Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 26 »»

Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 26

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.5 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.58 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
Việt dịch: Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -18.68Mb
Font chữ:

PHẨM BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG
Phẩm thứ mười - Phần sáu


Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thứ chín?

“Thiện nam tử! Bồ Tát Ma-ha-tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn vừa phát khởi năm việc ắt được thành tựu [trọn vẹn công đức thứ chín]. Đó là năm việc gì? Một là đức tin, hai là lòng ngay thẳng, ba là trì giới, bốn là gần gũi bạn lành, năm là [đầy đủ sự] nghe nhiều.

“Thế nào là đức tin? Bồ Tát Ma-ha-tát vững tin nơi Tam bảo, tin rằng việc bố thí có quả báo, tin có hai loại chân lý, tin có đạo Nhất thừa chứ không có thừa nào khác, nhưng vì muốn giúp cho chúng sanh mau được giải thoát mà chư Phật, Bồ Tát phân biệt [nói rằng] có Ba thừa; tin vào Đệ nhất nghĩa đế, tin vào phương tiện khéo léo [giáo hóa chúng sanh]. Đó gọi là [có] đức tin.

“Người có đức tin như vậy, dù là sa-môn hay bà-la-môn, thiên ma, Phạm thiên hay tất cả chúng sanh cũng không thể phá hoại. Nhân lòng tin ấy mà đạt được tánh của bậc thánh, tu hành bố thí dù nhiều hay ít cũng đều được đến gần Đại Niết-bàn, không đọa vào sanh tử. Đối với các pháp tu hành trì giới, đa văn, trí tuệ cũng đều như vậy. Đó gọi là [có] đức tin.

“Tuy có đức tin như vậy nhưng không tự thấy [rằng mình có đức tin]. Đó gọi là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn thành tựu việc trước nhất [trong công đức thứ chín].

“Thế nào là lòng ngay thẳng? Bồ Tát Ma-ha-tát lấy lòng ngay thẳng mà đối với chúng sanh. Hết thảy chúng sanh khi gặp nhân duyên ắt sanh lòng dối gian dua nịnh. Bồ Tát không như thế. Vì sao vậy? Vì hiểu rõ rằng các pháp đều do nhân duyên. Bồ Tát Ma-ha-tát tuy thấy những lỗi lầm, tội ác của chúng sanh cũng chẳng bao giờ nói ra [với kẻ khác]. Vì sao vậy? Vì e rằng khởi sanh phiền não. Nếu khởi sanh phiền não ắt đọa vào đường ác. Bồ Tát thấy chúng sanh có chút ít việc lành liền ngợi khen xưng tán. Thế nào là việc lành? Đó là nói tánh Phật. Ngợi khen tánh Phật nên khiến cho chúng sanh đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Lúc ấy, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa nói, Đại Bồ Tát ngợi khen tánh Phật, khiến chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nghĩa ấy không hợp lý. Vì sao vậy? Khi vừa mở đầu kinh Niết-bàn này, Như Lai dạy rằng có ba loại bệnh nhân. Loại thứ nhất, nếu được gặp thầy cho thuốc, được người săn sóc ắt dễ khỏi bệnh; nếu không thì bệnh không khỏi. Loại thứ hai dù có gặp thầy xem bệnh cho thuốc hay không đều không thể khỏi. Loại thứ ba dù có gặp thầy xem bệnh cho thuốc hay không cũng đều được khỏi.

“Tất cả chúng sanh cũng đều như vậy. Có những người nếu gặp được thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát, nghe thuyết pháp nhiệm mầu ắt sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; nhưng nếu không gặp thì không thể phát tâm như vậy. Đó là nói hàng Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật Bích-chi. Lại có những người tuy gặp được thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát, nghe thuyết pháp mầu, nhưng cũng không thể phát tâm; nếu như không gặp cũng không thể phát tâm. Đó là nói hạng nhất-xiển-đề. Lại có những người dù được gặp hay không được gặp [chư Phật, Bồ Tát] cũng đều có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó là nói hàng Bồ Tát.

“Nếu nói rằng dù gặp hay không gặp được [chư Phật, Bồ Tát], thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì tại sao nay Như Lai lại dạy rằng do việc ngợi khen tánh Phật khiến chúng sanh phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề?

“Bạch Thế Tôn! Nếu như gặp được thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát, nghe thuyết pháp mầu; hoặc là không gặp được, thảy đều không thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì nghĩa ấy cũng không hợp lý. Vì sao vậy? Vì những người như vậy sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hạng nhất-xiển-đề, vì có tánh Phật nên dù nghe hay không nghe [thì rốt cùng] cũng đều sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề!

“Bạch Thế Tôn! Theo lời Phật dạy thì thế nào gọi là nhất-xiển-đề? Như nói đó là những kẻ dứt mất căn lành, nghĩa ấy cũng không hợp lý. Vì sao vậy? Vì họ không hề dứt mất tánh Phật. Tánh Phật ấy theo đúng lý là không thể dứt mất, vì sao Phật nói là dứt mất căn lành?

“Như trước đây Phật thuyết Mười hai bộ kinh, dạy rằng pháp lành có hai loại: thường và vô thường. Thường thì không bị dứt mất, vô thường ắt bị dứt mất. Vì các pháp lành vô thường có thể bị dứt mất, nên đọa vào địa ngục; các pháp lành là thường không bị dứt mất, sao không ngăn chặn [được tội vào địa ngục]? Tánh Phật không dứt mất thì không phải là nhất-xiển-đề, vì sao Như Lai nói đó là nhất-xiển-đề?

“Bạch Thế Tôn! Nếu nhân nơi tánh Phật mà phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, vì sao Như Lai phải rộng vì chúng sanh mà thuyết giảng Mười hai bộ kinh?

