Trưởng giả Y Lý Sa rất giàu có, tài sản của ông, ngoại trừ nhà vua ra
thì không có ai có thể so sánh được. Ông có cả chục cái kho, kho nào
cũng tràn ngập vàng bạc châu báu.
Tuy giàu có như thế nhưng ông là một người cực kỳ xấu tướng, sinh ra đã
chân thọt, lưng gù, mắt chột, đã thế tính tình lại bủn xỉn, tham lam, tà
kiến. Cố nhiên ông đã không cho ai một đồng xu nhỏ nào, mà cả đến chính
mình cũng không dám tiêu xài gì cả.
Trước đó, bảy đời tổ tiên của ông đều nổi danh là từ thiện, nhưng đến
khi ông lên nối nghiệp thì hoàn toàn làm ngược lại với nền nếp của ông
cha, cho đến cái nhà chẩn tế (từ thiện đường), ông cũng phá ra để làm
nhà kho. Bình thường, nếu có người hành khất nào đến xin ăn, thì không
những Y Lý Sa không bố thí gì cho người ta, mà còn tay đấm chân đá, đánh
người ta tới bể đầu chảy máu. Cả làng không ai ưa cái con người coi tiền
hơn mạng sống của mình đã đành, mà cả người nhà của ông cũng ghét bỏ
ông.
Một hôm ông phải lên kinh thành chầu vua, trên đường về đi ngang qua một
quán rượu. Quán rất đông khách, hương rượu nồng thoang thoảng bay qua
cánh cửa hé mở khiến Y Lý Sa phải nuốt nước miếng, muốn bước vào quán
uống một ly. Nhưng bỗng nhiên ông lại nghĩ rằng: “Nếu ta bị người nhà
nhìn thấy đang ngồi uống rượu, thế nào họ cũng đòi uống, lúc ấy tài sản
của ta sẽ bị hao hụt hết còn gì!”.
Muốn bảo toàn gia tài, Y Lý Sa thà nén cơn thèm rượu của mình và cương
quyết rời xa quán rượu. Nhưng trên con đường ấy có quá nhiều quán rượu
khác, cuối cùng không không tự kiềm chế nổi, ông bèn bước vào mua một
bình rượu và lén tìm một chỗ có nhiều lùm cây trong rừng, một mình rót
rượu uống vô cùng khoái trá.
Cha của Y Lý Sa, do vì lúc còn sinh thời thích bố thí và cứu giúp người,
nên sau khi chết sinh lên cõi trời làm Thiên Đế Thích.
Đúng lúc ấy, Thiên Đế Thích nghĩ tới chuyện nhà của mình, không biết đứa
con trai có nối tiếp sự nghiệp từ thiện bố thí cứu khổ hay không? Khi
ông khám phá ra thằng con vô nghì là một thứ keo kiệt bủn xỉn, tới ăn
cũng không dám ăn, sợ người nhà tới xin chia, đến nỗi phải lén tìm chỗ
kín mà ăn uống một mình, ông động lòng thương liền nghĩ cách cho nó một
bài học để sớm cải hối.
Thiên Đế Thích liền biến thành một người giống hệt như Y Lý Sa. Thừa lúc
Y Lý Sa còn đang uống rượu trong rừng cây, ông đến hoàng cung xin gặp
vua. Vua hỏi:
– Đại trưởng giả! Giờ này không phải là lúc chầu triều, ông đến gặp ta
có chuyện gì?
Y Lý Sa giả trả lời:
– Đại vương, không có gì khác hơn là chuyện này, nhà của hạ thần có quá
nhiền vàng bạc châu báu, xin đại vương cho sứ thần đến nhà của hạ thần
lấy bớt đem về bỏ trong ngân khố quốc gia, khi nào cần mang ra sử dụng.
– Không! Tài sản do ông khổ công tạo ra, ta không nỡ lấy!
Tuy vua từ chối rồi, nhưng Y Lý Sa giả vẫn nài nỉ:
– Nếu đại vương không lấy thì thần nên đem tài sản ấy cho ai bây giờ?
– Trưởng giả! Người nghèo khổ rất nhiều, họ đang cần ông bố thí đấy!
Y Lý Sa giả nghe vua nói thế, giả vờ như vỡ lẽ ra, liền trả lời:
– Phải rồi, thần phải đem tiền đi bố thí cho người nghèo.
Thiên Đế Thích trong lốt Y Lý Sa bèn trở về nhà, mở hết kho vựa, kêu
người nhà, vợ con cùng nô bộc tỳ nữ đến bảo rằng:
– Hãy ra ngoài đường mà nói với mọi người rằng nhà Y Lý Sa hôm nay mở
đại hội bố thí, ai nghèo khổ thì có thể đến đây nhận tiền cứu trợ.
Tin đột ngột ấy làm cho ai nấy đều lấy làm quái lạ. Bình thường bản tính
Y Lý Sa keo kiệt tới mức nào, ai lại chẳng biết? Hay là hôm nay ông say
rượu và trở nên tốt bụng, chịu xuất tiền ra bố thí?
Rất nhiều người, thôi thì nào bao nào túi, nào giỏ nào xách, tụ tập
trước nhà của trưởng giả. Y Lý Sa giả rất rộng rãi, thấy túi nào bao nào
chìa ra cũng đong đầy vàng bạc vào, người nhận ai cũng vui mừng tán
thán.
