Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
PHẨM CA DIẾP BỒ TÁT
THỨ HAI MƯƠI BỐN
Ca Diếp Bồ Tát bạch rằng : “ Thế Tôn ! Đức Như Lai thương xót tất cả chúng sanh. Có thể điều phục kẻ chẳng điều phục, có thể thanh tịnh kẻ chẳng thanh tịnh, có thể quy y kẻ chẳng quy y, có thể giải thoát kẻ chưa giải thoát, được tám môn tự tại là bực đại Y Sư, đại Dược Vương.
Bạch Thế Tôn ! Thiện Tinh Tỳ Kheo là con trai của đức Phật lúc chưa xuất gia, sau khi làm Tỳ Kheo, Thiện Tinh thọ trì đọc tụng giải thuyết mười hai bộ kinh, phá kiết sử cõi dục chứng được tứ thiền. Tại sao đức Như Lai nói Thiện Tinh là hạng Nhứt Xiển Đề, là người hạ tiện người không thể trị được phải ở nơi địa ngục cả kiếp. Cớ gì đức Như Lai chẳng trước diễn nói chánh pháp cho Thiện Tinh, để được làm Bồ Tát. Nếu đức Thế Tôn chẳng cứu được Thiện Tinh Tỳ Kheo, thời đâu được gọi là có đại từ bi, có đại phương tiện ?
Phật nói : “ Nầy Thiện Nam Tử ! Ví như cha mẹ chỉ có ba người con trai : Người trai thứ nhứt cung kính cha mẹ có lòng tin thuận, thông minh trí huệ có thể làm xong được sự nghiệp trong đời ; người trai thứ hai không cung kính tin thuận cha mẹ, thông minh trí huệ có thể làm xong sự nghiệp trong đời ; người trai thứ ba không cung kính tin thuận cha mẹ, ngu si vô trí.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu lúc cha mẹ muốn dạy bảo điều gì, thời nên dạy đứa con nào trước, thân ái đứa con nào trước, nên bảo đứa nào làm sự nghiệp trước ?
_ Bạch Thế Tôn ! Cha mẹ đó nên trước dạy bảo đứa con có lòng cung kính tin thuận thông minh trí huệ hiểu biết sự nghiệp trong đời, kế đến dạy bảo đứa thứ hai, rồi sau mới đến đứa con thứ ba. Hai đứa sau dầu không lòng cung kính tin tbhuận nhưng vì xót thương nên cũng lần lượt dạy bảo.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai cũng như vậy. Đứa con thứ nhứt dụ cho Bồ Tát, đứa giữa dụ cho hàng Thanh Văn, đứa thứ ba dụ cho hạng Nhứt Xiển Đề.
Như trong khế kinh, những nghĩa lý vi tế ta đã trước giảng nói cho các vị Bồ Tát. Những nghĩa cạn cợt thời giảng nói cho hàng Thanh Văn. Những nghĩa thế gian thời giảng nói cho hạng Nhứt Xiển Đề phạm tội ngũ nghịch, dầu trong đời hiện tại họ không được lợi ích, nhưng cũng làm chủng tử lành cho đời sau.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ví như ba hạng ruộng : Hạng thứ nhứt nước chảy lưu thông, không có ngói đá gai gốc, trồng một thâu được trăm. Hạng thứ hai dầu không ngói đá gai gốc, nhưng đường nước không được lưu thông nên hoa mầu kém ruộng trên phân nửa. Hạng thứ ba đường nước khó khăn lại nhiều ngói đá gai gốc cỏ mọc lan tràn trồng một chỉ thâu được một.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đến mùa gieo trồng thời nông phu nên gieo trồng ruộng nào trước ?
_ Bạch Thế Tôn ! Nông phu kia nên gieo trồng ruộng thứ nhứt trước, kế đến ruộng thứ hai, sau rốt đến ruộng thứ ba.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Ruộng thứ nhứt dụ cho Bồ Tát, ruộng thứ hai dụ cho Thanh Văn, ruộng thứ ba dụ cho hạng Nhứt Xiển Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ví như ba cái chậu : Cái thứ nhứt nguyên vẹn, cái thứ hai rịn chảy, cái thứ ba bể. Nếu muốn đựng sữa, lạc, nước, tô thời trước nên dùng chậu nào ?
_ Bạch Thế Tôn ! Nên trước dùng chậu lành, kế đến dùng chậu nứt, sau rốt mới đến chậu bể.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Chậu lành dụ cho Bồ Tát, chậu nứt dụ hàng Thanh Văn, chậu bể dụ hạng Nhứt Xiển Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như có ba người bịnh đồng đến y sĩ : Người thứ nhứt dễ trị, người thứ hai khó trị, người thứ ba không thể trị. Y Sĩ nên trước trị cho người nào ?
_ Bạch Thế Tôn ! Nên trị cho người dễ trước, kế đến người thứ hai, sau rốt đến người thứ ba, vì là hàng thân thuộc.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Người bịnh dễ trị dụ cho Bồ Tát, người bịnh khó trị dụ cho Thanh Văn, người bịnh không thể trị dụ cho hạng Nhứt Xiển Đề. Dầu hạng sau rốt nầy đối với chánh pháp không được quả lành trong đời hiện tại, nhưng vì xót thương nên đức Như Lai cũng gieo trồng chủng tử lành cho họ đời sau.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ví như nhà vua có ba hạng ngựa : Hạng thứ nhứt điều thuận mạnh mẽ, hạng thứ hai không điều thuận nhưng mạnh mẽ, hạng thứ ba không điều thuận là già yếu. Lúc muốn cỡi, nhà vua nên cỡi hạng ngựa nào trước ?
