Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
Phạm Chí Độc Tử thưa rằng : “ Thưa Cù Đàm ! Nay tôi muốn hỏi ngài có cho phép chăng ?”
Đức Như Lai nín lặng.
Thưa lần thứ hai lần thứ ba, Đức Như Lai vẫn nín lặng.
Độc Tử thưa rằng : “ Từ lâu tôi cùng ngài vẫn là thân hữu, ngài cùng tôi nghĩa không có khác, nay tôi muốn hỏi han, cớ sao ngài lại nín lặng ?”
Lúc đó Đức Thế Tôn nghĩ rằng : “ Phạm Chí nầy tánh tình nho nhã thuần thiện ngay thẳng. Thường vì muốn hiểu biết mà đến thưa hỏi, chẳng phải vì não loạn. Nếu ông ấy có hỏi ta nên tùy ý đáp”.
Suy nghĩ xong Phật nói rằng : Lành thay ! Lành thay ! Ông cứ theo chỗ nghi mà hỏi ta sẽ giải đáp cho.
Độc Tử thưa rằng : “ Thế gian có pháp lành chăng ?”
_ Nầy Phạm Chí ! Thế gian có pháp lành.
_ Thưa Cù Đàm ! Thế gian có pháp chẳng lành chăng ?
_ Nầy Phạm Chí ! Thế gian có pháp chẳng lành.
_ Xin Cù Đàm vì tôi mà giảng nói, cho tôi biết pháp lành và pháp chẳng lành.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Ta có thể phân biệt giảng rộng nghĩa đó. Nay sẽ vì ông mà nói lược.
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Dục gọi là pháp chẳng lành, giải thoát dục gọi là pháp lành. Sân cùng si cũng như vậy. Sát sanh là pháp chẳng lành, chẳng sát sanh là pháp lành, nhẫn đến tà kiến cũng như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ta đã vì ông mà nói ba thứ pháp lành cùng chẳng lành và nói mười thứ pháp lành cùng chẳng lành. Nếu hàng đệ tử của ta có thể hiểu biết ba thứ nhẫn đến mười thứ pháp lành cùng chẳng lành như vậy, phải biết rằng người nầy có thể dứt hết tham sân, si tất cả phiền não, dứt tất cả quả báo sanh tử.
_ Thưa Cù Đàm ! Trong Phật pháp có một Tỳ Kheo nào được như vậy chăng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Trong Phật pháp chẳng phải chỉ có một hai người nhẫn đến trăm ngàn người, mà có vô lượng Tỳ Kheo dứt được tham, sân, si tất cả phiền não, tất cả quả báo sanh tử như vậy.
_ Thưa Cù Đàm ! Trong Phật pháp có một Tỳ Kheo Ni nào được như vậy chăng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Trong Phật pháp đây cũng có vô lượng Tỳ Kheo Ni dứt được tham, sân, si tất cả phiền não, tất cả quả báo sanh tử.
_ Thưa Cù Đàm ! Trong Phật pháp có Ưu Bà Tắc nào siêng năng giữ giới dứt được lưới nghi chăng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Trong Phật pháp của ta có vô lượng Ưu Bà tắc tinh tấn giữ giới thanh tịnh, dứt được năm phẩm kiết sử bực hạ, được quả A Na Hàm, dứt được lưới nghi.
_ Thưa Cù Đàm ! Trong Phật pháp có Ưu Bà Di nào tinh cần trì giới thanh tịnh dứt được lưới nghi chăng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Trong Phật pháp ta có vô lượng Ưu Bà Di tinh cần trì giới thanh tịnh dứt năm phẩm kiết sử bực hạ, dứt được lưới nghi, chứng quả A Na Hàm.
_ Thưa Cù Đàm ! Ngoài những vị trên, trong Phật pháp có Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào hưởng lạc thú ngũ dục mà tâm dứt được lưới nghi chăng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Trong Phật pháp ta vô lượng Ưu Bà Tắc cũng như Ưu Bà Di dứt ba phẩm kiết sử được quả Tu Đà Hoàn. Người tham, sân, si mỏng thời được quả Tư Đà Hàm.
_ Bạch Thế Tôn ! Nay tôi thích nói thí dụ, xin ngài cho phép.
_ Lành thay ! Ông thích nói thời cứ nói.
_ Bạch Thế Tôn ! Như Long Vương Nan Đà và Bạt Nan Đà bình đẳng mưa to. Pháp dụ của Như Lai cũng như vậy, bình đẳng mưa xuống hàng Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.
Bạch Thế Tôn ! Nếu hàng ngoại đạo muốn đến Phật pháp để xuất gia, chẳng rõ đức Như Lai thử họ trong mấy tháng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Thử họ trong bốn tháng, nhưng bất tất hết thảy đều một hạng.
_ Bạch Thế Tôn ! Nếu chẳng đều một hạng, xin đức Đại Từ cho tôi xuất gia.
Đức Thế Tôn bảo Kiều Trần Như cho Độc Tử xuất gia thọ giới.
Sau đó mười lăm ngày, Độc Tử được quả Tu Đà Hoàn.
Độc Tử nghĩ rằng nếu người có trí huệ do nơi học mà được, nay tôi đã được có thể đến ra mắt Phật.
Liền đến lễ Phật bạch rằng : “Thế Tôn ! Những người có trí huệ từ nơi học mà được, nay tôi đã được. Xin đức Thế Tôn vì tôi mà giảng thuyết cho tôi được trí huệ vô học.
_ Nầy Thiện nam Tử ! Ông nên tinh tấn tu tập hai pháp : Chỉ và quán. Nếu có Tỳ Kheo muốn được quả Tu Đà Hoàn cũng phải siêng tu tập hai pháp như vậy. Nếu muốn được Tư Đà Hàm, A Na hàm, A La Hán cũng phải tu tập hai pháp như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu có Tỳ Kheo muốn được tứ thiền, tứ vô lượng tâm, lục thần thông, bát bội xả, bát thắng xứ, vô tránh trí, đảnh trí, tất cánh trí, tứ vô ngại trí, kim cang tam muội, tận trí, vô sanh trí, cũng phải tu tập hai pháp như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu muốn được bực Thập Trụ, vô sanh pháp nhẫn, vô tướng pháp nhẫn, bất khả tư nghì pháp nhẫn, thánh hạnh, phạm hạnh, thiên hạnh, Bồ Tát hạnh, hư không tam muội, trí ấn tam muội, không vô tướng vô tác tam muội, địa tam muội, bất thối tam muội, Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Kim Cang tam muội, vô thượng Bồ Đề Phật hạnh, cũng phải tu tập hai pháp như vậy.
Độc Tử nghe xong lễ Phật lui ra, ở trong rừng Ta La tu tập hai pháp chỉ quán, chẳng bao lâu được quả A La Hán.
Lúc đó lại có vô lượng Tỳ Kheo muốn đến chỗ Phật. Độc Tử hỏi rằng : Chư Đại Đức muốn đến đâu ?
Các Tỳ Kheo nói : Chúng tôi muốn đến Phật.
Độc Tử lại nói : Nếu chư Đại Đức đến chỗ Phật xin vì tôi bạch cùng Phật rằng Độc Tử Tỳ Kheo đã tu tập hai pháp chỉ quán được trí vô học, nay báo ơn Phật mà nhập Niết Bàn.
