S: maṇḍala; nguyên nghĩa là »vòng tròn, vòng cung«;
Một khái niệm quan trọng của Phật giáo Tây Tạng và Kim cương thừa. Ðó là biểu tượng của vũ trụ và lực lượng trong vũ trụ diễn tả bằng những tranh vẽ. Người ta sử dụng Man-đa-la để tập trung thiền định, nó là xuất phát điểm của nhiều phương pháp Quán đỉnh. Tại Tây Tạng, người ta hiểu Man-đa-la là »trung tâm và ngoại vi«, là cơ sở để hiện tượng hợp nhất với bản thể. Vì vậy trong một Man-đa-la, người ta thường thấy vô số cảnh vật, hình tướng khác nhau, nhưng chúng nằm trong một tranh vẽ duy nhất với thứ tự trên dưới rõ rệt.
Trong Kim cương thừa, Man-đa-la không chỉ là đối tượng thiền quán mà còn là bàn thờ để thiền giả bày biện các lễ vật hay pháp khí. Tuy thế muốn được làm như thế, hành giả phải được một vị đạo sư thừa nhận và cho phép thực hiện Nghi quĩ (s: sādhana) đó. Mỗi Man-đa-la đều nhắm đến một vị Phật nhất định và vì thế lễ vật hay pháp khí đều phải phù hợp. Kim cương thừa xem mọi thứ đều có thể là Man-đa-la, từ thế giới ngoại cảnh đến chính bản thân hay tâm thức mình. Tuy nhiên theo truyền thống người ta hay xem Man-đa-la là một lâu đài hình vuông có bốn cửa nhìn ra bốn phía. Có 4 cách để xây dựng một Man-đa-la: 1. Bằng một bức họa (Thăng-ka), 2. Bằng cát nhuộm màu, 3. Bằng từng đống gạo nhỏ và 4. Bằng vật thể ba chiều, thường là kim loại. Nếu trung tâm của Man-đa-la vẽ một vị thần mặt mày dữ tợn, thường Man-đa-la đó hay chỉ tính vô thường của vạn sự, được vẽ với tử thi vây tròn chung quanh. Có khi Man-đa-la được vẽ với biểu tượng của các Phật gia (buddhakula).