Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu [重治毗尼事義集要] »» Bản Việt dịch quyển số 8 »»

Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu [重治毗尼事義集要] »» Bản Việt dịch quyển số 8

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu

Kinh này có 18 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 |
Việt dịch: Thích Đỗng Minh

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

38. GIỚI ĂN THỨC ĂN CÁCH ÐÊM
Ðây là giá tội. Ðại thừa Tỳ-kheo đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, cất chứa đồ ăn quá đêm và ăn, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[1]:
Tôn giả Ca-la thường tọa thiền tư duy, khi ấy trong thành khất thực dễ được. Ca-la nghĩ rằng: “Tại sao hàng ngày phải đi khất thực khổ sở! Thà là ta ăn những thức ăn được trước, những thức ăn được sau mang về để ngày mai ăn”. Sau đó làm theo ý đã nghĩ. Các Tỳ-kheo đến bữa ăn không thấy Ca-la, nghi là qua đời hay là đi nơi khác... Sau đó, lại thấy hỏi biết lý do, bạch Phật, kiết giới.
GIẢI THÍCH:
Thức ăn nhận được ngày nay để đến ngày mai, đối với các Tỳ-kheo đều là vật không thanh tịnh.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề.
Không phạm: thức ăn còn thừa đem trao cho cha mẹ hay người công quả v.v... Sau đó, từ nơi họ xin lại thì được ăn.
Luật Thập tụng nói:
Ðại Tỳ-kheo chưa dùng tay nhận mà cùng ngủ với thức ăn thì gọi là nội túc[2], ăn phạm Ðột-kiết-la; đã dùng tay nhận và cùng ngủ gọi là tàn túc thực[3], nếu ăn phạm Ba-dật-đề.
- Trước tự lấy trái cây, sau nhận từ nơi tịnh nhơn mà ăn, phạm Ðột-kiết-la.
- Có hai loại xúc thực, ăn không tội:
a) Tỳ-kheo thanh tịnh đụng nhầm.
b) Tỳ-kheo phá giới không biết xấu hổ đụng vào (xúc chạm).
Thuốc 7 ngày có thể dùng quá nửa ngày.
Căn bản ni-đà-na nói:
Bánh hay trái cây ăn còn, đem trao cho Sa-di, sáng ngày được nhận ăn; nếu có tâm hy vọng sẽ nhận lại thì khi trao mắc ác tác, khi ăn phạm tội đọa, nếu hoàn toàn không có tâm hy vọng sẽ được nhận lại thì không phạm.
Mục-đắc-ca nói:
Nếu người bệnh mà nghèo, dầu, tô dư thừa dùng không tội.
- Tỳ-kheo đi đường, bảo Sa-di mang lương thực theo có thể vì Sa-di đỡ lên, đỡ xuống. Lại nữa, các Bí-sô đi đường nên đem theo lương thực, đã không có người thế tục, lại không có Sa-di, thì nên khuyến hóa thí chủ. Thí chủ cũng không, nên tự tay mang đi, sau đó gặp người thế tục, trao đổi mà ăn. Trường hợp không thể thực hiện phương tiện trao đổi thì nên chia làm hai phaàn, bảo người thế tục rằng: “Ngươi lấy một phần”. Người ấy lấy rồi, bảo người ấy rằng: “Ngươi lấy phần ăn của tôi, tôi lấy phần ăn của người, thay đổi mà ăn”. Trường hợp này nếu khó thực hiện, thì ngày thứ nhất nên tuyệt thực. Sáng ngày nếu có người trao thì nhận lấy mà ăn. Nếu không có người trao, thì cho phép tự lấy một nhúm mà ăn. Cho đến ngày thứ ba lại không có người trao, cho ăn 2 nhúm. Ðến ngày thứ tư lại không có người trao, tùy theo ý của mình, ăn no, không phạm. Sau đó, trên lộ trình đi, lương thực bị hết sạch, có trái chín rớt trên đất, nên lấy tác tịnh, thọ rồi mới ăn. Nếu tịnh nhơn khó có được, thọ rồi, nên ăn. Người trao cũng không, thì có thể tự lấy, khởi tưởng của Bắc châu (Bắc Câu-lô châu) mà ăn. Trên cây trái chín chưa rụng xuống đất, nên tự leo lên cây rung cho nó rớt, tự lấy mà ăn. Những điều khai mở trên, đều là vì nạn duyên, nếu không nạn duyên thảy đều cấm ngăn.
Luật Thiện kiến nói:
Nếu nhiều Tỳ-kheo cùng đi mà chỉ có một Sa-di nhỏ, Tỳ-kheo tự gánh lấy lương thực, đến giờ ăn, mỗi người tự chia phần. Sa-di nhận phần của mình rồi, nói với Tỳ-kheo rằng: “Nay đem phần của Sa-di cúng cho Ðại đức”. Ðổi được rồi, lại đổi cho vị thứ hai, lần lượt cho đến cả chúng, ăn như thế không tội. Nếu Sa-di không hiểu pháp Tỳ-kheo tự đem phần ăn của mình cho Sa-di, lần lượt đổi như trên rồi ăn, không phạm.
Luận Tát-bà-đa nói:
Nếu thức ăn là Phật lạp, diện môn lạp, tự tứ lạp, tuy trước cầm, sau mua, được ăn, không có cái tưởng là của mình vậy, không tội.
CHỨNG MINH:
Căn bản tạp sự nói:
Phật bảo A-nan: “Không có trường hợp, ở trong nhà nào đó, ăn đồ ăn cách đêm, mà chứng được A-la-hán. Nhưng cũng không có trường hợp có A-la-hán, các lậu đã hết, ở trong nhà bạch y, mà ăn đồ ăn cách đêm”.
BIỆN MINH:
Hỏi: - Sa-di không ăn đồ ăn cách đêm, được chứng quả A-la-hán. Nếu đã chứng quả A-la-hán
rồi thì cần gì phải thọ giới Cụ túc?
Ðáp: - Trong 8 loại Tỳ-kheo, tuy có loại Tỳ-kheo phá kiết sử, song khi Phật diệt độ, cần phải dùng Bạch tứ yết-ma làm tôn yếu. Cho nên Sa-di dầu đã chứng vô học, cần phải tức thời thọ Cụ túc, không đợi tuổi đủ 20. Chưa hề có trường hợp không đăng đàn thọ Cụ ấy vậy.
39. GIỚI TỰ NHẬN THỨC ĂN
Ðây là giá tội. Tỳ-kheo Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, đưa vào miệng thức ăn hoặc thuốc không được trao nhận, trừ nước và tăm xỉa răng, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[4]:
Nơi thành Xá-vệ có một Tỳ-kheo, thường khất thực mặc y phấn tảo. Khi ấy trong thành, các cư sĩ, vì cha mẹ của họ qua đời; nơi ngã tư đường cho đến trong miếu, thiết trai phạn cúng tế. Tỳ-kheo ấy tự tay lấy thức ăn mà ăn. Cư sĩ cơ hiềm, cho nên Phật chế cấm. Lúc bấy giờ, có các Tỳ-kheo sanh nghi, không dám tự lấy tăm xỉa răng và nước lã để uống, Phật dạy: không phạm.
GIẢI THÍCH:
Nhận có 5 cách:
- Dùng tay trao, dùng tay nhận.
- Dùng tay trao, dùng vật nhận.
- Dùng vật trao, dùng vật nhận.
- Dùng vật trao, dùng tay nhận.
- Dùng vật từ xa đưa, người trao, kẻ nhận đều biết nhau, không có gì trở ngại, rơi vào trong tay.
Lại có 5 cách nhận:
- Thân trao, thân nhận.
- Y trao, y nhận.
- Khuỷu tay trao, khuỷu tay nhận.
- Ðồ trao, đồ nhận.
- Hoặc có nhân duyên để nơi đất trao.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tưởng, nghi v.v... sáu câu như thường có thể biết.
Tỳ-kheo-ni thì phạm Ba-dật-đề.
Luật Ngũ phần nói:
Trừ thức ăn nếm thử không được nuốt. Cho phép từ rồng nhận thức ăn, từ trời nhận thức ăn, từ quỷ nhận thức ăn, từ khỉ nhận thức ăn, từ nơi lời nói của thí chủ nhận thức ăn. Không được nhận thức ăn từ đằng xa ném tới mà ăn.
BIỆN MINH:
Hỏi: - Tứ phần cho nhận vật từ xa ném đến thì thành thọ. Ngũ phần thì không cho nhận vật thực ném đến để ăn. Vậy thì ở đây, nên theo bên nào?
Ðáp: - Tứ phần cho nhận vật từ xa ném đến, vì phải dùng tay để hứng lấy, hoặc có nhân duyên. Ngũ phần ném thức ăn, do bởi khinh mạn. Cho phép, hay chế cấm đều có lý do riêng biệt, chủ ý ở nơi đây là vậy.
40. GIỚI KHÔNG BỆNH ÐÒI THỨC ĂN NGON
Ðại thừa có bệnh cũng không được ăn cá thịt.
GIỚI BỔN:
Các thức ẩm thực mỹ diệu như sữa, lạc, cá và thịt, Tỳ-kheo nào không bệnh mà xin những thứ ẩm thực mỹ diệu ấy cho mình, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[5]:
Bạt-nan-đà đến nhà chủ buôn đòi thức ăn mỹ diệu (tạp thực). Người chủ buôn hỏi: “Ngài có bệnh gì?” Ðược trả lời: “Không có bệnh, chỉ muốn ăn đồ ăn mỹ diệu vậy”. Chủ buôn cơ hiềm, cho nên Phật chế cấm. Khi ấy, có Tỳ-kheo bệnh cẩn thận sợ không dám xin, không dám vì người bệnh xin, nhận được không dám ăn, cho nên Phật cho phép.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tỳ-kheo-ni mắc tội về pháp hối quá. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Ðòi mà được, mắc tội Ba-dật-đề; không được, mắùc Ðột-kiết-la.