Các Tỳ Kheo đem lời nầy đến bạch cùng Phật.
Phật bảo các Tỳ Kheo : Nầy các Thiện Nam Tử ! Độc Tử đã được quả A La Hán, các ông nên đến cúng dường thân thể của Độc Tử.
Các Tỳ Kheo tuân lời Phật trở về cúng dường thi hài của Độc Tử.
Nạp Y Phạm Chí lại lên tiếng hỏi Phật : Thưa Cù Đàm ! Như lời Cù Đàm nói trong vô lượng đời làm điều lành điều chẳng lành, đời vị lai trở lại được thân lành thân chẳng lành. Theo ý tôi, lời trên đây không đúng.
Vì như Cù Đàm từng nói nhơn phiền não mà cảm lấy thân nầy. Đã nhơn nơi phiền não mà có thận, thời thân có trước hay phiền não có trước ? Nếu phiền não có trước thời ai làm và ở chỗ nào ? Nếu thân có trước thời sao lại nói nhơn phiền não mà có thân ? Do đây nên nếu nói phiền não ở trước hay thân ở trước đều không được. Nếu nói đồng một thời cũng chẳng được. Thế là hoặc trước, hoặcsau, hoặc đồng một thời, đều chẳng được. Do đây nên tôi nói tất cả pháp đều có tự tánh chẳng phải từ nơi nhơn duyên.
Thưa Cù Đàm ! Lại cứng là tánh của địa đại, ướt là tánh của thủy đại, nóng là tánh của hoả đại, động là tánh của phong đại, không chướng ngại là tánh của hư không, tánh của năm đại nầy chẳng phải từ nhơn duyên mà có. Nếu trong thế gian có tánh của một pháp chẳng phải từ nhơn duyên mà có, thời tánh của tất cả pháp cũng phải như vậy. Nếu có một pháp từ nơi nhơn duyên, cớ gì tánh của ngũ đại lại chẳng từ nơi nhơn duyên ?
Thưa Cù Đàm ! Chúng sanh mà có thân lành, thân chẳng lành, hoặc được giải thoát đều là tự tánh cả, chẳng phải từ nơi nhơn duyên. Nên tôi nói rằng tất cả các pháp do tự tánh mà có, chẳng phải là nhơn duyên sanh.
Thưa Cù Đàm ! Pháp thế gian có chỗ dùng nhứt định, như người thợ nói cây nầy có thể làm xe cộ, cây nầy có thể làm cửa, làm ván, làm giừơng, làm ghế. Lại như thợ kim hoàn làm ra những đồ trang sức : Đội trên trán thờigọi là tràng, đeo dưới cổ thời gọi là chuỗi, đeo trên tay thời gọi là xuyến, đeo nơi ngón tay thời gọi là nhẫn. Vì chỗ dùng nhứt định nên gọi là định tánh. Do đây biết rằng tất cả chúng sanh cũng như vậy : Vì có tánh ngũ đạo nên có địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, nhơn, thiên. Nếu đã như vậy sao lại nói rằng từ nơi nhơn duyên.
Thưa Cù Đàm ! Lại tất cả chúng sanh tánh của họ đều khác, nên gọi là tất cả tự tánh. Như con rùa sanh trên đất cao mà nó tự có thể lặn xuống nước, bò con lúc sanh ra nó tự có thể uống sữa, cá thấy mồi tự nhiên nuốt ăn, rắn độc lúc sanh ra tự nhiên ăn đất, những việc như vậy có ai dạy bảo ? Như gai sanh ra tự nhiên đầu nhọn, lông cánh của loài chim bay tự nhiên có màu sắc riêng khác. Chúng sanh trong thế gian cũng như vậy : Có khôn lanh, có đần độn, có giàu, có nghèo, có đẹp, có xấu, có người đượcgiải thoát, có kẻ chẳng được. Do đây nên biết trong tất cả pháp đều riêng có tự tánh.
Thưa Cù Đàm ! Lại như ngài từng nói tham, sân, si từ nơi nhơn duyên mà sanh, ba món độc nầy do nơi năm trần làm duyên. Theo ý tôi lời trên đây không đúng.
Vì chúng sanh lúc ngủ xa lìa năm trần mà cũng vẫn sanh tham, sân, si. Lúc ở trong thai cũng vậy. Lúc mới ra khỏi thai chưa phân biệt được năm trần là tốt hay xấu mà cũng sanh lòng tham, sân, si. Các vị Tiên Nhơn ở nơi chỗ vắng vẻ. Không có ngũ trần mà cũng sanh tham, sân, si. Lại cũng có người nhơn nơi năm trần mà sanh vô tham, vô sân, vô si. Do đây nên bất tất từ nơi nhơn duyên sanh ra tất cả pháp, vì tự tánh nó sẵn như vậy.
Thưa Cù Đàm ! Tôi lại thấy trong đời có người căn thân chẳng đầy đủ mà giàu có thế lực lớn, có người thân thể hoàn bị mà nghèo cùng hèn hạ làm tôi làm tớ. Nếu có nhơn duyên cớ sao lại như vậy ? Do đây nên các pháp đều riêng có tự tánh chẳng phải do nhơn duyên.
Thưa Cù Đàm ! Trong đời những trẻ nhỏ chưa phân biệt được năm trần, chúng nó hoặc cười hoặc khóc. Lúc cười biết nó mừng, lúc khóc biết nó buồn. Do đây nên biết tất cả pháp đều riêng có tự tánh.
_ Thưa Cù Đàm ! Thế pháp có hai : Có và không. Có là hư không, không là sừng thỏ. Hư không vì là có nên chẳng từ nơi nhơn duyên, sừng thỏ vì là không nên cũng chẳng từ nơi nhơn duyên. Do đây nên biết các pháp cótự tánh chẳng từ nơi nhơn duyên.
Phật nói : “ Nầy Thiện Nam Tử ! Như lời ông nói tất cả pháp cũng như tánh của năm đại. Nghĩa nầy không đúng.
Vì như trong pháp của ông cho năm đại là thường, duyên cớ gì mà tất cả pháp đều chẳng phải là thường ? Nếu sự vật trong đời là vô thường, tánh của năm đại nầy duyên cớ gì chẳng phải vô thường. Nếu năm đại là thường thời lẽ ra sự vật trong đời cũng là thường. Do đây nên ông nói tánh của năm đại vì có tự tánh chẳng từ nơi nhơn duyên, khiến tất cả pháp đồng như năm đại, thời không đúng nghĩa.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói vì chỗ dùng nhứt định nên có tự tánh, nghĩa nầy không đúng. Vì tất cả đồ dùng đều từ nơi nhơn duyên mà được có danh tự, nếu đã từ nhơn duyên có danh tự thời cũng từ nhơn duyên mà có nghĩa.
Thế nào gọi là từ nhơn duyên mà có danh tự ? Như đồ trang sức ở trên trán thời tên là tràng, ở dưới cổ thời tên là chuổi,ở nơi tay thời gọi là xuyến, và như ở nơi xe thời tên là bánh xe, lửa ở nơi cỏ cây thời tên là lửa cỏ lửa cây.