_ Bạch Thế Tôn ! Nhà vua nên trước cỡi hạng ngựa điều thuận mạnh mẽ, kế đến hạng thứ hai, sau cùng đến hạng thứ ba.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Hạng điều thuận mạnh mẽ dụ cho Bồ Tát, hạng thứ hai dụ cho Thanh Văn, hạng thứ ba dụ cho Nhứt Xiển Đề. Dầu hạng sau rốt nầykhông được lợi ích trong đời hiện tại, nhưng vì xót thương nên đức Như Lai vun trồng chủng tử lành đời sau cho họ.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như lúc bố thí lớn có ba hạng người đến xin : Hạng thứ nhứt dòng sang thông minh giữ giới hiền lành, hạng thứ hai dòng trung lưu ngu tối nhưng cũng giữ giới hiền lành, hạng thứ ba, dòng hạ tiện ngu tối phá giới hung ác.
Nầy Thiện Nam Tử ! Thí chủ kia nên bố thí cho hạng nào trước ?
_ Bạch Thế Tôn ! Nên trước bố thí cho hạng thứ nhứt, kế đến hạng thứ hai, sau rốt đến hạng thứ ba.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Hạng thứ nhứt dụ cho Bồ Tát, hạng thứ hai dụ cho Thanh Văn, hạng thứ ba dụ cho Nhứt Xiển Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như đại sư tử lúc giết hương tượng thời dùng hết sức lực, lúc giết thỏ cũng dùnh hết sức lực chẳng khinh thường. Chư Phật cũng như vậy, lúc thuyết pháp cho chư vị Bồ Tát dụng công cũng như lúc thuyết pháp cho hạng Nhứt Xiển Đề.
Nầy Thiện Nam Tử ! Trước kia lúc ta ở thành Vương Xá, Thiện Tinh Tỳ Kheo làm thị giả. Đầu hôm nói pháp cho Thiên Đế Thích. Theo phép của thị giả, phải đi nằm sau Thầy.
Lúc đó vì ta ngồi lâu nên Thiện Tinh sanh niệm ác bạch với ta rằng mau đi vào thiền thất quỉ Bạc Câu La đến kia kìa. Ta bảo Thiện Tinh, ngươi là kẻ ngu si, ngươi chẳng biết rằng đức Như Lai là bực vô sở úy ư !
Đế Thích hỏi ta rằng : Bạch Thế Tôn ! Hạng người như vậymà cũng được vào trong Phật pháp ư ?
Ta nói với Thiên Đế : Hạng người ấy cũng đặng vào trong Phật pháp, họ cũng có Phật tánh sẽ chứng được vô thượng Bồ Đề.
Dầu ta vì Thiện Tinh mà thuyết pháp, nhưng Thiện Tinh vẫn không có lòng tin.
Nầy Thiện Nam Tử ! Lại có một lúc ta ở nước Ca Thi, thành Thi Bà Phú La, ta muốn vào thành khất thực. Vô lượng chúng sanh khao khát muốn thấy dấu chưn của ta. Thiện Tinh Tỳ Kheo theo hầu phía sau chà bỏ dấu chưn của ta, nhưng không chà mất được, lại làm cho chúng sanh có quan niệm chẳng lành.
Khi vào thành rồi, thấy trong nhà cất rượu có một Ni Kiền Tử ngồi xổm khum lưng ăn bã rượu.
Thiện Tinh bạch với ta rằng : Nếu trong đời có bực A La Hán thời người đó là hơn tất cả, vì người đó tuyên bố rằng không nhơn không quả. Ta bảo Thiện Tinh : Ngươi là người ngu si. Ngươi chẳng nghe rằng bực A La Hán chẳng uống rượu, chẳng hại người, chẳng khi dối, chẳng trộm cướp, chẳng dâm dật ư ! Ni Kiền Tử đó giết hại cha mẹ, ăn bã rượu sao ngươi nói là bực A La Hán. Người đó sau khi chết quyết định đọa địa ngục A Tỳ. Bực A La Hán dứt hẳn ba đường ác, sao ngươi gọi người đó là A La Hán.
Thiện Tinh liền nói : Tánh của tứ đại còn có thể chuyển đổi, quyết không có lẽ người đó đọa địa ngục A Tỳ.
Ta nói : Ngươi là người ngu si. Ngưoi chẳng thường nghe rằng chư Phật luôn luôn nói lời thành thật ư ?
Dầu ta khuyên dạy Thiện Tinh, nhưng Thiện Tinh tuyệt không có lòng tin.
Nầy Thiện Nam Tử ! Có một lúc kia ta cùng Thiện Tinh ở thành Vương Xá, trong thành có một Ni Kiền Tử tên là Khổ Đắc. Người nầy thường tuyên bố rằng : Chúng sanh phiền não không nhơn, không duyên, chúng sanh giải thoát cũng không nhơn không duyên.