Luật nhiếp nói:
Không bệnh đến xin, để có bệnh ăn; khi xin phạm ác tác, khi ăn không có tội. Có bệnh đến xin, để không bệnh ăn, khi xin không có tội, khi ăn tội đọa. Nếu thí chủ nói: “Cần chi cứ cho biết”, hoặc đến trời, rồng, dạ-xoa, xá, khất cầu, không phạm.
41. GIỚI TỰ TAY CHO NGOẠI ÐẠO THỨC ĂN
Ðại thừa đồng học. Hoặc xem căn cơ được phép cho.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào tự tay cho thức ăn đến nam ngoại đạo, nữ ngoại đạo, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[6]:
Phật bảo A-nan chia bánh cho chúng Tăng. Chia rồi còn dư, bèn cho người đi xin. Có một người con gái ngoại đạo lõa hình, nhan sắc đoan chánh, A-nan cho bánh, bánh xấp hai cái tưởng là một, đem cho cô ta. Người con gái ấy cùng với người gần, hỏi nhau, biết việc ấy, họ liền sanh nghi báng. Lại có một người Phạm chí, ăn chỗ này rồi, đi đến nước khác, trên đường đi gặp một người (Bà-la-môn) giàu lòng tin (tín sĩ), nói là từ cư sĩ trọc đầu được ăn. Người (Bà-la-môn) giàu lòng tin kia bạch với Tỳ-kheo, Phật nghe, kiết giới. Sau đó, ngoại đạo có lời oán trách, Phật bèn cho phép để dưới đất hay sai người cho thì được.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tự tay cho, mà nhận, phạm Ba-dật-đề; không nhận, Ðột-kiết-la. Sắp sửa muốn cho, lại đổi ý, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau, phạm Ðột kiết-la.
Không phạm: Cho cha mẹ và người giúp việc v.v... hoặc bị thế lực cưỡng đoạt.
Luật Căn bản nói:
Hoặc muốn dùng thức ăn làm nhân duyên để trừ ác kiến của kẻ ấy thì không phạm.
Luật Thập tụng nói:
Không phạm là, nếu người ấy có bệnh hay quyến thuộc; hoặc khi xin xuất gia mà cho (tức là 4 tháng thử họ vậy). Tự mình chưa thọ thực, không nên cho kẻ khác. Mình thọ trước, sau mới cho người. Nếu là cha, mẹ, hay người bị troùi, thì cần cho thức ăn gấp; còn người có thai, ít nhiều tùy theo mà cho họ. Súc sanh nên cho một miếng.
42. GIỚI ÐẾN NHÀ KHÁC KHÔNG DẶN
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, trước đã nhận người mời, nhưng trước hay sau bữa ăn đi đến nhà người khác mà không báo cho Tỳ-kheo khác biết, trừ trường hợp đặc biệt, Ba-dật-đề. Trường hợp đặc biệt là: khi bệnh, thời gian làm y, thời gian thí y, đây là trường hợp đặc biệt.
NGUYÊN DO[7]:
Có một Trưởng giả thiết lập trai soạn thỉnh Tăng, đợi Bạt-nan-đà đến. Bạt-nan-đà sau khi tiểu thực xong lại đến nhà khác, khi gần quá ngọ mới trở lại. Do vậy, các Tỳ-kheo ăn không đủ no vì quá ngọ. Lại nữa, có một đại thần đem cam đến Tăng-già-lam cũng đợi Bạt-nan-đà đến mới chia. Bạt-nan-đà ăn xong, liền đến nhà khác, quá ngọ mới trở lại, khiến chúng Tăng không được ăn cam tươi ấy, cho nên Phật chế. Sau đó, chúng Tăng không dám nhận lời mời vào thành, Phật cho phép dặn nhau rồi vào thành. Lại nữa, nếu vì bệnh, khi làm y, khi thí y, không dặn, được vào thành.
GIẢI THÍCH:
Trước bữa ăn: là mặt trời xuất hiện cho đến bữa ăn. Sau bữa ăn: là từ khi ăn cho đến giữa ngày. Các Tỳ-kheo khác: là đồng một giới, cùng ở.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Dặn rồi đi, nửa đường trở lại... muốn đi phải dặn lại. Không dặn thì vào bao nhiêu nhà, phạm bấy nhiêu Ba-dật-đề. Một chân vào trong cửa ngõ... phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Nếu không có Tỳ-kheo để dặn, thì đến bên phòng kho tàng của tụ lạc, hay đến chỗ có nhà để dặn. Hoặc vì thế lực kéo lôi, mạng nạn, phạm hạnh nạn.
Luật nhiếp nói:
Nếu nói với chủ nhà: “Dầu tôi không đến, cũng nên cúng dường Tăng, đừng để thiếu sót.” Hay người chủ không vì vị ấy mà đợi chờ, thì đều không tội.
43. GIỚI CƯỠNG NGỒI NƠI NHÀ ĂN
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, tại nhà có thức ăn có vật báu, mà cố ngồi nán, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[8]:
Ca-lưu-đà-di đến nhà của Trai ưu-bà-di ngồi, người chồng hỏi cần gì v.v... Trả lời: “Cần thức ăn”, liền bảo vợ đem thức ăn ra cho. Ăn rồi, không đi. Người chồng giận bỏ đi và nói: “Tùy ông, muốn làm chi thì làm”. Phật nghe, chế cấm.
GIẢI THÍCH:
Thức ăn: Nam lấy nữ làm món ăn, nữ lấy nam làm món ăn, cho nên gọi là “thực gia”. Vật quý báu: là chỉ cho xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, kim, ngân. (Xét giới này, chính từ “thực gia 食家?” mắc tội, chứ chẳng phải từ nơi vật quý mà mắc tội. Nói: “Có vật báu”, thì vật báu ở đây, chỉ chỗ vợ chồng có thể hành dâm được vậy).
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Mù mà không điếc, điếc mà không mù, đứng không ngồi, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Chỗ đưa tay đụng đến cánh cửa, có hai Tỳ-kheo bạn, hay bị trói v.v...
Luật Thập tụng nói:
Không phạm: nhà đoạn dâm dục, nhà thọ Bát quan trai, hoặc lại có bậc Tôn túc ngồi nơi tòa, hay nhà có nhiều người ra vào.
Nếu người nữ thọ giới một ngày, người nam không thọ giới, hay người nam thọ giới một ngày, người nữ không thọ giới, ngồi nơi nhà như vậy phạm Ðột-kiết-la, nếu cả hai đều thọ giới thì không phạm.
44. GIỚI NGỒI CHỖ VẮNG VỚI THỰC GIA
Ðại thừa đồng học. Phạm, không phạm, đồng như giới trước.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, trong nhà ăn có vật báu mà ngồi ở chỗ khuất, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[9]:
Ca-lưu-đà-di lại ngồi ở sau cánh cửa mà cùng với Trai ưu-bà-di nói chuyện, nên Phật chế.
45. GIỚI NGỒI MỘT MÌNH VỚI NGƯỜI NỮ
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, một mình ngồi với một người nữ tại chỗ trống, phạm Ba-dật-đề.
Nguyên do[10]:
Cũng khởi sự từ Ca-lưu-đà-di, cho nên chế.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Phạm, không phạm đều đồng như giới trước.
Luật Thập tụng nói:
Ngồi cách nhau một trượng, phạm Ba-dật-đề; cách nhau một trượng rưỡi, phạm Ðột-kiết-la, quá hai trượng không phạm.
Luật nhiếp nói: Nếu cùng phi nhơn nữ, bán-trạch-ca[11] nữ và đối tượng chưa có thể hành dâm, hay là kẻ điếc lác lẩn thẩn v.v... cùng ngồi chỗ vắng, đều mắc tội ác tác.
46. GIỚI CỐ Ý KHIẾN NGƯỜI KHÁC KHÔNG ÐƯỢC THỨC ĂN
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, noùi với Tỳ-kheo khác như vầy: “Ðại đức hãy cùng tôi vào tụ lạc, tôi sẽ cho Ðại đức thức ăn”. Tỳ-kheo ấy cuối cùng không cho thức ăn Tỳ-kheo kia, lại nói rằng: “Ðại đức hãy đi chỗ khác đi! Tôi với Ðại đức mà ngồi một chỗ hay nói chuyện là không vui. Tôi ngồi một mình, nói chuyện một mình lại an lạc”. Chỉ với mục đích ấy chứ không gì khác, là cố tình đuổi đi, Ba-dật-đề.
Luật Căn bản nói:
Ngữ là đọc tụng, tọa là thiền tư[12].
NGUYÊN DO[13]:
Bạt-nan-đà cùng các Tỳ-kheo tranh cãi, lòng ôm mối giận. Sau đó một thời gian, dẫn đến những nơi không có thức ăn, gần giữa ngày bèn nói: “Ngài là người đại ác, do ngài cho nên khiến tôi cũng không nhận được thức ăn, ngài nên đi đi v.v...” Tỳ-kheo kia ra khỏi thành đến Kỳ-hoàn, giữa ngày đã qua, không ăn được, quá đói, các Tỳ-kheo nghe, cơ hiềm, chê trách, bạch Phật, chế cấm.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Sửa soạn đuổi đi, đi cách khoảng thấy nghe, hoặc tự mình đi cách khoảng thấy nghe, đều phạm Ba-dật-đề. Bỏ chỗ khoảng không nghe, đến chỗ khoảng không thấy; bỏ chỗ khoảng không thấy, đến chỗ khoảng không nghe phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-Ia.