Nầy Thiện Nam Tử ! Cây gỗ lúc mới sanh không có tánh mũi tên và cây lao. Vì từ nơi nhơn duyên thợ đẽo làm mũi tên, vì từ nơi nhơn duyên thợ đẽo làm cây lao. Do đây chẳng nên nói rằng tất cả pháp là có tự tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói như con rùa sanh trên đất mà tánh tự nó có thể lặn xuống nuớc, bò con mới sanh ra tánh nó có thể uống sửa, lời nầy không đúng. Vì nó chẳng phải nhơn duyên mà rùa tự xuống nước, sao rùa lại chẳng vào lửa ? Đây là vì điều chẳng phải nhơn duyên. Bò con lúc sanh ra chẳng từ nơi nhơn duyên mà tánh nó tự có thể mút vú, sao bò con chẳng tự mút sừng ? Đây là đều chẳng phải nhơn duyên cả.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu nói các pháp đều có tự tánh, chẳng cần dạy bảo tập làm, không có thêm lên, lời nầy không đúng nghĩa. Vì hiện nay thấy có sự dạy bảo, nhơn nơi dạy bảo mà được thêm lên. Do đây nên biết rằng không có tự tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu tất cả pháp có tự tánh riêng, thời hàng Bà La Môn chẳng nên vì được thân thanh tịnh mà giết dê để cúng tế, nếu đã vì thân mà cúng tế thời nên biết rằng không có tự tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ngữ pháp của thế gian đại phàm có ba thứ : Muốn làm, lúc làm, làm rồi.Nếu tất cả pháp đều có tự tánh cớ sao thế gian lại có ba ngữ pháp nầy ? Đã có ba ngữ pháp nầy nên biết tất cả pháp đều không có tự tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu nói các pháp đều có tự tánh, nên biết các pháp đều có định tánh. Nếu có định tánh thời một thứ mía duyên cớ gì làm ra mật mía, đường, rượu, rượu đắng. Nếu chỉ có một tự tánh duyên cớ gì lại sanh ra nhiều vị như vậy ?
Nếu trong một thứ mà sanh ra nhiều thứ thời nên biết rằng các pháp chẳng phải là nhứt định riêng có một tự tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu tất cả pháp có tánh nhứt định, cớ gì thánh nhơn uống nước mía, ăn đường, lúc thành rượu thời chẳng uống, lúc thành rượu đắng lại uống ? Do đây nên biết không có tánh nhứt định. Nếu đã không tánh nhứt định tại sao lại chẳng phải từ nhơn duyên mà có ?
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói tất cả pháp đều có tự tánh, tại sao ông lại nói thí dụ ? Nếu đã có thí dụ thời nên biết rằng các pháp không có tự tánh. Người trí trong đời đều nói thí dụ, nên biết rằng các pháp không có tự tánh không có tánh nhứt định.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông gạn hỏi thân có trước hay phiền não có trước, lời hỏi nầy không đúng. Vì nếu ta nói thân có trước, ông mới nên vấn nạn. Ông cũng đồng như ta cho thân chẳng có trước cớ gì lại vấn nạn như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Tất cả chúng sanh, thân cùng phiền não đều không có trươc sau, là đồng một thời mà có. Dầu đồng một thời nhưng phải nhơn nơi phiền não mà được có thân, trọn chẳng nhơn nơi thân mà có phiền não.
Nếu trong ý ông cho rằng như đôi mắt của người đồng thời mà có, mắt tả chẳng nhơn hữu, mắt hữu chẳng nhơn mắt tả, phiền não và thân cũng như vậy. Ý ngĩ nầy chẳng đúng. Vì trong đời con mắt ngó thấy ngọn đèn cùng ánh sáng dầu là đồng một thời, nhưng anh sáng cần phải nhơn nơi ngọn đèn, chẳng phải nhơn nơi ánh sáng mà có ngọn đèn.
Nầy Thiện nam Tử ! Nếu ý ông cho rằng vì thân chẳng có trước nên biết là không nhơn duyên ý nầy chẳng đúng. Vì nếu cho rằng trước thân không có nhơn duyên nên gọi là không, thời ông chẳng nên nói tất cả các pháp không có nhơn duyên. Nếu nói vì chẳng thấy nên chẳng nói, nay thấy cái bình v.v… từ nơi nhơn duyên mà có, cớ sao chẳng nói như cái bình, nhơn duyên ở trước thân cũng như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Thấy cùng chẳng thấy, tất cả các pháp có ra đều từ nơi nhơn duyên, không có tự tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu nói tất cả pháp đều có tự tánh không do nhơn duyên, cớ gì ông lại nói năm đại ? Tánh của năm đại nầy chính là nhơn duyên. Dầu năm đại là nhơn duyên như vậy, cũng chẳng nên nói rằng các pháp đều đồng năm đại làm nhơn duyên. Như người đời nói tất cả người xuất gia tinh tấn trì giới, bọn Chiên Đà La cũng phải tinh tấn trì giới như vậy.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói năm đại có tánh chắc nhứt định. Theo ta thấy thời tánh nầy chuyển biến chẳng nhứt định. Tô, bạch lạp, hồ giao, những thứ nầy trong pháp của ông gọi là địa, địa nầy chẳng nhứt định, hoặc đồng với nước, hoặc đồng với đất, nên chẳng được nói rằng tự tánh cứng chắc.
Nầy Thiện nam Tử ! Nhôm, chì, kẽm, đồng, sắt, vàng , bạc, những thứ nầy trong pháp của ông gọi là hỏa. Hỏa nầy có bốn tánh : Lúc chảy là tánh nước, lúc động là tánh gió, lúc nóng là tánh lửa, lúc cứng là tánh đất, sao lại nói rằng nhứt định gọi là hỏa tánh.
Nầy Thiện Nam Tử ! Tánh của nước gọi là chảy, nếu lúc nước đông cứng chẳng gọi là địa mà gọi là hỏa tánh, cớ gì lúc sóng động chẳng gọi là phong ? Nếu nổi sóng chẳng gọi là phong , thời lúc đông đặc cũng chẳng nên gọi là hỏa. Nếu bốn tánh nầy từ nơi nhơn duyên, cớ sao nói rằng tất cả pháp chẳng từ nơi nhơn duyên ?
Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu nói rằng năm căn, vì tánh nó hay thấy, nghe, giác, xúc, nên đều là có tự tánh chẳng từ nơi nhơn duyên. Lời nầy không đúng nghĩa. Vì tánh của tự tánh là không thể chuyển đổi. Nếu nói tánh của nhãn căn là thấy, lẽ ra phải thường thấy, chẳng nên có lúc thấy có lúc chẳng thấy. Do đây nên biết rằng nhãn căn thấy là có nhơn duyên, chẳng phải không nhơn duyên.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói chẳng phải nhơn nơi trần mà có tham cùng giải thoát, lời nầy không đúng nghĩa. Vì dầu chẳng phải do nơi năm trần mà có tham cùng giải thoát, nhưng vì ác giác quán thời sanh tham dục, vì thiện giác quán thời được giải thoát. Do nội nhơn duyên mà có tham cùng giải thoát, do ngoại nhơn duyên mà hai món nầy được tăng trưởng. Do đây nên lời ông nói tất cả pháp đều riêng có tự tánh, chẳng nhơn nơi năm trần sanh tham và giải thoát, là không đúng nghĩa.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói người thân thể đầy đủ lại nghèo thiếu chẳng tự do, người tàn tật thời giàu có tự do, nhơn đây chứng minh là có tự tánh, chẳng từ nơi nhơn duyên. Lời nầy chẳng đúng.