“Bạch Thế Tôn! Ví như bốn con sông cái đều từ hồ A-na-bà-đạp-đa mà chảy ra. Như có chư thiên, người ta hoặc chư Phật Thế Tôn nói rằng bốn con sông ấy không chảy vào biển cả mà chảy ngược lên nguồn thì lời nói ấy là vô lý! Tâm Bồ-đề cũng vậy, người đã có tánh Phật thì dù có được nghe [pháp] hay không nghe [pháp], có giữ giới hay không giữ giới, có bố thí hay không bố thí, có tu hay không tu, có trí tuệ hay không có trí tuệ, lẽ ra hết thảy [cuối cùng] đều sẽ đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Bạch Thế Tôn! Như mặt trời mọc lên từ núi Ưu-đà-diên, [lệch dần] về hướng nam. Nếu mặt trời nghĩ rằng: ‘Ta không đi về phương tây mà sẽ trở lại phương đông.’ Như vậy thật không có lý! Tánh Phật cũng vậy; nếu như [vì] không nghe [pháp], không giữ giới, không bố thí, không tu tập, không có trí tuệ mà [cuối cùng] không đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì không có lý!

“Bạch Thế Tôn! Chư Phật Như Lai dạy rằng tánh của nhân quả là chẳng phải có, chẳng phải không. Nghĩa ấy cũng không hợp lý. Vì sao vậy? Nếu trong sữa tươi không sẵn có tánh của kem sữa thì không thể [làm thành] kem sữa! Như trong hạt ni-câu-đà nếu không sẵn có tánh cao năm trượng thì không thể sanh ra cây [ni-câu-đà] cao năm trượng. Nếu trong tánh Phật không sẵn có cây A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề làm sao sanh ra được cây A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Lấy nghĩa này mà so với lời Phật nói rằng nhân quả là chẳng phải có chẳng phải không thì làm sao có thể tương hợp?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn khen rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Thế gian có hai hạng người rất hiếm gặp, ví như hoa ưu-đàm. Một là hạng người không làm điều ác, hai là hạng người có tội biết hối cải. Những người như vậy thật rất hiếm có!

“Lại có hai hạng người: một là người làm ơn, hai là người biết nhớ ơn.

“Lại có hai hạng người: một là người thưa hỏi và thọ nhận pháp mới, hai là người ôn lại việc cũ chẳng quên.

“Lại có hai hạng người: một là người tạo ra việc mới, hai là người củng cố việc cũ.

“Lại có hai hạng người: một là người ưa nghe pháp, hai là người ưa thuyết pháp.

“Lại có hai hạng người: một là người khéo chất vấn, hai là người khéo giải đáp. Người khéo chất vấn chính là ông đó. Người khéo giải đáp chính là Như Lai.

“Thiện nam tử! Nhờ sự khéo chất vấn này mới có thể chuyển được bánh xe pháp Vô thượng, có thể làm khô cây đại thụ Mười hai nhân duyên, có thể vượt qua con sông lớn sanh tử vô biên, có thể cùng Ma vương Ba-tuần giao chiến, có thể xô ngã ngọn cờ chiến thắng mà ma Ba-tuần đã dựng lên.

“Thiện nam tử! Như trước đây ta có nói về ba loại bệnh nhân. Có loại bệnh nhân dù gặp thầy giỏi cho thuốc tốt, được người săn sóc; hoặc là không [gặp thầy gặp thuốc] thì bệnh vẫn khỏi. Nghĩa ấy là thế nào?

“Dù gặp cũng như không gặp, đó là nói tuổi thọ đã xác định. Vì sao vậy? Những người ấy trong vô lượng kiếp đã từng tu tập ba mức pháp lành: bậc cao, bậc vừa và bậc thấp. Nhờ tu ba mức pháp lành ấy, họ được tuổi thọ xác định. Như người ở châu Uất-đan-việt có tuổi thọ là một ngàn tuổi; khi họ mắc bệnh, dù có gặp thầy giỏi cho thuốc tốt hay không thì bệnh cũng vẫn khỏi. Vì sao vậy? Vì họ có tuổi thọ xác định.

“Thiện nam tử! Như ta nói có những bệnh nhân nếu gặp thầy giỏi cho thuốc tốt, được người săn sóc ắt bệnh dễ lành; nếu không gặp thầy bệnh không thể lành. Nghĩa ấy là thế nào?

“Thiện nam tử! Đối với những người ấy, tuổi thọ không xác định. Dù mạng sống họ chưa dứt nhưng nếu gặp chín loại nhân duyên có thể làm cho chết yểu. Chín nhân duyên ấy là gì? Một là biết thức ăn không tốt nhưng vẫn ăn; hai là [tham] ăn quá nhiều; ba là thức ăn cũ chưa tiêu đã ăn thêm vào; bốn là việc đại, tiểu tiện không tùy lúc thích hợp; năm là khi đang bệnh không nghe theo lời thầy thuốc; sáu là không nghe lời người nuôi bệnh; bảy là cố gượng không chịu nôn mửa; tám là đi đêm, vì đi đêm nên bị quỷ ác tấn công; chín là dâm dục quá độ. Vì duyên cớ ấy, ta nói rằng nếu bệnh nhân gặp thầy, gặp thuốc ắt được khỏi bệnh; nếu như không gặp thì không khỏi bệnh.

“Thiện nam tử! Như trước ta nói có những bệnh nhân dù gặp thầy thuốc hay không gặp thì bệnh cũng không thể khỏi. Nghĩa ấy là thế nào?

“Khi mạng sống người ta sắp dứt, dù cho họ có được gặp thầy thuốc hay không gặp thì bệnh cũng không thể khỏi. Vì sao vậy? Vì mạng sống đã [sắp] dứt. Vì nghĩa ấy nên ta nói rằng có những bệnh nhân dù gặp thầy, gặp thuốc hay không gặp thì bệnh cũng không khỏi.

“Chúng sanh cũng vậy, có những người phát tâm Bồ-đề, nếu gặp được thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát, thưa hỏi và thọ nhận giáo pháp sâu xa, hoặc dù không gặp cũng đều sẽ thành tựu. Vì sao vậy? Vì họ có thể phát tâm Bồ-đề, cũng như người ở châu Uất-đan-việt có tuổi thọ xác định.

“Như ta có nói, từ hàng Tu-đà-hoàn cho đến Phật Bích-chi, nếu được nghe thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát thuyết giảng giáo pháp thâm sâu ắt sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; nếu không được gặp chư Phật, Bồ Tát và chẳng nghe thuyết giảng giáo pháp thâm sâu, ắt sẽ không thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Cũng giống như những người không có tuổi thọ xác định, do chín nhân duyên có thể phải chết yểu. Những bệnh nhân ấy nếu được gặp thầy, gặp thuốc thì được khỏi bệnh; nếu không gặp thì không khỏi bệnh. Cho nên ta nói rằng: Nếu họ gặp Phật, Bồ Tát và nghe thuyết giảng giáo pháp thâm sâu ắt sẽ có thể phát tâm. Nếu như không gặp thì họ không có thể phát tâm Bồ-đề.