Không phạm: Cho ăn rồi bỏ đi. Hoặc bệnh hay không có oai nghi, người thấy không vui, nói rằng:
“Mời ngài đi, tôi sẽ mang thức ăn đến Tăng-già-lam”. Hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, bị cử (gạt một bên), bị tẫn nên phải đuổi, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn, phương tiện bảo đi, không vì hiềm giận.
Luật Ngũ phần nói:
Làm việc này, phiền đến bốn chúng, phạm Ðột-kiết-la. Ni làm việc này phiền đến hai chúng, phạm Ba-dật-đề, phiền ba chúng khác, phạm Ðột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Chưa vào cửa thành khiến trở lại, cho đến chưa vào trong cửa nhà bạch y bảo trở lại, đều phạm Ðột-kiết-la. Nếu vào trong cửa ngõ khiến trở lại, phạm Ba-dật-đề.
Luật nhiếp nói:
Nếu theo lời thầy thuốc bảo đừng ăn thì không phạm.
47. GIỚI NHẬN THUỐC QUÁ HẠN ÐỊNH
Ðại thừa đồng học. Vì chúng cho nên đòi hỏi, không phạm.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, được thỉnh caàu thọ nhận thuốc
4 tháng, Tỳ-kheo không bệnh có thể nhận; nếu
quá hạn mà nhận Ba-dật-đề, trừ có sự thỉnh thường xuyên, thỉnh tiếp tục, thỉnh chia phần, thỉnh suốt đời.
NGUYÊN DO[14]:
Ma-ha-nam, giòng họ Thích, cúng dường thuốc cho chúng Tăng, cung kính bậc Thượng tọa, cúng thuốc tốt, cần cũng cúng, không cần cũng cúng. Lục quần cần thuốc đến nhà xin khó được. Thí chủ nói: “Có thì cúng, không có sẽ đến chợ mua để cúng.” Lục quần liền cho là có ái, và nói láo, quở trách. Ma-ha-nam nhân đó không cúng thuốc cho Tăng nữa, nên Phật chế. Lại vì nhân duyên khai cho thường thỉnh v.v...
GIẢI THÍCH:
Bốn tháng: là chỉ cho 4 tháng mùa hạ. Bệnh: là thầy thuốc bảo phải uống thuốc. Thường thỉnh: là người ấy thưa như vầy: “Tôi thường cúng thuốc”. Thỉnh tiếp tục: là thôi cúng roài cúng lại. Thỉnh chia phần: là mang thuốc đến Tăng-già-lam phân phối cúng. Thỉnh suốt đời: là người ấy nói: “Tôi sẽ cúng trọn đời”.
Thỉnh có 4 cách:
1) Thời gian có hạn định, thuốc không hạn định.
2) Thời gian có hạn định, thuốc có hạn định, bốn tháng hạ nên nhận.
3) Thời gian không hạn định, thuốc có hạn định.
4) Hoặc thời gian không hạn định, thuốc không hạn định, tùy khi nào cúng thì nên nhận.
Luật Tăng kỳ nói:
Hoặc 4 tháng mùa hạ, hoặc 4 tháng mùa đông, hay 4 tháng mùa xuân, Ðàn-việt thỉnh không nhất định. Hoặc 4 tháng, hoặc 1 tháng hay nửa tháng, định kỳ mãn rồi, không được đến đòi. Nếu thỉnh bữa ăn trước, không được đòi bữa ăn sau. Thỉnh bữa ăn sau không được đòi bữa ăn trước. Thuốc và các vật dụng khác cũng vậy. Nếu nói suốt đời nhận sự cúng dường tứ sự của tôi; như vậy, được tùy ý đòi.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Nhận quá hạn định, mỗi miếng phạm một Ba-dật-đề. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Ðòi mà được, phạm Ba-dật-đề, không được, phạm Ðột-kiết-la. Ðòi trái ha-lê-lặc... hay là thuốc, được, không được, đều phạm Ðột-kiết-la.
Luật nhiếp nói:
Thỉnh cúng 4 tháng thức ăn thô chưa mãn, lại đòi thức ăn ngon, nếu được phạm ác tác, ăn, liền mắc tội đọa. Thỉnh thức ăn ngon, đòi thức ăn thô, khi đòi phạm ác tác, khi ăn không tội.
Luật Thiện kiến nói:
Ðàn-việt cúng thuốc dùng vào việc thuốc, không được dùng làm vật thực. Cho dầu đòi tô (váng sữa), phạm Ðột-kiết-la.
PHỤ:
Luật Ngũ phần nói:
Nếu có người cúng thuốc cho Tăng, người Tỳ-kheo chấp sự nên hỏi: “Cúng cho tủ thuốc của tụ lạc (thôn xóm) hay cúng cho tủ thuốc của Tăng phòng?” Nếu họ nói: “Cúng cho tủ thuốc tụ lạc”; khi cần nên nói: “Tôi cần thuốc như vậy, vì tôi cung cấp, đừng để thiếu.” Nếu nói để cho Tăng phòng nên Bạch nhị yết-ma, sai Tỳ-kheo có đủ năm pháp: không tùy ái, nhuế, si, bố, biết thuốc hay không phải thuốc, làm người giữ thuốc cho Tăng. Người ấy nên dùng đồ mới để đựng: Ha-lê-lặc, Ha-ma-lặc, Tỳ-hê-lặc, Tất-bạt-la, càn cương, cam giá, đường, thạch mật. Nếu đồ không chảy nên đựng: như tô, du, mật nên cột, đậy miệng kỹ, đề tên thuốc rõ ràng. Nếu Tỳ-kheo bệnh cần, nên hoan hỷ đưa. Nếu người bệnh tự biết dùng thuốc thì nên tự lấy dùng; nếu không biết, nên hỏi thầy thuốc. Nếu không có thầy thuốc nên hỏi hai thầy (Hòa thượng, A-xà-lê): “Con bị bệnh như vậy, như vậy, nên dùng thuốc gì?” Nếu hai thầy không biết, nên lấy uống, sau ba lần không lành, lấy thứ thuốc khác để dùng.
48. GIỚI XEM QUÂN TRẬN
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, đi xem quân trận, Ba-dật-đề, trừ có nhân duyên hợp thời.
NGUYÊN DO[15]:
Vua Ba-tư-nặc tự mình lãnh lục quân chinh phạt bọn phản loạn. Lục quần đến xem coi, vua không bằng lòng, nhân đó gởi một gói thạch mật về dâng đức Thế Tôn... Thế Tôn quở trách, kiết giới. Sau đó có hai đại thần ở trong quân trận mong muốn được gặp Tỳ-kheo Lê-sư-đạt và Phú-la-na, nên sai sứ đến mời. Các Tỳ-kheo cẩn thận sợ không dám đến, cho nên trừ thời, và nhân duyên.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Ðến chỗ mà thấy được, phạm Ba-dật-đề, không thấy, phạm Ðột-kiết-la. Muốn xem mà không đi, trên đường gặp mà không tránh, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Sức mạnh bắt buộc, tất cả các trở nạn không tránh được.
Luật Tăng kỳ nói:
Hành quân kéo đến tinh xá, không tác ý, xem, không tội. Tác ý xem, mắc tội Việt tỳ-ni.
Luật Căn bản nói:
Nếu thấy hành quân, không nên nói là hay, dở gì cả.
Luật Thập tụng nói:
Ðến xem quân dạ-xoa, phạm Ðột kiết-la.
Ni-đà-na nói:
Thấy đánh nhau không nên đến xem. Nếu thấy cãi nhau, phải tránh đi gấp.
49. GIỚI Ở TRONG QUÂN TRẬN QUÁ BA ÐÊM
Ðại thừa đồng học. Hoặc quán căn cơ, không phạm.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, có nhân duyên được phép đến trong quân trại ngủ lại hai, ba đêm. Nếu quá, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[16]:
Lục quần có nhân duyên đến ngủ trong quân trận, cư sĩ cơ hiềm, cho nên Phật chế cấm.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Ðến đêm thứ ba, khi tướng mặt trời chưa xuất hiện, nên đến chỗ không thấy không nghe; nếu không lìa chỗ không thấy không nghe, minh tướng xuất hiện phạm Ba-dật-đề; lìa chỗ thấy không lìa chỗ nghe, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: gặp các trở ngại.
Luật Ngũ phần nói:
Tuy có nhân duyên, nếu dùng thơ tín, giải quyết được thì nên dùng thơ tín. Nếu cần phải đến, thì mới đến. Việc xong liền về, không nên ở lại ngủ. Nếu việc không xong, nên ở lại một đêm. Một đêm không xong, nên ở đêm thứ hai. Nếu vẫn không xong, ở đến đêm thứ ba. Ðêm thứ ba xong hay không xong, nếu ở quá, phạm Ba-dật-đề. Nếu việc xong một cách đột ngột, không nên ở lại đêm mà ngủ, trái phạm, mắc Ðột-kiết-la.
50. GIỚI XEM COI QUÂN TRẬN
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, ở trong quân trận hai, ba đêm hoặc khi xem quân đội chiến đấu, hoặc xem thế lực quân đội, quân voi, quân ngựa, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[17]:
Lục quần xem quân trận, bị mũi tên bắn trúng, đồng bạn dùng y băng lại, chở về. Cư sĩ hỏi biết sự việc cùng nhau cơ hiềm, cho nên Phật chế cấm.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Phạm, không phạm đồng như giới trước.
Luật Ngũ phần nói:
Xem cầm thú đánh nhau phạm Ðột-kiết-la.