Nầy Thiện Nam Tử ! Chúng sanh do nơi nghiệp mà có quả báo. Quả báo nầy có ba : Hiện báo, sanh báo và hậu báo. Những người nghèo cùng giàu có, lành lặn hay tàn tật, đều do nghiệp riêng khác. Nếu là có tự tánh, người lành lặn lẽ ra phải giàu có, người giàu có lẽ ra phải lành lặn. Nay chẳng như vậy, nên biêt rằng không có tự tánh, mà đều từ nơi nhơn duyên.
Nầy Thiện Nam Tử ! Ông nói trẻ nhỏ chưa phân biệt được năm trần mà cũng khóc cũng cười, để chứng minh tất cả đều có tự tánh. Lời nầy chẳng đúng. Vì nếu có tự tánh lẽ ra cười phải thường cười, khóc phải thường khóc, chẳng nên một cười một khóc. Nếu đã một cười một khóc, thời biết rằng tất cả đều từ nhơn duyên. Do đây chẳng nên nói rằng tất cả pháp đều có tự tánh chẳng từ nơi nhơn duyên.
Phạm Chí nói : Bạch Thế Tôn ! Nếu tất cả pháp từ nhơn duyên mà có, thân thể nầy từ nhơn duyên nào ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Phiền não cùng nghiệp là nhơn duyên của thân nầy.
_ Bạch Thế Tôn ! Như thân nầy từ nơi phiền não và nghiệp mà có, vậy phiền não và nghiệp nầy có thể dứt được chăng ?
_ Có thể dứt được.
_ Bạch Thế Tôn ! Xin vì tôi giải nói, cho tôi được nghe liền đây đều dứt đượcphiền não và nghiệp.
_ Nầy Thiện nam Tử ! Nếu rõ biết hai bên và chặn giữa không chướng ngại, thời người nầy có thể dứt phiền não và nghiệp.
_ Bạch Thế Tôn ! Tôi đã hiểu biết, đã được chánh pháp nhãn.
Ông biết thế nào ?
_ Bạch Thế Tôn ! Hai bên là sắc và sắc giải thoát, trung gian chính là bát chánh đạo. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.
_ Lành thay ! Lành thay ! Nầy Thiện Nam Tử ! Ông biết rõ hai bên phiền não và nghiệp.
_ Bạch Thế Tôn ! Xin cho tôi xuất gia.
_ Thiện Lai Tỳ Kheo !
Liền đó Nạp Y Phạm Chí dứt trừ phiền não trong ba cõi được quả A La Hán.
Lại có Bà La Môn Hoằng Quảng nói rằng : Cù Đàm biết tâm niệm hiện tại của tôi chăng ?
Phật nói : Nầy Thiện Nam Tử ! Niết Bàn là thường, hữu vi là vô thường, cong là tà kiến, ngay là thánh đạo.
_ Cớ gì Cù Đàm nói như vậy ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Ý của ông thường cho rằng khất thực là thường, biệt thỉnh là vô thường, cong là cửa khóa, ngay là tràng của Thiên Đế. Do đây nên ta nói những lời vừa rồi, chẳng phải như chỗ suy nghĩ của ông.
_ Cù Đàm thiệt biết được tâm niệm của tôi. Bát chánh đạo đó có thể làm cho chúng sanh, tất cả đều được tận diệt chăng ?
Đức Thế Tôn nín lặng.
_ Cù Đàm đã biết tâm niệm của tôi, nay tôi hỏi sao lại nín lặng mà chẳng đáp ?
Lúc đó Kiều Trần Như liền nói : Nầy Đại Bà La Môn ! Nếu có người hỏi thế gian là hữu biên hay vô biên, thời Đức Như Lai thường nín lặng.
_ Nầy Đại Bà La Môn ! Bát thánh đạo là ngay , Niết Bàn là thường, nếu tu bát thánh dạo thời được diệt tận, nếu chẳng tu tập thời chẳng được.
Như thành lớn kia bốn vách chỉ có một cửa, người giữ cửa rất thông minh kẻ đáng cho đi thời cho, kẻ đáng ngăn thời ngăn lại, người nầy dầu chẳng biết được số người ra vào nhiều ít nhưng chắc chắn biết rằng tất cả người ra vào đều phải do người nầy.
Nầy Đại Bà La Môn ! Đức Như Lai cũng như vậy. Thành lớn dụ cho Niết Bàn, cửa dụ bát chánh đạo, người giữ cửa dụ Đức Như Lai.
Nay Đức Như Lai dầu chẳng trả lời là diệt tận cùng chẳng diệt tận, nhưng người được diệt tận, cần phải tu tập bát chánh đạo nầy.
Lành thay ! Lành thay ! Đại Đức Kiều Trần Như ! Đức Như Lai khéo nói pháp vi diệu. Nay tôi thiệt muốn biết thành lớn, biết đạo, tự mình làm người giữ cửa.
Kiều Trần Như nói : Lành thay ! Lành thay ! Ông có thể phát tâm vô thượng rộng lơn.
Phật nói : Nầy Kiều Trần Như ! Ông Bà La Môn Hoằng Quảng nầy chẳng phải mới phát tâm vô thượng. Thuở quá khứ cách đây vô lượng kiếp có Phật ra đời hiệu là Phổ Quang Minh đầy đủ mười hiệu, ông Hoằng Quảng nầy ở chỗ Đức Phật đó đã phát tâm vô thượng Bồ Đề. Trong Hiền Kiếp nầy Hoằng Quảng sẽ được thành Phật. Ông ấy từ đâu đã thông đạt pháp tướng, vì chúng sanh mà hiện ở ngoại đạo. Do đây nên Kiều Trần Như chẳng nên khen ông ấy là hiện nay có thể phát tâm vô thượng.
Lúc đó đức Thế Tôn đã biết mà hỏi Kiều Trần Như rằng : “ A Nan Tỳ Kheo nay ở đâu ?”
Kiều Trần Như thưa : “ Bạch Thế Tôn ! A Nan Tỳ Kheo ở ngoài rừng Ta La, cách đại hội nầy mười hai do tuần, đương bị sáu muôn bốn ngàn ức thiên ma nhiễu loạn. Chúng thiên ma nầy đều tự biến thân làm hình Như Lai mà tuyên nói những pháp khác nhau, hoặc lại thị hiện thần thông biến hóa.
Bạch Thế Tôn ! A Nan Tỳ Kheo nghe và thấy những việc nầy nghĩ rằng những thần thông biến hóa từ trước chưa từng thấy. Ai làm ra ? Hoặc giả Đức Thích Ca Thế Tôn hiện ra chăng ? A Nan muốn đứng dậy muốn nói, mà thân thể không theo ý muốn. A Nan lọt vào trong rọ của ma, tự nghĩ rằng : Chư Phật nói pháp riêng khác chẳng đồng, nay tôi nên lãnh thọ lời của Đức Phật nào ?