“Như trước ta nói rằng có những người dù gặp được thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát và nghe thuyết giảng giáo pháp thâm sâu, hoặc là không gặp, đều không thể phát tâm Bồ-đề. Nghĩa ấy là thế nào? Thiện nam tử! Hạng nhất-xiển-đề, nếu gặp được thiện hữu, chư Phật, Bồ Tát và nghe thuyết giảng giáo pháp thâm sâu, hoặc là không gặp, đều không lìa bỏ tâm nhất-xiển-đề. Vì sao vậy? Vì họ đã dứt mất pháp lành.

“Hạng nhất-xiển-đề cũng đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Nếu họ có thể phát tâm Bồ-đề thì không gọi họ là nhất-xiển-đề nữa.

“Thiện nam tử! Do duyên cớ gì mà ta nói rằng hạng nhất-xiển-đề cũng đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề? Hạng nhất-xiển-đề thật ra không thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Họ như bệnh nhân tuổi thọ đã hết, dù gặp thầy hay, thuốc tốt, được người chăm sóc cũng không thể khỏi bệnh. Vì sao vậy? Vì tuổi thọ đã hết.

“Thiện nam tử! Nhất-xiển nghĩa là đức tin; đề nghĩa là không đủ. Không đủ đức tin nên gọi là nhất-xiển-đề. Tánh Phật không phải đức tin; chúng sanh không phải sự đầy đủ. Vì không có sự đầy đủ, làm sao có thể dứt mất?

“Thiện nam tử! Nhất-xiển nghĩa là phương tiện khéo léo; đề nghĩa là không đủ. Vì tu tập không đầy đủ phương tiện khéo léo nên gọi là nhất-xiển-đề. Tánh Phật không phải việc tu phương tiện khéo; chúng sanh không phải sự đầy đủ. Vì không có sự đầy đủ, làm sao có thể dứt mất?

“Nhất-xiển nghĩa là tiến triển; đề nghĩa là không đủ. Vì tiến tiến triển không đủ nên gọi là nhất-xiển-đề. Tánh Phật không phải sự tiến triển; chúng sanh không phải sự đầy đủ. Vì không có sự đầy đủ, làm sao có thể dứt mất?

“Nhất-xiển nghĩa là niệm tưởng; đề nghĩa là không đủ. Vì niệm tưởng không đủ nên gọi là nhất-xiển-đề. Tánh Phật chẳng phải sự niệm tưởng; chúng sanh không phải sự đầy đủ. Vì không có sự đầy đủ, làm sao có thể dứt mất?

“Nhất-xiển nghĩa là định tâm; đề nghĩa là không đủ. Vì không đủ định tâm nên gọi là nhất-xiển-đề. Tánh Phật không phải sự định tâm; chúng sanh không phải sự đầy đủ. Vì không có sự đầy đủ, làm sao có thể dứt mất?

“Nhất-xiển nghĩa là trí tuệ; đề là chẳng đủ. Vì không đủ trí tuệ nên gọi là nhất-xiển-đề. Tánh Phật không phải trí tuệ; chúng sanh không phải sự đầy đủ. Vì không có sự đầy đủ, làm sao có thể dứt mất?

“Nhất-xiển nghĩa là pháp lành vô thường; đề, là không đủ. Vì không đủ pháp lành vô thường nên gọi là nhất-xiển-đề. Tánh Phật là thường, chẳng phải lành, chẳng phải không lành. Vì sao vậy? Pháp lành là do phương tiện mà được, nhưng tánh Phật không do phương tiện mà được; cho nên tánh Phật không phải pháp lành. Vì sao tánh Phật cũng chẳng phải không lành? Vì có thể đạt được quả lành. Quả lành đó là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Lại nữa, pháp lành đó sanh ra rồi mới đạt được; nhưng tánh Phật không phải sanh ra rồi đạt được, cho nên chẳng phải pháp lành. Vì dứt mất việc sanh ra đạt được các pháp lành nên gọi là nhất-xiển-đề.

“Thiện nam tử! Như lời ông hỏi: Nếu hạng nhất-xiển-đề có tánh Phật, vì sao không ngăn chặn được tội vào địa ngục?

“Thiện nam tử! Hạng nhất-xiển-đề không có tánh Phật!

“Thiện nam tử! Ví như một vị vua nghe tiếng đàn không hầu trỗi lên thánh thót êm dịu. Lòng vua say mê, vui thích, lưu luyến không muốn rời xa. Vua liền hỏi vị đại thần rằng: ‘Âm thanh êm dịu ấy từ đâu ra vậy?’ Đại thần tâu: ‘Âm thanh êm dịu ấy từ nơi đàn không hầu mà ra.’ Vua bảo: ‘Hãy đem âm thanh ấy đến đây.’ Liền đó, đại thần mang đàn không hầu đến đặt trước vua và tâu rằng: ‘Đại vương! Ngài nên biết rằng vật này chính là âm thanh êm dịu ấy.’ Vua liền bảo cây đàn rằng: ‘Kêu lên đi! Kêu lên đi!’ Nhưng cây đàn im lìm không phát ra tiếng. Vua liền cắt đứt dây đàn, cũng không nghe được tiếng. Vua liền phá tung tất cả vỏ đàn, sườn gỗ, cố tìm âm thanh êm dịu kia mà không được. Lúc ấy, vua liền nổi giận với đại thần: ‘Sao dám nói dối với ta như vậy?’ Đại thần tâu rằng: ‘Muốn nghe âm thanh, không thể làm như vậy. Cần có đủ các duyên và phương tiện khéo léo mới nghe được âm thanh.’

“Tánh Phật của chúng sanh cũng giống như vậy, không có chỗ trụ. Phải dùng phương tiện khéo mới có thể thấy. Nhờ thấy tánh Phật mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Hạng nhất-xiển-đề không thấy được tánh Phật, làm sao có thể ngăn chặn những tội đọa vào Ba đường ác?