51. GIỚI UỐNG RƯỢU
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, uống rượu, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[18]:
Tôn giả Ta-già-đà ngủ nhờ nơi nhà của Phạm chí bện tóc, đã hàng phục con rồng lửa ác độc. Chủ nước Câu-thiểm-di, sanh lòng kính mộ, đảnh lễ Thế Tôn, xin được cúng dường Tôn giả. Lục quần đòi rượu đen, Tôn giả bị say, giữa đường ói mửa, chim chóc tranh nhau la inh ỏi. Phật hỏi A-nan, biết sự việc, quở trách: “Như hiện nay thì không hàng phục được con rắn con, huống là con rồng lớn”.
Uống rượu có 10 tội lỗi và mất mát:
1) Nhan sắc xấu.
2) Yếu sức.
3) Con mắt không sáng.
4) Tướng nóng giận.
5) Phá hư ruộng vườn tài sản.
6) Ðưa đến bệnh tật.
7) Thích gây tranh chấp.
8)Tiếng xấu đồn khắp.
9) Trí tuệ giảm sút.
10) Thân hoại mạng chung đọa vào 3 đường dữ.
Từ đây về sau, ai (tôn giáo pháp) Ta là thầy, thì cho dù chỉ dùng đầu ngọn cọng cỏ chấm vào rượu rồi thấm vào miệng.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau phạm Ðột kiết-la.
Không phạm: dùng rượu làm thuốc, dùng rượu thoa ghẻ.
Luật Thập tụng nói:
Uống rượu gạo, rượu cam, rượu đường v.v... tất cả loại rượu có thể say, mỗi miếng phạm một Ba-dật-đề. Nếu chỉ có sắc rượu, không có mùi rượu, vị rượu, không say người thì uống không phạm.
Ma-đắc-lặc-già nói:
Nếu dùng rượu nấu làm thời dược (thuốc đúng thời), thuốc phi thời, thuốc bảy ngày không có tánh rượu, được uống.
Luật Thiện kiến nói:
Nếu thuốc nấu rượu, nấu thức ăn nên có mùi vị rượu, phạm Ðột-kiết-la; không coù mùi vị rượu thì được dùng.
52. GIỚI GIỠN TRONG NƯỚC
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, đùa giỡn trong nước, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[19]:
Thập thất quần Tỳ-kheo giỡn trong nước. Vua Ba-tư-nặc cùng với Mạc-lợi phu nhơn, từ trên lầu trông thấy. Phu nhơn sai sứ đến bạch đức Thế Tôn, chế cấm.
GIẢI THÍCH:
Giỡn trong nước: là từ bờ này đến bờ kia, hoặc thuận dòng hay nghịch dòng, hoặc ở đây lặn xuống, nơi kia nổi lên. Hoặc lấy tay vẽ trên nước, hoặc cùng nhau tạt nước, vung vãi trong nước.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Giỡn trong nước, phạm Ba-dật-đề. Nếu nước trái lạc tương, lúa mạch v.v... đựng trong đồ mà lộng hý (vẽ chơi), phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau, phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Ði đường phải lội qua nước, kéo tre lấy cát, tìm vật bị mất, học bơi v.v...
Luật Ngũ phần nói:
Tát nước tuyết, giỡn sương trên đầu cỏ, Ðột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Trên bàn có nước, hoặc nơi giường ngồi có nước, dùng ngón tay vẽ chơi, phạm Ðột-kiết-la.
Luật Thiện kiến nói:
Nước sâu ngập ống chân, giỡn trong đó, phạm Ba-dật-đề. Lay động chiếc thuyền, giỡn nước, phạm Ðột-kiết-la.
53. GIỚI THỌC LÉC NHAU
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, lấy ngón tay thọc léc người khác, Ba-dật-đề. (tức là dùng ngón tay khiến cho thịt ngứa để lấy sự vui vậy).
NGUYÊN DO[20]:
Một người trong Lục quần, thọc léc một người trong Thập thất quần đến bỏ mạng, cho nên Phật chế cấm.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Trừ ngón tay, ngón chân. Nếu dùng gậy, chìa khóa chốt cửa v.v... thọc léc, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, Ba-dật-đề, ba chúng sau, Ðột-kiết-la.
Không phạm: khi ngủ đụng phải, tất cả việc đụng nhầm.
Luật Ngũ phần nói:
Thọc léc Sa-di cho đến súc sanh, phạm Ðột-kiết-la.
Tát-bà-đa ma-đắc-lặc-già nói:
Nếu thân căn hư hoại lấy tay chọc, phạm Ðột-kiết-la.
54. GIỚI KHÔNG NHẬN LỜI CAN GIÁN
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, không nhận lời can gián, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[21]:
Xiển-đà suýt phạm giới, các Tỳ-kheo can gián mà không nghe, cho nên Phật chế.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới, Ðột- kiết-la.
Không phạm: người can gián không có trí tuệ và vui chơi, nhầm nói v.v...
PHỤ:
Kinh Tỳ-ni mẫu nói:
Không nên nhận sự can gián của 5 hạng người:
1) Người không tàm quý.
2) Người không học rộng.
3) Người thường tìm lỗi của người.
4) Người ưa đấu tranh.
5) Người muốn cởi áo hoàn tục.
55) GIỚI KHỦNG BỐ NGƯỜI KHÁC
Ðại thừa đồng học. Hoặc quán căn cơ để chiết phục, không phạm.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, dọa nạt Tỳ-kheo khác, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[22]:
Nơi kinh hành, Phật kinh hành, Tỳ-kheo Na-ca-ba-la hầu Phật, đầu hôm thỉnh Phật về phòng. Thế Tôn làm thinh, giữa đêm, sau đêm cũng vậy. Na-ca-ba-la lật ngược y, giả tiếng của phi nhơn khủng bố Thế Tôn. Sáng hôm sau, Thế Tôn nhóm chúng, khiển trách, kiết giới.
GIẢI THÍCH:
Khủng bố: là dùng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, khủng bố người.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Ðối tượng thấy nghe, biết, sợ hay khoâng sợ, đều phạm Ba-dật-đề; không thấy, nghe, biết, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, Ba-dật-đề. Ba chúng sau, phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Tất cả trường hợp không cố ý làm cho người khác sợ sệt.
Luật nhiếp nói:
Nếu dùng sắc, thinh... khả ố khiến người khác sợ, mắc tội đọa. Nếu dùng sắc thinh khả ái khiến người khác kinh sợ, đều mắc tội ác tác. Nếu đối với người khác làm cho họ kinh sợ đều phạm ác tác. Nếu trình bày ba đường dữ, dụng ý để hóa đạo, người kia tuy sợ, không phạm. Bí-sô, tưởng Bí-sô, 6 câu, 2 câu đầu tội đọa, 4 câu sau khinh tội. Thật không có sự sợ sệt, tưởng không có sự sợ sệt 6 câu, 2 câu nặng, 2 câu nhẹ, 2 câu không phạm.
56. GIỚI TẮM RỬA NHIỀU QUÁ
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo, nửa tháng tắm một lần; Tỳ-kheo không bệnh nên thọ; nếu quá, Ba-dật-đề, trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là: Thời gian nóng, khi bệnh, khi lao tác, khi gió và mưa, khi đi đường. Ðó là trường hợp đặc biệt.
NGUYÊN DO[23]:
Nước Ma-kiệt có ao nước, vua Bình-sa cho phép các Tỳ-kheo vào trong đó tắm. Lục quần Tỳ-kheo sau đêm vào tắm. Vua cùng thể nữ đến, nghe tiếng Tỳ-kheo tắm, yên lặng chờ. Lục quần dùng các loại thuốc bột tắm cho nhau, mãi đến mặt trời mọc, cuối cùng nhà vua không tắm được. Do đó các đại thần đều cơ hiềm, chê trách, giận dữ, nên Phật chế cấm.
GIẢI THÍCH:
Bệnh: là thân thể bị hôi thúi. Lao tác: là những việc như quét đất, quét phòng. Mưa gió, một cơn mưa gió lốc làm nhớp thân. Ði đường: đi nửa do-tuần.
Luật Ngũ phần nói:
Khi nóng là khi mồ hôi đổ ra.
Luận Tát-bà-đa nói:
Thời gian tắm sớm muộn tùy từng vùng, thường trong thời gian nửa tháng hai được phép tắm.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Trừ trường hợp đặc biệt, ngoài xối nước ướt khắp thân hoặc ướt nửa thân, phạm Ba-dật-đề. Sửa soạn mà không thực hiện, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Thế lực bắt buộc phải tắm.
Luật Thập tụng nói:
Ngày hôm qua đến, ngày hôm nay tắm, ngày mai sắp muốn đi, ngày nay tắm, phạm Ba-dật-đề.
Luật Ngũ phần nói:
Nếu tắm cho thầy và người bệnh, thân thể mình đã ươùt, nhân đó tắm không phạm.
Luật Tăng kỳ nói:
Nếu không có các trường hợp trên, thì phải theo pháp tắm của thợ đồ gốm đồ sành, trước hết rửa 2 tay, 2 chân, sau rửa đầu, mặt, eo lưng, vai, cánh tay, cùi chỏ, hông, nách.
BIỆN MINH:
Lễ sám kiết đàn, hàng ngày tắm 3 lần, tuân theo lời Phật dạy, chẳng phải phạm. Trong Tòng lâm tất cả chúng có mục tắm nước nóng, cũng chẳng phạm.
PHỤ:
Không nên cùng với người bạch y tắm chung, nếu họ khen ngợi Tam bảo thì cho phép tắm.
57. GIỚI NHEN LỬA CHỖ ÐẤT TRỐNG
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, không bệnh, để tự sưởi, nhóm lửa tại đất trống, hoặc bảo người nhóm, Ba-dật-đề. Trừ có nhân duyên.