Lúc ấy Y Lý Sa thật uống xong bình rượu bèn ra khỏi rừng cây, chuếnh
choáng trở về nhà. Lúc mới bước ngang qua cửa nhà, thấy đằng trước có
rất đông người đang đứng xếp hàng dài như một con rắn vĩ đại, ai nấy
cũng đeo xách đeo giỏ, ai nấy cũng đều vui mừng rạng rỡ.
Y Lý Sa không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bèn hỏi họ:
– Các người đứng đây làm gì vậy?
– A! Hôm nay là ngài trưởng giả Y Lý Sa mở đại hội bố thí, ông là người
làng mà chưa biết hay sao?
Y Lý Sa không nghe thì thôi, mà nghe rồi thì sợ hãi rụng rời, suýt nữa
té xỉu xuống đất. Khi ông thấy những người nghèo hèn này đem từng bao,
từng bao đựng đầy bảo vật lấy từ kho của ông ra, ông vội nhào tới bấu
lấy, hét lên:
– Mấy người là đồ ăn cướp! Tiền bạc này là của ta, tại sao lại dám tùy
tiện tới lấy!
Những người nghèo này nghe ông nói toàn những lời thô ác, thì nổi giận
vung tay tới đánh. Thật đáng thương cho Y Lý Sa, bị một trận đòn đau,
thừa lúc hỗn loạn bèn bò ra khỏi đám đông để chạy về nhà. Lúc ấy ông đã
tỉnh rượu, nhưng người giữ cửa chặn lại không cho ông vào.
– Thế này là nghĩa thế nào? Ta là chủ của các ngươi mà các ngươi cản
không cho ta vào, các ngươi đang làm loạn phải không?
Trưởng giả Y Lý Sa la hét rầm rĩ, nhưng bù lại chỉ bị ăn đòn thêm, cuối
cùng không biết làm gì hơn là bất lực nhìn tài sản của mình bị lấy đi
không ít. Ông chạy đến hoàng cung như một người điên, cầu khẩn nhà vua:
– Đại vương! Có phải chính ngài là người ra lệnh mở cửa kho của hạ thần
cho người ta đến cướp tài sản không?
– Trưởng giả, ta không hề hạ lệnh, không phải chính ông mới là người
muốn mở đại hội bố thí hay sao?
Người trưởng giả keo kiệt kia ruột gan như lửa đốt, đỏ mặt tía tai nói
rằng:
– Từ trước đến giờ hạ thần quý trọng tài sản như chính mạng sống của
mình, có lý nào lại đem tiền bạc trong kho ra phân phát cho thiên hạ,
xin đại vương mở cuộc điều tra giúp hạ thần!
Vua bèn phái sứ thần đến nhà trưởng giả, không bao lâu, Y Lý Sa giả cùng
vợ con và gia nhân của Y Lý Sa thật đều được đưa đến trước mặt vua và
các quan đại thần. Hai ông Y Lý Sa giống nhau không thể nào phân biệt
được ai thật ai giả, cuối cùng vua bảo phu nhân ra nhận diện. Nhưng phu
nhân lại nhận ông Y Lý Sa chịu bố thí và làm việc thiện làm chồng, và
tất cả, từ con cái tới người làm công trong nhà, ai ai cũng nhất định từ
chối ông Y Lý Sa keo kiệt kia.
Y Lý Sa thật bèn nhớ tới cái nhọt trên đầu, bình thường không ai có thể
nhìn thấy được. Ông bèn gọi thợ hớt tóc đến kiểm chứng, thợ hớt tóc kiểm
rồi bèn thưa với vua:
– Đại vương! Cả hai người đều có nhọt trên đầu, hạ thần không phân biệt
được ai thật ai giả.
Người trưởng giả keo kiệt kia nghe thợ hớt tóc nói như thế rồi thì run
lẩy bẩy, quá lo sợ tài sản bị chiếm đoạt nên té xỉu xuống đất ngay tại
chỗ. Chính giây phút ấy Y Lý Sa giả mới hiện nguyên hình, nói với vua
rằng:
– Đại vương, ta không phải là Y Lý Sa, ta là Thiên Đế Thích.
Nói xong bèn gọi Y Lý Sa dậy, người xung quanh vội lau mặt cho ông tỉnh.
Thiên Đế Thích nói với ông rằng:
– Y Lý Sa! Tài sản ấy là sở hữu của ta chứ không phải của ngươi, ta
chính là cha của ngươi đây! Nhờ làm điều thiện, hành bố thí nên sinh làm
Thiên Đế Thích. Nhưng ngươi lại phá hoại gia quy của ta, trở thành một
người bủn xỉn như vậy. Lòng tham của ngươi không đáy, đã phá hủy nhà
chẩn tế, đuổi mắng kẻ ăn xin, một mực bảo thủ tài sản, tự mình không dám
dùng cũng không bố thí cho người khác. Từ ngày hôm nay trở đi, ngươi
phải xây lại nhà chẩn tế của ta, thực hành bố thí và làm việc thiện,
bằng không thì bao nhiêu tài sản ấy sẽ bị ta biến thành cát bụi hết!
Lời răn bảo của cha đã làm cho Y Lý Sa tỉnh ngộ. Từ đó ông chịu làm việc
thiện, chịu bố thí, giữ gìn theo Năm giới, về sau cũng được sinh lên cõi
trời.
Khi Đức Phật thuật lại câu chuyện này xong, Ngài nói thêm: “Y Lý Sa biết
ăn năn ấy chính là tiền thân của ta.”