Bạch Thế Tôn ! Hiện nay A Nan rất khổ sở, dầu nghĩ nhớ Đức Như Lai mà không ai cứu thoát, do đó nên chẳng đến trong đại chúng nầy.
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi Đại Bồ Tát bạch Phật rằng : “ Thế Tôn ! Trong đại chúng nầy có hàng Bồ Tát đã từ một đời đến vô lượng đời phát tâm Bồ Đề, đã cúng dường vô lượng chư Phật, tâm chí bền chắc tu hành đầy đủ sáu môn Ba La Mật, trọn nên công đức lớn, từ lâu đã gần gũi vô lượng chư Phật, phạm hạnh thanh tịnh, tâm Bồ Đề chẳng thối chuyển, đặng nhẫn bất thối, trì bất thối, được như pháp nhẫn, Thủ Lăng Nghiêm v.v… vô lượng Tam Muội. Hàng Bồ Tát nầy nghe kinh Đại Thừa trọn chẳng sanh nghi mà có thể khéo phân biệt, tuyên nói Tam Bảo đồng một tánh tướng thường trụ bất biến. Nghe pháp bất tư nghì chẳng kinh sợ, nghe các pháp không lòng chẳng rúng động, thông đạt rành rẽ tất cả pháp tánh, thọ trì được tất cả mười hai bộ kinh và hiểu rõ ý nghĩa, cũng có thể thọ trì mười hai bộ kinh của vô lượng chư Phật.
Hàng Bồ Tát nầy lo gì chẳng thọ trì được kinh Đại Niết Bàn nầy, cớ gì Đức Như Lai lại hỏi Kiều Trần Như A Nan ở đâu ?
Đức Thế Tôn bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát : Lóng nghe ! Lóng nghe ! Nầy Thiện Nam Tử ! Ngày trước ta thành Phật đã trải qua ba mươi năm, lúc ở thành Vương Xá, ta có bảo các Tỳ Kheo rằng nay trong đại chúng nầy ai có thể vì ta mà thọ trì mười hai bộ kinh, và cung cấp hầu hạ cho ta, cũng khiến nơi mình chẳng mất lợi lành. Lúc đó Kiều Trần Như đến bạch với ta để lãnh. Ta bảo Kiều Trần Như đã già yếu cần phải có người hầu hạ, sao lại muốn hầu hạ ta. Lúc đó Xá Lợi Phất cũng đến lãnh, ta cũng bảo Xá Lợi Phật như đã bảo Kiều Trần Như. Lần lượt đến năm trăm vị A La Hán, ta đều chẳng nhận làm thị giả.
Lúc đó Đại Mục Kiền Liên liền nhập chánh định quán sát biết ý của Phật muốn A Nan làm thị giả liền xuất định nói với Kiều Trần Như.
Lúc đó Kiều Trần Như cùng năm trăm A La Hán đến nói với A Nan rằng : “ Nầy A Nan ! Nay ông nên làm thị giả cho Đức Như Lai, nên đến thưa với Đức Như Lai để nhận lấy việc ấy.
A Nan nói : “ Thưa chư Đại Đức ! Thiệt tôichẳng kham hầu hạ Như Lai. Vì Đức Như Lai tôn trọng như Sư Tử Vương, như rồng, như lửa, tôi thời yếu đuối nhơ nhớp đâu có thể kham được.
Các A La Hán khuyên bảo A Nan đến lần thứ ba, A Nan vẫn từ chối.
Đại Mục Kiền Liên nói rằng : Nầy A Nan, nay ông chưa rõ biết duyên cớ.
An Nan thưa : Bạch Đại Đức xin nói cho.
Đại Mục Kiền Liên nói : Vừa rồi, đức Như Lai cầu thị giả, năm trăm A La Hán đều xin lãnh mà Đức Như Lai chẳng bằng lòng. Tôi nhập định thấy ý của Như Lai muốn cho ông làm. Sao ông trở lại chẳng chịu.
A Nan nghe xong liền quỳ chắp tay thưa rằng : Bạch Chư Đại Đức ! Nếu có việc như vậy, Đức Thế Tôn cho tôi ba điều nguyện, tôi sẽ tuân mạng lịnh chư Tăng mà làm thị giả :]
Một là giả sử Đức Như Lai đem y cũ ban cho tôi, xin cho phép tôi chẳng nhận. Hai là giả sử Đức Như Lai thọ biệt thỉnh của đàn việt, xin cho phép tôi chẳngđi theo. Ba là xin cho phép tôi ra vào không luận là giờ khắc nào.
Nếu Đức Thế Tôn bằng lòng ba điều nguyện nầy, thời tôi xin tuân mạng lịnh chư Tăng mà làm thị giả cho Như Lai.
Kiều Trần Như cùng năm trăm A La Hán đem việc trên mà bạch lại với Phật.
Đức Phật Thế Tôn khen ngợi A Nan rằng : “ Lành thay ! Lành thay ! A Nan Tỳ Kheo có đủ trí huệ dự thấy mà tránh trước sự cơ hiềm. Vì sẽ có người cho rằng vì y thực mà A Nan hầu hạ Đức Như Lai, nên A Nan xin phép chẳng lãnh y cũ và chẳng theo Phật thọ biệt thỉnh. Lại A Nan có đủ trí huệ, biết rằng nếu ra vào có giờ thời không thể làm lợi ích rộng cho bốn bộ chúng, nên A Nan xin phép ra vào không luận giờ nào.
Ta bằng lòng cho phép A Nan ba điều như A Nan đã xin.
Đại Mục Kiền Liên trở lại bảo A Nan rằng : “ Chúng tôi đã đem lời ông yêu cầu bạch lên Đức Như Lai. Đấng Đại Từ đã bằng lòng.
A Nan thưa : “ Bạch Đại Đức ! Nếu Như Lai đã bằng lòng , tôi xin qua làm thị giả.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi : “ Hơn hai mươi năm nay, A Nan hầu hạ ta có đủ tám điều chẳng thể nghĩ bàn :
Một là hơn hai mươi năm, A Nan không bao giờ theo ta thọ biệt thỉnh. Hai là không bao giờ lãnh lấy y cũ của ta. Ba là không bao giờ đến ta mà phi thời. Bốn là dầu còn đủ phiền não nhưng khi theo ta vào cung vua, đến nhà sang giàu, thấy các người nữ, thiên nữ, long nữ, A Nan không bao giờ có dục tâm. Năm là mười hai bộ kinh của ta nói ra, nghe qua một lần A Nan đều nhớ rõ chẳng cần hỏi lại, như nước trong bình nầy rót qua bình kia, chỉ trừ một lần hỏi : Thuở Lưu Ly Thái Tử giết hại họ Thích Ca, phá thành Ca Tỳ La, A Nan buồn khổ khóc lóc đến bạch với ta rằng tôi cùng Như Lai đồng sanh trưởng trong thành nầy, đồng một họ Thích, tại sao dung nhan của Như Lai như thường, mà tôi thời tiều tụy. Ta đáp A Nan rằng vì ta tu không định nên chẳng đồng như ông.