NGUYÊN DO[24]:
Trước bậc Thượng tọa, Lục quần không được làm theo ý của mình, nên cùng nhau ra ngoài phòng nhóm lửa giữa đất trống để sưởi ấm. Khi ấy, trong bộng cây có con rắn độc, hơi khói lồng vào nóng, từ trong lỗ bộng cây chạy ra, các Tỳ-kheo đều kinh hoàng, lấy củi đang cháy quăng tán loạn, đến nỗi cháy giảng đường, cho nên Phật chế cấm.
GIẢI THÍCH:
Bệnh: cần lửa để sưởi ấm. Nhân duyên: là Tỳ-kheo bệnh cần nấu cơm, cháo, canh, hoặc ở nơi ôn thất[25], nhà trù, phòng tắm, hoặc xông bát, nhuộm y, đốt đèn, đốt hương.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Không bệnh, nhen lửa chỗ trống để sưởi, hoặc đốt cỏ, cây, nhánh, lá v.v... phạm Ba-dật-đề. Ðốt phân nửa, đốt than, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau phạm Ðột-kiết-la.
Luật Ngũ phần nói:
Ðốt lửa, ngọn lửa cao 4 ngón tay, phạm Ba-dật-đề.
Luận Tát-bà-đa nói:
Trên đường đi gặp trời lạnh rét, nhoùm lửa để sưởi, không phạm.
Luật Tăng kỳ nói:
Cầm đuốc đi, muốn dập tàn, không nên dập chỗ đất chưa cháy, nên dập trên chỗ cao, trên gạch, nếu lửa của đuốc rớt xuống đất, liền dập cho tắt thì không tội.
PHỤ:
Phần thứ tư (Tứ phần luật) nói:
Gần lửa có 5 điều lỗi:
1) Khiến cho người không có nhan sắc.
2) Mất sức.
3) Mắt mờ.
4) Khiến nhiều người tụ tập.
5) Nói nhiều việc thế tục.
Luật Tăng kỳ nói:
Ðốt lửa có 7 việc không lợi ích:
1) Hư mắt.
2) Hư sắc.
3) Thân suy yếu.
4) Nhớp hư áo.
5) Hư mền giường.
6) Tạo nhân duyên phạm giới.
7) Thêm ngôn luận về thế tục.
PHỤ:
Căn bản tạp sự nói:
Cố ý đốt cháy rừng núi, mắc tội Thổ-la (Thâu-lan-giá).
58. GIỚI GIỠN CHƠI, GIẤU VẬT CỦA NGƯỜI KHÁC
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, giấu y, bát, tọa cụ, ống đựng kim của Tỳ-kheo khác, tự mình giấu, hoặc bảo người giấu, dù chỉ giỡn chơi, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[26]:
Thập thất quần đem y, bát, tọa cụ, ống đựng kim, để một bên, đi kinh hành, chờ đến giờ thọ trai. Lục quần đợi khi họ quay lưng lại, lấy giấu. Giờ thọ trai đến, họ phải tìm kiếm, lúc ấy họ bị chế nhạo. Các Tỳ-kheo xét biết, cơ hiềm, Phật nghe, chế giới.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới, phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: biết rõ vật của người kia bỏ quên nên lấy cất. Vì răn dạy người thiếu cẩn thận nên lấy cất. Mượn y của người mặc, người kia không thâu xếp, sợ mất nên lấy cất. Hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn v.v...
Luật Ngũ phần nói:
Cất giấu vật của bốn chúng cho đến vật của súc sanh, mắc Ðột-kiết-la. Ni giấu vật của 2 chúng, mắc Ba-dật-đề. Ngoài ra, mắc Ðột-kiết-la.
Luật Tăng kỳ nói:
Giấu loại y khác hay vật khác, mắc tội Việt tỳ-ni.
Luật Thập tụng nói:
Nếu người kia tìm được, mắc Ðột-kiết-la; tìm không được, phạm Ba-dật-đề. Nếu giấu ống đựng kim tìm được, không tìm được, đều mắc Ðột-kiết-la.
59. GIỚI VỘI ÐẮP Y ÐÃ TỊNH THÍ
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, đã cho y cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di ni, về sau không nói với chủ, lấy lại mà dùng, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[27]:
Vì lục quần cho nên chế.
GIẢI THÍCH:
Cho y: là tịnh thí y vậy. Tịnh thí có 2 loại:
1) Chơn thật tịnh thí là nói: “Ðây là y dư của tôi chưa tác tịnh, nay vì muốn tịnh, xin biếu cho Trưởng lão để làm tịnh chơn thật.”
2) Triển chuyển tịnh thí là nói: “Ðây là y dư của tôi, chưa tác tịnh. Nay vì muốn tịnh, xin biếu cho Trưởng laõo để được tịnh”. Vị kia nói: “Trưởng lão nghe cho, Trưởng lão có cái y dư, chưa tác tịnh, nay cho tôi được tịnh. Tôi xin nhận.” Nhận rồi hỏi rằng: “Trưởng lão có muốn cho ai chăng?” Vị kia trả lời: “Cho thầy...” Vị nhận y lại nói: “Trưởng lão có cái y dư, chưa tác tịnh, nay cho tôi, để được tịnh. Tôi nhận. Nhận rồi, tôi cho mỗ giáp. Như vậy y này là của mỗ giáp, thầy hãy vì mỗ giáp giữ gìn và tùy ý sử dụng.”
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Chơn thật tịnh thí, phải hỏi chủ, vậy sau mới dùng triển chuyển tịnh thí, hỏi chủ hay không hỏi, tùy ý dùng. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau, phạm Ðột-kiết-la.
Luật Căn bản nói:
Nhận y của người gởi, sau không hỏi chủ lấy đắp mặc, phạm Ba-dật-để-ca; nếu vật của thân hữu, người kia khi nghe mình dùng, tâm sanh vui mừng thì không phạm.
BIỆN MINH:
Xét rằng: Luật Căn bản cùng với luật Tứ phần mục đích hoàn toàn khác nhau. Ðây vì người năng thí mà chế giới; kia vì người nhận gởi mà đề phòng tội lỗi. Tuy có khác nhau, song đứng về mặt lý thì cả hai đều nên bảo vệ.
PHỤ:
Luật Ngũ phần nói:
Không nên tịnh thí cho 5 hạng người:
1) Không cùng biết.
2) Chưa hiểu nhau tận tường.
3) Chưa từng gần thân nhau.
4) Phi thân hữu đồng sư.
5) Phi thời, phi loại (người 80, 90 tuổi gọi là phi thời. Chưa từng xuất gia gọi là phi loại).
Lại có 2 pháp không nên tịnh thí:
1) Người không hay khen ngợi.
2) Không cùng với người tạo tiếng khen tốt đẹp.
Lại có 2 pháp:
1) Không hay nhận trọng vật tịnh thí của người, bảo vệ như của mình.
2) Mình có trọng vật, không hay tịnh thí. Người kia dùng không hận.
Lại có 2 pháp:
1) Khoâng biết họ còn sống chăng?
2) Không biết rõ họ còn tu hay không?
Nếu Tỳ-kheo ở một mình, nên làm pháp “từ xa hướng đến tịnh thí”. Trong 3 y phải có sự thay đổi. Ðắp y trống vai mặt, cởi guốc dép, quỳ gối, cầm y, nghĩ, miệng nói: “Y này của tôi,... (bao nhiêu) điều, nay xả”. Nói như vậy 3 lần. Sau đó nhận y dư, cũng như pháp trước, tâm nghĩ miệng nói: “Y... này của tôi, (bao nhiêu) điều... nay nhận.” Nói như vậy ba lần. Như vậy là thọ rồi, y xả kia nên tịnh thí, lại cũng như pháp trước, tâm nghĩ miệng nói: “Y này của tôi, tịnh thí cho.... từ nơi vị kia lấy dùng.” Nếu không đổi, thọ dụng, khi được y dư liền phải tịnh thí như vậy.
Pháp độc tịnh thí, đến ngày thứ 11, lại phải như pháp trước, tâm nghĩ, miệng nói: “Y dư này của tôi, từ nơi... lấy lại”. Sau đó, cũng như pháp trước, thọ trì, tịnh thí. Hoặc đối với người tịnh thí, nên làm pháp triển chuyển tịnh thí. Như pháp trước, cầm y nói: “Y dư này của tôi, đến Trưởng lão làm pháp tịnh thí”. Vị kia nên hỏi: “Y này của Trưởng lão, đến tôi tác tịnh, tôi đem cho ai?” Ðáp rằng: “Trong 5 chúng, tùy yù ngài cho”. Vị kia liền nói: “Nay tôi cho... Khi nào ngài cần, đến đó lấy dùng, khéo léo bảo vệ y”.
Trong vấn đề này, vị kia nói rõ tên Tỳ-kheo thọ thí. Tỳ-kheo ấy sợ phạm tội chứa y dư, không dám nhận Phật dạy: “Không nên nêu tên Tỳ-kheo nhận y.”
60. GIỚI Y KHÔNG HOẠI SẮC
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, được y mới, tùy ý dùng một trong ba màu, hoặc là xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan, làm cho hoại sắc. Nếu không làm hoại sắc bằng ba thứ, hoặc xanh, hoặc đen, hoặc mộc lan, mà mặc nguyên y mới, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[28]:
Lục quần mặc y màu trắng đi, cư sĩ cơ hiềm, nên chế.
GIẢI THÍCH:
Y mới may hoặc là mới nhận được từ nơi người, đều gọi là y mới.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới, phạm Ðột-kiết-la.
Luật Thập tụng nói:
Nếu được y xanh nên dùng đen đỏ để tác tịnh. (Nê ‘泥’ tức là màu đen. Thiến ‘茜’, cách đọc ‘phiên thiết’ “thử + kiến=thiến”, tên loài cỏ, cũng viết là thiến ‘菁’, tức mộc lan vậy)[29]. Nếu được y màu đỏ, nên dùng màu xanh, đen để tác tịnh; nếu được y màu vàng, đỏ, trắng, nên dùng màu xanh, đen, đỏ ba màu để tác tịnh.