Thiện Tinh bạch với ta rằng : Nếu trong đời có bực A La Hán thời ông Khổ Đắc là trên hết.
Ta nói ngươi là kẻ ngu si. Ni Kiền Tử Khổ Đắc thiệt chẳng phải A La Hán chẳng hiểu được đạo A La Hán.
Thiện Tinh nói rằng : Tại sao bực A La Hán lại tật đố với A La Hán.
Ta nói ngươi là người ngu si. Ta chẳng sanh tật đố với A La Hán, chính là người tự sanh quan niệm ác tà. Nếu người nói Khổ Đắc là A La Hán, thời ông nên nghe đây, bảy ngày sau Khổ Đắc sẽ bị trúng thực đau bụng mà chết, chết rồi sẽ sanh trong loài quỉ ăn đồ ói mửa khạc nhổ của người. Bạn đồng học sẽ mang thây của Khổ Đắc bỏ trong rừng Tha Ma.
Thiện Tinh liền đem lời nầy thuật lại với Khổ Đắc rồi bảo Khổ Đắc rằng : Trưởng lão nên khéo tư duy, tu tập phương tiện, làm cho lời ông Cù Đàm thành vọng ngữ.
Sau khi nghe Thiện Tinh nói, Khổ Đắc liền đoạn thực, từ một ngày đến ngày thứ sáu, nhịn đói đủ bảy ngày, Khổ Đắc bèn ăn đường đen, rồi uống nước lã, đau bụng mà chết. Bạn của Khổ Đắc liền mang thi hài bỏ trong rừng Tha Ma, Khổ Đắc sanh làm quỉ đói ăn đồ ói mửa, quanh quẩn ở bên tử thi.
Thiện Tinh hay được việc nầy liền đến trong rừng Tha Ma, thấy Khổ Đắc thọ thân quỉ đói, ở bên tử thi ngồi xổm khum lưng. Thiện Tinh hỏi quỉ đói : Đại Đức đã chết rồi ư ?
Khổ Đắc đáp : Tôi đã chết.
_ Tại sao mà chết ?
_ Vì đau bụng mà chết.
_ Ai mang thây Đại Đức ra đây ?
_ Bạn học của tôi.
_ Mang thây bỏ chỗ nào ?
_ Ông là người ngu ! Ông há chẳng biết rằng đây là rừng Tha Ma ư ?
_ Đại Đức thọ thân gì ?
_ Tôi mang lấy thân quỉ ăn đồ ói mửa. Ông nên nghe kỹ ! Lời nói của đức Như Lai, là lời lành, lời chơn thật, lời phải thời, lời đúng nghĩa, lời đúng pháp. Sao ông lại chẳng tin lời chơn thật của Như Lai. Nếu có kẻ nào chẳng tin lời nói chơn thật của Như Lai thời kẻ đó cũng phải thọ lấy thân như tôi.
Thiện Tinh trở về bạch với ta rằng : Thế Tôn ! Ni Kiền Tử Khổ Đắc sau khi chết được sanh lên cõi trời Đao Lợi.
Ta nói : Nầy người ngu ! Bực A La Hán là bực vô sanh, sao ngươi lại nói Khổ Đắc được sanh lên cõi trời Đao Lợi ?
Thiện Tinh bạch rằng : Thế Tôn ! Ni Kiền Tử Khổ Đắc thiệt chẳng sanh lên cõi trời, hiện nay đương thọ thân quỉ đói.
Ta nói : Nầy người ngu ! Lời của chư Phật là lời thành thật, không bao giờ nói sai.
Thiện Tinh liền bạch rằng : Dầu lúc đó đức Như Lai nói như vậy, nhưng tôi trọn không có lòng tin.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ta cũng thường thuyết pháp cho Thiện Tinh Tỳ Kheo, mà Thiện Tinh tuyệtkhông có lòng tin thuận.
Nầy Thiện Nam Tử ! Dầu Thiện Tinh đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng được tứ thiền, nhưng chẳng hiểu nghĩa một kệ một câu nhẫn đến một chữ. Vì gần gũi bạn ác nên mất tứ thiền, sanh kiến chấp tà ác mà nói rằng không Phật, không Pháp, không có Niết Bàn. Sa Môn Cù Đàm giỏi tướng số nên có thể biết được tâm niệm của người.
Ta bảo Thiện Tinh : “ Những pháp của ta giảng nói : Ban đầu, chặn giữa, rốt sau, điều lành, lời khéo, nghĩa chánh, không xen tạp, thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh.
Thiện Tinh lại nói rằng : Dầu đức Như Lai vì tôi mà thuyết pháp, nhưng tôi vẫn nói quyết rằng không nhơn không quả.
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát : “ Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu ông chẳng tin những việc như vậy, nay Thiện Tinh ở gần sông Ni Liên Thiền, ta cùng ông có thể đến đó để hỏi.
Liền đó đức Như Lai cùng ca Diếp Bồ Tát đến chỗ Thiện Tinh tỳ Kheo.
Thiện Tinh thấy Phật từ xa đi đến liền sanh tâm tà ác. Do tâm ác nầy, hiện thân đọa vào địa ngục A Tỳ.
Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát : “ Nầy Thiện Nam Tử ! Thiện Tinh dầu vào trong Phật pháp vô lượng công đức, nhưng trọn không đặng mảy mún lợi ích, đó là vì phóng dật, gần bạn ác.
Ví như có người dù vào biển lớn thấy nhiều châu báu, nhưng vì phóng dật nên không được của báu.
Lại như người vào biển thấy châu báu, hoặc tự giết mình chết, hoặc bị ác quỉ giết chết. Cũng vậy, Thiện Tinh dầu vào trong Phật pháp nhưng bị bạn ác giết hại.
Nầy Thiện Nam Tử ! Do đây nên đức Như Lai xót thương thường bảo rằng : Thiện Tinh phóng dật quá nhiều.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu là người trước kia nghèo cùng, với người nầy dầu có xót thương nhưng lòng thương không nhiều lắm. Nếu là người trước kia giàu lớn, về sau suy sụp nghèo cùng với người nầy, lòng xót thương sâu đậm hơn.
Thiện Tinh Tỳ Kheo cũng như vậy, đã thọ trì đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng đặng tứ thiền, tồi để thối thất tất đáng xót thương. Do đây nên ta nói Thiện Tinh phóng dật quá nhiều nên dứt mất những căn lành. Hàng đệ tử của ta người nào nghe thấy việc nầy đều sanh lòng xót thương sâu đậm đối với Thiện Tinh Tỳ Kheo.
Từ nhiều năm ta thường cùng Thiện Tinh Tỳ Kheo gần gũi nhau, mà Thiện Tinh tự sanh lòng tà ác, chẳng bỏ ác kiến.
Nầy Thiện Nam Tử ! Từ xưa ta thấy Thiện Tinh có chút ít căn lành như lông tóc, trọn chẳng huyền kỳ Thiện Tinh là dứt tuyệt căn lành, là hạng hạ tiện Nhứt Xiển Đề phải đọa địa ngục. Bởi Thiện Tinh tuyên bố rằng không nhơn không quả, không có tạo nghiệp, do đây nên ta huyền ký Thiện Tinh là hạng Nhứt Xiển Đề hạ tiện dứt hẳn căn lành phải đọa địa ngục cả kiếp.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như có người té chìm trong hầm phẩn, có bạn lành đưa tay mò đó, nếu nắm đặng đầu tóc, bèn muốn kéo lên, mò lâu chẳng được mới có tâm niệm thôi vớt. Cũng vậy ta tìm chút ít căn lành nơi Thiện Tinh để cứu vớt, nhưng trọn ngày tìm cầu mà chẳng được mảy lông tóc căn lành , do đây nên chẳng cứu được tội đọa địa ngục của Thiện Tinh.
Ca Diếp Bồ Tát bạch rằng : “ Thế Tôn ! Đức Như Lai cớ gì huyền ký Thiện Tinh sẽ đọa địa ngục A Tỳ”.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Thiện tinh Tỳ Kheo có quyến thuộc đông, đều cho rằng Thiện Tinh đã chứng được quả A La Hán. Vì ta muốn phá tâm niệm tà ác của họ nên huyền ký Thiện Tinh do phóng dật phải đọa địa ngục.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nên biết rằng lời nói của Như Lai là lời chơn thật không sai . Nếu Phật huyền ký sẽ đọa địa ngục, thời chẳng bao giờ không đọa.
Hàng Thanh Văn Duyên Giác huyền ký thời có hai thứ hoặc đúng, hoặc chẳng đúng. Như Mục Kiền Liên bảo người nước Ma Già Đà sau bảy ngày trời sẽ mưa, đến kỳ trời trọn chẳng mưa. Có lúc ông dự ký bò cái sẽ đẻ bò con trắng, đến lúc sanh sản lại đẻ bò con vá. Ông ấy dự ký sanh trai, về sau lại sanh con gái.
Nầy Thiện Nam Tử ! Thiện Tinh thường tuyên bố với vô lượng chúng sanh rằng tất cả không có quả lành quả dữ, do đó dứt hẳn tất cả căn lành không còn mảy mún như lông tóc.
Từ lâu ta biết rõ Thiện Tinh sẽ dứt mất căn lành, ta vẫn cố ý cùng Thuiện Tinh ở chung cả hai mươi năm. Vì nếu ta không ở gần Thiện Tinh, thời Thiện Tinh sẽ khuyên bảo vô lượng chúng sanh tạo những nghiệp ác. Đây gọi là trí lực thứ năm của đức Như Lai.
Bạch Thế Tôn ! Hạng Nhứt Xiển Đề do nhơn duyên gì mà không có pháp lành ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Vì hạng Nhứt Xiển Đề dứt căn lành. Chúng sanh đều có năm căn : tín, tấn, niệm, định và huệ, mà hạng Nhứt Xiển Đề dứt hẳn căn lành nầy. Do nghĩa đây nên giết hại con kiến còn mắc phải tội sát sanh, nhưng giết hại hạng Nhứt Xiển Đề không mắc tội sát sanh.
_ Bạch Thế Tôn ! Vì Nhứt Xiển Đề trọn không pháp lành nên gọi là Nhứt Xiển Đề
ư ?