Ba năm sau, A Nan trở lại hỏi ta rằng : Bạch Thế Tôn ! Tôi qua thành Ca Tỳ La kia từng nghe Đức Như Lai tu không Tam Muội, việc đó là hư hay thật ? Ta bảo A Nan đúng như vậy. Sáu là từ khi hầu hạ ta đến nay, dầu chưa được tha tâm trí, mà A Nan thường biết những chánh định của Như Lai nhập. Bảy là từ khi hầu ta đến nay, dầu chưa được nguyện trí, mà A nan có thể biết rõ người nầy đến chỗ Như Lai hiện tại có thể được bốn quả Sa Môn, người nầy ngày sau sẽ được, người nầy sẽ được thân Trời hay thân người. Tám là từ khi hầu ta đến nay, những lời bí mật của Như Lai, A Nan đều biết được cả.
Nầy Văn Thù Sư Lợi ! A Nan Tỳ Kheo có đủ tám điều bất tư nghì như vậy nên ta gọi A Nan là đa văn tạng.
Nầy Văn Thù Sư Lợi ! A Nan lại có đủ tám pháp nên có thể thọ trì hoàn toàn mười hai bộ kinh : Một là tín căn kiên cố, hai là tâm ý chất trực, ba là thân không bịnh, bốn là thường tinh tấn, năm là có đủ niệm tâm, sáu là không kiêu mạn, bảy là thành tựu định ý, tám là có đủ trí huệ do nghe pháp mà sanh.
Nầy Văn Thù Sư Lợi ! Thị giả của Phật Tỳ Bà Thi tên là A Thúc Ca cũng có đủ tám pháp như vậy. Thị giả của Phật Thi Khí tên là Sai Ma Ca La, thị giả của Phật Tỳ Xá Phù tên là Ưu Ba Phiến Đà, thị giả của Phật Câu Lưu Tôn tên là Bạt Đề, thị giả của Phật Câu Na Hàm Mâu Ni tên là Tô Đàn. Thị giả của Phật Ca Diếp tên là Diệp Đà Mật Đa, đều cũng có đủ tám pháp như vậy. Nay A Nan thị giả của ta cũng có đủ tám pháp ấy, nên ta gọi A Nan là đa văn tạng.
Nầy Văn Thù Sư Lợi ! Trong đại chúng nầy dầu có vô lượng vô biên Bồ Tát, nhưng các Bồ Tát nầy đều có trọng nhiệm là đại từ đại bi, đều có công vụ gấp rút : Điều phục quyến thuộc và trang nghiêm tự thân. Do đây nên sau khi ta nhập Niết Bàn, những vị nầy không thể tuyên thông mười hai bộ kinh. Nếu có Bồ Tát hoặc có lúc tuyên thuyết mà người chẳng tin thọ.
Nầy Văn Thù Sư Lợi ! A Nan Tỳ Kheo là em của ta, hầu hạ ta hơn hai mươi năm, những pháp được nghe đều thọ trì đầy đủ như nước rót vào một cái bình. Nên nay ta cố hỏi A Nan ở đâu, muốn khiến A Nan thọ trì kinh Đại Niết Bàn nầy.
Nầy Văn Thù Sư Lợi ! Sau khi ta nhập Niết Bàn, những pháp mà A Nan được nghe, ông ấy tự có thể tuyên thông, những pháp A nan chưa được nghe thời Hoằng Quảng Bồ Tát có thể lưu bố.
Nầy Văn Thù Sư Lợi ! Nay A Nan ở cách ngoài đại hội nầy mười hai do tuần, đương bị sáu muôn bốn ngàn ức thiên ma não loạn, ông nên qua đó nói lớn rằng : Tất cả loài ma nên lóng nghe ! Nay Đức Như Lai nói Đại Đà La Ni, tất cả thiên long bát bộ cùng chư vị thần kỳ đều cung kính thọ trì Đà La Ni nầy. Mười hằng hà sa chư Phật cũng đồng tuyên nói Đà La Ni nầy. Đà La Ni nầy có thể chuyển thân nữ, tự biết túc mạng. Nếu thọ trì năm điều : Phạm hạnh, đoạn nhục, đoạn tửu, đoạn tâm, thích ở vắng lặng, rồi chí tâm, tín thọ, đọc tụng, biên chép Đà La Ni nầy, người nầy sẽ được vượt khỏi bảy mươi bảy ức thân tệ ác.
Liền đó đức Thế Tôn nói thần chú :
_ A Ma Lệ, Tỳ Ma Lệ, Niết Ma Lệ, Mông Già Lệ, Hê Ma La Nhã Kiệt Bệ, Tam Mạn Na Bạt Đề Lệ, Ta Bà La Đà Ta Đàn Ni, Ba La Ma Tha Ta Đàn Ni, Ma Na Tư, A Chuyết Đề, Tỳ La Kỳ, Am Ma Lại, Đàn Bà Táp Ma, Tá Lệ Phú La Nê, Phú La Na, Ma Nô Lại Đệ.
Lúc đó Văn Thù Sư Lợi lãnh Đà La Ni nầy đến chỗ A Nan y theo lời Phật to tiếng bảo chúng ma.
Ma Vương nghe Đà La Ni nầy rồi liền phát tâm vô thượng Bồ Đề, bỏ nghiệp ma và thả A Nan.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cùng A Nan đồng đến chỗ Phật, A Nan thấy Phật chí tâm kỉnh lễ.
Phật bảo A Nan, ngoài rừng Ta La nầy có một Phạm Chí tên Tu Bạt Đà La đã một trăm hai mươi tuổi, ông ấy dầu được ngũ thông mà chưa bỏ kiêu mạn, được phi phi tưởng định cho là nhứt thiết trí đã được Niết Bàn. Ông nên đến nói với Tu Bạt Đà La rằng : Đức Như Lai ra đời như hoa Ưu Đàm. Giưã đêm nay đức Như Lai sẽ nhập Niết Bàn. Nếu có chỗ phải làm nên làm kịp thời, chớ để ngày sau sanh lòng hối hận.
Ông nói, Tu Bạt Đà La chắc sẽ tin thọ. Vì ông thuở quá khứ đã từng năm trăm đời làm con trai của Tu Bạt Đà La. Lòng yêu thương của ông ấy vẫn còn, nên có thể tin thọ lời của ông.
A Nan tuân lời Phật đến nói với Tu Bạt Đà La.
Tu Bạt Đà La bảo rằng: Lành thay ! Thưa ngài A Nan ! Nay tôi sẽ đến chỗ Như Lai.
A Nan cùng Tu Bạt Đà La trở về ra mắt Phật.
Thăm hỏi xong , Tu Bạt Đà La nói : Thưa Cù Đàm ! Nay tôi muốn hỏi xin ngài đáp cho.
Phật liền hứa khả.
Tu Bạt Đà La nói : Thưa Cù Đàm ! Có các nhà Sa Môn, Bà La Môn nói rằng tất cả chúng sanh thọ báo khổ vui đều theo nơi nghiệp đã tạo ra ngày trước. Do đây nếu có người trì giới tinh tấn, thân tâm chịu khổ thời phá hoại được nghiệp đời trước. Nghiệp cũ đã hết thời quả khổ cũng dứt hết, khổ đã dứt thời chứng được Niết Bàn. Nghĩa trên đây là thế nào ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Nếu có Sa Môn hay Bà La Môn nói như vậy, ta sẽ vì xót thương mà thường đến chỗ người ấy để hỏi rằng : Quả thiệt ngài có nói như vậy chăng ? Nếu họ đáp là có và họ bảo rằng vì họ thấy cbúng sanh làm điều ác mà giàu sang tự tại, lại thấy người làm lành mà nghèo hèn mất tự do, lại thấy có người ra công ra sức nhiều mà không có của, thấy kẻ ở không tự nhiên có của, có người từ tâm chẳng sát sanh mà chết yểu, có kẻ ưa sát sanh lại sống lâu, có người tinh tấn trì giới phạm hạnh thanh tịnh hoặc được giải thoát hoặc chẳng được, do đây nên nói rằng tất cả chúng sanh thọ báo khổ vui đều do nghiệp nhơn ngày trước.
Nầy Tu Bạt Đà La ! Tasẽ hỏi họ các ngài có thiệt thấy nghiệp quá khứ chăng ? nếu có, nghiệp ấy nhiều hay ít ? Khổ hạnh hiện tại phá được nhiều ít ? Các ngài biết được nghiệp nầy đã hết hay chẳng hết chăng? Nghiệp nầy đã hết là hết tất cả chăng ? _ Nếu họ đáp là họ thiệt chẳng biết, thời ta sẽ vì họ mà dẫn ví dụ : Như có người thân bị tên độc, gia quyến rước y sĩ đến để nhổ mũi tên độc, lấy độc xong người đó được lành mạnh. Sau đó mười năm, người nầy còn nhớ rõ rằng : Y sĩ đó nhổ tên độc cho tôi rồi dùng thuốc thoa đắp khiến tôi được lành mạnh an vui.
Các ngài đã chẳng biết nghiệp nhơn quá khứ làm sao biết được khổ hạnh hiện tại quyết định phá được nghiệp quá khứ ?
Nếu họ nói rằng : Nay Cù Đàm cũng có nghiệp quá khứ, cớ sao lại riêng trách nghiệp quá khứ của chúng tôi ? Trong kinh của Cù Đàm cũng nói rằng : Nếu thấy người giàu sang tự tại, thời nên biết người nầy đời trước ưa bố thí. Như vậy chẳng phải gọi là nghiệp quá khứ ư ?
Ta bảo họ rằng : Nầy các ngài ! Biết như vậy gọi là tỉ tri, chẳng gọi là chơn tri. Trong Phật pháp hoặc có do nhơn mà biết quả, hoặc có do quả mà biết nhơn. Trong Phật pháp có nghiệp quá khứ có nghiệp hiện tại. Các ngài thời chẳng như vậy, chỉ có nghiệp quá khứ mà không biết nghiệp hiện tại.
Phật pháp của ta do nơi phương tiện mà dứt nghiệp, giáo pháp của các ngài thời chẳng từ nơi phương tiện mà dứt nghiệp.
Giáo pháp của các ngài cho rằng nghiệp đã hết thời khổ hết, Phật pháp của ta thời phiền não đã hết nghiệp và khổ cũng hết. Do đây nên ta trách nghiệp quá khứ của các ngài.
Nếu họ nói rằng : Thưa Cù Đàm ! Chúng tôi thiệt chẳng biết, đó là lời của thầy chúng tôi, không phải lỗi của chúng tôi.
Ta sẽ bảo họ rằng thầy của các ngài là ai ? Nếu họ đáp là Phú Lan Na. Thời ta lại bảo họ rằng : Trước kia sao các ngài chẳng thưa hỏi cho rõ ràng coi thầy của các ngài có thiệt biết nghiệp quá khứ không ? Nếu Thầy của các ngài bảo là chẳng biết, tại sao các ngài lại nhận lấy lời ấy. Nếu thầy của các ngài bảo là biết thời nên hỏi rằng : Hạ khổ làm nhơn duyên có thọ trung và thượng khổ chăng ? Trung khổ làm nhơn duyên có thọ hạ và thượng khổ chăng ? Thượng khổ làm nhơn duyên có thọ hạ và trung khổ chăng ? Nếu đáp là không thời nên lại hỏi : Sao nhà thầy nói báo khổ vui chỉ do nghiệp quá khứ mà chẳng phải nghiệp hiện tại ?
Lại nên hỏi : Khổ hiện tại, quá khứ có chăng ? Nếu quá khứ có khổ thời nghiệp quá khứ đều đã dứt hết, nếu đã đều dứt hết sao lại còn thọ lấy thân ngày nay ? Nếu quá khứ không khổ chỉ có nơi hiện tại, tại sao lại nói chúng sanh khổ vui đều do nghiệp quá khứ ?
Nầy các ngài ! Nếu cho rằng khổ hạnh hiện tại có thể phá hoại nghiệp quá khứ, lại lấy gì để phá khổ hạnh hiện tại ? Nếu như chẳng phá thời khổ là thường, nếu khổ là thường sao lại nói rằng được giải thoát khổ ? Nếu lại có hạnh nhiệp phá hoại khổ hạnh, thời quá khứ đã hết tại sao có khổ ?
Nầy các ngài ! Khổ hạnh như vậy có thể làm cho nghiệp vui thọ lấy quả khổ chăng ? Có thể làm cho nghiệp khổ thọ lấy quả vui chăng ? Có thể làm cho nghiệp không khổ không vui chẳng thọ quả chăng ? Có thể làm cho báo hiện tại thành báo đời kế chăng ? Có thể làm cho báo đời kế thành báo hiện tại chăng ? Có thể làm cho hai báo nầy thành không quả báo chăng ? Có thể làm cho định báo thành không quả báo chăng ? Có thể làm cho không quả báo thành định báo chăng ?
Nếu họ trả lời rằng không thể được, ta sẽ bảo rằng : Nầy các ngài ! Nếu như không thể được, duyên cớ gì các ngài lại thọ khổ hạnh nầy ?
Các ngài nên biết rằng quyết định có nghiệp quá khứ và nhơn duyên hiện tại. Do đây nên tôi nói nhơn nơi phiền não mà sanh ra nghiệp, nhơn nơi nghiệp mà thọ quả báo.
Các ngài nên biết rằng tất cả chúng sanh có nghiệp quá khứ và có nhơn hiện tại. Dầu chúng sanh có nghiệp sống lâu quá khứ, nhưng phải nhờ nhơn duyên ăn uống hiện tại. Nếu nói chúng sanh thọ khổ thọ vui quyết định chỉ do nơi nghiệp quá khứ thời không phải. Vì như có người trừ được kẻ thù cho nhà vua, do đây mà được vua ban cho nhiều của báu, do có nhiều tiền của mà hiện tại được sung sương. Người nầy hiện tại làm nhơn sung sướng nên thọ báo sung sướng hiện tại. Lại như có người giết chết Vương Tử, do đây mà phải bị tru lục. Người nầy hiện tại tạo nhơn khổ nên phải thọ báo khổ hiện tại.