Luật Ngũ phần nói:
Nên dùng 3 sắc để làm chuẩn. Nếu không làm chuẩn thì bao nhiêu lần mặc phạm bấy nhiêu Ba-dật-đề. Nếu không mặc, thì bao nhiêu đêm, bấy nhiêu phạm Ba-dật-đề.
Luật Tăng kỳ nói:
Tác tịnh, lớn nhất bằng 4 ngón tay, nhỏ nhất bằng hột đậu. Hoặc một, hoặc ba, hoặc năm, hoặc bảy, hoặc chín. Không được vẽ như hình của hoa. Nếu vá riêng từng miếng, mỗi miếng đều phải tác tịnh. Nếu may y mới thì tác tịnh một góc (chéo); nếu một điều, nửa điều được vá cũng tác tịnh.
61. GIỚI GIẾT SÚC SANH
Ðây là tánh tội. Phạm trọng tội của Ðại thừa.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, cố ý giết chết mạng sống loài vật, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[30]:
Ca-lưu-đà-di không thích thấy các loài chim, làm cung bằng tre để bắn chim, nên Phật chế cấm.
GIẢI THÍCH:
Luật Ngũ phần nói:
Súc sanh: là trừ loài rồng ra, còn bao nhiêu đều cùng là súc sanh cả. (Rồng tuy là súc sanh mà hay biến hóa đủ thần lực, thủ hộ quốc độ, bảo vệ Chánh pháp. Công dụng của rồng cũng như chư Thiên, cho nên nếu giết thì phạm Thâu-lan-giá.)
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tự mình giết, dạy người giết, phương tiện giết v.v... tất cả phạm Ba-dật-đề. Phương tiện muốn giết mà không giết, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la. Nhầm, gây tổn thương không phạm.
Tát-bà-đa ma-đắc-lặc-già nói:
Muốn chặt sợi dây nhằm chặt con rắn, phạm Ðột-kiết-la. Muốn giết con trùng này nhằm giết con trùng kia, muốn chặt con trùng mà chặt dưới đất, muốn bắt trùng mà gắp đất, đều mắc tội Ðột-kiết-la.
PHỤ:
Luật nhiếp nói:
Nếu trong chùa, phòng, mái hiên chim chóc đến ở, làm ồn, nên sai người xem xét. Nếu tổ của nó không có trứng thì nên đuổi đi; nếu có, đợi nó nở và bay đi, sẽ đuổi. Nếu tổ ong không có con thì nên đuổi đi, nếu có dùng tơ, gai bao bọc, đừng cho nó phát triển thêm.
62. GIỚI DÙNG NƯỚC CÓ TRÙNG
Ðại thừa đồng chế.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, biết nước có trùng mà uống hoặc dùng, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[31]:
Do lục quần Tỳ-kheo nên Phật chế.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Tưởng, nghi, v.v.... sáu câu, có thế biết; Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau, phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Không biết có trùng. Hoặc có, loại trùng lớn, khua động nước nó tránh chỗ khác. Hoặc nước có lọc.
Luật Căn bản nói:
Biết có trùng trong những vật như bún, mật, đường, dầu, giấm, nước, sữa, lạc (cao sữa), bánh, trái cây mà thọ dụng đều mắc tội đọa.
Luật nhiếp nói:
5 thứ con mắt không nên xem nước: 1) Con mắt có bệnh, 2) Mắt có mụt nhọt 3) Mắt cuồng loạn, 4) Mắt già nua, 5) Thiên nhãn.
Thời gian xem coi nước có trùng hay không, nên xem độ lâu như 6 cổ xe bò xoay lại.
Nếu nước sông chảy, một khi xem không trùng trong khoảng một câu-la-xá[32], tùy ý uống dùng, song khoảng cách đó, không có con sông nào khác chảy vào.
Nếu nước không chảy và dòng nước chảy ngược thì một lần xem ngang bằng trong khoảng một tầm nhìn thì được dùng.
Có 5 loại nước sạch:
1) Tăng-già tịnh.
2) Biệt nhơn tịnh.
3) Lược tịnh.
4) Suối chảy mạch tịnh.
5) Giếng nước tịnh.
Nếu biết vị kia là người trì giới, tôn trọng mạng sống, dầu không quan sát, khi nhận được nước nơi vị ấy uống, dùng không phạm.
Mỗi lần xem coi nước, bắt đầu từ mặt trời xuất hiện, cho đến tướng mặt trời chưa xuất đều tùy đó mà thọ dụng.
Luật Tăng kỳ nói:
Trùng, không phải là cá trạnh v.v... Nó là loại trùng nhỏ ly ti, cho đến hình tướng rất nhỏ, mắt nhìn khó thấy.
Không nên dùng Thiên nhãn xem coi nước, cũng không nên sai người mắt mờ xem coi nước. Người có thể thấy cái chỉ nhỏ nhất trong bàn tay, được sai xem coi nước. Không được xem gấp quá hay xem lâu quá, nên xem độ lâu bằng con voi lớn một phen xoay mình lại. Nếu trong nước có trùng rất nhỏ, không nên rửa tay, rửa mặt và đi đại tiểu tiện.
Nếu Ðàn-việt mời cơm, nên hỏi đã lược nước chưa. Nếu nói chưa lược, nên coi người nào đủ tin bảo họ lược. Nếu người không đủ tin, đừng bảo lược, gây tổn thương cho trùng. Tỳ-kheo nên tự lược nước mà dùng. Trùng trong đãy lọc nên đem đổ lại nơi chỗ lấy nước. Nếu nơi chỗ lấy nước xa thì vũng nước nào trong vòng 7 ngày không khô cạn, đổ trùng chỗ đó. Nếu không có vũng nước nào thì nên đem chúng đựng vào đồ chứa để nuôi. Ðợi trời mưa có nước thì đem đổ nó nơi dòng nước, nói như vầy: “Các ngươi hãy vào trong biển cả đi”.
Nếu trên đường đi, biết giếng nước có trùng, không được xách nước đó đổ vào đồ chứa mượn của người.
Nếu nước ao, nước vũng lớn có trùng, không được kêu lớn: “Trưởng lão! Nước này có trùng, có trùng”, khiến cho vị ấy sanh nghi, không vui. Nếu vị ấy hỏi: “Nước này có trùng chăng?” Nên trả lời: “Trưởng lão tự xem lấy.” Nếu là chỗ quen biết, đồng sư, nên nói: Nước này có trùng, nên lược mới dùng.
PHỤ:
Phần thứ tư[33] nói:
Không nên không có đãy lọc nước mà đi quá nửa do-tuần. Nếu không có, nên dùng chéo của y Tăng-già-lê lược.
Luật Ngũ phần nói:
Cũng cho phép chứa cái bình lọc nước bằng đồng, thiết, tre, cây, sành, đá v.v... dùng vải mịn đậy nắp, không cho pheùp dùng cái y phấn tảo đậy.
Căn bản tạp sự nói:
Dùng lụa mỏng cột miệng bình, thả chìm dưới nuớc phân nửa cái miệng bình, đợi đầy xách lên vẫn phải quan sát trùng (nếu nhận chìm luôn cả miệng bình thì nước không vô). Cần cái bình rộng miệng, không đòi hỏi lớn nhỏ, dùng lụa cột miệng bình, tùy thời lấy nước, đấy là việc làm cần cẩn thận và thong thả.
(“Quân trì 君持U” cũng viết là “quân trì 軍遲”[34], dịch là bình. Nam hải ký qui[35] nói: Tịnh bình bằng sành, bằng đất, lớn cỡ 2, 3 thăng, bỏ nơi chỗ sạch, dùng tay sạch cầm. Nhiều bình làm bằng đồng, bằng thiết, bỏ nhiều chỗ, tùy ý xách).
Truy môn cảnh huấn nói:
Ðãy lọc nước là dụng cụ của hạnh từ, là cái duyên tế vật. Ðại hạnh do đây mà phát sanh, chí đạo nhân đây mà đạt đến.
CHỨNG MINH:
Luật Tăng kỳ nói:
Nước Ba-la-chỉ có hai Tỳ-kheo làm bạn, đến nước Xá-vệ để thăm hỏi đức Thế Tôn, trên đường đi bị khát mà không có nước. Phía trước có một giếng nước, một Tỳ-kheo xách nước uống liền, một Tỳ-kheo thấy nước có trùng, khoâng uống. Vị Tỳ-kheo kia hỏi: “Tại sao thầy không uống?” đáp: “Thế Tôn chế giới, không được uống nước có trùng.” Vị kia khuyên: “Trưởng lão nên uống, đừng để bị chết khát, không được thấy Phật.” Vị nọ đáp: “Tôi thà bỏ mạng, chứ không phá hủy lời Phật đã dạy.” Sau đó, vị ấy chết. Vị kia đi đến chỗ Phật. Phật hỏi: “Từ đâu đến?” Lại hỏi: “Thầy đi một mình sao?” Vị kia trình bày đầy đủ vấn đề. Phật dạy: “Thầy là kẻ ngu si, không được thấy Ta, mà gọi là thấy Ta. Vị Tỳ-kheo chết khát đã thấy Ta rồi.
(Luật Thập tụng nói: “Vị trì giới kia, không uống bèn chết, liền sanh cõi trời thứ Ba mươi ba đặng thân trời đầy đủ. Vị ấy đến trước chỗ Phật, lễ chân Phật, nghe pháp, đặng con mắt pháp thanh tịnh, thọ Tam quy y cho nên nói là đã “thấy Ta trước”. Trong luật Căn bản cũng nói việc này cũng vậy.)