_ Đúng như vậy !
_ Bạch Thế Tôn ! Tất cả chúng sanh có ba thứ pháp lành : Quá khứ , vị lai và hiện tại. Hạng Nhứt Xiển Đề không thể dứt được pháp lành đời vị lai, sao lại nói rằng dứt hết pháp lành gọi là Nhứt Xiển Đề.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Luận về sự dứt có hai thứ : Một là hiện tại dứt, hai là hiện tại chướng ngại vị lai. Hạng Nhứt Xiển Đề đủ cả hai thứ nầy nên ta nói rằng Nhứt Xiển Đề dứt hết căn lành.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ví như có người té chìm trong hầm phẩn, dầu còn một sợi tóc chưa chìm, nhưng một sợi tóc không thể kéo nổi toàn thân. Hạng Nhứt Xiển Đề cũng như vậy dầu đời vị lai sẽ có căn lành nhưng không thể cứu được khổ địa ngục. Đời vị lai dầu có thể cứu khỏi, nhưng đời hiện tại không thể làm sao được. Do đây nên gọi là kẻ không thể cứu vớt.
Do Phật tánh làm nhơn duyên thời cứu vớt được, vì Phật tánh chẳng phải quá khứ chẳng phải vị lai chẳng phải hiện tại, nên Phật tánh không bị dứt mất. Như hột mục hư thời không thể mọc mọng, hạng Nhứt Xiển Đề cũng như vậy.
_ Bạch Thế Tôn ! Hạng Nhứt Xiển Đề chẳng dứt Phật tánh, Phật tánh là pháp lành, tại sao nói rằng dứt tất cả pháp lành ?
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu chúng sanh nào trong đời hiện tại có Phật tánh thời chẳng được gọi là Nhứt Xiển Đề. Như ngã tánh trong thế gian. Phật tánh là thường chẳng thuộc về ba đời. Nếu thuộc về ba đời thời gọi là vô thường. Vì đời vị lai sẽ thấy Phật tánh, nên nói rằng chúng sanh đều có Phật tánh. Do nghĩa nầy nên bực Thập Trụ Bồ Tát trang nghiêm đầy đủ công hạnh mới thấy được phần ít.
_ Bạch Thế Tôn ! Phật tánh là thường dường như hư không, tại sao đức Như Lai nói rằng vị lai ? Nếu đức Như Lai nói rằng hạng Nhứt Xiển Đề không có pháp lành, lẽ đâu hạng nầy không có lòng thương tưởng đối với bạn bè, cha mẹ, vợ con thân quyến. Nếu họ có lòng thương tưởng thời lòng thương nầy chẳng phải là lành ư ?
_ Lành thay ! Lành thay ! Lời ông hỏi rất hay Phật tánh dường như hư không, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Tất cả chúng sanh có ba thứ thân ; Thân quá khứ, thân vị lai, thân hiện tại. Đời vị lai chúng sanh trang nghiêm đầy đủ thân thanh tịnh thấy được Phật tánh, nên ta nói rằng Phật tánh đời vị lai.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ta vì chúng sanh có lúc hoặc nói nhơn là quả, có lúc hoặc nói quả là nhơn, do đây nên trong kinh nói rằng mạng căn là ăn uống, thấy sắc là chạm xúc. Vì thân đời vị lai thanh tịnh nên nói Phật tánh.
_ Bạch Thế Tôn ! Như ý nghĩa của đức Phật nói như vậy, sao lại nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Dầu Phật tánh hiện tại không, nhưng chẳng được nói rằng chúng sanh không Phật tánh. Như tánh hư không kia, dầu không hiện tại mà chẳng được nói là không. Dầu tất cả chúng sanh là vô thường, còn Phật tánh là thường trụ không biến đổi, do đây nên trong kinh ta nói rằng Phật tánh của chúng sanh chẳng phải trong chẳng phải ngoài, dường như hư không. Nếu có trong có ngoài thời chẳng được gọi là duy nhứt, là thường trụ, cũng chẳng được gọi là tất cả chỗ đều có. Dầu hư không chẳng phải trong chẳng phải ngoài nhưng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy.
Ông nói rằng hạng Nhứt Xiển Đề có pháp lành đó, lời nầy không đúng nghĩa. Vì hạng Nhứt Xiển Đề tất cả hành động nói năng đều là tà nghiệp, vì họ chẳng tin chẳng cầu nhơn quả. Như gốc, cây, nhánh, lá, bông, hột, trái A Lê Lặc đều đắng, tất cả hành nghiệp của Nhứt Xiển Đề cũng như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai thành tựu đầy đủ tri chư căn trí lực, do đây nên biết rõ căn tánh thượng trung hạ của tất cả chúng sanh : Biết rõ rằng người nầy từ bực hạ lên bực trung, biết rõ rằng người nầy từ bực trung lên bực thượng, biết rõ rằng người nầy từ bực thượng thành bục trung, biết rõ rằng người nầy từ bực trung thành bực hạ. Do đây nên biết rằng căn tánh của chúng sanh không quyết định, vì không quyết định nên hoặc đã dứt căn lành rồi trở lại sanh căn lành. Nếu căn tánh của chúng sanh là quyế định thời trọn không có đã dứt mà lại sanh, cũng chẳng nên nói rằng hạng Nhứt Xiển Đề đọa địa ngục một kiếp. Nầy Thiện Nam tử ! Do đây nên đức Như Lai nói rằng tất cả pháp không có tướng quyết định.
