Một trăm năm sau khi đức Phật nhật Niết-bàn, vị vua trị vì nước Ấn Độ
tên là A Dục. Vua A Dục tính tình vô cùng tàn bạo, thích tự tay giết
người, và lấy chuyện giết người làm niềm vui.
Ngày nào vua A Dục cũng phải giết người mới vui, ban đầu ông chỉ giết
những tội phạm trong tù, về sau số tội nhân không còn bao nhiêu và cuối
cùng, không còn ai cho ông giết nữa. Nhưng ông lại quen thói giết người
rồi, nên phải quay sang bắt người vô tội đem ra giết.
Vua quen giết người nên thấy đó là chuyện thường, nhưng dân chúng thì sợ
hãi đến cực độ. Có một vị đại thần thấy thế không chịu đựng được nữa nên
đã dâng kiến nghị lên tâu rằng:
– Đại vương, mỗi ngày đại vương lấy việc tự tay giết người làm trò vui,
nhưng ảnh hưởng của việc này đối với nhân tâm hiện tại đã không tốt, đối
với hậu thế cũng không tốt. Nếu đại vương thích chuyện giết chóc, chúng
thần có thể tìm một người hiếu sát làm chuyện ấy thay thế cho đại vương,
để đại vương khỏi bị mang tiếng sát nhân, chẳng hay đại vương thấy thế
nào?
Vua A Dục thấy giải pháp này rất hay nên chấp thuận, bảo họ đi tìm một
người như thế. Các vị đại thần đi tìm khắp nơi một kẻ khát máu về làm
đao phủ thủ, nhưng không ai bằng lòng nhận lãnh làm việc này.
Về sau, tại một địa phương hẻo lánh, họ tìm được một người tên là Kỳ Lệ,
đây là một người tính tình cực kỳ hung ác bạo ngược, tàn khốc không ai
bì kịp.
Người này sinh sống bằng nghề săn thú, chuyên môn dùng tên độc bắn chết
thú vật, lại còn thích giết người, nên ai ai cũng xa lánh chẳng dám đến
gần. Kỳ Lệ đến thành Hoa Thị là thủ đô của vua A Dục, vua gặp người sắp
thay thế mình thì rất hài lòng.
Kỳ Lệ xin vua A Dục xây cho mình một tòa nhà thật lớn dùng làm pháp
trường, trong đó bày biện đủ các thứ khí cụ để giết người. Trong pháp
trường, họ còn đặt ra các phương pháp khác nhau để tra tấn giết chóc, và
quyết định rằng hễ có người đặt chân vào tòa nhà này rồi thì không có
ngày trở ra, vì thế tòa nhà này có tên là “địa ngục nhân gian”.
Tại một vùng duyên hải, có một cặp vợ chồng sinh được một đứa con trai,
vì họ sống ở ven biển nên đặt tên cho con là Vị Hải.
Về sau nhà này bị giặc cướp tấn công, hai vợ chồng chẳng may mất mạng,
chỉ còn lại Vị Hải tuổi còn nhỏ mà đã mất cả cha lẫn mẹ, không biết làm
sao mà sống. May có một vị tỳ-kheo đi ngang chỗ ấy, thấy thế bèn đem Vị
Hải về cho xuất gia.
Vị Hải theo sư phụ xuất gia làm sa-di, rất ngoan ngoãn tinh tiến tu
hành. Một hôm, chú đến thành Hoa Thị khất thực, thấy một tòa nhà cao
lớn, muốn khất thực hóa duyên nên mới tiến vào bên trong. Chú không thấy
bóng dáng một người nào mà chỉ thấy hai bên bày biện những khí cụ giết
người rất ghê rợn, chú lấy làm quái dị, vội vàng tìm đường thối lui,
nhưng bỗng nhiên người giữ cửa tiến tới cản đường:
– Ê! Chú sa-di kia! Chú không biết quy luật ở đây sao? Tòa nhà này có
tên là Địa ngục nhân gian, do Đại vương Vô Ưu
[12]
sai chủ nhân của ta là ông Kỳ Lệ về đây trấn thủ. Ai vào đây rồi đều
không được trở ra nữa!
