HomeIndex

Ter-ma

T: terma [gter-ma]; dịch nghĩa là »báu vật«;

Trong Phật giáo Tây Tạng, Ter-ma là kinh sách của thế kỉ thứ 8, trong thời gian mới đầu lúc truyền bá Phật pháp, phải được dấu kín để được khám phá ra lúc cơ duyên chín muồi. Người khám phá ra kinh sách đó được gọi là Ter-ton, và có trách nhiệm truyền bá và giải thích. Ðặc biệt trong giáo phái Ninh-mã (t: nyingmapa) người ta rất tin tưởng các Ter-ma. Việc cất giữ kinh sách trong một chỗ bí mật thật ra là truyền thống Ấn Ðộ. Người ta còn kể lại rằng, Long Thụ đã nhận được kinh điển từ Long vương (s: nāga) trao cho và có trách nhiệm truyền bá giáo pháp ấy.

Tông phái có nhiều Ter-ma nhất của Tây Tạng là Ninh-mã (nyingmapa), mà phần quan trọng nhất do Liên Hoa Sinh (padmasambhava) và nữ đệ tử là Ye-she Tsog-yel (t: yeshe tsogyel) truyền lại. Các bí lục này không chỉ gồm giáo pháp từ Ấn Ðộ mà của cả xứ Ô-trượng-na (t: orgyen). Tương truyền Liên Hoa Sinh đã dấu các tác phẩm này trong 108 chỗ bí mật tại Tây Tạng, trong các hang hốc hay tranh tượng. Một trong những bí lục quan trọng đó là hồi kí cuộc đời của Liên Hoa Sinh cũng như bộ Tử thư (t: bardo thodol). Ngoài ra các tài liệu về thiên văn và y học cũng được xem là Ter-ma.

Khoảng giữa thế kỉ 10 và 14, nhiều vị nhận được khải thị tìm thấy Ter-ma, thường thường là khải thị trong giấc mộng hoặc linh ảnh. Các vị đó có trách nhiệm tìm kiếm, xếp đặt lại và luận giải thêm về các Ter-ma đó. Trong trường phái Ninh-mã, người ta rất trọng thị các vị Ter-ton (người tìm ra các Ter-ma), nhất năm vị »vua tìm thấy báu vật« mà một trong năm vị đó là Org-yan Pe-ma Ling-pa (1445-1521), được xem là hậu thân của Long-chen-pa. Có khi một Ter-ma vừa tìm ra được lại phải dấu kín lại vì chưa đến lúc công bố. Các Ter-ma đó được gọi là »của báu phải dấu hai lần.«