HomeIndex

Liên Hoa Sinh

蓮 華 生 ; S: padmasambhava hoặc padmakāra;

Ðại sư Ấn Ðộ, sống cùng thời vua Tây Tạng Tri-song Det-sen (755-797; Hán Việt: Ngật-lật-sang Ðề-tán). Sư truyền Phật giáo sang Tây Tạng và sáng lập tông Ninh-mã (t: nyingmapa), một trong bốn tông phái lớn của Tây Tạng và được các đệ tử gọi là »Phật thứ hai.« Sư hay sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái và thiên tai. Cách tu hành của Sư rất đa dạng, từ cách sử dụng đao trủy thủ (Phurbu) đến tu tập các phép thiền định theo hệ thống Ðại cứu kính (t: dzogchen). Sư thuộc dòng của các vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha), để lại rất nhiều chuyện thần thoại cho đời sau và ở các nước vùng Hi-mã-lạp sơn, người ta tôn thờ gọi Sư là »Ðạo sư quí báu« (guru rimpoche).

Tương truyền rằng, Liên Hoa Sinh sinh ra trong một hoa sen, tại Tây Bắc Kashmir, sớm thông tất cả kinh sách, nhất là Mật giáo (Tan-tra). Trong thế kỉ thứ 8, Sư đến Tây Tạng, một nước còn nằm dưới ảnh hưởng của các tôn giáo thiên nhiên. Sư đến đây chinh phục ma quỉ, thiên tai và ảnh hưởng của giáo phái Bôn (t: bon). Sư cũng cho xây tu viện Tang-duyên (t: samye) năm 775 và thời gian hoạt động tại Tây Tạng xem như chấm dứt tại đó. Có nhiều tài liệu cho rằng Sư hoằng hóa ở Tây Tạng lâu hơn, truyền giáo cho 25 đệ tử, trong đó có nhà vua Tây Tạng và giáo thuyết quan trọng nhất là »Tám tuyên giáo«. Ngoài ra, Sư còn để lại nhiều bài dạy được dấu trong rừng núi (Ter-ma), chỉ được khám phá ra vào một thời điểm nhất định. Một trong những bài dạy đó là bộ Tử thư. Ðệ tử quan trọng và là người viết lại tiểu sử của Sư là bà Ye-she Tsog-yel.

Sư có nhiều bài dạy đệ tử tu tập theo con đường ngắn nhất, trực tiếp đến Giác ngộ. Những bài khuyên dạy thường xoay quanh sáu điểm cụ thể như sau:

1. Ðọc thật nhiều kinh sách, lắng tai nghe các vị Ðại sư dạy bảo để nhập tâm rồi sau đó ứng dụng để tự thấy hiệu quả, sai trái;

2. Chọn một trong tất cả học thuyết này và chú tâm vào nó, tất cả những thuyết khác đều phải bỏ qua, ví như con diều hâu săn từ trên cao, chỉ chọn một con mồi duy nhất;

3. Sống khiêm tốn cần kiệm, không bao giờ tự nâng mình, đưa mình ra trước, bỏ ý muốn đạt danh vọng, quyền uy trong thế gian. Sau cái bề ngoài vô nghĩa này thì lại đưa tâm thức lên cao vút, vượt qua tất cả các danh hiệu chói lọi của tục thế;

4. Giữ lòng Xả (s: upekṣā) đối với tất cả. Ăn uống như một con heo, con chó, không chọn lựa, có gì ăn nấy. Không được cố gắng để đạt hoặc né tránh bất cứ một cái gì. Chấp nhận mọi việc như chúng đến, giàu sang phú quí hay cơ hàn, lời chê bai hay tán thán. Không phân biệt giữa đúng sai, thiện ác, thành bại. Không hối tiếc và cũng không hãnh diện, vui mừng về bất cứ việc gì đã làm (Bát phong);

5. Với tâm vô tư, không thiên vị mà nghe và quán sát tất cả những hành động lời nói của mọi người. Cứ nghĩ rằng, nhân gian là như thế, người này như vậy, người kia thế đó. Quán sát thế gian như một người đứng trên đỉnh núi nhìn xuống;

6. Cấp này không thể trình bày diễn tả. Nó tương ưng với sự trực giác tính Không, tương ưng với Không (s: śūnyatā).

Dòng Ninh-mã xem ngày 10 mỗi tháng là ngày vía của Liên Hoa Sinh và mỗi tháng có một ý nghĩa khác nhau. Ngày 10 tháng giêng là ngày xuất gia và quán tử thi, ngày 10 tháng 2 là ngày thụ giới, ngày 10 tháng 3 là ngày chuyển hóa lửa thành nước v.v.. Bài dạy cầu Liên Hoa Sinh được ghi thành 7 dòng như sau:

Nơi miền Tây bắc Ô-trượng-na

Trong một đóa hoa sen

Ngài đã đạt Vô thượng bồ-đề

Ngài là Liên Hoa Sinh

Với nhiều nữ thần hộ vệ xung quanh

Con nguyện theo Ngài

Hãy đến đây độ trì cho đệ tử.