Lúc ấy Kỳ Lệ nghe có tiếng người cũng bước ra, ngăn không cho Vị Hải tìm
đường trốn thoát:
– Số của mi xui xẻo, thôi thì hãy ngoan ngoãn chờ chết đi!
Vị Hải biết rằng lý luận với những kẻ không còn nhân tính này không ích
lợi gì, nên nói:
– Tôi không hề sợ chết, nhưng nghĩ mình tu hành chưa chứng được quả vị,
thật là đáng tiếc. Bây giờ tôi chỉ xin các ông kỳ hạn cho tôi một tháng
nữa thôi, cho phép tôi gia công tu hành, sau đó tôi sẽ để cho các ông
tùy ý xử tử.
– Xin gia hạn ngày chết, mi thật là vọng tưởng! Nhưng thôi được, ta niệm
tình mi nhỏ tuổi, nhưng một tháng lâu quá. Ta chỉ gia hạn cho mi bảy
ngày nữa thôi!
Vị Hải chỉ còn có bảy ngày nữa để sống, chú bèn lui vào một góc nhà gia
công tu hành, hy vọng trong thời hạn bảy ngày ngắn ngủi đó có thể giác
ngộ và chứng quả.
Nhưng giác ngộ chứng quả không phải là chuyện dễ dàng, mà thời gian thì
cứ thế mà từng ngày từng ngày trôi qua. Hôm nay đã qua tới ngày thứ bảy
rồi, Vị Hải chỉ còn có ngày hôm nay để sống nữa thôi, ngày mai sẽ phải
chịu xử tử hình. Thế mà hiện bây giờ vọng niệm còn rối bời trong tâm
chú, còn giác ngộ và chứng quả thì chẳng thấy tăm hơi đâu cả!
Chiều tối đến, “địa ngục nhân gian” có thêm một người khách, đó là một
thiếu nữ bị kết tội không trinh tiết.
Vị Hải nhìn thấy tên Kỳ Lệ lòng lang dạ thú dùng chùy sắt đập vào đầu,
vào mặt cô gái, cô gái bị đánh đến lòi cả mắt ra ngoài. Bỗng nhiên chú
khởi tâm thương xót, và đối với thế gian thì lại khởi tâm yếm ly muốn xả
bỏ. Chú chợt nhớ lại lời dạy của đức Phật “sắc thân con người do ngũ ấm
hợp thành, rất mong manh và không có thật”. Chú nhìn lại cô thiếu nữ nọ,
bị đánh thêm một cái nữa là trong khoảnh khắc hồn lìa khỏi xác.
Thân người thì không có gì chắc chắn, thế gian thì đầy khổ não, nếu
không phải là một thánh nhân giải thoát thì không có cách nào tránh khỏi
khổ đau. Vị Hải lại nỗ lực quan sát thêm nữa, đêm càng lúc càng đen
nhưng tâm của chú thì càng lúc càng sáng. Chú chứng được sơ quả Tu Đà
Hoàn, gia công tinh tiến thêm, chứng được nhị quả, tam quả và cuối cùng
thành tựu được đại quả A-la-hán. Lúc đó, bình mình của ngày thứ tám đã
bắt đầu ló dạng.
Kỳ Lệ bước tới trước mặt Vị Hải nói:
– Bảy ngày đã qua rồi, hôm nay là ngày thứ tám, mi hãy chuẩn bị chờ
chết.
Vị Hải trả lời rất điềm nhiên:
– Tốt lắm! Tốt lắm! Đêm đen của ta đã qua, ánh sáng của ta đã đến. Ngày
tốt đến rồi thì ông cứ việc tùy ý mà xử tử!
Kỳ Lệ ném Vị Hải vào trong một cái nồi bằng đồng, trong lòng nồi chứa
đầy nước phân, nước tiểu dơ bẩn, phía dưới thì đốt củi khô. Lửa cháy đỏ
hừng hực, ánh lửa rực lên một góc trời. Lửa đốt thật lâu nhưng nước cứ
tiếp tục lạnh ngắt, cả cái nồi đồng cũng chẳng nóng lên chút nào.
Kỳ Lệ cho châm thêm lửa mà vẫn chẳng thấy nhiệt độ tăng lên, hắn nổi cáu
quát tháo người châm lửa là đồ vô dụng, rồi tự tay ném thêm vào lò rất
nhiều củi gỗ, và còn thêm than và dầu. Lửa bùng to hơn, nhưng nước trong
nồi vẫn mát rượi. Hắn đưa mắt nhìn xem Vị Hải đã chết chưa, thì thật là
không thể tưởng tượng được! Nước dơ bẩn ô uế kia đã biến thành thanh
tịnh từ bao giờ, trên mặt nước còn nổi lên những đóa hoa sen, còn Vị Hải
thì ngồi kết già trên một đóa sen ngàn cánh.
Bốn phía rực lên ánh sáng rực rỡ, nhưng không phải là một thứ ánh sáng
tầm thường, mà là ánh sáng màu hoàng kim làm chói mắt người nhìn. Tên Kỳ
Lệ hung ác ấy không biết phải làm gì hơn là đem chuyện này lên tâu với
vua A Dục.
Vua A Dục nghe chuyện, thấy đây là một sự kiện kỳ lạ nên đem thật nhiều
đại thần tùy tùng đến xem thực hư ra sao. Thấy sự thật rồi, vua A Dục
bỗng khởi lên một lòng tôn kính hy hữu, quỳ xuống đất xấu hổ mà nói:
– Đại Đức! Xin hãy tha thứ cho bọn chúng con dốt nát, bây giờ được thấy
ngài như thế này con rất là xấu hổ! Tất cả những thứ này đều do con gây
tội, xin ngài từ bi tha thứ cho chúng con, cứu độ cho tất cả chúng con!
Vị Hải nói:
– Tốt lắm! Tốt lắm! Lúc đức Phật còn tại thế đã thọ ký cho ông rồi! Đức
Phật có nói, một trăm năm sau khi Ngài nhập diệt, sẽ có một vị vua tên A
Dục là đại hộ pháp của Phật giáo, truyền bá pháp âm và dựng tháp, tạo
phúc.
Vua A Dục nghe nói cách đây một trăm năm mà đức Phật đã biết sẽ có mình
rồi, lại càng tăng thêm lòng tin, và xin quy y Tam Bảo. Bao nhiêu tâm ý
ác độc đã tan biến hết, vua A Dục biết sám hối một cách chân thành nên
được cứu độ.
Vị Hải rất vui mừng vì đã làm được một việc công đức cho chúng sinh, vua
A Dục cũng rất vui mừng vì đã tìm được chỗ quy y chân chính. Lúc vua A
Dục lên tiếng thỉnh Vị Hải về cung với mình thì tên Kỳ Lệ bạo tàn, thấy
vua A Dục sửa soạn lui về thành vội vàng tiến lên cản đường:
– Đại vương! Chính ngài là người đưa ra quy luật là chỗ này chỉ có thể
vào chứ không thể ra. Bây giờ ngài cũng không được phép đi ra, xin ngài
ở lại chịu tội.
Vua A Dục nghe thế giật mình kinh hoàng, nhưng ông tự trấn tĩnh lại
ngay, hỏi rằng:
– Mi là người vào đây trước, hay ta là người tới trước?
– Thần là người vào đây trước!
– Nếu mi là người vào đây trước thì mi sẽ bị trị tội trước!
Đám đại thần tùy tùng của vua bèn tóm ngay Kỳ Lệ ném vào lửa cho chết
cháy, và dở tháo, hủy diệt luôn căn nhà “địa ngục nhân gian” ấy.
Từ đó trở đi, vua A Dục dùng chính sách nhân từ trị dân, dựng tháp cúng
dường, gieo rắc Pháp Phật ở nước ngoài, dân chúng do đó được sống những
chuỗi ngày an lạc.
Sám hối là con đường đưa đến sự cứu độ. Người bằng lòng sám hối là người
được sống một cuộc đời mới. Như vua A Dục vốn là một người hung ác, thế
mà chịu sám hối sửa lỗi, trong một niệm đã trở thành một người thiện
lành.
Sửa lỗi và sám hối thật là một pháp môn đại công đức, đáng tôn quý lắm
vậy!