Nếu Tỳ-kheo phóng dật, giải đãi, không nhiếp các căn, tuy cùng sống một chỗ với Ta mà xa cách Ta. Vị ấy tuy thấy Ta mà Ta không thấy vị ấy. Nếu có Tỳ-kheo ở bờ biển bên kia không hề phóng dật, tinh tấn không biếng nhác, thúc liễm các căn,
tuy cách xa Ta, Ta thường thấy vị ấy, vị ấy thường gần Ta”.
(Ðây luận về không gian có gần có xa, nếu luận về thời gian thì người phóng dật, tuy sanh đời có Phật, chẳng khác nào đời mạt pháp. Người không phóng dật tuy sanh đời mạt pháp, chẳng khác nào như Chánh pháp. Phật thân chơn thường, vốn không xuất thế, cũng không diệt độ. Xin kẻ sĩ hào kiệt đừng khởi tưởng tượng pháp, pháp diệt hết mà tự buông trôi. Thế nên tinh tấn không biếng nhác, thúc liễm các căn, nghiêm tịnh Tỳ-ni, chớ khinh tội nhỏ. Thường nghĩ như mình đang diện kiến tôn nhan đức Cha lành, thân thừa lời dạy sáng suốt của Ngài. Tu trì không mệt mỏi, sẽ thấy hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan vậy.)
63. GIỚI CỐ Ý LÀM PHIỀN NGƯỜI
Ðại thừa đồng học.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, cố ý gieo nghi ngờ cho Tỳ-kheo khác, dù chỉ khiến cho họ không yên tâm trong chốc lát, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[36]:
Thập thất quần Tỳ-kheo hỏi Lục quần Tỳ-kheo: “Thế nào là nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền? Thế nào nhập Không, Vô tướng, Vô nguyện? Thế nào đặng tứ quả?” Ðáp rằng: “Như những câu các ông hỏi là đã phạm Ba-la-di, chẳng phải Tỳ-kheo”. Khi ấy, Thập thất quần đến hỏi Thượng tọa, vị Thượng tọa biết là họ bị gieo nghi ngờ, phiền não, bạch Phật, chế giới.
GIẢI THÍCH:
Gieo nghi ngờ phiền não: tức là dựa vào năm sanh, tuổi tác, thọ giới, Yết-ma, phạm phi phạm, hay pháp phi pháp cũng vậy. Dựa vào năm sanh mà nghi ngờ, như hỏi: “Ông sanh bao lâu rồi?” Bảo rằng: “...bao nhiêu năm?” Lại nói: “Ông không phải sanh bao nhiêu năm đó. Ông sanh như bao nhiêu người khác, chẳng phải như ông nói”. Cho đến pháp v.v... cũng vậy.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Nếu cố ý dùng vấn đề này để gây nghi ngờ, phiền não, noùi rõ ràng, phạm Ba-dật-đề; nói không rõ ràng, phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng dưới phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Sự thật là như vậy, không cố ý gây phiền não. Cho đến nói nhầm v.v...
Luật Ngũ phần nói:
Khiến cho bốn chúng nghi hối, phạm Ðột-kiết-la. Ni khiến cho hai chúng nghi hối, phạm Ba-dật-đề. Khiến cho ba chúng khác nghi hối, phạm Ðột-kiết-la.
64. GIỚI CHE TỘI THÔ ÁC CỦA NGƯỜI
Ðây là tánh tội. Ðại thừa đồng chế. Tức là: “Giới không dạy ăn năn tội vậy”.
Hỏi: - Không che tội của người, tức là nói cái lỗi của bốn chúng sao?
Ðáp: - Chỉ cấm không được nói với người ngoài chứ không cấm nói trong Tăng, đúng như pháp cử tội vậy. Nếu như dung túng việc phi pháp để trở thành việc đại ác hay sao! Khiến cho họ tội càng tăng, mà kể cả pháp môn cũng bị tiếng xấu. Ai có lòng từ, lại cam tâm ngồi nhìn sự việc như vậy?!
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, biết rõ Tỳ-kheo khác phạm tội thô ác mà cố ý che giấu, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[37]:
Bạt-nan-đà thường phạm tội, đến nói với Tỳ-kheo quen thân, bảo đừng nói với ai. Sau đó, hai người kình nhau, Tỳ-kheo kia đến nói những tội phạm của Bạt-nan-đà với các Tỳ-kheo khác. Các Tỳ-kheo khác hỏi, biết lý do, bạch Phật, chế giới.
GIẢI THÍCH:
Thô tội: tức tội tứ khí và thập tam Tăng tàn.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Biết khi tiểu thực, sau bữa ăn nói, cho đến đầu đêm biết, giữa đêm nói, phạm Ðột-kiết-la. Giữa đêm biết, sau đêm muốn nói mà chưa nói, tướng mặt trời hiện, phạm Ba-dật-đề. Che các tội khác, tự che thô tội của mình, che thô tội của người, đều phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni che tội khí của Ni phạm Ba-la-di; che tội Tăng tàn của Ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau, phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Trước không biết, hoặc không có người để nói, hay phạm hạnh nạn, mạng nạn.
Luật Thập tụng nói:
Thấy tội của người khác, đến người khác nói, bèn thôi. Nếu nghe, nếu nghi, không nên nói.
Luật Tăng kỳ nói:
Không nên đến nói với người thế tục mà nên đến thiện Tỳ-kheo nói. Nếu Tỳ-kheo có tội là kẻ hung ác, hoặc dựa vào thế của vua, của đại thần hay bạn ác, muốn tạo nhân duyên để đoạt mạng sống, thương tổn đến phạm hạnh thì nên nghĩ rằng: “Người kia tạo nghiệp ắt có quả báo, họ tự biết lấy. Ví như lửa cháy, chỉ tự cứu mình, đâu biết đến việc khác.” Như vậy vô tội.
PHỤ:
Phần thứ ba (luật Tứ phần) nói:
Tự thân có đủ 5 pháp mới cử tội của người:
1) Nói đúng lúc, không nói phi thời.
2) Chơn thật không phải hư ngụy.
3) Có ích không phải tổn giảm.
4) Nhu nhuyến không phải thô lỗ.
5) Từ tâm không phải sân hận.
Phần thứ tư (luật Tứ phần) nói:
Phật bảo Ưu-ba-ly: “Thân, oai nghi không thanh tịnh; nói, không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh. Ít học không biết Tu-đa-la (kinh), ít học không biết Tỳ-ni (luật), biện luận không rõ ràng, dụ như “bạch dương” (dê câm). Người như vậy không nên cử tội kẻ khác.
Nếu các pháp đầy đủ, nên dùng đúng thời, dùng đúng pháp, cử tội người khác. Hơn nữa, Tỳ-kheo nào có ái, cung kính đối với Ta, thì nên cử tội họ. Hoặc không ái, có cung kính, hoặc không cung kính, có ái, thì nên cử Hoặc tuy không có kính mà có thể bỏ ác làm lành, nên cử. Hoặc lại có chỗ trọng Tỳ-kheo, tôn kính tín nhạo, có thể khiến xả ác hành thiện thì nên cử tội họ. Nếu hoàn toàn không có, Tăng neân xả trí đuổi đi, nói rằng: Trưởng lão tùy ý đi chỗ khác, nơi đó sẽ vì ngài tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn, giá xuất tội, giá thuyết giới, giá tự tứ. Thí như điều mã sư (người dạy ngựa) đối với con ngựa khó dạy liền buông cương lẫn nọc thả đi. Tỳ-kheo như vậy không nên đến họ cầu thính. Ðây tức là thính rồi.
Tát-bà-đa ma-đắc-lặc-già nói:
Dùng Thiên nhãn cử tội người khác, phạm Ðột-kiết-la. Thiên nhĩ cũng như vậy.
65. GIỚI TRUYỀN GIỚI KHÔNG ÐÚNG PHÁP
Ðại thừa, Tỳ-kheo, đồng học.
GIỚI BỔN:
Người đủ 20 tuổi nên cho thọ Ðại giới, nếu Tỳ-kheo biết người chưa đủ tuổi 20 mà cho thọ Ðại giới, Ba-dật-đề. Người ấy không đắc giới, các Tỳ-kheo đáng bị khiển trách, vì si.
NGUYÊN DO[38]:
Thập thất quần đồng tử, trước là bạn thân với nhau, lớn nhất là 17 tuổi, nhỏ nhất là 12 tuổi, cùng nhau cầu xuất gia, các Tỳ-kheo cho thọ Ðại giới. Không kham vấn đề ăn một bữa, nửa đêm đói bụng, kêu lớn, la khóc. Phật nghe và hỏi, A-nan thưa đầy đủ, Phật kiết giới này.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Nếu Hòa thượng biết hay nghi mà cho thọ giới, ba lần Yết-ma xong, phạm Ba-dật-đề; hai lần Yết-ma xong, phạm ba Ðột-kiết-la; một lần Yết-ma xong, phạm hai Ðột-kiết-la. Bạch xong, phạm một Ðột-kiết-la. Từ khi tác phương tiện cho đến nhóm Tăng, đều phạm Ðột-kiết-la. Chúng Tăng nếu biết hoặc nghi, tất cả đều phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni phạm Ba-dật-đề.
Không phạm: Trước không biết, tin người thọ giới nói, hoặc người gần gũi làm chứng, hoặc tin lời cha mẹ. Thọ giới rồi nghi, cho phép tính năm tháng ở trong thai, hoặc tính tất cả là 14 ngày thuyết giới, để làm số năm của tuổi. (Nửa tháng, nửa tháng nói giới, mỗi năm cộng có 24 lần. Tháng có trăng và tháng không trăng đủ, đều 15 ngày nói giới. Tháng không trăng nếu thiếu thì 14 ngày nói giới. Một năm chỉ có 6 lần là 14 ngày nói giới, sẽ có 18 lần là 15 ngày nói giới. Nay dùng quyền xảo phương tiện, đều ước chỉ có 14 ngày nói giới. Dùng số tháng để tính thì một năm có 18 ngày, 10 năm có 180 ngày. Như người kia có 19 tuổi, cộng thêm 342 ngày có thể tính là một tuổi, tức có thể gọi là đủ 20 tuổi vậy).