“Thiện nam tử! Nếu một người nhất-xiển-đề tin rằng có tánh Phật, nên biết rằng người ấy không đọa vào Ba đường ác; cũng không gọi là nhất-xiển-đề nữa. Vì không tự tin mình có tánh Phật nên mới đọa vào Ba đường ác; vì đọa vào Ba đường ác nên mới gọi là nhất-xiển-đề.

“Thiện nam tử! Như lời ông hỏi: ‘Nếu trong sữa tươi không sẵn có tánh của kem sữa, lẽ ra không thể làm thành kem sữa; nếu hạt ni-câu-đà không sẵn có tánh cao năm trượng, lẽ ra không thể mọc thành cây cao năm trượng.’ Chỉ người ngu si mới lập luận như vậy, kẻ có trí chẳng bao giờ nói những lời như thế. Vì sao vậy? Vì thật không có tánh.

“Thiện nam tử! Nếu trong sữa tươi đã sẵn có tánh của kem sữa, lẽ ra không cần đến tác động của các duyên! Thiện nam tử! Ví như pha nước với sữa tươi rồi chờ đến cả tháng cũng không thành kem sữa. Nhưng nếu cho một giọt nhựa cây vào sữa, liền thành kem sữa. Nếu trong sữa tươi vốn có kem sữa, cần gì phải đợi các duyên? Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy; phải dựa vào các duyên mới thấy được tánh Phật; phải dựa vào các duyên mới đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nếu phải đợi có các duyên rồi mới thành tựu, tức là không thật có tánh. Vì không thật có tánh nên có thể đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy, Bồ Tát Ma-ha-tát thường ngợi khen điều thiện của người, không nói chỗ khiếm khuyết. Đó gọi là lòng chơn chất ngay thẳng.

“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là lòng chơn chất ngay thẳng của Bồ Tát? Bồ Tát Ma-ha-tát thường không phạm vào điều ác. Ví như có lỗi lầm liền lập tức sám hối; đối với thầy dạy hoặc bạn bè không hề che giấu, lại sanh lòng hổ thẹn và tự trách, không dám tái phạm. Đối với tội nhẹ cũng cho là rất nặng. Như có người gạn hỏi liền đáp là quả thật có phạm tội. Nếu lại hỏi việc ấy là tốt hay không tốt, liền đáp là không tốt. Nếu lại hỏi việc ấy là thiện hay bất thiện, liền đáp là bất thiện. Nếu lại hỏi tội ấy mang đến quả lành hay quả dữ, liền đáp rằng tội ấy thật chẳng phải quả lành. Nếu lại hỏi tội ấy do ai tạo ra, không phải do Phật, Pháp, Tăng tạo ra đó chăng? Liền đáp là không phải do Phật, Pháp, Tăng; chính do tôi tạo ra, do sự tập hợp cấu thành của các phiền não.

“Vì lòng ngay thẳng nên tin có tánh Phật. Vì tin có tánh Phật nên không thể gọi là nhất-xiển-đề. Vì lòng ngay thẳng nên gọi là đệ tử Phật, dù thọ nhận của chúng sanh những y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu mền gối, thuốc men, mỗi loại đến số muôn ngàn cũng chẳng phải là nhiều. Đó gọi là lòng ngay thẳng của Bồ Tát.

“Thế nào là Bồ Tát tu hành trì giới? Bồ Tát Ma-ha-tát, thọ trì giới cấm không phải vì muốn sanh lên cõi trời, cũng không vì sự sợ sệt; cho đến không thọ trì các tà giới ngoại đạo như giới chó, giới gà, giới bò, giới trĩ... Trong việc trì giới, Bồ Tát không phá giới, không giữ theo những giới có sự khiếm khuyết, có tỳ vết, có sự hỗn tạp; không chỉ giữ theo các giới của hàng Thanh văn mà thọ trì [đầy đủ] giới hạnh của hàng Đại Bồ Tát, tu tập Thi-la Ba-la-mật, được giới trọn vẹn đầy đủ mà không sanh kiêu mạn.

“Đó gọi là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn thành tựu việc thứ ba là trì giới.

“Thế nào là Bồ Tát gần gũi bạn tốt? Đại Bồ Tát thường vì chúng sanh thuyết giảng về các đường lành, không nói các đường ác; giảng rõ rằng các đường ác không phải là quả báo [của những việc] lành!

“Thiện nam tử! Thân Như Lai hiện nay tức là thiện tri thức chân thật của tất cả chúng sanh, cho nên có thể dứt sạch tà kiến của Bà-la-môn Phú-già-la.

“Thiện nam tử! Những chúng sanh nào được gần gũi Như Lai, dù đã có nhân duyên phải sanh vào địa ngục nhưng liền được sanh lên cõi trời. Những người như Tu-na-sát-đa-la lẽ ra phải đọa vào địa ngục, nhưng nhờ gặp Như Lai liền dứt trừ nhân duyên địa ngục, được sanh lên cõi trời thuộc Sắc giới.

“Tuy có những người như các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên... nhưng không được gọi là thiện tri thức chân thật của chúng sanh. Vì sao vậy? Vì là nhân duyên sanh tâm nhất-xiển-đề.

“Thiện nam tử! Thuở trước khi Như Lai ở thành Ba-la-nại, Xá-lợi-phất có dạy hai người đệ tử, một người quán tướng xương trắng, một người quán đếm hơi thở. Trải qua nhiều năm, hai người ấy chẳng được định. Vì nhân duyên ấy, họ sanh tà kiến, nói rằng: ‘Không có pháp Vô lậu Niết-bàn. Nếu có pháp ấy, lẽ ra tôi đã đạt được rồi. Vì sao vậy? Vì tôi giữ được trọn vẹn giới cấm đã thọ.’

“Thuở ấy, thấy những tỳ-kheo kia sanh tà tâm như vậy, Như Lai liền gọi Xá-lợi-phất đến quở trách rằng: ‘Ông thật không khéo dạy. Tại sao ông thuyết pháp trái ngược với hai đệ tử ấy? Hai đệ tử của ông tính cách khác nhau. Một người từng làm nghề giặt quần áo, một người từng làm thợ vàng. Đối với người thợ vàng nên dạy phép quán đếm hơi thở. Đối với người thợ giặt, nên dạy phép quán tướng xương trắng. Bởi ông dạy điều ngược lại nên hai người ấy sanh ra tà kiến xấu ác.’ Lúc đó, Như Lai vì hai người ấy mà thuyết pháp tương ứng. Họ nghe rồi liền chứng đắc quả A-la-hán.

“Vì thế, Như Lai chính là thiện tri thức chân thật của tất cả chúng sanh, chứ không phải những người như các ông Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên...

“Nếu những chúng sanh nào có phiền não rất nặng mà gặp được Phật, Phật sẽ dùng phương tiện mà vì họ dứt sạch [những phiền não ấy]. Như em ta là Nan-đà có lòng tham dục rất mạnh mẽ, ta đã dùng mọi phương tiện khéo léo mà dứt trừ cho. Lại như Ương-quật-ma-la có lòng sân hận rất nặng, nhờ gặp Như Lai mà lòng sân hận liền dứt. Như vua A-xà-thế có lòng ngu si nặng, nhờ gặp Như Lai nên lòng ngu si liền dứt hết.

“Như ông trưởng giả Bà-hy-già trong vô lượng kiếp đã tích tập phiền não rất nặng, nhờ gặp Như Lai liền được dứt trừ.

“Ví như có những kẻ xấu ác hèn hạ mà gần gũi với Như Lai, làm đệ tử Như Lai, nhờ nhân duyên ấy liền được tất cả mọi người và chư thiên cung kính, thương tưởng đến.

“Như Thi-lợi-cúc-đa tà kiến rất nặng, nhờ gặp Như Lai nên tà kiến dứt sạch.

“Nhờ gặp Như Lai nên dứt trừ nhân địa ngục, tạo duyên sanh lên cõi trời, như ông Khí Hư thuộc hạng Chiên-đà-la.

“Vào lúc sắp chết nhờ gặp Như Lai liền được kéo dài thọ mạng, như Kiều-thi-ca.

“Lòng điên cuồng rối loạn, nhờ gặp Như Lai liền trở lại sáng suốt như xưa, như Sấu-cù-đàm-di.

“Con nhà đồ tể thường làm nhiều nghiệp ác, nhờ gặp Như Lai liền lìa bỏ được, như tỳ-kheo Xiển-đề.

“Nhờ gặp Như Lai nên thà bỏ thân mạng chứ không hủy phạm giới cấm, như tỳ-kheo Thảo Hệ.

“Vì những nghĩa ấy, tỳ-kheo A-nan có nói rằng: ‘Được nửa phần Phạm hạnh đủ gọi là thiện tri thức’ nhưng Như Lai dạy rằng: ‘Không phải vậy! Đầy đủ Phạm hạnh mới được gọi là thiện tri thức.’

“Như vậy gọi là gọi là Bồ Tát tu hành Đại Niết-bàn, thành tựu trọn vẹn việc thứ tư, gần gũi bạn lành.

“Thế nào là Bồ Tát đầy đủ sự nghe nhiều?

“Đại Bồ Tát vì [mục đích đạt đến] Đại Niết-bàn mà sao chép, tụng đọc, phân biệt giảng nói Mười hai bộ kinh. Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ sự nghe nhiều.

“Hoặc trừ ra Mười một bộ kinh, chỉ thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng nói một bộ Tỳ-phật-lược cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ sự nghe nhiều.

“Hoặc trong số Mười hai bộ kinh chỉ thọ trì riêng một kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này, tụng đọc, sao chép, giảng nói đó cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ sự nghe nhiều.

“Hoặc trong toàn bộ kinh điển này chỉ có thể thọ trì một bài kệ bốn câu; hoặc trừ ra cả bài kệ ấy, chỉ còn có thể luôn ghi nhớ là Như Lai thường trụ, tánh không biến đổi, đó cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ sự nghe nhiều.

“Hoặc trừ ra [cả] việc [ghi nhớ] ấy, nếu rõ biết được rằng Như Lai thường không thuyết pháp cũng gọi là Bồ Tát đầy đủ sự nghe nhiều.

“Vì sao vậy? Vì pháp thật không có tánh. Tuy Như Lai thuyết giảng hết thảy các pháp, nhưng thường không có chỗ thuyết.

“Như vậy gọi là Bồ Tát tu hành kinh Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn việc thứ năm, đầy đủ sự nghe nhiều.

“Thiện nam tử! Như có kẻ nam người nữ lòng lành, vì Đại Niết-bàn mà thành tựu trọn vẹn năm việc ấy thì có thể làm được việc khó làm, nhẫn chịu được việc khó nhẫn, thí xả được việc khó thí.

“Thế nào là Bồ Tát làm được việc khó làm?

“Như nghe nói có người ăn [mỗi ngày] một hạt mè mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi vì tin lời ấy cho nên trong vô lượng vô số kiếp thường chỉ ăn mỗi ngày một hạt mè mà thôi.

“Như nghe nói có người đi vào trong lửa mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, rồi vì tin lời ấy nên trong vô lượng kiếp ở tại địa ngục A-tỳ, vào trong lửa đỏ. Đó gọi là Bồ Tát làm được việc khó làm.

“Thế nào là Bồ Tát nhẫn chịu được việc khó nhẫn? Như nghe rằng có người chịu khổ bị đánh bằng tay, bằng gậy, bằng dao, bị ném đá... do nhân duyên ấy mà đạt được Đại Niết-bàn, liền trải qua vô lượng vô số kiếp tự mình chịu đựng hết thảy những việc ấy mà chẳng cho là khổ. Đó gọi là Bồ Tát nhẫn chịu được việc khó nhẫn.

“Thế nào là Bồ Tát thí xả được việc khó thí? Như nghe rằng nhờ bố thí cho người khác những giang san, thành trì, vợ con, đầu mắt, tủy não... mà đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, liền trải qua vô lượng vô số kiếp mang cả giang san, thành trì, vợ con, đầu mắt, tủy não của mình ra bố thí cho kẻ khác. Đó gọi là Bồ Tát thí xả được việc khó thí.

“Tuy Bồ Tát làm được những việc khó làm, nhưng chẳng bao giờ nghĩ rằng: ‘Đó là việc do ta làm.’ Đối với những việc khó nhẫn chịu và khó thí xả cũng vậy.

“Thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có duy nhất một đứa con nên rất thương yêu, cho mặc quần áo đẹp, cho ăn thức ăn ngon, tùy thời nuôi dưỡng không thiếu thốn gì cả. Như đứa con ấy đối với cha mẹ sanh lòng khinh khi, hỗn hào nhục mạ. Nhưng cha mẹ vì thương yêu con chẳng sanh lòng giận, cũng chẳng nghĩ đến việc mình đã nuôi con ăn mặc... Đại Bồ Tát cũng vậy, xem tất cả chúng sanh như con một của mình. Nếu con có bệnh, cha mẹ như cũng bệnh theo, lo lắng chạy thầy chạy thuốc, hết lòng điều trị. Đến khi con đã khỏi bệnh rồi, cha mẹ cũng chẳng nghĩ đến việc đã khó nhọc lo chữa trị cho con. Bồ Tát cũng thế, thấy chúng sanh mang bệnh phiền não, bèn đem lòng thương tưởng, thuyết pháp cho nghe. Nhờ nghe pháp, phiền não được dứt trừ. Đến khi phiền não dứt rồi, Bồ Tát cũng chẳng nghĩ rằng: ‘Ta đã vì chúng sanh mà dứt trừ phiền não.’ Nếu có ý nghĩ như vậy thì chẳng bao giờ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chỉ duy nhất có một ý nghĩ là: ‘Ta không thuyết pháp với một chúng sanh nào khiến cho được dứt trừ phiền não cả.’

“Đại Bồ Tát đối với chúng sanh không giận không vui. Vì sao vậy? Nhờ khéo tu tập pháp Tam-muội Không. Nếu Bồ Tát tu pháp Tam-muội Không thì còn sanh lòng giận, lòng vui đối với ai?

“Thiện nam tử! Ví như núi rừng bị lửa dữ thiêu rụi, hoặc bị người ta chặt đốn, hoặc bị nước lũ tràn ngập, nhưng cây rừng nơi ấy biết đối với ai mà sanh lòng giận, lòng vui? Đại Bồ Tát cũng giống như vậy, đối với chúng sanh không giận, không vui. Vì sao vậy? Vì tu pháp Tam-muội Không.”

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Tánh của tất cả các pháp tự chúng là không, hay vì không có tánh không cho nên không?

“Nếu tánh [của các pháp] tự [chúng] là không thì lẽ ra không phải tu pháp không rồi sau mới thấy được tánh không! Vì sao Như Lai dạy rằng nhờ có tu pháp không mới thấy được tánh không?

“Nếu tánh [của các pháp] tự [chúng] chẳng phải không, thì dù có tu pháp không cũng không thể làm cho chúng trở thành không.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tánh của tất cả các pháp vốn tự chúng là không. Vì sao vậy? Vì tánh của tất cả các pháp là không thể nắm bắt.

“Thiện nam tử! Tánh của sắc không thể nắm bắt. Thế nào là tánh của sắc? Tánh của sắc không phải đất, nước, lửa, gió, cũng không lìa khỏi đất, nước, lửa, gió; không phải xanh, vàng, đỏ, trắng...; cũng không lìa khỏi xanh, vàng, đỏ, trắng...; chẳng phải có, chẳng phải không. Lẽ nào lại nói rằng sắc có tự tánh? Vì tánh [của sắc] không thể nắm bắt nên nói là không.

“Tất cả các pháp cũng đều như vậy. Vì chúng tương tợ như nhau, liên tục tiếp nối nhau, phàm phu thấy vậy liền nói rằng tánh của các pháp chẳng hề rỗng không vắng lặng. Đại Bồ Tát thành tựu đầy đủ năm việc nên thấy rõ tánh của các pháp vốn là rỗng không vắng lặng.

“Thiện nam tử! Nếu có sa-môn, bà-la-môn nào thấy rằng tánh của tất cả các pháp chẳng phải là không, nên biết rằng những người ấy không phải sa-môn, bà-la-môn; họ không được tu tập Bát-nhã Ba-la-mật, không được vào [cảnh giới] Đại Bát Niết-bàn, không được gặp chư Phật, Bồ Tát trong hiện tại. Họ là quyến thuộc của ma.

“Thiện nam tử! Tự tánh của tất cả các pháp vốn là không, nhưng cũng nhân nơi Bồ Tát tu tập pháp không nên thấy các pháp là không.

“Thiện nam tử! Cũng như tánh của tất cả các pháp là vô thường cho nên sự hoại diệt mới có thể diệt mất [các pháp]. Nếu [tánh của các pháp] chẳng phải vô thường thì sự hoại diệt không thể diệt mất [các pháp] được. Những pháp hữu vi vì có tướng sanh nên sự sanh mới có thể sanh ra; vì có tướng diệt nên sự diệt mới có thể diệt mất. Hết thảy các pháp vì có tướng khổ nên sự khổ mới có thể làm cho khổ.

“Thiện nam tử! Cũng như tánh của muối là mặn nên có thể làm cho vật khác trở nên mặn. Tánh của đường là ngọt nên có thể làm cho vật khác trở nên ngọt. Tánh của giấm là chua nên có thể làm cho vật khác trở nên chua. Tánh của gừng là cay nên có thể làm cho vật khác trở nên cay. Tánh của cây ha-lê-lặc là đắng nên có thể làm cho vật khác trở nên đắng. Tánh của trái am-la là nhạt nên có thể làm cho vật khác trở nên nhạt. Tánh của chất độc có thể gây hại nên khiến cho vật khác bị hại. Tánh của chất cam lộ cứu người khỏi sự chết, nếu hợp với vật khác cũng có thể cứu người khỏi sự chết.

“Bồ Tát tu pháp Không cũng giống như vậy, nhờ tu pháp Không nên thấy tánh của tất cả các pháp vốn là rỗng không vắng lặng.”

Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nếu muối có thể làm cho vật không mặn trở thành mặn, và việc tu pháp Tam-muội Không cũng tương tự như vậy, thì nên biết rằng phép định ấy chẳng phải pháp lành, chẳng phải mầu nhiệm, mà tánh của nó là điên đảo. Nếu pháp Tam-muội Không chỉ thấy duy nhất một cái không, mà không đã là không có pháp thì thấy được cái gì?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Pháp Tam-muội Không này giúp cho hành giả khi nhìn những pháp chẳng phải không có thể [thấy chúng] trở thành rỗng không vắng lặng, nhưng [như vậy] không phải là điên đảo. Cũng như muối làm cho những vật không mặn trở thành mặn, pháp Tam-muội Không ấy làm cho những pháp chẳng phải không trở thành không.

“Thiện nam tử! Tánh của tham dục là có, chẳng phải không. Nếu tánh tham dục là không, lẽ ra chúng sanh chẳng do tham dục mà đọa vào địa ngục. Nếu có việc đọa địa ngục, thì tánh của tham dục lẽ nào là không?

“Thiện nam tử! Tánh của sắc [cũng] là có. Những gì là tánh của sắc? Đó là điên đảo. Vì có điên đảo nên chúng sanh khởi sanh lòng tham. Nếu tánh của sắc chẳng phải điên đảo, làm sao có thể khiến cho chúng sanh khởi sanh lòng tham? Vì có khởi sanh lòng tham nên biết rằng tánh của sắc chẳng phải là không. Vì nghĩa ấy, tu pháp Tam-muội Không chẳng phải là điên đảo.

“Thiện nam tử! Tất cả phàm phu khi thấy người nữ liền sanh tướng nữ. Bồ Tát chẳng phải thế, tuy thấy người nữ mà không sanh tướng nữ. Vì không sanh tướng nữ nên chẳng sanh tham dục. Vì tham dục chẳng sanh nên không phải là điên đảo. Vì thế gian thấy có người nữ nên Bồ Tát tùy thuận mà nói có người nữ. Nếu thấy người nam mà nói rằng nữ, đó mới là điên đảo. Cho nên ta có nói với Xà-đề rằng: ‘Bà-la-môn các ông nếu lấy ngày làm đêm là điên đảo; nếu lấy đêm làm ngày cũng là điên đảo. Như ngày là tướng trạng ngày, đêm là tướng trạng đêm thì làm sao [gọi là] điên đảo?’

“Thiện nam tử! Tất cả Bồ Tát trụ ở Địa vị thứ chín đều thấy tánh của pháp là có. Vì thấy như vậy nên không thấy tánh Phật. Nếu thấy tánh Phật ắt không còn thấy tánh của tất cả các pháp [là có] nữa. Nhờ tu pháp Tam-muội Không như vậy nên không còn thấy tánh các pháp [là có]. Nhờ không thấy tánh các pháp [là có] nên thấy được tánh Phật.

“Chư Phật, Bồ Tát có hai cách giảng thuyết, một là có tánh, hai là không tánh. Vì chúng sanh nên thuyết rằng có tánh pháp, vì các vị hiền thánh nên thuyết rằng không có tánh pháp.

“Vì muốn những ai thấy rằng pháp chẳng phải không đều thấy được pháp là không nên dạy tu pháp Tam-muội Không, khiến cho thấy được pháp là không. Nhưng những ai thấy rằng không có tánh pháp cũng nhờ tu pháp không nên thấy là không. Vì nghĩa ấy nên người tu pháp không mới thấy được các pháp là không.

“Thiện nam tử! Như lời ông hỏi: ‘Thấy cái không, nhưng không là không có pháp thì thấy được cái gì?’

“Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Đại Bồ Tát thật không có chỗ thấy! Không có chỗ thấy tức là không có chỗ có. Không có chỗ có là tất cả các pháp.

“Đại Bồ Tát tu Đại Niết-bàn, đối với tất cả các pháp đều không có chỗ thấy. Nếu có chỗ thấy thì không thấy tánh Phật, không thể tu tập Bát-nhã Ba-la-mật, không thể vào [cảnh giới] Đại Niết-bàn. Cho nên Bồ Tát thấy tánh của tất cả các pháp đều không có chỗ có.

“Thiện nam tử! Bồ Tát chẳng phải chỉ nhờ tu Tam-muội [Không] mà thấy được pháp không. Bát-nhã Ba-la-mật cũng là không. Thiền Ba-la-mật cũng là không. Tinh tấn Ba-la-mật cũng là không. Nhẫn nhục Ba-la-mật cũng là không. Trì giới Ba-la-mật cũng là không. Bố thí Ba-la-mật cũng là không. Hình sắc là không, mắt [nhìn thấy] là không, thức [nhận biết] cũng là không. Như Lai cũng là không. Đại Niết-bàn cũng là không. Cho nên Bồ Tát thấy tất cả các pháp đều là không.

“Vì thế, khi ở thành Ca-tỳ-la ta có bảo A-nan rằng: ‘Ông đừng sầu não, bi ai khóc lóc.’ A-nan thưa rằng: ‘Như Lai Thế Tôn! Nay quyến thuộc của con đều chết cả rồi. Làm sao con chẳng buồn rầu khóc kể? Như Lai với con đều sanh ra tại thành này, đều là thân thích quyến thuộc trong dòng họ Thích, vì sao chỉ riêng Như Lai là không sầu não, dung nhan càng thêm sáng rỡ?’

“Thiện nam tử! Khi ấy ta đáp rằng: ‘A-nan! Ông thấy thành Ca-tỳ-la là thật có, ta thấy đó là rỗng không vắng lặng, thật không chỗ có. Ông thấy người họ Thích đều là thân quyến, ta tu pháp Không, hết thảy đều không có chỗ thấy. Vì nhân duyên ấy nên ông sanh sầu khổ còn ta thì dung nhan càng thêm sáng rỡ.’ Chư Phật, Bồ Tát, nhờ tu tập pháp Tam-muội Không nên không sanh sầu não.

“Như vậy gọi là Bồ Tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thứ chín.

“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức sau hết thứ mười?

“Thiện nam tử! Bồ Tát tu tập Ba mươi bảy phẩm [trợ đạo], vào cảnh giới Đại Niết-bàn với thường, lạc, ngã, tịnh, vì chúng sanh mà phân biệt giảng thuyết kinh Đại Niết-bàn, chỉ rõ tánh Phật. Nếu hàng Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật Bích-chi, Bồ Tát tin nhận lời này, thảy đều được vào [cảnh giới] Đại Niết-bàn. Nếu như không tin ắt phải chịu luân hồi sanh tử.”

Lúc ấy, Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Những chúng sanh nào không sanh lòng cung kính đối với kinh này?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Sau khi ta vào Niết-bàn, sẽ có những đệ tử Thanh văn ngu si phá giới, ưa thích sanh khởi việc tranh chấp; lìa bỏ Mười hai bộ kinh, tụng đọc mọi thứ điển tịch, văn từ, thủ bút của ngoại đạo; thọ nhận và chứa trữ tất cả những vật bất tịnh, bảo rằng do Phật cho phép.