Nầy các ngài ! Tất cả chúng sanh hiện tại nhơn nơi tứ đại, thời tiết, đất đai, nhơn dân mà thọ khổ thọ vui. Do đây nên ta nói tất cả chúng sanh bất tất đều nhơn nơi nghiệp đời trước mà thọ khổ, thọ vui.
Nầy các ngài ! Nếu do nhơn duyên dứt nghiệp mà được giải thoát, thời tất cả thánh nhơn chẳng được giải thoát. Vì bổn nghiệp quá khứ của tất cả chúng sanh là vô thỉ vô chung. Do đây nên ta nói lúc tu thánh đạo, thánh đạo nầy có thể ngăn nghiệp vô thỉ vô chung.
Nầy các ngài ! Nếu thọ khổ hạnh bèn đắc đạo đó, thời tất cả loài súc sanh lẽ ra đều đắc đạo. Do đây nên phải trước điều phục tâm mình mà chẳng điều phục thân. Vì thế nên trong kinh ta nói chặt đốn rừng nầy chớ chặt đốn cây, vì do nơi rừng sanh kinh sợ chẳng phải do nơi cây. Muốn điều phục thân phải trước điều phục tâm. Tâm dụ như rừng, thân dụ nơi cây.
Tu Bạt Đà La thưa : Bạch Thế Tôn ! Tôi đã trước điều phục tâm rồi.
Phật nói : Nầy Thiện Nam Tử !Nay ông làm thế nào có thể trước điều phục tâm ông ?
_ Bạch Thế Tôn ! Tôi trước suy nghĩ rằng : Dục ái là vô thường, vô lạc, vô tịnh, quán sát sắc là thường, lạc, ngã, tịnh. Suy nghĩ như vậy rồi kiết sử cõi dục dứt mà được sắc xứ, nên gọi là trước điều phục tâm.
Kế đó tôi quán sát sắc là vô thường : Như mụn nhọt ghẻ, như thuốc độc như mũi tên, thấy vô sắc là thường tịch tịnh trong sạch. Quán sát như vậy rồi kiết sử cõi sắc dứt mà được vô sắc xứ. Do đây nên gọi là trước điều phục tâm.
Kế đó tôi lại quán sát tưởng là vô thường như nhọt như ghẻ như độc như tên. Quan sát như vậy rồi được phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phi phi tưởng xứ nầy là nhứt thiết trí vắng lặng thanh tịnh thường hằng bất biến không sa đọa. Do đây nên tôi có thể điều phục lấy tâm mình.
Phật nói : Nầy Thiện Nam Tử ! Như thế thời ông đâu có điều phục được tâm ! Phi tưởng phi phi tưởng xứ định của ông được vẫn còn gọi là tưởng, Niết Bàn là vô tưởng, sao ông nói rằng chứng được Niết Bàn ?
Nầy Thiện Nam Tử ! Trước ông đã có thể nhàm trách thô tưởng, nay sao ông lại tham trước nơi tế tưởng. Chẳng biết nhàm trách phi tưởng phi phi tưởng xứ định, định nầy vẫn gọi là tưởng như nhọt ghẻ như độc như tên.
Nầy Thiện Nam tử ! Thầy của ông là Uất Đầu Lam Phất thông minh lanh lợi còn không thể dứt được phi tưởng phi phi tưởng xứ nầy mà phải thọ lấy thân ác đạo, huống là những kẻ khác.
_ Bạch Thế Tôn ! Thế nào có thể dứt được tất cả các cõi ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Người quán thiệt tướng có thể dứt tất cả các cõi.
Bạch Thế Tôn ! Thế nào gọi là thiệt tướng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Tướng vô tướng gọi là thiệt tướng.
_ Bạch Thế Tôn ! Thế nào gọi là tướng vô tướng ?
_ Nầy Thiện Nam Tử ! Tất cả pháp không tự tướng, không tha tướng và không tự tha tướng, không tướng vô nhơn, không tướng tác, không tướng thọ gỉa, không tướng pháp, tướng phi pháp, không tướng nam nữ, không tướng sĩ phu, không tướng vi trần, không tướng thời tiết, không tướng làm ra mình, không tướng làm ra người, không tướng làm ra mình ra người, không tướng có tướng không, không tướng sanh, tướng sanh giả, không tướng nhơn, tướng nhơn nhơn, không tướng quả, tướng quả quả, không tướng ngày đêm, không tướng sáng tối, không tướng kiến tướng, kiến giả, không tướng văn tướng văn giả, không tướng giác tri, tướng giác tri giả, không tướng Bồ Đề, không tướng Đắc Bồ Đề giả không tướng nghiệp, tướng nghiệp chủ, không tướng phiền não, tướng phiền não chủ.
Nầy Thiện Nam Tử ! Những tướng như vậy tùy theo chỗ nó diệt thời gọi là tướng chơn thiệt. Tất cả pháp đều là hư giả, tùy theo chỗ nó diệt thời gọi là thiệt. Đây gọi là thiệt tướng, là pháp giới, là tất cánh trí, là đệ nhứt nghĩa đế, là đệ nhứt nghĩa không.
Nầy Thiện Nam Tử ! Nơi thiệt tướng nầy, người hạ trí quán đó thời được Thanh Văn Bồ Đề, người trung trí quán đó thời được Duyên Giác Bồ Đề, người thượng trí quán đó thời được vô thượng Bồ Đề.
Lúc Phật nói pháp nầy, có mười ngàn Bồ Tát chứng được nhứt sanh thật tướng, có mười lăm ngàn Bồ Tát chứng được nhị sanh pháp giới, có hai mươi lăm ngàn Bồ Tát được tất cánh trí, có ba mươi lăm ngàn Bồ Tát ngộ đệ nhứt nghĩa đế. Đệ nhứt nghĩa đế nầy cũng gọi là đệ nhứt nghĩa không, cũng gọi là Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội. Lại có bốn mươi lăm ngàn Bồ Tát được hư không Tam Muội, hư không Tam Muội nầy cũng gọi là Quảng Đại Tam Muội, cũng gọi là Trí Ấn Tam Muội. Năm mươi lăm ngàn Bồ Tát được bất thối nhẫn, bất thối nhẫn nầy cũng gọi là như pháp nhẫn, cũng gọi là như pháp giới. Có sáu mươi lăm ngàn Bồ Tát được Đà La Ni, Đà La Ni nầy cũng gọi là Đại Niệm Tâm, cũng gọi là vô ngại trí. Có bảy mươi lăm ngàn Bồ Tát được Sư Tử Hống Tam Muội, Tam Muội nầy cũng gọi là Kim Cang Tam Muội, cũng gọi là Ngũ Trí Ấn Tam Muội. Có tám mươi lăm ngàn Bồ Tát được bình đẳng Tam Muội, Tam Muội nầy cũng gọi là Đại Từ Đại Bi. Có vô lượng hằng hà sa chúng sanh phát tâm vô thượng Bồ Đề, vô lượng hằng hà sa chúng sanh phát tâm Duyên Giác, vô lượng hằng hà sa chúng sanh phát tâm Thanh Văn. Có hai muôn ức nhơn nữ và thiên nữ hiện đời chuyển thân nữ được thân nam.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.155.202 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.