_ Bạch Thế Tôn ! Đức Như Lai đầy đủ tri chư căn trí lực, biết chắc rằng Thiện Tinh sẽ dứt mất căn lành, tại sao lại cho Thiện Tinh xuất gia ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Thuở ta mới xuất gia, em ta là Nan Đà, em họ là A Nan và Đề Bà Đạt Đa, con trai ta là La Hầu La, những người đó đều theo ta xuất gia tu hành. Nếu ta chẳng cho Thiện Tinh xuất gia, thời Thiện Tinh sẽ nối ngôi vua có quyền thế sẽ phá hoại Phật pháp, do đó nên ta cho Thiện Tinh xuất gia.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu Thiện Tinh chẳng xuất gia cũng dứt mất căn lành trong vô lượng đời đều không lợi ích. Nay đã xuất gia dầu mất căn lành, nhưng có thể trì giới cung kính cúng dường bực đức hạnh, tu tập sơ thiền nhẫn đến tứ thiền những điều này gọi là nhơn lành, nhơn lành nầy có thể sanh pháp lành, pháp lành đã sanh thời có thể tu tập đạo hạnh, đã có thể tu tập đạo hạnh thời có thể được vô thượng Bồ Đề, do đây nên ta cho Thiện Tinh xuất gia.
Nếu ta chẳng cho Thiện Tinh xuất gia thọ giới thời ta chẳng được gọi là Như Lai Thế Tôn đầy đủ mười trí lực.
Nầy Thiện nam Tử ! Đức Phật quán sát chúng sanh đủ cả pháp lành và pháp chẳng lành. Người nầy dầu đủ hai pháp như vậy, nhưng chẳng bao lâu sẽ dứt mất tất cả căn lành mà đủ cả pháp chẳng lành. Vì những chúng sanh nầy chẳng gần gũi bạn lành, chẳng nghe chánh pháp, chẳng khéo tư duy, chẳng thật hành đúng pháp, do đây nên sẽ dứt mất căn lành.
Đức Như Lai lại biết người nầy hiện đời hoặc đời vị lai, lúc trẻ hoặc lúc già, sẽ gần gũi bạn lành được nghe chánh pháp, thời có thể sanh căn lành trở lại.
Ví như có khe suối gần xóm làng, nước suối ngọt ngon đủ tám công đức. Có người nóng nảy khát nước muốn đến khe suối, người trí quyết định biết rằng người khát nầy sẽ đến bên nước, vì không còn con đường nào khác. Đức Như Lai quán sát chúng sanh cũng như vậy. Do đây nên Như Lai gọi là có đũ tri chư căn trí lực.
Đức Thế Tôn lấy chút đất để trên móng tay rồi bảo Ca Diếp Bồ Tát rằng : Đất nầy nhiều hay đất nơi mười phương thế giới nhiều ?
_ Bạch Thế Tôn ! Đất dính trên móng tay đâu có thể sánh với đất trong mười phương thế giới !
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Có người đã chết trở lại được thân người, bỏ thân trong ba đường ác mà được thân người, căn thân đầy đủ, sanh nơi trung quốc, có đủ chánh tín, có thể tu tập đạo hạnh, có thể tu tập chánh đạo, có thể được giải thoát, có thể nhập Đại Niết Bàn. Được những điều trên đây thật là hy hữu như số lượng đất trên móng tay.
Bỏ thân người mang thân ba đường ác, bỏ thân ba đường ác trở lại thọ thân ba đường ác, thân căn chẳng đầy đủ, sanh nơi biên địa, tà kiến điên đảo, thật hành đạo tà, chẳng được giải thoát, chẳng được Niết Bàn, những hạng nầy đông nhiều như số lượng đất trong muời phương thế giới.
Nầy Thiện Nam Tử ! Người hộ trì cấm giới tinh tấn chẳng biến trể, chẳng phạm bốn tội trọng, chẳng gây năm tội nghịch, chẳng lạm dụng vật của Tăng, chẳng dứt căn lành, chẳng làm Nhứt Xiển Đề, tin thọ kinh điển Đại Niết bàn nầy, những người đây tất hy hữu như lượng số đất trên móng tay.
Người lười biếng phá giới, phạm bốn tội trọng, gây năm tội nghịch, lạm dùng của Tăng, làm Nhứt Xiển Đề dứt mất căn lành, chẳng tin kinh Niết Bàn nầy, số lượng đông nhiều như đất trong mười phương thế giới.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai biết rõ căn tánh thượng trung hạ của chúng sanh như vậy nên gọi là đầy đủ tri chư căn trí lực.