Kiền-độ thọ giới[39] nói:
Nếu đắc A-la-hán tức gọi là thọ Cụ túc.
Luật nhiếp nói:
Nếu khi cận viên, tuổi thật chưa đủ mà tưởng là đủ; sau đó bạn thân[40] cho biết “chưa đủ”, nên tính tháng trong thai, tháng nhuần, nếu đủ thì tốt, nếu không đủ, lui làm cầu tịch, sau thọ cận viên lại. Nếu không như vậy thì thành tặc trụ. Nếu tuổi đủ 19 mà tâm nghĩ là 20, thọ cận viên. Sau một năm, bạn thân[41] đến nói là không đủ. Hoặc tự nhớ biết là không đủ. Hoặc tuổi 18 mà thọ cận viên, sau hai năm, đồng như trước nhớ biết. Những trường hợp như thế, đều gọi là thiện thọ. Vì Chánh giáo khó gặp, nên khai cho vậy.
66. GIỚI PHÁT KHỞI LẠI SỰ TRANH CÃI
Ðại thừa đồng chế.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, biết sự tranh cãi đã được như pháp giải quyết rồi, sau đó lại khơi dậy, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[42]:
Lục quần biết sự tranh cãi đã như pháp diệt rồi, lại nói như vầy: “Ông không khéo quán, không thành quán, không khéo giải, không thành giải, không khéo diệt, không thành diệt.” Do đó, khiến cho Tăng chưa có sự tranh cãi thì khởi lên sự tranh cãi, đã có sự tranh cãi thì không chấm dứt được, cho nên chế cấm.
GIẢI THÍCH:
Như pháp là đúng pháp, đúng luật, đúng như lời Phật dạy. Tránh có 4 loại: Ngôn tránh, sự tránh, mích tránh, phạm tránh.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Khơi dậy, nói rõ ràng, phạm Ba-dật-đề; không rõ ràng, phạm Ðột-kiết-la... Khơi dậy bao nhiêu việc đấu tranh mạ nhục khác và việc đã đấu tránh, hay bao nhiêu người khác đấu tranh, đều phạm Ðột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni, phạm Ba-dật-đề. Ba chúng sau phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: Thật không khéo quán v.v...
Luật nhiếp nói:
Nếu chúng vì chúng tác Yết-ma, mắc Tốt-thổ-la (thâu-la-giá) tội. Bởi đây là phương tiện phá Tăng vậy. Nếu đã dùng pháp trừ hết, hay khởi tưởng trừ hết, nghi mà hủy phá, mắc tội đọa. Không như pháp trừ hết, khởi tưởng như pháp, nghi mà ngăn chận, mắc tội ác tác. Pháp cùng với phi pháp, tác tưởng phi pháp mà hủy phá. Hai điều này không phạm.
67. GIỚI ÐỒNG ÐI VỚI GIẶC
Ðây là giá tội. Ðại thừa đồng chế.
GIỚI BỔN:
Tỳ-kheo nào, biết đó là bọn giặc cướp, mà giao hẹn cho cùng đi chung một đường, dù chỉ trong khoảng một xóm đến một xóm, Ba-dật-đề.
NGUYÊN DO[43]:
Tỳ-kheo cùng với khách buôn làm bạn đi qua chỗ quan thuế, tất cả đều bị quan thuế bắt vì vấn đề thuế. Vua Ba-tư-nặc quở trách rồi thả các Tỳ-kheo, quần thần bất phục nhà vua, Phật nghe, chế giới.
GIẢI THÍCH:
Làm bạn với giặc: tức là người làm giặc trở về, hay mới chuẩn bị đi làm giặc.
TƯỚNG TRẠNG CỦA TỘI
Phạm nhẹ nặng như giới cùng đi với phụ nữ. Tỳ-kheo-ni Ba-dật-đề. Ba chúng dưới, phạm Ðột-kiết-la.
Không phạm: không biết, không kết thân và bị bắt phải đi v.v...
Luật Ngũ phần nói:
Cùng với ác Tỳ-kheo đồng đi, phạm Ðột-kiết-la. Nếu vì nạn duyên thì không phạm.
Luật Thập tụng nói:
Nếu chỗ hiểm nạn, cùng giặc để vượt qua, không phạm.
TRÙNG TRỊ TỲ-NI SỰ NGHĨA TẬP YẾU
HẾT QUYỂN THỨ TÁM



Chú thích:
1 Tứ phần luật 14, tr. 662c, Ðại 22n1428.
2 Nội túc 內宿: Nói cho đủ là nội túc thực, là thức ăn cùng với Tỳ-kheo ở một chỗ trải qua một đêm. Ðó là một trong những loại thức ăn bất tịnh. Tỳ-kheo không được dùng.
3 Tàn túc thực 殘宿食: Thức ăn còn dư cách đêm, cũng là loại thức ăn bất tịnh. Tỳ-kheo không được dùng.
4 Tứ phần luật 15, tr. 663b, Ðại 22n1428.
5 Tứ phần luật 15, tr. 664a, Ðại 22n1428.
6 Tứ phần luật 15, tr. 664b, Ðại 22n1428.
7 Tứ phần luật 15, tr. 665a, Ðại 22n1428.
8 Tứ phần luật 15, tr. 666a, Ðại 22n1428.
9 Tứ phần luật 15, tr. 666c, Ðại 22n1428.
10 Tứ phần luật 15, tr. 667b, Ðại 22n1428.
11 Bán-trạch-ca 半擇d迦: Skt. paṇḍaka (kaṇḍāka), dịch Huỳnh môn, bất năng nam, là chỉ người nam không có nam căn hay nam căn không hoàn chỉnh. Bán-trạch-ca nữ cũng vậy.
12 Căn bản 38, tr. 834c25, Ðại 23n1442: ...“Ngài đi đi”... là lời đuổi vậy. Lời nói (ngữ) là đọc tụng. Ngồi một mình... thì vui, rõ ràng là có ý muốn gây não, khiến người kia phải nhịn đói...
13 Tứ phần luật 15, tr. 667c, Ðại 22n1428.
14 Tứ phần luật 15, tr. 668b, Ðại 22n1428.
15 Tứ phần luật 15, tr. 669b, Ðại 22n1428.
16 Tứ phần luật 15, tr. 670a, Ðại 22n1428.
17 Tứ phần luật 16, tr. 671a, Ðại 22n1428.
18 Tứ phần luật 16, tr. 671b, Ðại 22n1428.
19 Tứ phần luật 16, tr. 672b, Ðại 22n1428.
20 Tứ phần luật 16, tr. 673a, Ðại 22n1428.
21 Tứ phần luật 16, tr. 673a, Ðại 22n1428.
22 Tứ phần luật 16, tr. 673b, Ðại 22n1428.
23 Tứ phần luật 16, tr. 674b, Ðại 22n1428.
24 Tứ phần luật 16, tr. 675a, Ðại 22n1428.
25 Ôn thất 溫室?: Pāli. jantāghara, nhà tắm có nước nóng.
26 Tứ phần luật 16, tr. 678c, Ðại 22n1428.
27 Tứ phần luật 16, tr. 676a, Ðại 22n1428.
28 Tứ phần luật 16, tr. 676b, Ðại 22n1428.
29 Ðoạn văn trong ngoặc là ngài Trí Húc chú giải thêm.
30 Tứ phần luật 16, tr. 676c, Ðại 22n1428.
31 Tứ phần luật 16, tr. 677b, Ðại 22n1428.
32 Câu-la-xá: câu-lô-xá 拘盧舍 (Skt. Krośa), dịch là âm thanh, tức là khoảng cách có thể nghe tiếng kêu của con trâu lớn, hoặc tiếng trống. Ðây là đơn vị đo lường của Ấn Ðộ thời xưa. Theo Tứ phần luật san bổ tuỳ cơ yết-ma sớ 1: Một cung bằng 4 khuỷu tay, một khuỷu tay bằng 1 thước 8 tấc. Vì vậy 1 câu-lô-xá là 3600 thước.
33 Tứ phần luật 52, phần thứ tư Kiền-độ Tạp, tr. 954b10, Ðại 22n1428.
34 Quân trì: Skt. kuṇḍikā.
35 Nam hải ký qui nội pháp truyện 1, tr. 207c11, Ðại 54n2125.
36 Tứ phần luật 17, tr. 677c, Ðại 22n1428.
37 Tứ phần luật 17, tr. 678c, Ðại 22n1428.
38 Tứ phần luật 17, tr. 679a, Ðại 22n1428.
39 Tứ phần luật 34, phần thứ ba Kiền-độ thọ giới, tr. 811a18, Ðại 22n1428.
40 Trong chánh văn Trùng trị tỳ-ni sự nghĩa tập yếu 8, tr. 813b02, Vạn 40n719: Thân hữu 親H友Ð. Căn bản tát-bà-đa bộ luật nhiếp 13, tr. 600b08, Ðại 24n1458: Thân thuộc 親H屬. Có thể hiểu là người nhà, người trong gia đình, không hẳn là bạn thân.
41 Xem cht. trên.
42 Tứ phần luật 17, tr. 680c, Ðại 22n1428.
43 Tứ phần luật 17, tr. 681b, Ðại 22n1428.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 18 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Phật đời xưa


Kinh Di giáo


Hạnh phúc khắp quanh ta


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.57.231 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập