Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
I. PHÁP VỀ Y[1]
Cho phép dùng 10 loại y phấn tảo sau đây[2]:
1) Y trâu nhơi.
2) Y chuột gặm.
3) Y bị cháy.
4) Y nguyệt thủy.
5) Y sản phụ.
6) Y trong miểu thần.
7) Y nơi gò mả, do chim tha, gió thổi bay các nơi.
8) Y cầu nguyện[3].
9) Y nhận vương chức.
10) Y vãng hoàn.
- Không nên dùng y của người chết nơi huyệt mả.
- Không nên dùng y phấn tảo phơi trên tường trên rào (vì có thể là cư sĩ giặt phơi).
- Không nên dùng y nơi chỗ người bị xử tử. (đao phủ hành sự rồi, cởi áo của tử thi bỏ đó rồi lấy).
- Không nên lấy y của người chết chưa mục hư. Người chết chưa mục hư không nên đạp cho hoại để lấy y.
- Không nên lấy y của người ta chất đống[4] (tức y của cư sĩ cởi ra).
- Y phấn tảo không có chủ thì thuộc người nào lấy trước. Nếu cùng lấy thì cùng chia.
- Không nên lấy y trang nghiêm cúng dường nơi tháp.
- Cho phép dùng y cắt rọc may thành. Y ấy chưa giặt cho phép tự giặt, hay nhờ người giặt. Cho phép sắm đồ để giặt, tấm ván để giặt, dao để cắt rọc.
- Nên dùng y 5 điều, không nên dùng y 6 điều. Nên dùng 7 điều, không nên dùng 8 điều. Cho đến 19 điều không nên dùng 20 điều. Nếu quá số lượng điều số này thì không nên chứa.
- Cho phép dùng chiều dài 4 khuỷu tay, rộng 2 khuỷu tay làm y An-đà-hội. Rộng 3 khuỷu tay, dài 5 khuỷu tay làm y Uất-đa-la-tăng và Tăng-già-lê. (Rộng là bề đứng, dài là bề ngang).
HỎI: - Ba y của Tỳ-kheo, các bộ đều dùng mức lượng đứng 3 khuỷu tay, ngang 5 khuỷu tay. Nay may pháp y mức lượng đâu phải không vượt quá, vậy có tội hay không? Hơn nữa, luật Tứ phần nói y Tăng-già-lê không quá 19 điều, luật Tăng kỳ nói không quá 15 điều. Chỉ có luật Căn bản cho phép đến 25 điều. Nay đều gọi y 25 điều là thượng thượng y. Ðó là định lượng chăng?
ÐÁP: - Ba khuỷu tay, năm khuỷu tay, quyết không thể vượt qua định mức ấy. Cho nên Luật nhiếp nói rằng: “Quá mức lượng này đều mắc tội ác tác”. Thời nay, may pháp y bề đứng tuy chưa chắc đã quá 3 khuỷu tay, nhưng bề ngang thì đâu không hơn 5 khuỷu tay. Lại ngụy biện rằng: “Tùy theo phong tục địa phương”. Nên biết thọ trì như vậy, đắp mặc thì mỗi bước phạm một Ðột-kiết-la. Hơn nữa, y bên Tây quốc, hoặc là y phấn tảo, hoặc là do đàn việt dâng, có trường hợp nhận được dài và rộng mà điều cách có thể ít. Có trường hợp nhận được y tạp toái[5] thì điều cách lại nhiều. Không những luật Tăng kỳ, luật Tứ phần không quý trọng nhiều điều cách, mà luật Căn bản cũng chỉ nói ba cấp đầu, ba cấp kế, ba cấp sau, chứ chưa từng gọi là thượng trung hạ vậy. Huống nữa, kinh Phạm võng chỉ nói: Cà-sa[6] 9 điều, 7 điều, 5 điều. Ðức Phật phú cho Tổ Ca-diếp truyền đến ngài Di-lặc, cũng chỉ là cà-sa bằng tơ vàng 13 điều mà thôi. Nay dùng 25 điều thì tốn công phí của biết chừng nào. Thật đáng buồn cười!
- May y mới, An-đà-hội và Uất-đa-la-tăng thì may một lớp, Tăng-già-lê thì hai lớp. Nếu vải cũ thì An-đà-hội và Uất-đa-la-tăng hai lớp, còn Tăng-già-lê thì bốn lớp. Nếu là y phấn tảo thì nhiều hay ít lớp tùy ý.
- Trường hợp nhận được man y[7], dài rộng vừa đủ, cắt rọc ra thì thiếu, cho phép may ép lá vào làm điều số.
- Không nên không mặc y cắt rọc vào xóm làng. Không nên mặc y lật ngược vào xóm làng. Ngoài xóm làng cho phép mặc lật ngược.
- Không được mặc một y, trừ đến chỗ đại tiểu tiện.
- Không nên mặc y 5 màu, y bằng cỏ, y bằng da, y bằng vỏ cây, y bằng lá cây, y bằng châu anh lạc, y bằng lông chim Thứu, y bằng tóc người, y bằng lông đuôi ngựa, y bằng lông đuôi trâu Mao.
- Y rách cho phép may vá lại, cho phép mặc y chằm vá nhiều lớp, tùy theo chỗ rách lớn nhỏ vuông tròn mà vá lại.
- Có cư sĩ đem y đến nói: “Y này cho Tỳ-kheo tên là...” Tỳ-kheo nói: “Tôi không cần dùng”. Cư sĩ nên đem y đến đặt trước mặt Tỳ-kheo rồi đi. Trường hợp như vậy cho phép vì thí chủ nên dùng tay xếp lấy. Ðến khi cần dùng cho phép thọ trì.
- Y quý giá trải dưới đất, không nên bước lên trên đó mà đi. Không nên dùng y quý giá trải phủ trên mặt đất. Cho phép dùng làm mền nằm, tòa ngồi, gối đầu, đắp lên trên y.
- Không nên làm trướng (dùng treo bốn bên trong phòng). Không nên làm hiên (treo quanh nhà).
Cho phép sắm đại cà-sa có màu sắc, rộng ba ngón tay, quấn quanh lưng ba vòng. Nếu dây quá nhỏ, thường cột dễ đứt nên làm cái khuy để cột, không nên dùng vật quý báu để làm.
- Lạnh cho phép mặc áo ấm (may hai lớp vải bên trong độn bông vào), quốc độ có sương giá lạnh cho phép mang bít tất, cho phép đội mũ ấm.
- Thân thể có ghẻ hôi thúi cho phép sắm khăn lau thân, mặt nhớp cho phép sắm khăn lau mặt. Bệnh chảy nước mắt cho phép sắm khăn lau nước mắt.
Luật Tăng kỳ nói:
Y phi thời mà dư nên biếu cho Tăng. Y đúng thời nhiều quá, nên lấy phân nửa biếu cho Tăng.
Trì ba y, bình bát tức là thiểu dục thiểu sự.
May đường viền đường nẹp rộng nhất bằng 4 ngón tay, hẹp nhất như bề ngang của hột lúa lớn. Y
5 điều phải 1 dài 1 ngắn, 7 điều đến 13 điều 2 dài 1 ngắn, 15 điều 3 dài 1 ngắn.
Luật Căn bản nói:
Bảo vệ pháp y, như bảo vệ da của mình. Cần nên giặt nhuộm chằm vá tùy từng việc mà sử dụng.
Tăng-già-chi (Tăng-già-lê) có 9 loại. Từ 9 đến 25 điều. Ba loại thứ nhất 2 dài 1 ngắn, ba loại thứ hai 3 dài 1 ngắn, ba loại thứ ba 4 dài 1 ngắn, nên may nên mặc. Quá số ấy trở lên tức thành phá nạp.
Loại thượng (cao nhất) bề đứng 3 khuỷu tay, bề ngang 5 khuỷu tay. Loại hạ (thấp nhất) bề đứng 2 khuỷu rưỡi, bề ngang 4 khuỷu rưỡi. Khoảng giữa 2 loại ấy là thuộc loại trung. Ốt-đát-la-tăng-già (Uất-đa-la-tăng) và An-đát-bà-ta (An-đà-hội) mức lượng cũng như Tăng-già-chi (Tăng-già-lê). Lại có 2 loại An-đát-bà-ta:
1) Ðứng 2 khuỷu tay, ngang 5 khuỷu tay.
2) Ðứng 2 khuỷu tay, ngang 4 khuỷu tay.
Trong bộ Tạp sự nói:
Trên vai may một cái khâu, trước ngực may một cái khâu. Tướng của lá có ba cỡ: lớn nhất bề rộng bốn ngón tay, hoặc như cái chân con chim sòe ra. Cỡ nhỏ bằng 2 ngón tay, hoặc như móng tay cái, khoảng giữa của hai cỡ này là bậc trung.
Không nên mặc ba y mà cạo tóc, nên sắm cái y riêng để cạo tóc. Hay là dùng Tăng-cước-kỳ[8] để che thân mà cạo.
Nên dùng một cái đồ đựng y, cái y nào thường dùng thì để trên, cái ít dùng thì để dưới.
Cái mùng che muỗi để ngồi thiền giáp vòng 12 khuỷu tay, bên trên may một cái trần mùng. Bề dài bốn khuỷu tay, bề rộng hai khuỷu tay. Tùy theo thân người cao thấp mà xổ xuống cho vừa. Treo trên một sợi dây để nó rũ xuống. Làm một cái cửa giáp lại, nóng thì dùng quạt để quạt. Bên dưới lấy biên của chiếc chiếu đè lên trên để muỗi khỏi chui vào.
Y Tăng-già-chi đóng vai chủ trong các y, không nên đắp mặc bừa bãi mà nên dùng vào các việc như: khi vào tụ lạc, khi khất thực, khi thọ trai, lúc nhập chúng, lễ bái tháp, lễ bái Phật, Pháp, lễ bái hai thầy và đồng phạm hạnh có thể mặc đại y. Y Ốt-đát-la-tăng-già nên mặc nơi sạch sẽ và khi ăn v.v.. y An-đát-bà-ta có thể đắp mặc lúc nào cũng được.
Bộ Mục-đắc-ca nói:
Bọn giặc cướp đoạt của cải (vải v.v...) của đoàn con buôn, bỏ sót lại, không được lấy. Nếu người chủ của đoàn buôn tùy ý cho thì được nhận. Trường hợp người chủ của bãi tha ma và thần miếu cũng vậy.
Luật cho phép các Tỳ-kheo chứa cất 13 vật dụng như sau:
1) Y Tăng-già-chi (Tăng-già-lê).
2) Y Ốt-đát-la-tăng-già (Uất-đa-la-tăng).
3) Y An-đát-bà-ta (An-đà-hội).
4) Ni-sư-đãn-na (Ni-sư-đàn).
5) Quần (y tắm).
6) Quần cụt (Niết-bàn-tăng).
7) Tăng-cước-kỳ (áo lót).
8) Tăng-cước-kỳ phụ (áo lót cụt tay).
9) Khăn lau mặt.
10) Khăn lau thân.
11) Y che ghẻ.
12) Y cạo tóc.
13) Y uống thuốc.
Tùy theo mỗi món đều có tên riêng để gọi mà thọ trì. Ðối trước một Tỳ-kheo nói thế này: “Cụ thọ ghi nhận cho, đây là y Tăng-già-chi, nay tôi thọ trì. Ðã may thành y, thành đồ thọ dụng”. Nói như vậy 3 lần. Bao nhiêu y khác, căn cứ theo đây mà thưa để thọ trì. Chỉ có y uống thuốc thì nên thêm “vì bệnh duyên”. Ngoài ra, nếu thêm loại y nào nên đối trước hai thầy mà thưa gởi, phân biệt để thọ trì. Ðối trước một Bí-sô thưa như thế này: “Cụ thọ ghi nhận cho. Tôi Tỳ-kheo... Có cái y dư này, chưa vì nó mà phân biệt, nay để hợp thức hóa vấn đề phân biệt. Tôi nay đối trước Cụ thọ vì nó phân biệt, dùng để ký gởi cho Tỳ-kheo... Tôi nay thọ trì”. Nói như vậy 3 lần (đây là vấn đề tịnh thí).
Trường hợp y bị rách nên dùng chỉ chằm vá lại. Nếu lủng lỗ nên vá lại. Nếu bên trong bị hư mục nên dùng hai miếng vải vá ép lại. Nếu hư mục quá không thể vá được, nên xé ra làm tim đèn. Hoặc có thể bằm nhỏ trộn với hồ để trét, trám vào những lỗ trống, hay là trét vào vách tường. Sử dụng như vậy làm cho người thí chủ phước đức được tăng thêm.
Luận Tát-bà-đa nói:
Ba y bị rách không kể lỗ lủng lớn hay nhỏ, nhưng đường viền không bị đứt đoạn vẫn phải thọ trì. Nếu y lâu bị phai màu, vẫn cứ thọ trì. Sau nhuộm lại màu cuõng không mất việc thọ trì.
Hỏi: - Hiện nay, tương truyền rằng: Nếu ba y bị rách không cho phép tự chằm vá, và việc Tỳ-kheo viên tịch, đem y treo trên cây là thế nào?
Ðáp: - Những gì luật cho phép thì y theo mà làm, những gì không phải luật chế thì không nên tự chế. Nếu tự chế thành phi pháp. Vấn đề y rách không cho phép tự vá rút từ Ngũ bách vấn kinh[9]. Bộ sách này đa phần là nhầm, như trong quyển đầu của bộ Luật này đã nói rõ: Tỳ-kheo viên tịch ba y của đương sự cho người nuôi bệnh. Như văn trong Luật đã nói rõ ràng, làm sao có thể làm khác đi được? Giả như muốn tránh khỏi nạn kim-sí điểu[10], thì ắt cần Long vương đến cầu xin. Hoặc muốn cột sau cổ trẻ nhỏ cũng phải cần cha mẹ nó đến cầu xin. Trường hợp đem treo cao trên cây, thật sự không lợi ích gì; không thấy luật nào ghi chép như vậy. Thật là buồn cười! Tổn hao của tín thí làm sao tránh khỏi tội?
Bộ Ma-đắc-lặc-già nói:
Không được cất chứa y phấn tảo nhơ nhớp, không sạch. Trường hợp nhận được y phấn tảo nên giặt nhuộm sửa sang cho sạch sẽ tử tế rồi mới thọ trì.
Luật Thập tụng nói:
Ba y không nên thiếu, không nên dư, thiếu thì mắc tội Ðột-kiết-la, chứa nhiều thì mắc tội Xả đọa.
Nếu là y phấn tảo, hay y cư sĩ khéo cắt rọc tu bổ, chằm vá cho tử tế, dùng làm nhân duyên riêng biệt để bố thí. Nếu vải (may y) thiếu, không nên cắt rọc, nên may trên mặt vải đường viền làm điều số của y: 5 điều, 7 điều, 9 điều cho đến 15 điều.
Luật Ngũ phần nói:
Mặc y ngoại đạo mắc tội Thâu-lan-giá. Nếu không biết đó là y ngoại đạo mà là thứ y không phải Phật cho phép đắp mặc thì nên phá hủy đi. Nếu biết là y ngoại đạo nên xé và trải dưới đất bảo người đạp lên trên khiến cho mau hư hoại.
Cách may: Ðiều số phía bên trái thì phủ qua phía bên trái, điều số bên mặt thì phủ qua phía bên mặt, điều chính giữa thì phủ qua hai bên.
Mùng che muỗi nên tùy theo cái giường lớn hay nhỏ mà may.
Giây lưng ngồi thiền không nên rộng quá 8 ngón tay, hẹp không dưới năm ngón tay.
Ba y nên thọ trì. Áo lót, áo ngủ, áo tắm mưa, áo che ghẻ, mùng, vải trải chỗ đi kinh hành, y ngăn rận, y trải giường nhỏ, tọa cụ, y bảo vệ tay, y bảo vệ chân, y bảo vệ đầu, y lau thân, y lau mặt, đãy đựng kim chỉ, đãy đựng bát, đãy đựng guốc dép, đãy lọc nước. Các loại y như vậy, hình thể giống y, tất cả đều nên thọ trì.
Sợ đầu lạnh mắc bệnh, cho phép dùng y trùm lên, cũng cho phép may mão. Khi ấm rồi thì thôi.
Khăn Phú-la không nên may quá dài, cho phép may đến trên mắc cá thôi.
Nhận được vải mới, trước hết nên giặt, rồi căng ra đo, sau mới cắt, may, nhuộm, như pháp mà thọ trì. Không được dùng để gói đồ vật, chỉ nên dùng để hộ lớp da mỏng nơi thân hình mà thôi.
Luật Thiện kiến nói:
Thọ trì ba y khỏi phải thuyết tịnh. Áo mưa thọ trì 4 tháng, quá 4 tháng thì thuyết tịnh. Thọ trì Ni-sư-đàn khỏi phải thuyết tịnh. Y che ghẻ khỏi phải thuyết tịnh, ghẻ lành rồi thuyết tịnh. Thọ trì phu cụ khỏi phải thuyết tịnh. Thọ trì y tạp toái khỏi phải thuyết tịnh. Thọ trì ba y, xả rồi, khi thọ trì y mới phải dùng thân khẩu đối trước Tỳ-kheo nói thuyết tịnh. Nếu không có Tỳ-kheo thì tự lấy tay cầm y tự nói để thuyết tịnh. Nếu tay không cầm y mà nói thuyết tịnh thì không thành. Nên nói tên gọi của mỗi y để thuyết tịnh. Ba y đã xả, làm y tạp toái nên thuyết tịnh. Ni-sư-đàn thọ trì một cái; không được thọ trì hai cái. Phu cụ thì chứa nhiều ít tùy ý, y che ghẻ thì chứa một cái không nên chứa nhiều. Khăn lau tay thì chứa hai cái. Y tạp toái tùy theo có nhiều ít nói để thọ trì thì không phạm. Mền chiếu v.v.. đều thuộc về vật của phòng khỏi phải thuyết tịnh.
Luật nhiếp nói:
Phàm đắp mặc y phục nên bỏ ba loại tâm:
1) Tâm ưa thích xem ngắm làm đẹp.
2) Tâm thọ dụng một cách khinh thường.
3) Mặc với tâm tìm cầu danh vọng. Trá hiện mặc y xấu rách, muốn cho người khác gọi mình có đức có hạnh.
Ấy là ba tâm không nên khởi niệm, chỉ nên mong cầu hoại sắc, đủ bảo hộ thân thể, thuận theo lời dạy của vị Ðại sư, tấn tu thiện phẩm. Nên phát sanh năm loại tâm:
1) Biết cân nhắc, sử dụng có độ lượng, không để thương tổn.
2) Biết thay đổi, không nên mặc luôn một y để nhớp, mau hư mục.
3) Biết suy nghĩ quán sát, nhờ khó khăn mới có được. Nghĩ trả ơn khi thọ dụng, chớ làm điều phi pháp.
4) Biết đúng thời, nóng lạnh sử dụng đúng lúc.
5) Biết số lượng, trong 13 món tư cụ, đủ dùng để
giúp thân; nếu cất chứa nhiều y sẽ nuôi lớn lòng tham, phế bỏ đạo nghiệp. II. PHÁP VỀ BÌNH BÁT
Phần thứ tư[11] nói:
Nếu có vị Tỳ-kheo nào vào trong Tăng thọ trai mà không có bình bát thì vị ngồi gần cho mượn, hay là Tăng trong trú xứ đó cho mượn.
Không nên bát không rửa mà dùng để ăn.
Bát bằng cây là bát của ngoại đạo không nên chứa. Bát bằng đá là bát của Như Lai không nên dùng. Bát bằng vàng, bạc, lưu ly, bảy báu là bát của bạch y, không nên dùng.
Cho phép Tỳ-kheo làm bát bằng thiếc, cho phép chứa tất cả vật dụng để làm bát, cho phép xông bát.
Không nên dùng bát chứa vật gì khác, ngoài vật thực.
Không nên không rửa bát mà đem cất.
Cho phép làm đãy đựng bát, làm dây để đeo bát nơi vai, để bát thòng dưới nách, miệng của bát hướng ra phía trước.
Luật Tăng kỳ nói:
Không cho phép ngăn từng ô trong bát. Nếu dùng bánh hay cơm ngăn không tội.
Luật Căn bản nói:
Bảo vệ bình bát như bảo vệ tròng con mắt, nên trét thì trét, nên xông thì xông.
Luật Thập tụng nói:
Bình bát là tiêu biểu cho hằng sa các đức Phật, không nên đựng đồ bất tịnh.
Luật Ngũ phần nói:
Quá ngọ không nên dùng bình bát để uống, cho phép làm đồ đựng uống, hoặc bằng đồng, bằng thiếc, bằng đất. Cho phép làm riêng một cái để dùng cháo. III. PHÁP VỀ ĂN VÀ UỐNG THUỐC
Kiền-độ dược (thuốc)[12] nói:
Trường hợp thời dược[13] hòa với thời dược hay là phi thời dược[14], thì nên dùng như thời dược. Trường hợp phi thời dược hòa với thất nhật dược[15], nên thọ dụng như phi thời dược. Trường hợp thất nhật dược hòa với tận hình thọ dược[16], nên dùng như thất nhật dược. Trường hợp tận hình thọ dược được hòa với tận hình thọ dược thì nên dùng như tận hình thọ dược.
Không nên tự nấu tự uống. Không được trong giới cùng ngủ với đồ ăn, cùng nấu đồ để ăn. Nên ở bên phòng hoặc chỗ vắng kiết nhà tịnh trù để nấu.
Cư sĩ nhà vườn, chở mọi thứ đồ ăn, thức uống, trên đường đi cúng Phật và Tăng. Trường hợp qua đồng hoang mông quạnh, đồ ăn cũ, bảo người đem cúng hết cho Tỳ-kheo. Tỳ-kheo bạch Phật, Phật cho phép khởi niệm đàn việt rồi thọ nhận, sai tịnh nhơn lấy chớ không nên tự lấy. Khi cần tùy ý sử dụng.
- Có tám loại nước trái cây:
1) Nước trái lê.
2) Nước diêm-phù.
3) Nước trái táo.
4) Nước mía.
5) Nước trái thị.
6) Nước xá-lâu-già[17].
7) Nước trái bà-lâu-sư[18].
8) Nước trái nho.
Nếu không làm say người thì uống khi phi thời, nếu làm say người thì không nên uống. Cũng không nên ngày nay nhận nước trái cây để đến ngày mai mới uống.
Không nên ăn loại quả bất tịnh, nên áp dụng năm thứ tịnh pháp (pháp làm cho sạch)[19]:
1) Tác tịnh bởi lửa (Hỏa tịnh).
2) Tác tịnh bởi dao (Ðao tịnh).
3) Tác tịnh bởi mụt nhọt (Sang tịnh[20]).
4) Tác tịnh bởi chim mổ ăn (Ðiểu trác phá tịnh).
5) Tác tịnh bởi một loại hột trỉa mà không mọc (Bất trung chủng tịnh).
Tác tịnh bởi dao, mụt nhọt, chim mổ ăn nên bỏ hột mà ăn; tác tịnh bởi lửa, hột trỉa không mọc thì ăn hết.
Có người cúng vườn cây ăn trái thì Tăng nên nhận rồi giao cho dân trong Tăng-già-lam hay Ưu-bà-tắc liệu lý (trông coi). Họ muốn chia phần thì tính theo giá thuê mà chia cho họ. Sa-di lo liệu cũng được.
Khi ăn, nuốt luôn hột, sau khi đại tiện, hột ấy mọc cây, không phạm.
Tỳ-kheo trồng rau quả, gieo vãi, bứng trồng chỗ này sang chỗ khác, sau đó đều cho phép dùng để ăn.
Bình đựng tô, bình đựng dầu cho phép đậy. Nếu ai không có tịnh nhơn thì cầm cái dây cột trên nắp, không nên dùng tay chạm vào (đây là loại tô, du ‘dầu’ trong Tăng chứ không phải loại thuốc uống bảy ngày vậy).
Không nên ăn thứ rau bất tịnh, không nên tự tác tịnh. Không nên tự tay cầm bảo người tác tịnh, nên để dưới đất khiến tịnh nhơn tác tịnh. Tác tịnh rồi nên nhận để dùng.
Không nên cố ý xúc chạm đồ ăn tịnh kia để trở thành bất tịnh. Xúc chạm phạm Ðột-kiết-la. Người kia không xúc chạm thì không phạm.
Trường hợp Cư sĩ đem đồ ăn đến gởi cho Tỳ-kheo, sau đoù nếu tự họ ăn, hay đem về; hoặc cho Tỳ-kheo thì cho phép nhận. Tỳ-kheo bệnh cần cháo, bảo tịnh nhơn lấy nước, lấy gạo vo sạch, rửa tay sạch nhận lấy, sau đó tự đun nấu cho chín.
Không được cùng ngủ với cháo trong giới, trong cùng giới nấu cháo, hoặc tự mình nấu. Trường hợp cháo nguội hâm lại thì cho phép. (Kiết giới tịnh trù thì tránh được 2 cái tội: cùng ngủ, cùng nấu).
Muốn nhận tô (váng sữa) mà nhận nhầm dầu, muốn nhận dầu nhận nhầm tô v.v.. đều không thành thọ nhận.
Lúc lúa gạo khan hiếm, cho phép Tỳ-kheo được làm tám việc:
1) Trong giới cùng ngủ với đồ ăn.
2) Nấu đồ ăn trong giới.
3) Tự tay mình nấu đồ ăn.
4) Tự tay nhận đồ ăn.
5) Sớm mai nhận đồ ăn, ăn no rồi, không làm pháp dư thực được ăn thêm.
6) Từ chỗ nhận thức ăn, bưng bao nhiêu thức ăn đến cũng được.
7) Ăn trái nho v.v.. cũng được.
8) Trong nước có vật thực có thể ăn được, cũng được ăn[21].
Nếu lúa gạo dễ dàng trở lại thì không cho phép.
Không thể ăn theo sở thích, theo ý muốn. Tỳ-kheo có bệnh, thuốc tận hình thọ nên uống.
Kiền-độ Ni[22] nói:
Ni được phép nhận thức ăn của Tỳ-kheo. Thức ăn cách đêm (túc thực) của Ni trao cho Tỳ-kheo trở thành tịnh. Tỳ-kheo cũng được phép nhận thức ăn từ Ni. Thức ăn cách đêm của Tỳ-kheo trao cho Ni cũng trở thành tịnh .
Phần thứ tư nói:
Ðồ ăn thức uống dành cúng dường Tháp, thì Sa-di, Ưu-bà-tắc, hay là người xây dựng nên dùng[23]. (Ðồ ăn thức uống dành cúng Tháp phải đủ tam đức lục vị[24]; nếu rau trái còn tươi thì phải tác tịnh. Thời nay dùng đậu nành nấu cả trái lẫn xác, không dùng rau để cúng là điều rất lạ. Ðồ vật cúng Tháp, tất cả không cho phép Tỳ-kheo dùng. Vấn đề này không những chỉ trong Mật bộ mà thôi).
Luật Tăng kỳ nói:
Tỏi củ, tỏi lá, tỏi tép, tỏi sống, tỏi chín đều không được ăn. Trường hợp dùng để trị ghẻ thì cho phép dùng để trị. Thời gian trị bệnh ghẻ phải ở nơi vắng, không nên ở trong chúng. Khi bệnh ghẻ lành, tắm rửa sạch sẽ, mới trở vào phòng Tăng. Khi bệnh, không nên dùng tỏi, nếu bệnh không lành thì cho phép dùng. Dùng rồi, bảy ngày không được nằm trên nệm giường của Tăng, đi tiêu nơi nhà xí của Tăng. Vào trong nhà tắm của Tăng, nhà sưởi, nhà giảng, nhà ăn, không được nhận sự thỉnh mời theo thứ tự của Tăng, cho đến thuyết pháp Bố-tát, tất cả đều không được có mặt. Không được nhiễu Tháp, nếu Tháp ở nơi đất trống thì được phép ở dưới đuôi gió hướng về Tháp để lễ bái. Ðến ngày thứ tám tắm rửa, quần áo xông ướp rồi mới được vào trong chúng.
Luật Căn bản nói:
Không vì việc gì mà đoạn thực (nhịn ăn) thì mắc tội Việt pháp.
(HỎI: - Như Phó Ðại Sĩ, người đời xưng là Di-lặc hóa thân, mỗi lần tuyệt thực làm các khổ hạnh. Ngài Trí Tích Bồ-tát lại uống nước không. Người đời sau bắt chước theo lại có tội hay chăng?
ÐÁP: - Phó Ðại Sĩ khổ hạnh tuyệt thực vì muốn thay thế cái khổ cho chúng sanh. Ngài Trí Tích Bồ-tát giảm ăn chỉ uống nước là muốn điều phục thói quen của phiền não. Cho đến y vào Mật tông, lại có bao nhiêu phương pháp đều không phải là vô cớ mà đoạn thực cho nên không có tội vậy. Song hoặc mượn vấn đề uống nước không, tuyệt thực v.v... để mong cầu danh lợi thì thuộc về loại tà mạng, mắc tội hết sức nặng vậy).
Bộ Ni-đà-na nói:
Nên bảo tịnh nhơn chia trái cho Tăng. Nếu không có tịnh nhơn nên sai Sa-di. Sa-di không có, thì trước hết phải tác tịnh rồi Bí-sô thọ lấy, tức là được phép tự chia.
Luật Thập tụng nói:
Ðồ ăn uống chưa chín nên nấu lại, nếu đồ ăn còn sống thì cho phép hỏa tịnh rồi mới được nấu. Thế nào gọi là hỏa tịnh? Nghĩa là cho nó chạm với lửa.
Tỳ-ni tựa nói:
Có 5 trường hợp cho phép ăn thạch mật[25]:
1) Ði xa về.
2) Bệnh.
3) Ăn ít.
4) Ăn không được.
5) Chỗ chỉ thí nước lã.
Nếu không uống nước thì không cho phép ăn.
Luật Ngũ phần nói:
Không nên leo lên trên cây rờ hái trái cây.
Trường hợp ghe hay xe chở đồ ăn uống, nếu không có tịnh nhơn cầm cương điều khiển (hay lái) thì cho phép Tỳ-kheo tự cầm cương (hay lái).
Trường hợp Tăng dùng xe chở lúa, có một Bà-la-môn lấy một nắm lúa chưa tác tịnh của Tăng liệng vào trong xe, Phật bảo: “Nếu được, nên lựa riêng ra mà bỏ đi, nếu không thể lựa riêng thì cho hốt một nắm mà bỏ đi.”
Ðồ ăn bằng gốc (căn 根) có năm caùch làm cho sạch (tịnh pháp):
1) Bát tịnh (gọt).
2) Tiệt tịnh (chặt).
3) Phá tịnh (làm cho bể).
4) Tẩy tịnh (rửa).
5) Hỏa tịnh (hơ lửa).
Ðồ ăn bằng cọng, lá (hành, diệp 莖葉) có ba cách làm cho sạch:
1) Ðao tịnh (dao)
2) Tẩy tịnh (rửa).
3) Hỏa tịnh (hơ lửa).
Ðựng trong một cái gì hay nhóm thành một đống, trong đó một đơn vị tịnh thì gọi là tổng tịnh (một đơn vị sạch tức là tất cả đều sạch).
Trong gạo có thóc, cho phép sắm cối chày, bảo tịnh nhơn giã giùm.
Luận Tát-bà-đa nói:
Nếu dùng thời dược v.v... trợ giúp để thành thất nhật dược, dùng như thất nhật dược thì không lỗi. Hoặc dùng thất nhật dược v.v... trợ giúp để thành chung thân dược, dùng như chung thân dược thì không có lỗi. Hay là dùng thất nhật dược v.v... trợ giúp để thành thời dược, dùng như thời dược. Theo số lượng nhiều, cùng nhau trợ giúp mà thành vậy. IV. PHÁP NHẬN THỨC ĂN
Kiền-độ pháp[26] nói:
Nếu muốn thọ thỉnh nên đến trong Tăng, vào bữa cơm sáng hay bữa ngọ, đàn việt đứng chỗ thấy được bạch: “Thời đáo”. Thượng tọa đầy đủ oai nghi đi trước dẫn đầu. Nếu có việc Tam bảo hay là nuôi bệnh, nên bạch Thượng tọa rồi đi trước. Hoặc vì mạng nạn, phạm hạnh nạn, cho phép không thưa hỏi cứ đi. Ðến chỗ thọ trai, không nên ngồi lẫn lộn, phải ngồi theo thứ tự thượng, trung, hạ tọa. Phải xem xét oai nghi cho nhau. Nếu có người ngồi không như pháp, không khéo che thân, nên búng móng tay cảnh giác họ. Hoặc nhờ người nói cho họ biết. Không nên tham cầu sự cung kính mà có ý đến sau, để các Tỳ-kheo khác phải đứng dậy.
Nếu có đàn việt đem trái đến dâng cho Thượng tọa, nên hoûi trái đó đã tác tịnh chưa? Nếu chưa tác tịnh, nên bảo họ tác tịnh, nếu họ tác tịnh rồi nên
hỏi: “Ðưa đến cho vị nào?” Nếu nói: “Xin dâng cho Thượng tọa”, thì được phép tùy ý nhận. Nếu nói: “Vì Tăng mà dâng.” thì bảo trao khắp trong chúng. Ðem canh đến cũng vậy.
Trường hợp có Tỳ-kheo không nhận được đồ ăn, cho phép vị ngồi gần nhắc tín chủ. Nếu không có vị ngồi gần thì sớt bớt phân nửa phần ăn của mình cho vị ấy.
Không được nhận thức ăn rồi ăn liền mà phải đợi khi công bố rằng: “Tất cả đều đã nhận rồi”. Sau đó mới ăn.
Không nên co khuỷu tay mà ăn, đề phòng trở ngại người ngồi gần.
Không nên khạc nhổ lớn tiếng, phải khạc nhổ nhè nhẹ, nếu cần.
Trong thức ăn có vật gì cần loại bỏ, nên tập trung bỏ gần bên gót chân, khi đi đem ra bỏ bên ngoài.
Thọ trai xong, nên vì đàn việt nói pháp cầu nguyện, cho đến chỉ một bài kệ. Các vị Tỳ-kheo khác không nên đi trước, nếu vì việc Tam bảo hay nuôi bệnh, nên thưa rồi sau mới đi.
Đàn việt muốn nghe bài pháp nào nên tùy nghi mà trình bày.
Phần thứ tư[27] nói:
Không nên hai người ăn chung một bát.
Không nên nằm dựa trên bàn mà ăn (thân dựa vào bàn như trâu nằm ăn vậy). Tỳ-kheo nào già bệnh cho phép để bát góc đầu giường hay để trên cái bình mà ăn.
Luật Tăng kỳ nói:
Không cho phép cùng ăn trong một bát. Nếu không có bát thì nên dùng đồ sứ, sành hay bằng đất để ăn. Nếu lại không có nữa, thì nên để trong lá mà ăn với nhau. Không được cùng một lúc đưa tay xuống bốc đồ ăn, trừ năm món thức ăn chính, năm món thức ăn tạp, còn bao nhiêu thứ bánh, trái rau ... cùng ăn không có tội.
Không bệnh không nên dựa ghế để ăn.
Thượng tọa nên từ từ ăn, không nên ăn mau, ăn rồi ngồi ngó làm cho hàng thiếu niên vội vã không no.
Bộ Căn bản tạp sự nói:
Không được mặc một quần (An-đà-hội) mà ăn. Tỳ-kheo già bệnh khi ăn nên mặc Tăng-cước-kỳ mỏng nhẹ. Trường hợp bệnh nặng, lúc ăn, nếu ở chỗ vắng vẻ thì chỉ cần mặc một cái quần, cũng được.
Khi lưu thực phổ thí quần sanh, không nên giới hạn vào một loài nào. Cơm thì nên dùng nước rưới lên, bánh bún thì xé nhỏ ra, rải dưới đất, tùy ý chúng dùng không nên ngăn chặn.
Ăn xong, nên vì họ mà nói pháp. Hoặc Thượng tọa hay thứ tọa nói, hay là tùy vị nào có khả năng thì nên mời trước.
Khi đang nói pháp ban kệ tụng, không nên ăn, đợi nói kệ tụng rồi, sau đó mới ăn không lỗi.
Luật Ngũ phần nói:
Cư sĩ thỉnh Tăng thọ trai, không thỉnh không nên đến. Nếu có duyên sự, không vì vấn đề thọ trai mà đến thì không sao. Có khách Tỳ-kheo đến nên hỏi thí chủ, mời vào được không. Nếu họ không bằng lòng, thì nên nói với họ rằng: “Phần ăn của chúng tôi, chúng tôi sẽ chia nhau mà dùng.” Nếu thí chủ vẫn không chịu, thì mỗi người dùng bát nhận lấy phần ăn của mình rồi bưng ra ngoài chia cho nhau cùng dùng. Trường hợp này nếu không được nữa thì trong kho của Tăng có vật thực gì đem ra trao cho Tỳ-kheo khách ấy.
Không nên cùng với bạch y ăn chung một bát. Trường hợp về nhà bà con, họ nói: “Chúng ta không phải ai xa lạ, cũng không phải bất tịnh, tại sao không cùng ăn với nhau một mâm một bát?” Trường hợp như vậy thì cho phép buộc niệm tại tiền cùng ăn, chỉ đừng để đụng tay với nhau mà thôi. V. PHƯƠNG PHÁP NUÔI BỆNH
Phần thứ ba[28] ghi rằng:
Một hôm, Phật đi thăm các phòng, thấy một Tỳ-kheo bệnh, không có người chăm sóc, nằm trong vũng nước tiểu và phân. Ðức Phật hỏi:
- Taïi sao không có ai chăm sóc?
Vị Tỳ-kheo bệnh thưa:
- Khi con không có bệnh, con không chăm sóc bệnh những vị khác, nên nay con bệnh, không có ai chăm sóc.
Phật dạy:
- Ông không chăm sóc cúng dường người bị bệnh đó là một điều không lợi ích, là một điều mất mát. Các ông không chăm sóc cho nhau, lỡ khi bệnh ai sẽ chăm sóc cho?
Ðức Phật liền đỡ Tỳ-kheo bệnh ngồi dậy, lau đồ bất tịnh nơi người của vị ấy. Sau khi lau rồi rửa sạch, Phật vì ông ta mà giặt y phơi khô, vất bỏ những lá lót hư mục, quét sạch chỗ ở, lau nước sạch sẽ. Phật lót lại lá mới, và trải lên trên bằng một cái y. Ðể vị Tỳ-kheo nằm lại chỗ cũ, rồi lấy một cái y phủ lên trên vị Tỳ-kheo bệnh ấy, mới ra khỏi phòng. Sau bữa ăn, vì nhân duyên này, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Cho người thăm bệnh, không nên không cho người thăm bệnh. Phải cử người chăm sóc bệnh, không nên không cử. Nếu có người muốn cúng dường Tôi (Như Lai) thì nên cúng dường người bệnh. Cho phép Hòa thượng và đệ tử chăm sóc lẫn nhau, nếu không có người chăm sóc thì Tăng nên cho người chăm sóc. Trường hợp không ai chịu chăm sóc thì theo thứ tự sai, nếu theo thứ tự sai mà không ai chịu nhận, thì y như pháp mà trị. Trường hợp không có Tỳ-kheo thì Tỳ-kheo-ni, cho đến Ưu-bà-tắc v.v... nên chăm sóc. Trong khi chăm sóc nếu là Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni, Ưu-bà-di không nên xúc chạm thân thể của Tỳ-kheo.
Người bệnh có năm việc khó chăm sóc:
1) Những thức ăn không nên ăn, lại muốn ăn.
2) Không chịu uống thuốc.
3) Người muôi bệnh coù chí tâm, mà không nói như sự thật.
4) Trường hợp nên đi mà không đi, nên đứng mà không đứng.
5) Cơ thể có sự đau nhức, không thể cam chịu. Việc nhỏ có thể làm được, mà không chịu làm, lại nhờ người.
Hơn nữa không thể ngồi im, nín thinh trong lòng. Ngược lại năm điều nói trên thì gọi là dễ nuôi.
Người có năm pháp sau đây mới nuôi bệnh được:
1) Biết người có bệnh có thể ăn thứ gì, không thể ăn thứ gì, thứ có thể ăn thì nên cho ăn.
2) Không nhờm gớm đờm, dãi, đại tiểu tiện của người bệnh.
3) Có lòng từ mẫn chứ không vì y thực.
4) Có khả năng chu toàn thuốc thang cho đến bệnh lành hay qua đời.
5) Có khả năng vì bệnh nhơn mà nói pháp khiến cho họ vui mừng.
Cho phép người nuôi bệnh nhận sự thỉnh mời hay không nhận sự thỉnh mời, và ăn những thức ăn của người bệnh không dùng.
Phần thứ tư (luật Tứ phần) nói:
Cho phép cùng người bệnh tùy ý ăn, tùy bệnh uống thuốc, và chăm sóc tốt người bệnh.
Tỳ-kheo bệnh không nên để ở ngay phòng lớn trên tầng lầu.
Luật Tăng kỳ nói:
Lúc Phật còn tại thế, ở phương Nam có hai vị Tỳ-kheo, trên đường cùng nhau đến yết kiến đức Phật. Một vị Tỳ-kheo bệnh, sau hai, ba ngày chờ đợi, vị Tỳ-kheo kia nói:
Tôi muốn đi trước để yết kiến đức Phật. Thầy mạnh rồi đến sau. Thầy Tỳ-kheo bệnh nói:
- Chờ tôi mạnh rồi cùng đi.
Tỳ-kheo kia nói:
- Ðã lâu tôi không thấy đức Thế Tôn, lòng tôi rất khao khát, không cho phép tôi đợi thầy mạnh rồi cùng đi. Vị Tỳ-kheo ấy nói như vậy rồi liền đến chỗ đức Phật, Phật biết mà vẫn hỏi:
- Thầy ở đâu đến?
Thầy Tỳ-kheo kia thưa rõ đầy đủ nhân duyên như trên với đức Phật. Phật dạy:
- Ðó là một việc làm ác. Tỳ-kheo nào buông lung, giải đãi, không tinh tấn, không hộ trì các căn, chạy theo sáu món dục, vị ấy tuy gần Ta mà không thấy ta, Ta không thấy vị ấy. Tỳ-kheo nào hộ trì các căn tâm không buông lung, chuyên niệm cầu giải thoát, tuy cách xa Ta mà lại thấy Ta, Ta cuõng thấy vị ấy. Tại sao vậy? Vì vị ấy đã tùy thuận Pháp thân của Như Lai, phá hoại các điều ác, xa lìa sự tham dục, tu pháp tịch tịnh vậy. Các thầy đồng xuất gia tu phạm hạnh, mà các thầy không chăm sóc cho nhau thì ai chăm sóc cho? Thầy nên trở lại chăm sóc và nuôi dưỡng vị Tỳ-kheo bệnh ấy đi.
Trường hợp Tỳ-kheo cùng đi với người lái buôn đến nơi khoáng dã (đồng không mông quạnh) bị bệnh. Ðồng bạn nên thay thế mang y bát cho họ, gần gũi dìu dắt họ đi, không nên đi cách xa. Trường hợp vị ấy không thể đi được nên nhờ đến phương tiện chuyên chở của người lái buôn, hoặc lương thực để giúp đỡ họ. Không được chuyên chở bằng xe do súc vật loại cái kéo. Nên trở bằng xe do súc vật loại đực kéo. Trường hợp bệnh nặng trầm trọng không còn sự phân biệt thì chở không sao (tức là không mắc tội). Nếu không thể thực hiện được bằng phương tiện chuyên chở, thì nên để lại một, hai, ba người có khả năng chăm sóc bệnh, rồi vào trong xóm làng tìm phương tiện chuyên chở để rước về. Nên để lương thực cho những người ở lại đủ dùng. Nếu không có vị nào chịu ở lại trong khoáng dã thì không được bỏ đi liền, phải làm một cái nhà tranh, trải cỏ làm nệm, nhúm lửa, để củi nước, thức ăn, thuốc men, thuốc ngày, đêm, thuốc bảy ngày, thuốc suốt đời (tận hình dược), tất cả đầy đủ, và nói với người bệnh rằng: “Trưởng lão an tâm ở lại đây, tôi đến xóm trước để tìm phương tiện ra đón ngài vào”. Khi đến tụ lạc không cần nhiễu Tháp, hay chào hỏi hai thầy (Hòa thượng, A-xà-lê) theo nghi thức, mà nên nói liền với Tỳ-kheo trong tụ lạc rằng:
- Trong khoáng dã có vị Tỳ-kheo bệnh nặng, chúng ta nên tìm cách đến đón vị ấy về.
Nếu trong tụ lạc họ nói:
- Chỗ khoáng dã ấy có nhiều hổ lang thú dữ, sợ rằng chúng đã ăn thịt rồi.
Tuy nghe nói như vậy, nhưng chúng ta cần phải đến xem. Nếu đã chết thì cúng dường tử thi. Nếu còn sống thì đem về làng xóm, và nói với vị cựu Tỳ-kheo nơi tụ lạc rằng:
- Vị Tỳ-kheo bệnh này, ở trú xứ... tôi đã chăm sóc cúng dường trong khoáng dã, nay đem về đây, đến phiên Trưởng lão chăm sóc.
Nếu không chăm sóc thì mắc tội vượt qua luật định (Việt tỳ-ni).
Trường hợp không có Tỳ-kheo, nên nói với vị Ưu-bà-tắc: “Trường thọ! Nơi khoáng dã có Tỳ-kheo bệnh, chúng ta nên tìm phương tiện chở về.” Ðưa đến nhà đàn việt, và để nằm nơi riêng biệt, kín đáo.
Nếu có nhiều người, nên nhờ hai, ba người có khả năng để chăm sóc người bệnh. Trường hợp bệnh nhơn cần nhiều người cùng ở cho vui thì nên ở. Cùng nhau khuyến hóa cung cấp đầy đủ bữa ăn trước, bữa ăn sau cho đến tận hình thọ dược.
Trường hợp có khách Tỳ-kheo đến, không được bảo họ chăm sóc người bệnh liền, phải rước y bát họ để đúng chỗ, chờ đến khi ăn uống nghỉ ngơi xong rồi mới nói: “Trưởng lão thay tôi tiếp tục chăm sóc giùm cho, nếu vô thường đến thì nên cúng dường xá-lợi.”
Trường hợp Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni cùng đi với người lái buôn. Tỳ-kheo-ni bị bệnh, Tỳ-kheo không được bỏ đi. Nên bảo chị em họ cùng đi chung, cùng thay nhau dắt dìu người bệnh. Như trong Tỳ-ni nói: “Chỉ trừ ôm choàng. Nếu cần xoa dầu trong thân thì bảo người nữ làm việc đó.”
Trường hợp vô thường đến, Tỳ-kheo-ni bệnh ấy có y bát, nên nghĩ đến người hỏa thiêu. Nếu không hỏa táng được, nên bỏ đi. Nếu người đời hiềm trách, nên khởi niệm như đất rồi khiêng để chỗ xa.
Trường hợp Ðại đức Tỳ-kheo bệnh, nên để nằm nơi phòng thoáng rộng, đệ tử thường hầu hai bên, quét lau phòng khô sạch, đốt hương, trải tòa ngồi. Nếu có Tỳ-kheo đến thăm bệnh nên lo đủ bữa ăn chính, bữa ăn phụ, cho đến nước uống phi thời. Nếu có hỏi điều gì, bệnh nhơn nên trả lời. Nếu bệnh nhơn yếu sức thì người hầu thay lời. Trường hợp Ưu-bà-tắc đến thăm hỏi nên nói: “Quý hóa thay Phật tử đến thăm!” Bảo họ ngoài rồi nói bài pháp như sau: “Phật tử công đức rất lớn, như Ðức Thế Tôn dạy: Chăm sóc nuôi dưỡng Tỳ-kheo trì giới bệnh, như chăm sóc nuôi dưỡng Ta (Phật) không khác.” Nếu họ có cúng dường thì nên chú nguyện rồi thọ nhận.
Trường hợp người bệnh phiền lo, người đến thăm hỏi bệnh nhơn, không được cho họ đứng lâu, nên bảo họ ra về.
Trường hợp người bệnh không đi ra ngoài được thì nên dùng ba cái bô:
- Một cái đem vào thay cho người bệnh dùng.
- Một cái mang ra ngoài.
- Một cái rửa sạch bôi dầu phơi khô. Phải có sẵn như vậy để bệnh nhơn tuần tự dùng.
Phải có người đứng một bên cửa, đừng cho người vào đột ngột. Một người luôn luôn ở bên bệnh nhơn, tùy thuận nói pháp.
Trường hợp Tỳ-kheo nhỏ tuổi bệnh, không nên để chỗ trống trải, mùi hôi thối có thể bay ra ngoài. Cũng không nên để chỗ chật hẹp vắng vẻ, khi chết không ai biết, mà nên để ở chỗ có người.
Trường hợp người bệnh có thầy và đệ tử, thì họ cùng nhau chăm nuôi. Nếu không có, thì Tăng phải sai một, hai, ba người chăm nuôi.
Trường hợp người bệnh có thuốc thì nên lấy sử dụng cho họ, nếu không có thì Tăng nên lo liệu. Trường hợp Tăng không có, thì bệnh nhơn có y bát quý giá nên đổi lấy y bát thường, và lấy số tiền thừa ra đó dùng vào việc thuốc thang. Nếu bệnh nhơn tiếc y bát không chịu đổi thì nên bạch với Tăng, Tỳ-kheo bệnh không nghĩ vô thường nên tiếc y bát quý không chịu trao đổi. Bạch Tăng rồi nên khéo léo giảng nói để bệnh nhơn khai giải (cởi mở). Sau đó mới trao đổi. Nếu không được nữa thì nên xin tiền mà lo liệu thuốc men cho bệnh nhơn.
Trường hợp đồ ăn thức uống xin không được, thì trong bữa ăn của Tăng nên lấy thức ăn ngon để cung phụng bệnh nhơn. Nếu phương thức đó không được, thì người nuôi bệnh nên dùng hai cái bát đi khất thực, chọn lấy thức ăn ngon phụng sự bệnh nhơn.
Luật Căn bản nói:
Không nên sai người vô trí chăm sóc bệnh nhơn. Ðối với người không rành nuôi bệnh cần phải dạy bảo hướng dẫn họ. Ðừng để bệnh nhơn bị tai hại một cách phi lý; hoặc bị ngã nơi nước, nơi lửa, ăn phải các thức ăn độc; hoặc nắm lấy đồ bén nhọn; hoặc bị té nơi hầm hố hay trèo lên cây cao, ăn phải thức ăn cấm kỵ v.v... những tổn hại như vậy cần phải ngăn chặn tránh đi.
Chưa hỏi thầy thuốc, không nên vội cho bệnh nhơn uống thuốc.
Người bệnh và người nuôi bệnh nằm chung một giường có đèn sáng thì không phaïm.
Luật Thập tụng nói:
Người nhỏ tuổi nuôi Tỳ-kheo bệnh được cùng bệnh nhơn ngồi.
Luật Nhiếp thuyết minh:
Trường hợp người bệnh nghèo không có thuốc để dùng, thì thầy bạn quen biết v.v... nên vì họ mà lo liệu, hoặc thí chủ quen thân lo liệu; hoặc dùng vật của Tăng-già; hoặc vật của Tháp; hoặc dụng cụ trang trí đem bán để mua thuốc. Sau khi bệnh lành nên trả lại. Nếu không có khả năng để trả lại, thì không tội; vì con của vị Ðại sư là cha đẻ ra của cải vậy.
Nếu vì lý do chăm sóc bệnh cho Bí-sô, cung cấp người bệnh, thì trừ việc của tánh tội, ngoài ra đều có thể làm được.
Hỏi: - Các bộ luật vì vấn đề bệnh quyền khai và quy định pháp nuôi bệnh, để có định mức. Duy chỉ có Luật nhiếp nói: Trừ tánh tội, ngoài ra đều có thể làm được. Như vậy, tất cả giá tội, đều không phạm hay chăng?
Ðáp: - Khi cần bảo vệ mà không nghiêm túc bảo vệ thì cái tội do khinh giới vẫn thành. Khi nạn duyên mà thiếu quyền biến thì người mắc bệnh đau khoå e phải lâm nguy. Nên biết: Trừ tánh tội, ngoài ra đều có thể làm được là một cách nói cùng tột chứ không phải là một lời nói để tha hồ buông xuôi. VI. PHÒNG XÁ
Phần thứ tư[29] nói:
Tùy theo nhu cầu làm phòng đúng như pháp, tất cả đều cho phép.
Cho phép làm nhà lớn để Bố-tát, cho phép làm giường lớn.
Cho phép làm nhà đi kinh hành. Tỳ-kheo già bệnh suy nhược ốm yếu quá cho phép dùng dây bện thành cái giường cột hai đầu khiêng đi. Nắm tay khiêng đi, nếu tay bị đau, cho phép làm thành cái cuốn, hoặc bằng ống tre, hoặc lấy dây xâu qua ống tre, dùng tay khiêng đi. Khi đi kinh hành mỏi mệt, cho phép để giường hai đầu lối đi kinh hành để ngồi nghỉ.
Không nên làm hình con rồng, con rắn hai bên cánh cửa. Cho phép làm hình dây nho hay hình bông sen. Cho phép trên cửa làm hình cành lá, không cho phép làm hình binh mã.
Không nên suốt đời chỉ lo sửa sang một phòng, nếu muốn làm một cái lầu to lớn sang trọng, thì cho phép xây cất trong vòng 12 năm. Trong vòng 6 năm phải lợp hết. Còn bao nhiêu cỡ khác, tùy theo đó mà lượng nghi.
Không nên lúc nào cũng nhận lấy phòng của Tăng rồi sửa sang. Cho phép ba tháng hạ xong, tùy Thượng tọa chia phần cho.
Không nên chỗ nào cũng nhận phòng của Tăng sửa sang để nghỉ ngơi, mà phải 90 ngày trở lên mới nhận lấy một chỗ ở.
Người lo liệu công việc không nên ở nơi trú xứ đông người.
Không nên vì việc làm nhỏ mà lấy một cái phòng sửa sang để ở.
Tỳ-kheo lo liệu công việc qua đời, phòng này tùy ý Tăng giải quyết. Tỳ-kheo lo liệu công việc nhờ người bạch Tăng để nhận phòng rồi qua đời, phòng ấy cũng tùy Tăng giải quyết. Kẻ sứ giả kia qua đời, phòng đó giao cho người lo liệu công việc,
Tỳ-kheo lo liệu công việc, khi chưa chia phòng đã đi vắng, nhờ người nhận, nên chỉ rõ nơi chốn phòng ấy.
Cho phép làm nhà tắm, phòng tắm.
Một Tỳ-kheo làm phòng, cho phép thay nhau ở, nhưng Thượng tọa ở trước.
Hạ an cư, nhận phòng sửa sang xong, không nên nhận lại phòng khác.
Phòng của Tăng cũ hư, có người cư sĩ nói: “Xin giao cho tôi, tôi sẽ tu bổ lại”. Cho phép Bạch nhị yết-ma giao cho họ.
Ông La-hầu-la, thời gian ở trong rừng Na-lê, một cư sĩ phát tâm làm một cái phòng cúng cho ông ta. Khi La-hầu-la đi du hành trong nhân gian, cư sĩ ấy lại lấy cái phòng cúng cho Tăng. La-hầu-la trở về đem vấn đề ấy bạch Phật. Phật bảo La-hầu-la đến chỗ cư sĩ hỏi rằng: “Ông có thấy tôi đây không? Tôi có điều gì đáng trách không? Có điều gì không phải pháp Sa-môn không? Hoặc (có lỗi) do miệng nói, hoặc bằng hành động của thân hay chăng?”. Cư sĩ đáp: “Không”. La-hầu-la về bạch lại Phật. Phật bảo Tỳ-kheo: “Trường hợp có người tự tâm vui mừng làm phòng thí cho một người, hoặc thí cho nhiều người, hoặc thí cho Tăng rồi, lại thí cho người khác hay thí cho nhiều người, hay thí cho Tăng, hoặc thí cho đồng bộ, hoặc thí cho khác bộ, đều gọi là thí phi pháp, nhận phi pháp, ở phi pháp. Trường hợp có người vui mừng làm phòng thí cho một người, hoặc thí cho nhiều người hay thí cho Tăng, thí cho hai bộ Tăng, đều gọi là thí như pháp, nhận như pháp, ở như pháp.”
Trường hợp có Sa-di nhỏ, cho phép ngăn trong phòng cho Sa-di ấy ở.
Cho phép làm cái phòng sau ở bên trong, làm cửa, làm tường vách hay ½ tường vách.
Cho phép dùng đá, gạch, cây, làm đường đi. Cho phép đóng cừ, làm ao, dùng đá, gạch, cây, ngăn hai bên.
Luật Tăng kỳ nói:
Khi khởi công xây cất Tăng-già-lam, trước hết quy hoạch chỗ đất nào tốt nhất để làm Tháp. Tháp nên làm nơi hướng Ðông, hướng Bắc. Ðất dành cho Phật, đất dành cho Tăng ở phải có giới hạn rõ ràng; không được để nước chảy từ đất Tăng vào đất Phật, nước nơi đất Phật được chảy qua đất Tăng. Tháp nên cất chỗ cao ráo. Không được ở trong Tháp viện giặt, nhuộm, hong phơi y, mang giày dép, trùm đầu, trùm vai, khạc nhổ trên đất. Bông hoa trong vườn của Tháp nên cúng dường Tháp. Nếu đàn việt nói: “Hoa thì cúng Phật, trái thì cúng Tăng”, thì theo ý kiến của đàn việt. Trường hợp hoa nhiều, được phép đưa cho nhà làm tràng hoa, bảo họ: “Làm tràng hoa cho tôi, còn bao nhiêu nên cho tôi biết giá.” Số tiền thu được mua nhang đèn cúng Phật, hoặc tu bổ Tháp. Nếu thu hoạch được nhiều thì bỏ vào quỹ phẩm vật vô tận của Phật. Hoa trong ao của Tháp cũng vậy. Trong ao của Tháp không được giặt y, tắm, rửa tay, rửa mặt, rửa bát. Chỗ cuối dòng nước thoát ra thì được sử dụng tùy ý.
Nhà xí không được xây cất nơi hướng Ðông, hướng Bắc, ở giữa phải có vật ngăn cách để hai bên không cùng trông thấy nhau.
Bộ Căn bản tạp sự nói:
Làm nhà xí nên làm góc Tây-Bắc, phía sau chùa.
Dưới cây trụ nơi 4 góc chùa nên để ống nhổ, nhổ đàm dãi.
Luật Thập tụng nói:
Nếu có nước hoa (dung dịch bằng nước hoa) nên rảy trong nhà, nơi giường, nơi vách, trên đất. Bố thí tràng hoa cho Tăng dùng đinh đóng trên vách, phòng xá có mùi hoa, người thí được phước.
Luật Ngũ phần nói:
Trong các phòng cho phép trong ngoài và trên đều trét bùn. Tăng nên sắm đầy đủ các thứ búa, đục, dao, cưa, thang v.v... các dụng cụ để làm phòng ốc. VII. PHÁP VỀ NGỌA CỤ
Phần thứ tư[30] nói:
Cho phép làm cái nệm, hoặc bằng lông mịn, hay bằng kiếp bối, làm cái nệm có độn bên trong nếu sợ nhớp nên dùng dạ bọc bên ngoài.
Cho phép làm cái gối, hoặc vuông, hoặc tròn hay ba góc.
Không được đem ngọa cụ của Tăng mà dùng riêng, cho phép làm cái dấu hiệu để nhớ. Không được vật riêng của mình làm dấu hiệu của Tăng. Cho phép vật riêng nhuộm làm dấu hiệu, như làm một đường nước chảy trên đất hay làm một bánh xe để phân biệt[31].
Không được dời ngọa cụ đã để nhất định trong phòng qua một phòng khác, chỗ khác.
Không được hai người nằm ngủ chung trên một giường trừ người bệnh. Không được hai người nằm chung và đắp một cái mền, nếu chỉ có một cái mền, cho pheùp cả hai phải mặc áo lót.
Căn bản tạp sự nói:
Cái giường nằm hay cái ghế dựa tốt nhất được cúng, Tăng-già nên thọ nhận, cá nhân không được phép.
Luật Ngũ phần nói:
Cho phép trong 10 cái y dùng một cái làm mền đắp. Dùng lông dê, lông ngựa, bông gòn cho đến các loại cỏ mềm mại độn vào bên trong để làm nệm bông, nệm dày nhất là 8 ngón tay mà thôi. VIII. PHÁP VỀ ÐỒ VẬT
Phần thứ ba[32] nói:
Cho phép chứa nồi bằng đồng, nồi bằng thiếc, nồi bằng đất, bình bằng đồng, bằng thiếc, bằng sành, cái ngao nấu bánh, cái ấu bằng đồng, cái mác. – Cho phép làm cái giá móc áo.
Cho phép đốt đèn, cho phép làm đèn bằng thiếc.
Tỳ-kheo già bệnh, cho phép để đồ đại tiện và đồ nhổ đàm trong phòng.
Ở chỗ đông người, không được bắt rận bỏ dưới đất. Cho phép làm cái ống bằng đồng bỏ nó trong đó.
Cho phép sắm dao cạo tóc, chứa đồ hứng tóc[33].
Nhiếp nhổ lông mũi, dao cắt móng tay. Cho phép làm ống đồng để đựng, làm nút (nắp) để đậy. Không nên làm bằng đồ quý.
Không nên cầm dù tròn lớn đẹp. Không nên nắm loại quạt tròn lớn của vua. Trường hợp nhận được vật đã hoàn thành thì cho phép thọ, nhưng nên chuyển cho tháp.
Không nên cất giữ cây quạt dệt bằng lông đuôi chim.
Cho phép sắm cái phất trần.
Cho phép nhận những đồ làm do thợ lò gốm sản xuất. Coù ba thứ không nên cất giữ: Giường ngồi bằng sành, hộc bằng sành, ghế bằng sành.
- Cho phép sắm đồ cạo lưỡi, cây xỉa răng, cái móc lỗ tai.
Luật Tăng kỳ nói:
Không nên cất giữ riêng bát bằng đồng, cho tịnh nhơn rồi mượn dùng thì không có lỗi.
Luật Căn bản tạp sự nói:
Cho phép dùng ba cái đãy: Một cái đựng bát, một cái đựng thuốc, một cái đựng đồ vật. Ðể đồ vào đãy phải theo thứ tự, dài ngắn tương xứng, cần để cho rộng rãi ngăn nắp. Bên trong lót đồ mềm mại, dùng dây cột lại, đừng để cho nó cong.
Cư sĩ tịnh tín đem cúng chén bát, Phật cho phép vì đại chúng nhận, nhận rồi cất trong kho, nhưng vẫn ăn bằng bình bát. Thí chủ thắc mắc, chỉ được phước thí cúng, chứ không được phước thọ dụng. Phật bảo: “Cho phép vì họ mà đem dùng”.
Quạt có hai loại: Một loại làm bằng tre, một loại làm bằng lá. Loại quạt có vẽ vời rực rỡ, Tăng-già được phép nhận.
Phủ phất (Phất trần: phủi bụi) có năm loại:
1) Làm bằng lông dê sòe ra.
2) Làm bằng dây gai.
3) Làm bằng vải mịn xé ra.
4) Làm bằng vật cũ phá ra.
5) Làm bằng nhánh cây.
Nếu dùng vật quý báu mà làm, mắc tội ác tác.
Có hai trường hợp cho phép đi xe:
1) Già yếu suy nhược.
2) Bệnh tật mất sức.
Cần xách nước giếng, thì dùng dây dài nhất là 150 khuỷu tay, ngắn nhất là 10 khuỷu tay. Giữa hai cỡ này là bậc trung.
Hứa khả vì Tăng sắm và cất giữ dao cạo tóc, kể cả những vật cần dùng vụn vặt.
Luật Ngũ phần nói:
Mùa lạnh cho phép làm lò sưởi. Nhen lửa ngoài nhà, chờ hết khói mới đem vào trong. Dùng đồng, thiếc, đất, đá làm lò.
Cho phép cất giữ ba cây kim may.
Cho phép cất giữ cái cân, cái đấu. Không cho phép giữ lấy ruộng đất, quán hàng buôn bán. Nếu có thí chủ cúng, cho phép Tăng thọ nhận rồi giao cho tịnh nhơn coi ngó. Không cho phép cất chứa nhiều cái âu nhỏ bằng đồng. Không cho phép cất chứa cái âu lớn bằng đồng. Nếu cất chứa trên một thăng mắc tội Ðột-kiết-la.
Luật nhiếp nói:
Dao con, ấn nhỏ Bí-sô được cất giữ. Dao có ba loại: Loại lớn dài 6 ngón tay, rộng một ngón tay. Loại nhỏ dài 4 ngón tay. Giữa hai cỡ đó là loại trung; hình dáng của chúng như cánh gà hay cánh chim. Ấn có bốn loại: Ðồng trắng, đồng đỏ, đá và cây. Tất cả không nên dùng vật quý giá để làm. IX. PHÁP VỀ TÍCH TRƯỢNG
Căn bản tạp sự nói:
Nên làm cây tích trượng, trên đầu tích trượng treo cái vòng tròn bằng miệng chén. Treo cái vòng nhỏ, mỗi khi di động tạo thành tiếng, dùng để cảnh giác. Không nên dùng tích trượng để đánh chó, chỉ nên đưa lên khủng bố nó mà thôi. Nếu chó nổi giận xông tới, nên lấy một vài hột cơm bỏ dưới đất cho nó ăn. Hai ba lần khua động, mà không coù người ra hỏi, cần phải đi.
Luật Thập tụng nói:
Nên khua động tiếng gậy để xua đuổi độc trùng.
Kinh Tỳ-ni mẫu nói:
Chỗ đáng sợ ban đêm, cho phép khua động tích trượng thành tiếng, khiến cho ác độc trùng tránh xa.
Hỏi: - Nay y cứ theo kinh Ðắc đạo đăng thê[34], thì vấn đề làm tích trượng là chú trọng oai nghi nhưng rất khó hộ trì. Vấn đề này tại sao lại mâu thuẫn với ý của luật?
Ðáp: - Tích trượng ở trong luật, đặt nặng vấn đề dùng để qua sông, còn trong kinh thì đặt nặng chỗ tiêu biểu cho Chánh pháp. Biểu pháp thì có một dụng ý, một đường hướng riêng nào đó. Còn qua sông thì nhằm vào việc lợi ích. Còn việc người thời nay lại dùng tích, tịnh bình, việc này vốn là của Mật bộ không quan hệ gì đến Luật tông. Nhưng trong bộ kinh kia cũng nói rằng: Vì lão bệnh nên chứa giữ trượng. Vấn đề này tuy phù hợp với luật, nhưng không khỏi trước sau tự mâu thuẫn nhau. Nên biết bộ kinh đó đã mất tên người dịch, có thể xếp vào loại khuyết nghi. X. PHÁP VỀ TÒNG LÂM
Luật Tăng kỳ nói:
Ngài Ðạt-nị-già tức là Ðàn-ni-ca nghĩ rằng: “Ta làm một cái phòng, Thượng tọa bảo ta để cho Ngài, buộc ta phải ra khỏi. Ðến cái thứ hai, thứ ba cũng thế, ta cũng phải ra khỏi thất của ta. Kế đến ta làm nhà bằng gạch ngói, đức Thế Tôn lại sai các Tỳ-kheo phá mất. Sau đó ta lấy gỗ của vua cất nhà, lại bị Thế Tôn quở trách. Ta luôn luôn chịu sự khổ sở, hết việc này đến việc nọ! Từ nay, ta muốn chấm dứt vấn đề khổ sở này, bằng cách tùy theo chúng Tăng sống thế nào ta sống thế ấy, qua ngày mà thôi.” Khi ấy, Ðạt-nị-già bèn tập nếp sống vô sự, ngày đêm tinh thành, chuyên tu đạo nghiệp, đặng các thiền định, thành tựu đạo quả, khởi sáu thần thông, tự tri tác chứng (tự biết mình đã chứng), hết sức vui mừng. Ngài nói kệ rằng:
- Muốn được vui vô ngã
Phải theo pháp Bí-sô
Thân nương nơi tịnh xá
Như rắn trọ hang cua.
- Muốn được vui vô ngã
Phải theo pháp Bí-sô
Áo cơm cho tứ đại
Ðẹp xấu dở ngon tùy ... (tùy chúng).
- Muốn được vui vô ngã
Phải theo pháp Bí-sô
Trọn đời đều biết đủ
Chuyên luyện đạo vô vi.
Luật Thập tụng nói:
Tỳ-kheo coi ngó công việc của Tăng, nên thực hành nguyện thế này: Các Tỳ-kheo chưa đến sẽ đến, các vị đã đến được cung cấp y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc thang, không để thiếu thứ gì. Vị nào có khả năng thực hành được ý nguyện như vậy, Tăng tùy theo ý nguyện của họ mà giao công việc. Nếu cần thức ăn thì cung cấp theo ý muốn cùng đồ ăn ngon, nếu cần phòng xá, ngọa cụ thì cũng nên theo ý muốn của họ mà cung cấp.
Người có phận sự trong một trú xứ, được phép dùng 19 tiền cung cấp khách Tăng, khỏi phải bạch Tăng. Nếu cần dùng hơn nữa thì phải bạch Tăng mới được phép sử dụng.
Trong chức năng Duy-na, nên biết thời hạn, nên biết giờ nào cho việc gì, nên biết đánh kiền chùy, biết lau quét tu bổ nhà giảng, nhà ăn, biết thứ lớp tiếp tục trải giường, chõng, biết dạy cách tác tịnh rau trái, biết xem xét côn trùng trong thức ăn chua và đắng; biết lúc nào ăn lúc nào uống, để phân phối nước, và lúc chúng ồn ào náo loạn biết búng móng tay để họ im lặng.
Phần thứ ba[35] nói:
Hiện tiền tăng thu nhận được nhiều y vật, cho phép Bạch nhị yết-ma kiết giới kho tàng, bạch nhị Yết-ma sai người giữ. Trường hợp có Tỳ-kheo không chịu nhận làm người giữ vật của Tăng, nên dành phần bồi dưỡng cho họ, như thêm phần cháo v.v... Nếu họ cố ý không nhận thì tất cả những vật thu nhận được chia cho họ hai phần. Nếu họ vẫn không chịu giữ thì nên như pháp trị họ.
Luật Thiện kiến nói:
Lợi dưỡng từ bên ngoài thu nhận được, Tỳ-kheo tri khố nhận được hai phần. Nếu là Tỳ-kheo đầu-đà, tuy ở trong chùa, nhưng không ở phòng của Tăng, không ăn thức ăn của chúng. Đàn việt tự xây cất phòng cho ông ta, Tăng không được sai ông ta làm Duy-na hay tri sự. Ðối với Tỳ-kheo trong bộ môn đọc tụng, giáo hóa thuyết pháp thường thu nhận được lợi dưỡng có lợi cho chúng Tăng, Tăng không được sai họ làm tri sự Tăng. Có phòng xá y bát nên trước dùng vật trao cho các vị ấy, thức ăn cây trái nên cấp thêm phần cho họ.
Trường hợp có người đến chùa, không luận sang hèn tốt xấu nên hỏi han sức khỏe họ, nếu họ cần gì, mình có, thì cung ứng cho họ. Nếu là vật của Tăng thì phải thưa Tăng trước mới trao cho họ, nếu Tăng đồng ý. Trường hợp có người ác dùng sức mạnh đến xin, người giữ vật của Tăng, vì bảo vệ trú xứ, được quyền tùy ý trao cho họ. Trao cho họ rồi sau đó Tăng không được quở trách.
Phần thứ tư[36] nói:
Có bốn hạng người đoán sự:
1) Hạng ít học mà không tàm quý.
2) Hạng học nhiều mà không tàm quý.
3) Hạng ít học mà có tàm quý.
4) Hạng học nhiều mà có tàm quý.
Trong số này hạng ít học mà không tàm quý và hạng học nhiều mà không tàm quý, ở trong Tăng nói việc đoán sự, Tăng nên dùng mọi cách để khiển trách họ một cách tích cực để cho hạng người không tàm quý đó không làm việc ấy nữa.
Nếu hạng người có tàm quý mà ít học, trong Tăng nói chuyện xử đoán, Tăng nên yểm trợ cho họ để sáng tỏ vấn đề, cho hạng người có tàm quý này tiếp tục làm việc đoán sự cho Tăng. Ðối với hạng người có tàm quý mà học nhiều, trong Tăng làm việc xử đoán, Tăng cho phép họ nói rồi nên khen ngợi họ, khiến hạng người có tàm quý này sau này vẫn ở trong Tăng nói việc đoán sự.
Phần thứ ba[37] nói:
Khách Tỳ-kheo muốn vào trong chùa. Khi đến cửa ngõ, tay đẩy cửa ra, nếu cửa có then khóa thì nên mở. Nếu mở không được thì nên gõ thong thả để người bên trong nghe. Nếu không có ai nghe thì nên gõ mạnh. Nếu không có ai mở, thì đến dưới bờ tường hay rào, tìm cách vào để mở, không nên đi quanh phía bên tả của Tháp. Nên hỏi: Tôi bao nhiêu tuổi đó, có phòng cung cấp cho tôi không? Lại nên hỏi: Phòng này có ai ở không? Có đầy đủ tiện nghi như mền, đoà dùng, ngọa cụ và y không? Nếu nói có, mà cần nhận thì nên nói: Tôi sẽ nhận phòng này. Nhận xong nên đến chỗ phòng, mở cửa. Nếu có trùng hay rắn, đuổi ra, lau quét, rửa sạch, khô ráo, trải lại giường nằm, ghế ngồi, và phải đầy đủ bình nước sạch, nước rửa, đồ đựng nước uống. Nên hỏi: Chỗ đại tiểu tiện ở đâu? Chỗ nào là tịnh địa, chỗ nào là bất tịnh địa? Tháp Phật chỗ nào? Tháp Thanh văn ở đâu? Phòng Thượng tọa thứ nhất chỗ nào? Cho đến phòng Thượng tọa thứ tư ở đâu? Phải theo thứ tự lễ chào. Nên hỏi chỗ nào là chỗ ăn trưa, chỗ nào là chỗ ăn sáng, chỗ nào tập hợp buổi tối, chỗ nào thuyết giới, người nào được Tăng sai nhận vật thực do đàn việt dâng đồ aên mồng tám, rằm, mồng một? Đàn việt mời ăn ngày kế đến chỗ nào? Có đàn việt nào Tăng vì họ tác phú bát không? Ai là kẻ học gia? Chỗ nào có chó dữ, chỗ nào người tốt? Kẻ xấu ở đâu?
Cựu Tỳ-kheo nghe có khách Tỳ-kheo đến nên ra ngoài để đón rước vào, vì họ cầm y, mang bát, mời ngồi; trao đồ múc nước rửa chân, cùng nước nóng. Nên hỏi: “Ðại đức bao nhiêu tuổi?” Nếu họ nói bao nhiêu tuổi rồi, nên nói: Ðây là phòng, đây là giường dây, giường cây, mền, gối, khăn trải đất, ống nhổ, đồ tiểu tiện, đây là chỗ đại tiểu tiện, đây là tịnh địa, cho đến đây là chỗ người tốt, đây là chỗ người xấu.
Luật Thập tụng nói:
Khách Tỳ-kheo đến, nên lễ bốn vị Thượng tọa. Nếu thời gian có thể gặp thì lễ, còn khoâng gặp (Ngài bận) thì thôi.
Luật Ngũ phần nói:
Ðánh chuông trống thổi ốc và 3 lần xướng, “thời đến”. Nên bảo Sa-di và người coi vườn làm, đánh kiền chùy, nếu không có Sa-di thì Tỳ-kheo cũng đánh được.
Nếu có Tỳ-kheo gởi y, sau 12 năm không trở lại lấy, họp Tăng bình phẩm giá trị dùng làm vật của bốn phương Tăng. Sau đó Tỳ-kheo kia trở lại đòi, dùng vật của bốn phương Tăng trả lại. Nếu họ không nhận thì tốt.
Nếu có lúa gạo cúng dường cho bốn phương Tăng, khi tứ phương Tăng làm, cho phép họ tùy ý dùng.
Trừ tháp của Phật và Bích-chi Phật, còn bao nhiêu vật dư của Tháp khác, cho phép dùng làm vật bốn phương Tăng. Nếu Tháp ấy thời gian sau, cần dùng thì lấy vật của bốn phương Tăng trả lại.
Luật Căn bản nói:
Bí-sô nên trợ giúp trong công việc tạo tác của chùa, nhưng không nên làm trọn ngày. Mùa lạnh nên làm sau giờ ngọ. Mùa nóng nên làm trước giờ ngọ. Tùy theo thời gian của ngày, nên nghỉ sớm. Người có trách nhiệm coi ngó công việc, biết sáng ngày ấy có người làm công tác thì nên lo liệu bữa ăn sáng cho họ. Nếu sau giờ ngọ làm thì nên tìm nước buổi chiều (phi thời tương) và dầu thoa tay chân. Không vậy thì mắc tội Việt pháp.
Trọng lượng người đời gánh một gánh thì Bí-sô nên chia làm hai gánh.
Tạp sự nói:
Tăng-già không nên lập phi pháp chế. (không phải Phật chế thì gọi là phi pháp chế. Như triều Nguyên phụ hội Bách Trượng thanh quy v.v... ).
Người lo liệu công việc nên cho thọ dụng vật chùa.
Ny-đà-na nói:
Tịnh địa của Tăng-già mà bỏ tóc, móng tay... mắc tội ác tác.
Làm tượng Bồ-tát chỉ trừ xuyến và bông tai còn bao nhiêu đồ trang sức khác đều cho phép làm.
Luật nhiếp nói:
Tháp của đức Như Lai nên làm tròn trịa đầy đủ. Nếu là Tháp của Ðộc giác thì trên không có bảo bình. Nếu là Tháp của A-la-hán thì đặc tứ tướng luân[38]. Còn ba quả kia, mỗi quả giảm bớt một luân. Nếu là vị Tỳ-kheo thuần thiện trên không có luân nào gọi là “bình đầu chế-để” (Tháp đầu bằng).
Bộ Mục-đắc-ca nói:
Trường hợp tạo Tháp nếu nhỏ có thể tăng thêm cho lớn, nếu lớn không nên giảm cho nhỏ. Nếu có người thế tục có khả năng làm lớn thì càng tốt. Bằng không thể làm được thì Bí-sô nên khuyến hóa trợ giúp cho họ làm. Nếu lâu năm bị hư hao nên tu bổ. Nếu tượng Phật bằng đất, bằng tơ trắng... hư hoại, hoặc muốn cho lớn hơn, hoặc tương tợ tùy ý làm. Các tượng vẽ không được sáng sủa trang nghiêm, nên xóa đi làm lại tượng mới. Các bộ kinh Phật bằng lá hay bằng giấy bị mòn hư cũ kỹ nên xóa cái cũ in lại cái mới. Vị nào thông suốt Kinh bộ, Luật bộ, Luận bộ, không nên sai họ làm người tri sự của Tăng.
Vì Tăng-già nên có thể nhận ruộng, hoa lợi thu hoạch được nên thọ dụng. Phải y vào luật của nhà nước mà trả công cho người cày cấy ruộng đất ấy.
Tỳ-kheo có trách nhiệm coi ngó lo liệu công việc, trước nên báo trình với vị Kỳ túc trong chùa, sau mới cho người vay mượn, hay lập bằng khoán bảo chứng phân minh.
Luật Tăng kỳ nói:
Ruộng đất của chúng Tăng không được cho mướn hay bán đứt, không được thọ dụng riêng. Nếu ruộng đất vườn tốt, có kẻ ác muốn xâm chiếm, thì được phép nói với đàn việt nên biết đất này. Nếu Đàn việt nói: Ðây là ruộng vườn tốt, Sao phải biết? Nên nói với đàn việt rằng: Ruộng vườn này tuy tốt, nhưng có người ác muốn xâm chiếm, tùy ý đàn việt chuyển đổi.
Tăng có đất trống, có người đến xin Tăng để cất Tăng phòng, nên nói trước khi làm những điều cần yếu như: Thời gian làm bao lâu? Nếu họ nói bao lâu đó là làm xong, thì nói họ là: Nếu thời gian ấy mà không làm xong, hay không làm thì sẽ giao cho người khác.
Trường hợp có hai người xin làm. Một người nói: “Tôi vì Tăng làm một tầng lầu”. Một người nói: “Tôi làm hai tầng lầu”. Tăng nên giao cho người làm hai tầng lầu. Như vậy cho đến bảy tầng. Nếu cả hai đều nói xây bảy tầng, thì nên giao cho người có khả năng làm thành. Nếu cả hai đều có khả năng làm thành thì nên giao cho người có quyến thuộc đông hơn. Nếu không nói những đều cần yếu, trước khi giao cho họ thì mắc tội Việt tỳ-ni.
Pháp (tư cách) của cựu Tỳ-kheo, không được tự mình ở phòng tốt, giường, nệm, gối tốt, còn để đồ xấu, hư, nhơ nhớp đãi khách.
Bộ Nam hải ký quy nói:
Y phục của Bí-sô, phần nhiều do thường trụ Tăng, hoặc là do của ruộng vườn thừa ra, hoặc là do huê lợi nơi cây trái, hằng năm dùng một phần vào việc y phục. Bởi vì bổn tâm của thí chủ, khi dâng cúng đất đai là để cung cấp tế độ cho chúng Tăng, đâu phải chỉ dùng cho việc ẩm thực, mà không dùng vào việc y phục hay sao? Ngoài việc ăn uống, dùng vào y phục có gì tổn hại đâu?
Ðây là một vấn đề mà chúng Tăng bên Tây quốc bàn luận rộng rãi, sôi nổi. Hơn nữa nơi đạo tràng Thần Châu[39] hoặc có chỗ vừa cung cấp y phục, vừa nhận được vật thực, kể cả kẻ đạo lẫn tục, đây là căn cứ theo tâm phát nguyện của thí chủ. Giả như, kể cả vấn đề ăn uống cho chúng Tăng, thật sự không có gì là điều đáng lo ngại. Trường hợp ban đầu có ý nghĩa vô tận vô chướng, thì tuy bố thí cho nhà chùa mà sự thật trong đó gồm tất cả. Chỉ dùng vào việc ăn chứ không dùng vào việc gì là do thí chủ, ban đầu có phân định vậy.
Nhà chùa làm ruộng, phải cùng làm “ăn chia” với tịnh nhơn. Tăng cung cấp trâu và đất, ngoài ra không biết các việc khác. Nếu vì lòng tham, không cùng với cư sĩ làm, tự mình thuê người, coi ngó việc cấy cày thì Bí-sô hộ trì giới không nên ăn nuốt miếng ăn như vậy. Tăng tự làm lụng, nuôi thân bằng tà mạng, sai khiến người làm thuê, nóng giận là điều không tránh khỏi. Phá hoại hột giống, cày phá đất đai, tổn hại trùng kiến. Mỗi ngày ăn không quá một thăng, ai là người phải chịu trăm lỗi. Kẻ sĩ có khí tiết phải tránh những phiền phức như vậy. Người cầm trượng mang bát, xa tránh đường đời, riêng ở nơi rừng sâu vắng vẻ, sống cùng chim thú hươu nai, cắt đứt vấn đề ồn ào danh lợi, tu tịch diệt Niết-bàn. Nếu vì chúng Tăng, kinh doanh cầu lợi, điều đó thì luật cho phép, còn cày đất hại mạng, giáo môn đâu hứa khả, tổn hại loài trùng, thì trở ngại đạo nghiệp, nhận lấy điều sai lầm tội lỗi vậy. TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU
HẾT QUYỂN THỨ MƯỜI BỐN Chú thích:
1 Y ở đây nên hiểu là vải.
2 Tứ phần luật 39, phần thứ ba Kiền-độ y, tr. 850a24, Ðại 22n1428.
3 Y cầu nguyện: Vải lượm từ bãi tha ma đem về chia giữa các Tỳ-kheo, do có giao ước trước. (cht. Tứ phần luật, HT Thích Ðỗng Minh dịch).
4 Tứ phần luật 39: Có số đông cư sĩ tụ họp nơi gò mả, cởi y bỏ một đống, để chôn người chết. Tỳ-kheo trì phấn tảo thấy, tưởng y phấn tảo, nên lấy đi.
5 Y tạp toái 雜碎衣Â: Do số mảnh cắt ra để may nhiều nhất, nên gọi tên như thế. Nhưng cách giải thích này chưa thoả đáng; phải có nghĩa là nhặt nhiều mảnh vải rách khâu lại thành y mới, tức là y phấn tảo.
6 Cà-sa 袈裟履: Pāli. kāsāya, y màu vàng nâu, y hoại sắc.
7 Man y 縵衣Â: Skt. Patta, y trơn, không cắt rọc.
8 Tăng-cước-kỳ: Xem cht. 40, Trùng trị q.9 (bản Việt).
9 Ngũ bách vấn kinh: 1. Phật thuyết Mục-liên vấn giới luật trung ngũ bách khinh trọng sự (1 quyển), mất tên người dịch, tr. 972, Ðại 24n1483; 2. Phật thuyết Mục-liên vấn giới luật trung ngũ bách khinh trọng kinh (2 quyển, biệt bản), mất tên người dịch, tr. 983, Ðại 24n1483.
10 Kim-sí điểu 金翅鳥: là loài chim thù thắng nhất trong loài chim Kim-sí. Chim này do nghiệp báo nên ăn được các loài rồng.
11 Tứ phần luật 51, 52, phần thứ tư Kiền-độ Tạp, tr. 945a21, 951c21, Ðại 22n1428.
12 Tứ phần luật 42, phần thứ ba Kiền-độ thuốc, tr. 870b25, Ðại 22n1428.
13 Thời dược 時藥: chỉ thực phẩm chính, ngũ cốc và cá, thịt, không được trữ dùng sau đứng bóng.
14 Phi thời dược 非時藥: được trữ dùng sau ngọ.
15 Thất nhật dược 七日藥ß: thuốc chỉ được phép trữ dùng trong vòng bảy ngày.
16 Tận hình thọ dược 盡形?壽藥: thuốc trữ dùng cho đến hết đời.
17 Nước Xá-lâu-già 舍樓伽: Pāli. Sālūkapāna, Thiện kiến luật 17, Kiền-độ thuốc, tr. 795b17, Ðại 24n1462: Xá-lâu-già, là dùng ngó sen xanh (Uppala), ngó sen trắng (Kumuda) giã nát lọc lấy nước trong, gọi là Xá-lâu-già (nước ngó sen).
18 Bà-lâu-sư 婆樓師Å: Pāli. Phārusaka. Thiện kiến luật 17, Ba-lâu-sư giống như trái Am-la (Pāli. Amba – quả xoài).
19 Tứ phần luật 43, phần thứ ba Kiền-độ thuốc, tr. 875a18, Ðại 22n1428.
20 Sang tịnh 瘡淨.
21 Tứ phần luật 43, tr. 876b12: Bấy giờ, các Tỳ-kheo ăn xong, nhận được thức uống, trong đó có ngó sen, gốc sen... có thể ăn được, đến các Tỳ-kheo làm pháp dư thực. Vị kia ăn một phần hoặc ăn hết. Các Tỳ-kheo nghĩ: “Lúc lúa gạo quí, mong đức Thế Tôn cho chúng ta ăn rồi nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không tác pháp dư thực mà được ăn”. Bạch Phật, Phật dạy: “Khi lúa gạo quí, ăn xong nhận được nước, trong đó có thức ăn như vậy, không làm pháp dư thực vẫn được ăn.”
22 Tứ phần luật 49, phần thứ ba Kiền-độ Tỳ-kheo-ni, tr. 928a, Ðại 22n1428.
23 Ðoạn này ngài Trí Húc trích dẫn thiếu (Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu 14, tr. 456c14, Vạn 40n719). Tứ phần luật 52, phần thứ tư Kiền-độ tạp, tr. 957a1, Ðại 22n1428: ...Có vị không biết thức ăn cúng dường nơi Tháp rồi, ai thọ nhận dụng. Phật dạy: “Tỳ-kheo, Sa-di, Ưu-bà-tắc, hay người xây dựng ăn thức ăn cúng dường ấy.”
24 Tam đức lục vị: Tam đức, là mền gọn, thanh tịnh, như pháp. Lục vị là đắng, chua, cay, ngọt, mặn, nhạt.
25 Thạch mật: Skt. Phāṇita, đường mía hay mật mía.
26 Tứ phần luật 49, phần thứ ba Kiền-độ pháp, tr. 934c24, Ðại 22n1428.
27 Tứ phần luật 52, phần thứ tư Kiền-độ Tạp, tr. 594c03, Ðại 22n1428.
28 Tứ phần luật 41, phần thứ ba Kiền-độ y, tr. 861b21, Ðại 22n1428.
29 Tứ phần luật 50, phần thứ tư Kiền-độ phòng xá, tr. 937a28, Ðại 22n1428.
30 Tứ phần luật 50, phần thứ tư Kiền-độ phòng xá, tr. 937b06, Ðại 22n1428.
31 Ý đoạn văn này ngài Trí Húc trích dẫn thiếu chữ nên Dịch giả chuyển ngữ chưa rõ nghĩa, Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu 14, tr. 459b14, Vạn 40n719:作幖幟作如水灑地標識(幖幟),作輪幖幟. Tứ phần luật 50, tr. 938a01: ... cho phép làm như giọt nước rơi trên mặt đất, hay làm như viên phân trâu, hoặc làm cái bánh xe... 聽作如水渧灑地幖幟,作牛屎摶幖幟,作輪幖幟.
32 Tứ phần luật 41, phần thứ ba Kiền-độ y, tr. 859b, Ðại 22n1428.
33 Từ đoạn này là Phần thứ tư Kiền-độ Tạp, Tứ phần luật 51, tr. 945a27, Ðại 22n1428.
34 Bản Trùng trì in nhầm tên kinh này (Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu 14, tr. 460a08, Vạn 40n719). Ðính chính: Kinh Ðắc đạo thê đắng tích trượng 得道梯橙錫杖經, 1 quyển, mất tên người dịch, tr. 724a22, Ðại 17n785.
35 Tứ phần luật 41, phần thứ ba Kiền-độ y, tr. 864a06, Ðại 22n1428.
36 Tứ phần luật 58, phần thứ tư Tỳ-ni tăng nhất, tr. 999b06, Ðại 22n1428.
37 Tứ phần luật 49, phần thứ tư Kiền-độ pháp, tr. 930c19, Ðại 22n1428.
38 Tướng luân 相輪: còn gọi là luân tướng, chỉ cửu luân (chín vòng) ở trên đỉnh tháp. Tướng là biểu tướng, biểu tướng cao vượt hẳn ra gọi là tướng.
39 Thần Châu 神d州Ý: Trâu Diễn (鄒衍 – khoảng 305-240 trước CN), tư tưởng gia thời Chiến Quốc đề xuất thuyết “Ðại cửu châu” (chín vùng đất lớn), cho rằng Trung Quốc chia ra 9 châu, 9 châu ấy hợp lại gọi là “Xích Huyện Thần Châu” (赤縣神d州Ý), đây là cách suy đoán địa lý thế giới lúc ấy. Nhân đó hậu thế gọi Trung Quốc là Thần Châu.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.37.242 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.