Bạch Thế Tôn ! Đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực như vậy, nên biết rõ căn tánh thượng trung hạ của tất cả chúng sanh, biết rõ căn tánh của chúng sanh đời hiện tại, cũng biết rõ căn tánh của chúng sanh đời vị lai, biết rõ những chúng sanh nầy sau khi Phật nhập diệt sẽ nói rằng đức Như Lai rốt ráo nhập Niết Bàn hoặc nói rằng đức Như Lai không rốt ráo nhập Niết Bàn, hoặc nói có ngã, hoặc nói không ngã, hoặc cho rằng có trung ấm, hoặc không trung ấm, hoặc nói có thối thất, hoặc không thối thất, hoặc nói thân Như Lai là hữu vihoặc nói là vô vi, hoặc có kẻ nói mười hai nhơn duyên là pháp hữu vi, hoặc nói là pháp vô vi, hoặc nói tâm là thường trụ, hoặc nói tâm là vô thường, hoặc có người nói hưởng vui ngũ dục thời hay chướng thánh đạo, hoặc nói chẳng chướng ngại, hoặc có kẻ nói thế đệ nhứt chỉ thuộc về cõi dục hoặc nói thuộc về cả ba cõi, hoặc nói bố thí chỉ thuộc nơi ý nghiệp, hoặc nói bố thí thuộc nơi ngũ ấm, hoặc nói có ba pháp vô vi, hoặc nói không ba pháp vô vi, hoặc nói có tạo sắc, hoặc nói không tạo sắc, hoặc nói có vô tác sắc, hoặc nói không vô tác sắc, hoặc nói có tâm sở, hoặc nói không tâm sở ; hoặc nói có năm đại chủng, hoặc nói có sáu đại chủng ; hoặc nói giới Ưu Bà Tắc thọ đầy đủ bát quan trai, hoặc nói chẳng thọ được đầy đủ ; hoặc nói Tỳ Kheo đã phạm tội tứ trọng mà giới Tỳ Kheo vẫn còn, hoặc nói chẳng còn ; hoặc nói bực Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, đều được thành Phật, hoặc nói chẳng được thành : Hoặc nói chính nơi chúng sanh có Phật tánh, hoặc nói rời chúng sanh có Phật tánh ; hoặc nói hạng Nhứt Xiển Đề phạm bốn tội trọng năm tội nghịch đều có Phật tánh, hoặc nói không có Phật tánh ; hoặc nói có chư Phật mười phương, hoặc nói không có chư Phật mười phương.
Đức Như Lai thành tựu đầy đủ tri chư căn trí lực như vậy, tại sao hôm nay chẳng nói quyết định ?
Nầy Thiện Nam Tử ! Những nghĩa như vậy chẳng phải là nhãn thức biết được nhẫn đến chẳng phải là ý thức biết được, đây là chỗ biết của trí huệ. Nếu với người có trí huệ, thời ta trọn chẳng nói phân hai, người trí nầy cũng cho rằng Phật chẳng nói phân hai. Với người vô trí thời ta nói bất định người vô trí nầy cũng cho rằng Phật nói bất địng.
Nầy Thiện Nam Tử ! Tất cả công hạnh lành của Như Lai đều vì điều phục chúng sanh. Như tất cả phương thuốc của lương y đều để chữa trị những bịnh khổ.
Nầy Thiện Nam Tử ! Vì quốc độ, vì thời tiết, vì ngôn ngữ của người, vì độ người, vì căn tánh sai khác, nên đức Như Lai ở trong một pháp mà nói phân hai, nơi một danh từ nói thành vô lượng danh từ, nơi trong một nghĩa nói thành vô lượng, nơi trong vô lượng nghĩa nói thành vô lượng.
Thế nào là một danh từ nói thành vô lượng danh từ ? Như Niết Bàn, cũng gọi là Niết Bàn, là vô sanh, là vô xuất, là vô tác, là vô vi, là quy y, là nhà cửa, là giải thoát, là quang minh, là đèn sáng, là bờ kia, là vô úy, là bất thối, là chỗ an ổn, là tịch tịnh, là vô tưởng, là bất nhị, là nhứt hạnh, là thanh lương, là không tối tăm, là không chướng ngại, là vô tránh, là vô trược, là quảng đại, là cam lộ, là cát tường.
Thế nào là một nghĩa nói thành vô lượng ? Như Đế Thích : Cũng gọi là Đế Thích, cũng gọi là Kiều Thi Ca, là Bà Ta Bà, là Phú Lan Đà La, là Ma Pháp Bà, là Nhơn Đà La, là Thiên Nhãn, là Xá Chỉ Thiên, là Kim Cang, là Bửu Đảnh, là Bửu Tràng.
Thế nào là nơi vô lượng nghĩa nói thành vô lượng ? Như Phật Như Lai cũng gọi là Như Lai, vì nghĩa khác nên tên cũng khác, gọi là A La Ha, cũng gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà, cũng gọi là Thuyền Sư, cũng gọi là Đạo Sư, là Chánh Giác, là Minh Hạnh Túc, là Sư Tử Vương, là Sa Môn, là Bà La Môn, là Tịch Tịnh, là Thí Chủ, là Đáo Bĩ Ngạn, là Đại Y Vương, là Đại Tượng Vương, là Đại Long Vương, là Thí Nhãn, là Đại Lực Sĩ, là Đại Vô Uùy, là Bửu Tựu, là Thương Chủ, là Đắc Thoát, là Đại Trượng Phu, là Thiên Nhơn Sư, là Đại Vân Đà Lợi, là Vô Đẳng Lữ , là Đại Phước Điền, là Trí Huệ Hải, là Vô Tướng, là Bát Trí.