“Những kẻ ấy [ví như người ngu si] đem gỗ chiên-đàn tốt đổi lấy gỗ thường, đem vàng ròng đổi lấy quặng thau, đem bạc quý đổi lấy chì pha thiếc, đem tơ lụa đổi lấy vải thô, đem vị cam lộ đổi lấy thuốc độc!

“Thế nào là đem gỗ chiên-đàn tốt đổi lấy gỗ thường? Như những đệ tử của ta vì sự cúng dường mà giảng thuyết kinh pháp cho người tại gia; những người tại gia ấy dục tình buông thả, chẳng thích lắng nghe; người tại gia ngồi trên cao, tỳ-kheo ở dưới thấp, lại đem đủ thứ món ngon vật lạ mà cung cấp [cho họ] nhưng [họ] cũng chẳng chịu nghe. Đó gọi là đem gỗ chiên-đàn đổi lấy gỗ thường.

“Thế nào là đem vàng ròng đổi lấy quặng thau? Quặng thau ví như hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm. Vàng ròng ví như giới luật. Có những đệ tử của ta vì nhân duyên hình sắc... mà phạm vào giới luật đã thọ nhận. Đó gọi là đem vàng ròng đổi lấy quặng thau.

“Thế nào là đem bạc quý đổi lấy chì pha thiếc? Bạc ví như Mười điều thiện. Chì pha thiếc ví như Mười điều ác. Có những đệ tử của ta buông bỏ Mười điều thiện, làm Mười điều ác. Đó gọi là đem bạc quý đổi lấy chì pha thiếc.

“Thế nào là đem tơ lụa đổi lấy vải thô? Vải thô ví như lòng không biết hổ thẹn. Tơ lụa ví như sự biết hổ thẹn. Có những đệ tử của ta buông bỏ [đức tính quý giá là] sự hổ thẹn, tập quen tính không hổ thẹn. Đó gọi là đem tơ lụa mà đổi lấy vải thô.

“Thế nào là đem cam lộ đổi lấy thuốc độc? Thuốc độc ví như mọi thứ lợi dưỡng. Cam lộ ví như các pháp không phiền não. Có những đệ tử của ta vì lợi dưỡng mà tự khen ngợi mình trước mặt những người cư sĩ tại gia, hoặc tự nói rằng mình chứng đắc quả vô lậu. Đó gọi là đem cam lộ đổi lấy độc dược.

“Vì những tỳ-kheo xấu ác như vậy nên kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này mới [cần phải] lưu hành một cách rộng rãi trong cõi Diêm-phù-đề. Vào lúc ấy, có những đệ tử thọ trì, tụng đọc, sao chép kinh này, giảng giải và lưu hành rộng rãi, sẽ bị những tỳ-kheo xấu ác như trên hãm hại.

“Bấy giờ, những tỳ-kheo xấu ác cùng nhau tụ tập, lập ra quy chế nghiêm ngặt rằng: ‘Nếu có người thọ trì kinh Đại Niết-bàn, sao chép, tụng đọc, phân biệt giảng thuyết, thì không ai được cùng ở chung, ngồi chung, chuyện trò qua lại với người ấy. Vì sao vậy? Vì kinh Niết-bàn không phải do Phật thuyết, mà do những kẻ tà kiến làm ra. Những kẻ tà kiến đó tức thuộc bọn sáu thầy ngoại đạo. Kinh điển của sáu thầy ngoại đạo không phải kinh điển của Phật.

“‘Vì lẽ gì vậy? Vì tất cả chư Phật đều nói những pháp vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Nếu nói các pháp là thường, lạc, ngã, tịnh, sao có thể là kinh do Phật thuyết được?

“‘Chư Phật, Bồ Tát cho phép tỳ-kheo chứa trữ mọi vật, còn bọn sáu thầy ngoại đạo không cho đệ tử chứa trữ một vật gì cả. Nghĩa lý như vậy, sao có thể là do Phật thuyết dạy?

“‘Chư Phật, Bồ Tát không cấm đệ tử ăn thịt bò và năm món chế biến từ sữa bò, còn bọn sáu thầy ngoại đạo thì không cho phép ăn năm thứ muối, năm món chế biến từ sữa bò cùng là mỡ, huyết... Nếu cấm dứt những món này, sao có thể là kinh điển chân chánh của Phật?

“‘Chư Phật, Bồ Tát thuyết diễn Ba thừa, nhưng trong kinh này chỉ thuyết duy nhất một thừa là Đại Niết-bàn. Những lời như vậy, sao có thể là kinh điển chân chánh của Phật?

“Chư Phật đều dứt bỏ tất cả mà nhập Niết-bàn, kinh này lại nói rằng Phật là thường, lạc, ngã, tịnh, không nhập Niết-bàn. Kinh này chẳng có trong số Mười hai bộ kinh, tức là do ma thuyết, chẳng phải Phật thuyết.’

“Thiện nam tử! Những kẻ ấy, tuy là đệ tử của ta nhưng không thể tin theo kinh Niết-bàn này.

“Thiện nam tử! Vào thuở ấy, nếu có chúng sanh nào tin nhận kinh điển này, dù chỉ nửa câu, nên biết rằng những người ấy là đệ tử chân thật của ta. Nhờ tin như vậy liền thấy tánh Phật, được vào [cảnh giới] Niết-bàn.”

Lúc ấy, Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Thế Tôn! Lành thay, lành thay! Hôm nay Như Lai thật khéo khai mở chỉ bày kinh Đại Niết-bàn. Bạch Thế Tôn! Con nhân việc này mà được thấu rõ kinh Đại Niết-bàn, dù là một câu, thậm chí nửa câu. Nhờ thấu rõ được một câu, thậm chí nửa câu, nên thấy được đôi chút tánh Phật. Như lời Phật dạy thì con cũng sẽ được vào [cảnh giới] Đại Niết-bàn.”

[Phật dạy:] “Như vậy gọi là Bồ Tát tu hành kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu trọn vẹn công đức thứ mười.”

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Rộng mở tâm hồn


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Các tông phái đạo Phật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.4.52 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập