ở Giao Châu, sau mới sang Trung Hoa ở tại Lạc Dương dịch kinh. Thời Tam Quốc loạn lạc, ngài lại về Giao Châu. Sau, Ngô Tôn Quyền sùng mộ, mời ngài trở lại.
Như vậy, cả Mâu Tử lẫn Khương Tăng Hội đều học Phật tại Việt Nam, từ đó đem Phật giáo phát triển sang Trung Quốc, rồi truyền ngược trở lại.
3. Phật giáo thời hậu Lý Nam Đế (571- 602) và Bắc thuộc lần thứ ba (603- 939):
Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam đến thời Lý Nam Đế là khoảng 300 năm đầu (189 – 548) vẫn còn phôi thai chưa thịnh hành, chỉ phớt qua với hình thức thờ cúng lễ bái tổ mà thôi.
Đến thời hậu Lý Nam Đế và Bắc thuộc lần thứ ba Phật giáo mới hưng thịnh. Trong 400 năm này, có các sự kiện lớn như sau:
a. Thành lập dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi
Ÿ Ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ Ấn Độ sang Trung Hoa, được Tổ Tăng Xán khai ngộ, rồi sang Giao Châu (Việt Nam) vào năm 580, ở chùa Pháp Vân, dịch kinh Tổng Trì, được xem là Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam, lập nên dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Ngài tịch năm 594, đệ tử Ngài là Pháp Hiền sau này nối nghiệp, đem thiền tông truyền sâu rộng vào dân chúng Việt Nam.
Ÿ Đặc điểm của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi:
– Bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, nhưng có khuynh hướng Mật tông. Thể hiện qua kinh Tổng Trì (đà la ni).
– Sử dụng sấm vĩ và phong thủy. Các thiền sư Định Không, La Quý An, Pháp Thuận, Vạn Hạnh đều giỏi thuật này. Sấm vĩ là đoán tương lai dựa vào lý âm dương, ngũ hành tương sinh, tương khắc (dựa trên Kinh Dịch, Kinh Thủy...). Phong thủy là xem địa thế để xây dựng (dựa trên sự tin tưởng rằng mặt đất chịu ảnh hưởng của các vì tinh tú).
– Nhập thế giúp dân. Dân chúng bấy giờ ít học vì bị Trung Hoa cai trị hàng ngàn năm, chỉ có tầng lớp tu sĩ ở trong chùa là được học hành tử tế. Vì vậy các nhà sư phải kiêm luôn những nhu cầu thực tế của người dân như dạy chữ, bốc thuốc, coi ngày, chọn đất...
Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi tồn tại từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 13.
b. Sự thành lập dòng thiền Vô Ngôn Thông
Ÿ Nước ta lệ thuộc nhà Tùy, rồi nhà Đường. Khoảng năm 820, Ngài Vô Ngôn Thông sang nước ta, lập nên dòng thiền thứ 2 của Việt Nam là dòng Vô Ngôn Thông. Ngài trú ở làng Phù Đổng (Bắc Ninh) suốt mấy năm ngồi xoay mặt vô vách thiền định. Ngài truyền tâm ấn cho thiền sư Cảm Thành rồi viên tịch (826).
Ÿ Đặc điểm dòng thiền Vô Ngôn Thông:
– Ảnh hưởng thiền đốn ngộ của Lục tổ Huệ Năng.
– Tổ chức tự viện theo thanh quy Bách Trượng.
– Sử dụng thoại đầu đầu tiên tại Việt Nam (thế kỷ 9)
– Xuất hiện ảnh hưởng Tịnh Độ Tông (thế kỷ 11) qua tượng Phật A-di-đà do thiền sư Không Lộ xây dựng.
Ÿ Một số vị truyền thừa nổi tiếng: Khuông Việt, Thiền Lão, Viên Chiếu, Lý Thái Tông, Không Lộ, Thường Chiếu...
Thiền phái Vô Ngôn Thông tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13.
c. Ảnh hưởng của ba đoàn truyền giáo
Nhiều nhà truyền giáo Trung Hoa và Ấn Độ thường mượn đường Việt Nam mà qua lại, nên ghé vào thuyết pháp thường xuyên, nhờ đó Phật giáo Việt Nam được ảnh hưởng tốt. Đáng kể nhất là 3 đoàn của Ngài Minh Viễn pháp sư, Ngài Đàm Nhuận pháp sư và đoàn của 6 nhà sư Việt Nam sang cầu pháp ở Tây Trúc.
4. Phật giáo thời Ngô, Đinh và Tiền Lê (968- 1009)
a-Tình hình tổng quát:
Ÿ Tuy sống trong thời đô hộ của phong kiến phương Bắc nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn phát triển mạnh. Đến năm 938 Ngô Quyền khởi nghĩa thành công, đánh dấu thời kỳ độc lập dân tộc. Các vị vua đầu tiên đều mến mộ đạo Phật, tư tưởng Phật giáo trở thành chủ đạo trong văn hóa, chính trị, phát triển đất nước.
Ÿ Đến thời vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành:
– Phật giáo hưng thịnh, trở thành độc tôn trong xã hội. Phần lớn trí thức đều là sư sãi, học cao hiểu rộng, vừa giỏi Nho học lại vừa giỏi Phật học, lại có đức hạnh nên từ vua đến dân đều kính trọng. Lực lượng sáng tác văn học chủ yếu cũng là các nhà sư.
– Các vị danh tăng thường được nhà vua mời vào luận bàn triều chính và phong cho những tước vị rất cao.
– Đinh Liễn (con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng) cho khắc kinh trên 100 cột đá, dựng lên gọi là kinh tràng.
– Năm 1007, vua Lê Long Đỉnh sai em là Minh Xưởng cùng Hoàng Thành Nhã sang sứ nước Tống dâng tê giác trắng và xin thỉnh hai bộ Cửu kinh và Đại Tạng kinh, vua Tống chuẩn thuận. Đây là lần đầu tiên nước ta công khai sang Trung Hoa thỉnh kinh.
b. Hai vị danh tăng:
Ÿ Khuông Việt Thái sư:
Ngài tên là Ngô Chân Lưu, tinh thông kinh điển, 40 tuổi đã được vua Đinh Tiên Hoàng vời vào triều bàn việc nước (cố vấn) và phong chức Tăng thống. Một năm sau, vua phong làm Khuông Việt Thái sư (Khuông Việt là người có công giúp đỡ sửa sang nước Việt).
Đời vua Lê Đại Hành, vua càng kính trọng Ngài và thường hỏi han việc nước. Sau Ngài cáo lão về mở trường dạy học trò rất đông, và viên tịch.
Ÿ Pháp Thuận thiền sư:
Vua Lê Đại Hành mới lên ngôi đã mời Ngài vào triều bàn việc chính trị, ngoại giao. Ngài làm thơ rất hay nên thường được cử ra đối đáp với sứ giả Trung Hoa. Tương truyền Ngài giả làm người chèo đò đưa sứ giả nhà Tống là Lý Giác qua sông. Khi ấy, Lý Giác tức cảnh sinh tình đọc hai câu thơ rằng:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
(Song song kìa ngỗng một đôi,
Cùng nhau hướng đến chân trời xa xa.)
Nguyên Minh dịch
Người chèo đò ngay lập tức ứng khẩu nối vần:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
(Nước xanh, lông trắng như ngà,
Một dòng biêng biếc đưa xa chân hồng.)
Nguyên Minh dịch
Tài ứng đối của người chèo đò đã khiến cho sứ giả nhà Tống phải nể phục.