Lại có một nghĩa mà nói thành vô lượng danh từ, như ấm : Cũng gọi là ấm, cũng gọi là điên đảo, là đế, là tứ niệm xứ, là tứ thực, là chỗ ở của tứ thức, là hữu, là đạo, là thời, là chúng sanh, là thế, là đệ nhứt nghĩa, là ba pháp tu : Thân, giới và tâm, là nhơn quả, là phiền não, là giải thoát, là mười hai nhơn duyên, là Thanh Văn, là Bích Chi Phật, là Phật, là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, nhơn, thiên, là quá khứ, hiện tại, vị lai.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai vì chúng sanh nên trong rộng mà nói lược, trong lược mà nói rộng, nơi đệ nhứt nghĩa đế nói thành thế đế, nơi thế đế nói thành đệ nhứt nghĩa đế.
Thế nào trong rộng mà nói lược ? Như ta bảo các Tỳ Kheo : Hôm nay ta giảng nói mười hai nhơn duyên. Thế nào gọi là mười hai nhơn duyên ?
Chính là nhơn quả.
Thế nào gọi là trong lược mà nói rộng ? Như ta bảo các Tỳ Kheo : Hôm nay ta giảng nói khổ tập diệt đạo. Khổ là vô lượng sự khổ, tập là vô lượng phiền não, diệt là vô lượng giải thoát, đạo là vô lượng phương tiện.
Thế nào gọi là nơi đệ nhứt nghĩa đế nói là thế đế ? Như ta bảo các Tỳ Kheo. Thân của ta đây có già bịnh chết.
Thế nào gọi là nơi thế đế nói là đệ nhứt nghĩa đế ? Như ta bảo Kiều Trần Như : Vì ông đắc pháp nên gọi là A Nhã Kiều Trần Như.
Do vì tùy theo người tùy theo ý, tùy theo thời như vậy, nên gọi đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đối với những nghĩa như vậy nếu ta nói quyết định thời ta chẳng được gọi là đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực. Người có trí biết rằng chỗ mang chở của hương tượng chẳng phải lừa ngựa mang nổi. Tất cả chúng sanh có vô lượng hành nghiệp, nên đức Như Lai vì họ mà nói vô lượng pháp, đó là do vì chúng sanh có vô lượng phiền não. Nếu đức Như Lai nói một hạnh một pháp thời chẳng gọi là đức Như Lai có đủ tri chư căn trí lực. Do đây nên trong các kinh khác ta nói rằng có năm hạng chúng sanh chẳng nên vì họ nói năm thứ pháp : Vì người chẳng có lòng tin thời chẳng tán thán chánh tín, vì người phá giới cấm thời chẳng tán thán trì giới, vì người xan tham thời chẳng tán thán bố thí, vì người giải đãi thời chẳng tán thán đa văn vì người ngu si thời chẳng tán thán trí huệ. Nếu người trí vì năm hạng này mà nói năm việc trên đây, thời nên biết rằng người thuyết pháp nầy chẳng có đủ tri chư căn trí lực, cũng chẳng được gọi là thương xót chúng sanh. Vì năm hạng nầy nếu nghe giảng nói năm điều trên đây thời họ sẽ sanh lòng nghi, lòng ác, lòng sân hận, mà phải chịu quả báo khổ trong vô lượng đời. Do đây nên trước kia trong các kinh khác ta bảo Xá Lợi Phất rằng : Ông phải cẩn thận chớ vì người lợi căn mà rộng thuyết pháp, chớ vì người độn căn mà lược thuyết pháp. Xá Lợi Phất bạch rằng tôi chỉ vì thương xót mà thuyết pháp, chẳng phải là có đủ tri chư căn trí lực mà thuyết pháp.
Nầy Thiện Nam Tử ! Thuyết pháp hoặc rộng hoặc lược là cảnh giới của Phật, chẳng phải hàng Thanh Văn và Duyên Giác biết được.
Nầy Thiện Nam Tử ! Như ông nói rằng sau khi Phật nhập Niết Bàn hàng đệ tử đều nói khác nhau, những người đó đều vì điên đảo nên chẳng được chánh kiến, chẳng thể lợi mình lợi người.
Nầy Thiện Nam Tử ! Chúng sanh chẳng phải chỉ có một tánh một hạnh , một căn, một quốc độ, một thiện tri thức. Do đây nên đức Như Lai vì chúng sanh mà tuyên nói nhiều pháp yếu. Do nhơn duyên nầy nên chư Phật trong mười phương ba đời vì chúng sanh mà khai thị diễn thuyết mười hai bộ kinh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Đức Như Lai nói mười hai bộ kinh đây chẳng phải để lợi cho mình mà chỉ vì lợi ích cho người, nên trí lực thứ năm của Như Lai gọi là giải lực. Do hai trí lực nầy nên đức Như Lai biết rõ người nầy hiện tại có thể dứt căn lành người nầy đời sau có thể dứt căn lành, người nầy hiện tại có thể được giải thoát, người nầy đời sau có thể được giải thoát, do đây nên đức Như Lai được là vô thượng lực sĩ.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.120.59 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.