死 書; T: bardo thodol [bar-do thos-grol]; nguyên nghĩa là »Giải thoát qua âm thanh trong Trung hữu«;
Là một bí lục, được xem là trứ tác của Ðại sư Liên Hoa Sinh (s: padmasambhava), gồm những lời khai thị cho người sắp chết (Tử). Tử thư được tìm thấy khoảng thế kỉ thứ 14, đó là một Ter-ma. Giai đoạn của cái chết được chia làm ba phần, liên hệ chặt chẽ với Ba thân Phật:
1. Trong giai đoạn đầu ngay sau khi chết, Pháp thân (s: dharmakāya) xuất hiện dưới dạng Cực quang (s: ābhāsvara), ánh sáng rực rỡ;
2. Trong giai đoạn hai, Báo thân (cũng gọi là Thụ dụng thân; s: saṃbhogakāya) xuất hiện dưới dạng Ngũ Phật hay Phật gia (buddhakula), gồm hình dáng các vị Phật với những màu sắc khác nhau;
3. Trong giai đoạn ba, Ứng thân (nirmāṇakāya) xuất hiện dưới dạng sáu đường tái sinh (Lục đạo) của Dục giới (Vòng sinh tử; s: bhavacakra).
Trong cả ba giai đoạn đó, thần thức của người chết có thể đạt giải thoát bằng cách lắng nghe lời khai thị để nhận ra tất cả là do tâm thức mình đang chiếu hiện mà nhờ vậy đạt Niết-bàn.
Giáo pháp Tử thư được tìm thấy trong Na-rô lục pháp (t: nāro chodrug), Ðại cứu kính (t: dzogchen) và cả trong Bôn giáo của Tây Tạng. Ban đầu, đây là một phép tu (Nghi quĩ; s: sādhana) dành cho hành giả quán cảnh tượng cái chết, một phương pháp tu của Mật tông. Dần dần theo thời gian, Tử thư trở thành nội dung khai thị trong lễ cầu siêu cho người chết. Dựa trên Tử thư, lễ này chia làm nhiều giai đọan, từ lúc mô tả cảnh tượng lúc chết, đến lúc xuất hiện các ánh sáng, phương thức chủ động lựa chọn nơi chốn đầu thai.
Quá trình chết được Tử thư mô tả như một giai đoạn dần dần rủ bỏ thân Tứ đại, các uẩn (Ngũ uẩn) dần dần hoại diệt. Khi cái chết vừa đến, thế giới ngoại quan vừa tan rã thì thể tính sâu kín nhất của tâm liền xuất hiện dưới dạng ánh sáng rực rỡ, được gọi là Cực quang (s: ābhāsvara). Nếu người chết không tự nhận biết thời điểm để tự »đồng hóa« với ánh sáng này đạt giải thoát thì sẽ »bất tỉnh ba bốn ngày« và sau đó tỉnh dậy với một thân được hình thành bằng ý thức – thức thân (s: manokāya) – thân này sẽ là chủ thể cảm nhận các kinh nghiệm tiếp theo.
Trong 14 ngày sau đó – khoảng thời gian được gọi là Pháp tính trung hữu (s: dharmatāntarābhava) – chủ thể đó sẽ thấy hiện ra Ngũ Phật và quyến thuộc (Phật gia), chứng kiến sự xuất hiện của 42 vị Hộ Thần dưới dạng tịch tịnh (s: śānta) và 58 vị dưới dạng phẫn nộ (s: krodha). Các vị Hộ Thần này xuất hiện trong phạm vi của một Man-đa-la và người ta có thể mô tả chính xác chư vị trong Tử thư được là vì sử dụng một Nghi quĩ (s: sādhana) với khả năng bao gồm, soi rọi tất cả những cảm xúc, tâm trạng của một cá nhân. Khía cạnh tính Không – tính trống rỗng của chư pháp – được biểu hiện qua các vị Hộ Thần dưới dạng tịch tịnh, khía cạnh sáng rõ được biểu hiện qua các vị phẫn nộ. Tử thư khai thị người chết rằng những hình ảnh không có thật chất – chúng chỉ là phản ánh, là những trình hiện của chính tâm thức.
Nếu thần thức cũng không trực chứng được điều này, thân trung hữu chuyển qua một giai đoạn khác kéo dài 28 ngày – được gọi là Trung hữu của sự trưởng thành và tái sinh (bhavāntarābhava). Trong 21 ngày đầu, trung hữu sẽ sống lại các Nghiệp mình đã tạo ra, 7 ngày sau là giai đoạn thần thức tìm một nơi tái sinh.